Góc nhìn văn hóa

Hiện đại hóa nghệ thuật biểu diễn - Yêu cầu cấp thiết để bứt phá thành công

 

Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh Thành Cường

Nghệ thuật biểu diễn được đánh giá là lĩnh vực giàu tiềm năng, có nhiều lợi thế để góp phần phát triển công nghiệp văn hóa. Cùng với thời gian, nghệ thuật truyền thống nói chung và sân khấu Nghệ Tĩnh nói riêng ngày càng phát triển, chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa hơn. Thành công của nhiều chương trình, vở diễn vừa qua của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống là minh chứng cho thấy đây là lĩnh vực có khả năng hội nhập nhanh với xu hướng quốc tế, có khả năng bứt phá để thành công nếu được đầu tư, khích lệ thích đáng, đặc biệt là về nội dung tác phẩm và công nghệ.

Hiện đại là diện mạo, bản sắc truyền thống là cốt lõi

Một tác phẩm nghệ thuật sân khấu hoàn mỹ phải có sự thống nhất giữa nội dung và hình thức. Nội dung cuộc sống đã thay đổi, dù hình thức cổ truyền có mẫu mực tới đâu cũng không vì thế mà có thể đáp ứng được mọi đòi hỏi của thẩm mỹ nội dung cuộc sống mới. Nghệ thuật truyền thống (NTTT) muốn “sống được” trong xã hội hôm nay, muốn có nhiều khán giả đến xem cần mang tính hiện đại, vì “hiện đại” là diện mạo mới, còn bản sắc truyền thống chính là cốt lõi, là nền móng. Bởi vậy, với sân khấu hôm nay, truyền thống và hiện đại vẫn luôn phải song song với quá trình phát triển, hiện đại nhưng vẫn giữ hồn cốt của loại hình nghệ thuật mà các thế hệ đi trước đã dày công sáng tạo.

Nhận thức được điều đó, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An đã mạnh dạn thay đổi để NTTT Nghệ An nói chung và sân khấu Nghệ Tĩnh nói riêng có nhiều tác phẩm về đề tài hiện đại có chất lượng, đáp ứng được mong mỏi của khán giả. Có thể kể đến một loạt các vở diễn sân khấu đạt giải thưởng cao tại các liên hoan, cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức: “Người thi hành án tử”; “Đường đua trong bóng tối”; ”Cánh cò trong bão”; “Vầng sáng”, “Góc khuất đời người”; “Lời Người - Lời của nước non”…. Những tác phẩm nghệ thuật này bao hàm các nội dung về những vấn đề đương đại của cuộc sống hiện đại, có tác động đến tư tưởng của đông đảo quần chúng nhân dân, được sáng tạo thông qua các hình tượng nghệ thuật hiện đại, nhưng vẫn không mất đi cái hồn của sân khấu Kịch hát Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

Thực tế đã cho thấy, việc dàn dựng và biểu diễn về đề tài hiện đại trên sân khấu kịch Nghệ Tĩnh đã góp phần làm phong phú thêm loại hình sân khấu hóa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và hướng đến phục vụ nhiều đối tượng khán giả hơn, nhất là đối tượng khán giả trẻ. Không những vậy, các vở diễn Kịch hát Dân ca Ví, Giặm hiện đại còn đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị đối với Nhà nước và bắt nhịp với hơi thở cuộc sống hiện đại, đưa sân khấu truyền thống đến gần hơn với đời sống Nhân dân.

Có thể nói, những hình ảnh đời thường, gần gũi với công chúng, những tấm gương người tốt, việc tốt, những cái hay, cái đẹp, cái mới xuất hiện cộng với thế mạnh là những làn điệu dân ca Ví, Giặm ngọt ngào, sâu lắng dễ đi vào lòng người đã góp phần làm cho sân khấu Nghệ Tĩnh thu hút nhiều đối tượng khán giả đến với NTTT của dân tộc.

Tạo đột phá với công nghệ để chương trình hoành tráng hơn, hiện đại hơn

Những năm gần đây, hoạt động của các bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống gặp khá nhiều khó khăn trước sức ép cạnh tranh của các loại hình giải trí hiện đại. Thực tế cho thấy rất khó thu hút khán giả ngày nay bằng những cảnh trí sân khấu cồng kềnh, tốn nhiều thời gian chuyển cảnh. Hệ thống âm thanh, ánh sáng cũ kỹ, lạc hậu cũng khiến tác phẩm trở lên thiếu sinh khí. Nhận thức được điều này, Trung tâm NTTT Nghệ An đã chú trọng việc đầu tư đưa công nghệ vào trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật của mình.

Và không khó để nhận ra rằng, trong những năm gần đây, nghệ thuật biểu diễn nói chung và sân khấu Nghệ Tĩnh đã có những bước tiến đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ. Nhiều công nghệ tiên tiến được áp dụng, làm thay đổi cách dàn dựng, bài trí sân khấu trước đây, hiện thực hóa được những ý tưởng nghệ thuật táo bạo và mang đến cho công chúng cảm nhận mới mẻ. Có thể kể đến một số chương trình lớn được đầu tư nghiêm túc về công nghệ tạo ra những đại cảnh cho các chương trình nghệ thuật: kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong, 1.300 năm khởi nghĩa Hoan Châu, 250 năm năm sinh và 200 năm năm mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương, khai mạc và bế mạc Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, vở diễn “Hoa lửa Truông Bồn”….

 

Một cảnh trong vở diễn "Lời Người lời của nước non". Ảnh Lương Vân

Trong lễ kỷ niệm 250 năm năm sinh và 200 năm năm mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương, khán giả không khỏi xúc động và thán phục trước những cảnh diễn tái hiện lại cuộc đời của nữ sĩ Hồ Xuân Hương qua chương trình nghệ thuật “Ví đây đổi phận làm trai được”. Chương trình được dàn dựng công phu, dùng các hoạt cảnh dân ca Ví, Giặm và kịch múa để xâu chuỗi các sự kiện và kết nối giữa quá khứ với hiện tại, kết hợp với công nghệ ánh sáng làm nổi bật 4 vấn đề về nữ sĩ Hồ Xuân Hương được UNESCO ghi nhận.

 

Biểu diễn nghệ thuật trong Festival dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

Hay trong lễ khai mạc và bế mạc Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vừa qua, khán giả không khỏi choáng ngợp trước những hình ảnh đẹp mắt từ các màn trình diễn thực cảnh hát Ví, hát Giặm được thực hiện với sự hỗ trợ của công nghệ mới như: công nghệ trình chiếu hình ảnh đồ họa (Mapping), công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented Realyty - AR), công nghệ thực tế mở rộng (Extended Reality - EX)…Việc sử dụng các công nghệ này trong chương trình làm tăng hiệu quả nghệ thuật mà vẫn không mất đi giá trị truyền thống vốn có của nghệ thuật truyền thống.

Ngay cả với nhiều chương trình có quy mô nhỏ và vừa hiện nay, Trung tâm NTTT cũng tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ. Những màn hình led giúp cho sân khấu hiện đại hóa hơn, hiện thực hóa ý tưởng thể hiện và tạo cảm xúc tối đa cho người xem.

Sự đón nhận của công chúng, đặc biệt là giới trẻ đối với những chương trình, vở diễn của Trung tâm NTTT có sử dụng công nghệ hiện đại để hỗ trợ dàn dựng, biểu diễn cho thấy khán giả hôm nay đòi hỏi cao hơn trong thưởng thức nghệ thuật. Muốn ghi dấu ấn thì nghệ thuật biểu diễn của Nghệ An cần có sự bứt phá về công nghệ âm thanh, ánh sáng, hình ảnh hỗ trợ.

Ứng dụng chuyển đổi số vào NTTT để sân khấu truyền thống không đứng ngoài dòng chảy công nghiệp văn hóa

Áp dụng công nghệ thông tin sẽ tạo nên những hiệu quả mới trong sự sáng tạo nghệ thuật đặc biệt giúp nghệ thuật sân khấu truyền thống không đứng ngoài dòng chảy công nghiệp văn hóa.

Với công nghệ số, khán giả có thể nghe đi nghe lại những làn điệu dân ca để tìm hiểu chuyên sâu về NTTT. Nếu có bảo tàng số, có nghĩa là chúng ta có thể bảo tồn nhiều tác phẩm nghệ thuật mà không sợ bị quá tải, không sợ bị thất thoát, mai một vốn văn hóa cổ truyền vẫn đang xảy ra. Khi áp dụng công nghệ số chúng ta sẽ có một nơi lưu giữ an toàn.

Thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia và chương trình chuyển đổi số của tỉnh, của ngành Văn hóa và Thể thao, Trung tâm NTTT đang đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số như xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên nền tảng công nghệ số thống nhất; khuyến khích người dân sử dụng các nền tảng công nghệ số trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật tạo hiệu ứng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của cộng đồng trong đó có số hóa vở diễn sân khấu.

Trung tâm cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông về nghệ thuật biểu diễn truyền thống và sân khấu Nghệ Tĩnh trên các nền tảng mạng xã hội. Các Fanpage được sử dụng như một kênh thông tin chính thức của Trung tâm NTTT với các nội dung được cập nhật nhanh chóng, gần gũi với khán giả. Phương pháp này đang chứng minh nhiều ưu điểm vượt trội so với các website truyền thống và trước mắt đã mang lại hiệu quả tích cực về tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống nói chung và sân khấu kịch hát Nghệ Tĩnh nói riêng đến với khán giả trong và ngoài nước.

Xây dựng nhà hát trên Youtube. Nhà hát trên Youtube được xem là xu hướng hưởng thụ nghệ thuật mới của công chúng trong thời đại công nghệ số, giúp khán giả cả nước sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều tác phẩm nghệ thuật hay. Trong thời đại công nghệ 4.0, việc thưởng thức nghệ thuật truyền thống trực tuyến đã trở thành thói quen phổ biến của nhiều người. Do đó, việc ứng dụng nền tảng công nghệ số là giải pháp quan trọng để lưu trữ giữ liệu, quản lý và bảo tồn NTTT nói chung và sân khấu Nghệ Tĩnh nói riêng.

Hiện đại hóa cơ sở vật chất cho NTTT và sân khấu Nghệ Tĩnh

Khi công chúng ngày càng có điều kiện cập nhật các giá trị văn minh nhân loại, hoạt động nghệ thuật càng đồi hỏi những phương thức, cách làm mới để bắt kịp, đáp ứng yêu cầu của thế hệ “công dân toàn cầu”, như vậy hiện đại hóa cơ sở vật chất cho nghệ thuật truyền thống và sân khấu Nghệ Tĩnh là điều tất yếu.

Để tạo điều kiện cho Trung tâm NTTT tỉnh thực hiện tốt việc quảng bá nghệ thuật truyền thống, hàng năm bằng các nguồn ngân sách và nguồn mục tiêu phát triển văn hóa nghệ thuật, tỉnh đã quan tâm đầu tư, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất cho Trung tâm: Cải tạo, nâng cấp Nhà hát Dân ca; triển khai dự án xây dựng Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca Ví, Giặm; đầu tư trang thiết bị hiện đại, từ âm thanh, ánh sáng, màn hình led đến hệ thống kỹ thuật cho sân khấu biểu diễn tại Nhà hát Dân ca; đầu tư kinh phí nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, số hóa tài liệu; in ấn, phát hành các sản phẩm, ấn phẩm nhằm lưu giữ các tài liệu, vở diễn đặc sắc; đầu tư các thiết bị quay phim, ghi hình phục vụ cho việc livestream các chương trình, vở diễn của Trung tâm; xây dựng và nâng cấp website Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh hàng năm….

Nhận thấy Nghệ An cần phải có một thiết chế văn hóa hiện đại để tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật có chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật, giáo dục thẩm mỹ cho cán bộ và Nhân dân, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, ngành Văn hóa và Thể thao sẽ hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng Trung tâm Bảo tồn và Phát huy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tại phường Trung Đô, thành phố Vinh; cải tạo nâng cấp Nhà hát Dân ca Nghệ An tại 30 Nguyễn Sỹ Sách, thành phố Vinh có sân khấu hiện đại đáp ứng được những đòi hỏi, yêu cầu cao về mặt kỹ thuật để phục vụ tối đa, hiệu quả cho những ý tưởng nghệ thuật của ê kíp sáng tạo. Từ đó sẽ cho ra đời các sản phẩm nghệ thuật không những bao hàm giá trị nghệ thuật cao, mà còn đáp ứng được thị hiếu của khán giả ngày nay.

Đưa nghệ thuật sân khấu đến gần hơn với giới trẻ

Đó là mục tiêu mang tính chiến lược của Trung tâm NTTT. Trung tâm đang tập trung triển khai 02 đề án quan trọng của tỉnh đó là Đề án bảo tồn, phát huy nghệ thuật biểu diễn truyền thống các dân tộc Nghệ An và Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Nội dung trọng tâm trong giai đoạn này là đưa dân ca Ví, Giặm vào trường học thông qua các lớp tập huấn, truyền dạy năng khiếu cho các em học sinh các cấp học của Nghệ An, nhằm hướng dẫn các em nắm vững và thực hành thành thục các làn điệu dân ca Ví, Giặm, để các em tham gia trực tiếp vào các trích đoạn vở diễn dân ca Ví, Giặm, từng bước làm quen với bộ môn kịch hát truyền thống của xứ Nghệ.

Một nhóm học sinh các trường trung học phổ thông sau khi được tham gia các lớp truyền dạy đã có những đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật biểu diễn truyền thống tại trường học và địa phương. Các em đã tự trình diễn các tác phẩm dân ca Ví, Giặm và đưa những tiểu phẩm, hoạt cảnh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được học lên các website của trường, nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook. Các em đã biết ứng dụng sự phát triển của công nghệ kỹ thuật trong thời đại số vào việc bảo tồn, lưu giữ và tuyên truyền các giá trị văn hóa truyền thống. Hiệu quả từ các hoạt động trên cho thấy thế hệ trẻ Nghệ An ngày càng có nhiều việc làm để lan tỏa sự quan tâm và yêu mến đối với cái đẹp, cái hay của NTTT.

Có thể thấy, thế hệ trẻ đã và đang từng bước đến gần hơn với nghệ thuật sân khấu, chính tầng lớp này sẽ là người lưu giữ và lan tỏa nét đẹp NTTT trong nước và quốc tế. Để tồn tại, nghệ thuật sân khấu Nghệ An buộc phải vươn lên, khẳng định mình bằng chất lượng nghệ thuật. Mỗi tác phẩm sân khấu cần được quan tâm đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả, cần hướng đến giá trị hiện thực xã hội và cần “trẻ hóa” kịch bản để thu hút đông đảo các tầng lớp khán giả, đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên.

Những nỗ lực trên cho thấy hiện đại hóa nghệ thuật biểu diễn truyền thống là yêu cầu cấp thiết để bứt phá thành công và Trung tâm NTTT Nghệ An vẫn đang không ngừng nỗ lực, trở mình để đem đến làn gió mới, vừa không làm mai một các giá trị truyền thống, vừa đổi mới, nâng cao chất lượng về mọi mặt. Thường xuyên bám sát đời sống và nhu cầu của khán giả để kịp thời có những sản phẩm nghệ thuật hấp dẫn, gần gũi với cuộc sống đương đại.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114503704

Hôm nay

2107

Hôm qua

2319

Tuần này

21174

Tháng này

221097

Tháng qua

120308

Tất cả

114503704