Góc nhìn văn hóa

Nói lái - Chuyện vui ngày Tết

1.     Quan niệm về nói lái

     Trong tên gọi nói lái quen thuộc này, “nói” là thực hành hành vi giao tiếp ngôn ngữ qua tiếng nói, cũng tức là truyền miệng trong đời sống con người. Điều này nói lên cội nguồn của nó. “Lái” là chủ động bẻ thông điệp của mình theo một hướng khác, một ý nghĩa khác, thậm chí là hướng ngược lại. Trong nội bộ tiếng Việt, chúng ta có thể nhận ra nguồn gốc chữ “lái” có liên quan đến từ cổ được phát âm là “tlái”, chỉ sự khác đi hoặc ngược lại.

     Từ “nói lái” được ghi nhận rất sớm trong Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes (1651) dưới dạng thức ký âm là TLÁI: “tlái: aueffo:inuerfus,a,vm. Tlái áo: o aueffo da cabaya: inuerfa pars veftis…nói tlái: fallar errado: mandosè loqui”. Nghĩa là “TLÁI: Phía trái, mặt trái. Tlái áo: Mặt trái của áo…nói tlái: nói cách sai suyển…” (Người phiên dịch: Thanh Lãng - Hoàng Xuân Việt - Đỗ Quang Chính). 

     Đến từ điển Dictionarium Namitico - Latinum (Nam Việt Dương Hiệp tự vị) của J.L. Taberd, in năm 1838, thì mục từ trên đã ghi là “nói lái”: “nói lái: praposter loqui” (mục từ LÁI).

     Trong quá trình đơn tiết hóa, nếu “tl” kết lại ta có “trái”, nếu phụ âm “t” rụng đi, ta có chữ “lái”. Trong “nói lái”, chúng ta còn thấy lưu lại một số nét nghĩa của “trái” như Từ điển tiếng Việt thông dụng chú nghĩa: “2. (Mặt vải, đồ dệt, đồ may) ở phía ngược với mặt đẹp thường bày ra ngoài. Mặt trái của tấm vải. Lộn trái quần áo ra phơi. Trải chiếu trái rồi. 3. Sai chệch, không đúng với cái được coi là phải, là đúng…4. Ngược với điều được coi là đạo lí”.

     Nhiều phương ngữ người Mường vẫn nói: “Lái xống lái áo” với nghĩa là trái xống trái áo, chỉ cách mặc áo lộn trái trong ngày để tang cha mẹ.

     Về mặt nghĩa của hai chữ “nói lái”, chúng ta không thể không liên tưởng đến hai chữ “phiên thiết” của các từ điển chữ Hán. Phiên thiết là cách chú âm để đọc chữ Hán cho thống nhất giữa các vùng miền để đạt mục đích “đồng văn” của quốc gia. Người ta dùng hai chữ khác nhau và đánh tráo hai phần phụ âm đầu và phần vần cho nhau để ấn định một âm đọc đúng cho một chữ nào đó.

     Dựa theo nghĩa từng chữ một thì ta thấy: chữ “phiên” (còn có âm đọc là “phản”) có các nghĩa như trái, ngược, trở, quay, làm trái lại, lật lại… Chữ “thiết” có nghĩa là: “đem âm hai chữ hợp với nhau, rồi đọc tắt đi để biết âm chữ khác, gọi là thiết. Ví dụ chữ ngoan là ngô hoàn thiết, ngô hoàn hợp lại xén thành ra ngoan” (Thiều Chửu - Hán Việt tự điển).

     Theo đó “ngô hoàn” nói lái lại là “ngoan hồ”, phiên thiết đọc là “ngoan”, “đô tông” nói lái là “đông tô”, phiên thiết đọc là “đông”…

     Bởi vậy, cũng có người cho rằng, hành vi ngôn ngữ nói lái của người Việt có nguồn gốc từ việc học và đọc chữ Hán ngày xưa theo cách phiên thiết rồi lan tỏa ra chốn dân gian thành thói quen sử dụng ngôn ngữ. Chúng tôi, bằng sự dè dặt cần thiết, tạm coi đó là sự tương ứng Hán - Việt.

     Đến đây, kết hợp nghĩa của “nói” và “lái” chúng ta có thể tạm có một quam niệm về “nói lái” như sau:

     Nói lái là một phương thức hoạt động ngôn ngữ dựa trên việc đánh tráo, đổi ngược, hoán vị ngữ âm giữa hai âm tiết khác nhau để tạo nên những âm tiết mới, có nghĩa mới, tham gia vào mục đích của giao tiếp ngôn ngữ.

     Nếu những âm tiết mới mới được tạo ra mà không có nghĩa mới, khác đi thì coi như việc nói lái cũng không có cơ hội xuất hiện. Ví dụ: người ta có thể nói lái “o tông” thành “ông to” trong câu “O tông phải ông to rồi” nhưng sẽ không có cơ hội để nói “cô tông” thành “công tô” vì “công tô” không có cơ hội tạo nghĩa trong các phát ngôn.

     Từ lời ăn tiếng nói dân gian, nói lái tham gia vào việc sáng tạo văn chương thành văn và xác định một kiểu phong cách ngữ văn giàu tính hoạt kê. Nhưng theo dõi lịch sử văn học Việt Nam, chúng ta thấy những tác giả sáng tác đó mang nặng dấu ấn ảnh hưởng từ ngôn từ dân gian.

     Nói lái trong cuộc sống cũng như trong văn học, bởi bản chất nghịch ngôn của nó, nên thường thiên về mỹ cảm hài hước, vui vẻ, nhiều khi có tính chất giễu nhại, giải thiêng. Đây là loại văn chương độc đáo, chỉ đọc hiểu còn khó dịch ra tiếng nước ngoài nhất.

     2. Các phương thức của nói lái

     2.1. Hoán đổi vị trí phần vần, giữ nguyên vị trí phụ âm đầu và vị trí thanh điệu: Ví dụ: có keo - kéo co, đá bèo - đéo bà, cá đối - cối đá, què chân - quần che, mụ ấp - mập ú, dâu hứa - dưa hấu, mồm to - mò tôm…. Phương thức đối hoán vị này rất phổ biến ở miền Trung, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An cho đến Thừa Thiên Huế. Khi hỏi về nói lái, thì hầu như tất cả đều đưa ra những ví dụ thường xuyên theo cách này.

     + Truyện Đá bèo trong hệ thống truyện cười về Trạng Quỳnh kể rằng khi thấy một bà quan đi đường, võng lọng nghênh ngang, Quỳnh bèn ôm một mảng bèo Tây lên rệ đường và ra sức đá. Bà quan thấy lạ hỏi: “Làm chi đó Quỳnh?”. Quỳnh đáp: “Dạ! Con rỗi nên đá bèo chơi!”. Kể đến đó thì ai cũng hiểu là Trạng muốn xỏ bà lớn.

     + Hò khoan Lệ Thủy trai gái hát đố nhau rằng: “Con cá đối nằm trên cối đá/Mèo đuôi cụt nằm mụt đuôi kèo/Anh mà đối được dẫu nghèo em cũng ưng…”.

     2.2. Hoán đổi vị trí phần vần và thanh điệu, giữ nguyên phụ âm đầu: Ví dụ: các thầy - cầy thác…thầy giáo - tháo giầy

     + Thầy giáo tháo giầy, tháo cả ủng, thủng cả áo, lấy giáo án dán áo.

     + Linh Giang vừa vịt vừa đò (để đối với câu Phong Nha cả động cả rú).

     2.3. Hoán đổi vị trí phụ âm đầu và phần vần, giữ nguyên vị trí thanh điệu: Ví dụ: Củ Chi - chỉ cu, đấu tranh - tránh đâu, chống lầy - lấy chồng

     + Con gái Củ Chi chỉ cu hỏi củ chi.

     2.4. Hoán đổi vị trí phần phụ âm đầu, đổi chút thanh điệu theo giọng địa phương, phần vần giữ nguyên. Các ví dụ:

     + Bình Định khó mà đình bịnh

     + Quân đội nhân dân quân giận nhân đôi - Quân giận nhân đôi là quân dận nhân hai - quân dận nhân hai quân hại nhân dân.

     + Khi bom hắn ném uỳnh uỳnh

  Cả làng lảng cả chỉ mình ông lo…

     + Tiết kiệm là đi kiếm tiệc (phương ngữ).

 

     2.5. Hoán đổi như 4 cách trên nhưng dựa vào phương ngữ hoặc gần âm: áo xanh - anh sáu, cụ Mão - cạo mủ, cơm thiêu - kêu thơm, ốm tong - ống tôm, sứt môi - xôi mứt, lồng kiếng - liệng cống… Thảng hoặc, ít diễn ra, người ta chỉ hoán vị thanh điệu thì cũng được coi là nói lái.

+ Đổi mới tư duy => Đổi mới ti zi.

+ Văn dĩ tải đạo => Văn dĩ tải…gạo.

+ Hội đồng nhân dân => Hội đồng nhăn răng (Hội đồng ăn dân/Hội đồng ăn gian)

     Trong nói năng hoặc các văn bản khác nhau, người ta có thể nhặt một chữ ra hoặc từng cặp tùy thích ở các câu dài để nghĩ ra một từ nói lái miễn phải có nghĩa. Ví dụ: vũ như cẩn - vẫn như cũ, trẻ mãi không già - trả mãi không dè, thầy tăng bắt được thằng Tây, mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo… Đó là do nhu cầu phát ngôn mà nó biến đổi phong phú.

     Văn học Việt Nam còn để lại những bài thơ sử dụng nói lái một cách độc đáo.

     Thơ Hồ Xuân Hương (tương truyền) với bài Chùa Quán Sứ

                                                           Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo

                                                           Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo

                                                          Chày kình tiểu để suông không đấm

                                                          Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo

                                                          Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc

                                                          Trái gió cho nên phải lộn lèo.

     Trong thi phẩm trên, các cụm “đáo nơi neo”, “suông không đấm” (“suông” giọng Bắc nói là “xuông”, mà “xuông không đấm” là “đâm không xuống”), “đếm lại đeo”, “trái gió” (giọng Bắc nói là “chái gió”, lái lại là “chó dái”), “lộn lèo” đều là từ nói lái.

     Có tác giả chơi thơ câu nào cũng chứa từ nói lái như xứ Quảng có ông Huỳnh Ngọc Chiến, tự là Sơn Hồ, thường hay làm thơ hài hước. Ông đã làm bài thơ tặng đám cưới khi cô dâu đã mang bầu:

                                                           Ai bàn chi chuyện đã an bài

                                                           Trai khiển đồng tình gái triển khai

                                                           Cứ sợ cho nên thành cớ sự

                                                           Mai than mốt thở lỡ mang thai

                                                          Tính từ ngày tháng vương tình tứ

                                                          Khai ổ bây giờ báo khổ ai

                                                          Cưỡng chúng ông bà nghe cũng chướng

                                                          Thôi đành để chúng được thành đôi.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An Số 16 (số Tết Ất Tỵ) - Tháng 01/2025)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114553175

Hôm nay

235

Hôm qua

2276

Tuần này

2871

Tháng này

220718

Tháng qua

122920

Tất cả

114553175