“Ma nhai kỷ công bi văn” (Mài vách núi làm bia ghi công) là tấm văn bia khắc trực tiếp trên vách núi đá cách đây hơn 700 năm tại vách núi Trầm Hương, núi Thành Nam thuộc xã Chi Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.
Góc nhìn văn hóa
Bia Ma Nhai thành Nam - dấu ấn văn hóa giữ nước đời Trần
Bia Ma nhai ở vách Trầm Hương núi Thành Nam, nay thuộc huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Đạo
Theo thống kê của Viễn Đông bác cổ, tính đến năm 1945, nước ta đã tìm thấy 1157 văn bia, chủ yếu là các văn bia có từ thời Lê đến triều Nguyễn. Tuyệt đại bộ phận những văn bia kể trên là những bia chế tác, nghĩa là tạc đá thành bia rồi khắc chữ lên đó. Loại bia “ma nhai” độc đáo (ma: mài; nhai: vách núi) là bia mài phẳng vách núi để khắc chữ trực tiếp trên vách núi đá tự nhiên không nhiều. Đa phần các loại bia ma nhai đều khắc ghi về các cuộc tuần du, thơ, phú của vua chúa.
Trong số bia ma nhai, văn bia khắc trên vách núi Trầm Hương, núi Thành Nam là văn bia cổ nhất. Văn bia ngắn gọn, khắc sâu trên vách núi đá vôi ngoảnh mặt ra sông Lam, ngay cạnh đường quốc lộ 7, nối Việt Nam với CHDCND Lào anh em. Bia khắc ở độ cao gần 100m nên khách bộ hành trên đường quốc lộ 7 hay đi thuyền xuôi ngược trên sông Lam đều có điều kiện chiêm ngưỡng bức tranh chữ độc đáo trên triền núi đá uy nghi.
Bia ma nhai Thành Nam có 14 dòng với 155 chữ trải rộng trên một diện tích 213cm x 155cm, chữ khắc sâu vào vách đá theo lối hình chữ Triện(1). Kích thước các chữ được xếp vào loại có nét chữ khắc trên bia đá to nhất, khắc sâu nhất Việt Nam (trung bình mỗi chữ có đường kính 10,5cm).
Bia Thành Nam không có phần “lạc khoản” (ghi chú) để ghi tên người soạn văn bia, người đục chữ, trang trí hoa văn nhưng may mắn lại được các bộ chính sử như “Đại Việt Sử ký toàn thư”, Khâm định Việt sử thông giám cương mục”… ghi lại khá đầy đủ cho biết tác giả văn bia là Tể tướng (đời nhà Trần) Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370), tự là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là Ân Thi) tỉnh Hưng Yên. Ông đậu Hoàng Giáp khoa Giáp Thìn năm Hưng Long thứ 12 (1304) đời vua Trần Anh Tông. Nguyễn Trung Ngạn là một văn quan tài hoa, võ tướng dũng trí, nhà thơ, nhà ngoại giao từng đi sứ phương Bắc lập nhiều công trạng, là bậc Kinh sư Đại doãn nổi tiếng được nhà sử học Phan Huy Chú đánh giá là một trong mười người phù trợ có công lao lớn với nhà Trần, được xếp ngang hàng với Thượng tướng Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Trần Thì Kiến, Phạm Tông Mai, Trần Nguyên Đán, Đoàn Nhữ Hài, Phạm Sư Mạnh. Là một dũng tướng, văn nhân lắm chiến công, nhiều công đức nên khi ông mất chỉ riêng kinh thành Thăng Long đã có 7 đền thờ ông.
Cũng theo các bộ chính sử Văn bia ma nhai trên vách núi Thành Nam là khúc khải hoàn ca ghi lại một chiến công hiển hách của Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông (1300-1357) trong giữ gìn sự bình yên của biên cương miền Tây trấn Nghệ An đầu thế kỷ XIV.
Triều đại nhà Trần sau 3 lần đại thắng quân xâm lược Mông Cổ đã nhanh chóng bắt tay vào công cuộc phục hồi và phát triển đất nước. Dưới sự trị vì của các bậc vua sáng, tôi hiền, uy thế của Đại Việt ngày càng mạnh. Tuy vậy, trong thời gian này các tù trưởng địa phương, các nước láng giềng vẫn đem quân quấy phá các vùng biên cương. Vừa dẹp xong giặc Ngưu Hống ở Đà Giang lại xảy ra việc chúa Ai Lao là Bống đem quân quấy phá vùng biên viễn phía Tây đạo Nghệ An. Đầu năm Ất Hợi (1335) triều đình đã cử Quản quân Thần Sách, Thần Vũ Nghệ An danh tướng Đoàn Nhữ Hài làm Đốc tướng đưa quân lên miền Tây dẹp giặc. Do bất cẩn, khinh suất, Đoàn Nhữ Hài đã bị tử nạn ở Cửa Rào. Thừa cơ, Chúa Bống đưa quân tràn xuống đồng bằng cướp phá của cải, ức hiếp dân lành.
Không để biên cương rơi vào tay giặc, triều đình đã cử Tể tướng Nguyễn Trung Ngạn làm Đốc phủ Sứ vào đạo Nghệ An dẹp giặc. Đích thân Hoàng đế Trần Hiến Tông (1319-1341) đốc chiến. Đại bản doanh của nhà vua đóng ở núi Cự Đồn Mật Châu (nay là thôn Tiến Thành và thôn Thành Nam xã Chi Khê huyện Con Cuông, Nghệ An).
Vì công việc triều chính vua Trần Hiến Tông phải về Thăng Long, Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông không quản tuổi tác đã thân chinh thay con mình ra trận vào Mật Châu cùng Tể tướng Nguyễn Trung Ngạn dẹp giặc. Với uy phong của Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông, tài thao lược của Nguyễn Trung Ngạn, tướng sĩ một lòng phụ tử quyết bảo vệ biên cương Tổ quốc nên chỉ sau vài trận nghịch đảng Bống đã phải “cuốn theo chiều gió” cao chạy xa bay về bên kia biên giới.
Với chiến công này, tháng 12 nhuận năm Ất Hợi, Khai Hựu thứ 7 (1335), Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông xuống chiếu lui quân, sai Nguyễn Trung Ngạn soạn văn, đốc thợ mài núi Thành Nam đục chữ ghi lại chiến công rạng rỡ này trên vòm núi đá vôi từng là đại bản doanh. Là bậc minh vương Trần Minh Tông được các tập chính sứ hết lời ngợi khen về đức độ, tài năng có công trong bảo vệ biên cương tổ quốc. Ông được vua cha Trần Anh Tông trao ngôi báu lúc 14 tuổi. Ông làm vua 15 năm rồi nhường ngôi cho con là Trần Hiến Tông lúc 29 tuổi rồi trở thành Thái Thượng Hoàng cùng con điều hành chính sự.
Văn bia bằng chữ Hán, bản dịch của Trần Trọng Kim in trong “Việt Nam sử lược” như sau: “Chương nghiêu văn triết Thái Thượng Hoàng là vua thứ 6 đời nhà Trần, nước Hoàng Việt, chịu mệnh trời nhất thống cõi trung hạ, trong đất ngoài bể đâu đâu cũng thần phục. Nước Ai Lao nhỏ mọn kia mà dám ngang ngạnh với giáo hóa. Cuối mùa thu năm Ất Hợi, vua đích thân đem sáu quân đi tuần cõi Tây, Thế tử nước Chiêm Thành, nước Chân Lạp, nước Xiêm La và tù trưởng các đạo Mán là Quý, Cầm, Xa, Lạc, tù trưởng rợ Bồn Man mới phục và các bộ Mán Thanh xa đều mang phương vật tranh nhau đến đón rước. Chỉ có tên nghịch Bống cứ giữ mê tối, sợ phải tội, chưa ra chầu ngay. Cuối mùa Đông, Vua đóng quân trên cánh đồng Cự thuộc Châu Mật, sai các tướng và quân mọi rợ vào tận nước chúng, nghịch Bống theo gió chạy trốn. Vua mời xuống chiếu đem quân về. Lúc bấy giờ là ngày tháng chạp nhuận năm Ất Hợi, niên hiệu Khai Hựu thứ 7, khắc vào đá.”
Bảy trăm năm đã trôi qua, dẫu bao bể dâu của lịch sử, thời tiết khắc nghiệt miền Trung “Ma nhai kỷ công bi văn” vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt là minh chứng cho hào khí Đông A, ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Đây cũng là lời nhắn gửi, răn đe những kẻ còn ấp ủ mưu đồ chống lại sự ổn định và bình yên của biên cương đất nước.
Hàng trăm năm nay, núi Thành Nam với văn bia “Ma nhai kỷ công bi ký” đã trở thành vùng đất thiêng của các bản làng người Thái, xã Chi Khê, huyện Con Cuông. Hang đá ngay dưới mỏm núi Trầm Hương được khắc bia đã được Nhân dân lập bàn thờ, cử người tuần tra canh gác bảo vệ. Hàng tháng ngày mồng một, ngày rằm các bản gần, bản xa đều có lễ vật trà, quả, hương, đăng lên chiêm bái, tưởng nhớ những tướng sỹ, binh sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên cương. Đá núi, cây cối được Nhân dân trong vùng tự giác bảo vệ nghiêm ngặt, nhờ thế, dẫu rất gần đường quốc lộ 7 tấp nập người qua lại nhưng cả một vùng rộng lớn quanh bia vẫn giữ được nét hoang sơ, cổ kính.
Hang đá ngay dưới bia, hàng trăm năm nay, đồng bào các dân tộc xã Chi Khê đã lập bàn thờ tưởng nhớ công ơn các tướng sĩ đã hi sinh vì sự bình yên của biên cương
Với những ý nghĩa đó, tháng 8/2011, Bộ VHTT và DL đã có Quyết định công nhận bia ma nhai Thành Nam là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Cùng với các danh thắng, di tích như Tà Bó, Thắm Nàng Màn, Thắm Hoi, Thành Trà Lân, Vườn quốc gia Pù Mát… bia ma nhai Thành Nam đang được huyện Con Cuông xây dựng trở thành một điểm đến hấp dẫn trong hệ sinh thái Du lịch miền Tây xứ Nghệ.
Thông điệp văn hóa giữ nước của Trần Minh Tông khắc sâu trên vách núi là lời nhắn gửi hậu thế, trao truyền khát vọng bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc để xây dựng và phát triển đất nước vững bền. Đó là nét đẹp độc đáo, vững bền của văn hóa giữ nước các minh vương nhà Trần để lại cho hậu thế.
[1] Chữ Triện hay Triện Thư là một kiểu chữ Thư pháp Trung Quốc cổ. Đây là loại chữ tượng hình có nguồn gốc từ chữ Hán Giáp Cốt của nhà Chu và phát triển ở nước Tần thời chiến quốc. Chữ Triện được chia làm hai loại Đại Triện và Tiểu Triện. Đây được xem là loại chữ thống nhất đầu tiên của Trung Quốc có độ phức tạp cao, có tính thẩm mỹ đặc thù được dùng để viết thư pháp.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Thống kê truy cập
114511074
273
2359
21448
217947
121356
114511074