Những góc nhìn Văn hoá

Nghiên cứu so sánh các vụ án văn chương ở Việt Nam và Trung Quốc thời cổ đại

Trong nghiên cứu văn học Việt Nam trung đại thế kỉ X - XIX, “vụ án văn chương” là khái niệm dùng để chỉ các vụ án liên quan đến văn chương mà vì tác phẩm đó, người in ấn, lưu hành, tác giả, độc giả của nó phải chịu một sự trừng phạt nhất định về mặt thể chất, lên án về mặt tâm lí... do xã hội hoặc chính thể quy định. Do đặc trưng nguyên hợp của văn học cổ đại nên các vụ án văn chương trong lịch sử văn học Việt Nam thời kì này sẽ bao gồm những vụ án văn chương trong lĩnh vực văn chương khoa cử và văn chương ngoài môi trường khoa cử. So với bộ phận văn học dân gian, văn học viết thế kỉ X - XIX có lợi thế là được ghi chép lạinênngười nghiên cứu có thể dựa vào đó để đưa ra kết luận của mình. Xét về ý nghĩa văn học sử, các vụ án văn chương ngoài môi trường khoa cử có vai trò quan trọng hơn so với các vụ án văn chương trong môi trường khoa cử. Nghiên cứu so sánh các vụ án văn chương ở Việt Nam và Trung Quốc sẽ cho ta một góc nhìn mới về hiện tượng độc đáo trong đời sống văn học này. Những kết luận mang tính lí thuyết ở đây là những hỗ trợ bước đầu cho việc nghiên cứu hiện tượng này một cách sâu sắc hơn trong những công trình tiếp theo.

Trong lịch sử khoa cử Việt Nam thời cổ đại, những sự kiện dưới triều Lí (1009 – 1225) không được ghi chép lại nhiều. Đến cuối triều Trần (1225 – 1400) sang đầu triều Hồ (1400 – 1407) , việc thi cử của các nho sĩ được chính sử ghi chép kĩ hơn và cũng nhiều thông tin hơn giai đoạn trước. Tuy nhiên, các vụ án liên quan đến văn chương ngoài môi trường khoa cử ở Việt Nam thế kỉ X – XVIđược sử sách ghi lại nhiều hơn so với các vụ án văn chương khoa cử. Như một phản ứng mang tính bản năng, ngay từ bình minh của nền văn học viết, các văn nhân đã có cách để thực hiện việc làm của mình mà vẫn giữ được sinh mạng vốn nhỏ bé trong xã hội chuyên chế. Một trong những hình thức đầu tiên của việc “lách luật” này là sử dụng các phát ngôn dưới vỏ bọc sấm truyền khuyết danh. Những bài thơ sấm truyền về việc Đỗ Thích giết Đinh Tiên Hoàng hay dự báo sự lên ngôi của Lí Công Uẩn nếu lưu truyền trong dân gian hẳn là một sự khải thị thiêng liêng nhờ phương thức tung hỏa mù, còn về bản chất, chúng là những bài thơ chiết tự khá non kém về mặt trình độ. Thực chất, đó chỉ là những thủ đoạn chính trị mà kẻ dàn dựng là những người sau đó lên nắm ngôi vua hoặc quân sư của họ. Hẳn người ta cũng biết tác hại của loại văn chương này nên khi thiền sư Vạn Hạnh mách bài thơ đó với Lí Công Uẩn thì Công Uẩn sợ câu nói ấy tiết lộ, bảo người anh đem Vạn Hạnh giấu ở Tiêu Sơn. Cùng với sự vận động của lịch sử Việt Nam cổ đại, các vụ án văn chương ngày càng tụ hội đủ điều kiện để xuất hiện và tính chất của nó cũng rõ rệt hơn. Tuy nhiên dưới triều Lí vấn đề này còn khá mờ nhạt, chủ yếu nằm ở phạm vi văn chương hành chính quan phương. Năm 1158 đời Lí Anh Tông, Nguyễn Quốc sang sứ nước Tống về, muốn học theo nhà Tống đặt ra hòm bằng đồng để thu nhận biểu tấu của bốn phương nhằm thấu tỏ hơn tâm tình của kẻ dưới, ý kiến ấy được Lí Anh Tông nghe theo. “Bấy giờ có người bỏ thư nặc danh nói là Đỗ Anh Vũ làm loạn, tìm xét không biết là ai. Anh Vũ vu cho Nguyễn Quốc làm, đày Nguyễn Quốc đến Thanh Hóa. Không bao lâu, vua gọi Nguyễn Quốc về. Anh Vũ lại đưa cho Nguyễn Quốc rượu có thuốc độc, Nguyễn Quốc tự nghĩ không khỏi bị hại, bèn uống thuốc độc chết”[1]. Nhận thức rõ tác dụng của văn chương, dưới triều Trần Thái Tông, năm 1232, “vì nguyên tổ của nhà Trần tên húy là Trần Lí, mới đổi triều Lí làm triều Nguyễn, vả lại cũng để dứt bỏ lòng mong nhớ của dân chúng đối với nhà Lí”[2]. Trên thực tế, tính độc đoán của chế độ chuyên chế còn thể hiện trong việc vua chúa sẵn sàng vượt qua những quy định mang tính hình thức để thỏa mãn lòng tự tôn của mình. Năm 1342, Thượng hoàng Trần Hiến Tông cùng Lê Duy vào thăm Ngự sử đài. Quan ngự sử Doãn Định và Nguyễn Nhữ Vi dâng sớ phản đối, nói là Thượng hoàng không được vào Ngự sử đài và trách tội Lê Duy rất gay gắt. Trần Hiến Tông đã mềm mỏng dụ rằng: “Ngự sử đài cũng là một trong các cung điện, chưa từng có cung điện nào mà vua không được vào. (…) Ngày xưa Đường Thái Tông còn xem Thực lục, huống chi là vào đài!”[3]. Tuy nhiên, hai người này còn cố cãi, mấy ngày vẫn không thôi, Trần Hiến Tông dụ họ hai, ba lần cũng không được, bèn bị bãi chức cả. Hai vị ngự sử này đã không tưởng về vai trò của mình nên phải trả giá. Cuối đời Trần, xảy ra một vụ án văn chương hi hữu trong lịch sử Việt Nam. Câu chuyện bắt đầu từ việc Trần Anh Tông sai cung nữ Điểm Bích đến Yên Tử để thử thách đạo đức của sư Huyền Quang. Theo ghi chép của Tổ gia thực lục, Điểm Bích không thể quyến rũ được sư Huyền Quang, liền tìm cách lừa xin được một nén vàng của sư, về đến kinh đô, nàng nói dối rằng nghe được sư đọc bài kệ “Vằng vặc trăng mai ánh nước – Hiu hiu gió trúc khua sênh – Người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ - Mâu Thích ca nào thửa hữu tình”[4], sau đó sư ăn nằm với nàng và cho nàng một dật vàng. Truyện kết thúc bằng việc Trần Anh Tông mời sư Huyền Quang về kinh, lạy tạ xin Huyền Quang tha thứ lỗi lầm và giáng Điểm Bích làm người phu quét chùa trong cung Cảnh Linh. Điều đáng quan tâm ở đây là bài thơ mà Điểm Bích mang về sau chuyến đi đó. Liệu bài thơ là của Điểm Bích làm ra để vu oan cho Huyền Quang hay đó thực là thơ của Huyền Quang? Nếu đó là thơ của Huyền Quang thì đây là một trong những vụ án văn chương kì lạ mà bài thơ cũng chỉ là một cái cớ, một bằng chứng làm đầy đủ thêm bộ hồ sơ vụ án, trong đó nghi phạm không phải là người dùng văn chương để bôi nhọ chính thể, cũng không phải là người dùng văn chương để chống đối vương quyền mà là người dùng văn chương trong một trạng thái buông lỏng cảm xúc, đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức và niềm tin tôn giáo mà mình đã nguyện cả đời theo đuổi.

Khi nhà Trần đi vào khủng hoảng, con người ngày càng bấp bênh hơn trong việc giữ mình. Với một Trần Nghệ Tông già nua, lẩm cẩm và đa nghi cùng một Hồ Quý Li chuyên quyền, độc đoán, chế độ đó giống như một cái bẫy dành cho tất cả mọi người. Trong giai đoạn này, không khí khủng bố lan rộng song song với quá trình Hồ Quý Li chuẩn bị cướp ngôi nhà Trần. Năm 1391, các tướng ở Hóa Châu là Phan Mãnh và Chu Bỉnh Khuê nói xấu sau lưng Hồ Quý Li nên đều bị giết cả. Tuy nhiên, cái chết của Chu Bỉnh Khuê và Phan Mãnh có vẻ chưa đủ sức cảnh tỉnh đối với các bạn đồng liêu cũng như đối với người đương thời. Vẫn có rất nhiều người ngây thơ hoặc không chịu rút kinh nghiệm, bằng cách này hay cách khác, dùng các hình thức văn chương và ngôn luận để đối đầu với Hồ Quý Li mà sau đó họ phải nhận kết quả không như ý, thậm chí mất mạng. Nổi tiếng nhất dưới triều Hồ là vụ án văn chương năm 1405. Sử chép: “Trước kia Quý Li có làm bài thơ răn dạy Hán Thương và Nguyên Trừng đại khái nói:

Thiên dã phú, địa dã tái.

Huynh đệ nhị nhân, như hà bất tương ái?

Ô hô ai tai hề ca khảng khái!

(Trời thì che, đất thì chở,

Anh em hai người, sao nỡ chẳng thương nhau?

Hỡi ôi! Tiếng ca khảng khái làm sao).

       Vợ Ông Kiều thường ra vào trong cung, đem thơ ấy nói với Ông Kiều. Ông Kiều [47b] đem thơ ấy truyền tụng ở cầu Hoa Cái. Học sinh trong phủ của Trừng là Nguyễn Cẩm và Nguyễn Nhữ Minh đem chuyện ấy báo hết với Trừng. Trừng tâu với Quý Li, Quý Li mật sai Trung đô doãn là Đỗ Tử Triệt bắt Kiều. Tử Triệt làm cỗ mời, dụ Ông Kiều bắt đem bỏ ngục. Ông Kiều thất thế cung xưng lây cả đến bọn Lê Địch, Đỗ Loát. Loát trốn thoát được. Ông Kiều và Lê Địch đều bị giết, còn bọn Hà Nhật Tuyên bị đày ra châu xa. Bọn Nguyễn Nhữ Minh có tội nghe đọc bài thơ ấy, phải đồ ra châu Cửu Chân. Vài tháng sau, Tử Triệt bỗng mắc bạo bệnh, đòi lấy bút viết rằng: “Ta kiện nhau với mày”, lát sau chết. Sau Nhật Tuyên cũng bị chết vì tội bè đảng”[5]. Trong vụ án này, kẻ phát giác (Nguyễn Cẩm và Nguyễn Nhữ Minh) đã không được ban thưởng mà còn phải nhận hình phạt, đủ biết sự nghiêm trọng của những cấm kị văn chương cung đình mạnh đến thế nào. Việc truyền tụng bài thơ này sở dĩ mang lại tai vạ cho những người truyền tụng là vì đã tiết lộ những góc khuất trong đời sống cung đình khi đó, phơi bày những mối quan hệ phức tạp của nền chính trị chuyên chế, gây tác dụng tiêu cực đến “hình ảnh” của người cầm thiên mệnh trong mắt thần dân.

Khi nhà Lê vừa lên nắm quyền (1427), không khí khủng bố bao trùm khắp nơi. Thế nhưng bắt đầu từ Lê Lợi, việc triều đình xuống chiếu cầu lời nói thẳng trở thành một thứ “trang sức”, khiến cho những ai còn chút ngây thơ tin vào sự chân thành của hoàng đế, hể hả được đôi phần dù thực tế ít ai dám lấy trứng chọi đá. Năm 1434, Nguyễn Đức Minh bị đày đi châu xa vì liên quan đến thư nặc danh nói xấu Đại tư đồ Lê Sát. Năm 1434 Bùi Ư Đài dâng sớ nói đụng chạm đến vua và các đại thần nên suýt mắc vào tội chết, kết quả cũng bị đày đi châu xa. “Ngự sử phó trung thừa Nguyễn Thiên Hựu, vì nói trái ý vua, trút mũ tâu xin từ chức mà về”[6]. Như vậy, giữ chức Ngự sử trong hoàn cảnh đó là một lựa chọn dũng cảm và dường như phải có thuộc tính gàn bướng trong người mới có thể làm được tròn chức phận. Sau đó không lâu, năm 1448, hoàng đế Lê Nhân Tông lại hạ chiếu cho bầy tôi và dân chúng tiến cử người ngay thẳng và dám can gián nhưng không mấy ai dám hưởng ứng. Đến thời hoàng đế Lê Thánh Tông, triều đình có kinh nghiệm xương máu từ các triều vua trước để lại nên quản lí nội cung và đời sống văn học kĩ càng hơn để tránh những vụ án văn chương như của Nguyễn Ông Kiều thời nhà Hồ. Trong giai đoạn này, có nổi lên một số vụ án văn chương ngoài khoa cử. Năm 1462, Nguyễn Sư Hồi muốn hại nhóm Lê Niệm, Nguyễn Lỗi, Lê Thọ Vực, Trịnh Văn Sái, bèn làm một bài thơ vứt ra đường, khiến người lưu truyền đến tai Lê Thánh Tông nhưng chưa kịp phát tán thì bị lộ. Lê Thánh Tông tha tội chết cho Sư Hồi và sắc dụ Lê Thọ Vực rằng: “Bài thơ yêu ma đó chưa chắc là do Sư Hồi làm. (...) Nếu nó đáng chết nữa, thì cũng là trời hại nó, sao nhà ngươi lại để bụng báo thù nó?”[7]. Tất cả câu chuyện nằm ở những mâu thuẫn cá nhân và quyền lợi phe nhóm trong triều đình, thêm nữa bài thơ vốn có mục đích chiết tự để gây họa nên giá trị nghệ thuật không đáng kể. Nó cũng không có ý xâm phạm đến quyền lực tối thượng của vua nên việc cần làm của Lê Thánh Tông là điều hòa mâu thuẫn giữa các phe phái để củng cố thêm sự ổn định cho ngôi báu của mình. Sau Lê Thánh Tông một thời gian, dưới thời hoàng đế Lê Uy Mục, hoàng đế Lê Tương Dực, câu chuyện văn chương không còn quá quan trọng. Đến tháng 7 năm 1518, Trần Chânvà bè đảng tất cả gồm 6 người bị giết ở trong cung cấm. Sử cũ không giải thích nhiều, chỉ chép rằng: “Trước đây, Trần Chân đã dẹp được loạn Nguyễn Hoằng Dụ, quyền nắm trong tay, Mạc Đăng Dung cũng phải sợ, mới hỏi con gái của Trần Chân cho con trai mình là Mạc Đăng Doanh. Bấy giờ, có kẻ hiếu sự làm câu ca rằng: “Trần hữu nhất nhân, vi thiên hạ quân, thố đầu hổ vĩ, tế thế an dân”. Các đại thần bàn với nhau rằng: Một người họ Trần tức là Trần Chân, đầu thỏ đuôi hổ tức là cuối năm Dần đầu năm Mão, sợ rằng vào năm ấy sẽ có biến loạn, khuyên vua sớm giết Trần Chân đi”[8]. Như vậy, ở vụ án văn chương cực kì mơ hồ và vu vơ này, tuy sử cũ không nói rõ ai là “tổng đạo diễn” nhưng sự tình diễn ra thì rất hợp với mong muốn của Đăng Dung. Trần Chân chết rồi thì Mạc Đăng Dung không còn ai để sợ nữa và cướp ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc vào năm 1527.

Được sự phù trợ của họ Nguyễn và đặc biệt là họ Trịnh, nhà Lê đã khôi phục được quyền lực, ít nhất là về mặt hình thức. Từ đó các chúa Trịnh tham gia trực tiếp vào việc triều chính trên nhiều phương diện trong đó có việc văn chương, khoa cử từ khi Trịnh Tùng được phong Bình An vươngvào năm 1599. Trường thi thế kỉ XVII xuất hiện nhiều vụ án khá nghiêm trọng mà sự kiện năm 1673 và 1696 là hai sự kiện tiêu biểu được sử sách ghi lại, trong đó vụ sau nghiêm trọng hơn vụ trước, liên đới đến những chức vụ cao hơn. Tuy nhiên, trong các vụ án văn chương khoa cử thế kỉ XVII, con cháu các đại thần và bản thân họ được hưởng một biệt lệ hiếm có, không bị xử lí. Triều đình cũng có lúc muốn làm trong sạch môi trường thi cử nhưng không có hiệu quả. Trong thế kỉ XVII, các vụ án văn chương ngoài môi trường khoa cử không nhiều. Năm 1663, triều đìnhcấm người trong nước học đạo Thiên Chúavì “trước đã đuổi người giảng đạo đi rồi mà sách đạo và nơi giảng hãy còn”[9]. Đến đây, những sách vở có nguồn gốc phương Tây (mà cụ thể là kinh sách Thiên Chúa giáo) trở thành một trong những hạng mục bị cấm. Cùng thời kì này, ở miền Nam, nổi bật lên là vụ án văn chương năm 1676. Khi ấy, “MaiPhú Lĩnh tố cáo Văn Giáo (...) bịa đặt thơ sấm có câu rằng: “Hầu đáo kê minh hoàn thánh giá – Thố cư lam thượng mã long phi”[10]. Chúa Nguyễn chưa cần xét xử đã tin ngay lời Ma Phú Lĩnh để giết Văn Giáo, theo đúng tinh thần "nhầm còn hơn bỏ sót". Và cũng qua vụ án mang tính răn đe này mà các chúa Nguyễn muốn gửi đi một thông điệp nhằm chặn đứng mọi hành vi ngôn luận, văn chương có nguy cơ xâm phạm đến độc quyền chính trị của mình tại Đàng Trong. Thiên Chúa giáo vào Đàng Trong đã lâu nhưng mãi đến đầu năm 1690 chúa Nguyễn mới ra lệnh cấm vì “các tín đồ Thiên Chúa giáo (...)đã diễn kịchtrong nhà thờ của họ, chế giễu chính quyềnvà những tôn giáo cổ truyền”[11]. Từ đây cho đến giữa thời hoàng đế Tự Đức(1847 – 1883), Thiên Chúa giáo phải hoạt động một cách vất vả để tồn tại trong vai trò một thứ “hàng cấm” trong mắt nhà đương chức trên toàn cõi Việt Nam. Những vở kịch diễn trong nhà thờ năm ấy đem đến hậu quả tai hại vì nó đã cả gan chọc giận chính quyền và chế giễu cả nền tảng tinh thần tạo nên chỗ đứng cho những người cầm quyền khi ấy.

Trong thế kỉ XVIII, họ Trịnh đã lấn át quyền lực của vua Lê trên nhiều phương diện. Các chúa Trịnh đã làm những việc mà trong giai đoạn khác đó là những tội tày đình. Năm 1727, Trịnh Cương ban cho con là Trịnh Giang bài văn “tiếm xưng là “bảo huấn ”[12]. Trong thời gian này, có lúc họ Trịnh học lỏm kinh nghiệm của các triều đại trước, có một vài thủ thuật “làm duyên” về mặt chính trị như việc năm 1725 Trịnh Cương hạ lệnh “cho nhân dân được phép ca tụng hoặc chê bai việc tốt việc xấu của viên quan giữ việc cai trị dân”[13]. Tuy nhiên, mọi sự trang sức và làm dáng thái quá đều nhanh chóng bị lộ tẩy bản chất. Chỉ khổcho đám bề tôi những tưởng phen này nhà chúathật lòng nhận lỗi hoặc chân thành tiếp thu ý kiến nên ra sức mài giũa văn chương biểu tấu để tiến trình rồi phải nhận hậu quả tai hại. Sách vở Trung Quốc gọi hiện tượng này là “gặp đại nạn giữa thời mở rộng lưới văn”[14]. Trong thế kỉ XVIII, các vụ án văn chương ngoài khoa cử xuất hiện nhiều hơn giai đoạn trước. Tuy nhiên, các vụ án liên quan đến đạo đức, phong hóa thì tội trạng lại nhẹ hơn nhiều. Lịch triều tạp kỉ của Ngô Cao Lãng còn ghi lại chuyện năm 1718 “Trịnh Cương lại ra lệnh như sau: “Phàm các sách vở gì có quan hệ đến việc giáo hóa ở đời thì mới nên khắc in và lưu hành. Gần đây, những kẻ hiếu sự lượm lặt càn bậy những truyện tạp nhạp và lời quê kệch bằng quốc âm, không biết phân biệt nên hay chăng, cứ khắc vào ván gỗ, in ra để buôn bán. Việc đó đáng nên cấm chấp. Từ nay về sau, hễ nhà nào có chứa chấp các ván in sách và các sách in nói trên thì cho phép quan viên đi ốp làm việc ấy được lục soát, tịch thu, rồi tiêu hủy hết cả”[15]. Tuy nhiên, bởi chính họ Trịnh đã vi phạm vào điều cấm lớn nhất của thời đại là lấn át quyền của vua nên với họ phong hóa– đạo đứckhông phải điều được quan tâm hàng đầu. Tham khảo định nghĩa của Vương Bânvề “cấm thư”: “Cấm thư là những thư tịch bị nhà nước sử dụng phương thức hành chính để cấm in ấn, lưu hành và tìm đọc”[16], chúng ta thấy có lẽ họ Trịnh là thực thể chính trị đầu tiên đặt ra vấn đề “sách cấm” một cách hệ thống trong lịch sử Việt Nam trungđại. Có thể nói, một trong những người phải chịu những hình phạt oan khuất liên quan đến văn chương trong thế kỉ này là Ngô Thì Sĩ, lúc đó ông đang làm Tham chính tỉnh Nghệ An. Tháng 11 năm 1771, Ngô Thì Sĩ bị bãi chức vì “Trước đây, Trịnh Sâm nối ngôi, người ta phao truyền câu sấm, nói Hoàng Ngũ Phúc có ý mưu toan làm sự trái phép. Trịnh Sâm lấy làm ngờ. Lúc ấy, Nguyễn Lệnh Tân nhà ở Tây Hồ, một hôm, triều sĩ hội họp rồi bơi thuyền cùng vịnh thơ với nhau. Bài thơ của Ngô Thì Sĩ có câu “Tình vũ cánh nghi chu”, câu này ý nói về phong cảnh trong hồ, sau có người đổi ra là “Thảo mộc khủng phi Chu”, rồi đề đạt bài thơ ấy lên Trịnh Sâm. Trong phủ Trịnh Sâm lại thường nhận được thư nặc danh, xưng là triều sĩ dâng biểu, nói cần phải đề phòng Hoàng Ngũ Phúc, bên ngoài người ta nói sai đi rằng “triều sĩ” tức là “Ngô Sĩ”. Do đấy, Ngũ Phúc để tâm căm giận. Gặp lúc ấy, học trò trường thi Nghệ An khiếu tố về việc quan lại Nghệ An chấm thi không công bằng, triều đình bàn luận bãi chức Ngô Thì Sĩ. Nhân cơ hội ấy, Hoàng Ngũ Phúc khi luận tội Ngô Thì Sĩ đã thêm vào bốn chữ “hoàn dân thụ dịch”[17]. May sao, khi Ngô Thì Sĩ làm quan ở vùng Thanh Nghệ, thường có thơ đề vịnh ở những nơi đi qua. Năm 1775 khi Trịnh Sâm hành quân vào Nam, đọc được những bài thơ ấy nên rất trọng tài, Ngô Thì Sĩ lại được gọi ra làm quan. Những câu chuyện quanh cuộc đời thăng giáng của Ngô Thì Sĩ cũng là một ví dụ cho số phận của các văn thần trong chế độ chuyên chế tập quyền. Sự thăng giáng của cuộc đời họ là nhiệt kế đo sự nóng lạnh trong tình cảm đối với bề tôi của các bậc quân vương. Cũng trong thế kỉ XVIII động loạn này, năm 1787, Dương Trọng Tế bị giết vì truyền hịch đi các huyện hẹn nhau cùng khôi phục cơ nghiệp chúa Trịnh. Trong thực tế, nếu chỉ có thế thì Trọng Tế đã không đến nỗi phải chết. Nguyên nhân là: “Có người giám sinh ở huyện Văn Giang, nhặt được tờ hịch của Trọng Tế, chạy lên báo với Lê Chiêu Thống. Vua xem hịch giận lắm, vội vàng cho gọi Nguyễn Hữu Chỉnh mà bảo rằng: “Trọng Tế xuất thân ở hàng tiến sĩ, sao lại được khinh vua. Trước đây y đã gọi trẫm là vua “lông đỏ” và xé tờ chỉ dụ của trẫm trước mặt sứ giả. Nay y lại viết ra tờ hịch, không kiêng sợ gì cả. Thằng giặc ấy mà không giết thì lấy gì để răn kẻ khác. Vậy phải cho quân đi đánh ngay”[18]. Chính tờ hịch đó đã đẩy Trọng Tế đến chỗ chết nhanh hơn. Cũng vì thế mà Trọng Tế phảinhận án “đục bỏ tên trong bia tiến sĩ, dâng tù trước nhà Thái Học (…) rồi lôi đến Trường thi võ mà chém”[19]. Đó là một trong những cách xử án mang tính xỉ nhục nặng nhất đối với nhà nho. Nhà Thái Học lúc đó có vai trò gần giống như một thứ “tòa án lưu động” để răn đe những kẻ mang áo mũ mà lại làm nhục đến danh giáo của nhà nho, những kẻ bị kết án là “danh giáo tội nhân”. Đặc trưng thời đại khi ấyđã đặt người cầm bút trước vô vàn lựa chọn khó khăn, khiến nhiều người nếu không muốn bẻ bút thì cũng phải uốn bút tùy thời. Trong xã hội chuyên chế, ai cũng sợ những hình phạt tàn khốc, nên đến khi không cần dùng hình phạt nữa người ta vẫn sống theo nếp cũ tự nguyện một cách chân thành và còn hãnh diện vì điều đó.

Sinh hoạt văn chương khoa cử Việt Nam đến đầu triều Nguyễn (1802) đã có bề dày thành tích tám thế kỉ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cho đến thế kỉ XIX, triều đình và tầng lớp sĩ phu đã có những nhận thức tuy chưa hoàn toàn mới nhưng cũng bắt đầu đổi khác về loại hình sinh hoạt văn chương độc đáo này. Thậm chí, có thể nói, trên một số phương diện, nhà Nguyễn khá cởi mở trong quan niệm về khoa cử. Tuy có những sự cởi mở bước đầu như vậy nhưng tàn tích của những cách nghĩ cũ chưa phải đã hoàn toàn biến mất. Trong thế kỉ XIX, các vụ án văn chương khoa cử được sử sách ghi lại khá nhiều, một phần vì niên đại cách chúng ta chưa xa. Có một điểm đáng lưu ý là trong thế kỉ XIX trường thi không chỉ là nơi đua ganh sức học hay tìm kiếm một cơ hội tiến thân mà có lúc còn trở thành một diễn đàn để người đi thi bày tỏ quan điểm của mình. Chưa phán xét đúng sai, chúng ta đã thấy có một sự chuyển biến so với giai đoạn trước. Cũng trong giai đoạn này, phát sinh một giai thoại: Trong khoa thi Hội năm 1868, do chuẩn bị mừng thọ mẹ của vua Tự Đức 60 tuổi, Tự Đức ra đề phú là Dĩ thiên hạ dưỡng phú. “Phùng Văn Nhuận đã cố tình viết chệch chữ “phú” ra chữ “tặc” thành ra Dĩ thiên hạ dưỡng tặc. Các quan tâu lên, Tự Đức ra lệnh bắt giam Phùng Văn Nhuận vào ngục kín. Nhưng dư luận xôn xao, Tự Đức khôn ngoan đã xuống dụ là thể lòng nhân từ của quốc mẫu, chỉ truất bỏ danh hiệu cử nhân của Phùng Văn Nhuận”[20]. Tuy giai thoại này không có thực nhưng nó thể hiện sự "xuống thang" của triều đình trong việc xử lí những vụ án văn chương khoa cử trong nửa sau thế kỉ XIX.

Trong thế kỉ XIX, các vụ án văn chương ngoài khoa cử có vẻ xuất hiện nhiều và điển hình hơn bất cứ giai đoạn nào trước đó. Trừ hoàng đế Gia Long Nguyễn Ánh (1802 – 1819) là người chủ yếu sống trong hào quang của võ công nên ít bàn luận về văn chương, đến các con và cháu ông thì văn chương có một vai trò cực kì quan trọng trong công việc cai trị. Diễn biến của các vụ án văn chương ngoài khoa cử giai đoạn này có một phương diện khá nổi bật là liên quan tới việc trừ khử các công thần của nhà Nguyễn. Nhân vật đầu tiên nằm trong “sổ đen” là Đặng Trần Thường. Năm 1811, Đặng Trần Thường bị tống ngục. Sau đó khá lâu, đến năm 1813, Gia Long mới tha tội chết cho Đặng Thần Thường vì thương Đặng Trần Thường có nhiều công lao nhưng “xóa tên trong quan tịch, cho ở lại Kinh đô”[21]. Việc lưu lại Kinh đô này, trong ý tứ sâu xa, có thể cũng là một cách để kiềm chế Đặng Trần Thường của nhà Nguyễn. Sau đó, năm 1816 Đặng Trần Thường bị giết vì “trước kia, Trần Thường biển thủ tiền thuế, Lê Chất tố cáo, lại bị hạ ngục. Trần Thường uống rượu nói xằng, phần nhiều oán trách. Đình thần xét án đều cho rằng nên giết. Bèn xử giảo và tịch thu gia sản”[22]. Về việc này có tài liệu nói rõ thêm: “Trong ngục, Trần Thường tỏ ý mỉa mai, đến tai đình thần, nên khi kết án, đình thần xử tội giảo. Tương truyền Đặng Trần Thường ở trong ngục có làm bài Hàn vương tôn phú bằng quốc âm để ví mình giống như Hàn Tín đời Hán”[23] mà như vậy không khác gì ví hoàng đế Gia Long với Hán Cao Tổ trong đối xử với công thần, nên có chết cũng là tất yếu.

Trong mạch trừ khử công thần của Gia Long, Đặng Trần Thường là một quan văn có nguồn gốc Bắc Hà. Sau Đặng Trần Thường là một quan võ, đó là Nguyễn Văn Thành. Có người tố cáo rằng con trai Nguyễn Văn Thành là Nguyễn Văn Thuyên “ngầm muốn nổi loạn, dùng thơ tập hợp bọn người trong quận là Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Đức Nhuận, lời thơ rất bội nghịch. Thơ rằng: “Thử hồi nhược đắc sơn trung tể - Tá ngã kinh luân chuyển hóa cơ (Bao giừ có được tể tướng trong núi – Giúp ta kinh luân chuyển hóa cơ)”[24]. Sau Văn Thành bị luận tội, phải uống thuốc độc chết. Các con của Văn Thành bị giam được tha ra hết, còn Nguyễn Văn Thuyên bị xử lăng trì. Hồ sơ vụ án của Văn Thành, nếu là thật thì không có gì phải nói, nhưng nếu có sự sắp đặt thì đó là sự sắp đặt quá bài bản và hoàn hảo. Bài thơ được cho là của Văn Thuyên vừa có dáng dấp một tôn chỉ hoạt động chính trị, vừa mang sắc thái thơ khẩu khí, vừa như một bài hịch dùng vào mục đích “khả dĩ quần”. Tuy nhiên, hầu như các tư liệu sau này đều cho rằng: “Gia Long vốn lo ngại thế lực của công thần, vin cớ Nguyễn Văn Thuyên con Nguyễn Văn Thành làm một bài thơ có ý ngông, buộc tội Thuyên âm mưu khởi loạn”[25]. Thêm nữa, vị hoàng đế tương lai Minh Mạng (1820 – 1840) rất có thể cũng là một người tích cực trong việc giật dây cho vụ án này chóng đi đến hồi kết bởi Minh Mạng biết rằng Nguyễn Văn Thành không ủng hộ mình trong việc thừa kế ngai vàng. Lật lại một số trang sử, ta thấy các quan hệ trong vụ án này phức tạp hơn nhiều, không chỉ là quan hệ giữa vua tôi mà còn là giữa đồng liêu với nhau, trong đó nổi bật là sự xích mích giữa Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt. Trong vụ án của Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt khá tích cực giúp Gia Long khép tội cha con Văn Thành. Sau này, đến lượt mình, Lê Văn Duyệt lại là nạn nhân của đợt thanh trừng này. Tuy nhiên, do uy quyền của Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt quá lớn nên ông đã may mắn hơn Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường. Vua Minh Mạng có thể nói là đã phải “nín nhịn” quá lâu mới được dịp ra tay dù lúc đó Lê Văn Duyệt đã chết. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), Văn Duyệt lấy cớ già yếu dâng sớ xin từ chức Tổng trấn Gia Định nhưng vua không cho. Thế mà khi Duyệt vừa chết, ngay trong năm 1832, Minh Mạng bắt đầu hạch tội Lê Văn Duyệt về việc phát ngôn lung tung. Đến năm 1835, Lê Văn Duyệt tiếp tục bị lôi ra để truy luận tội, vua Minh Mạng đồng thời “huy động” các quan vào hùa để định tội Lê Văn Duyệt trong đó có tội “Duyệt lúc ngày thường, từng nói với người ta rằng xin được bài thơ phụ tiên có những câu: Tá Hán tranh tiên chư Hán tướng, Phụ Chu ninh hậu thập Chu thần. Tha niên tái ngộ Trần Kiều sự, Nhất đán hoàng bào bức thử thân. (Nghĩa là: Giúp nhà Hán, đứng trước các tướng nhà Hán, Giúp nhà Chu không chịu ở sau mười người bề tôi nhà Chu. Sau này lại gặp việc nhường ngôi như ở Trần Kiều, Thì áo hoàng bào sẽ có người khoác vào cho mình). Nếu không phải là kẻ vốn ôm ấp tấm lòng không chịu làm tôi thì quyết không bao giờ dám nói ra miệng và thuật cho người ta nghe những câu không giữ đạo làm tôi ấy (…)”. Sai Đốc phủ Gia Định lập tức san mồ mả thành đất phẳng và dựng cái bia đá ở trên khắc 8 chữ lớn: “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ”[26]. Người đương thời cho rằng Lê Văn Duyệt bị oan. Cũng qua đây, ta cảm nhận được sự thắng thế của quan văn so với quan võ trong thời bình đầu thế kỉ XIX. Sau này, đến tận năm 1848, Đặng Trần Thường, Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt mới được lấy công trừ lỗi để xóa tội trước. Có thể nói, so với việc Lê Lợi triệt hạ công thần, việc làm của nhà Nguyễn khá “chậm rãi” (làm từ thời Gia Long sang thời Minh Mạng mới hết, thậm chí khi công thần đó đã chết) và cũng có vẻ “đúng người đúng tội” hơn (bằng những nguyên cớ khá chặt chẽ, cùng những “tang vật” rõ ràng, mang màu sắc văn hóa hơn là các vụ vu khống đơn thuần cùng với các lí do tạo phản dễ dãi dưới thời Lê Lợi và Lê Thánh Tông). Các ông vua đầu tiên của mỗi triều đại ở cả Việt Nam và Trung Quốc đều có xu hướng thanh trừ công thần như vậy. Việc Lê Văn Duyệt không ủng hộ Minh Mạng nối ngôi ngay từ đầu cũng là nguyên nhân chính của vụ án văn chương này. Cũng trong thế kỉ XIX, năm 1839, trong cuộc truy sát các linh mục đạo Thiên Chúa ở Nam Định, linh mục Nguyễn Văn Thiều “lẩn trốn ở nhà dân, đào hầm ẩn thân, làm vách 2 lần để giấu kinh đạo, lại làm bài Thán đạo ngâm dụ dỗ những kẻ theo đạo kiên tâm giữ đạo. Tỉnh phái thám bắt được, Thiều xin nhảy qua thập ác cầu tha cho tội chết. Quan tỉnh cho là tình tội của y tương đối nặng, điều mà y thỉnh cầu không phải xuất phát tự chân tâm, xin khép vào tội trảm quyết. Vua theo lời”[27]. Như vậy, cho đến đây, các vụ án văn chương đã lại liên đới đến đạo Gia Tô (cả kinh sách và sáng tác văn chương). Do triều đình ý thức rất rõ tác dụng “ngôn chí” và “khả dĩ quần” của văn chương nên Nguyễn Văn Thiều dù có tự nguyện nhảy qua thập ác cũng không được tha tội. Có thể nói, chính bài Thán đạo ngâm củaNguyễn Văn Thiều đã châm ngòi cho sự giận dữ của chính quyền khi ấy. Cuối thế kỉ XIX, cùng với sự kiện thực dân Pháp đô hộ Việt Nam, văn học Việt Nam trungđại cũng chuyển mình với những mối quan tâm mới, những đề tài mới dù kĩ thuật thể hiện chưa chắc đã là mới hẳn, có chăng là một chút thay đổi trong cách nhìn đối với thế giới. Cho đến lúc này, sau những thất bại triền miên, triều đình đã có vẻ thờ ơ với việc duy trì các cấm kị văn chương thì thực dân Pháp lại bắt đầu quan tâm đến vấn đề kiểm duyệt. Chúng đặc biệt quan tâm đến tác phẩm của những người bị chúng liệt vào "sổ đen". Lúc này,trên địa hạt của kiểm duyệt xuất hiện thêm một quyền uy nữa mà đối với quyền uy ấy, những cấm kị văn chương trước hết thuộc về tinh thần dân tộc và ái quốc của người bản xứ.

Do những duyên nợ về mặt địa chính trị trong lịch sử, Việt Nam có những liên hệ khá chặt chẽ về mặt văn hóa - văn học với khu vực Đông Á thời cổ đại. Nhà Đông phương học người Nga N.Konrat đã có những gợi ý mang tính phương pháp luận khi cho rằng: “Những điều kiện xã hội được tạo nên trong đời sống xã hội và văn hóa ở các dân tộc khác nhau thời sơ kì phong kiến thường rất gần gũi với nhau về nội dung cốt tử và hình thức. Do vậy không có gì khó hiểu khi văn học cũng có nhiều sự gần gũi như vậy”[28]. Đặt các vụ án văn chương Việt Nam thế kỉ X - XIX trong bối cảnh văn học Đông Á cổ đại sẽ giúp ta nhìn ra một số vấn đề chung và riêng của văn học khu vực thời kì này.

Trong lịch sử văn học Trung Quốc cổ đại, các vụ án văn chương xuất hiện khá nhiều. Có thể nói, sau thời đại “bách gia tranh minh” thời Chiến Quốc, xã hội Trung Quốc bước vào thời kì quân chủ chuyên chế kéo dài suốt mấy nghìn năm lịch sử cho đến khi vị hoàng đế cuối cùng thoái vị. Bắt đầu từ nhà Tần, triều đại này “chỉ muốn nhồi nặn dân chúng cho thành dễ bảo. (…) Tự do tư tưởng, tự do ngôn luận là tội nặng nhất”[29]. Việc các nhà nho thường khen xưa chê nay là một cái gai trong mắt chế độ đương thời. Nhà Tần đã thực hiện chính sách chuyên chế của Thương Ưởng, Hàn Phi, thi hành những luật lệ tàn khốc. Sang đến đời Hán, pháp luật nói chung có phần khoan giản hơn nhưng tính chuyên chế thì không hề thua kém nhà Tần, điển hình là việc Hán Cao Tổ Lưu Bang ra tay diệt trừ hầu hết công thần khai quốc. Dưới đời Hán Tuyên đế “Lí Huy vì trong thư gửi cho bạn có lời oán vọng nên bị chém ngang lưng”[30]. Sang thời Tam Quốc, xuất hiện một nạn nhân điển hình của chế độ chuyên chế là Tào Thực. Vốn là đáp án đầu tiên cho ngôi thế tử do tài hoa từ nhỏ nhưng vì sống quá phóng túng nên ông đã bị gạt ra ngoài tầm ngắm của phụ thân - Tào Tháo. Sau do bị anh em của mình là Tào Phi và Tào Duệ bức hại nên ông phẫn uất mà chết. Sinh thời ông từng viết bài Dao tước phú, ám chỉ mối quan hệ giữa ông với Tào Phi và Tào Duệ, gửi thông điệp tới huynh đệ của mình hòng tìm kiếm sự bảo đảm về an toàn cho tính mạng cá nhân. Qua đời Tấn, Kê Khang, Nguyễn Tịch trong nhóm Trúc lâm thất hiền khi sáng tác thơ văn cũng chỉ dám thể hiện thái độ một cách quanh co nhưng cuối cùng vẫn không thoát khỏi tai vạ do sự nhạy cảm của chính quyền chuyên chế. Dưới chế độ quân chủ chuyên chế, những ai không nhạy cảm về mặt chính trị sẽ phải trả giá cho sự nhạy cảm trong xúc cảm nghệ thuật của mình. Thư tịch Trung Quốc còn ghi lại việc trong đời Tống, cuộc tranh luận về tân pháp không chỉ là một sinh hoạt văn học có nội dung tư tưởng là đường lối chính sách mà còn là một hoạt động chính trị rầm rộ với những đảng phái và phe nhóm khác nhau. Sau khi Vương An Thạch từ chức tể tướng, tân pháp mất dần ý nghĩa tích cực, khi đó Tô Thức là kẻ thất thế và bất hạnh. Năm Nguyên Phong thứ hai (1079),Lí Định, Thư Đàn… “dâng sớ vu hãm Tô Thức làm thơ “chê bai triều chính”, trong đó Thẩm Quát có thể coi là người khởi sự trong việc gây ra tai vạ cho Tô Thức”[31], đó chính là “vụ án thơ Ô Đài” nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Cuối thời Tống, khi giặc ngoại xâm hoành hành, gian đảng đứng đầy trong triều theo gót gian thần Tần Cối, những nạn nhân của các vụ án oan nhiều không kể hết trong đó không ít án oan văn tự ngục. Do đó mà trong thời kì này nhiều tác phẩm sa vào hình thức chủ nghĩa. Đến đời Nguyên, ngay cả tạp kịch - một đỉnh cao của thành tựu văn chương thời kì này - cũng không được phát triển một cách tự nhiên. Vở kịch Đậu Nga oan của Quan Hán Khanh cũng phải nương theo cốt truyện của một câu chuyện thời Tây Hán. Sang thời Minh, văn chương “đài các thể” là một sản phẩm của thời đại mà trong đó văn nhân bị khủng bố tinh thần một cách sâu sắc. Nhà Minh ra sức khủng bố tinh thần và đàn áp thực sự đối với những tác giả và tác phẩm có hại (hoặc có vẻ tiềm ẩn nguy cơ) đối với chính thể hay đơn thuần chỉ là những tác giả và tác phẩm có màu sắc chống đối triều đình và quan trọng nhất là khiêu khích quyền lực của hoàng đế. Những vụ án văn chương dưới triều Minh còn lại rất nhiều… Tây du kí của Ngô Thừa Ân mô tả con đường đi lấy kinh của thầy trò Đường Tăng nhằm công kích Minh Thế Tông nhưng cũng chỉ dám nói bóng gió qua một câu chuyện thần quái hoang đường. Dưới thời Minh, còn xuất hiện một loại văn tự ngục liên quan đến vấn đề phong hóa trong đó đại biểu nổi bật nhất trong niên hiệu Vạn Lịch là Lí Chí đã công khai phủ nhận uy quyền của thánh hiền, gay gắt vạch trần sự giả dối của lí học Trình Chu, bị bức hại sau đó tự sát[32]… dẫn đến tình trạng “văn học truyền thống của sĩ phu thời Minh Thanh chủ yếu là thơ, từ và tản văn (…) tầm thường vô cùng, không có được chút gì mới mẻ, khác đời trước cả”[33]. Sự cấm đoán quá mức của chế độ chuyên chế đó đã giết chết cá tính sáng tạo và tài năng của nghệ sĩ đương thời. Dưới triều Thanh, vấn đề văn tự ngục vẫn là những ám ảnh dai dẳng đối với các nhà văn. Khi viết Nho lâm ngoại sử, Ngô Kính Tử phải nói thác là chuyện xảy ra ở đời Minh để tránh tai vạ dù rằng trên thực tế đó đều là những chuyện thời Ung Chính, Càn Long. Dưới triều Thanh, “70 người soạn bộ Minh sử, trong đó, một đoạn viết về vụ Mãn Châu chiếm Trung Hoa có giọng ai oán chứ không vui vẻ, hăng hái, tác giả lại quên kị húy khi chép tên các vua Thanh, họ đã chết rồi, bị quật mả lên mà những người lựa, duyệt lại, chép lại bộ đó cũng bị chém vì tội phản Thanh”[34]. Tuy nhiên, nhà Thanh cũng áp dụng những thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ tầng lớp nho sĩ, điển hình là việc tập trung họ về kinh đô biên soạn Tứ khố toàn thư. Việc áp dụng cả biện pháp cứng rắn và lạt mềm buộc chặt là một thủ thuật truyền thống dưới chế độ chuyên chế, triều đại nào cũng làm như thế cả. Do lo sợ cho tính mạng mà nhiều người bị thui chột tài năng, số khác thì biến thành bồi bút cho chế độ chuyên chế. Nhưng cũng do căm phẫn với chính sách của triều đình mà một số người càng mài sắc hơn tinh thần chiến đấu của mình. Phần lớn thì lo sợ sinh mạng con sâu cái kiến của mình bị vướng vào “lưới nhện văn chương” nên phải hết sức cẩn thận giấu giếm thông điệp của mình khi sáng tác. Do đó, độc giả khó nhận ra được điều tác giả gửi gắm trong tác phẩm của họ cũng là điều dễ hiểu.

Nhìn trong bối cảnh lịch sử văn học cổ đại Đông Á, chúng ta thấy các vụ án văn chương, các vụ văn tự ngục xuất hiện nhiều nhất và với mức độ nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc. Trong lịch sử văn học Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, các vụ án văn chương xuất hiện không nhiều và mức độ nghiêm trọng cũng nhẹ hơn. Từ ngày Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn nho đến khi chính thể quân chủ chuyên chế lụi tàn trên đất Trung Hoa, các vụ án văn chương, các vụ văn tự ngục đã có lịch sử dài hàng nghìn năm. Trong cả ba nền văn học này, các vụ án văn chương có thể đều có những nguyên nhân phát sinh giống nhau. Có người vì sáng tác tác phẩm văn chương vi phạm cấm kị nên bị kiềm tỏa về mặt chính trị, có người vì hoạt động chính trị vi phạm cấm kị nên bị kiềm tỏa về mặt sáng tác văn chương. Trong cả ba nền văn học, các cấm kị về mặt đạo đức - phong hóa đều xuất hiện nhưng ở Trung Quốc nó bị đẩy đến cực đoan khi có người đã phải mất mạng vì vi phạm cấm kị đó. Các nhà cầm quyền ở cả ba nước thời cổ đại đều sử dụng những hình phạt với các mức độ nặng nhẹ khác nhau dành cho các vi phạm văn chương nhưng dường như, ở một số trường hợp, lại làm cho phạm nhân nổi tiếng hơn, đi ngược lại mong muốn của giới cầm quyền. Chính sách vừa mềm mỏng vừa cứng rắn cũng là thủ thuật quen thuộc mà ta thường thấy. Trong khi giới cầm quyền học lỏm các bài học của nhau trong lịch sử để trừng trị các phần tử nguy hiểm hoặc tỏ ra nguy hiểm trong văn chương thì các văn nhân cũng tìm ra đủ mọi chiêu trò để tránh né cấm kị. Tuy nhiên, phần thắng thường nghiêng về kẻ cầm quyền. Cũng cần lưu ý rằng, ở một nền văn học như Nhật Bản, những cấm kị văn chương, rất rõ ràng, dành sự phân biệt cho cả hai giới nam và nữ, trong đó có những cấm kị dành cho nữ giới nhưng không dành cho nam giới và ngược lại. Điều đó xuất phát từ những đặc quyền chính trị mà mỗi giới được hưởng cùng những nghĩa vụ mà xã hội quy định giới đó phải tuân theo. Mâu thuẫn văn - võ ở Việt Nam và Trung Quốc cũng không mạnh như ở Nhật Bản vì ở Nhật Bản võ sĩ có uy quyền lớn hơn văn sĩ trong một thời gian khá dài. Các hành vi cách tân văn chương về nội dung đều có nguy cơ vi phạm cấm kị ở cả ba quốc gia này.

Để giúp ta hình dung về thói quen phục tùng của người Trung Quốc thời cổ đại, một dân tộc bị văn tự ngục ám ảnh cả mấy nghìn năm, Phan Ngọc đã từng cho rằng riêng việc mỗi người Trung Quốc nhớ được mấy nghìn chữ Hán trong kho chữ hàng vạn đơn vị kí hiệu đó đã là một việc không dễ dàng. Đẩy thêm một bước nữa, ông cho rằng: “Tại sao người ta không dám phá vỡ cái cũ? Vì có ngục văn tự. Ai nói khác là chết. Việt Nam có một lịch sử khác, trí thức của Việt Nam không thể học theo điều đó được, mà học theo để làm gì?”[35]. Ở đây Phan Ngọc đã có phần cực đoan khi cố đi tìm nét khác biệt trong văn hóa Việt Nam so với văn hóa Trung Quốc nên mới đưa ra nhận định này. Rõ ràng Việt Nam có một lịch sử khác nhưng những ảnh hưởng do tiếp xúc hay những tương đồng loại hình dưới thời cổ đại không phải là không có, thậm chí là khá nhiều, đặc biệt là từ thế kỉ XV. Do đặc trưng của văn hóa Việt Nam thời cổ đại không đẩy vấn đề gì đến cực đoan nên ở Việt Nam bản chất các vụ án văn chương nói chung không có nhiều vụ quá nghiêm trọng, cũng hiếm có vụ nào liên quan đến xung đột chính trị mang tính phe nhóm như vụ án thơ Ô Đài hay liên đới đến quá nhiều người như vụ Minh sử ở Trung Quốc đời Thanh. Tuy nhiên, do tầng lớp cầm quyền ở Việt Nam thời cổ đại học theo mô hình Trung Hoa nên những kinh nghiệm để trấn áp tự do tư tưởng trong sáng tác văn học nghệ thuật của vua chúa Trung Hoa chắc chắn là có được áp dụng trong một chừng mực nào đó. Do đó, tầng lớp trí thức Việt Nam thời cổ đại - về cơ bản cũng chính là lực lượng sáng tác quan trọng nhất - cũng phải học theo những nguyên tắc và thủ thuật để tránh văn tự ngục, tránh các vụ án văn chương theo kinh nghiệm của trí thức Trung Hoa thời cổ đại. Dưới thời Minh Mạng, sử sách Việt Nam nhắc đến khá nhiều vụ văn tự ngục và không khí khủng bố trí thức thời Minh - Thanh bên Trung Quốc, ví như sự kiện năm 1830: “Triều đình sai sứ sang nước Thanh. (...)Vua dụ: “Trẫm rất thích thơ cổ hoạ cổ, cùng sách lạ của cổ nhân, mà chưa tìm được nhiều. Bọn ngươi nên để lòng tìm mua đem về dâng. Vả lại Trẫm nghe nói những nhà quan ở Yên Kinh nhiều người chép sách riêng, nhưng vì việc quan thiệp đến nhà Thanh, cho nên chỉ chứa riêng ở nhà, chưa dám đem ra khắc in. Bọn ngươi nếu thấy những sách loại ấy dẫu còn là bản thảo cũng không kể giá đắt cứ mua” [36]. Dễ hiểu vì sao mảng thơ vịnh sử lại phát triển đến thế trong lịch sử thơ ca cổ đại. Chính bộ phận sáng tác này đã tạo nên một hàng rào bảo vệ an toàn cho kẻ phát ngôn, thậm chí cũng có một sức hấp dẫn nhất định với chính giới cầm quyền. Vua chúa Việt Nam thời cổ đại cũng vịnh sử một cách chăm chỉ và nhiệt thành. Vua chúa vịnh sử với mục đích bao biếm thiện ác hay đơn thuần chỉ là để tỏ ra mình là người có tư chất thông minh, xây dựng hình ảnh một đấng minh quân luôn luôn suy cổ nghiệm kim, trưng thánh tôn kinh. Kẻ giữ phận bề tôi coi thơ vịnh sử là một cái cớ để nhắn gửi một phần tâm sự tới bề trên một cách an toàn, vừa được vua chúa công nhận tài năng văn chương vừa được sống để mà tiếp tục công việc đề vịnh ưa thích của mình. Việc đề vịnh tập trung vào đề tài quân minh thần lương, trung thần liệt nữ và những nhân vật đối lập là một cách để bày tỏ tâm sự trước tình hình chính trị đương thời. Trường hợp Lưu Hướng đời Hán được ghi trong Hán thư - Sở Nguyên Vương truyện “tập hợp truyện về những bậc hiền phi, trinh phụ hưng quốc hiển gia đáng làm phép tắc cho đến những kẻ bế nghiệt có thể làm loạn quốc vong thân trong sách vở, sắp xếp thành Liệt nữ truyện gồm 8 thiên để răn thiên tử”[37] là một ví dụ vô cùng sống động cho luận điểm này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc vay mượn những câu chuyện Trung Hoa để nói chuyện Việt Nam, mượn xưa để nói nay không đơn thuần chỉ là nhằm tránh sự kiểm soát của chế độ chuyên chế mà là một phương thức tư duy văn hóa - văn học phổ biến của thời cổ đại. Cùng với đó, trong một số trường hợp, vay mượn các cách phát ngôn khôn ngoan trong lịch sử Trung Hoa để áp dụng vào thực tế Việt Nam cũng chưa đủ để tránh khỏi tai vạ cho kẻ phát ngôn. Do đó mà Trần Nguyên Đán đời Trần cay đắng nhận ra: “Bạch nhật thăng thiên dị - Trí quân Nghiêu Thuấn nan”[38] và ông sớm rút lui khỏi chính trường để bảo toàn tính mạng cho bản thân và con cháu. Đến Nguyễn Du (1765 – 1820), việc ông lạnh nhạt với đề tài Nhân - Nghĩa là một minh chứng cho việc nhà thơ đã phủ định những chức năng cao quý mà Nho giáo đã gán cho văn chương, bởi ông hiểu hơn ai hết thân phận mỏng manh của văn chương và nhà văn trong chế độ chuyên chế. Điệp khúc “văn chương tăng mệnh đạt”, “văn tự năng tăng mệnh”… trong thơ Nguyễn Du, suy rộng ra, cũng là một cách diễn đạt khác của mệnh đề “Tài - Mệnh tương đố”, và hơn hết, là cảm thức của một người đã nếm trải và chứng kiến những ba đào mà số phận dành cho người có tài năng trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam thời kì đó. Không phải ngẫu nhiên mà có ý kiến cho rằng trong tiểu thuyết Minh - Thanh ở Trung Quốc và thơ văn thế kỉ XVIII - nửa trước thế kỉ XIX ở Việt Nam, chủ đề “thương tài”, “xót tình” trở thành một mảng sáng tác quan trọng. Nó phản ánh không khí ngột ngạt của đời sống chính trị ở cả hai quốc gia khi đó, thời kì mà các vụ án văn chương, các vụ văn tự ngục diễn ra liên tiếp và trên diện rộng với mức độ nghiêm trọng được đo bằng mạng sống.

Từ rất sớm trong lịch sử chính trị Trung Hoa, nền văn học kiến tạo vùng mà Việt Nam chịu ảnh hưởng trong suốt mười thế kỉ văn học cổ đại, mối quan hệ giữa các phát ngôn của kẻ dưới với quyền lực của bề trên đã được các nhà chính trị quan tâm, một trong những người đó là Khổng Tử. Trong Luận ngữ - tác phẩm được nhiều nhà nghiên cứu phương Tây coi là Thánh Kinh của người Trung Hoa - có ghi lại nhiều phát ngôn của Khổng Tử về vấn đề này: “Tử viết: “Sự phụ mẫu cơ gián. Kiến chi bất tòng, hựu kính, bất vi, lao nhi bất oán” (Khổng Tử nói: “Thờ cha mẹ phải cẩn thận nhẹ nhàng khi can gián. Thấy ý cha mẹ không theo lại càng phải kính, chớ có làm trái lễ, nếu cha mẹ làm mình vất vả cũng chớ có oán giận”)”[39]. Ngay một học trò của ông là Tử Du cũng đã có những suy ngẫm rất sâu sắc: “Tử Du viết: “Sự quân xác, tư nhục hĩ. Bằng hữu xác, tư sơ hĩ” (Tử Du nói: “Thờ vua, khuyên can thẳng nhiều đến mức quá ư phiền toái sẽ chuốc nhục. Chơi với bạn, khuyên nhiều, bạn sẽ xa”)”[40]. Giữa tình cảnh tiến thoái lưỡng nan của phận bề tôi, trong lịch sử chế độ chuyên chế phương Đông Nho giáo đưa các ông vua lên địa vị cao quý nhất trong thang bậc xã hội nhưng đồng thời cũng dần thiết lập một cơ chế kiểm soát kín kẽ xung quanh mỗi ngai vàng. Một trong những vùng cấm mà về mặt danh nghĩa các ông vua không được đụng đến là lĩnh vực viết sử, là công việc của Sử quán. Lịch sử Trung Quốc và Việt Nam còn chê trách mãi đến chuyện Đường Thái Tông (Trung Quốc) và Lê Thánh Tông (Việt Nam) đòi các vị sử quan phải cho mình xem những gì họ viết. Có thể nói, từ rất sớm Khổng Tử đã là người tổng kết chức năng của văn học qua trường hợp của Kinh Thi: “Tử viết: “Tiểu tử hà mạc học phù Thi? Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán. Nhĩ chi sự phụ, viễn chi sự quân, đa thức ư điểu thú thảo mộc chi danh” (Khổng Tử nói: “Các trò sao chẳng học Thi? Thi có thể khởi phát, có thể để xem, có thể để hợp quần, có thể để tỏ lòng oán giận. Gần thờ cha, xa thờ vua. Qua nó có thể biết nhiều tên của các loại cỏ cây, chim thú”)[41]. Tuy nhiên, trong bốn chức năng đó, chức năng “oán” của văn chương là chức năng bị chính thể chuyên chế dò xét và nghi kị hơn cả. Không phải ngẫu nhiên mà có người cho rằng sở dĩ Nguyễn Gia Thiều “dám” viết Cung oán ngâm khúc với một giọng điệu chua chát, mỉa mai, hờn dỗi, trách móc như thế vì ông là cháu gọi chúa Trịnh Doanh bằng cậu ruột và là anh em con cô con cậu với chúa Trịnh Sâm. Tuy nhiên, đó không phải là lí do chính. Trong giai đoạn nửa sau thế kỉ XVIII - nửa trước thế kỉ XIX, viết thơ theo đề tài cung oán là một thứ “thời thượng”, người ta tranh đua về mặt tài năng hơn là về mặt đề tài và nội dung, có lẽ vì thế mà nhóm tác phẩm mang cảm hứng “cung oán” mới được bình an vô sự. Bằng chứng là vụ án của Đặng Trần Thường mà ta đã bàn đến ở trên. Kẻ cầm quyền tối cao, dù không phải là người có năng lực văn chương cao nhất trong xã hội khi đó nhưng lại là người đủ nhạy cảm hoặc có một bộ máy sai phái đủ nhạy cảm để “đọc” ra thông điệp trong mỗi tác phẩm. Nếu như đề tài cung oán được phần đông tác giả nửa sau thế kỉ XVIII - nửa trước thế kỉ XIX dùng như một phương tiện để cảm thán về nỗi khổ của những cặp đôi tài tử - giai nhân thì trong bài Tần cung nữ oán Bái công văn của Đặng Trần Thường, cảm hứng oán trách nhà vua là quá rõ ràng. Thực tế thì những nghi kị về mặt chính trị đã dẫn lối cho những nghi kị về mặt văn chương và trong đó văn chương lại trở thành cái cớ để kết tội. Nguyễn Lộc từng cho rằng: “Bằng hình thức ẩn dụ, ám dụ, phương tiện của văn học có thể giúp các văn nhân thực hiện được việc phê phán một cách tinh tế, và nhiều khi cần thiết để tránh búa rìu của giai cấp thống trị phong kiến. Đặng Trần Thường (…) viết bài Hàn vương tôn phúTần cung nữ oán Bái công văn, oán trách vua nhà Nguyễn là một ví dụ”[42]. Tuy nhiên, ngay trong trường hợp của Đặng Trần Thường, việc sử dụng các hình thức úp mở trong sáng tác cũng không cứu được ông ta. Việc triều đình xét án, tha tội cho Đặng Trần Thường và lưu ông lại Kinh đô là một cách mở lối của triều đình, và cũng gần như một loại “án treo”, “quản thúc tại trung ương” để thử thách quá trình “sửa sai”. Không may là Trần Thường bị võ quan Lê Chất tố cáo thêm các tội khác và sau khi vào ngục lại sáng tác mấy tác phẩm kể trên làm cho mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn.

Từ lâu nay, các nhà nghiên cứu đã nhận ra sự phức tạp trong quan hệ giữa nghệ thuật và chính trị, tuy nhiên nghiên cứu cho kĩ vấn đề này là một việc làm mang tính liên ngành, tập hợp thành quả của nhiều ngành khoa học khác nhau. Khác với ở phương Tây thời cổ đại, nơi mà “giới quý tộc đã gợi hứng, nâng đỡ và hướng dẫn nghệ thuật nhưng rất ít khi sản xuất tác phẩm nghệ thuật”[43], các vua chúa ở Trung Quốc và Việt Nam coi sáng tạo nghệ thuật như một phần công việc tất yếu của mình, bởi “văn” là để “chở đạo” và là một biểu hiện của tài năng thiên bẩm. Tuy nhiên, ở phương Đông và phương Tây vẫn có một điểm chung là “những người trong giới thượng lưu (...) đánh giá tác phẩm nghệ thuật theo ý thích chủ quan”[44]. Ở Trung Quốc, các ông vua đời Đường rất coi trọng thi ca, phần lớn đều biết làm thơ. Đến đời Hán “dâng thơ cho hoàng đế và các quan tể tướng trở thành phương tiện để gây chú ý, đạt được sự công nhận tài năng mình và thu được những món bổng lộc vật chất đáng kể”[45]. Dù rằng là con người ai cũng ưa những lời nói ngọt nhưng không phải lời nói êm tai nào cũng mang lại kết quả như mong muốn. Lịch sử Trung Quốc còn ghi lại câu chuyện Trâu Nhữ Lỗ dâng thơ ca tụng Ung Chính (nhân dịp nước sông Hoàng Hà tự nhiên trong) mà bị mắc tội[46]. Trong xã hội quân chủ chuyên chế ở cả Việt Nam và Trung Quốc, giá trị văn chương là do “khẩu vị” của vua quyết định và cũng quyết định luôn cả chỗ đứng và giá trị của người viết ra các tác phẩm văn chương. Trong thực tế, nhà nho (đồng thời cũng là loại hình tác giả văn học phổ biến thời cổ đại ở Việt Nam và Trung Quốc) đã cố gắng xác lập một chỗ đứng khá độc lập với quyền uy tối thượng của vua chúa. Tuy nhiên, trên thực tế thì với các nho sĩ ngay từ khi đi thi họ đã phải giấu mình đi trong bao nhiêu thứ rào đón, uốn éo để đỡ mất lòng người trên, nhất là trong kì thi văn sách. Yoshiharu Tsuboi cho rằng: Khi làm bài thi Sách vấn, “người ta không nên nói đến vấn đề thời sự và mặc dù giám khảo hỏi một câu có thể liên quan đến thời sự. Để tránh phiền lụy, các thí sinh tốt hơn nên phẩm bình những sự việc tương tự đã xảy ra ở Trung Hoa thời xưa”[47]. Các tác phẩm văn chương ngoài khoa cử về cơ bản cũng chịu ảnh hưởng của lề lối đó cho nên trong lịch sử khoa cử Việt Nam có rất nhiều vị đỗ đại khoa nhưng không có mấy danh gia văn học. Có thể nói, văn học phản ánh đề tài chính trị ở Việt Nam thời cổ đại đã rút được nhiều kinh nghiệm qua lịch sử tồn tại của mình. Trong bối cảnh đó, tất cả những kinh nghiệm truyền thống để tránh các vụ án văn chương có lẽ không chỉ được phổ biến như những kinh nghiệm sinh tồn mà ngấm vào người mỗi văn nhân thời đó như một thứ bản năng. Có ý kiến cho rằng, văn chương có vẻ phóng túng như Nguyễn Công Trứ mà chưa mắc vào một vụ án văn chương nào là do triều Nguyễn có một sự dân chủ nhất định. Thực tế, Nguyễn Công Trứ chưa bị “túm tóc” không phải do ông là kẻ “trọc đầu” không có gì để nắm (hay không có gì để mất) mà do ông đã thể hiện được lòng trung thành và sự tận tụy với triều đình cả trên thực tiễn hoạt động chính trị và trong sáng tác thơ văn, đặc biệt là bộ phận thơ ca viết về “chí nam nhi”. Những bài có hơi hướng “lệch chuẩn” chiếm tỉ lệ không đáng kể, chủ yếu làm khi ông tuổi đã xế chiều, và hơn nữa, chưa có một trường hợp nào cụ thể ông đem vua ra làm đối tượng phán xét mà chỉ than trách chung chung về thế thái nhân tình, thế đạo nhân tâm. Chính vì vậy, cái kết tội người ta chủ yếu thuộc về nội dung tác phẩm chứ ít khi là hình thức của nó. Theo các nhà nghiên cứu, thậm chí việc giả giọng phụ nữ để viết như Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều cũng là một lựa chọn để tránh tai họa. Tội nhân và nạn nhân của các vụ án văn chương chủ yếu là nam giới. Ở đây, có nét tương đồng giữa các nền văn học Đông Á, tuy nhiên trong văn học Nhật Bản các rào cản dành cho mỗi giới chặt chẽ hơn bởi phụ nữ Nhật Bản đã có một thời kì tham gia khá sâu vào đời sống văn học, nhất là trong thời kì Heian (794 - 1185).

Trong lịch sử Trung Quốc cổ đại tồn tại khá nhiều ví dụ về phản ứng của giới cầm quyền trước thái độ ngang ngược của văn nhân. Khổng Dung ngạo mạn bị Tào Tháo giết, Nễ Hành cuồng ngạo bị Hoàng Tổ giết. Sự ngạo mạn, cuồng ngạo đó có thể cũng là một dạng phản ứng của nhà văn để giải tỏa những bức xúc, dồn nén đối với sự đàn áp của vua chúa, sự ghen ghét của xã hội. Trong môi trường ấy, câu chuyện Tùy Dưỡng Đế cho phép bề tôi chê thơ mình đến khi nào làm thơ thật hay mới thôi cũng là một chuyện thú vị khá hiếm hoi. Trong Tinh thần pháp luật, khi nghiên cứu về luật của Trung Quốc dưới chế độ quân chủ chuyên chế, Montesquie đã để ý đến một hiện tượng mơ hồ của các bộ luật, trong đó khá rõ là điều luật “khi quân”. Montesquie cho rằng: “Văn chương viết ra được lưu giữ lại lâu dài hơn lời nói, nhưng nếu văn thơ không chuẩn bị để làm nên việc chống đối thì không phải là chứng liệu để kết tội chống vua.(…) Trong các nước chuyên chế, văn thơ châm biếm hầu như hiếm thấy, vì người ta chán nản hoặc dốt nát, nên ít nảy ra tài năng cũng như ý muốn viết loại văn thơ này. (…) Ví phỏng trong một nước quân chủ, ông vua ở ngôi cao vòi vọi, lời châm biếm ít khi đến tai vua”[48]. Như vậy, theo lập luận của Montesquie, sự cấm đoán và kiểm soát của chế độ quân chủ chuyên chế có tác dụng không khác gì một chính sách ngu dân, mà nguy hiểm hơn, nó làm “ngu hóa” bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ khiến họ phải tìm ra một lối ứng xử riêng để bảo toàn sinh mạng nhỏ bé của mình. Điều này cũng thể hiện bản chất lỏng lẻo về luật pháp, sự lạm dụng quyền lực của người đứng đầu trong các chính thể quân chủ chuyên chế, ở đó khẩu hiệu “Ý dân là ý trời” được trưng lên nhưng ai cũng phải hiểu thành “Ý vua là ý trời”. Theo, Lí Chung Cầm: “Kẻ thống trị chuyên chế nắm quyền sinh quyền sát trong tay, đây là điều kiện để sản sinh ra văn họa. Nói cách khác, chỉ có trong xã hội chuyên chế mất dân chủ và cai trị bằng ý chí con người chứ không phải bằng pháp luật thì văn họa mới có thể phát sinh với quy mô lớn”[49]. Việc Chu Văn An đời Trần dâng sớ đòi chém nịnh thần vốn được người đời sau ca ngợi, xem đó là một trong những biểu hiện của lòng trung trực, tuy nhiên xét về mặt hiệu quả thì đó có thể cũng là một cách “làm duyên” về mặt chính trị của kẻ giữ phận làm tôi. Ông có thể đã biết rằng tờ sớ của mình chắc chắn sẽ chẳng đi đến đâu nhưng vẫn dâng lên coi như một cách thức tỉnh bề trên đồng thời bày tỏ quan điểm chính trị của mình và sau đó bỏ đi ở ẩn. Lựa chọn này thể hiện sự bất lực của họ. Ở đây đặt ra một vấn đề là do sự tồn tại của các vụ án văn chương, văn tự ngục nên người ta phải tạo ra những giọng điệu mang tính phòng vệ đối với xung quanh. Ở phương Đông người ta gọi nó là “ thơ khẩu khí”. Rõ ràng là chỗ đứng đã quyết định khẩu khí của nhà thơ, tuy nhiên ở một phương diện khác thì chính khẩu khí lại ảnh hưởng đến địa vị của nhà thơ. Việc Lê Thánh Tông, đứng ở cương vị hoàng đế mà vẫn say sưa một cách đặc biệt với loại thơ khẩu khí là một trường hợp tiêu biểu. Việc những tác giả mang theo mình một “giọng ca” lạ liền phải ẩn danh, thác danh là chuyện không hiếm gặp. Trong môi trường đó, cái hài và tiếng cười là một thứ “xa xỉ phẩm” bởi chính thể quân chủ chuyên chế luôn luôn đề phòng những tác phẩm mang sắc thái cười cợt bởi tiếng cười và sự trào phúng “làm cho người ta có thói quen hoài nghi, cuối cùng dẫn tới phê phán xã hội”[50]. Các phát ngôn liên quan đến chính trị, trực tiếp hay gián tiếp phán xét đạo đức của các ông “con trời” lại càng là “mồi ngon” cho chính quyền chuyên chế.

Trong xã hội chuyên chế Việt Nam và Trung Quốc, những quy ước của xã hội chống lại tự do của cá nhân được thực hiện một cách tinh vi bằng cách tác động đến mỗi cá nhân thông qua áp lực tinh thần của cộng đồng. Những cấm kị, tất nhiên là được bày ra một cách rõ ràng để những người tiềm tàng nguy cơ vi phạm cấm kị biết mà tránh nhưng bởi hiện thực cuộc sống đa dạng hơn lí thuyết nên vẫn có những kẻ vi phạm. Đôi khi các cấm kị có thể là những mời gọi nhằm thử thách mỗi cá nhân để xem khả năng họ kiềm chế bản thân đến đâu. Những nguyên cớ của kiểm duyệt và cấm kị thì nhiều (tôn giáo, chính trị, đạo đức...) nhưng cách né tránh chúng cũng vô cùng phong phú cả ở cả hai nước và trên thực tế thì những thứ bị cấm lại khiến người ta tò mò tìm kiếm để tiếp cận, khám phá, thậm chí là sở hữunó hơn bao giờ hết, tạo ra một hiệu ứng ngược lại mong muốn của chính quyền chuyên chế thời cổ đại. Theo Hoàng Thường: “Không nhớ rõ ai đó đã từng nói rằng “Tuyết dạ bế môn độc cấm thư” (Đêm tuyết đóng cửa đọc sách cấm) là một trong những thú vui của người đời. Tôi nghĩ đây là một cách nói rất hay: Phải chọn một ngày có tuyết, mà lại là ban đêm, cửa ngoài khóa lại, hoàn cảnh điển hình này thực đã được khắc họa rất hay, nếu không phải người đã từng nếm trải qua cảnh ngộ đó thì e rằng khó có thể nghĩ ra được câu thơ hay như vậy”[51]. Tuy nhiên, nói gì thì nói, sự đàn áp của chính quyền chuyên chế sẽ làm một số nghệ sĩ có cá tính mạnh phản ứng lại một cách tiêu cực, và từ chỗ là một nạn nhân họ rất dễ trở thành một tội nhân. Trong thực tế, khi trừng phạt sự “vượt rào” của nghệ sĩ, chính quyền chuyên chế dễ tìm được sự đồng cảm của số đông vì phần đông công chúng sống theo lối mòn của một quán tính văn học vốn đã định hình và thường là được tầng lớp cầm quyền định hướng từ trước. Trong xã hội như vậy, những ẩn sĩ “tạc tỉnh nhi ẩm, canh điền nhi thực” nếu như không sáng tác những văn phẩm có hại cho phong hóa hay cho chính quyền thì bản thân họ lại trở thành một thứ trang sức của xã hội chuyên chế. Trong một xã hội Việt Nam và Trung Quốc thời cổ đại chủ trương tuyển người tài thông qua năng lực văn chương nhưng lại luôn luôn khiến người ta phải tâm niệm rằng “Tài không bằng Đức” thì dễ hiểu vì sao cái người ta phải trau dồi trước tiên là phẩm hạnh chứ không phải tài năng.

Do Việt Nam thời cổ đại chịu ảnh hưởng chế độ quân chủ chuyên chế của Trung Quốc nên việc ảnh hưởng mô hình quản lí văn học nghệ thuật, nảy sinh các vụ văn tự ngục, các vụ án văn chương là điều không khó lí giải. Trong mọi trường hợp, vua chúa chuyên chế được quyền suy diễn thông điệp của mọi trước tác văn chương theo ý của riêng mình. Số phận của tầng lớp trí thức nói chung và các nhà văn nói riêng phụ thuộc vào hành vi suy diễn đó. Lúc này “Thi dĩ ngôn chí” (Thơ để nói chí) không đơn thuần chỉ là một khẩu hiệu định hướng công việc sáng tác mà còn là một căn cứ mang tính lí luận định hướng cho việc luận tội những tác giả, tác phẩm tiềm ẩn khả năng gây nguy hại đến chính thể, phong hóa. Triều đại nào, dưới thời trị vì của ông vua nào càng chuyên chế thì xác suất nổ ra các vụ án văn chương càng cao. Ở cả Việt Nam và Trung Quốc thời cổ đại, thời kì giáp ranh giữa thời loạn và thời bình hoặc trong những năm đầu thiết lập đế chế hiện tượng này thường xảy ra nhiều hơn. Những phá cách về mặt hình thức hầu như không đe dọa sự an toàn của người sáng tác. Những vi phạm về mặt phong hóa nhẹ tội hơn những vi phạm về mặt chính trị. Cũng vì sự áp đảo về mặt số lượng trong đội ngũ người cầm bút nên các tác giả nam là tội nhân và cũng là nạn nhân chính của các vụ án văn chương, các tác giả nữ hầu như không xuất hiện. Họ thậm chí còn là bình phong cho các tác giả nam kí thác để phát ngôn một số chuyện mà nếu phát ngôn trong vai trò là một tác giả nam giới họ sẽ gặp khá nhiều phiền toái. Nhìn trong bối cảnh văn học Đông Á cổ đại, các vụ án văn chương, các vụ văn tự ngục ở Trung Quốc (trong vai trò một nền văn học kiến tạo vùng) mang những đặc trưng tiêu biểu nhất. Ở Nhật Bản, Triều Tiên, và đặc biệt là ở Việt Nam giai đoạn này, sự mô phỏng về mặt thể chế chính trị của Trung Quốc ở một chừng mực nhất định đã dẫn đến những hệ quả tất yếu về mặt văn hóa - xã hội, trong đó có các vụ án văn chương, dù rằng không thể so sánh được cả về mặt quy mô lẫn mức độ của hiện tượng này trên chính quê hương của nó. Nếu như chính quyền chuyên chế giăng ra trăm phương nghìn kế để có thể khép tội các nhà văn bằng các cấm kị thì việc của các văn nhân là tìm mọi cách né tránh hoặc đối phó thậm chí là chống đối lại các cấm kị đó. Những phương thức né tránh cấm kị của họ không mới nhưng trong nhiều trường hợp cũng giúp họ giữ được mạng sống của mình, để lại kinh nghiệm cho văn nhân các triều đại sau trong việc giải phóng khả năng sáng tạo cá nhân trong chiếc lồng nhỏ hẹp của số phận. Họ có thể chưa đủ dũng cảm để đi trước thời đại, nhưng đã cố gắng đi khác con đường mà thời đại đang đi.

 



[1]  Ngô Sĩ Liên…, Đại Việt sử kí Toàn thư - Tập I, Ngô Đức Thọ dịch, NXB Khoa học xã hội, 1993, tr.322.

[2]  Ngô Sĩ Liên…, Đại Việt sử kí Toàn thư - Tập II, Hoàng Văn Lâu dịch, NXB Khoa học xã hội, 1993, tr.13.

[3]  Ngô Sĩ Liên…, Đại Việt sử kí Toàn thư - Tập II, TLĐD, tr.128.

[4] Bùi Duy Tân (Chủ biên), Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam thế kỉ X – XIX- Tập I, NXB Giáo dục, 2007, tr.128-129.

[5]  Ngô Sĩ Liên…, Đại Việt sử kí Toàn thư - Tập II, TLĐD, tr.208-209.

[6]  Ngô Sĩ Liên…, Đại Việt sử kí Toàn thư - Tập II, TLĐD, tr.321.

[7]  Ngô Sĩ Liên…, Đại Việt sử kí Toàn thư - Tập II, TLĐD, tr.395.

[8]  Ngô Sĩ Liên…, Đại Việt sử kí Toàn thư - Tập III, Hoàng Văn Lâu... dịch, NXB Khoa học xã hội, 1993, tr.87.

[9]  Ngô Sĩ Liên…, Đại Việt sử kí Toàn thư - Tập III, TLĐD, tr.265.

[10]         Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục - Tập I, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, NXB Giáo dục, 2006, tr.90.

[11]         Lê Văn Siêu, Việt Nam văn minh sử, Thanh Vân Nguyễn Duy Nhường chỉnh lí và bổ sung, NXB Văn học, 2006, tr.925.

[12]         Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giámCương mục- Tập II, Ngô Hữu Tạo... dịch, NXB Giáo dục, 2006, tr.460-461.

[13]         Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giámCương mục- Tập II, TLĐD, tr.452.

[14]         Dương Phượng Thành, Thanh đại kỉ thực – Thiên cổ văn tự ngục, Nam Hải xuất bản công ti, 1992, tr.3.

[15]         Ngô Cao Lãng, Lịch triều tạp kỉ, Hoa Bằng... dịch, NXB Khoa học xã hội, 1995, tr.269.

[16]  Vương Bân, Cấm thư - Văn tự ngục, Trung Quốc công nhân xuất bản xã, 1992, tr.7.

[17]         Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám Cương mục- Tập II, TLĐD,tr.698.

[18]         Ngô Gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí - Tập II, Nguyễn Đức Vân... dịch, NXB Văn học, 1999, tr.12.

[19]         Ngô Gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí - Tập II, TLĐD, tr.19.

[20]         Chu Thiên...(Biên soạn), Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỉ XIX (1858 - 1900), NXB Văn học, 1976, tr.435.

[21]         Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục - Tập I, TLĐD, tr.866.

[22]         Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục - Tập I, TLĐD, tr.937.

[23]         Tôn Thất Bình, Kể chuyện chín chúa - mười ba vua triều Nguyễn, NXB Đà Nẵng, 1995, tr.43.

[24]Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục - Tập I, TLĐD, tr.949-950.

[25]         Huỳnh Lí (Chủ biên), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX, NXB Văn học, 1978, tr.592.

[26]         Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục - Tập IV, Nguyễn Thế Đạt... dịch, NXB Giáo dục, Việt Nam, 2006, tr.810-815.

[27]         Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục - Tập V, Đỗ Mộng Khương... dịch, NXB Giáo dục, 2006, tr.583.

[28]         N.Konrat, Phương Đông và Phương Tây, Trịnh Bá Đĩnhdịch, NXB Giáo dục, 1997, tr.263.

[29]         Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc - Tập I, NXB Văn hóa, 1997, tr.117.

[30]Lí Chung Cầm, Trí mệnh văn tự - Trung Quốc cổ đại văn họa chân tướng, TLĐD, tr.23.

[31]Lí Chung Cầm, Trí mệnh văn tự - Trung Quốc cổ đại văn họa chân tướng, TLĐD,tr.102.

[32]         Xem thêm: Lí Chung Cầm, Trí mệnh văn tự - Trung Quốc cổ đại văn họa chân tướng, TLĐD,tr.211-216.

[33]         Trương Chính..., Lịch sử văn học Trung Quốc - Tập II, NXB Giáo dục, 1963, tr.49.

[34]         Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc - Tập II, NXB Văn hóa, 1997, tr.196-197.

[35]         Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, 1998, tr.129-130.

[36]         Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục - Tập III, Ngô Hữu Tạo... dịch, NXB Giáo dục, 2006, tr.107.

[37]         Dẫn theo: Trương Đào, Liệt nữ truyện dịch chú, Sơn Đông đại học xuất bản xã, 1990, tr.1-2.

[38]         Bùi Duy Tân (Chủ biên)..., Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam thế kỉ X – XIX- Tập I,TLĐD, tr.206.

[39]         Phạm Văn Khoái, Khổng phu tử và Luận ngữ, NXB Chính trị Quốc gia, 2004, tr.215

[40]         Phạm Văn Khoái, Khổng phu tử và Luận ngữ, TLĐD, tr.216.

[41]         Phạm Văn Khoái, Khổng phu tử và Luận ngữ, TLĐD, tr.364.

[42]         Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỉ XVIII - hết thế kỉ XIX), NXB Giáo dục, 2005, tr.180.

[43]         Will & Ariel Durant, Bài học của lịch sử, Nguyễn Hiến Lê dịch, NXB Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh, 2006, tr.114.

[44]         Henri Benac, Dẫn giải ý tưởng văn chương, Nguyễn Thế Công dịch, NXB Giáo dục, 2005, tr.546.

[45]         I.X.Lixêvích, Tư tưởng văn học cổ Trung Quốc, Trần Đình Sử dịch, NXB Giáo dục, 2000, tr.154.

[46]         Xem thêm: Dương Phượng Thành, Thanh đại kỉ thực – Thiên cổ văn tự ngục, TLĐD, tr.84-87.

[47]         Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Nguyễn Đình Đầu... dịch, Công ti Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam - NXB Tri thức, 2011, tr.264-265.

[48]         Montesquieu, Tinh thần pháp luật, Hoàng Thanh Đạm dịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - NXB Giáo dục, 1996, tr.123.

[49]         Lí Chung Cầm, Trí mệnh văn tự - Trung Quốc cổ đại văn họa chân tướng, TLĐD, tr.10.

[50]         Henri Benac, Dẫn giải ý tưởng văn chương, TLĐD, tr.456.

[51]         Hoàng Thường, Bút họa sử đàm tùng, Bắc Kinh xuất bản xã, 2003, tr.117.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114563540

Hôm nay

2150

Hôm qua

2331

Tuần này

2481

Tháng này

222064

Tháng qua

129483

Tất cả

114563540