Những góc nhìn Văn hoá

Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể như một khía cạnh của văn hóa dân tộc [theo quan điểm của Hofstede]

Khía cạnh con người cá nhân và con người tập thể giúp xác định vai trò của cá nhân và nhóm trong xã hội.  Đây là câu chuyện liên quan đến văn hóa và phát triển vì đề cập trực tiếp đến nguồn lực con người từ khía cạnh đạo đức tâm lý.

Ở Việt Nam, trong một thời gian dài, khi viết về cái tôi cá nhân trong thơ mới và văn học lãng mạn nói chung, không ít nhà nghiên cứu có thái độ phê phán con người cá nhân. Trong đạo đức học, chúng ta tuyên truyền một cách nghĩ tiêu cực đối với chủ nghĩa cá nhân, coi đây là con người vị kỷ, ích kỷ, chỉ biết đóng kín tháp ngà cá nhân; ít có những nghiên cứu nghiêm túc về con người cá nhân mà thiên về đề cao con người tập thể. Từ năm 1942, Hoài Thanh nhận xét xã hội Việt Nam xưa không có cá nhân, cá nhân chìm đắm trong gia đình, quốc gia như giọt nước chìm đắm trong biển cả. Nhưng gần đây, một số nhà nghiên cứu, nhất là giới nghiên cứu văn học lại lên tiếng bảo vệ luận điểm cho rằng trong văn học Việt Nam ngay từ thời trung đại đã có con người cá nhân.

Câu chuyện con người cá nhân hay con người tập thể không còn là vấn đề thuần túy kinh viện của khoa văn hóa học, xã hội học hay tâm lý học mà liên quan đến cả văn học, đến cả vấn đề quan hệ giữa văn hóa và phát triển.

Bài viết đưới đây giới thiệu phương pháp tiếp cận vấn đề chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể của nhà nghiên cứu Geert Hofstede[1], có tham khảo một số quan điểm của một số nhà nghiên cứu khác. Hệ thống vấn đề mà nhà nghiên cứu này hình dung có thể phải thảo luận thêm, nhưng căn bản có góp phần hình dung một cách khoa học vấn đề phức tạp này.

1. Giới thuyết khái niệm con người cá nhân và con người tập thể:   

Geert Hofstede viết : “Phần lớn con người trên thế giới sống trong các xã hội trong đó quyền lợi của nhóm vượt lên trên quyền lợi cá nhân. Chúng ta sẽ gọi những xã hội đó là xã hội tập thể…Từ chủ nghĩa tập thể này ở đây không có sắc thái chính trị, nó không chỉ quyền lực của nhà nước đối với cá nhân mà chỉ quyền lực của nhóm” (Hofdtede 2010: 90-91).

Cuộc sống gia đình là cuộc sống trong nhóm đầu tiên mà hầu hết mỗi người đều trải qua. Theo Geert Hofstede, các nền văn hóa khác nhau có cấu trúc gia đình khác nhau. Ở những xã hội có tính tập thể cao nhất, gia đình trong đó đứa bé sinh ra, bao gồm nhiều thành viên sống rất gần nhau, không chỉ có cha mẹ và các con mà còn ông, bà, chú, thím, người giúp việc. Nhân học văn hóa gọi đó là gia đình mở rộng. Khi lớn lên, trẻ con học cách nghĩ về bản thân như là một phần của nhóm “chúng ta”-hay còn gọi là nội nhóm. Nhóm “chúng ta” khác với những người khác trong xã hội là những người thuộc về những nhóm “họ”-ngoại nhóm. Nhóm “chúng ta” (nội nhóm) là cội nguồn chính của bản sắc của con người và là sự bảo hộ an toàn cho con người đối diện những gian khó của cuộc đời. Nhưng người ta cũng phải có bổn phận suốt đời trung thành với nội nhóm của mình và vi phạm lòng trung thành này là điều tệ hại nhất với một người. Giữa một người và nội nhóm, có một mối quan hệ lệ thuộc phát triển cả về mặt thực tiễn và tâm lý (tr. 91).

Có một số xã hội ở đó quyền lợi cá nhân vượt trội quyền lợi của nhóm. Chúng ta gọi đó là các xã hội có tính cá nhân chủ nghĩa. Ở đó, phần lớn các trẻ em sinh ra trong những gia đình gồm cha mẹ và các con; trong một số xã hội kiểu gia đình một cha/mẹ ngày càng tăng, những người thân thuộc khác sống ở chỗ khác và thường là hiếm gặp. Kiểu gia đình này giới nhân học gọi là gia đình hạt nhân. “Những đứa trẻ lớn lên từ gia đình kiểu đó khi lớn lên chúng học cách nghĩ về bản thân như là “tôi”. Cái “tôi” này, bản sắc cá nhân của chúng, phân biệt với những cái ‘tôi” khác, và những người khác này được phân loại không phải theo tư cách nhóm viên  mà theo những đặc tính cá nhân” (tr.91). Chẳng hạn, đứa bé chọn bạn chơi theo sở thích cá nhân. Ở xã hội kiểu này, mục đích của giáo dục là giúp cho trẻ em đứng được trên đôi chân của chúng. Ở đây, ngay khi những đứa con có thể tự lập, chúng rời ngôi nhà cha mẹ. Không hiếm trường hợp sau khi rời nhà cha mẹ, những đứa con giảm thiểu quan hệ với cha mẹ xuống mức thấp nhất. Về cả mặt tâm lý lẫn thực tế, không một con người lành mạnh của kiểu xã hội này phải chịu phụ thuộc vào một nhóm” (tr. 91).

Geert Hofstede viết : “Chủ nghĩa cá nhân (individualism) liên quan đến các xã hội trong đó các mối quan hệ giữa các cá nhân là lỏng lẻo: mỗi người được chờ đợi tự chăm sóc mình và gia đình trực tiếp của mình. Còn chủ nghĩa tập thể như là cực đối lập liên quan đến các xã hội trong đó con người từ khi sinh đã hội nhập vào nội nhóm có liên kết rất chặt chẽ, cái nhóm sẽ suốt đời tiếp tục bảo vệ nó để đổi lấy lòng trung thành vô điều kiện” (tr.92).  Phương pháp xác định chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa tập thể ở đây là đặt con người trong các mối quan hệ xã hội và môi trường nói chung. Đây là chỗ thống nhất với các nghiên cứu khác[2].

2. Đo đạc mức độ của chủ nghĩa cá nhân trong các xã hội :

          Phương pháp xác định mức độ của chủ nghĩa cá nhân được Geert Hofstede sử dụng là đặt câu hỏi cho những người được phỏng vấn về mục đích làm việc (work goal). Câu hỏi như thế này : xin cho biết những yếu tố nào là quan trọng đối với bạn trong một việc làm lý tưởng.

Đối với những người theo chủ nghĩa cá nhân:

1) Thời gian cá nhân : một công việc nào đó cho bạn có thời gian dành cho cuộc sống riêng tư hay gia đình.

2) Tự do: có tự do đáng kể trong việc áp dụng phương pháp làm việc riêng của mình

3) Thách thức: có được công việc làm mang tính thử thách để mình có cảm nhận riêng về sự hoàn thành.

Lý do có thể hiểu : các tiêu chí thời gian cá nhân, tự do và công việc thách thức cá nhân đều nhấn mạnh tính độc lập của nhân viên đối với tổ chức, vì thế cho biết người chọn ba tiêu chí này thiên về chủ nghĩa cá nhân.

Những người thuộc về chủ nghĩa tập thể :

4) Đào tạo: công việc nào đó giúp bạn có cơ hội được nâng cao tay nghề hay được học một nghề mới.

5) Những điều kiện thể chất : có điều kiện làm việc tốt cho thể chất (thông gió, quạt mát, không gian làm việc đầy đủ…).

6) Sử dụng kỹ năng: sử dụng đầy đủ kỹ năng, năng lực của bản thân trong công việc.  

Ba tiêu chí này lại cho thấy sự phụ thuộc của nhân viên vào tổ chức, người chọn ba tiêu chí thiên về chủ nghĩa tập thể. Nhưng một hệ quả khác có liên quan đến phương diện này có thể rút ra: đó là các nước thiên về chủ nghĩa cá nhân thường giàu có, còn các nước thiên về chủ nghĩa tập thể thường nghèo[3]. Vì lẽ, ở các nước giàu có, chuyện đào tạo, điều kiện vật chất cho công việc hay sử dụng kỹ năng là chuyện mặc nhiên, không được đặt ra một cách ráo riết. Còn tại các nước nghèo, chúng không phải là chuyện mặc nhiên mà là dấu hiệu phân biệt công việc tốt với công việc không tốt, nên có tầm quan trọng lớn.

Một phương pháp khác để đo đạc con người cá nhân/tập thể  là xem xét các mối quan hệ nội nhóm và ngoại nhóm. Các nền văn hóa thiên về chủ nghĩa tập thể thiên về quan hệ nội nhóm, khép kín, có khuynh hướng văn hóa đối xử với con người trên cơ sở thuộc tính nhóm và dành cho người trong nhóm, người thân, bạn bè những quyền lợi ưu đãi trong khi gạt bỏ người khác nhóm kể cả xứng đáng. Trong khi cố gắng đạt được mối quan hệ hài hòa trong nội nhóm, nền văn hóa chủ nghĩa tập thể lại thờ ơ, lạnh nhạt, thậm chí có thể tàn nhẫn, thù địch với những người khác nhóm. Nhận xét này dễ thấy trong văn hóa ứng xử làng xã ở Việt Nam. Làng này phân biệt với làng kia bằng giọng nói, bằng thành hoàng làng, bằng lễ tục riêng, hương ước riêng, quan niệm sống “ta về ta tắm ao ta”, trai làng thù địch, xung đột với trai làng khác trong chuyện hôn nhân, tình yêu... Văn hóa tập thể chủ nghĩa từ nội nhóm nhỏ (gia đình, làng xã ) mở rộng thành nội nhóm lớn (các hội đồng hương huyện, tỉnh, vùng, miền cho những người đi xa). Trái lại, trong các nền văn hóa thiên về chủ nghĩa cá nhân, việc ứng xử với con người dựa trên cơ sở đó là một con người cá nhân bất kể người đó thuộc nhóm nào. Nhà nghiên cứu người Bungary Minsho gọi đó là “chủ nghĩa phổ quát” (universalism) và đặt tên cho chủ nghĩa tập thể là chủ nghĩa khép kín (exclusionism).

Quan hệ với người khác(other) là một tiêu chí quan trọng đo đạc con người tập thể /con người cá nhân. Một công trình nghiên cứu phỏng vấn sinh viên từ 23 nước bao gồm cả các nước có điểm số con người cá nhân cao và con người tập thể cao, cho thấy: sinh viên đến từ các nước có điểm cao về con người cá nhân chọn các giá trị ứng xử với người khác như sau: khoan dung với người khác; hài hòa với người khác; không ganh đua; một người bạn tâm tình, gần gũi; xứng đáng với sự tin cậy; thỏa mãn với vị trí của mình trong cuộc sống; đoàn kết với người khác; là người ôn hòa, bảo thủ.

Còn sinh viên đến từ các nước có văn hóa tập thể coi những giá trị sau đây là quan trọng :  đạo hiếu (kính trọng, vâng lời cha mẹ, sùng kính tổ tiên, giúp đỡ cha mẹ về tài chính); sự trinh trắng của phụ nữ; chủ nghĩa yêu nước.

Có một câu hỏi đặt ra : chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể là hai khía cạnh văn hóa hay chỉ là hai thái cực của một khía cạnh ? Điều này phụ thuộc vào điểm nhìn, vào việc chúng ta so sánh hai nền văn hóa với nhau hay so sánh các cá nhân trong một nền văn hóa.

Nếu so sánh các cá nhân trong một xã hội thì  sẽ thấy các thành viên khác nhau theo đuổi những giá trị cá nhân khác nhau; một người có thể có điểm cao về chủ nghĩa cá nhân ở yếu tố này, lại đồng thời có điểm cao chủ nghĩa tập thể ở yếu tố khác. Vậy thì khi ta so sánh giá trị của các cá nhân, chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cá nhân là hai khía cạnh tách biệt.

Nhưng nếu so sánh hai nền văn hóa thì phải tính điểm số trung bình của giá trị cá nhân trong lòng mỗi xã hội và tìm đặc trưng của mỗi xã hội như một tổng thể, bao gồm các thiết chế, khi đó sẽ thấy nếu mọi người trong một xã hội có điểm số cao về chủ nghĩa cá nhân sẽ đồng thời sẽ có điểm số thấp về con người tập thể. Tương tự, trong một xã hội mà mọi người có điểm số cao về chủ nghĩa tập thể thì đồng thời có điểm thấp về chủ nghĩa cá nhân. Khi đó, trong một xã hội (một nước), chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể là hai cực của cùng một khía cạnh văn hóa.

3. Mối quan hệ giữa chủ nghĩa cá nhân và khoảng cách quyền lực:

          Khái niệm khoảng cách quyền lực (power distance) được giới văn hóa học sử dụng để miêu tả vấn đề dân chủ trong một nền văn hóa. Giữa các thành viên xã hội có sự bất bình đẳng về khoảng cách tiếp cận quyền lực, người thì gần với quyền lực, người lại ở rất xa quyền lực. Những nền văn hóa có sự bất bình đẳng cao trong sự tiếp cận quyền lực được gọi là nền văn hóa có điểm số khoảng cách quyền lực cao và ngược lại, nơi có sự bình đẳng đối với sự tiếp cận quyền lực được gọi là nền văn hóa có điểm số khoảng cách quyền lực thấp.

          Nghiên cứu của Geert Hofstede cho thấy có những xã hội nơi điểm số về khoảng cách quyền lực cao đồng thời có điểm số về chủ nghĩa cá nhân thấp và ngược lại. Nói cách khác, có sự tỷ lệ nghịch giữa khoảng cách quyền lực và chủ nghĩa  cá nhân.

          Ở những nước nơi con người phụ thuộc vào nội nhóm thì đồng thời cũng phụ thuộc vào các nhân vật quyền lực. Phần lớn kiểu gia đình mở rộng có cấu trúc gia trưởng, người đứng đầu gia đình thực thi quyền lực đạo đức mạnh mẽ. Còn ở các nước con người ít phụ thuộc vào nội nhóm, thì họ cũng ít phụ thuộc vào các nhân vật quyền lực.

Tuy nhiên có thể có ngoại lệ: Các nước châu Âu Latin như Pháp và Bỉ là hai nước có khoảng cách quyền lực trung bình nhưng lại có điểm số chủ nghĩa cá nhân rất cao. Hoặc những nước có chủ nghĩa cá nhân trung bình nhưng khoảng cách quyền lực lại rất thấp. Costa Rica có khoảng cách quyền lực thấp mà chủ nghĩa tập thể mạnh…

4. Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể trong các cộng đồng khác nhau:

Do quan niệm văn hóa là phần mềm tinh thần được lập trình trong các quan hệ cộng đồng, Geert Hofstede phân tích con người cá nhân và con người tập thể trên các cấp độ cộng đồng khác nhau. Nguyên tắc làm việc ở đây là phân tích con người trong các mối quan hệ.  

4.1. Vấn đề chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa  tập thể trong gia đình :

          Thông thường, chủ nghĩa cá nhân gắn với kiểu gia đình hạt nhân, còn chủ nghĩa tập thể gắn với gia đình mở rộng. Gia đình là nội nhóm đầu tiên của hầu hết mọi người. Mối quan hệ giữa cá nhân và nhóm, cùng với những yếu tố nền tảng khác, con người học được trong cuộc sống gia đình. Gia đình kiểu Nhật Bản hay Việt Nam thuộc loại trung gian, vì chỉ có người con trai trưởng mới tiếp tục sống chung cha mẹ.

Có nhiều khác biệt giữa đứa trẻ sống trong gia đình mở rộng và gia đình hạt nhân. Một đứa trẻ sống trong gia đình mở rộng quen với ý nghĩ là thành viên của nhóm chúng ta, ít khi sống biệt lập so với những đứa trẻ sống trong gia đình hạt nhân. Một sinh viên châu Âu đi thực tập ở Malaysia về phàn nàn rằng các vị khách chẳng bao giờ để anh ta một mình, còn một sinh viên châu Phi đến Bỉ học tập lại than phiền là phải ở một mình trong phòng suốt cả quãng thời gian dài. 

“Trong các gia đình theo chủ nghĩa tập thể, trẻ em tập chịu đựng sự khó chịu từ người khác khi phát biểu ý kiến. Ý kiến cá nhân không tồn tại: các ý kiến được định trước bởi nhóm. Nếu có vấn đề mới phát sinh mà chưa có ý kiến của nhóm thì một dạng hội nghị gia đình sẽ được tổ chức trước khi thông qua ý kiến. Đứa bé nào bày tỏ ý kiến khác bị tập thể xem là hạnh kiểm xấu. Trái lại trong các gia đình theo chủ nghĩa cá nhân, bọn trẻ được hy vọng, khuyến khích phát triển ý kiến cá nhân còn đứa bé nào chỉ nói lại ý kiến người khác bị coi là tính cách yếu. Hành vi phù hợp với một tính cách mong muốn phụ thuộc vào môi trường văn hóa” (tr. 107).

Gia đình theo chủ nghĩa tập thể chia sẻ phúc lợi giữa các thành viên. Nếu có thành viên có việc làm thu nhập thì anh ta sẽ chia sẻ với người chưa có việc làm để góp phần nuôi sống cả gia đình. Một gia đình theo chủ nghĩa tập thể như gia đình Việt Nam có thể đầu tư cho một người đi học đại học, khi người này có việc làm, thu nhập sẽ được chia sẻ với các thành viên khác. Bổn phận với gia đình không chỉ dừng lại ở vấn đề kinh tế mà cả trên phương diện nghi lễ. Tang ma, hiếu hỉ đều là những sự kiện mà mọi thành viên gia đình phải tham dự. Những nhà quản trị doanh nghiệp châu Âu chưa hiểu văn hóa gia đình của chủ nghĩa tập thể thường nghi ngờ lý do xin nghỉ việc của nhân viên cho những dịp lễ tiết đó.

Ở các nước mà văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân,cha mẹ sẽ tự hào nếu con cái sớm kiếm được tiền và số tiền đó nó có quyền quyết định chi tiêu. Ở Hà Lan và nhiều nước Tây Âu, người từ 18 tuổi trở đi được coi là nhân tố độc lập về kinh tế, nhà nước cấp học bổng trực tiếp cho các em chứ không qua cha mẹ từ những năm 1980. Ở Mỹ, sinh viên vay tiền, đi làm thêm để có tiền học, kể cả không có trợ cấp nhà nước thì sinh viên cũng độc lập so với cha mẹ. “Trong các nền văn hóa thiên về chủ nghĩa cá nhân, hầu hết trẻ em được chờ đợi tách ra khỏi nhà và sống riêng khi bắt đầu học đại học. Trường hợp như thế rất hiếm trong các nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể”(tr.108).

Các nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể coi chuyện hôn nhân là của chung gia đình chứ không chỉ là chuyện của riêng hai bên nam nữ. Hôn nhân ở đây là quan hệ hợp đồng giữa hai gia đình chứ không phải giữa hai cá nhân nên người ta thường chú ý đến sự cần cù siêng năng, sự giàu có và sự trinh trắng của cô dâu. Cô dâu chú rể ít khi được có ý kiến trong việc lựa chọn bạn đời. Nhưng điều đó không có nghĩa là hôn nhân dàn xếp kém hạnh phúc. Chủ nghĩa cá nhân phương Tây cổ vũ các mối tình lãng mạn, điều sẽ khiến chuyện riêng tư trở nên phức tạp.

4.2. Ngôn ngữ, nhân cách và hành vi trong các nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cá nhân:

Các nghiên cứu cho thấy, trong các nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân,  đòi hỏi người nói phải dùng đại từ “tôi” khi nói chuyện. Còn các nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể cho phép bỏ  hoặc yêu cầu phải bỏ đại từ chủ ngữ.

Đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất được sử dụng trong các ngôn ngữ Tây Âu trong thơ từ thời trung đại, trong khi đó một câu tục ngữ Arập cùng thời nói “Cái Tôi ma quỷ phải bị nguyền rủa”. Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa cho thấy sự khác biệt văn hóa có nguồn gốc từ xa xưa, nên sự thay đổi không thể nhanh chóng. 

Francis Hsu nhận xét thấy Trung văn không có từ tương đương với từ personality của Anh văn. Personality trong Anh văn chỉ một thực thể riêng biệt là con người cá nhân. Còn chữ “nhân” người Trung Quốc dùng chỉ không những cá nhân mà cả môi trường văn hóa, xã hội làm cho cuộc sống của nó có ý nghĩa.

Trong các nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể, cũng có nói đến cá nhân nhưng người ta nhấn mạnh cá nhân trong quan hệ liên thuộc với người khác. Trong các nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân, người ta nhấn mạnh một cá nhân độc lập với mọi người.

Các nền văn hóa cá nhân cá nhân và tập thể chủ nghĩa có cách ứng xử khác nhau với tình trạng ốm yếu tàn tật. Ở nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa, người già yếu tàn tật lạc quan, không bằng lòng dựa dẫm vào nhà nước và không thích được giúp đỡ và lo cho tương lai theo cách có thể được[4].  

4.3. Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể trong trường học:

Mối quan hệ giữa cá nhân và nhóm được định hình trong ý thức trẻ em và tiếp tục phát triển và tăng cường ở nhà trường. Hành vi ở lớp học có thể thông báo về đặc điểm văn hóa của người học. Học sinh ở các nước có nền văn hóa chủ nghĩa tập thể, học sinh ngại phát biểu, trừ khi thầy giáo chỉ định, vì họ sợ nổi trội trước tập thể. Học sinh ở nền văn hóa chủ nghĩa tập thể cũng thường ngại phát biểu trong nhóm lớn, nhất là khi có thành viên lạ, ngoài nhóm. Nếu nhóm nhỏ hơn thì sự do dự giảm xuống. Vì thế tổ chức nhiều nhóm nhỏ là cách để học sinh tăng tính tích cực. “Trong một lớp học theo chủ nghĩa tập thể, đức hạnh hài hòa và giữ thể diện là việc được đề cao. Đối kháng và xung đột cần tránh, ít nhất là không làm ai đau đớn. Xấu hổ là cách hiệu quả để sửa chữa những người lỗi lầm. Tập thể nhóm sẽ uốn nắn nó. Lúc nào giáo viên cũng đối xử với học sinh như một thành viên của nội nhóm chứ không phải là một cá nhân riêng rẽ” (tr.118).

Trong lớp học ở nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân, học sinh được chờ đợi đối xử công bằng, không phụ thuộc vào tầng lớp xã hội. Tranh luận hay thảo luận công khai thường được coi là lành mạnh.

“Giữa xã hội theo chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể, mục đích giáo dục khác nhau. Trong một nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân, giáo dục nhằm chuẩn bị cho cá nhân một vị trí trong xã hội của các cá nhân khác. Điều đó nghĩa là học để đương đầu với những tình huống mới, không quen, bất ngờ. Có một thái độ tích cực căn bản trước cái mới. Mục đích của học tập là biết học như thế nào hơn là biết làm như thế nào (the purpose of learning is less to know how to do than to know how to learn)” (tr.119) .

Trong các xã hội theo chủ nghĩa tập thể, nhấn mạnh sự mô phỏng kỹ năng và đạo đức là những điều cần thiết để trở thành một thành viên được nội nhóm chấp nhận. Do đó có sự ưu tiên cho các sản phẩm truyền thống.

Bằng cấp cũng có giá trị khác nhau ở mỗi kiểu văn hóa. Trong xã hội theo chủ nghĩa cá nhân, người có bằng được nâng lương, có ý thức tự trọng về bản thân. Ở các nước theo chủ nghĩa tập thể, người có bằng cấp được tôn vinh trong nội nhóm, ví dụ, dễ chọn vợ hơn. Vì thế nên tầm quan trọng của bằng cấp ở đây lớn hơn ở các xã hội theo chủ nghĩa cá nhân. Người ta có thể tìm mọi cách kiếm tấm bằng, kể cả mua bán. 

4.4. Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể ở nơi làm việc:

          Trong xã hội theo chủ nghĩa tập thể, người sử dụng lao động không thuê người làm như một cá nhân mà như một người thuộc về nội nhóm. Người nhân viên sẽ hành động phù hợp với lợi ích chung của nội nhóm đó. Thông thường, người ta hay ưu tiên thuê mướn người họ hàng, bà con của chủ lao động, sau đó bà con của các nhân viên đã được tuyển dụng. Làm như thế để hạn chế rủi ro, lại lợi dụng tâm lý giữ danh dự cho gia đình. Nếu một nhân viên phạm lỗi thì do quan hệ họ hàng có tính tình cảm nên không bị sa thải. Người ta bổ nhiệm một nhân viên theo hiệu suất và kỹ năng. Các công ty Nhật Bản áp dụng cách giữ nhân viên làm việc suốt đời để đổi lấy sự trung thành của họ. Quản trị ở nền văn hóa chủ nghĩa tập thể  là quản trị nhóm. Người quản trị phải lưu ý đến sự khác biệt các nhóm chủng tộc và các kiểu nội nhóm trong công ty.

Còn trong xã hội theo chủ nghĩa cá nhân, nhân viên làm việc theo lợi ích riêng và tổ chức công việc sao cho kết hợp được lợi ích riêng cá nhân  và lợi ích của chủ sử dụng lao động. Quan hệ có tính gia đình tại nơi làm việc bị hạn chế, một số công ty còn có nội qui nếu một nhân viên cưới một nhân viên khác trong công ty thì một trong hai người phải ra đi. Quan hệ giữa nhân viên và chủ lao động là quan hệ giao dịch thương mại, là quan hệ tính toán giữa kẻ mua và người bán trên chợ lao động. Quan hệ mua bán này sẽ chấm dứt nếu nhân viên làm việc kém hay chủ hợp đồng khác đề nghị mức lương cao hơn. Việc quản trị ở xã hội theo chủ nghĩa cá nhân là quản trị các cá nhân.

          Những nước có văn hóa theo chủ nghĩa tập thể, việc mọi người gặp nhau hàng ngày tại nhà hàng được xem là điều bình thường, nhưng ở các nước văn hóa chủ nghĩa cá nhân thì người ta lại thích gặp nhau tại nhà hơn, đúng như người Anh vẫn nói “Nhà tôi là pháo đài của tôi”.

Vấn đề văn hóa xấu hổ hay văn hóa luật pháp cũng là một góc nhìn phân biệt nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể và văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân. Gia đình theo chủ nghĩa tập thể có khái niệm “xấu hổ” (shame). Văn hóa tập thể chủ nghĩa là văn hóa xấu hổ, kẻ nào phạm tội tự cảm thấy xấu hổ vì có cảm giác về bổn phận tập thể. Ở Việt Nam, lý do ‘sợ người ta cười cho”, sợ “mất mặt” đã có tác dụng ngăn chặn không ít những  điều không hay, không phải. Còn các nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân lại có khái niệm “chịu trách nhiệm” (guilt). Kẻ phạm tội cảm thấy tội lỗi vì được dẫn dắt bởi ý thức cá nhân từ bên trong. Trong tiếng Anh không có từ ngữ tương đương cho những khái niệm văn hóa Trung Quốc-một nền văn hóa thiên về chủ nghĩa tập thể- như “mất mặt” hay “giữ thể diện” (giữ mặt). Giữ thể diện (giữ khuôn mặt) chính là kết quả của ý thức sống trong môi trường xã hội tập thể.

4.5. Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tập thể và Internet

          Hầu hết các phương tiện và kỹ thuật thông tin hiện đại xuất phát từ Mỹ-một xã hội có mức độ chủ nghĩa cá nhân cao. Chúng là phương tiện kết nối giữa các cá nhân.

Bản thân thời gian sử dụng internet cũng là thời gian cá nhân.  Người ít dùng internet có nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè.

Bảng tổng hợp so sánh những khác biệt cơ bản giữa xã hội theo chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể  trong trường học, nơi làm việc và Internet

 

Chủ nghĩa tập thể

Chủ nghĩa cá nhân

Học sinh chỉ phát biểu khi có sự đồng ý của tập thể

Khuyến khích học sinh phát biểu một cách cá nhân trong lớp học

Mục tiêu giáo dục là học làm thế nào

Mục tiêu giáo dục là học cách học thế nào

Bằng cấp giúp tiến đến vị trí cao trong nội nhóm

Bằng cấp nâng cao địa vị kinh tế và sự tự trọng

Sự linh hoạt trong nghề nghiệp thấp

Sự linh hoạt trong nghề nghiệp cao

Nhân viên là thành viên của nội nhóm và theo đuổi lợi ích của nhóm

Nhân viên là những “con người kinh tế”, theo đuổi lợi ích của công ty khi phù hợp với lợi ích cá nhân.

Bổ nhiệm hay thăng cấp đều có tính đến nhân viên nội nhóm

Bổ nhiệm hay thăng cấp chỉ dựa trên kỹ năng và luật lệ

Quan hệ chủ-nhân viên là quan hệ có tính chất đạo đức, quan hệ gia đình

Quan hệ giữa chủ và nhân viên chỉ là quan hệ hợp đồng trên thị trường lao động

Quản trị là quản trị nhóm

Quản trị là quản trị các cá nhân

Đánh giá trực tiếp nhân viên làm hỏng đi quan hệ nhóm

Đào tạo quản trị dạy chia xẻ cảm xúc một cách chân thực

Khách hàng nội nhóm được đối xử tốt hơn (chủ nghĩa biệt lập)

Mọi khách hàng được đối xử như nhau (chủ nghĩa phổ biến)

Quan hệ cao hơn nhiệm vụ

Nhiệm vụ cao hơn quan hệ

Internet và email ít hấp dẫn và ít được sử dụng

Internet và email hấp dẫn và thường được dùng để kết nối các cá nhân

 

 

 

4.6. Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể với nhà nước

          Các mô tả thực tế các nền văn hóa  cho thấy chủ nghĩa cá nhân của công dân càng yếu thì vai trò thống trị của nhà nước càng có khả năng mạnh.  Ở các nước phương Tây, từ những năm 1990, chủ nghĩa cá nhân phát triển cao tạo nên một sức mạnh dẫn đến giảm thiểu vai trò của nhà nước, hoặc bãi bỏ chính sách, trong các hoạt động chi tiêu, đầu tư công; kể cả những lĩnh vực nhà nước vẫn độc quyền như cung cấp năng lượng và giao thông công cộng cũng đã phải tư nhân hóa, vì những lý do hệ tư tưởng hơn là lý do thực dụng.

Chính nước Anh, nơi có chủ nghĩa cá nhân phát triển, là quê hương của mô hình công ty cổ phần trách nhiệm hữu hạn. Đây là loại hình công ty hoạt động theo nguyên lý của tinh thần cá nhân, do những cổ đông khác nhau đồng sở hữu; họ kinh doanh phần vốn của mình qua sàn chứng khoán. Tinh thần cá nhân nhiều khi đe dọa hoạt động của nó nên lại nảy sinh một nghịch lý là thị trường tự do cần có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước.

Loại hình xã hội theo chủ nghĩa tập thể thường ủng hộ nền kinh tế do nhà nước quản lý. Ở Trung Quốc, ngay cả khi tự do hóa kinh tế, có những công ty cổ phần trách nhiệm hữu hạn thì chúng vẫn phục vụ lợi ích tập thể.  Quân đội, cảnh sát có những công ty, xí nghiệp riêng. Theo Geert Hofstede, các nhà chính trị học đã triển khai nghiên cứu trên nhiều nước về mối quan hệ giữa tự do báo chí với  chủ nghĩa cá nhân, dân chủ và phồn vinh kinh tế.

Quan niệm về quyền con người trong các xã hội tập thể và xã hội cá nhân cũng khác nhau. “Quyền có đời sống riêng tư cá nhân là đề tài trung tâm của nhiều xã hội theo chủ nghĩa cá nhân nhưng không được đồng tình trong các xã hội theo chủ nghĩa tập thể, vì ở đây chuyện nội nhóm can thiệp vào đời tư của cá nhân bất kỳ khi nào lại được coi là bình thường và đúng đắn”[5].

Phần mềm tinh thần đã được lập trình chi phối đến lĩnh vực quyền và pháp luật. Sống trong xã hội theo chủ nghĩa tập thể, từ gia đình, con người đã quen với trật tự hàng dọc trên dưới, phụ tử, trưởng ấu, huynh đệ, phu phụ.. Con người quen với tính chất không bình đẳng của luật pháp và quyền. Quá trình thay đổi để tiến đến nhận thức về sự bình đẳng của tất cả mọi người không phân biệt trước pháp luật và quyền sẽ diễn ra khó khăn và chậm chạp. Thực tế chứng minh việc can thiệp từ bên ngoài bằng tiền, bằng tuyên truyền, thậm chí bằng vũ lực để thay đổi xã hội tập thể chủ nghĩa có tác dụng hết sức hạn chế.

4.7. Lịch sử tư tưởng về chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể:

          Tranh luận về sự ưu việt của chủ nghĩa cá nhân hay của chủ nghĩa tập thể không đưa đến kết quả nào thuyết phục. Người Mỹ coi chủ nghĩa cá nhân là ngọn nguồn của sự phát triển đất nước nhưng Mao Trạch Đông lại coi chủ nghĩa cá nhân là ma quỉ.

          Nhưng phân tích mối quan hệ giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể với kinh tế có thể nhìn ra sự khác biệt. Các lý thuyết kinh tế đã từ lâu đặt vấn đề lựa chọn giữa chủ nghĩa cá nhân và cá nhân tập thể. Khoa học kinh tế hình thành ở Anh từ thế kỷ XVIII, mà Adam Smith (1723-1790) là một trong những người sáng lập. Ông đưa ra khái niệm “bàn tay vô hình” (invisible hand) để miêu tả sự tự điều chỉnh của thị trường do tác động của cá nhân. Các cá nhân tìm kiếm lợi nhuận tối đa mà không cần bàn tay can thiệp của nhà nước. Tư tưởng của ông là quan trọng vì nhấn mạnh những nỗ lực của con người cá nhân trong khi nhằm đạt được lợi ích của riêng mình sẽ làm tăng sự giàu có cho xã hội, dẫu cho những tham vọng của cá nhân có động cơ không cao thượng[6]. Mỗi cá nhân cố gắng đạt được lợi nhuận tối đa, nhưng con đường dẫn đến mục tiêu đó phải thông qua sự thỏa mãn nhu cầu của ai đó. Các nhà sản xuất hay kinh doanh, tưởng như có bàn tay vô hình dẫn dắt, đã hiện thực hóa lợi ích của toàn xã hội một cách tích cực, có hiệu quả và tình nguyện.  Con người cá nhân nhìn từ góc độ này là một phạm trù có ý nghĩa tích cực.

Ngày nay giới kinh tế học đã nhận thấy thị trường tự do cũng cần có sự điều tiết của nhà nước. Tuy nhiên, theo Geert Hofstede, Kinh tế học vẫn là một khoa học thuộc chủ nghĩa cá nhân và những nhà kinh tế học hàng đầu vẫn thuộc về các nước có chỉ số cao về chủ nghĩa cá nhân như Anh, Mỹ.  Cũng vì vậy mà các lý thuyết kinh tế được xây dựng từ thực tiễn các nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân khó mà áp dụng toàn diện vào các nước có văn hóa thiên về chủ nghĩa tập thể, nơi các giá trị của nhóm vượt trội. Hay nói cách khác, khi di chuyển một lý thuyết được khái quát từ nền văn hóa này  sang một nền văn hóa khác, cần tính hết các đặc điểm văn hóa khác biệt.    Bản chất con người có thể nhìn từ chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể. Theo “lý thuyết thứ hạng nhu cầu” (hierarchy of needs) của Maslow thì đứng trên đỉnh tháp nhu cầu con người chính là sự hiện thực hóa hết mức tiềm năng sáng tạo của cá nhân.  

4.8. Nguồn gốc của sự khác nhau giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể :

          Để tránh suy đoán chủ quan khi nói về nguồn gốc của sự khác nhau giữa hai nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa và tập thể chủ nghĩa, cần có thêm các số liệu thống kê về địa lý, kinh tế, lịch sử.

Giới nhân học nhận thấy từ thời nguyên thủy đến xã hội hiện đại, gia đình đã có sự thay đổi. Những người săn bắn hái lượm sống trong gia đình hạt nhân hay những nhóm nhỏ, đến giai đoạn nông nghiệp, lại sống trong gia đình mở rộng, tập trung thành làng xóm. Khi những nông dân di cư vào các thành phố lớn, qui mô của gia đình hạt nhân thu hẹp lại và gia đình điển hình ở đô thị lại quay lại gia đình hạt nhân. Ngày nay, trong phần lớn các nước chỉ có hai tiểu văn hóa là văn hóa  nông nghiệp và văn hóa đô thị. Hiển nhiên, nền văn hóa nông nghiệp tương ứng với văn hóa của chủ nghĩa tập thể, còn văn hóa đô thị ứng với văn hóa chủ nghĩa cá nhân. Hiện đại hóa phù hợp với cá nhân hóa. Những nước giàu có hơn thường là nơi có chủ nghĩa cá nhân phát triển. Riêng các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore là nơi có nền công nghiệp phát triển lại có chủ nghĩa tập thể rất mạnh.

Tuy nhiên, quá trình cá nhân hóa ở chính các nước ngoại lệ nói trên là không tránh khỏi. Ví dụ, khi kinh tế phát triển, những ngôi nhà nông thôn nơi các thành viên gia đình ngủ chung tất được thay bằng các căn hộ chia thành nhiều phòng ngủ riêng biệt cho các cá nhân…

Nhân tố địa lý cũng có ảnh hưởng đến quá trình hình thành con người cá nhân. Theo Geert Hofstede, ở các quốc gia có khí hậu lạnh giá, để sống còn, con người phải rèn luyện khả năng chống chọi để bảo vệ mình. Hoàn cảnh sống thúc đẩy người ta giáo dục trẻ em độc lập đối với những người khác. 

Qui mô dân số cũng liên quan đến con người tập thể. Các nước nghèo có xu hướng sinh nhiều con để cha mẹ đến tuổi già được các con giúp đỡ. Trẻ em sinh trong những gia đình đông con tất theo đuổi giá trị  của chủ nghĩa tập thể hơn là giá trị cá nhân.

4.9. Tương lai của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể :

          Nguồn gốc lâu đời của văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân hay cá nhân tập thể sẽ còn được bảo lưu trong thời gian dài.    

Nhưng mối quan hệ giữa chủ nghĩa cá nhân và sự phồn vinh kinh tế là sự thực hiển nhiên. Các nước đạt được sự phát triển kinh tế đang chuyển mình hướng về lựa chọn chủ nghĩa cá nhân.

Một số nước Đông Á phát triển về kinh tế vẫn bảo lưu nhiều yếu tố của chủ nghĩa tập thể trong gia đình, nhà trường, công sở. Một số nước Tây Âu có chủ nghĩa cá nhân cao nhưng quan hệ giữa cá nhân với nhóm ở mỗi nước vẫn khác nhau, chưa thể nói đến sự hội tụ.    

 

Một vài nhận xét:

          Trên đây chúng tôi đã giới thiệu những nội dung chính của quan điểm về chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể mà học giả Geert Hofstede trình bày. Có thể rút ra mấy nhận xét sau:

Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể là những giá trị văn hóa lớn đã định hình trong các nền văn hóa khác nhau.

Để nhận diện vấn đề con người cá nhân hay con người tập thể cần đặt vào các mối quan hệ xã hội, với các cộng đồng khác nhau. Đây là phương pháp tiếp cận vấn đề cần thiết cho khoa văn hóa học, khoa nghiên cứu văn học Việt Nam.

Chủ nghĩa tập thể là giá trị văn hóa có ý nghĩa xã hội nhiều mặt. Tuy nhiên, theo xu thế hiện đại hóa, công nghiệp hóa, con người cá nhân tỏ ra phù hợp với xu thế phát triển kinh tế hơn con người tập thể. Chủ trương phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam không thể không đề cao con người cá nhân. 

Chiến lược xây dựng con người cá nhân cần bắt đầu từ gia đình, nhà trường và các cộng đồng lớn nhỏ khác nhau.

 



[1]Geert Hofstede là nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng người Hà Lan. Các tư tưởng của ông được giới thiệu ở bài này chủ yếu lấy từ cuốn sách của ông và các cộng sự xuất bản năm 2010, Cultures and Organizations: Software of the Mind, McGraw-Hill eBooks.

[2]Chẳng hạn, để xét đoán cái tôi trong triết học Trung Quốc, trong mục “Hiểu biết cái tôi: Các mối quan hệ và ngữ cảnh”, viết “Trong triết học Trung Quốc, một cá nhân về căn bản là một cái tôi được thiết lập và định vị trong các quan hệ…Theo bức tranh về cái tôi trong triết học Trung Quốc, các mối quan hệ và môi trường chi phối phần lớn các giá trị, tư tưởng, niềm tin, hành vi và hành động của cá nhân” (xem Karyn L. Lai (2008), An Introduction to Chinese  Philosophy, Cambridge University Press, p.6).

[3]Cần chú ý đến tính phổ biến của nhận định và thừa nhận những ngoại lệ : trong bảng thống kê chỉ số con người cá nhân ở 76 nước (theo bảng hỏi về công việc),  Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan được 20 điểm, còn Đài Loan -17 điểm, Hàn Quốc 18 điểm, Nhật Bản 46 điểm (xem trang 97).

[4]Truyện ngụ ngôn của Florian “Anh mù và anh què” (L’aveugle et le paralytique) đã được Nguyễn Mạnh Hồng dịch in trên Nam phong, số 86, tháng 8/1924 có thể minh họa cho nhận định này. Hai người một mù một què nhưng họ không chịu bó tay ngồi than vãn mà với ý chí cá nhân, tìm cách thoát khỏi cảnh ngộ. Anh mù cõng anh què, anh què chỉ đường  đi kiếm sống.  Những người này trong cách nghĩ của xã hội Việt Nam có thể là đối tượng đáng thương, cần giúp đỡ.

[5]Nhận xét này rất phù hợp với thực tế Việt Nam. Trong bài thơ Chờ nhau, Nguyễn Bính ghi lại nỗi lo âu của cô thôn nữ khi biết dân làng đang theo dõi chuyện hẹn hò của cô và người yêu “Em nghe họ nói mong manh/Hình như họ biết chúng mình với nhau”. Bến không chồng của Dương Hướng kể chi tiết những áp lực của cộng đồng làng xã, họ tộc lên cá nhân. 

[6]Trong quyển 5, chương II, cuốn The Wealth of Nations (Luận về sự giàu có của các dân tộc), Adam Smith sử dụng ẩn dụ “bàn tay vô hình” khi nói về cá nhân : “Bằng sự ưu tiên hỗ trợ kinh doanh nội địa hơn là kinh doanh ở nước ngoài, anh ta chỉ nghĩ đến an toàn của chính mình; và nhắm việc kinh doanh sao cho tạo ra giá trị lớn nhất, anh ta chỉ nghĩ đến lợi ích của mình; và trong trường hợp này cũng như trong trường hợp khác, anh ta, do một bàn tay vô hình dẫn dắt, đã thúc đẩy cho một mục đích vốn không thuộc về dự định của anh ta. Chẳng phải bao giờ cũng tồi tệ cho xã hội nếu như mục đích đó không phải của riêng anh ta. Bằng việc theo đuổi lợi ích riêng, anh ta thường xuyên thúc đẩy xã hội phát triển có hiệu quả hơn cả khi anh ta có ý thức làm việc thúc đẩy đó”.  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114534229

Hôm nay

291

Hôm qua

2312

Tuần này

291

Tháng này

2114317432

Tháng qua

120069

Tất cả

114534229