Xứ Nghệ ngày nay

Một ngày ở bản Phôông

Một ngày cuối năm 2013, chúng tôi vào bản Phôông, [xã Tam hợp, huyện Tương Dương]. Trời đã tạnh nhưng núi rừng vẫn như còn ngái ngủ sau những trận mưa. Sương trắng vây phủ kín rừng. Con đường vào bản ngoằn ngoèo, men theo bờ vực với những dốc cao trơn tuột. Không dưới ba lần, chiếc xe Huyndai 5 chỗ trèo lên đến lưng chừng dốc, thì bánh xe quay tít đành phải lùi xuống lấy đà rồi mới tiếp tục leo lên. Sau gần 4 tiếng đồng hồ cho quãng đường 17km, chúng tôi cũng đến được bản Poong của người dân tộc Tày Poọng.

Theo anh Vi Sắt Son, trưởng phòng văn hóa huyện Tương Dương thì bao đời nay, người Tày Poọng sống du canh, du cư. Họ đã quen với câu “Người xá, lá vàng” (Xà tóng lướng), có nghĩa khi những cành lá lợp trên lều bắt đầu vàng, thì họ lại dắt díu nhau đi tìm vùng đất khác. Từ những năm 198s, người Tà Poong nghe theo vận động của nhà nước, về sống định canh, định cư lập nên bản Poong mấy chục năm nay. Bản hiện có 139 hộ với 569 người. Cuộc sống của họ vẫn là làm rẫy, đi rừng và chăn nuôi. Họ trồng lúa rẫy một năm/ 1 vụ. Lương thực làm ra không đủ sống, bà con còn đói nghèo, phải trông chờ vào sự cứu trợ của nhà nước, khoảng 2 tháng vào mùa giáp hạt.

Những con đường trong bản Pồng nhão nhoẹt bùn đất. Có khoảng 70 căn nhà sàn gỗ được dựng theo kiểu nhà của người Thái, còn lại là nhà đất trệt. Ở giữa bản, trên con đường chính họ biến thành sân bóng chuyền, môn thể thao duy nhất của bản. Chúng tôi vào một ngôi nhà trệt, lợp ngói piro xi măng ven đường, có khoảng sáu đến bảy người đàn bà đang ngồi quây quần bên bếp lửa. Xung quanh họ, là những đứa trẻ mặt mũi nhem nhuốc bám vào áo mẹ khi nhìn thấy những người khách lạ.

Chị chủ nhà tên là Vi Thị Tấm, sinh năm 1979. Mới 34 tuổi nhưng chị đã kịp có ba con. Tôi hỏi: “Sao mọi người không đi làm?”. Một người có vẻ lớn tuổi trả lời: “Thu hoạch trên rẫy xong rồi, bây giờ biết làm cái gì nữa. Bọn thanh niên cũng vậy, hết mùa nương rẫy thì chỉ biết đánh bóng giết thời gian thôi mà”.

Trong những năm qua, nhà nước ta đã có các chương trình như 134, 135, 167, 30A để giúp đỡ đồng bào các dân tộc ổn định đời sống và phát triển. Đã có nhiều dấu hiệu tích cực từ các chương trình này, nhưng nhìn chung đồng bào dân tộc Tà Poọng vẫn nghèo đói, tỷ lệ dư thừa lao động vẫn còn nhiều. Có phải vì còn nhiều tập tục lạc hậu và trình độ dân trí của đồng bào còn thấp nên chưa phát huy được nội lực của họ? Hay do các chương trình hỗ trợ của nhà nước chưa phù hợp với phong tục, tập quán và thực tế của đồng bào? Đó là những câu hỏi mà chúng tôi có dduwwocj khi về với bản Phôông.

Tháng 3 năm nay, có chín hộ dân của bản Phôông được hỗ trợ 6 con bê, 3 con nghé. Thế nhưng, đến nay đã chết mất 3 con bê. Anh Vi Văn Tùng, người được nhận bê kể lại: “Tại Ủy ban xã, đã thấy bê bị chảy nước mắt rồi. Đưa về nhà được bảy ngày thì chết”. Tiếp đến là chương trình hỗ trợ lợn giống Móng Cái cho bà con. Có 6 hộ được nhận 12 con lợn nhưng rồi cũng chết hết do dịch bệnh.

 Nói về vấn đề này, ông Vi Chí Thức, Phó bí thư Đảng bộ đảng xã Tam hợp nói: “Hỗ trợ con giống cho bà con thì phải mua ở địa phương, nó mới hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây chơ. Còn đưa con giống từ nơi khác đến thì nó chết là phải rồi”.

Cũng trong năm 2013 này, Hội nông dân huyện Tương Dương có về mở lớp dạy nghề mây tre đan cho bà con dân bản. Ban đầu, ai cũng háo hức đi học với hy vọng có thêm thu nhập. Nào ngờ các sản phẩm làm ra như rổ, rá, thúng..v,v không bán được cho ai. Thế là chương trình này thất bại.

Nỗ lực nhiều nhưng không mấy hiệu quả nên bà con lại chỉ biết nhìn vào rừng để kiếm cây măng, vào cái rẫy để kiếm lúa gạo. Cuộc sống của họ chỉ có vậy, không hề có thêm thu nhập nào nữa cho cuộc sống. Ở đây, muốn mua một kg thịt lợn cũng không ai bán. Mà phải đợi năm hay sáu ngày, người ở thị trấn Hòa Bình mới đưa thịt vào bán một lần. Rõ ràng đây là một nghịch lý ở một bản làng có hơn 569 nhân khẩu. Dân bản kể, trước đây cũng có người trong bản mổ lợn để bán cho bà con, nhưng cả bản đều mua nợ rồi không có tiền trả, chỉ một tháng sau người bán hết vốn, phải bỏ nghề.

Khổ cực là vậy nhưng đồng bào ở bản đã bỏ được khá nhiều hủ tục lạc hậu, chấp hành nghiêm pháp luật, chủ trương chính sách của nhà nước. Bà con đã biết học hành là để xóa đi cái nghèo nàn lạc hậu, nên chăm lo việc học của con cái. Hiện nay bản có ba người đi học đại học và cao đẳng. Thế nhưng, giữa cái mong ước đến hiện thực của bà con bản Phôông cũng còn chông chênh lắm.

Chúng tôi vào nhà cô Vi Thị Ánh, sinh năm 1986. Năm 2007, Ánh được đi học Cao đẳng sư phạm ở Vinh theo hệ cử tuyển, ra trường năm 2011. Bên bếp lửa, người mẹ trẻ bế con nhỏ gần đầy tuổi, mắt nhìn ngọn lửa một cách vô định. Cô nói nhẹ: “ Học xong trở về, hồ sơ đã nộp trên huyện mấy năm rồi. Chờ mãi đến nay vẫn chưa có việc, đành lấy chồng thôi”. Tôi tưởng tượng, giá như Ánh có một chỗ dạy chữ cho các em là đồng bào của mình thì giờ này chắc là đang trên lớp.

Chiều đến, khi tiếng ồn ào của đám thanh niên chơi bóng trên cái sân đất giữa đường đã hết, những người đàn bà rời bếp lửa, nhẫn nại kéo nhau vào rẫy kiếm cái măng cho bữa tối.

Tạm biệt bản Phôông. Người phụ nữ ngồi trước bậu cửa ru con, nhìn về rừng sâu như hóa đá. Những đứa trẻ quần áo mong manh, thấp thoáng sau hàng rào nhìn theo khách lạ bằng những đôi mắt hồn nhiên, trong trẻo như không biết đói và rét...                                                                            

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443616

Hôm nay

2174

Hôm qua

2333

Tuần này

21429

Tháng này

218790

Tháng qua

112676

Tất cả

114443616