Góc nhìn văn hóa
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn di sản văn hóa
Khách nước ngoài trải nghiệm du lịch cộng đồng tại bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, Nghệ An
Du lịch cộng đồng có quan hệ hai chiều với việc bảo tồn di sản văn hóa của các tộc người. Nó vừa là con đường để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, vừa là nhân tố quan trọng làm biến đổi bản sắc văn hóa. Vậy nên, để phát triển du lịch cộng đồng một cách phù hợp thì cần phải nhận thức rõ mối quan hệ này và có định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn di sản văn hóa một cách đúng đắn.
Trước hết, có thể thấy rằng, phát triển du lịch cộng đồng là con đường để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số vốn đang biến đổi nhanh chóng, nhiều yếu tố văn hóa bị mai một, mất mát. Các giá trị văn hóa bị đứt quãng giữa hai thế hệ già và trẻ khác nhau. Trong khi người già với hệ giá trị truyền thống đang mong muốn gìn giữ những nét văn hóa cũ của mình và cũng mong lớp trẻ tiếp nối các giá trị truyền thống vốn là nét đặc trưng của dân tộc; thì những người trẻ lại chạy theo các giá trị văn hóa hiện đại tiếp nhận từ người xuôi lên. Có nhiều nguyên nhân làm nên sự đứt quãng hệ giá trị đó, trong đó có sự tác động quan trọng của đời sống kinh tế. Giới trẻ không tiếp nối các giá trị truyền thống vì nó không mang lại giá trị kinh tế cho họ. Tuy nhiên, khi du lịch cộng đồng xuất hiện, nhiều người đã nhận ra rằng các giá trị văn hóa truyền thống cũng là một nguồn vốn để có thể phát triển kinh tế được. Do vậy, vẫn còn cơ hội để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống qua các hoạt động du lịch.
Để phát triển du lịch cộng đồng, những người tham gia phải khôi phục và phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống tộc người nhằm phục vụ khách tham quan. Trước hết, đó là những món ăn truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số. Khách du lịch lên đây đều có nhu cầu thưởng thức đặc sản của ẩm thực địa phương. Những người làm du lịch không chỉ tìm các nguyên liệu để làm các món truyền thống mà còn phải đi học hỏi những người lớn tuổi để có những cách thức, công thức chế biến các món ăn theo cách truyền thống, nhằm tạo ra sự hấp dẫn cho du khách. Chính vì vậy mà nhiều món ăn, tưởng chừng như sẽ bị mất mát thì nay được hồi sinh mạnh mẽ, và cũng tạo ra sức hút cho nhiều người học cách chế biến. Bên cạnh ẩm thực là các hoạt động biểu diễn văn nghệ. Để phục vụ du khách, người dân đã phải tập luyện và biểu diễn các bài múa, bài hát truyền thống. Đây là hoạt động được nhiều người tham gia và nhiều du khách đón nhận. Nhiều nghệ thuật trình diễn dân gian của người dân tộc thiểu số lâu nay ít được quan tâm thì nay được trỗi dậy, không chỉ những người lớn tuổi mà một bộ phận lớp trẻ cũng hăng hái tham gia. Cùng với các tiết mục văn nghệ cổ truyền là các trang phục truyền thống, nhiều công cụ, nhạc cụ truyền thống phục vụ biểu diễn văn nghệ cũng được tái tạo và sử dụng. Trong mấy năm gần đây, ở nhiều địa phương vùng dân tộc thiểu số đã thành lập và khôi phục được nhiều nhóm, tổ văn nghệ để phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng. Đó là các câu lạc bộ dân ca, dân vũ, các tổ hợp tác sản xuất thủ công nghiệp. Những điều đó chứng tỏ, hoạt động du lịch cộng đồng đã thổi một luồng gió mới vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số. Nhiều nét văn hóa truyền thống được khôi phục và phát huy, vừa để phục vụ phát triển du lịch, vừa cũng để đáp ứng nhu cầu tâm lý của người dân. Nó góp phần hàn gắn vết đứt quãng về giá trị văn hóa của các thế hệ khác nhau.
Thứ hai, Du lịch cộng đồng là nhân tố quan trọng làm biến đổi bản sắc văn hóa tộc người. Khách quan mà nói, hoạt động kinh tế nào, dù muốn hay không cũng luôn có những tác động đa chiều đến các nền văn hóa tộc người. Du lịch cộng đồng cũng không ngoại lệ, trái lại, nó còn thể hiện khá rõ ràng. Bên cạnh góp phần bảo tồn, khôi phục và phát huy một số giá trị văn hóa truyền thống thì du lịch cộng đồng cũng có tác động trái chiều là làm cho sự biến đổi văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số thêm phần mạnh mẽ hơn. Du lịch cộng đồng là hoạt động kinh tế gắn liền với sự tiếp xúc văn hóa. Du lịch cộng đồng càng phát triển, số lượng khách đến với bản làng, với cộng đồng càng nhiều hơn thì sự tiếp xúc văn hóa càng mạnh hơn. Qua quá trình tiếp xúc, nhiều yếu tố văn hóa truyền thống cũng bị biến đổi. Và đó gần như là điều không thể tránh khỏi của mọi quá trình tiếp xúc văn hóa. Trước hết, du lịch cộng đồng làm cho không gian văn hóa cũng bị biến đổi. Bắt đầu từ không gian làng bản truyền thống thay đổi với sự xuất hiện của các yếu tố mới. Những con đường lớn hơn để xe có thể qua lại. Những bãi giữ xe xuất hiện chiếm một không gian khá lớn. Những không gian mới như quán cà phê, quán tạp hóa, quán bán đồ lưu niệm, nhà hàng, quán ăn uống, … vốn là những không gian chưa từng có trong xã hội truyền thống, nay xuất hiện giữa làng bản xen kẽ với những ngôi nhà sàn truyền thống. Những không gian văn hóa này một mặt phục vụ khách du lịch, nhưng mặt khác cũng là nơi để lớp trẻ gặp gỡ trao đổi. Những sinh hoạt như đi uống cà phê, đi ra quán ăn nhậu bắt đầu hình thành. Cùng với làng bản, kết cấu nhà cửa cũng thay đổi. Các hộ gia đình hoạt động du lịch cộng đồng một mặt gìn giữ các ngôi nhà sàn truyền thống vốn là yếu tố quan trọng để đón khách lưu trú, nhưng mặt khác họ cũng cách tân ngôi nhà, bổ sung thêm một số yếu tố hiện đại, từ vật liệu đến kết cấu, và cả nội thất phía trong nhà với hàng loạt các trang thiết bị mới từ bình nước nóng lạnh, nhà vệ sinh tự hoại, tủ lạnh, máy giặt…
Du lịch cộng đồng không chỉ làm biến đổi các yếu tố văn hóa vật chất, mà còn tác động mạnh đến đời sống văn hóa tinh thần của con người vùng dân tộc thiểu số. Thay đổi lớn nhất chính là tư duy về làm kinh tế, từ tư duy tự cung tự cấp sang tư duy về kinh tế thị trường. Người dân bắt đầu biết về đầu tư làm sao để thu lại hiệu quả kinh tế. Sự thay đổi tư duy cũng kéo theo các thay đổi về hoạt động văn hóa. Những tiết mục biểu diễn văn nghệ truyền thống vốn chỉ phát triển trong đời sống cộng đồng, nay lại được phát triển để phục vụ du khách. Và dần hoạt động biểu diễn nghệ thuật cũng bị sân khấu hóa một cách nhanh chóng, sao cho phù hợp với thị hiếu du khách. Nói cách khác, sự phát triển của du lịch cộng đồng đã đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa văn hóa của các cộng đồng vùng dân tộc thiểu số. Quá trình hiện đại hóa cũng làm cho nhiều giá trị văn hóa bị sai lệch, thay đổi nhiều so với trong nền văn hóa tuyền thống. Đó cũng là một hệ quả mà khi hoạch định phát triển du lịch cộng đồng cần phải tính toán đến….
Bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa tộc người gắn với phát triển du lịch cộng đồng là một hướng đi phù hợp. Du lịch cộng đồng, xét cho cùng là một loại hình kinh tế di sản, một hoạt động du lịch văn hóa gắn với việc khai thác các giá trị văn hóa cộng đồng. Vậy nên du lịch cộng đồng đúng nghĩa phải gắn với các hoạt động văn hóa cộng đồng, gắn với nhu cầu trải nghiệm, khám phá văn hóa của du khách. Nếu du khách mới chỉ đến ăn uống, xem văn nghệ rồi về thì chưa phải là du lịch cộng đồng đúng nghĩa. Vì nếu như vậy thì các giá trị văn hóa cộng đồng vẫn chưa được luân chuyển, chưa tạo ra giá trị và nhất là chưa được tương tác, truyền bá qua hoạt động của du khách. Du lịch cộng đồng là dựa trên vốn văn hóa cộng đồng và gắn với lợi ích của cộng đồng.
Du lịch cộng đồng là hoạt động kinh tế di sản, nên nó phải được xây dựng trên tầm nhìn dài hạn, bền vững, chứ không phải theo kiểu làm ăn xổi, chộp giật kiểu “được ăn cả ngã về không”. Những người tham gia vào du lịch cộng đồng cũng là những người làm văn hóa. Và khi làm tốt, thì tự nhiên các giá trị kinh tế sẽ được sản sinh theo. Còn chạy theo lợi nhuận, phục vụ nhu cầu du khách mà không gắn với bảo vệ, gìn giữ, phát huy văn hóa cộng đồng thì sẽ góp phần làm phá hỏng các giá trị văn hóa cộng đồng. Du lịch cộng đồng gắn liền với nhiều mối quan hệ khác nhau, nên cần đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa các bên từ các nhà quản lý, các công ty lữ hành, những hộ gia đình làm du lịch, du khách và cả cộng đồng.
Du lịch cộng đồng dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống tộc người, nên để phát triển các hoạt động này thì cần có tầm nhìn chiến lược, có kế hoạch dài hạn và sâu rộng hơn về văn hóa. Bảo tồn và phát triển văn hóa tộc người là nền tảng lâu dài để phát triển du lịch cộng đồng. Bởi nếu văn hóa truyền thống tộc người không còn thì cũng chẳng thể phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh bảo vệ nguồn vốn văn hóa tộc người thì bảo vệ môi trường tự nhiên cũng là một vấn đề quan trọng trong hoạch định du lịch cộng đồng. Ngoài trải nghiệm văn hóa thì thưởng ngoạn, ngắm cảnh thiên nhiên là một vấn đề mà du khách không thể tách rời. Vậy nên, có thể nói, hoạch định phát triển du lịch cộng đồng phải là một chiến lược phát triển toàn diện, mà những vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường là nền tảng lâu dài, là cơ sở quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng./.
tin tức liên quan
Videos
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Thống kê truy cập
114511900
2226
2337
22274
218773
121356
114511900