Người xứ Nghệ

Thi sĩ Quỳnh Dao [1918 - 1947]

Quỳnh Dao là bút danh của Đinh Nho Diệm, quê làng Gôi Mỹ, tổng Yên Ấp, nay là xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con trưởng nhà nho yêu nước Đinh Nho Huề, dòng dõi các Tiến sĩ Đinh Nho Công, Đinh Nho Hoàn, Đinh Nho Điển thời Lê – Nguyễn(1) và nhà cách mạng thời cận đại Đinh Nho Thục (tức Đinh Doãn Tế)(2).

Đinh Nho Diệm sinh vào tháng 1-1918. Báo Đông Tây số 2, 3, 4/ 1942 đăng bài Thằng thi sĩ ấy viết về “một sự thật của Quỳnh Dao”. Có thể coi đó là lời “tự thuật” về tuổi nhỏ của ông:

“Nó sinh vào đầu năm 1918… Cha mẹ nó nghèo lắm và hiền lành lắm, nên nó đã hấp thụ được sự hiền lành của cha mẹ nó, và nó cũng bắt chước cha mẹ để mà… nghèo… Sang sáu tuổi thì nó đã khôn, đã biết đọc, biết viết, đã du học! Nó chào mẹ nó và khóc nức nở để theo bà ra Hải Phòng với cha nó. Cha nó là một thâm nho thất thế, đi làm việc Tây một tháng chín đồng bạc. Thế là hàng ngày nó ngồi thừ ra rớm nước mắt trông về Hương Sơn, có mẹ và em nó. Nó hay đi chùa Âu-đà để ăn oản, vì nhà sư thương nó lắm. Ngoài sự ăn oản, nó còn đi chùa để nhặt quả thông khô về cho bà nó nhóm bếp. Nó học rất thông minh nhưng rất làm biếng. Thường chiều chiều hay đi nhặt hạt bưởi người ta vất rải rác ở những ngôi hàng ngã ba đường. Nó lý tài lắm, nhặt hạt bưởi để bán lấy tiền mua giấy. Nó ở Hải Phòng thế là gần một năm… Một hôm nó nghe lỏm được cha nó nói với bà nó là muốn vào Sài Sòn kiếm việc làm chứ ở Hải Phòng chín đồng một tháng không đủ ăn. Thế rồi một buổi chiều buồn thảm cha nó hôn nó bảo nó ở nhà để cha nó đi chơi… Tối hôm ấy nó không ngủ được vì cha nó không ở nhà. Sáng mai cha nó cũng chưa về, nó trốn học, đi ra bến Sáu Kho… Được ít lâu, ông nó ra đem nó về nhà quê… Về Hương Sơn được mẹ ấp ủ mấy hôm lại phải xa mẹ nó để đi học Phủ Diễn. Nói là đi học chứ thật là đem nó đi gửi cho cậu nó để ăn cơm, dầu biết rằng nước Phủ Diễn lúc ấy độc lắm… Nó ở Phủ Diễn bị bệnh sốt rét ngã nước, bụng nó trướng lên, da nó vàng nhợt, tóc nó rụng gần hết, bà nó phải đem nó về Hương Sơn… Rồi một sự vui không ngờ, năm 10 tuổi, cha nó về… Độ ấy nó được vào Sài Gòn. Bên cạnh có cha mẹ và em, nó cho cuộc đời như thế là đầy đủ… Ở Sài Gòn được một năm, nó lại trở về Hương Sơn quê nó. Nó lại đi học trường huyện… Khi nó lên lớp nhất, một người cùng xóm nuôi nó để dạy học một đứa bé lên bảy tuổi. Người ta thường gọi nó là thầy đồ, thầy đồ tý hon… Năm 13 tuổi là năm bắt đầu mê tiểu thuyết, và là năm nó thôi học trường huyện để xuống tỉnh Nghệ vào hạng tiểu học. Làm gì mà có một số tiền 4$ ăn cơm tháng. Nó lại đi dạy học. Nhưng lần này thì thật điêu đứng, nói là đi ở thì đúng hơn…

… Nó trải qua nhiều thời xem chuyện. Đầu tiên, chừng 10 tuổi, nó mê Thạch-Sanh và Tống-Trân Cúc-Hoa, rồi đến Tam-Quốc, Thủy-Hử, rồi đến Ngọc-Lê-Hồn hay Sóng hồ Ba-Bể? Từ đó nó thiên về văn chương nhiều lắm. Bài luận ở trường kỳ nào cũng 20 điểm …

… Buồn một nỗi gì, nó im lặng nghe sương. Nó không khóc nhưng cả một trời lam khóc… Nó làm thơ câm, nó là người của trăng sao mây gió… Đầu tiền ngồi chép trắc bằng thành thơ Đường, nó rụt rè cầm đến tòa báo Sao Mai ở Vinh để đăng sách họa. Thế là hàng tuần nó vui sướng được xem thơ nó trên báo, dầu là những bài thơ vô giá trị trên tờ báo vô giá trị.

Một sự sung sướng lần đầu tiên trên “lịch sử thơ” của nó là cụ nghị Nguyễn-Trác, một Cử-nhân Tri-huyện đã trả ấn từ quan vì thanh liêm, cho gọi nó để hỏi tên người đăng thơ. Thân hình lỏng khỏng mà vui tươi trong áo vải thâm, nó được gặp cụ Nguyễn-Trác ở tòa báo để trả lời: Tên người đăng thơ là thằng Dao, là nó. Nó ngồi cúi mặt xuống, kéo áo che hai cùi tay để hở, trong lúc cụ Nguyễn-Trác khen nó và bảo ông Trần-Bá-Vinh, chủ báo, thưởng cho nó 3$00 để may áo. Nhưng nó không may áo, nó gửi cho mẹ nó để đong gạo. Nó đi làm cho một sở Tây trong hai năm. Nó đã gần thành người lớn. Tâm hồn nó bị kích thích quá nhiều bởi tiểu-thuyết. Nó đa cảm, đa sầu, một phần bị trời, một phần bị cảnh-ngộ. Nó bắt đầu yêu một người đẹp… Nó có đăng hai bài thơ vào báo Việt-Nữ và ký tên khác. Lòng của nó nó giải cùng thơ, chứ không phải với người đồng điệu. Năm 18 tuổi, nó đã có ý tưởng in sách. Nó kiếm 15$ chung với một người bạn để ra tập văn 0$10. Tập văn “Tiếng chuông chiều”, các ông đại văn sĩ ở báo Phong-Hóa đã gọi là “sổ thợ giặt” chỉ vì một cớ là khuôn khổ nó nhỏ bằng những tập sách Hồng của nhà xuất bản Đời-Nay_ “văn thì chơn chu” và chê “Tác giả muốn có tên bày ở hàng sách”… Trong tập văn một hào ấy, nó chưa dám nói đến yêu đương, vì nó sợ người ta cười đến nó để nó đỏ mặt… 18 tuổi! Lòng nó đã biết thiết tha van lơn trước thần Tình-ái…”

*

Quỳnh Dao bắt đầu cuộc đời như vậy và bước vào văn đàn như vậy. Nhưng trước khi nói về Thi sĩ Quỳnh Dao, rất cần biết về nhà cách mạng Đinh Nho Diệm.

Ông cũng như hầu hết những thanh niên trí thức như ông hồi ấy đến với cách mạng như là một sự tự nhiên, tất yếu. Trước hết, và trực tiếp là ảnh hưởng của quê hương, gia đình. Khoảng năm 1928 khi ông mới lên mười, thì thân sinh ông, cụ Đinh Nho Huề đã nhận trách nhiệm đưa các ông Hà Huy Tập, Trần Ngọc Danh, Nguyễn Khoa Hiền xuất dương sang Hương Cảng, Trung Quốc(3). Cụ bị Pháp bắt giam và ngày ngày cậu bé Diệm phải lên đồn đưa cơm cho cha… Trong thời gian đi học, chắc chắn cậu cũng từng nghe chuyện cố Nghè Điển tự tử vì không chịu nổi cái nhục mất nước; chuyện sĩ phu và nhân dân Nghệ-Tĩnh tham gia phong trào cần vương do cụ Đình và ông Đề Thắng tổ chức, lãnh đạo; chuyện ông Thục theo cụ Phan sang Nhật, sang Xiêm hoạt động và hy sinh.

Nhưng sự nếm trải, tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ, môi trường hoạt động và giao tiếp của nghề văn nghề báo mới là động lực chính giúp ông nhận chân thực trạng đời sống dưới chế độ thuộc địa và lôi cuốn ông vào phong trào cách mạng của thời đại.

Đinh Nho Diệm phải bỏ học dở dang ở năm thớ hai bậc trung học, đi làm thư ký đánh máy chữ để kiếm sống và viết văn. Tập sách mỏng đầu tay đã ra đời do ông tự kiếm tiền để xuất bản lúc 18 tuổi. Ở tuổi 20-21, bút danh Quỳnh Dao đã nổi lên trong nhóm bút Tiểu thuyết thứ năm với những bài thơ, bút ký bình luận…

Năm 1940, báo này đóng cửa, “Lê Tràng Kiều vào Nam, các cây bút chủ lực của Tiểu thuyết thứ năm mỗi người một phương: Phạm Huy Thông sáng Pháp, Phạm Huy Thái đi Nhật, Vũ Trọng Can lâm bệnh mất ở Nghĩa Đô, quê nhà… Nhưng trong nhóm bút Tiểu thuyết thứ năm có một người lại từ miền Trung chuyển thẳng ra Hà Nội, đó là nhà thơ Quỳnh Dao. Ông không chỉ đi một mình mà đưa cả vợ con ra Hà Nội để làm báo. Và làm báo văn chương nghệ thuật. Đó là tờ Tạp chí Đông Tây bộ mới, do ông chủ trương, vừa là chủ nhiệm, vừa là chủ bút (Anh Chi – Quỳnh Dao – Một nhà thơ tiền chiến. Báo Văn nghệ). Nữ sĩ Anh Thơ, viết về việc tham gia làm báo trong bài Nhớ bạn Quỳnh Dao (Xuân mậu dần 1998 – In trong Văn phẩm Quỳnh Dao – NXB Thanh niên, H.1999): “… Một hôm vào đầu tháng tư năm 1941, tôi nhận được một bức thư của Quỳnh Dao mời tôi cộng tác với tờ Đông Tây do anh quản lý cùng với nhà nghiệp chủ Lưu Hồ (Tờ báo này trước của ông Hoàng Tích Chù, nay được phép tái bản)… Một tuần sau Quỳnh Dao từ Hà Nội vào Hà Đông yết kiến bố tôi để xin cho tôi ra làm báo với anh. Đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Quỳnh Dao người tầm thước, da trắng hồng, mặt thanh tú như con gái. Anh nói giọng miền Trung ngọt ngào, dịu nhẹ. Cử chỉ lại lễ phép, đúng mực, Quỳnh Dao nói lên mục đích làm báo của anh là: “tập hợp lực lượng văn, thi sĩ có tài để đóng góp xây dựng cho nền quốc văn Việt Nam ngày một phong phú và đổi mới”… Tòa soạn Tạp chí Đông Tây của Quỳnh Dao tạm ở số nhà 129 phố Sinh Từ. Nơi đây cũng chính là nhà riêng của anh. Hôm tôi đến, Quỳnh Dao đang ngồi bên một thiếu phụ bé nhỏ như một cô học sinh – Xin giới thiệu đây là vợ tôi. Anh Quỳnh Dao vui vẻ nói. Chị Quỳnh Dao tươi cười mời tôi ngồi. Một cháu gái bé mũm mĩm, xinh xắn từ trong buồng chạy ra, Quỳnh Dao nhỏ nhẹ: - Minh Đường! Chào cô Anh Thơ đi. Cháu bé ngoan ngoãn chắp tay, miệng chào: - Cô An Tơ ạ ạ. Cả nhà cùng bật cười… Chúng tôi (có cả họa sĩ Hồ Thu) bắt tay vào việc ra số báo đầu tiên. Quỳnh Dao nêu lên nội dung chủ yếu của số báo này như xã luận về tình hình trụy lạc của thanh niên, tin chiến tranh vừa bùng nổ ở Thái Bình dương, các bài bút ký và thơ của các thi sĩ Mộng Tuyết, Đỗ Huy Nhiệm, Yến Lan, Nguyễn Bính… Xong Đông Tây số 1, chúng tôi lại lo làm Đông Tây số 2… Những lúc rỗi rãi đôi chút, anh còn rủ tôi đi thăm các văn, thi sĩ có tên tuổi như Vũ Ngọc Phan, Hằng phương, Vân Đài, Ngân Giang… để làm quen và mời các vị gửi bài cho tờ báo - Tôi thực sự kính phục anh về nhân cách và lòng tận tụy với văn học nghệ thuật, cảm mến anh về thái độ chân thành, cởi mở và tế nhị với đồng sự và bạn bè. Một điều đáng nói về Quỳnh Dao là tuy vẻ bên ngoài hào hoa, nhưng anh rất chịu thương chịu khó chăm sóc vợ con và có trách nhiệm lớn đối với cha mẹ và các em. - Sau số Tết và Xuân 1942 (số 5, 6, 7) Quỳnh Dao buổn rầu bảo tôi: - Lưu Hồ hết tiền rồi. Chúng ta khó mà duy trì được tờ báo… Và cũng chẳng đợi cho số phận tờ báo chết dần chết mòn do thiếu thốn về kinh tế, mấy ngày sau đó, Quỳnh Dao bị gọi lên sở Liêm phóng và nhận được quyết định như sét đánh ngang tai. Họ ra lệnh cấm tờ báo vì lý do vi phạm những sắc lệnh về báo chí. Sau khi tờ Đông Tây bị đình bản… tôi ít có dịp gặp Quỳnh Dao và dần dần bặt tin. Nghe nói Quỳnh Dao đã trở về quê…”

… Mãi sau này, ta mới biết Quỳnh Dao – Đinh Nho Diệm là chiến sĩ sách mạng, bị Pháp bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội năm 1944 – 1945. Chưa rõ ông bắt đầu hoạt động từ bao giờ và bị bắt ở đâu, nhưng khi được đọc những bài Nhân trận lụt vừa rồi ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh – Thanh niên hãy trở lại với gia đình – Phải phổ thông học vấn cho toàn thể dân chúng… đăng trên Đông Tây và truyện thơ Dưới cầu Giang Tô (Văn phẩm Quỳnh Dao – SĐD), tôi cứ ngờ ngợ khi ra chủ trương tờ báo này, ông đã là nhà cách mạng.

Ở khu di tích cách mạng nhà tù Hỏa Lò hiện có 17 tấm bia đồng mạ vàng khắc tên những chiến sĩ bị giam cầm ở đây từ 1930 đến ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng (1954). Bia số 3 khắc tên những người bị bắt vào thời điểm 1930-1945, ở hàng thứ 5, vần D ghi “Đinh Nho Diệm (Quỳnh Dao) sinh 1918…”. Về sau, một số bạn tù xưa còn sống ở Hà Nội, cho thân nhân ông biết đôi điều. Cụ Nguyễn Huy Hòa (tức Hoàng Phong) ở phường Thành Công, quận Ba Đình, xác nhận: “Trong thời gian ở Hỏa Lò, tôi biết thi sĩ Quỳnh Dao bị Pháp bắt giam ở trại H, đeo sổ vuông. Anh là một người chín chắn, ít nói, sống hòa nhập với anh em tù nhân, sáng tác thơ văn cho tờ báo Hỏa Lò, tham gia đấu tranh tuyệt thực 3 ngày, góp phần thắng lợi của tù nhân”. Cụ Bùi Huy Thục (tức Hồng Thao) vẫn nhớ một chuyện vui: “Trước kia tôi đã đọc báo Đông Tây của anh Quỳnh Dao, nhớ câu thơ của anh Gà gáy chiêu hồn nguyệt Mái Tây. Khi gặp anh ở Hỏa Lò, xuất bản báo tù chính trị, anh Quỳnh Dao có bài tả cảnh tù ở trại H rất hiện thực: Nghe đái rất tài là Me-xừ Bái”. Chả là Bái phụ trách trật tự, thính tai nghe đái đêm, ai làm mất giấc ngủ thì hắn phạt”…

… Đinh Nho Diệm ở trong số hơn 100 tù chính trị đã vượt ngục Hỏa Lò bằng đường cống ngầm vào các đêm 11-3 đến 16-3-1945 tỏa về các địa phương tham gia Tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền.

Theo người thân thì sau khi vượt ngục, ông ít về nhà, và từ 1947, gia đình không nhận được tin tức của ông nữa, và coi là ông đã “mất tích”.

Nhưng về sau, nhiều bậc lão thành ở vùng Gôi Mỹ, Hương Sơn, quê ông nói lại là các cụ còn nhớ hồi trước ngày Tổng khởi nghĩa, Đinh Nho Diệm cùng ông Nguyễn Tạo(4) có về diễn thuyết kêu gọi nhân dân tham gia Việt Minh đánh Nhật. Có người nói ông là Trưởng đoàn tuyên truyền của Việt Minh ở khu vực 2 huyện Hương Sơn(5). Trong lá thư đề ngày 17-11-2001, cụ Trần Cao Bố, cán bộ lão thành xã Sơn Châu – Hương Sơn, xác nhận là cụ “đã được vinh dự cùng đồng chí (Diệm) đi làm nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Mặt trận Việt Minh tố cáo tội ác của bọn đế quốc phong kiến…”

Gia đình ông cũng tìm lại được số báo Cứu quốc số 140, Thứ bảy 12-1-1946, đưa tin kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội trong ngày Tổng tuyển cử 6-1-1946, trong đó công bố danh sách 6 vị trúng cử do cụ Hồ Chí Minh đứng đầu, và danh sách xếp theo vần chữ cái quốc ngữ và số phiếu của 74 vị ứng cử viên khác. Tên ông Đinh Nho Diệm xếp thứ 8 với số phiếu là 1328.

Năm 1999, sau khi cuốn Văn phẩm Quỳnh Dao in xong, Giáo sư Đinh Phạm Thái, em ruột Quỳnh Dao, đưa sách đến tặng Huy Cận. “Vừa cầm tập sách, nhà thơ nói: “Khoảng tháng 4-1947, trong ngày đầu kháng chiến chống Pháp mình đã gặp Quỳnh Dao bên bờ sông Lô ở tỉnh Tuyên Quang”. Lần theo sự chỉ dẫn của nhà thơ, G.S Thái đã tìm được cụ bà Khắc Hùng (vợ một đồng chí lão thành cách mạng ở Tuyên Quang). Tuy ở tuổi ngoài tám mươi, cụ còn rất minh mẫn, vừa nhìn ảnh nhà thơ Quỳnh Dao đã nhận ra ngay. Cụ kể là hồi đó, buổi sáng ngày định mệnh ấy, nhà thơ vừa đạp xe đến thì máy bay Pháp ập tới bắn xối xả, ông trúng một loạt đạn đum đum. Điều kiện cấp cứu không có, nhà thơ đã không qua khỏi…” (Phạm Quang Đẩu – Khi thi sĩ cũng là chiến sĩAn ninh số 49, Tháng 8-2005).

Thế là rõ: Sau khi vượt ngục, Đinh Nho Diệm đã được tổ chức phân công về hoạt động ở Nghệ-Tĩnh và sau khi cách mạng thành công, lại điều động ra Hà Nội, đưa vào danh sách các đại biểu Việt Minh ứng cử Quốc hội khóa I. Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, ông được bố trí công tác ở chiến khu Việt Bắc và hy sinh tại Tuyên Quang.

(Cũng cần biết thêm về gia đình liệt sĩ cách mạng Đinh Nho Diệm: Sau khi chồng mất, bà Lâm Thị Bảo, vợ ông vẫn ở Hà Nội, làm việc tại Nhà máy thuốc lá Thăng Long, thờ chồng, nuôi ba con nhỏ, hai gái một trai. Thời chống Mỹ, người con trai là Đinh Nguyên Hà, đảng viên Đảng cộng sản, nhập ngũ chiến đấu và hy sinh tại chiến trường miền Nam năm 1964, lúc mới 25 tuổi. Sau ngày thống nhất Tổ quốc 1975, bà theo hai con gái vào Thành phố Hồ Chí Minh ở trong ngôi nhà nhỏ trên phố Tôn Thất Đạm).

*

Do cuộc đời quá ngắn ngủi, vào thời kỳ sáng tác đang sung mãn lại phải dốc tâm lực vào hoạt động cách mạng rồi bị giam cầm, nên văn phẩm Quỳnh Dao để lại không nhiều. Ngoài các tác phẩm in trên Tiểu thuyết thứ nămTạp chí Đông Tây, ông chỉ có 4 cuốn sách: 1. Tiếng chuông chiều (tập thơ văn in chung với Liêu Kỳ Lộc – Nhà in Thụy Ký, Hà Nội, 1937) – 2. Tơ trăng (Tập thơ, Nhà in Asiatic, Hà Nội, 1939) – 3. Dưới cầu Giang Tô (Truyện thơ, Nhà in Minh Tâm, Hải Phòng, 1940) – 4.Văn phẩm Quỳnh Dao (Anh Chi sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 1999).

“… Quỳnh Dao không có tên trong cuốn sách khá quy mô “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (Trong đó có không ít tên tuổi chỉ là tác giả của một vài bài đáng nhớ). Rất mừng là cuốn Văn phẩm Quỳnh DaoTuyển thơ Hà Tĩnh thế kỷ XX vừa xuất bản đã khắc phục được thiếu sót đó. Dù chỉ công bố sáng tác trong 5 năm (1938-1942), văn nghiệp Quỳnh Dao vẫn rất đáng trân trọng, rất đáng được bổ sung vào những công trình tổng kết văn chương Việt Nam thế kỷ 20…” (Nguyễn Khắc Phê – Có một Quỳnh Dao tiền chiến – Kiến thức ngày nay số 360 (trang 9, 10, 11 và 29 ngày 10-8-2000).

Lời kêu gọi của nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã được đáp ứng. Cuốn Nhà văn Việt Nam thế kỷ XX (NXB Hội Nhà văn) đã giới thiệu Tiểu sử và Thơ văn Quỳnh Dao cùng hồi ức Nhớ bạn thơ Quỳnh Dao của nữ sĩ Anh Thơ (trang 99-110). Chắc chắn thơ văn Quỳnh Dao lại sẽ được giới thiệu trên những cuốn sách, bộ sách sẽ xuất bản.

Trong bài viết này, tôi chỉ trích dẫn ý kiến của các nhà thơ, nhà phê bình nghiên cứu thơ Quỳnh Dao từ trước đến nay, nếu có thể thì đế vào đôi câu. Nhưng tôi lại muốn nhắc đến trước tiên những bài thơ đầu tay của Quỳnh Dao. Tôi không được biết những bài luật Đường trên báo Sao Mai ở Vinh, nhưng đọc bài Vịnh quan về hưu và bài Lính Tây mộ (Nguyễn Trọng Thụ giới thiệu – Văn nghệ trẻ số 26-1997) thì thấy không chỉ ông sớm bộc lộ năng khiếu thi ca, mà cả khả năng nhận thức cuộc sống từ tuổi nhỏ. Mấy bài trong tập Tiếng chuông chiều cũng hé lộ cái tạng thơ Quỳnh Dao: dịu dàng, tha thiết. Tôi thật sự thiện cảm với bài Tiễn đưa, viết về mối tình tuổi học trò. Cô gái nhỏ chợ Gôi đưa chân bạn trai xuống tận phủ Đức để đi xe lửa ra Vinh. Họ chia tay nhau trên bờ sông La:

“Gặp nhau hai tấm lòng như buộc,

Rồi tiễn đưa nhau mấy dặm đường,

Giữa lúc gió chiều lên tiếng gọi,

Bờ tre soi bóng nước La Giang…”

Tôi bổng nhớ bốn câu trong bài Em về nhà của Huy Cận viết về Ngã ba Tam Soa, trên sông La:

“… Tới ngã ba sông nước bốn bề,

Nửa chiều gà lạ gáy bên đê,

Làng xa lặng lẽ sau tre trúc,

Bến cũ thuyền em sắp ghé về…”

Rõ ràng là một bên còn non và một bên đã già dặn. Điều tôi thích là hai thi sĩ thơ mới đều quê Hương Sơn, và trong tác phẩm đầu tay đều viết về sông La – dòng sông quê đầy thi hứng của hai ông, và của tôi.

Người đầu tiên phát hiện và đánh giá cao thơ Quỳnh Dao là nhà phê bình Lê Tràng Kiều, chủ bút Tiểu thuyết thứ năm. Trên tờ báo này, số ra ngày 11-4-1939, Lê Tràng Kiều đã đặt Quỳnh Dao bên cạnh những thi sĩ tên tuổi của phong trào thơ mới lúc bấy giờ. Ông viết: “Chưa bao giờ các bạn yêu mến thơ được vừa lòng, được say sưa như bây giờ, khi giở những trang thân yêu của tờ báo thân yêu này. Nó đã trình bày không biết bao nhiêu tác phẩm có giá trị, những vần mơ-màng của Quỳnh-Dao, những vần nhẹ-nhàng của Anh-Thơ, những vần diễm-ảo của Thanh-Tịnh, những vần thành-thực, giản-dị của Nguyễn-Bính, những vần đầy mộng-ảnh, đầy âm-nhạc của Yến-Lan và những vần đặc-biệt của Tchya, Phạm-Huy-Thông, Lưu-Trọng-Lư.”

Tiếp đó trong bài phê bình tập thơ Tơ trăng (Tiểu thuyết thứ năm số 29 ngày 20-7-1939), Lê Tràng Kiều viết: “Thơ Quỳnh-Dao càng đọc càng lạ, càng về sau bao nhiêu lại càng huyền-ảo bấy nhiêu. Lòng ta tha thiết, tha-thiết lắm, và thấy như tiếc lắm khi phải nghỉ hơi, nghỉ lời sau bài “Mơ tiên” ở cuối:

… Sông Ngân trăng nước ùa nhau dậy

Lý Bạch đương lơi những điệu Đường

Lá liễu hiền như muôn tiếng nhạc,

Đây, vườn Thượng Uyển cũng bơi trăng…”

“… Tâm hồn Quỳnh Dao là một tâm hồn đầy Mộng, khao-khát Yêu-Đương và những lời yêu tha-thiết ấy chỉ đem đến cho thi-sĩ khi “ngồi nhắm mắt đọc trong tờ Mơ”…”

“… Điệu-kiện cần thiết của thơ là âm-điệu. Với điều-kiện ấy, Quỳnh-Dao dễ nhớ. Càng đọc, ta càng đi sâu vào thơ. Lòng ta xao-xuyến nôn-nao như lòng người thiếu-nữ đang tơ chờ ngày tân-hôn sắp tới.

… Lòng vương theo giây lên khơi,

Lòng xôn-xao theo lời giây đương lơi…”

“… Ý của Quỳnh-Dao lạ lắm. Quỳnh-Dao cố tìm tòi những cái khác lạ hơn dầu rằng chỉ vài nét đơn-sơ như bức tranh của một họa-sĩ tàu cũng đủ bao-hàm hết cả mới-mẻ, tài-tình…”

“… Nghệ-thuật của Quỳnh-Dao là một nghệ-thuật tinh-vi không ai ngờ đến. Bao nhiêu người đã thường có ý ấy, vẫn có ý ấy, nhưng nào đã có ai diễn-tả được như Quỳnh-Dao, được thùy-mỵ, được thơ ngây như thế, trong buổi lòng đang còn non dại vì yêu…”

“… Đối với thi-sĩ thì những cái gì trong mơ là đẹp, đẹp hơn cả, là cao-quý, cao-quý hơn cả. Cho nên thi-sĩ say-mê sắc đẹp quá và lịm đi trong mơ… Thi sĩ là một tâm-hồn đầy âm-nhạc, đầy mộng ảnh!” “… Nhưng không phải những cảnh đầy mộng-ảnh đó đã mang thơ của nhà thi-sĩ ra ngoài thực-tế mất cả đâu. Những cảnh của Quỳnh-Dao tả có sức lôi cuốn người đọc vào sự thật.

“… cả tập thơ là đoạn đời của thi-sĩ…”(5)

Nữ sĩ Anh Thơ cũng có nhận xét:

“Quỳnh Dao và tôi đã từng tham gia viết cho Tiểu thuyết thứ năm vào thời kỳ 1938-1940. Thơ anh có nét dịu dàng và vị ngọt ngào của người xứ Huế”.

Bà Anh Thơ còn kể: “Tôi còn nhớ… có lần Quỳnh Dao đã sửa thơ cho tôi. Số là có việc đi qua bàn làm việc, anh liếc mắt nhìn vào mấy câu thơ của tôi:

Lúa mượt đồng xanh nổi cánh cò

Đưa dòng sông lụa dệt mưa tơ

Làng xa… trong lũy làng biêng biếc

Nêu lắng xuân về, khánh lửng lơ.

Máu sáng tác như nổi lên, anh kéo luôn ghế ngồi cạnh tôi góp ý:

Sao ở câu thứ hai cô không dùng “đưa dài” thay cho “đưa dòng”, tôi nghĩ dùng như thế hay hơn. Còn các câu khác thì xin bái phục. Cô làm tiếp đi. Tôi chỉ xin mạo muội sửa một vài chữ thôi, nói vậy còn tùy nữ thi sĩ sông Thương chứ.

Mến phục tài trau chuốt của Quỳnh Dao, tôi nói:

- Làm thơ được có người trao đổi và sửa ngay cho, thật thú vị” (SĐD)

Còn nữ sĩ Mộng Tuyết (Hà Tiên) bạn thơ của Quỳnh Dao trong nhóm Tiểu thuyết thứ nămTạp chí Đông Tây có bài thơ cảm tạ Quỳnh Dao đề ngày 15-7-1939 sau khi nhận được tập thơ Tơ trăng do tác giả gửi tặng:

Văn chương mây nước tao phùng,

Tơ trăng rung sợi tơ lòng bâng khuâng.

Mây bay nước chảy không ngừng,

Tiếng tơ trăng vướng lưng chừng nước mây.

Ấy cũng là “lời bình” tập Tơ trăng.

Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân chưa giới thiệu thơ Quỳnh Dao mà khi viết về Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, hai chủ soái của “trường thơ Loạn”, có nhắc đến Hoàng Diệp, Quỳnh Dao, Xuân Khai. Lại khi viết về Nam Trân, nói đến Huế đẹp, Huế nên thơ, Hoài Thanh lại trích hai câu trong Bài thơ Huế của Quỳnh Dao:

Một hàng tôn – nữ cười trong nón

Sông mở làng ra đón bóng yêu.

Trong sách Văn phẩm Quỳnh Dao, Anh Chi viết: “… Tơ trăng được in với lượng bản rất ít, không tới 200 bản và phổ biến hẹp như vậy. Chúng tôi thấy nên đặt câu hỏi: Trong tay các tác giả Thi nhân Việt Nam có nhiều văn bản tác phẩm của Quỳnh Dao? Các tác giả Thi nhân Việt Nam nhắc đến Quỳnh Dao, coi ông là thành viên nhóm thơ Quy Nhơn của Hàn Mặc Tử. Còn Bài thơ Huế được Hoài Thanh nhắc đến là bài thơ in trên tờ Tạp chí Đông Tây cuối năm 1941. Mà Thi nhân Việt Nam lại xuất bản đầu năm 1942, chi li hơn, bài tiểu luận Một thời đại trong thơ ca in đầu sách Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân cũng ghi viết cuối năm 1941… Có thể khi bắt tay vào xây dựng tác phẩm Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân chưa có điều kiện biết nhiều đến Quỳnh Dao. Âu cũng là một sự tiếc nuối, bởi người đọc thơ ca Việt Nam chưa biết đến một thi nhân Việt Nam thời tiền chiến, là nhà thơ Quỳnh Dao…”

Cũng trong sách trên, nhà nghiên cứu Anh Chi phân tích những bước đường thơ Quỳnh Dao: Theo ông thì “Quỳnh Dao thực sự dấn thân vào sự nghiệp báo chí văn học nghệ thuật là vào năm 1938”. Ông “tham gia nhóm bút Tiểu thuyết thứ năm rất hiệu quả. Bài thơ Mơ duyên hải hồ in báo TTTN ngày 4-5-1939 và bài bút ký bình luận Hàn Mặc Tử ông cho in báo TTTN ngày 11-5-1939, theo chúng tôi là mang phẩm chất văn chương cao, đáng trân trọng… Quỳnh Dao đã được đồng nghiệp đặt vào hàng ngũ những tên tuổi sáng giá của trào lưu văn học thời gian đó. Và năm 1939 ấy, Quỳnh Dao mới 21 tuổi… Ông năm 1941-1942 chỉ mới 24 tuổi! Vậy mà chủ trì một tờ tạp chí có những tên tuổi lớn của nền văn học cả nước đều đặn cộng tác… Giai đoạn 1941-1942, ông có một số bài thơ lẻ in trên báo chí, trong đó có Bài thơ Huế… Thơ ông nồng đặm hơn nhiều, da diết hơn nhiều. Thơ của Quỳnh Dao trước 1940 cũng bộc lộ một tâm hồn đa cảm, háo hức trước cuộc đời và tình yêu, nhưng nó vẫn còn nhẹ nhàng, mảnh dẻ như Tơ trăng… Giai đoạn sau 1940, ông vẫn với tâm hồn háo hức vồ vập cuộc sống và tình yêu, nhưng đã đậm đà hơn, vậm vạp hơn. Thơ trước 1940 cũng tài hoa, ướt át như ở bài Khi tình mới nở:

Ngọn cỏ say rồi quên cả ướt

Trùng triềng sắp sửa liếm da trăng.

Nhưng sau 1940, tài hoa, ướt át và có một cái gì đó đời hơn, như trong Bài thơ Huế:

Có ai vô lý như thi sĩ

Môi nở qua đường cũng nhớ thương.

Giai đoạn 1941-1942, Quỳnh Dao sáng tác nhiều, theo chúng tôi thì là khá ào ạt, cả văn, tiểu luận và thơ… Về thơ, … có một tác phẩm rất đáng quan tâm, đó là truyện thơ viết theo thể lục bát Dưới cầu Giang Tô...”.

“…Quỳnh Dao là một nhà thơ, dù với một đời thơ không dài, đã bộc lộ một sự dấn thân vào đời sống để nhận lấy trách nhiệm rất đáng trân trọng là viết vì cuộc sống để đóng góp cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Tất cả những văn phẩm của ông mà chúng tôi có được trong tay đều được viết trong những năm 1938, 1939, 1940, 1941 và 1942. Chỉ trong có 5 năm trời, mà với hai giai đoạn sáng tác, … chứng tỏ tâm hồn và trí não của ông đã áp sát đời sống vận động theo đời sống, mới có sự biến chuyển về chất trong tác phẩm như vậy!”

Sau khi Tạp chí Đông Tây bị đình bản, không còn thấy tác phẩm của Quỳnh Dao in trên sách báo nào nữa. Như sau này ta biết, ông đã “xếp bút nghiên”, tham gia công tác cách mạng giải phóng dân tộc…

Để khép lại bài viết này, tôi muốn trích thêm một đoạn trong cuốn Đốt lò hương cũ của nhà thơ Đinh Hùng – người đồng thời với Quỳnh Dao:

“…Nếu từ hai mươi năm nay, Thiên Cổ không sớm cướp của chúng ta đi một số bạn bè, thân hoặc sơ, và nếu hàng ngũ văn nghệ vẫn còn đủ mặt văn tinh (dù là một văn tinh mới mọc), nền trời văn nghệ xứ này sẽ còn rực rỡ, sáng đẹp thêm chừng nào, và cuộc Hội Ngộ hôm nay của chúng ta sẽ còn đông vui, hào hứng bao nhiêu? Cuộc sinh hoạt tinh thần của đất nước này, đời sống anh hoa của dân tộc này sẽ còn giàu thêm bao nhiêu thanh sắc nếu chúng ta không sớm mất những người bạn văn nghệ đáng lẽ chưa nên đi mất? Mái nhà thanh khí của chúng ta sẽ còn ấm cúng thêm biết chừng nào? Kho tàng văn học nước nhà sẽ phong phú thêm bao nhiêu nếu cho tới hôm nay hàng ngũ văn nghệ của chúng ta vẫn còn đủ những Vũ Trọng Phụng, Lan Khai, Nguyễn Nhược Pháp, J.Leiba, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Phạm Hầu, Phạm Tú, Thâm Tâm, Vũ Trọng Can, Nguyễn Đức Chính, Khái Hưng, Trần Tiêu, Thạch Lam, Đặng Thế Phong, Trần Bình Lộc, Lê Trọng Quỹ, Lương Đức Thiệp, Nguyễn Dân Giám, Tô Ngọc Vân, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Kim Hà, Nhượng Tống, Quỳnh Dao, Phan Phong Linh, Quách Thoại, Hoàng Đạo, Nguyễn Đình Lạp, Thu Hồng, Bùi Tiến Cảnh, Vũ Xuân Tự, Nhất Linh, Lê Văn Trường…” (Đốt lò hương cũ – Lửa Thiêng, S.1971).

Tên tuổi Quỳnh Dao luôn được nhắc đến, và sẽ còn được nhắc đến mãi mãi.

30/ 4/ 2013

 

________________

(1) Họ Đinh Nho nguyên từ Ninh Bình vào Nghệ An giữa thế kỷ XVI. Vị tổ đầu tiên chi họ Đinh Yên Ấp là Đinh Phúc Diên. Đời thứ 7 có Đinh Nho Công (1637-?) đỗ Tiến sĩ năm 1670, làm đến Thiêm đô Ngự sử. Con ông Đinh Nho Hoàn (1671-1717) đỗ Hoàng giáp năm 1700 làm Hữu thị lang bộ Công, đi sứ nhà Thanh, mất trên đường về, để lại tập thơ “Mặc trai sử tập” vừa được chọn dịch, xuất bản. Vợ lẽ ông, bà Phan Thị Viên cũng là một nữ sĩ. Lúc chồng mất, bà tự vẫn để thủ tiết, được triều đình phong là “Tiết phụ” và cho lập miếu thờ. Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm viết truyện “An Ấp liệt nữ” nói về bà. Đời thứ 14, có Tiến sĩ Đinh Nho Điển (1848-1885) làm đến Quang Lộc tự Thiếu Khanh, biện lý bộ Hình, đã tự sát sau khi Pháp chiếm kinh thành Huế.

(2) Đình Nho Thục, tức Đinh Doãn Tế (1885-1910) tham gia Hội duy tân do Phan Bội Châu lãnh đạo, xuất dương, học ở Đồng Văn thư viện Nhật Bản, trở về hoạt động ở Xiêm (Thái Lan) đau và mất ở Na khon.

(3) Đinh Nho Huề (1890-1966) hiệu là Bàn Long, theo nho học, sau học trường tiểu học Pháp – Việt, làm giáo viên sơ học, rồi làm thư ký cho Công ty Liên Thành… Ông là người nhiệt tình yêu nước, từng đưa đường cho một số thanh niên xuất dương, bị Pháp bắt giam. Thời xô-viết Nghệ - Tĩnh, gia đình ông là cơ sở của huyện Đảng bộ cộng sản Hương Sơn. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia hoạt động văn nghệ ở địa phương, có nhiều thơ ca được phổ biến, được giải thi, trong đó có các bài “Việt Bắc kháng chiến”, “Gấp rút chuẩn bị Tổng phản công”… Gia đình ông được Chính phủ tặng bằng “Có công với nước” năm 1966.

(4) Nguyễn Tạo (1905-1995) quê xã Thái Yên, Đức Thọ, là đảng viên Tân Việt (1925), đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương (từ 1930), bị bắt giam ở Hỏa Lò, Hà Nội, vượt ngục cuối 1932, lại bị bắt đi đày ở Lao Bảo, Buôn Ma Thuật, Đắc Min và lại vượt ngục năm 1942, được Tổng bộ Việt Minh cử về tham gia vận động Tổng khởi nghĩa ở Nghệ Tĩnh. Sau cách mạng, là Giám đốc quốc gia tự vệ cục Nam bộ rồi làm Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Phó chủ nhiệm Ủy ban nông nghiệp Trung ương, Bộ trưởng bộ Lâm nghiệp.

(5) Trong bài hồi ký Nhớ về chú tôi và những cuộc họp mặt ở trại Mai Hồ (La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn – Tập 1 – XBGD.H.1998), Bác sĩ Lê Khắc Thiền, quê Hương Sơn, cũng cho biết vào cuối tháng 4-1945, theo chủ trương của Việt Minh Nghệ - Tĩnh ông cùng ông Nguyễn Tạo, về xây dựng chiến khu du kích ở Tràng Sim (vùng nam sông Phố), sau đổi thành Đội tuyên truyền xung phong do ông phụ trách. Có thể cùng thời gian này, Đinh Nho Diệm cùng ông Tạo về lập căn cứ và Đội TTXP ở vùng bắc sông Phố, gọi là khu vực 2 huyện Hương Sơn, nhưng vì lý do giữ bí mật nên không biết nhau.

(5) Theo bài phê bình này thì Lê Tràng Kiều còn có bài “Tơ trăng so với “Mấy vần thơ” của Thế Lữ và “Thơ Thơ” của Xuân Diệu”, nhưng tôi không có bài ấy trong tay.

* Để viết bài này, tôi đã được G.S Đinh Phạm Thái, xem ruột Quỳnh Dao, gửi cho nhiều tài liệu, sách báo viết về cuộc đời và sự nghiệp của thi sĩ. Xin chân thành cảm ơn về sự giúp đỡ của G.S Đinh Phạm Thái.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434895

Hôm nay

2166

Hôm qua

2349

Tuần này

21545

Tháng này

211943

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434895