Những góc nhìn Văn hoá

Tết Vinh năm 1897 qua góc nhìn của một nhà văn quý tộc Pháp

Hầu tước Pierre François Sauvaire De Barthélemy (1870 - 1940) sinh ra và lớn lên ở Paris. Ông là một nhà văn quý tộc ưa mạo hiểm, đã từng chu du khắp thế giới. Trong đó, ông đã nhiều lần đến Đông Dương và giành cho xứ sở này một mối cảm tình đặc biệt. Chính ông là người đầu tiên đã phát hiện và đầu tư vào cảng Cam Ranh (Khánh Hòa).

 

Bìa cuốn sách "ở Đông Dương 1896-1897". Ảnh TL

Trong chuyến đi đến Đông Dương năm 1896- 1897, Barthélemy cùng với những người bạn từ Hạ Long, ghé qua Hải Phòng, Nam Định và đến Bến Thủy bằng đường biển. Từ Vinh, bằng thuyền ông đã đi sang Linh Cảm, sau đó chơi Tết ở Vinh.

Rời Vinh, ngược dòng sông Cả bằng thuyền máy của Tòa Công sứ Vinh, đoàn của ông qua Đô Lương, lên Cây Chanh, nơi ngã ba giữa sông Cả và sông Con (sông Hiếu). Từ đây đoàn thuê thuyền nhỏ của dân bản địa, theo dòng sông Con đi khám phá và săn bắn sang phía Tân Kỳ và Nghĩa Đàn ngày nay. Sau đó, lại trở về Cây Chanh và tiếp tục lên vùng Canh Tráp, Cửa Rào thuộc Phủ Tương (nay là huyện Tương Dương). Từ đây đoàn tiếp tục ngược dòng Nậm Mộ, lên bản Ta Đo (thuộc xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn ngày nay). Sau một tuần ở lại Ta Đo, đoàn sang Lào, tiếp tục cuộc thám hiểm.

Sau chuyến đi này, Barthélemy đã viết cuốn du ký “En Indo-Chine, 1896-1897, Tonquin, Haut Laos, Annam septentrional” (Ở Đông Dương (Bắc Kỳ, Thượng Lào và Bắc An Nam), năm 1896-1897), xuất bản ở Paris năm 1901. Trong cuốn sách này, tác giả đã giành tới 84 trang để viết về quá trình khám phá một số địa phương ở Nghệ An, trong đó có ghi chép về Tết năm 1897 ở Vinh Bến Thủy.

Khi nhà văn quý tộc này đến đây, năm 1897, Vinh mới chỉ là một đô thị nhỏ bé, dân số chưa đến 5.000 người, với thành Nghệ An kín cổng cao tường và chợ Vinh nhộn nhịp, nhất là khu vực phố Khách. Đối với một người du lịch không có máu nghệ sĩ thì không phải mất nhiều thời gian khi đến thăm thành phố Vinh. Thời xưa, thành Vinh rất quan trọng vì thành có nhiều điều lý thú: Những bức tường cổ giống như những bức tường của nhiều lâu đài lớn ở nước Pháp. Vì pháo đài ở Vinh là công trình mang phong cách châu Âu, giống đa số các thành trì khác ở xứ An Nam đều được đại tá Olivier cho quy hoạch và xây dựng khi thế lực của ông ta còn rất mạnh ở Viễn Đông. Tuy vậy, sau hơn mười năm người Pháp chiếm thành Nghệ An, cũng đã có một số công ty của Pháp đầu tư vào Bến Thủy. “Công ty lâm sản Vinh được biết đến nhiều do công ty đã thành công trong việc cung cấp gỗ lát sàn cho Paris, gỗ lát sàn được làm bằng lim, đó là bằng chứng cho sự phát triển lâu dài và nổi bật của công ty này. Tuy nhiên, khi đến thăm công ty, nhà văn đã nhanh chóng nhận ra một “phong tục” Tết của người Việt là gần Tết thì nghỉ, hoặc làm việc chểnh mảng: “Xưởng cưa của anh em nhà Mange nằm ở Bến Thủy, cách Vinh độ chừng 12 km. Thời điểm chúng tôi đến thăm xưởng cưa là ngày Tết cận kề nên công suất làm việc không cao”.

 

Cổng thành Nghệ An (Ảnh in trong sách “Ở Đông Dương 1896-1897”)

 

Ông nhận thấy không khí Tết bao trùm toàn xã hội, “Tết là lễ hội đặc trưng của người có đạo và không có đạo”. Về diễn biến mấy ngày tết, ông ghi nhận chiều ba mươi Tết không khí rất trầm lắng, vì gia đình nào cũng lo chuẩn bị cúng gia tiên. “Vào buổi chiều, một bầu không khí yên tĩnh bao trùm lên Vinh, do phong tục nơi đây, nhà nào cũng phải làm mâm cơm dâng lên bàn thờ tổ tiên. Những thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, đàn ông và phụ nữ đều quỳ lạy trước bàn thờ của gia đình, để gửi lời thành kính của mình đến những người đã khuất. Người ta đốt giấy tiền, vàng bạc và nhang thơm…”. Tối giao thừa thực sự đã gây bất ngờ và mang lại nhiều phấn khích cho những vị khách đến từ phương Tây. Tiếng pháo nổ, tiếng hò reo sung sướng của dân chúng đã làm chúng tôi tỉnh giấc ngay từ lúc khởi đầu của ngày mới, một ngày trọng đại. Tuy vậy, nhà văn quý tộc Pháp cũng nhận thấy một điều khác lạ “Ngược lại, không một ai ra khỏi nhà vào ngày mồng 1 tết”, mà “ngày mồng hai tết, người ta đi thăm và chúc tết bà con”. Đây cũng là điều khác với ngày nay, khi ngày mồng một tết dân Vinh thường rồng rắn kéo nhau đi chúc tết lẫn nhau trong ngõ phố hoặc trong xóm. Các ngày tiếp theo thì bắt đầu lên xe về quê, hoặc đi thăm thú nơi xa hơn.

Không chỉ quan sát và ghi nhận không khí vui chơi và phong tục phát lộ ra bên ngoài, mà nhà văn quý tộc này còn có những phát hiện khá sâu sắc và tinh tế về cuộc sống những ngày tết. Ông cũng bày tỏ thái độ phê phán với những điều ông cho là không hợp lý. Trước hết, ông phê phán sự tiêu hoang, không biết tiết kiệm của người Việt. “Trong những ngày tết, người nào cũng chi tiêu nhiều hơn và phóng khoáng hơn.Vì vậy mà các cửa hàng luôn chật kín. Vào những ngày tết, tiệc tùng đôi khi diễn ra kéo dài, vượt quá giới hạn, khả năng tài chính của người dân, tuy nhiên những người có hầu bao tốt hơn thì sẽ lâu rỗng túi hơn. Vì tính tiết kiệm rất xa lạ đối với người Việt, nên vào một số thời điểm nhất định trong năm, họ đã chi những khoản chi lớn nhất.Là một nhà thám hiểm, Bathelemy cũng đã chịu khó xâm nhập vào các sòng bạc của người Hoa ở Phố Khách và lên án tệ đánh bạc trong dịp tết. “Trong những ngày tết, chúng tôi đi xem nhiều sòng bạc. Một tên người Hoa cao to phát bài trong khi đó một tên khác gầy hơn, nhưng trông khỏe mạnh làm nhiệm vụ canh gác. Họ lập sòng trên một chiếc chiếu, chủ sòng bài là người bản xứ, đặt một nắm đồng xu vào trong cái bát. Trên chiếc chiếu rách, người ta có thể đánh cược “chẵn” “lẽ”, số nào cũng được. Tên người Hoa lật cái bát ra rồi đọc to kết quả trong cái bát, người thắng cuộc được lấy tiền về. Số tiền thắng cuộc khá nhiều và khá giống với các sòng bạc ở Pháp. Nếu như nhà con đặt cược cả hai cửa mà có thắng một cửa, thì nhà cái lấy xâu một khoản tiền thắng đó”.

Ông cho rằng thói tiêu hoang và tệ đánh bạc là sản phẩm “của những cái đầu điên rồ”, chỉ có tác dụng nuôi béo những “nhà tài chính sâu mọt” mà thôi. “Do vậy đó cũng là nguồn của cải dồi dào cho những người Hoa, là những người hồ lì trong sòng bạc và những nhà tài chính sâu bọ ở đất nước của những cái đầu điên rồ này”.

Đặc biệt, dịp tết cũng là cơ may để nhà văn kiêm nhà thám hiểm này chứng kiến một phong tục đặc sắc của người Việt, là phong tục “đi tết” cấp trên. Trái ngược với hiện nay việc “đi tết” thường diễn ra trước tết có khi vài ba tuần, cho đến trước giao thừa, cuối thế kỷ 19, việc “đi tết” ở Vinh diễn ra vào ngày mồng ba và được coi là “một nghi lễ của người An Nam”. Ngày mồng ba tết, chúng tôi tham dự một cuộc diễu hành thật lý thú: Đó là cuộc diễu hành của các quan cấp cao đi lễ chùa và đi chúc tết Tổng Đốc.Nhiều khách mời là quan chức có cấp bậc và nhiều đoàn chúc tết được cử đến đây trước, đó là nghi lễ của người Annam. Khi chứng kiến rất nhiều người phải chờ đợi để đến lượt chúc tết Tổng đốc ở thành Nghệ An, nhà văn liên tưởng đến khung cảnh tương tự mà ông đã chứng kiến ở triều đình Huế. “Người ta đã trông thấy tại nhà của một số quan chức cấp cao của Triều đình Huế, có đoàn chúc tết phải đợi từ 10 đến 11 giờ đồng hồ, thi thoảng còn phải đợi cả 24 giờ đồng hồ”. Đây hẳn là khung cảnh mà các vị khách đến từ phương tây không thể nhìn thấy ở Pháp hay các nước châu Âu.

 

Diễn tuồng ở Vinh năm 1903. Ảnh TL

 

Trong dịp tết này, nhà văn quý tộc Pháp và bạn bè còn được thưởng thức một món ăn tinh thần đặc biệt, riêng có ở An Nam, càng đặc biệt hơn do chính tác giả chiêu đãi. Đó là xem tuồng. Ai cũng biết tổng đốc Nghệ An thời điểm này là Đào Tấn, một soạn giả, một đạo diễn tuồng trứ danh. Ông thường xuyên mang theo bên mình một gánh hát tuồng. Các diễn viên đồng thời cũng là những người lính, hoặc người giúp việc cho ông trong công sở. Tại Dinh Tổng đốc Nghệ An khi đó, ông lập ra “Như thị quan”, giống như một nhà hát tuồng, đồng thời mở lớp đào tạo tuồng, gọi là “Học bộ đình”.

Tổng đốc Nghệ An, kiêm nghệ sĩ tuồng Đào Tấn

 

(Ảnh trong sách L'empire d'Annam, 1904)

Tối mồng ba tết, ngay trong Dinh Tổng đốc, Đào Tấn đã mời các vị khách tây xem ba vở tuồng do ông viết kịch bản và dàn dựng. Mặc dù qua phiên dịch, nhưng các vị khách đã hiểu và rất phấn khích với các vở tuồng. Họ đặc biệt ấn tượng với các thủ pháp nghệ thuật mang tính ước lệ cao của tuồng và tính nhân văn sâu sắc trong các tích truyện. “Buổi tối kết thúc rất tuyệt, chúng tôi có chung suy nghĩ rằng tất cả mọi dân tộc có cùng chung đức tính tốt, cùng ngưỡng mộ, cùng yêu thương như nhau. Tôi chắc rằng những người khán giả An Nam cũng rung động trước những nhân vật trong vở kịch, giống như những người Pháp xem vở kịch này vậy ».

Gần 130 năm đã trôi qua, kể từ khi nhà văn Pháp mô tả về tết ở Vinh, mọi thứ đã đổi thay, nhưng hầu như phong tục tết của người Việt, cùng với những cái hay, cái dở vẫn còn đó, khác chăng chỉ là sắc thái và mức độ.

Bìa cuốn sách Ở Đông Dương 1896- 1897

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114435004

Hôm nay

2275

Hôm qua

2349

Tuần này

21654

Tháng này

212052

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114435004