Những góc nhìn Văn hoá

Hồ Chí Minh với báo chí

 

Trong lần nói chuyện tại Đại hội lần thứ hai của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16-4-1959, Hồ Chí Minh nhận mình “là một người có nhiều duyên nợ với báo chí”. Tuy nhiên, với khoảng 2000 bài báo bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, cùng với việc sáng lập, đồng sáng lập nhiều tờ báo nổi tiếng trong thời gian nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh xứng đáng là nhà báo kiệt xuất. Di sản tư tưởng, tấm gương báo chí của Người đang soi sáng sứ mệnh báo chí của các nhà báo hôm nay.

I. Kinh nghiệm làm báo ngược- khổ luyện thành tài

Để vào được làng báo và trở thành “người có nhiều duyên nợ với báo chí”, Hồ Chí Minh đã phải trải qua một quá trình rèn luyện gian khổ, miệt mài, vừa học vừa tập viết, viết ngắn, viết dài, lại viết ngắn... Nhưng quan trọng hơn là Người trau dồi lập trường tư tưởng, coi ngòi bút là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà.

Hồ Chí Minh ra nước ngoài năm 1911 là để xem nước Pháp và các nước khác họ làm thế nào, ròi sẽ trở về giúp đồng bào, chứ không phải đi học làm báo. Hành trang Người mang theo là lòng yêu nước thương dân và khát vọng giải phóng đồng bào khỏi gông cùm nô lệ. Trước khi đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh chủ yếu thực hiện những cuộc hành trình dài ngày từ Pháp qua châu Phi đến Anh và nhiều nước khác. Tại những nơi Người tới, bằng sự quan sát, tìm hiểu và tự đặt ra cho mình nhiều câu hỏi từ thực tế, Hồ Chí Minh càng ngày càng nhận ra bộ mặt thật của chủ nghĩa đế quốc. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, hoạt động của Hồ Chí Minh đã tiến lên một bước. Người đến Hội nghị Véc- xây cùng nhiều đoàn đại biểu thay mặt cho các dân tộc bị áp bức để đòi độc lập và tự do, trong đó có tự do báo chí. Tự do báo chí và tự do ngôn luận trong Yêu sách của nhân dân An Nam năm 1919 là mốc mở đầu cho hành trình báo chí của Hồ Chí Minh. Tuy nhiên ở thời điểm đó, nhận thức của Hồ Chí Minh về tự do báo chí cũng chỉ mới là cảm tính mà thôi. Điều quan trọng là từ nhận thức những lời tuyên bố tự do của các nhà chính trị tư bản trong lúc chiến tranh thật ra chỉ là những lời đường mật để lừa bịp các dân tộc, Hồ Chí Minh thấy rõ muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của của bản thân mình. Những nhận thức đó đã đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh.

Trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, tác giả Trần Dân Tiên kể lại rằng, lúc bấy giờ ông Nguyễn là một người yêu nước quyết tâm hy sinh tất cả vì Tổ quốc, nhưng ông Nguyễn lúc đó “rất ít hiểu về chính trị, không biết thế nào là Công hội, thế nào là bãi công và thế nào là chính đảng”. Người đã tự bỏ tiền ra in những bản Yêu sách tám điểm thành những tờ truyền đơn đem phát trong các cuộc mít tinh ở Pháp, cho tất cả những Việt kiều và những người Việt đi lính Pháp. Người gửi cả những truyền đơn về Đông Dương. Những hoạt động đó có tác dụng nhất định nhưng không cơ bản và lâu dài. Người bắt đầu suy nghĩ tới hoạt động báo chí. Nhưng hoạt động như thế nào khi “ông Nguyễn không đủ tiếng Pháp để viết báo Pháp”. Trần Dân Tiên kể lại rằng “nhược điểm về tri thức làm cho ông Nguyễn rất khó chịu. Nhất là khi nhờ ông Phan Văn Trường viết nhưng ông Trường không viết tất cả những điều ông Nguyễn muốn nói. Vì vậy ông Nguyễn bắt tay vào học làm báo”. Như vậy động cơ làm báo đầu tiên của Hồ Chí Minh là để tuyên truyền cách mạng, tố cáo tôi ác thực dân Pháp.

Người đến tòa báo “Dân chúng” do cháu ngoại Các Mác, nghị viên của Quốc hội Pháp, là ông Giăng-Lông-Ghê làm chủ nhiệm . Tờ “Dân chúng” không những đã đăng những lời yêu cầu của bản Yêu sách tám điểm mà Chủ nhiệm tờ báo đó còn khuyến khích Nguyễn Ái Quốc viết bài để làm cho nhân dân Pháp hiểu rõ những sự bất công xảy ra ở Việt Nam. Mặc dù những người Pháp như ông Lông-Ghê hay chủ báo “Đời sống thợ thuyền” rất tốt và rất đáng mến nhưng điều đó chỉ hỗ trợ một phần, giúp Nguyễn Ai Quốc những ngày đầu chập chững trên con đường làm báo. Vấn đề có ý nghĩa quyết định là sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của bản thân. Xác định rõ mục đích viết báo để làm gì có ý nghĩa hết sức quan trọng đến cuộc đời làm báo của Nguyễn Ái Quốc. Người nhận rõ “tụi tư bản và đế quốc chủ nghĩa nó lấy tôn giáo và văn hóa làm cho dân ngu, lấy phép luật buộc dân lại, lấy sức mạnh làm cho dân sợ, lấy phú quý làm cho dân tham. Nó làm cho dân nghe đến hai chữ cách mệnh thì sợ rùng mình. Vì vậy cách mênh trước hết phải làm cho dân giác ngộ; phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu, phải bày sách lược cho dân”. Báo chí sẽ góp phần rất quan trọng vào giải quyết những mục đích đó.

Cũng theo Trần Dân Tiên, “ông Nguyễn bắt đầu làm báo rất khó khăn” vì kém tiếng Pháp, thiếu văn Pháp. Người đã vượt qua khó khăn đó bằng cách vừa làm vừa học, tự học và học những nhà báo người Pháp có kinh nghiệm. Người kiên nhẫn bắt đầu từ những động tác nhỏ như viết hai bản, gửi cho tòa báo một bản, giữ lại một bản, sau khi bài được đăng so sánh với bản gốc và sửa những chỗ viết sai. Những bài báo đầu tiên Người viết ngắn, chỉ năm, sáu dòng. Khi thấy viết đã bớt sai lầm, được sự đồng ý của chủ bút, Người viết dài hơn một tí, độ bảy, tám dòng. Dần dần, Người có thể viết cả một cột báo và có khi dài hơn. Cứ như vậy, tùy theo chủ đề, Người có thể thể viết dài, viết ngắn. Người phải học viết rút ngắn, vì ngắn về dòng nhưng phải bảo đảm về nội dung và chất lượng bài báo. Bằng sự nỗ lực của bản thân trên cơ sở xác định rõ mục đích và cách viết, chỉ một thời ngắn, Nguyễn Aí Quốc đã vào làng báo. Từ tháng 8-1919, Người đã có bài trên báo Nhân đạo và tiếp theo Người viết nhiều bài cho báo Dân chúng, Đời sống công nhân...

Hội Liên hiệp thuộc địa ra đời tháng 6-1921 tập hợp tất cả những người quê thuộc địa sống trên đất Pháp nhằm mục đích thảo luận và nghiên cứu những vấn đề chính trị và kinh tế của thuộc địa, đi tới sự nghiệp giải phóng bằng sự nỗ lực của chính bản thân những người thuộc địa. Hội quyết định dùng báo chí và ngôn luận để tranh thủ dư luận đồng tình ủng hộ những hoạt động của Hội và cuộc đấu tranh của nhân dân các thuộc địa chống áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân. Nguyễn Ái Quốc, nhân danh đại biểu Đông Dương, làm nghề thợ ảnh, được bầu là một thành viên của Ban Chấp hành. Sau khi Hội thành lập, Ban Chấp hành quyết định xuất bản tờ báo lấy tên Le Paria. Báo ra số 1, ngày 1-4-1922. Số cuối cùng là số 38, tháng 4-1926. Nguyễn Aí Quốc có quan hệ mật thiết với báo Le Paria. Trong thời kỳ đầu, từ đầu cho đến số 14, Người làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, làm cả việc phát hành và đi bán báo. Sau khi rời Hội Liên hiệp thuộc địa, Người đến Liên Xô rồi đi Trung Quốc, nhưng vẫn gửi bài về đăng báo.

Đọc những bài báo Người viết trong giai đoạn đầu đến khi vào làng báo và trở thành nhà báo cũng như những lời kêu gọi, truyền đơn cổ động của Người mua báo Le Paria, chúng ta càng hiểu thêm con đường tiếp cận của Người để trở thành nhà báo chân chính.

Sự trăn trở và nỗi quan tâm lớn nhất của Người là đoàn kết và giải phóng nhân dân các dân tộc thuộc địa. Trong Lời kêu gọi đăng báo Le Paria, số 1 có đoạn: “Le Paria tố cáo những sự lạm quyền về chính trị, lối cai trị độc đoán, tình trạng bị bóc lột về kinh tế mà nhân dân các vùng lãnh thổ rộng lớn ở hải ngoại đang là nạn nhân. Báo kêu gọi họ đoàn kết lại, đấu tranh cho tiến bộ về vật chất và tinh thần của chính họ. Báo kêu gọi họ, nhằm mục đích giải phóng những người bị áp bức khỏi các lực lượng thống trị, thực hiện tình yêu thương và bác ái... Le Paria đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu, mục đích của báo chắc chắn sẽ đạt được: đó là giải phóng loài người”. Như vậy, điều trước hết và quan trọng nhất trên con đường hình thành tố chất của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh là tư tưởng và quyết tâm giải phóng dân tộc, giải phóng con người và đi tới giải phóng loài người. Ngay tên gọi tờ báo Le Paria do Nguyễn Aí Quốc và những người sáng lập đặt tên cũng muốn tố cáo tội ác của thế giới tư bản chủ nghĩa đối với những thân phận cùng khổ và phản ánh khát vọng giải phóng của những người bị áp bức.

Trong một lần trả lời phỏng vấn của Sáclơ Phuốcniô, phóng viên báo Nhân đạo (Pháp), ngày 15-7-1969, Hồ Chí Minh nói rõ vấn đề quan tâm nhất của Người trên con đường tìm đường cứu nước là sự đoàn kết với các dân tộc thuộc địa. Người nói: “Tôi càng lúng túng vì trong cuộc bàn cãi, người ta rất ít nói tới sự đoàn kết với các dân tộc thuộc địa. Nhưng đó lại là vấn đề mà tôi quan tâm hơn hết và do đó mà tôi đã tìm ra được con đường đi đúng. Khi tôi nêu câu hỏi: “Ai khẳng định rõ ràng là mình đoàn kết với các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân áp bức?” thì người ta trả lời Quốc tế thứ ba... Từ đó tôi đã có một sự lựa chọn: Tán thành Quốc tế thứ ba và hoàn toàn tin theo Lênin”. Từ bài trả lời phỏng vấn phóng viên tờ báo mà Người đã tham gia viết bài từ đầu, chúng ta nhận thức rõ ràng rằng ý thức đoàn kết giữa nhân dân các dân tộc thuộc địa với giai cấp vô sản và nhân dân ở chính quốc; đoàn kết quốc tế là một động lực thúc đẩy Người đến với báo chí. Trong Lời kêu gọi tham gia hội hợp tác xuất bản báo Le Paria, ngày 10-2-1922, Nguyễn Aí Quốc nhấn mạnh: “Các bạn ở mẫu quốc, các đồng chí ở thuộc địa, vì lợi ích của công lý, chân lý và tiến bộ, cần phải xóa bỏ khoảng cách giả tạo dường như chia rẽ các đồng chí. Tờ Le Paria, là tờ báo đầu tiên nhằm mục đích hoàn thành nhiệm vụ ấy”. Khi cổ động mua báo Le Paria, Nguyễn Aí Quốc và những người làm báo cũng khẳng định mục đích tờ báo “nhằm dắt dẫn mọi người bị bóc lột thuộc mọi màu da đoàn kết lại dưới lá cờ đỏ búa liềm để trong một phong trào cách mạng quốc tế to lớn quét sạch mọi kẻ bóc lột mà chúng ta là những người cùng khổ... Lao động tất cả các nước, đoàn kết lại!”.

Nói chuyện với những người làm báo, Hồ Chí Minh nhấn mạnh hoạt động báo chí phải coi ngòi bút là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà. Ngòi bút Hồ Chí Minh là một ngòi bút sắc bén. Ngòi bút này đã được tôi luyện từ những năm hai mươi. Có thể dễ dàng nhận thấy Hồ Chí Minh là người viết nhiều nhất tố cáo tội ác thực dân đế quốc. Khi nước chưa giành được độc lập, ngòi bút của Hồ Chí Minh tập trung vạch trần tội ác của bọn xâm lược. Ngòi bút của Hồ Chí Minh đã hoàn thành bản án chế độ thực dân Pháp, phanh phui tâm địa thực dân. Người cũng vạch ra tội tham lam, nhũng lạm của Toàn quyền Đông Dương và các quan cai trị ở Đông Dương. Đó chính là cơ sở để khi nước nhà có độc lập, đi vào công cuộc xây dựng xã hội mới, ngòi bút của Hồ Chí Minh lại tiếp tục phê phán các bệnh lười biếng, phù hoa, xa xỉ, nhũng lạm, quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm. Hồ Chí Minh không có gì cho mình và không nghĩ đến mình mà chỉ nghĩ đến dân. Lòng nhân ái bao la như bầu trời, sâu rộng như biển cả đại dương từ những năm hai mươi đưa Hồ Chí Minh tới những trang báo xúc động về tình thương yêu, tin tưởng, quan tâm tới con người, tới nhân dân. Từ tuổi thiếu niên đến tận cuối đời, Người luôn luôn nghĩ tới nhân dân, vì theo Người có dân là có tất cả. Vì vậy, các bài báo của Người chính là khát vọng lòng dân như Người nói: “Dân muốn gì, ta phải làm nấy” (Hồ Chí Minh, toàn tập, NXb CTQG, H, 1995, t.4, tr.148). Hãy đọc Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp trước khi bí mật đi Liên Xô của Nguyễn Ái Quốc, ta sẽ thấy rõ hơn suy nghĩ của Người về tờ báo Người cùng khổ: “Chúng ta cùng chịu đựng một nỗi đau khổ: sự bạo ngược của chế độ thực dân. Chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung: giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta”.

Những tố chất của nhà báo kiệt xuất Hồ Chí Minh là bút sắc, lòng trong, tâm sáng. Nhưng cái điều sâu thẳm, nhân lõi lại là hoài bão nước độc lập, dân tự do, mọi người có cơm ăn, áo mặc, được học hành, hạnh phúc. Khi viết truyền đơn cổ động mua báo Le Paria, Nguyễn Ái Quốc cũng nói rõ mục đích của báo gắn với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, rằng “chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”

Trở về Việt Nam cùng Đảng ta tổ chức cuộc Cách mạng Tháng Tám, sau khi thành lập Mặt trận Việt Minh (5-1941), Nguyễn Aí Quốc quyết định cho xuất bản một tờ báo lấy tên là Việt Nam độc lập, gọi tắt là Việt lập. Báo Việt Nam độc lập, cơ quan tuyên truyền của Việt Minh Cao- Bắc- Lạng do Người sáng lập và chỉ đạo trực tiếp. Số đầu tiên ra ngày 1-8-1941. Người trực tiếp chỉ đạo, viết bài, duyệt bài, vẽ tranh. Trong xã luận Báo Việt Nam độc lập Nguyễn Ái Quốc nói rõ “Tây cốt làm cho dân ta ngu, làm cho dân ta hèn. Ngu thì phải hèn. Ta ngu hèn thì nó dễ trị, dễ ăn hiếp, dễ bóc lột. Báo Việt Nam độc lập cốt làm cho dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây đánh Nhật, làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do”. Xã luận nói rõ mục đích của báo Việt Nam độc lập, thể hiện cái sắc sảo của ngòi bút, khát vọng độc lập, tự do của người cầm bút.

Yêu nước thương dân là điểm xuất phát cũng là điều tâm niệm nhất quán, suốt cuộc đời làm báo của Hồ Chí Minh. Dù báo Quốc gia, báo Vệ quốc quân, báo Bạn chiến đấu, báo Quân du kích, báo Cứu quốc, hoặc báo của trẻ em, rồi sau này là báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân..., Người đều lấy yêu nước làm trọng và dặn dò mọi người phải đặt lòng yêu nước, thương dân lên hàng đầu. Trong bài viết năm 1948 gửi báo Xung phong, cơ quan của trẻ em yêu nước tỉnh Hải Dương, có câu: “Các cháu nghe Bác dặn dò/ Phải biết yêu nước, phải lo học hành”.

Yêu nước có nhiều cách thể hiện, một trong số đó là gần gụi quần chúng, xem trọng ý kiến của quần chúng, hiểu đời sống và ý nguyện của quần chúng. Điều này liên quan đến “phê bình phải có tự phê bình” và sửa chữa. Để trở thành một nhà báo thật sự của nhân dân thì phải xem trọng những phê bình và những đề nghị của nhân dân. Trong bài viết “Phải xem trọng ý kiến của quần chúng”, đăng báo Nhân dân, ngày 21-8-1956, Hồ Chí Minh, với bút danh C.B, viết: “Các báo thường đăng lời phê bình của nhân dân. Nhưng nhiều khi như “nước đổ đầu vịt”, cán bộ cơ quan và đoàn thể được phê bình cứ im hơi lặng tiếng, không tự kiểm điểm, không đăng báo tự phê bình và hứa sữa chữa”.

Kinh nghiệm làm báo của Hồ Chí Minh là kinh nghiệm ngược, tức là Bác học viết báo Pháp trước, rồi học viết báo Trung Quốc, rồi sau mới học viết báo Việt Nam, nhưng nhà báo Hồ Chí Minh đã cho ta nhiều kinh nghiệm quý báu để trở thành một nhà báo đúng nghĩa của từ này. Một nhà báo muốn trở thành nhà báo chân chính thì trước hết phải nắm vấn đề chính trị thật chắc chắn, phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Người làm báo phải đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân và vững vàng về tư tưởng, nhưng tuyệt đối không được rập khuôn và mắc bệnh dùng chữ. Báo chí phải có lập trường giai cấp mà hạt nhân là đặt mục đích phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ hòa bình thế giới lên hàng đầu.

Chọn “đề tài” là một vấn đề có ý nghĩa quyết định. Cả cuộc đời nửa thế kỷ của nhà báo kiệt xuất Hồ Chí Minh chỉ có một “đề tài” là “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Kinh nghiệm cả cuộc đời làm báo của Bác là “Không sợ khó, có quyết tâm. Không biết thì phải cố gắng học, mà cố gắng học thì nhất định học được”.

Phải có ý chí tự cường, tự lập, gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn theo tinh thần “Không có việc gì khó, có chí thì làm nên”. Phải đánh thắng chủ nghĩa cá nhân, bởi vì chỉ có như vậy thì mới tạo được lòng trong, bút sắc. Con đường trở thành nhà báo chân chính là phải gạt bỏ tư tưởng viết đếm dòng lấy tiền, viết cái gì để “lưu danh thiên cổ”, viết bài cho oai, muốn đăng bài mình trên các báo lớn. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Người viết báo phải xác định tính chất quần chúngtinh thần chiến đấu của ngòi bút, bởi vì chỉ có như vậy thì mới phục vụ được nhân dân, tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ. Con đường của Bác để trở thành nhà báo kiệt xuất không có gì xa lạ với mỗi người viết báo . Đó là con đường học trong đời sống của mình, học ở giai cấp công nhân và nhân dân lao động, học thêm kinh nghiệm của các nước anh em. Phải nâng cao trình độ văn hóa, ngoại ngữ, trình độ nghiệp vụ của mình. Phải cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công.

II. DI SẢN BÁO CHÍ HỒ CHÍ MINH VẪN VẸN NGUYÊN GIÁ TRỊ

 85 năm qua, báo chí các mạng Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Cùng với sự phát triển về số lượng, chất lượng báo chí được nâng lên đáng kể, và điều này, góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Một trong những nét nổi bật là báo chí đã phản ánh kịp thời cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội, chống “diễn biến hòa bình”, cũng tức là báo chí đã bắt mạch đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Có thể khẳng định rằng, không có sự nhiệt tâm, trình độ nghiệp vụ và cả việc dám hy sinh của đội ngũ những người làm báo thời gian qua, thì nhiều vụ việc tiêu cực không thể lôi ra ánh sáng; nhiều gương người tốt việc tốt không được nhân dân biết đến, thì cũng không có nhiều thành tựu của cách mạng như hôm nay.

Bên cạnh những ưu điểm, báo chí thời gian qua cũng còn nhiều yếu kém. Đảng ta cùng đội ngũ những người làm báo và cả nhân dân- những người không có nghiệp vụ báo chí- bằng những quan sát và tiếp cận khác nhau, vẫn thấy rằng báo chí còn những hạn chế mặt này, mặt khác. Là một bộ phận của công tác tư tưởng, nhưng “một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin không trung thực, thiếu chính xác, phản ánh nhiều về tệ nạn xã hội, ít tuyên truyền về điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước...”[1]. Trung thành với sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đạo đức của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, những người làm báo hôm nay phải suy nghĩ thật sự nghiêm túc, có trách nhiệm với đánh giá của Đảng. 

Trong mọi thời kỳ, báo chí cách mạng là một bộ phận của công tác tư tưởng, quan hệ mật thiết với yêu cầu và nhiệm vụ của công tác tư tưởng, có mục tiêu phục vụ công tác tư tưởng. Tuy chỉ là một bộ phận của công tác tư tưởng, nhưng Đảng ta coi báo chí là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong hoạt động tư tưởng. Là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị- xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, báo chí phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân, biểu dương cái tốt, cái đúng, cái đẹp, đấu tranh phòng chống cái ác, cái sai, cái xấu, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phong trào cách mạng.

Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí. Hơn lúc nào hết, họ phải chiến thắng địch về mặt tuyên truyền. Trước yêu cầu mới, Đảng ta nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ của báo chí là phải “phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch”. Cách mạng càng phát triển, càng nhiều lực lượng chống phá. Theo tinh thần Hồ Chí Minh, chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc chiến tranh bằng tuyên truyền của các thế lực thù địch. Quá trình hội nhập sâu và trực tiếp vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa quốc tế, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nhất là Internet ngày càng phổ biến, sự cọ xát đấu tranh tư tưởng, tâm lý, tình cảm, lối sống ngày càng quyết liệt. Những người làm báo phải nhận thức được rằng các thế lực thù địch tuyên truyền xảo quyệt và bền bỉ, điên cuồng và quyết liệt, ngày này đến ngày khác, năm này đến năm khác theo kiểu “giọt nước rỏ lâu, đá cũng mòn”. Bọn phản động và cơ hội chính trị luôn chọn khâu đột phá là công tác tư tưởng, trong đó báo chí là một trận địa. Nhiều vấn đề mới, đan xen trong công tác tư tưởng, khó khăn và phức tạp hơn trước rất nhiều đòi hỏi các nhà báo phải đổi mới về nhận thức về báo chí; phải có một tư duy tích cực hết sức sắc sảo, nhạy bén và tỉnh táo. Trước yêu cầu mới, cùng với công tác tư tưởng và lý luận, đây là lần đầu tiên Đảng ta coi báo chí là một bộ phận đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Điều này khẳng định sứ mệnh cao cả của báo chí. Bởi vì, công tác tư tưởng- mà báo chí là một bộ phận lớn- là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ; khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức; thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Báo chí hiện nay không chỉ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mà trong khi bám sát nhiệm vụ tư tưởng, báo chí phải đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệphát triển chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 nhấn mạnh: “Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa làm cho thế giới quan Mác- Lênin và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí chỉ đạo trong đời sống tinh thần xã hội”[2]. Trong tình hình hiện nay Đảng ta khẳng định: “Báo chí phải đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, làm cho hệ tư tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc, những tinh hoa văn hóa thế giới chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội”[3].

Nói tới phát triển lý luận Mác- Lênin là nói tới nhiệm vụ của công tác lý luận. Hiện nay, báo chí cũng tham gia tích cực vào nhiệm vụ này. Điều này đòi hỏi tính trí tuệ và bản lĩnh cao của người làm báo. Lúc sinh thời, Hồ Chí Minh đã dạy những người làm báo phải xác định “ngòi bút là vũ khí trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”. “Phò chính” có một nội dung rộng, cùng với việc ca ngợi cái tốt, nêu điển hình tiên tiến, còn phải đấu tranh bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin. Trước yêu cầu mới hiện nay, muốn bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, những người làm báo trước hết phải giữ vững lập trường, nắm những nguyên lý cơ bản, quan điểm có tính nguyên tắc, phương pháp luận, nói cách khác là nắm “tinh thần xử trí mọi việc” của Mác- Lênin, Hồ Chí Minh. Không thấu suốt tinh thần Mác- Lênin, Hồ Chí Minh thì không thể bảo vệ được tư tưởng của các ông. Để phát triển được chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với việc nắm vững học thuyết, còn phải lăn lộn trong thực tiễn, phát hiện, phân tích đầy đủ, chính xác yêu cầu mới trong tình hình hiện nay của dân tộc và thời đại. Phát triển trên cái nền, cái gốc, là phát triển trung thành tư tưởng của Mác- Lênin, Hồ Chí Minh. Tức là các nhà báo, bằng ngôn ngữ báo chí và cách thể hiện của mình, phải luôn luôn làm nổi bật được mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - “đề tài”duy nhất mà Hồ Chí Minh đã theo đuổi và cố gắng thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Đó chính là góp phần làm rõ tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính nhân dân, tính chân thật của hoạt động báo chí trong tình hình hiện nay.

Báo chí phải có tính kịp thời. Những người làm báo phải thấy, cùng với sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, bên cạnh những gương “người tốt, việc tốt”, những biến đổi nhanh chóng, mạnh mẽ của cơ cấu giai cấp, xã hội, sự đa dạng về lợi ích kinh tế, sự chênh lệch về sự phát triển giữa các vùng, phân hóa giàu, nghèo giữa các tầng lớp dân cư, các tiêu cực về tệ nạn xã hội như quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chạy chức chạy quyền, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, thiếu tinh thần phục vụ nhân dân, bệnh thành tích không chỉ trong giáo dục mà có tính khá phổ biến toàn xã hội... tạo ra những khó khăn và thách thức lớn đối với sự ổn định, phát triển đất nước. Trước những vấn đề đó, báo chí phải “tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội”[4]. Nhiệm vụ “khen, chê” của báo chí không phải là mới. Cái mới giờ đây và cũng là yêu cầu cao của báo chí là những hoạt động đó phải “bám sát nhiệm vụ tư tưởng và nâng cao chất lượng tư tưởng, tính hấp dẫn, mở rộng đối tượng độc giả”. Hồ Chí Minh nhắc nhở chúng ta rằng: “Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo”[5]. “Dân chúng ham chuộng”, nhưng lại phải bám sát nhiệm vụ tư tưởng, tức là mọi hoạt động của báo chí phải đưa dân chúng đến mục đích chung là góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng.

Trước yêu cầu mới hiện nay, báo chí phải đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động là hết sức cần thiết. Để làm được những điều đó, mọi chỉ dẫn của Hồ Chí Minh vẫn vô cùng quý báu cho những người làm báo. Thí dụ: Trong việc “khen, chê”, cũng phải có lập trường vững vàng: ta, bạn, thù thì viết mới đúng. Hồ Chí Minh dạy: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên không cần phải bịa đặt ra. Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành đúng đắn; chứ không phải để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền”[6]. Hiện nay, bên cạnh những ưu điểm, có thể nói chúng ta chưa làm tốt sự liên kết chặt chẽ ba bước sau đây theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh. Bước đầu là bạn đọc đề nghị và báo nêu lên. Ý kiến bạn đọc là những ý kiến đấu tranh. Cái mới đấu tranh với cái cũ, cái tốt đấu tranh với cái không tốt. Nhưng chỉ dừng lại ở bước đầu thì vô ích. Đấu tranh thì phải đấu tranh đến kết quả thắng lợi. Như thế ý kiến bạn đọc mới thật có ích. Vì vậy, phải tiếp tục có bước thứ hai, tức là những người hoặc những cơ quan phụ trách phải thực hiện những điều báo đã nêu ra. Bước thứ ba là kiểm tra. Nhà báo, bạn đọc và nhân dân kiểm tra xem những việc ấy đã làm chưa? Làm đến đâu? Nếu làm được chu đáo, thì báo phải có lời khen ngợi. Nếu làm không chu đáo, thì nhà báo và nhân dân phải tiếp tục phê bình, đấu tranh. Bởi vì, “phê bình không phải để có phê bình mà cần phải đi đến sửa chữa những khuyết điểm đã nêu ra nếu những khuyết điểm đó đúng... Mong rằng các cơ quan hay địa phương có những vấn đề báo đã nêu lên nên phát biểu ý kiến, nói rõ chỗ nào báo phê bình đúng, chỗ nào sai, và có khuyết điểm thì phải sửa chữa như thế nào. Có như thế thì phê bình mới có ích”[7].

Bảo vệ và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh thì trước hết chúng ta phải làm đúng chỉ dẫn của Hồ Chí Minh. Trong những lời dặn dò báo chí, Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc tới nhiều khuyết điểm báo chí cần phải sửa chữa. Căn cứ vào nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn của báo chí, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “ Đối với các ngành hoạt động nêu các thành tích- thế là đúng; nhưng rất ít phê bình các khuyết điểm- thế là không đúng. Có khi phê bình, thì cũng “đánh trống bỏ dùi”, không đi sâu xét kỹ tận gốc rễ vì sao có khuyết điểm ấy? Và sau khi phê bình, những cơ quan và những người bị phê bình đã thật thà tự kiểm thảo và sửa đổi chưa?[8]. Phê bình nghiêm khắc, phê bình triệt để, đi đến tận cùng theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh chính là để tạo nên “một không khí công chúng công phẫn và tẩy chay về mặt đạo đức[9].

Khi đánh giá về báo chí, Hồ Chí Minh nhận xét rằng bên cạnh những tiến bộ, báo chí vẫn còn nhiều khuyết điểm cần phải sửa chữa . Thí dụ: với phong trào thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, tham ô, lãng phí trong phong trào Thi đua yêu nước, “ báo chí ta chưa làm trọn nhiệm vụ như: nghiên cứu tỉ mỉ, nêu lên rõ ràng và bày cách áp dụng rộng rãi những kinh nghiệm tốt. Chưa lắng nghe những lời phê bình và những điều đề nghị của anh em lao động trong các ngành. Chưa phê bình nghiêm khắc những cách làm việc thủ cựu và những cái gì nó ngăn trở bước tiến trong các công tác. Chưa khen ngợi một cách đúng mức( không thổi phồng) những thành tích đã thu được, đồng thời nhắc nhở những việc còn phải làm để tiến bộ hơn nữa”[10]. Giờ đây, chúng ta đang sống trong không khí kỷ niệm những ngày lễ lớn của năm 2010 hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long, trong đó có kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 85 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam . Báo chí hôm nay lại có vinh dự tiếp bước truyền thống và tinh thần của các nhà báo đàn anh, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Điều có ý nghĩa nhất là báo chí phải thấu suốt tinh thần Hồ Chí Minh để vừa nêu được những tấm gương bình dị mà cao quý, vừa phê bình những cái xấu thì mới đáp ứng được lòng người.

Hiện nay, lượng thông tin ngày càng lớn và có tính phổ cập qua mạng Internet, thì món ăn tinh thần của quần chúng- khi dân trí ngày càng cao- không thể chỉ là chính trị suông quá nhiều, đăng những tin vịt, tin tức chậm không kịp thời như Hồ Chí Minh đã chỉ ra; ngược lại, quần chúng cần những món ăn nóng hổi, lời lẽ thiết thực, thể hiện được tư tưởng và lòng ước ao của họ. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn những người viết báo rằng phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, giúp chúng ta sữa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy. Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách, mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung, không chịu trách nhiệm. Những người (bất kỳ ở địa vị nào) và những cơ quan được phê bình phải có thái độ thật thà, khiêm tốn. Phê bình đúng, thì phải đăng báo nhận khuyết điểm và quyết tâm sữa chữa. Nếu phê bình sai, thì đăng báo giải thích. Quyết không được “phớt” lời phê bình và “trù” người phê bình. Có một vài cán bọ và cơ quan, vì sợ phê bình mà chẳng những không giúp đỡ người viết báo lại còn có thái độ không tốt với họ, thậm chí đi kiện họ trước tòa án. Những hành động như vậy cần phải chấm dứt.

Lời Bác dạy cách đây gần nửa thế kỷ nhưng hôm nay ta làm chưa được bao nhiêu. Theo lời Bác dạy, báo chí phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội, thì rõ ràng nhân dân giờ đây đang rất cần những người viết báo, cùng với việc “phò chính”, phải có bản lĩnh đưa ra ánh sáng những cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp; những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm với dân, tranh công đỗ lỗi, giấu giếm và không dám nhận khuyết điểm. Bút sắc giờ đây không phải là chĩa vào kẻ thù ngoại xâm mà là tập trung vào kẻ thù nội xâm, loại giặc trong lòng. Tâm sáng, lòng trong hôm nay là không bị vật chất cám dỗ làm tha hóa, rồi bẻ cong ngòi bút hoặc viết một cách nhạt nhòe, mà phải đứng về phía nhân dân, về phía cái thiện để hoàn thành bản án những kẻ thiếu nhân cách, thiếu tâm, dưới tầm như trước đây Bác Hồ viết Bản án chế độ thực dân Pháp. Một xã hội văn minh không cho phép những kẻ hư hỏng hành hung báo chí mà không bị dư luận lên án và pháp luật trừng trị. Chúng ta đang cần một lối ứng xử văn hóa mà một nội dung quan trọng là các cơ quan và cá nhân được phê bình phải có tiếng nói trên báo chí, xem báo chí phê bình đúng hay sai. Đúng thì phải nhận và phải sữa chữa. Nếu sai thì báo phải xin lỗi. Hiện tượng “phớt” lời phê bình và “trù” người phê bình đáng lẽ phải được chấm dứt từ lâu, nhưng lại đang tồn tại, khiến người ta nghĩ tới một lối ứng xử trong xã hội pháp quyền thiếu nghiêm minh, không có chất lượng phát triển khoa học.

Một tờ báo phục vụ được đông đảo quần chúng nhân dân, có nhiều người đọc, chứng tỏ đó là tờ báo có chất lượng tư tưởng, tính cách mạng và tính quần chúng. Đó cũng chính là hiệu quả hoạt động của báo chí trước yêu cầu mới. Muốn làm được những điều đó, các nhà báo cần thấu triệt quan điểm và tấm gương báo chí Hồ Chí Minh. Bởi vì, dù thế giới đang và sẽ còn nhiều đổi thay, nhưng di sản báo chí của Người vẫn vẹn nguyên giá trị.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2007, tr.37.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 10.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ 5..., Sdd, tr. 41-42.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ 5..., Sdd, tr.49

[5] Hồ Chi Minh: Toàn tập, Nxb. Chinh trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr. 625.

[6] Hồ Chi Minh: Sdd, t. 7, tr.118.

[7] Hồ Chi Minh: Sdd, t.8, tr.10.

[8] Hồ Chi Minh: Sdd, t.7, tr..271.

[9] Xem, Vũ Duy Thông (Chủ biên): Măc- Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh bàn về báo chí xuất bản, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 360.

[10] Hồ Chi Minh: Sdd, t.7, tr. 271.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443896

Hôm nay

2147

Hôm qua

2307

Tuần này

21709

Tháng này

219070

Tháng qua

112676

Tất cả

114443896