Góc nhìn văn hóa

Nét đặc sắc trong lễ hội “Thập niên sự lễ”

Quang cảnh lễ rước

Nguyên xưa, tại đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan, mỗi năm diễn ra 2 kỳ lễ là Xuân tế (tế vào 15/3 âm lịch) và Thu tế (tế vào 15/8 âm lịch), ngoài ra còn có các lễ nhân ngày húy kỵ của các vị thần được thờ tại đền và cứ 3 năm 1 lần tổ chức lễ hội lớn vào tháng 6 âm lịch gọi là lễ hội Kỳ phúc. Từ năm Giáp Thìn (1664) trở về sau, quy định 10 năm tổ chức đại lễ 1 lần vào dịp thanh minh từ 13 - 15/3 âm lịch nên còn gọi là “Thập niên sự lễ”. Trong hơn 3 thế kỷ, chỉ có 3 lần (năm 1954, 1964, 1974) do hoàn cảnh chiến tranh không tổ chức lễ hội nhưng tại đền vẫn diễn ra các nghi lễ truyền thống. Năm 1984, sau một thời gian bị gián đoạn, lễ hội “Thập niên sự lễ” từng bước được phục hồi. Các hoạt động lễ hội của đền phần lớn được khôi phục và bổ sung phù hợp với thời đại và điều kiện hiện nay. Đây thực sự là một lễ hội mang nhiều nét đặc sắc, khó tìm thấy ở các lễ hội truyền thống khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Thứ nhất là không gian của Lễ hội “Thập niên sự lễ” không giới hạn trong đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan mà được thực hiện tại nhiều không gian liên quan đến thần chủ Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan.

Lễ hội “Thập niên sự lễ” diễn ra ở ba địa điểm chính là đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan (xã Tràng Sơn), đền Đức Hoàng và chùa Phúc Mỹ (xã Yên Sơn). Cả ba địa điểm này đều nằm trên địa bàn huyện Đô Lương. Ngoài ra, không gian văn hóa của lễ hội còn mở rộng tới các làng dọc đường cái quan từ đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan đến đền Đức Hoàng và chùa Phúc Mỹ, các địa phương có đền thờ Thái Phó Nguyễn Cảnh Hoan và các nhà thờ họ Nguyễn Cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An như: huyện Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Yên Thành, Cửa Lò, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai...

Xưa, từ mờ sáng ngày 14 tháng 3 âm lịch con cháu họ Nguyễn Cảnh cùng nhân dân đã tập trung đầy đủ tại đền thờ, chỉnh tề hàng ngũ đi rước. Đoàn rước kéo dài cả mấy km, xuất phát từ đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan tại làng Tràng Thịnh vòng xuống nghé qua đền Phú Thọ thăm lại doanh trại xưa của ngài. Sau đó đoàn rước tiếp tục đi đến đền Đức Hoàng để chầu vua Lê Trang Tông, rồi di chuyển qua chùa Phúc Mỹ, xin phép chư Phật thỉnh kinh về quy y cho các thần tổ họ Nguyễn Cảnh được theo Tam bảo và tụng kinh cầu siêu, cầu cho quốc thái dân an. Hiện nay, để thuận tiện cho lễ rước, con cháu tổ chức rước bằng ô tô và xe máy. Đoàn rước chia thành 3 hướng chính.

 Hướng thứ nhất: Đoàn rước từ huyện Thanh Chương xuất phát từ đền Hữu, xã Thanh Yên ra đường Quốc lộ 46, dừng tại Ngọc Sơn vào dâng hương tại nhà thờ Nguyễn Cảnh Huy đồng thời xin rước linh vị của các vị tổ và linh vị của các chi về đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan.

 Hướng thứ hai: Đoàn rước từ thị xã Cửa Lò, xuất phát từ phường Nghi Thủy lên nhập với đoàn rước của thành phố Vinh, đi theo đường Quốc lộ 46, lên Nam Đàn nhập với đoàn rước Nam Đàn và theo đường 15A, gặp và nhập với đoàn Thanh Chương ở ngã ba Đà rồi cùng rước về đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan, xã Tràng Sơn.

 Hướng thứ ba: Đoàn rước từ thị xã Hoàng Mai, xuất phát từ Quỳnh Xuân di chuyển theo đường 1A rồi rẽ vào đường Quốc lộ 7B huyện Yên Thành, nhập với đoàn rước của Yên Thành tại thị trấn, rồi tiếp tục đi theo Quốc lộ 7A nhập với đoàn Hòa Sơn, Bài Sơn, Thịnh Sơn rồi cùng về đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan, xã Tràng Sơn.

Sau khi quy tụ về một mối, đoàn tiến hành rước các vị thần đến các điểm như trước đây (đền Đức Hoàng, chùa Phúc Mỹ). Dù phương tiện có khác nhau nhưng ý nghĩa thì không thay đổi.  

Thứ hai là phân biệt tước vị của các vị tiên tổ dòng họ Nguyễn Cảnh bằng các hiện vật bằng giấy theo tỷ lệ 1:1

Dòng họ Nguyễn Cảnh có 18 vị Quận  công, 72 vị được phong tước Hầu và nhiều người có học vị Tiến sĩ, Cử nhân, Tú tài. Để phân biệt tước vị của tổ tiên, dòng họ đã phân công các chi họ làm các hiện vật bằng giấy. Theo đó, chi họ có tước Quận công thì chuẩn bị voi giấy, chi họ có tước Hầu thì chuẩn bị ngựa giấy, tước Bá, Tử, Nam hoặc Tiến sĩ, Cử nhân, Tú tài thì làm võng giá. Voi, ngựa giấy được làm theo tỷ lệ 1:1. Đặc biệt, trong 18 con voi, có 4 con của 4 vị thần (Nguyễn Cảnh Hoan, Nguyễn Cảnh Kiên, Nguyễn Cảnh Hà, Nguyễn Cảnh Quế) trên lưng có ngai, lọng che. Tất cả đặt trên cỗ xe có 4 bánh để đẩy đi theo đoàn rước (nay được thay bằng ô tô bán tải). Đi hai bên hàng voi ngựa đều có trai tráng vận trang phục lính trận xưa, bên hông đeo gươm hoặc tay cầm đao tháp tùng theo. Voi ngựa giấy sắp 2 bên sân đền. Hiện nay, để tiết kiệm chi phí, thay vì làm 18 con voi giấy, con cháu chỉ làm 4 con tượng trưng cho 4 ông voi của 4 vị công thần được thờ tại đền là Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan, Thư Quận công Nguyễn Cảnh Kiên, Thắng Quận công Nguyễn Cảnh Hà và Liêu Quận công Nguyễn Cảnh Quế.

 

Voi, ngựa giấy trong lễ rước

Thứ ba là truyền thống gắn kết giữa Nhà nước, chính quyền địa phương và con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh

Lễ hội “Thập niên sự lễ” có điểm đặc biệt là “quốc tế” tức lễ tế tại đền được tổ chức theo “điển lễ của Nhà nước”, chính quyền nhà nước đứng ra tổ chức. Do Lễ hội 10 năm mới diễn ra một lần nên từ triều đình đến quan viên chức sắc tỉnh, huyện, xã cũng như con cháu dòng họ rất quan tâm. Trước đó, triều đình đã ban bố lệnh cho tỉnh (trấn), huyện (phủ), xã để chính quyền các cấp chỉ đạo và chuẩn bị các khâu phục vụ lễ hội, thành lập ban lễ nghi. Các làng trong xã và con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh chuẩn bị nhân lực để phục vụ lễ hội. Trước tiên, lập danh sách đội tế, đội rước kiệu thần, đội rước voi giấy, ngựa giấy, đội rước sắc, đội binh lính, từ đó tuyển chọn những người khỏe mạnh, gia đình không có tang, phải trai giới sạch sẽ trước và trong quá trình tham gia lễ hội. Tất cả đều phải có trang phục đầy đủ chỉnh tề và phải được tập luyện chu đáo.

Tiếp nối truyền thống đó, hiện nay, Lễ hội cũng do UBND huyện Đô Lương phối hợp UBND xã Tràng Sơn cùng con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh và Nhân dân địa phương chủ trì thực hiện. Quá trình chuẩn bị kéo dài hàng tháng với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện, xã và các phòng, ban chuyên môn. Họ Nguyễn Cảnh là một trong những dòng họ “danh gia vong tộc”, nhiều chi phái sinh sống trên khắp mọi miền Tổ quốc. Lễ hội cũng là dịp để họ tụ họp, tìm về tổ tông, đóng góp nhân lực, vật lực, tài lực cho việc tổ chức lễ hội thêm quy mô hoành tráng…Đây là lễ hội điển hình về sự cố kết cộng đồng làng xã với con cháu dòng họ; sự chung tay giữa Nhà nước và Nhân dân.

         Thứ tư là Lễ hội còn lưu giữ được nhiều nghi lễ đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương

Tại Lễ hội, phần lễ diễn ra theo nghi thức cổ truyền, trong đó, nhiều nghi thức để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng Nhân dân và du khách, tiêu biểu như lễ rước các thần vi hành, lễ chầu Đức Vua, lễ cầu siêu, …

Trong phần lễ rước, khi đoàn về đến gần đình làng Tràng Thịnh đã diễn ra một nghi thức khá độc đáo: con voi đi sau cùng bị con cháu và Nhân dân cùng nhau đẩy xuống sông không cho về đền. Đây là nghi thức diễn lại tích xưa: Tương truyền, thời Lê Mạc có một vị Quận công đã phản bội lại triều Lê (đi ngược lại với gia phong của tổ tông) nên không được phép vào đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan để bái lễ. Do đó họ Nguyễn Cảnh thực hiện nghi thức này với mục đích để răn dạy lòng trung quân ái quốc cho con cháu đời sau, kẻ nào “bất trung” sẽ không được coi là con cháu họ Nguyễn Cảnh. Đối với cư dân nông nghiệp nói chung, người dân xứ Nghệ nói riêng, họ tộc là gốc rễ, là điểm tựa tinh thần to lớn, niềm tự hào “như cây có cội”, “như sông có nguồn”. Vì thế việc bị “xóa sổ” khỏi họ tộc là một hình phạt nặng nề, trở thành người “mất gốc”, bị người đời cười chê.

Lễ chầu Đức Vua cũng là một nghi lễ đặc biệt vừa nhằm tri ân công lao của vua Lê Trang Tông đối với công cuộc trung hưng nhà Lê, đồng thời thể hiện tinh thần trung, cần, nhân, nghĩa của con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh. Hay như nghi lễ xin thỉnh kinh tại chùa Phúc Mỹ cũng để lại nhiều cảm xúc. Đây là một nghi lễ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Đức Thái phó Nguyễn Cảnh Hoan cũng như nhiều con cháu hậu duệ của Ngài là những vị tướng lĩnh cầm quân trên chiến trường, từng nhìn thấy biết bao binh lính tướng tá tử trận nên việc lên chùa lễ Phật là một lời cầu nguyện cho linh hồn những binh sĩ được yên nghỉ nơi suối vàng. Đồng thời nghi lễ này còn gửi gắm hàm ý trút bỏ gươm đao chiến tranh để hướng về hòa bình, từ bi hỉ xả.

Ngoài ra, lễ cầu siêu cũng là một trong những nghi lễ được tổ chức công phu, mang hàm ý sâu sắc. Trước là cầu cho các linh hồn tướng tá, con cháu dòng họ vong thân trên chiến trận sớm được siêu thoát, sau nữa là để cầu cho con cháu dòng họ, Nhân dân có cuộc sống bình an, mạnh khỏe.

Trước đây, tại lễ hội còn có hoạt động Chầu thánh, làng mời các phường ca trù Đại hàng (phường ca trù lớn, có uy tín, nổi tiếng của cả vùng) như Cát Ngạn, Kẻ Lứ, Kẻ Gám về biểu diễn hát xướng dâng hương suốt đêm với hai phần là hát thờ - còn gọi là hát cửa đình hát thưởng xuân. Đặc biệt, trong khi hát thì đào nương phải nhớ tên húy của Đức Thánh Thái Phó và các vị thần linh để hát chệch đi. Việc phạm húy trong khi hát là điều tối kỵ.             

          Hiện nay, xu thế hội nhập toàn cầu, trong đó có hội nhập về văn hóa là xu thế tất yếu. Bởi vậy, việc giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương là cả một bài toán nan giải, cần sự chung tay của các cấp, các ngành, nhất là ngành Văn hóa. Tin tưởng rằng, sau khi Lễ hội “Thập niên sự lễ” được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chính quyền các cấp và Nhân dân địa phương, đặc biệt là con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh sẽ phát huy tốt giá trị của lễ hội, góp phần quảng bá và lan tỏa bản sắc văn hóa của địa phương đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh./.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, Số 13 - Tháng 6/2024)

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114510950

Hôm nay

2308

Hôm qua

2347

Tuần này

21324

Tháng này

217823

Tháng qua

121356

Tất cả

114510950