Góc nhìn văn hóa
Nghệ thuật chớp thời cơ trong Cách mạng Tháng 8 năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hình ảnh những ngày Tháng Tám lịch sử ở Hà Nội. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Thời cơ là tình thế xuất hiện trong thời điểm nhất định, có lợi nhất cho việc chủ động phát huy mọi sức mạnh để giành thắng lợi. Ngày Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám kỳ diệu chính là nhờ Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh kịp thời chớp lấy thời cơ để giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng Việt Nam.
Trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, nhất là sự xuất hiện của chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh thế giới thứ hai xẩy ra giữa các nước lớn, Nguyễn Ái Quốc dự báo sẽ tác động đến cách mạng Việt Nam. Vì thế, sau bao năm bôn ba, ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người chọn Pác Pó - Cao Bằng là trụ sở để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Tháng 5-1941, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp triệu tập Hội nghị Trung ương VIII, nhằm chuẩn bị mọi mặt về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xây dựng các đoàn thể cứu quốc và thành lập "Mặt trận Việt Minh". Hội nghị phân tích tình hình và chỉ rõ: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” [1]. Như vậy, Đảng ta và Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sớm nhìn thấy quy luật vận động cách mạng, dự báo thời cơ cách mạng, nhanh chóng triển khai thực hiện để thúc đẩy tiến trình cách mạng; không thụ động chờ thời cơ, mà tích cực, chủ động tiến hành đấu tranh cách mạng để tạo ra thời cơ cách mạng.
Từ tháng 7-1944, Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng nhận định điều kiện phát động khởi nghĩa vũ trang đã chín muồi, dự kiến triệu tập cuộc họp để quyết định ngày giờ khởi nghĩa. Đúng lúc ấy, Hồ Chí Minh từ Trung Quốc về, kịp thời ra lệnh đình lại. Người cho rằng chủ trương phát động khởi nghĩa của Cao - Bắc - Lạng mới chỉ căn cứ vào tình hình địa phương mà chưa căn cứ vào tình hình cụ thể trong cả nước, mới chỉ thấy bộ phận mà chưa thấy toàn cục. Người nói: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới” [2]. Chủ trương sáng suốt đó của Hồ Chí Minh đã tránh cho cách mạng những tổn thất lớn. Tháng 10-1944, Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng bào toàn quốc. Người phân tích tình hình và dự đoán thời cơ của cách mạng Việt Nam đang đến gần: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!” [3]. Trên tinh thần đó, ngày 22-12-1944, Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Chỉ 2 ngày sau khi ra đời, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân diệt gọn đồn Phay Khắt và Nà Ngần. Trên đà thắng lợi đó, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đẩy mạnh công tác vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng; góp phần củng cố và mở rộng căn cứ Cao - Bắc - Lạng, cổ vũ và thúc đẩy phong trào cách mạng, phong trào quần chúng trong cả nước.
Đúng như dự đoán của Đảng ta và Hồ Chí Minh, ngày 9-3-1945, Nhật nổ súng đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Quân Pháp chống cự yếu ớt một vài nơi rồi nhanh chóng đầu hàng. Tình hình chính trị ở Việt Nam khủng hoảng. Ngay lập tức, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Đình Bảng (Từ Sơn - Bắc Ninh) từ ngày 9 đến ngày 12-3-1945, ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Hội nghị dự đoán trước thất bại của Pháp, thắng lợi tạm thời của quân đội Nhật và nhận định: “Mặc dù tình hình chính trị khủng hoảng sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương hiện nay chưa thực sự chín muồi… Đem khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật” thay cho khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật, Pháp”... Các đồng chí! Hãy giương cao lá cờ chói lọi của Đảng; gắng vượt mọi khó khăn nguy hiểm… Thắng lợi cuối cùng nhất định về tay chúng ta!” [4]. Hội nghị cũng nhận định rằng sau cuộc đảo chính này thì đế quốc, phát xít Nhật là kẻ thù chính, kẻ thù trước mắt cần phải tập trung đánh đổ. Đồng thời phát động chiến tranh du kích, giải phóng từng vùng, mở rộng căn cứ địa, duy trì và mở rộng chiến tranh du kích phải là phương pháp đấu tranh của dân tộc ta. Hội nghị phát động cao trào kháng Nhật cứu nước trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói” là khẩu hiệu mà Đảng ta và Hồ Chí Minh đề ra trong giai đoạn này và coi đó là nhiệm vụ trung tâm. Khẩu hiệu đó đáp ứng được nguyện vọng cấp bách của quần chúng nhân dân. Hàng triệu quần chúng kéo đi phá kho thóc của Nhật để chống đói. Mọi người tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết của mình, quyết tâm đánh đổ kẻ thù.
Giữa tháng 4-1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc kỳ tại Hiệp Hòa (Bắc Giang), nhằm giải quyết một số vấn đề quân sự trên cả nước để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa. Hội nghị do Tổng Bí thư Trường Chinh, chủ trì. Đây là cuộc Hội nghị quân sự quan trọng đầu tiên của Đảng ta. Sau khi nhận định tình hình thế giới và cao trào chống Nhật cứu nước của nhân dân ta, Hội nghị quyết định: “Tình thế đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ quan trọng và cần kíp lúc này. Chúng ta phải tích cực phát triển chiến tranh du kích, gây dựng căn cứ địa kháng Nhật, để chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa cho kịp thời cơ” [5], phát triển lực lượng vũ trang và nửa vũ trang, thống nhất các lực lượng vũ trang là Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Việt Nam Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân vào ngày 15-5-1945. Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ bàn những biện pháp cụ thể để thực hiện Chỉ thị Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Nghị quyết của Hội nghị được Ban thường vụ Trung ương thông qua, đánh dấu một bước phát triển mới của sự hình thành tư tưởng quân sự của Đảng ta, nhằm đẩy mạnh việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước.
Để chuẩn bị toàn diện cho cuộc Tổng khởi nghĩa, Hồ Chí Minh lãnh đạo Nhân dân xây dựng căn cứ liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng trên cơ sở các căn cứ địa Bắc Sơn, Vũ Nhai, căn cứ địa Cao Bằng. Từ căn cứ liên tỉnh ấy, đến tháng 6-1945 phát triển thành vùng giải phóng Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái. Tại đây, Hồ Chí Minh thành lập Ủy ban lâm thời khu giải phóng do Người làm Chủ tịch để lãnh đạo nhân dân thực hiện 10 chính sách của Việt Minh và biến khu giải phóng thành căn cứ địa cách mạng của cả nước. Khu giải phóng là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam mới. Người lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta phát triển những vùng tự do, những vùng giải phóng ở các tỉnh trở thành những vùng căn cứ địa cơ sở. Nhờ có những vùng căn cứ địa cách mạng ấy, Nhân dân ta có điều kiện chuẩn bị về mọi mặt cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Ngoài ra, Đảng ta và Hồ Chí Minh còn phát động nhiều phong trào cách mạng cho Nhân dân ta tập dượt, chuẩn bị cho Nhân dân tinh thần sẵn sàng chớp thời cơ chiến lược để nổi dậy giành chính quyền khi thời cơ đến.
Hội nghị toàn quốc của Đảng bế mạc thì Đại hội đại biểu Quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) ngày 16 và 17-8-1945. Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh; quyết định thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Kết thúc Đại hội, Hồ Chí Minh lập tức gửi thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa tới đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh của dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!” [8].
Hưởng ứng lời hiệu triệu của Đảng và Hồ Chí Minh, dưới ngọn cờ Việt Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam nhất tề đứng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân. Sáng ngày 19 tháng 8, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận tỏa ra khắp các nẻo đường kéo về Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Khoảng 10 giờ rưỡi, diễn ra cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng. Đại diện Việt Minh tuyên bố: Tổng khởi nghĩa! Sau đó một cánh tiến thẳng tới Phủ Khâm Sai, nhanh chóng làm chủ toàn bộ khu vực này. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội thắng lợi hoàn toàn. Ngày 23-8, khởi nghĩa giành thắng lợi ở Huế. Ngày 25-8, Nhân dân Sài Gòn, Chợ Lớn cũng tổ chức mít tinh, biểu tình giành chính quyền về tay Nhân dân. Chỉ trong vòng 15 ngày, lần lượt các địa phương trong cả nước giành được chính quyền. Chiều ngày 30-8, trước hàng vạn quần chúng, vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị. Chế độ phong kiến sụp đổ.
Hình ảnh những ngày Tháng Tám lịch sử ở Sài Gòn. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Như vậy, thời cơ khách quan trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 xuất hiện và tồn tại trong khoảng thời gian bắt đầu từ khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh (ngày 13-8) và kết thúc trước khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta theo Hiệp ước Pốt-xđam (ngày 05-9). Đảng ta và Hồ Chí Minh chọn thời điểm 13 tháng 8 để phát động Tổng khởi nghĩa là vô cùng sáng suốt. Bởi: Nếu phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc sớm hơn thì lúc đó quân Nhật còn mạnh, Nhân dân ta sẽ tổn hại nhiều xương máu. Nếu phát động Tổng khởi nghĩa muộn hơn, khi quân Đồng minh đã vào Đông Dương thì cách mạng Việt Nam sẽ mất đi thế chủ động của mình và sẽ gặp nhiều khó khăn khác. Cách mạng đều không có khả năng thành công. Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta chớp thời cơ, tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong ngưỡng thời gian khắc nghiệt đó. Cũng nhờ chọn đúng thời cơ mà sức mạnh của Nhân dân ta trong Cách mạng Tháng Tám được nhân lên gấp bội, tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công trong phạm vi cả nước trong thời gian ngắn. Ngay sau thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, thay mặt toàn thể quốc dân, đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho cách mạng Việt Nam, đó là kỷ nguyên độc lập, tự do.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2-9-1945. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh).
Tóm lại, để làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta và Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Nhân dân chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt cho Tổng khởi nghĩa. Đó là, xây dựng lực lượng chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng từ Trung ương đến cơ sở và phát động Cao trào kháng Nhật cứu nước trong thời kỳ tiền khởi nghĩa cho Nhân dân tập dượt, chuẩn bị cho Nhân dân tinh thần sẵn sàng đứng lên khởi nghĩa khi thời cơ đến. Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945 diễn ra nhanh chóng và giành được thắng lợi vẻ vang là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố chủ quan và khách quan. Có thể nói, nhận định đúng thời cơ và nhạy bén chớp thời cơ cách mạng là nhân tố cực kỳ quan trọng. Cách mạng Tháng Tám thành công, đem lại những thành quả vĩ đại, đó là nền độc lập của Tổ quốc, chế độ dân chủ Nhân dân và chính quyền dân chủ nhân dân, cổ vũ tinh thần đấu tranh của Nhân dân trong nước và Nhân dân các nước thuộc địa trên thế giới. Cách mạng Tháng Tám để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu. Trong đó, bài học về nhận định thời cơ và chớp thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị thời sự, là tài sản vô giá trong kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam. Về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và Nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc” [9].
Chú thích:
[1]. Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.113.
[2]. Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.123.
[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, tr.538.
[4]. Văn kiện Đảng: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.365,367,373.
[5]. Văn kiện Đảng: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.391.
[6]. Văn kiện Đảng: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.421- 422.
[7]. Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Sđd, 1994, tr.196.
[8]. Văn kiện Đảng: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.418.
[9]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.25
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Giáo trình lịch sử Nhật Bản (Phần hai: Mạc phủ Muromachi và Edo)[4]
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Thống kê truy cập
114511017
216
2359
21391
217890
121356
114511017