Xứ Nghệ ngày nay

Các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh và sự phát triển các làn điệu mới hiện nay

NHIỀU nhà nghiên cứu văn học cho rằng dân ca Nghệ Tĩnh (hò ví giặm), như ví chẳng hạn chỉ có một loại, một làn điệu cơ bản, nhưng qua sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc dân gian Nghệ Tĩnh thì nhiều nhạc sĩ - nhà nghiên cứu thấy rằng ví cũng có rất nhiều làn điệu, bởi ở Nghệ Tĩnh mỗi nghề, mỗi việc đều có thể ví về nghề đó và khi hát lên đều khác nhau về âm sắc.

 Bởi vậy, qua sưu tầm các làn điệu dân ca cổ, người ta đã phát hiện được có gần 20 điệu ví (ví phường vải, phường nón, phường cấy, ví trèo non, ví đi củi…), 9-10 điệu giặm (giặm vè, giặm kể, giặm cửa quyền, giặm ru, giặm xẩm….), 14-15 điệu hò (hò đầm đất, hò xeo gỗ, hò khoan đi đường, hò dô, hò leo núi…). Chúng tôi cũng nghĩ rằng, xét từ góc độ âm nhạc, dân ca hò, ví, giặm Nghệ Tĩnh có khá nhiều làn điệu.

Dân ca Nghệ Tĩnh có giá trị văn học rất lớn, giàu tính biểu cảm, có thể diễn đạt được nhiều sắc thái tình cảm với nhiều sắc độ khác nhau. Tuy nhiên về mặt âm nhạc, dân ca Nghệ Tĩnh chưa phong phú về giai điệu, tiết tấu; làn điệu còn nghèo; cấu trúc quá đơn giản, không hoàn chỉnh, điệu thức hơi nghèo nàn, giai điệu đều đều, hơi trùng lặp, nhạc tính thiếu bay bổng, duyên dáng, diễn xướng thiếu sự phối hợp giữa dân ca, dân nhạc, dân vũ.

  Những năm 1960, trên sân khấu không chuyên ở khắp tỉnh Nghệ An đã xuất hiện nhiều hình thức biểu diễn dân ca Nghệ Tĩnh phong phú: tổ khúc dân ca, hoạt cảnh dân ca, kịch hát dân ca… Từ thực tiễn phong trào này đã manh nha, gợi mở, và đặt ra một vấn đề lớn: thể nghiệm dân ca lên sân khấu. Vở kịch đầu tiên của Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh Không phải tôi ra đời năm 1970. Tuy nhiên từ đây cũng đặt ra một vấn đề: làm sao khi lên sân khấu các làn điệu dân ca có thể chuyển tải được, đáp ứng được những đòi hỏi của thể loại kịch với những xung đột, tính cách, hành động. Theo nhạc sĩ Vi Phong, nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Nghệ Tĩnh thì “Các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh có tính chất trữ tĩnh, thiết tha, sâu lắng, mênh mông, nhớ thương, nhắn nhủ, đau xót, kể lể, dí dỏm, khêu gợi, thúc dục, là những ưu thế để thể hiện tâm lý, tính cách của nhân vật trên sân khấu. Song dân ca Nghệ Tĩnh cũng có những hạn chế, khó thể hiện những tình huống bạo liệt, gay cấn, uất hận, căm tức, day dứt, da diết, dọa nạt, ngờ vực, lừa lọc, ghen tuông, đểu cáng, đĩ thỏa, vui nhộn, rạo rực, quyết liệt là những tình huống mà sân khấu đòi hỏi” (Từ Dân ca đến kịch hát, NXB Nghệ An, 1991, tr 252). Rồi tiết tấu cuộc sống đương đại cũng khác trước rất nhiều bởi ngày càng sôi động, khẩn trương, gấp gáp… Những làn điệu dân ca gốc không thể diễn đạt được những tình huống gay cấn, những xung đột dữ dội, những tâm trạng bạo liệt này. Do đó, sáng tạo thêm những làn điệu mới, nhưng đó phải là những làn điệu từ chất liệu ví giặm, theo phương thức dân gian là một việc làm cần thiết, mới đáp ứng được đòi hỏi của sân khấu. Từ đó ra đời một loạt các làn điệu mới. Làn điệu, đó chính là những điệu hát mang tính đa dùng hoặc chuyên dùng, kết cấu ở dạng mô hình, không chốt chặt khép kín; người hát có thể co giãn tùy theo ngôn từ, tâm tính và cảnh huống để biểu đạt các sắc độ tình cảm tương ứng. Và khái niệm hiện nay được hiểu là từ khoảng những năm 1970 trở lại nay khi tỉnh ta bắt đầu thử nghiệm kịch hát dân ca và xuất hiện các làn điệu mới. Do yêu cầu phục vụ kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh nên các làn điệu mới được sáng tác đều đậm đà chất liệu dân ca hò ví giặm, kết cấu theo khúc thức dân gian, lời ca giàu chất thơ, thường theo các thể thơ dân tộc: lục bát, lục bát biến thể, thơ 5 chữ…, và biểu đạt tâm trạng hoặc tính cách nhân vật. Qua thời gian hàng chục năm, những làn điệu đậm đà chất Nghệ Tĩnh đã được công chúng chấp nhận mặc nhiên tồn tại, những điệu khô cứng, lai nhiều dần dần bị loại trừ. Từ quy luật đào thải đó, trải qua 40 năm, các nhạc sĩ, nghệ sĩ tỉnh nhà đã sáng tạo được khoảng 60-70 làn điệu mới thể hiện đa dạng các cung bậc tình cảm, tính cách: Loại trữ tình, tâm trạng (Giận mà thương, hát khuyên..), loại hài hước (con cóc, xoay xở, lập lờ..), loại ghen tuông, uất ức (chồng chềnh, lòng vả, lòng sung…), phẫn nộ (bài ca công nông binh…), loại đau xót (khóc con…), loại gây không khí (vào hội đông xuân, vui hội làng Sen…)… Sự xuất hiện hàng chục làn điệu mới đã làm cho sức biểu cảm trên sân khấu sống động hơn, phong phú hơn, truyền cảm hơn và đậm đà âm hưởng Nghệ Tĩnh, mang rõ phong cách sân khấu dân gian. Nó đã đóng góp tích cực cho việc thể nghiệm và thể nghiệm khá thành công nhiều vở kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh như vở Mai Thúc Loan, Cô gái sông Lam... Có thể nói giai đoạn sáng tạo sung sức nhất, là những năm 90 thế kỷ XX trở về trước. Những tên tuổi có đóng góp to lớn cho việc phát triển các làn điệu mới chính là ở giai đoạn này, như: nhạc sĩ Thanh Lưu, Vi Phong, Nguyễn Trung Phong, Đình Bảo, Văn Thế, Lê Hàm... Một số người tuy sáng tác không nhiều làn điệu mới nhưng cũng để đã lại dấu ấn như: Mai Hồng,… Riêng nhạc sĩ Thanh Lưu đã có tới hơn 20 làn điệu đứng được với thời gian trong đó hát khuyên của ông đã dường như là một làn điệu dân ca xứ Nghệ. Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Vi Phong và nhạc sĩ Văn Thế mỗi người cũng có tới 5-7 làn điệu được công chúng yêu thích. NSƯT Đình Bảo làm người ta phải nhớ với điệu Tứ hoa đặc sắc mà từ đó nó đã được đưa vào rất nhiều vở diễn. Điệu Vui hội làng Sen đã  gắn liền với các sinh hoạt văn hóa hội, hò bơi thuyền đã như là một bài dân ca, song lại chính là những làn điệu mới của nhạc sĩ Lê Hàm. Cái tên Nguyễn Trung Phong bị người ta lãng quên vì chỉ còn nhớ đến làn điệu Giận mà thương nổi tiếng của ông đã thực sự trở thành một bài dân ca Nghệ Tĩnh. Làn điệu này xuất hiện trong vở Khi ban đội đi vắng (1970) được Trung Phong sáng tác từ hình thức lồng ghép, chắp điệu từ ví sang giặm. “Chất ví giặm ở bài hát này rất đậm đà, mặc dù anh không dùng nguyên xi, mà đã có sự sắp xếp lại cao độ, tiết tấu kèm thủ pháp mô phỏng, mô tiến, điệp từ điệp khúc, nhấn âm hình chủ đạo, giữ âm sắc đặc trưng, nghe rất “nghệ” rất dân gian, lại giàu sức biểu cảm và mang tính đa dùng” (Âm nhạc dân gian xứ Nghệ, Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An, 2000, tr386). Anh ơi khoan vội bực mình/Em xin kể lại phân minh anh tỏ tường, lời giận thương sâu sắc, tha thiết của người vợ với người chồng “sai đường” đã làm cho Giận mà thương của Nguyễn Trung Phong cùng Hát khuyên của Thanh Lưu và Tứ hoa của Đình Bảo trở thành ba làn điệu mới thành công nhất, được đông đảo công chúng yêu thích. Cũng trong vở Khi Ban đội đi vắng nhạc sĩ Thanh Lưu đã dùng chất liệu hò ví giặm rồi phát triển thành điệu mới Hát khuyên mà như là điệu dân ca gốc. Cũng tiếp mạch người vợ khuyên chồng không nên nghe người ta rủ rê đi buôn lậu, làn điệu này đã dựa trên chất liệu giặm cửa quyền, mang màu sắc trung tính, lấy âm hình tiết tấu giặm nhưng phá thể cả phần lời và nhạc, đồng thời đảo nhịp thứ 3 ở mỗi câu nhạc 4 nhịp, làm cho âm hình uyển chuyển hơn, đến nhịp thứ 2 của câu cuối được kéo dài ở âm vực cao như là một dấu hỏi biểu lộ rất đắt lời cảnh tỉnh của người vợ đối với chồng và thái độ phản ứng day dứt của cô: Hãy vì thương em, mong anh nên nghĩ lại/Đừng hám tiền mà theo hội đỏ đen… Anh nỡ bỏ đi đâu em không đành dạ.

Những thành quả trên thật đáng ghi nhận. Tiếc là 20 năm về sau này, việc sáng tạo thêm những làn điệu mới dường như chững lại và không hiểu sao những tên tuổi của giai đoạn đầu không còn thấy xuất hiện nữa, mặc dù sân khấu kịch hát dân ca vẫn tiếp tục với khá nhiều vở diễn mới. Danh sách khoảng 60-70 làn điệu mới chủ yếu vẫn là của giai đoạn trước. Giai đoạn tiếp sau chưa có đóng góp đáng kể cả về số làn điệu cũng như tên tuổi các tác giả. Lúc này, một số làn điệu mới của nhạc sĩ Phan Thành như Xin đừng chia ly (vở Hận thù từ đâu tới), Khóc con (vở Quyền uy và tội ác), Cười cho nát cuộc đời (vở Quyền uy và tội ác)… đã tạo được dấu ấn.

Từ việc kế thừa vốn dân ca Nghệ Tĩnh của cha ông, thế hệ các nghệ sĩ, nhạc sĩ đương đại hôm nay đã tiếp tục sáng tạo nên những làn điệu mới thực sự có đóng góp đáng kể cho việc thể nghiệm kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh và đưa dân ca vào cuộc sống hôm nay. Tuy nhiên, đánh giá của giới âm nhạc cho rằng, các làn điệu mới đang còn những hạn chế nhất định. Đó là phần lớn cấu trúc từ cải biên một câu ví rồi đến giặm, ví đến hát xẩm, ví đến các nhịp 3/4, 5/8… dễ nhàm chán; chưa tạo được nhiều loại hát nói mà sân khấu kịch hát đang rất cần; chưa có nhiều bài hát tâm trạng đặc sắc; thời gian cho bài hát còn quá ngắn, nhiều lúc còn hát vặt, một số lời ca còn sáo rỗng, tính văn học không cao… Còn phải tiếp tục sáng tạo nên những làn điệu mới đa dạng hơn, có chất lượng hơn, đang vẫn là một đòi hỏi, một yêu cầu hiện hữu. Muốn vậy thì trước hết cần phải có sự đầu tư đúng đắn, đúng mức cho việc xây dựng kịch bản, và yêu cầu về giá trị nghệ thuật của một vở diễn phải luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó phải huy động được đội ngũ những người sáng tạo tài năng và thực sự tâm huyết tiếp tục tham gia vào lĩnh vực này. Như vậy mới mong rồi đây sẽ có thêm những làn điệu mới đậm đà chất dân ca xứ Nghệ không chỉ sống trong đời sống sân khấu mà  sống trong chính cuộc sống thường nhật của nhân dân, thực sự trở thành những làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh.


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442764

Hôm nay

2278

Hôm qua

2299

Tuần này

2577

Tháng này

217938

Tháng qua

112676

Tất cả

114442764