Góc nhìn văn hóa

Đổi mới hoạt động thư viện trong bối cảnh hiện nay

Thư viện điện tử dùng chung. Ảnh minh họa

Tài liệu và sách/thư viện điện tử

Sách được coi là một vật mang thông tin, tức là tài liệu. Tài liệu được hiểu là những thông tin xã hội được ghi chép lại trên các vật mang tin khác nhau, nhằm mục đích bảo quản, phổ biến và sử dụng nó. Thế kỷ XXI là thế kỷ của sách điện tử. Nó đã vượt qua khái niệm sách truyền thống (sách bằng giấy và một số vật mang tin thông thường khác) và đặt ra cho những người làm công tác thư viện phải thay đổi phương thức hoạt động và phục vụ bạn đọc, mới đáp ứng được với nhu cầu thời đại.

Thư viện, theo định nghĩa của UNESCO đưa ra năm 1970: Thư viện không phục thuộc vào tên gọi của nó, là bất cứ bộ sưu tập có tổ chức nào của sách, ấn phẩm định kỳ hoặc các tài liệu khác, kể cả đồ họa nghe nhìn, và nhân viên phục vụ có trách nhiệm tổ chức cho bạn đọc sử dụng các tài liệu đó nhằm mục đích thông tin, nghiên cứu khoa học, giáo dục hoặc giải trí.

Trong mấy chục năm gần đây, do áp dụng công nghệ hiện đại, chủ yếu là tin học và viễn thông mà hình thức và bản chất của các thư viện đã có những thay đổi đáng kể, với mấy dạng như sau:

Thư viện đa phương tiện là thư viện sử dụng nhiều vật lưu trữ thông tin và tri thức khác nhau: Sách, báo, băng video, đĩa com pac, vi phim, phần mềm máy tính.

Thư viện điện tử: Dấu hiệu đặc trưng nhất của thư viện điện tử là sử dụng chủ yếu các phương tiện điện tử (máy tính, tài liệu điện tử, các cơ sở dữ liệu…) để tạo lập và tìm kiếm thông tin. Như ở các thư viện điện tử sách vẫn tồn tại (vẫn chiếm phần lớn) trong vốn tài liệu, bên cạnh các tài liệu điện tử, cán bộ vẫn giữ một vai trò quan trọng trong hoạt động của thư viện.

Thư viện số: Trong thư viện số, thông tin và tri thức được lưu trữ dưới dạng điện tử (số hóa) dù trên các phương tiện khác nhau (Bộ nhớ điện tử, đĩa quang, đĩa từ). Như thế ở thư viện số sẽ không có bất kỳ cuốn sách nào. Các thư viện số như vậy có thể đặt ở một phòng đọc công cộng hay một phòng học cá nhân… Việc tiếp cận đối với thông tin số phải thông qua một máy đọc đa phương tiện. Nếu phải tiếp cận từ xa phải có modem hoặc mạng truyền thông tự động.

Thư viện ảo: Hệ thống thư viện ảo dựa trên công nghệ hiện thực ảo mà dạng đơn giản nhất của nó là gặp mặt từ xa. Một số chuyên gia Nga, Mỹ cho rằng, thư viện ảo là một tập hợp các nguồn lực thông tin, mà việc tiếp cận với nó phải qua mạng máy tính toàn cầu. Những nguồn lực này mặc dù nằm ở rất xa vẫn thực như trong 4 bức tường của thư viện. Vốn tài liệu của thư viện ảo đều được lưu trữ trong các bộ nhớ của máy tính. Cán bộ thư viện sẽ đóng vai trò chủ yếu trong việc tạo lập và quản lý, chủ yếu là mô tả, làm tóm tắt và tìm tài liệu ảo.

Một số dạng máy đọc sách điện tử mà người ta gọi là: Thư viện xách tay, Thư viện bỏ túi, Thư viện băng từ… Hiện nay, bộ nhớ phi thường mà đĩa quang học tạo nên đã có thể lưu trữ được cả một thư viện dùng để tra cứu, chỉ với một đầu máy có kích thức bằng cuốn sách, nặng chưa đến 1kg. Hãng Soni của Nhật đã sản xuất chiếc máy, loại đĩa quang học có thể lưu giữ 100.000 trang sách in, tương đương bộ Đại từ điển bách khoa 100 tập, hoặc chứa đựng kiến thức phong phú thuộc nhiều bộ môn. Ở Mỹ có Thư viện băng từ, có thể lưu trữ 9 triệu từ trong 20 cuốn băng Bách khoa toàn thư học thuật Hoa Kỳ. Khi tra cứu chỉ cần lắp đĩa băng vào máy tính là có thể đọc được tài liệu trên màn hình. Tuy nhiên vẫn sẽ có một bộ phận không nhỏ bạn đọc vẫn yêu thích và có nhu cầu đọc trực tiếp qua sách in trên giấy để học tập, giải trí.

Văn hóa đọc

Văn hóa đọc, hiểu theo nghĩa rộng là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Hiểu theo nghĩa hẹp, văn hóa đọc là ứng xử đọc, là giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Nó được hình thành từ ba yếu tố: Thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc.

Văn hóa đọc trong nền văn hóa đọc của mỗi quốc gia phải bao gồm đầy đủ các yếu tố: Ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của các quan chức và cơ quan nhà nước, ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của cộng đồng xã hội và ứng xử đọc, giá trị đọc, chuẩn mực đọc của mỗi thành viên trong xã hội. Mục đích phát triển văn hóa đọc là phát triển thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc của mọi thành viên trong xã hội; là tạo môi trường thuận lợi cho người dân tiếp cận tài liệu đọc chất lượng cao; là tạo môi trường tôn vinh người viết sách, người đọc sách và người truyền thụ kiến thức... Có thể nói, chủ động giáo dục kỹ năng đọc cho mọi người dân là yếu tố quyết định thành bại của quá trình phát triển nền văn hóa đọc của mỗi quốc gia.

Văn hóa đọc nước ta đã có những bước tiến vượt bậc nhờ sách báo xuất bản ngày càng phát triển, những năm 1970-1980 chỉ mới có 4.000 tên sách/năm, tăng đến 25.000 (tăng gấp 6 lần), gần đây tốc độ gia tăng hàng năm 10%; báo chí hàng năm có 400 tên, có tên, mỗi số in 500.000 bản...

Hệ thống thư viện cũng được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng phát triển và phục vụ bạn đọc khá hiệu quả. Cả nước có 64 thư viện tỉnh, thành phố, gần 600 thư viện huyện, khoảng 10.000 thư viện cơ sở xã và tương đương và khoảng 3 vạn điểm đọc sách báo nhân dân khác… Hệ thống thư viện tỉnh ngày càng được xây dựng với quy mô hiện đại và đang trong giai đoạn tự động hóa, từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử/số. Hệ thống thư viện công cộng được nâng cấp phục vụ theo hướng gần gũi, thân thiện với bạn đọc. Công tác xã hội hóa thư viện cũng giúp tăng thêm nhiều loại hình thư viện cộng đồng, như thư viện nhân dân khối xóm, thư viện gia đình, tư nhân, thư viện dòng họ...

Đồng thời các cơ quan, đơn vị liên quan đến sách báo, tài liệu đọc, như nhà xuất bản, phát hành, nhà sách, siêu thị sách, hội chợ sách; phối hợp với chính quyền xây dựng đường/phố sách… Tp. Hồ Chí Minh đã xây dựng đường sách, phố sách với một số hoạt động đăng ký thành kỷ lục ghi nét, để trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa... Chính phủ đã có quyết định hàng năm lấy ngày 21/4 làm Ngày sách Việt Nam, cùng với các cuộc triển lãm sách định kỳ, đột xuất, các cuộc thi đọc sách, tuyên truyền giới thiệu sách... Hàng năm, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và hệ thống Thư viện toàn quốc đã lấy ngày Ngày sách Việt Nam này làm dịp tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, đã cuốn hút đông đảo thanh thiếu nhi, sinh viên, học sinh tham gia và có rất nhiều bài thi được làm rất công phu, có bài thành như một công trình, cuốn sách, hay như một bộ phim tài liệu truyền hình, có hình ảnh minh họa, có Clip trao đổi, phỏng vấn việc đọc sách, tác dụng của sách trong đời sống; có dùng ngoại ngữ, sáng tác văn thơ, tranh vẽ… để thể hiện rất sinh động. Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã xây dựng nhiều chương trình hoạt động giới thiệu sách, hướng dẫn đọc sách rất bổ ích, như chương trình Sách hay thay đổi cuộc sống… Nhà trường, mỗi lớp học cũng có nhiều cách làm Thư viện tạo hứng thú cho học sinh. Tổ chức các câu lạc bộ đọc sách theo nhóm, có các kệ sách ngay trong lớp; làm Thư viện ngoài trời, treo sách lên cành cây; các mảng tường cũ được sơn lại tô vẽ thành các bức tranh dân gian và dưới đó là các kệ sách đủ loại, bên cạnh là các chậu cây cảnh tươi mát và có nơi còn gọi là Thư viện/kệ sách Hạnh phúc

Thư viện Nghệ An và một số hoạt động đổi mới

Với sự lãnh đạo của Đảng bộ và UBND tỉnh nhà, Nghệ An đã và đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ một tỉnh tầm trung trở thành một tỉnh mạnh, xứng tầm với vai trò trung tâm lớn của Bắc Trung Bộ.

Thư viện tỉnh Nghệ An đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới 7 tầng khang trang trên trục đường Đại lộ Lê nin rất thuận lợi cho bạn đọc đến đọc sách báo. Trong những năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành, đặc biệt là Vụ Thư viện, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện tỉnh Nghệ An cùng các thư viện tỉnh bạn đã có những thay đổi đáng kể về cả chất lượng lẫn số lượng.

Thư viện tỉnh đã ứng dụng công nghệ tin học vào công tác thư viện, đã xử lý qua máy tính tất cả vốn sách mới bổ sung, truy nhập hồi cố toàn bộ các kho sách. Thư viện đã nối mạng LAN nội bộ để quản lý các kho sách, quản lý bạn đọc và liên thông phục vụ bạn đọc tra cứu tìm tin, tài liệu qua mạng máy tính.

 

Xe thư viện phụ vụ các em học sinh ở Trường TH Hưng Dũng, TP. Vinh

Thư viện đã dành một phần kinh phí để bổ sung các sách điện tử, các băng đĩa từ để trình chiếu và phục vụ bạn đọc khuyết tật, khiếm thị. Phòng tra cứu Internet được xây dựng từ những năm 2.000 với 40 máy tính ở Thư viện tỉnh và ở hầu hết các thư viện huyện, thành, thị, một số cơ quan, trường học, bệnh viện, mỗi nơi được đầu tư (10-20) máy tính; ở 33 thư viện cơ sở, mỗi nơi (5-10) máy tính, đã giúp cho nhân dân hầu khắp các địa phương, cả miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số biết sử dụng máy tính và tra cứu khai thác thông tin qua Internet của Quỹ Bill 7 MeLinĐa Gates - Hoa Kỳ tài trợ; cùng với việc cài đặt các phần mềm có nội dung đa dạng, phong phú, hữu ích… mang tính toàn cầu, quốc gia, đã phát huy rất tốt việc khai thác thông tin và truy cập cho người đọc hàng triệu lượt, đã đem lại lợi ích ứng dụng vào học tập của sinh viên, học sinh và phục vụ tốt cho đời sống sản xuất, xã hội của đông đảo người dân toàn tỉnh. Tỉnh cũng đã đầu tư dự án Thư viện điện tử/số trên 10 tỷ cho Thư viện tỉnh, với hàng trăm máy tính và các phương tiện hiện đại khác. Thư viện sẽ hoàn thiện dần việc số hóa tài liệu để bảo quản và phục vụ bạn đọc được tốt hơn. Bạn đọc có thể được khai thác thông tin từ các trung tâm tư liệu lớn như Thư viện Quốc gia, Thư viện Khoa học xã hội, các cục, vụ, viện, Đại học Vinh, các thư viện trong khu vực/Bắc Miền Trung/các tỉnh thành trong cả nước qua liên mạng máy tính. Bạn đọc đến thư viện không chỉ đọc sách mà còn tham gia vào các hoạt động sự kiện, vui chơi, giải trí; học sinh các trường học được tham gia trải nghiệm các cuộc thi đọc sách và tìm hiểu về đời sống xã hội, thế giới qua máy tính... Tiến tới bạn đọc có thể không phải đến thư viện trực tiếp mượn sách nữa, mà có thể ở nhà đọc tài liệu, tìm thông tin cần thiết cho mình qua mạng, qua thư viện toàn cầu và nhiều phương tiện đọc điện tử khác. Cán bộ thư viện làm nhiệm vụ tổ chức tốt thư viện điện tử/số và làm trung gian trung chuyển tốt nhất cho bạn đọc trong khai thác thông tin tư liệu qua các phương tiện đọc tiến tiến, hiện đại. Thư viện còn được đầu tư Xe Thư viện lưu động đi phục vụ tuyến huyện, cơ sở, đặc biệt là có hiệu quả cao với đồng bào, học sinh các trường học các vùng xa, vùng sâu, biên giới miền núi.

Thư viện đổi mới các phương thức hoạt động, tổ chức tốt việc phối hợp với các cơ quan liên quan và các tổ chức xã hội để hỗ trợ chuyên môn với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn, cuốn hút đông đảo các đối tượng bạn đọc đến thư viện; giới thiệu được vốn tài liệu và các hoạt động khai thác thông tin hữu hiệu, tạo được thói quen đến thư viện, yêu/đọc sách thư viện. Xây dựng thư viện thành một trung tâm văn hóa, giáo dục ngoài nhà trường hiệu quả, hấp dẫn với bạn đọc./.

_______________________

Bài đã đăng VHTT Nghệ An, Số 13 - Tháng 6/2024

           

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511576

Hôm nay

2239

Hôm qua

2336

Tuần này

21950

Tháng này

218449

Tháng qua

121356

Tất cả

114511576