Những góc nhìn Văn hoá

Tình cảm đặc biệt của Bác Hồ đối với thương binh, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ

Bác Hồ thăm nghĩa trang Liệt sỹ. (ảnh tư liệu)

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ. Bác là người đã kế thừa, đúc kết truyền thống tốt đẹp, đạo lý thiêng liêng của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Chỉ 30 ngày sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02/10/1945, khi nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ đang phải đương đầu chống lại giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt, v.v..., mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác Hồ vẫn trực tiếp đến Nhà hát lớn Hà Nội làm lễ cầu hồn cho những đồng chí bộ đội hy sinh trong ngày Nam Bộ bắt đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (23/9/1945). Và 48 ngày sau, vào ngày 20/11/1945, tại phiên họp thường kì của Hội đồng Chính phủ, Bác đã đề nghị Chính phủ truy tặng 5 liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh cho Tổ quốc ngày 12/11/1945 tại tỉnh Cần Thơ (Nam Bộ). Rồi Bác viết thư cho Nhân dân miền Nam với những lời đầy tôn vinh, kính trọng: "Thưa đồng bào! Tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn những chiến sĩ và đồng bào miền Nam đã vì Tổ quốc mà hy sinh anh dũng" (Thư ngàv 31/3/1946). Không những thế, Bác còn coi mỗi thanh niên hi sinh là như chính mình mất đi một phần cơ thể:

"Tôi không có gia đình, tôi không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi, thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất đi một thanh niên, thêm một liệt sĩ là tôi coi như mình mất đi một đoạn ruột" (Thư gửi Giảm đốc Sở Y tế Bắc Bộ, 1947).Và Bác đã thông báo nhận các con liệt sĩ làm con nuôi của mình: “Tôi xin gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sĩ và tôi xin nhận các con liệt sĩ là con nuôi của tôi(7/11/1946). Bác cũng đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó làm "Ngày Thương binh, Liệt sĩ". Sau đó, ngày 27/7 hàng năm đã được Chính phủ chọn làm "Ngày Thương binh, Liệt sĩ. Kể từ đó, năm nào đến ngày 27/7, Bác cũng đều đặn có thư gửi thương binh, gia đình liệt sĩ với những lời động viên, an ủi rất giản dị, mộc mạc, chân thành, cụ thể, thiết thực. Bác đã nhiều lần khẳng định với những lời lẽ vừa hùng hồn, vừa cảm động: "Máu đào của các thương binh, liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hi sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do". Chỉ tính riêng mười tháng đầu năm 1947, khi đang cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống Pháp, mặc dù rất bận, Bác vẫn quan tâm đến thương binh, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, Người đã kí liên tiếp 3 sắc lệnh nhằm tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các chế độ, chính sách cho thương binh, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ. Đó là Sắc lệnh số 20 (16/2/1947) quy định chế độ thương tật, tiền tuất cho thương binh, liệt sĩ, Sắc lệnh số 58 (6/6/1947) tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập cho những người có công với Tổ quốc; Sắc lệnh số 101 (3/10/1947) về việc thành lập Sở Thương binh ở các tỉnh trong cả nước.

Không những động viên, an ủi về mặt tình cảm, tinh thần, Bác còn có quà tặng cho các thương binh, gia đình liệt sĩ. Chỉ tính từ tháng 7/1947 đến tháng 4/1948, Bác đã hai lần tặng quà cho thương binh, gia đình liệt sĩ; một lần gồm một chiếc áo lụa, một tháng lương, tiền một bữa ăn của Bác và của các nhân viên làm việc trong Phủ Chủ tịch, tổng cộng là 1.127 đồng tiền lúc đó (tháng 7/1947); lần thứ hai gồm một số khăn mặt, quần áo mà Nhân dân một số nơi gửi tặng Bác và một tháng lương của Bác là 1.000 đồng (tháng 4/1978). Đến tháng 7/1954, Bác Hồ lại gửi tặng họ 70.600 đồng tiền do Bác tiết kiệm nhiều tháng lương gộp lại. Những món quà đó tuy nhỏ nhưng lại rất quý giá bởi đó là tấm lòng, tình cảm của Bác dành cho thương binh, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, là nguồn động viên, cổ vũ làm ấm lòng các thương binh, gia đình liệt sĩ.

Không những thế, Bác Hồ còn có nhiều sáng kiến phát động các phong trào nhân dân giúp đỡ các thương binh, gia đình liệt sĩ. Năm 1948, Bác Hồ đã gửi thư cho các cháu nhi đồng toàn quốc, phát động phong trào Trần Quốc Toản nhằm tổ chức cho các cháu làm những công việc nhỏ phù hợp với tuổi của các cháu để giúp đỡ các gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ. Hoặc năm 1951, Bác phát động phong trào "Đón thương binh về làng" kêu gọi Nhân dân giúp đỡ các thương binh trong những công việc hàng ngày để họ có thể tự tin để sinh sống, hòa nhập với cộng đồng. Bác cũng thường nói: "Thương binh tàn nhưng không phế". Chẳng hạn đêm giao thừa Tết Bính Thân 1956 (tức là ngày 11/2/1956 dương dịch), khi đi chúc Tết các thương binh ở Trường Thương binh hỏng mắt (phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội), Người đã căn dặn: "Tại mái trường này, các chú được học chữ, học nghề để ra trường tiếp tục phục vụ Nhân dân. Như vậy thương binh tàn nhưng không phế".

Có thể nói trong cương vị cùa người đứng đầu Đảng và Nhà nước, mặc dù rất bận rộn nhưng Bác vẫn thường xuyên kêu gọi, nhắc nhở các cấp lãnh đạo, các đoàn thể các tầng lớp Nhân dân hãy thể hiện sự quan tâm đến thương binh, gia đình liệt sĩ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Một điều cần nhấn mạnh là tình cảm của Bác đối với thương binh, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ thể hiện tinh thần nhân văn cao cả, đó là sự chia sẻ, đồng cảm của Bác đối với những người thân trong các gia đình có con em đã anh dũng hi sinh cho Tổ quốc. Như năm 1947 ông Vũ Đình Tụng (Bộ trưởng Bộ Thương binh lúc đó) có con trai là Vũ Văn Thành hi sinh ở chợ Hôm (Hà Nội), dù đang bận rộn lãnh đạo cuộc kháng chiến, Bác vẫn viết thư chia sẻ nỗi đau thương, mất mát của gia đình ông. Sau này, ông Vũ Đình Tụng kể lại rằng: "Đọc xong thư của Bác, tự nhiên tôi thấy nỗi đau thương và sự mất mát của gia đình tôi trở thành nhỏ bé trong tình thương mênh mông của Bác. Tôi biết rõ mình sẽ phải làm gì để xứng đáng với sự hi sinh của con tôi và để khỏi phụ tấm lòng của Bác". 32 ngày trước khi đi xa, Bác Hồ đã tặng Huy hiệu của Người cho mười đồng chí thương binh gương mẫu. Và ngày 01/9/1969, chỉ trước khi mất một ngày nhân dịp kỉ niệm lần thứ 24 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945 - 2/9/1969), Bác Hồ vẫn gửi vòng hoa để viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch (Hà Nội). Việc làm đó của Bác đã làm cho hàng chục triệu đồng bào cảm động rưng rưng nước mắt.

Có thể nói, suốt cuộc đời mình, Bác Hồ luôn dành những tình cảm đặc biệt đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ. Tình thương bao la ấy là bài học vô cùng quý giá đối với mỗi chúng ta, chúng ta càng thấy trách nhiệm của những người đang sống đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443867

Hôm nay

2118

Hôm qua

2307

Tuần này

21680

Tháng này

219041

Tháng qua

112676

Tất cả

114443867