Những góc nhìn Văn hoá

Những ngày cuối cùng của Marina Tsvetaeva

Marina Ivanovna Tsvetaeva (1892-1941) là một trong những nhà thơ Nga xuất sắc nhất thế kỷ XX. Bà là tác giả của các tập thơ: Album chiều(1910), Dặm dài (1921), Nghề thủ công (1923), Psykheya(1923), Tay cừ khôi (1924), Sau nước Nga (1928), Trường ca kết thúc (1926), Pushkin của tôi (1937)...

Nữ thi sĩ Nga Marina Tsvetaeva (1892-1941)

Nữ thi sĩ Nga Marina Tsvetaeva sinh ra trong gia đình đại trí thức. Bố bà là giáo sư Trường  Đại học Moskva, người sáng lập Bảo tàng Mỹ thuật mang tên A. S. Pushkin ở Moskva. Mẹ bà mang hai dòng máu Ba Lan và Đức, là nghệ sĩ piano, học sinh của Anton Rubinshtein. Marina Tsvetaeva làm thơ từ năm 6 tuổi, in thơ từ năm 16 tuổi; năm 18 tuổi, đang là nữ sinh trung học, đã xuất bản tập thơ đầu tay. Bà đã xuất bản 7 tập thơ lúc sinh thời. Mùa xuân năm 1922, bà xuất dương sang Pháp. Năm 1939, bà trở về Liên Xô, nhưng ở đây chồng, con gái và em gái bà bị bắt, thơ bà không được in. Tháng 8 năm 1941, bà thắt cổ tự tử ở thành phố Elabuga.

Chứng cứ giá trị nhất trong những ngày cuối cùng của nữ thi sĩ là cuốn nhật ký của con trai bà Georgy (còn gọi là Mur). Bà Ravilya Bruskova, giám đốc Bảo tàng Văn học M.I. Tsvetaeva và Nhà tưởng niệm M.I. Tsvetaeva (Khu bảo tồn Quốc gia Elabuga) không một chút hoài nghi về tập nhật ký này. Bà nói rằng Georgy là con người rất cố chấp. Dù sao mỗi bài viết của anh trong cuốn nhật ký đều được các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới xác nhận. 

Tại Bảo tàng, bức ảnh của Marina Tsvetaeva phóng to từ cuốn hộ chiếu Liên Xô cấp năm 1939, được treo ở chỗ trang trọng nhất. Đó chính là hình ảnh bà vào ngày 17 tháng 8 năm 1941, khi bà đến Elabuga. Bà rất muốn đến Chistopol, nơi lúc bấy giờ gia đình các nhà văn đang sống, và là nơi bà có thể tìm được sự giúp đỡ và việc làm. Nhưng thành phố đó chật chội đến mức những người tản cư không được phép lên bến đò.

- “Elabuga giống như một làng quê yên tĩnh và ngái ngủ”, - Georgy viết ngày 18 tháng 8 năm 1941, một ngày sau khi con tàu thuỷ “Cộng hòa Chuvashia” cập bến, đưa mẹ con anh tới thành phố.

- Ban đầu bà cùng với con trai và những gia đình nhà văn tản cư khác đến tạm trú tại trường trung cấp thư viện và bắt đầu tìm việc làm, - Bà Ravilya Bruskova kể. - Trong nhật ký của mình, Mur viết rằng Marina Tsvetaeva sẵn sàng làm bất cứ việc gì. Quả thật, không có nhiều việc lắm dành cho bà. Marina Tsvetaeva có thể rửa bát và dạy tiếng Pháp, nhưng ai cần đến tiếng Pháp trong lúc chiến tranh!

- “Tình cảnh của chúng tôi thật bi đát”, - ngày 20 tháng 8, Mur viết trong nhật ký của mình. Số tiền 600 rúp dành dụm được ra đi rất nhanh, hơn nữa những đồ đạc mang theo có thể bán cũng không nhiều, vì chuyến đi quá vội.

Rốt cuộc, Tsvetaeva  cũng không tìm được việc làm ở Elabuga. Nhưng trước mắt cũng cần phải sống đâu đấy. Tất cả các căn hộ được bố trí cho các gia đình tản cư người ta đã đăng ký hết rồi. Không còn gì để lựa chọn. Mà Marina Tsvetaeva cũng không lựa chọn. Bà ở lại trong ngôi nhà đầu tiên nơi họ được đưa đến. Thời bấy giờ đó là phố Voroshilov, về sau đổi thành phố Zhdanov. Trước cách mạng, nó được đặt tên là Malaya Pokrovskaya.

Bà chủ nhà Anastasia Ivanovna Brodelshchikova, nhân chứng những ngày cuối cùng của Tsvetaeva, nhớ lại rằng có một nhóm người tản cư cùng với đại diện của hội đồng thành phố ghé vào nhà bà, và người phụ nữ đầu tiên bước vào ngôi nhà mặc bành tô đen, đầu đội mũ bêrê màu xanh hoa lý, bà ta ngồi xuống đi-văng và nói rằng sẽ ở lại đây. Bà Natalya Mukhin, cán bộ khoa học của Bảo tàng Văn học và Nhà tưởng niệm Tsvetayeva, cho rằng Marina Tsvetaeva chọn ngôi nhà không có gì nổi bật này chỉ là vì nghe tên chủ nhà - Anastasia Ivanovna - trùng với tên em gái mình. Bà bám lấy bất cứ lý do nào.

Ngày 31 tháng 8 năm 1941, bà chủ nhà Anastasia Ivanovna là người đầu tiên  bước vào phòng ngoài, nơi  Marina Tsvetaeva đã treo cổ trên xà ngang. Trong bóng tối, lúc đầu bà đụng vào chiếc ghế, sau đó vào Tsvetaeva. Hoàn toàn không thể tái hiện lại một cách chi tiết những gì xảy ra trong ngày hôm đó. Mãi đến ngày 5 tháng 9, Georgy mới ghi tiếp nhật ký: “Ngày 31 tháng 8, mẹ treo cổ tự tử. Những ngày cuối cùng mẹ thường nói về chuyện tự tử, cầu xin được “giải thoát”. Và đã tự tử”.

Hôm đó là ngày chủ nhật, tất cả dân cư cùng với những người tản cư được huy động đi dọn dẹp khu vực xây dựng sân bay ở ngoại ô thành phố. Marina Tsvetaeva cáo ốm nên được ở nhà, chỉ một mình Mur tham gia ngày lao động tập thể. Cả Anastasia Ivanovna cũng đi lao động, còn chồng bà cùng với đứa cháu đi câu cá. Nhiều khả năng, Anastasia Ivanovna trở về nhà vào buổi chiều muộn. Chiếc xà ngang mà Marina Tsvetaeva dùng để buộc dây treo cổ hiện vẫn còn lưu giữ trong ngôi nhà. Còn về sợi dây thì không rõ. Mặc dù có một câu chuyện về xuất xứ của nó.

 Quả thật có một câu chuyện bí ẩn về việc nhà thơ Boris Pasternak cho Marina Tsvetaeva sợi dây đó, - Ravilya Bruskova kể . - Thực ra, trước lúc lên đường đi Elabuga, Pasternak giúp bà sắp xếp đồ đạc và buộc vali bằng sợ dây ông mang đến. Theo những câu chuyện lưu truyền đến ngày nay, Pasternak nói rằng sợi dây bền lắm, có thể treo  cổ được. Tất nhiên, không ai biết Marina Tsvetaeva treo cổ bằng sợi dây nào, vì vậy, không nên coi đó là sự thật, nhưng dù sao Pasternak vẫn ân hận vì có thể đó là sợi dây của ông.
Còn việc Boris Pasternak và nhà thơ trẻ Viktor Bokov tiễn Marina Tsvetaeva ở Moskva thì được kể lại rất chính xác.

Trên đường đi, Bokov nói với Tsvetaeva rằng anh bói cho bà theo sách biểu tượng và ký hiệu của Pyotr Đại đế, sau này anh viết trong hồi ký của mình như vậy, - giám đốc Bảo tàng nói. - Và Marina Tsvetaeva tỏ ra rất quan tâm: “Anh biết cuốn sách ấy à?” - bà hỏi. “Vâng, tôi bói cho các nhà văn theo cuốn đó”, - nhà thơ trả lời. “Số tôi thế nào? - Tsvetaeva hỏi tiếp, nhưng Bokov im lặng, anh không dám nói rằng Marina Tsvetaeva ứng với trang có in hình chiếc quan tài và ngôi sao với dòng chữ: “Không đúng lúc và không đúng nhà”. Tsvetaeva chấp nhận sự im lặng của nhà thơ: “Anh không muốn nói thì thôi, tôi không ép”.

 Không ai biết chính xác Marina Tsvetaeva được mai táng ở đâu vào ngày 2 tháng 9 năm 1941. Đến nay người ta vẫn còn lưu giữ tư liệu về việc những người tản cư ở Elabuga được chôn cất riêng biệt với cư dân thành phố, tại khu vực phía nam nghĩa trang. Vì vậy, năm 1960, khi em gái của nhà thơ, Anastasia Ivanovna, đến đây, người ta dẫn bà tới đúng chỗ đó.  Anastasia Ivanovna đã cắm bên cạnh cây thông một cây thập tự sắt với dòng chữ: “Marina Tsvetaeva được mai táng ở phía này của nghĩa trang”, còn 10 năm sau, nó được thay bằng một bia mộ bằng cẩm thạch.  

 Hiện vật có giá trị nhất tại Nhà tưởng niệm M.I. Tsvetaeva ở Elabuga là cuốn sổ và mẩu bút chì người tìm thấy bên cạnh bà. Đó là cuốn sổ ghi chép có kích thức bằng nửa lòng bàn tay phụ nữ, nghe nói, bà mang từ Pháp về. Marina Tsvetaeva không bao giờ rời cuốn sổ và mẩu bút chì, bà luôn luôn mang theo chúng trong túi.

Trong cuốn sổ này, Marina Tsvetayeva chỉ viết một từ ở trang cuối: “Mordovia”. Có giả thuyết cho rằng bà đánh dấu địa điểm giam giữ của con gái. Nhưng Alya được chuyển về trại giam Mordovia sau khi Marina Ivanovana qua đời. Phải chăng đó là lời tiên tri? Và chỉ mới gần đây một khách tham quan đưa ra một giả thuyết khiến mọi người sửng sốt. Ông nói rằng từ “mordovia” trong tiếng Ba Lan nghĩa là “chết”…

(Tổng hợp từ báo Nga)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443711

Hôm nay

2269

Hôm qua

2333

Tuần này

21524

Tháng này

218885

Tháng qua

112676

Tất cả

114443711