Những góc nhìn Văn hoá

Nguyễn Hiến Lê - Người tự làm nên bản thân mình

Từ lâu, tôi đã biết tiếng Nguyễn Hiến Lê. Rằng ông là một học giả rất uyên bác. Hơn 120 đầu sách, mà có đầu đến mấy nghìn trang, về rất nhiều lĩnh vực đã nói lên điều đó. Diệp Hàng Gai (1) nói với tôi không ít về ông. Nhưng là một kẻ thích độc đáo, tôi nghĩ viết nhiều như thế khó mà độc đáo được, nên ngại đọc Nguyễn Hiến Lê, trừ đôi cuốn dịch ông của Lâm Ngữ Đường.

Gần đây, mục Chân dung nhà văn hóa trên tạp chí Văn hoá - Nghệ thuật cạn người, tôi quyết định đọc Nguyễn Hiến Lê để viết. Một phần, ông quả là tiêu biểu cho các nhà văn hóa miền Nam mà tạp chí đương thiếu vắng. Phần khác, ông vốn đồng hương xứ Đoài với tôi, dù xa mấy tầm đại bác (2). Tôi tò mò muốn dõi theo đường bay của một đám mây trắng từ đỉnh Ba Vì viễn du phương Nam.
Đọc vào Nguyễn Hiến Lê, tôi mới biết mình "bé cái nhầm". Ông là người hết sức độc đáo. Nhưng cái độc đáo của ông không sừng sững Tản Viên, mà lẩn trong cái thường ngày như cát sông Đà, nên dễ lọt qua kẽ tay của những kẻ chuộng lạ. Hơn nữa, cũng là người tự học, đã nhiều lần phải trả học phí vô ích, tôi còn hối mình gặp Nguyễn Hiến Lê quá muộn. Nhớ lại thời còn sinh viên, một hôm thấy tôi cầm trên tay cuốn Napônêông của Táclê, một ông thầy nói: "Mình tiếc giá đọc cuốn sách này cách đây 20 năm thì bây giờ mình đã là người khác rồi!". Tôi biết, nếu mình đọc Nguyễn Hiến Lê sớm hơn, thì cũng không trở thành một người khác được, nhưng có lẽ tôi sẽ đi mau hơn chăng. Tuy vậy, bây giờ đọc ông, tôi thức nhận rõ hơn những việc mình đã làm và ý thức hơn những việc mình sẽ làm. Đặc biệt có được cái thú chiêm nghiệm ở ông cái cách: cách cảm, cách nghĩ, cách làm, nhất là cách thế, một trong những cốt lõi của văn hóa.
Nguyễn Hiến Lê, trước hết, là một người tự học. Tự học, thực ra, là nhu cầu mọi nơi mọi lúc. Nhưng tự học đặc biệt quan trọng với người Việt
Nam, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay. Bởi, nước ta nghèo và đi sau, nên muốn kịp người thì phải học. Nhưng không phải ai cũng có ăn để mà (đi) học; đành phải tự học vậy. Hơn nữa, kể cả có đi học rồi, thì cái vốn học vấn nhà trường, nhất là trong xã hội thông tin hiện nay, nhiều lắm cũng chỉ là hành trang xuất phát. Bởi thế, đường từ ga đi đến ga đến bao giờ cũng là một hành trình tự vận động.
Các nhà văn hóa lớn của Việt
Nam trong thế kỷ XX đa phần đều là những tấm gương lớn của sự tự học. Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh chỉ tốt nghiệp Trường Thông ngôn khoá ba năm. Còn Đào Duy Anh thì mới có bằng Thành chung (trung học cơ sở). Nếu không tự hành mà dẫm chân tại chỗ thì bất quá họ cũng chỉ là hai anh biên/phiên dịch tiếng Pháp và một thầy giáo khổ trường huyện. So với các nhà bác học trên, trường hợp Nguyễn Hiến Lê có khác. Ông không có thiên hướng hay mục đích ngay từ đầu. Vốn được đào tạo để làm một nhân viên công chánh, nhưng hoàn cảnh đưa đẩy, ông lại trở thành một học giả, người viết sách, nhà giáo dục và một trí thức kiểu mẫu. Bởi thế, tự học với ông là một sống còn.
Con đường tự đào tạo của Nguyễn Hiến Lê có thể chia thành hai chặng. Một, thời kỳ tự học chưa có mục đích gì rõ ràng và hai, khi đã có mục tiêu. Ở chặng thứ nhất, rõ ràng (cậu bé) Nguyễn Hiến Lê học là vì… học. Một lòng yêu kiến thức, một thôi thúc của truyền thống gia đình hay mồ mả tổ tiên đã đi vào tiềm thức. Đến khi đi làm công chức, thì được cử làm người đo mực nước ngày hai bận ở đồng bằng sông Cửu Long. Để giết thời gian, ông học chữ Hán, đọc sách và viết văn chơi. Chỉ khi bắt đầu đi dạy học, cần tri thức để dạy học sinh, Nguyễn Hiến Lê mới tự học một cách có ý thức. Ông tiếp tục học chữ Hán. Học thêm tiếng Pháp, tiếng Anh, Ông học ngoại ngữ bằng cách dịch sách. Bước đầu đọc đối chiếu những tác phẩm văn học đã được các dịch giả uy tín dịch ra tiếng Việt, sau đó là tự mình dịch những tác phẩm mới. Cách học hỏi những tri thức cũng vậy. Thấy người ta (hoặc chính mình) đang cần biết vấn đề gì, Nguyễn Hiến Lê tìm sách nước ngoài viết về vấn đề ấy, của những tác giả khác nhau càng tốt, đọc rồi trình bày lại và thêm vào những nhận xét, chiêm nghiệm của riêng mình. Thế là độc giả có được một khối tri thức vừa rộng, vừa sâu với một cách thể hiện giản dị, sáng sủa và sinh động. Còn tác giả thì được thêm một đầu sách. Như vậy, cách học của ông là vừa học vừa làm, học để làm làm để học, lao động và lạc thú không tách rời nhau. Đó là một trong những bí quyết khiến ông viết được nhiều sách.
Những điều Nguyễn Hiến Lê học được đủ phong phú, đủ sâu sắc, đủ sống động để có thể truyền đạt cho người khác, đặc biệt là cho thế hệ trẻ, cho những người không đủ điều kiện để học hoặc đi học. Đầu tiên, ông viết sách để truyền thụ, khai sáng cho bạn đọc về tri thức. Những sách ông viết có cả những tri thức cao cấp, chuyên sâu như Đại cương triết học Trung Quốc (2 tập, 1966), Nho giáo một triết lý chính trị (1958), Liệt tử và Dương tử (1972), Đại cương văn học sử Trung Quốc (3 tập, 1954 - 1966), Văn học Trung Quốc hiện đại (1970), Đông kinh nghĩa thục (1954)…, đến những tri thức phổ thông như Để hiểu văn phạm (1952), Chúng tôi tập viết tiếng Việt (1963) Gương hy sinh (1962), Gương kiên nhẫn (1964), Gương chiến đấu (1966), Tìm hiểu con chúng ta (1966), Tự học, một nhu cầu thời đại (1964)… Nhưng điều quan trọng hơn, trong các tri thức ông muốn truyền đạt cho bạn đọc, ngoài tri thức chuyên ngành ra, là những tri thức về kinh nghiệm tự học và phương pháp tự học. Nghĩa là ông không chỉ mang cá đến biếu, mà còn cung cấp cần câu cho bạn đọc tự kiếm cá lấy. Biết bao người chỉ nhờ đọc sách ông mà đã trưởng thành, đã vượt qua được những khó khăn bản thân và gia đình để vươn lên trở thành những người có ích. Tất cả những người ấy đều gọi ông là Thầy, dù nhiều người chưa hề biết mặt ông, hoặc chỉ sau này mới biết. Vì thế, mặc dù chỉ thực sự làm nghề thầy giáo ngoài ý muốn có 3 năm, mà ông vẫn xứng đáng với danh hiệu là một nhà giáo dục lớn của đất nước.
Cuối cùng, và quan trọng hơn cả, Nguyễn Hiến Lê là một người trí thức. Thực ra, không phải hễ ai có bằng đại học thì cũng có một trình độ tri thức tương xứng. Và lại càng không phải ai đã có từ trình độ tri thức ấy trở lên thì đều là trí thức. Người trí thức đòi hỏi tri thức đã đành, nhưng đấy là điều kiện cần mà chưa đủ. Người trí thức ngoài chuyên môn của mình ra, còn phải biết quan tâm đến những vấn đề xã hội, vấn đề con người (chứ không chỉ những vấn đề chính trị thuần túy), và có tiếng nói về những vấn đề ấy. Để cho tiếng nói của mình có sức nặng, thì anh ta phải có tư tưởng độc lập. Bởi thế, cần phân biệt nhà chuyên môn, chuyên gia, người chỉ chú mục vào sự thăng tiến chuyên môn của mình và người trí thức (3). Nhà bác học A.Einstein cũng chỉ là một nhà chuyên môn, nếu ông không quan tâm đến tương lai nhân loại, không tham gia vào phong trào đấu tranh vì hòa bình phản đối bom nguyên tử.
Nguyễn Hiến Lê là một trí thức. Thậm chí, một trí thức chân chính. Trước hết, ông là một nhà chuyên môn giỏi. Hơn nữa, chuyên môn ấy lại do ông tự đào luyện, nên giá trị gấp đôi. Trong các lĩnh vực khảo cứu, biên soạn, dịch thuật, sáng tác, với 122 tác phẩm để đời, Nguyễn Hiến Lê không kém gì các tiền nhân như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, mà có phần vượt trội cả về số lượng, tính đa dạng lẫn tính chuyên môn của các công trình. Và, tuy không đạt đến tầm cao và sự độc đáo tư tưởng so với mặt bằng xã hội đương thời như các vị trên, nhưng những công trình của Nguyễn Hiến Lê nổi bật bởi ý thức khai sáng hướng tới số đông bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi.
Như vậy, tính phổ cập của trước tác Nguyễn Hiến Lê là chủ đích phổ cập kiến thức nhằm đáp ứng nhu cầu to lớn của người đọc phổ thông. Đây hình như là nhiệm vụ hàng đầu của người trí thức trong các xã hội đi sau thế giới. Mà xã hội Việt
Nam, trong thế kỷ XX, ở thời kỳ nào cũng vậy, vẫn có cái nhu cầu ấy ở công chúng và cái nhiệm vụ ấy ở người trí thức. Nhưng xu hướng bách khoa này của Nguyễn Hiến Lê hẳn còn xuất phát từ một  lý do  khác gắn liền với bản chất con người của ông hơn. Đó là biết nhiều, đọc rộng để thâu thái lấy tinh hoa của trăm nhà. Ông như đi trên con đường trung đạo, lánh xa các thái cực, không lệ thuộc vào không gian cũng như thời gian. Đó là chủ nghĩa trạch thiện (lựa cái hay mà theo, dịch từ éclectisme).
Nguyễn Hiến Lê kể: "Nhà văn Nguyễn Hữu Ngư có lần hỏi tôi: Anh là người cũ hay mới? Tôi không biết đáp ra sao, chỉ bảo: Cái đó tùy mỗi người nhận định. Tôi không nhất định cho rằng tục lệ, luân lý của xã hội nông nghiệp hoàn toàn tốt đẹp; tôi cũng không bảo rằng xã hội kỹ nghệ phương Tây sa đọa quá rồi, con người cực kỳ ích kỷ, phóng đãng, tàn nhẫn. Tôi thấy xã hội nào có cái gì đẹp thì tôi theo, cái gì xấu thì tôi bỏ. Hai mươi lăm năm trước, một anh bạn theo đệ tứ hay đệ tam, nghe tôi nói vậy, bĩu môi, chê: Vậy anh theo éclectisme (chủ nghĩa chiết trung) à? Tôi đáp: Nếu thế là éclectisme thì tôi theo éclectisme" (Hồi ký, Văn học, 2006, tr.68).
Như vậy, Nguyễn Hiến Lê không phân biệt cũ/mới, truyền thống/ hiện đại, Đông/ Tây. Với ông, cái gì hay, cái gì cần cho con người Việt
Nam hôm nay, cho xã hội Việt Nam hôm nay thì ông viết, giới thiệu, dịch. Nói thế, không phải Nguyễn Hiến Lê chỉ biết có sách vở, một kiểu học giả tháp ngà, cách vời cuộc sống nóng hổi, bụi bặm. Ngược lại, ông luôn đồng hành với cuộc sống, đồng hành với xã hội. Có vậy, ông mới nghe được những tiếng nói rì rầm trong lòng đất. Nhiều bài báo, cuốn sách ông viết đều gắn liền hoặc xuất phát từ những sự kiện thời sự, những vấn đề thời cuộc của xã hội ông sống. Ông vốn xuất thân từ một gia đình nội ngoại đều có nhiều người tham gia Đông kinh nghĩa thục mà! Sự dấn thân ấy của ông ai cũng biết.
Có điều dấn thân nhưng vẫn giữ một xa cách. Dấn thân với xã hội mà xa cách với chính quyền (Thái độ lưỡng diện này hẳn là biến thể của lẽ xuất xứ Nho giáo của người tri thức Tây học?). Làm một trí thức tự  do  không tham dự vào bất kỳ một công việc nào mà chính quyền tổ chức. Có thế mới giữ được tư cách độc lập, một tiếng nói độc lập. Cũng như Hoàng Xuân Hãn ngày trước, Nguyễn Hiến Lê kiên quyết đứng ngoài/trên chính quyền và chính trị. Vì thế, khi chính quyền Sài Gòn ba lần bảy lượt mời ông làm giám khảo Cuộc thi Văn chương toàn quốc, vào Ủy ban Dịch thuật, Ủy ban Điển chế Văn tự của Bộ Văn hóa, vào Hội đồng Giáo dục Toàn quốc, ông đều từ chối. Đặc biệt, năm 1973, Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa muốn trao tặng ông Giải Tuyên dương Sự nghiệp Văn chương - Học thuật - Mỹ thuật ông cũng từ chối. Như vậy, xét về mặt nhân cách, Nguyễn Hiến Lê là một trí thức trung thực. Nói điều này, thực ra, chỉ là sự phát hiện ra châu Mỹ lần thứ hai. Điều tôi muốn minh định ở Nguyễn Hiến Lê là ông thuộc về kiểu trí thức nào.
Điều đập vào óc chúng ta trước tiên là thấy Nguyễn Hiến Lê giông giống với các tiền bối của ông như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh…, những học giả trước thuật nhiều với mục đích khai sáng. Họ không phải là những nhà nho thuần túy, dù ít nhiều được giáo dục Nho học một cách không truyền thống và chính thống. Bởi thế, họ có cốt cách một nhà nho. Có tâm huyết với đất nước, các nhà nho phi nho này muốn hành đạo giúp đời. Trước sự bất lực của văn hóa Nho giáo với thảm trạng đất nước, họ quay sang văn hóa phương Tây nhằm tìm kiếm một công cụ hiện đại để canh tân đất nước. Thế là họ chủ động tiếp thu Tây học, và bằng con đường tự đào tạo trở thành những trí thức Tây học đầu tiên tuyên truyền, xây dựng văn hóa mới. Họ không nề hà đóng những viên gạch móng như làm tự điển, từ điển, sưu tầm truyện cổ dân gian, ca dao tục ngữ, biên soạn các sách lịch sử, văn học, ngôn ngữ, dịch thuật sách vở nước ngoài để nâng cao kiến thức, học tập kinh nghiệm…
Sống trong một hoàn cảnh xã hội ít nhiều khác các cụ, ứng xử trước nhân tình thế thái cũng không giống hẳn các tiền nhân trên, nhưng tôi vẫn thấy Nguyễn Hiến Lê giống những người trước ông. Đó là tri thức Tây học mang cốt cách Nho gia. Điều này chi phối cách nhìn, cách ứng xử, cách hoạt động học thuật và quan trọng hơn, cơ chế tiếp thu văn hóa phương Tây nói riêng và văn hóa nước ngoài nói chung. Đó là cơ chế tiếp thu theo kiểu chủ/khách. Ta là chủ thể, là trung tâm, là cổng ngõ qui định khách nào thì được vào và vào như thế nào. Vì thế, ta chỉ tiếp thu cái gì cần cho ta trước mắt, cắt xén đối tượng cho phù hợp với tỳ vị của ta…
Kiểu trí thức này có một căn cốt rất vững. Nó liên thông với các tri thức Nho gia truyền thống như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú… Trước là tri thức Nho giáo, sau là cốt cách Nho gia, đã làm cho họ có một cái đế rất vững chắc để có thể lấy bất biến ứng vạn biến. Có thể nói, đây là kiểu trí thức đặc trưng của Việt
Nam trong thế kỷ XX. Và kiểu trí thức này sẽ còn tồn tại lâu dài, chừng nào mà Việt Nam còn đi sau thế giới, còn bị chi phối bởi hai nguồn tư tưởng cổ truyền: tiểu nông và Nho giáo, tuy rằng, đóng góp của kiểu trí thức này đã rất lớn và sẽ còn rất lớn, cả về nhân cách và tri thức, mà Nguyễn Hiến Lê là một tiếp nối tiêu biểu và ngời sáng.
Hiện nay thế giới đang ở vào giai đoạn toàn cầu hoá mạnh mẽ nhờ sự phát triển bột phát của tin học. Đây là cơ hội vàng cho các nước tiền hiện đại, hoặc mới bước vào hiện đại để rút ngắn quá trình hiện đại hoá của mình. Nhằm mục đích đó, cùng với kiểu trí thức trên, Việt
Nam rất cần một kiểu trí thức khác, không chỉ biết trạch tuyển, truyền bá, khai sáng, áp dụng, mà, quan trọng hơn, có tư tưởng và biết sáng tạo. Bởi lẽ, lúc này sự đối lập Ta và Thế giới không còn nhiều ý nghĩa, mà phải là Ta là Thế giới.
Trước đây, trong bài viết về Quang Dũng, tôi có nói rằng, đất Sơn Tây là vùng bán sơn địa, nơi người Việt cổ lần đầu tiên từ thung lũng và trước núi đặt một chân xuống đồng bằng, một miền quê nghèo: đất đá ong khô nhiều ngấn lệ, nên chỉ những người đi xa mới thành đạt. Thậm chí, càng xa càng thành đạt, Nguyễn Hiến Lê đã từ vùng đất cổ ấy đến một vùng đất mới, nơi nhiều thiên nhiên hơn và nhiều tụ do   hơn. Phải chăng vì thế mà ông đã cải được số tử vi của mình để trở thành một nhà văn hóa, một người con của miền
Nam như ông tự nhận? Nhưng đọc ông, biết thêm về con người ông, tôi vẫn thấy đằng sau một trí thức Tây học Nam Bộ là cốt cách một nhà nho Bắc Bộ. Hơn nữa, đằng sau những lớp phù sa màu mỡ của đồng bằng sông Cửu Long vẫn là một cốt đất đá ong của xứ Đoài. Có thể, mắt người Sơn Tây nhìn người Sơn Tây nó vậy?


 

 


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441757

Hôm nay

2157

Hôm qua

2317

Tuần này

21661

Tháng này

216931

Tháng qua

112676

Tất cả

114441757