Những góc nhìn Văn hoá

Thế giới khách quan và thế giới chủ quan

Cái gì không phải ở mình, tồn tại ngoài ý thức của mình là khách quan. Cái gì ở mình, thuộc về bản thân mình là chủ quan. Trong sự vận động của thế giới hiện thực, địch họa, thiên tai… là khách quan. Còn Đảng, Chính phủ nhân dân, lực lượng vũ trang … là chủ quan. Cuộc sống đòi hỏi phải cải tạo cả thế giới khách quan và thế giới chủ quan; cải tạo mối quan hệ giữa thế giới khách quan và thế giới chủ quan

Cái chủ quan mà chính tâm, tín tâm, quyết tâm, đồng tâm thì nhất định thắng lợi

Lịch sử xưa và nay, trong nước và thế giới đều tỏ rõ điều đó.

Đảng ta mới 15 tuổi đã lãnh đạo toàn dân xóa bỏ chế độ thực dân - phong kiến làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tạo điều kiện cho người dân “rũ bùn đứng dậy”, biến người nô lệ thành người tự do, thành chủ nhân của đất nước.

Cách mạng thành công, đất nước chịu hậu quả nặng nề do chính sách áp bức, bóc lột của phát xít Nhật, đặc biệt là nạn đói, nạn dốt và các loại thù trong giặc ngoài. Nhờ Chính phủ Hồ Chí Minh được đồng bào ủng hộ với chính tâm, tín tâm, quyết tâm, đồng tâm, chúng ta đã vượt qua thử thách hiểm nghèo “nghìn cân treo sợi tóc” để vững vàng, vững tin bước vào cuộc kháng chiến.

Chín năm trường kỳ kháng chiến, Đảng, Chính phủ, các lực lượng vũ trang cùng toàn thể đồng bào phải chiến đấu chống lại con “voi” thực dân Pháp có đế quốc Mỹ giúp sức. Có người coi đó là cuộc chiến “châu chấu đấu voi”. Thế mà cuối cùng “voi” thực dân Pháp đã thua. Thế giới chủ quan là Đảng, Chính phủ, bộ đội, nhân dân, cán bộ, đảng viên và lực lượng hòa bình, dân chủ, tiến bộ trên thế giới đã chiến thắng.

Hai mốt năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, nhân dân ta tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng, cuộc chiến chưa có tiền lệ trong lịch sử thế giới và Việt Nam, chống đế quốc Mỹ với vũ khí hiện đại, giàu nhất thế giới. Kẻ thù tin rằng với sức mạnh của chúng, con người Việt Nam sẽ trở về thời kỳ đồ đá. Nhưng cuối cùng chúng ta đã thắng.

Mười lăm năm quá độ dần lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã mang lại sự đổi mới, thay da đổi thịt của đất nước, con người và xã hội. Đó chính là sự kết hợp sức mạnh của chủ nghĩa xã hội với sức mạnh của độc lập dân tộc.

Đó là thắng lợi của thế giới chủ quan.

Từ năm 1986, Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, một việc chưa có tiền lệ trong lịch sử. Ba lăm năm qua, vượt qua nhiều thử thách cả về chính trị, kinh tế, thiên tai, địch họa trong nước và ngoài nước, chúng ta đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Đặc biệt, trong thời kỳ này phải kể đến dịch bệnh Covid-19. Chống một loại giặc chưa có tiền lệ, chúng ta đã cải tạo được thế giới khách quan bằng chính sự nỗ lực chủ quan của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị với tinh thần, ý chí, tín tâm và quyết tâm “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.

Kẻ thù và thiên tai là chuyện của trời, của địch. Lớn đấy, hung dữ đấy, gian giảo, xảo quyệt, nhiều mưu mô, thủ đoạn thâm độc, nham hiểm đấy, nhưng vẫn là cái khách quan. Thế giới chủ quan có thể cải tạo thế giới khách quan, nếu có chính tâm, tín tâm, quyết tâm và đồng tâm. Sự thực là như vậy. Mãi mãi là như vậy.

 

Cái chủ quan mà quan liêu, vô trách nhiệm thì sẽ chuốc lấy thất bại

Lịch sử 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, trong tiến trình lịch sử đó, chúng ta cũng vấp váp sai lầm, hạn chế, khuyết điểm. Điều đó không phải do thiên tai, địch họa mà do chính chúng ta, do cái chủ quan. Về mặt sâu xa, có tính chất hạt nhân là do chủ nghĩa cá nhân của cả cá nhân và tổ chức nhưng nguyên nhân trực tiếp là do thói/bệnh quan liêu, vô/thiếu tinh thần trách nhiệm. Ta thường nói/viết, chỉ trích tham nhũng, lãng phí cùng những tiêu cực khác mà không nhìn thấy, chỉ ra cái gốc là quan liêu. Quan liêu biểu hiện ở chỗ thiếu/không kiểm tra, xem xét định kỳ những chủ trương, nghị quyết, chỉ thị. Khi xảy ra sự việc mới rút kinh nghiệm thì muộn rồi. Quan liêu đẻ ra tham nhũng, lãng phí và nhiều tiêu cực, thiệt hại khác. Phải đào tận gốc, tẩy sạch quan liêu.

Không phải cái gì cũng gắn/đổ cho tham nhũng, lãng phí. Có những chuyện không liên quan gì đến tham nhũng, lãng phí, nhưng vì quan liêu, vô trách nhiệm nên gây hậu quả khôn lường, hy sinh cả tính mạng nhân dân.

Ở đâu đó các công trình giao thông có vấn đề, một phần do thiên tai, nhưng chủ yếu do cơ quan chủ quản quan liêu, vô trách nhiệm không kiểm tra, xem xét từ lúc làm đến nghiệm thu, nên dẫn tới hậu quả.

Cột điện đổ, gãy trong gió bão không phải do gió mà chủ yếu do tắc trách trong quá trình làm cột điện, nghiệm thu và xây dựng.

Ô nhiễm nguồn nước, môi trường chủ yếu là do cơ quan chủ quản quan liêu, thiếu tình thần trách nhiệm, không kiểm tra, xem xét định kỳ để nước bẩn đổ ra sông, ra đầu nguồn…

Vấn đề thực phẩm không an toàn, bùng phát dịch bệnh như dịch sốt xuất huyết,..là do thiếu kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở theo quy định.

Có cháy, nổ có thể do cư dân ở đó không tuân thủ các quy định phòng cháy, chữa cháy. Nhưng không thể đổ lỗi tất cả cho nhân dân, mà các cơ quan chức năng, chủ quản phải xem lại trách nhiệm kiểm tra định kỳ của mình thế nào, có thiếu trách nhiệm và quan liêu không?

Làm hệ thống thủy điện vừa và nhỏ liên quan đến bảo vệ rừng, tránh lũ cuốn, lũ ống đã được bàn nhiều, nói nhiều về mặt lợi và mặt hại của nó. Vấn đề cơ quan chủ quản đã kiểm tra, xem xét định kỳ thế nào? Gần đây, sau tai nạn ở đập thủy điện Rào Trăng 3, có bài viết với nội dung cần thận trọng khi làm thủy điện nhỏ và vừa (?!), bài viết có nội dung đã được nói tới hàng chục năm trước, nhưng vì quan liêu, thói vô trách nhiệm nên không ai để ý.

Một câu hỏi đặt ra là các vấn đề về giao thông, thủy điện, bảo vệ rừng, môi trường, thực phẩm, cháy nổ, v.v... đã được các cơ quan chủ quản, có trách nhiệm kiểm tra, xem xét theo quy định như thế nào? Nếu vì quan liêu, vô trách nhiệm, thiếu kiểm tra, không kiểm tra hay kiểm tra không đến nơi đến chốn mà dẫn đến hậu quả không lường được cho nhân dân và đất nước thì phải xem xét kỹ, quy trách nhiệm đến cùng thuộc cá nhân hay tổ chức.

Thiên tai làm chúng ta mất mát quá lớn, quá đau lòng. Nhưng đừng đổ lỗi hết cho thiên tai, mặc dù có lúc quá sức người. Trước đây, trong cách mạng giải phóng dân tộc, đấu tranh giành độc lập dân tộc, có trận ta thua, thiệt hại lớn, hy sinh nhiều, nhưng không ai đổ lỗi cho thế giới khách quan là bọn thực dân đế quốc mạnh cả. Thiên tai, địch họa là cái đương nhiên. Ta thắng địch và vượt qua khó khăn nắng, mưa, bão lụt, dịch bệnh trong lịch sử là nhờ cái chủ quan chính tâm, tín tâm, quyết tâm, đồng tâm, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của con người Việt Nam. Bây giờ thiệt hại, bên cạnh thiên tai bất thường không lường hết được, chủ yếu là do cái chủ quan ở đâu đó còn quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm. Muốn thắng và cải tạo thế giới khách quan thì trước hết phải cải tạo thế giới chủ quan, mình cải tạo mình, phải vượt lên cái tôi quan liêu, thiếu/vô tinh thần trách nhiệm, cải tạo mối quan hệ giữa thế giới khách quan và thế giới chủ quan.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441705

Hôm nay

2105

Hôm qua

2317

Tuần này

21609

Tháng này

216879

Tháng qua

112676

Tất cả

114441705