Trên văn đàn Đông -Tây, Kim - Cổ, hiếm người lo xa cho vận mệnh mình sau khi chết như thi sĩ Nguyễn Du:
Trên văn đàn Đông -Tây, Kim - Cổ, hiếm người lo xa cho vận mệnh mình sau khi chết như thi sĩ Nguyễn Du:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Ba trăm năm nữa, ai đâu biết,
Thiên hạ ai người khóc Tố Như)
Không hiểu sau gần một trăm năm mươi nữa kể từ thời điểm hôm nay (năm 2012) còn có ai đọc Truyện Kiều và thương cho số phận thi nhân không? Còn hơn một trăm năm mươi năm sau cái chết thi nhân (1820) trở lại đây thì người ta khóc ông nhiều lắm. Người đời khóc ông cũng là một phần khóc cho thân phận ba chìm bảy nổi của Nàng Kiều - một “hồng nhan bạc phận”, “có tài mà cậy chi tài” - nhân vật điển hình cho người phụ nữ trong chế độ phong kiến với quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, đầy nhiễu nhương tai ách mà Nguyễn Du là một nhân chứng sống dám nói lên sự thật.
Cuộc đời và thân phận Nguyễn Du không có gì đặc biệt nếu so với những thi nhân nổi tiếng khác trên thế giới. Ông tự là Tố Như,hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn lạp hộ(Người đi săn ở núi Hồng) và Nam hải điếu đồ (Người đi câu ở biển Nam), Ôngsinh ngày 3 tháng 1 năm 1766 tại phường Bích Câu, Thăng Long. Thân phụ là Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775), sinh ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, làm quan đến chức Tể tướng, tước Thượng thư bộ Hộ triều Lê. Thân mẫu là bà Trần Thị Tần, con gái một người làm chức câu kế. Quê làng Hoa Thiều, xã Minh Đạo, huyện Tiên Du (Đông Ngàn), xứ Kinh Bắc, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Năm 1767, khi Nguyễn Du mới một tuổi, Nguyễn Nghiễm được thăng Thái tử Thái bảo, hàm tòng nhất phẩm, tước Xuân Quận công, nên Nguyễn Du thời đó sống trong giầu sang phú quý. Năm 1783, Nguyễn Du thi Hương ở trường Sơn Nam, đậu Tú tài. Ông lấy vợ là con gái Đoàn Nguyễn Thục và ông được tập ấm chức Chánh thủ hiệu hiệu quân Hùng hậu của cha nuôi họ Hà ở Thái Nguyên.
Năm 1789 Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh. Đoàn Nguyễn Tuấn hợp tác với Tây Sơn, giữ chức Thị lang bộ Lại. Lúc này Nguyễn Du về ở quê vợ Quỳnh Côi, Thái Bình.Tháng mười, năm 1791, anh thứ tư cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh do chống Tây Sơn nên bị bắt và bị giết, dinh cơ họ Nguyễn ở Tiên Điền Hà Tĩnh bị Tây Sơn phá hủy. Năm 1793, Nguyễn Du về thăm quê Tiên Điền và đến cuối năm ông vào kinh đô Phú Xuân thăm anh là Nguyễn Đề đang làm thái sử ở viện cơ mật và anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn. Năm 1794 Giáp Dần, Nguyễn Đề được thăng Tả phụng nghi bộ Binh và vào Quy Nhơn giữ chức Hiệp tán nhung vụ. Đến năm 1795 Nguyễn Đề đi sứ sang Yên Kinh dự lễ nhường ngôi của vua Càn Long nhà Thanh, đến năm 1796 trở về được thăng chức Tả đồng nghị Trung thư sảnh. Mùa đông năm 1796, Nguyễn Du trốn vào Gia Định theo chúa Nguyễn Ánh nhưng bị Quận công Nguyễn Thận bắt giam ba tháng ở Nghệ An. sau khi được tha ông về sống ở Tiên Điền.
Mùa thu năm 1802, Vua Gia Long diệt nhà Tây Sơn. Nguyễn Du ra làm quan Tri huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Mấy tháng sau thăng tri phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (nay thuộc Hà Nội). Năm 1803, Nguyễn Du được cử lên ải Nam Quan tiếp sứ nhà Thanh sang phong sắc cho vua Gia Long. Năm 1805 Ất Sửu ông được thăng Đông các đại học sĩ (hàm Ngũ phẩm), tước Du Đức hầu và vào nhậm chức ở kinh đô Phú Xuân. Năm 1807 được cử làm giám khảo kỳ thi Hương ở Hải Dương. Mùa thu năm 1808 ông xin về quê nghỉ.Năm 1809 ông được bổ chức Cai bạ (hàm Tứ phẩm) ở Quảng Bình. Năm Quý Dậu 1813 ông được thăng Cần chánh điện học sĩ và được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh. Năm 1814 ông đi sứ về, được thăng Hữu tham chi bộ Lễ (hàm Tam phẩm). Năm Bính Tý (1816), anh rể Nguyễn Du là Vũ Trinh vì liên quan đến vụ án cha con Tổng trấn Nguyễn Văn Thành nên bị đày vào Quảng Nam. Năm 1820 Gia Long qua đời Minh Mạng nối ngôi. Lúc này Nguyễn Du được cử đi làm chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong nhưng ông bị bệnh dịch chết ngày mồng 10 tháng 8 năm 1820 (âm lịch), thọ 54 tuổi. Năm 1824, di cốt của ông được cải táng về quê nhà là làng Tiên Điền, Hà Tĩnh[1].
Suốt cả cuộc đời, Nguyến Du chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực quan trường, ông bận rộn với nhiều công việc khác nhau do triều Nguyễn giao phó. Việc làm thơ đối với ông chỉ là thú vui và nỗi buồn muốn ghi lại những cảm hứng nhất thời và những suy tư trăn trở của bản thân về nhân tình thế thái. Nguyễn Du sống vào buổi giao thời giữa chữ Hán và chứ Nôm, do vậy văn thơ của ông được viết bằng cả hai thứ ngôn ngữ này.
Những tác phẩm bằng chữ Hán của Nguyễn Du gồm 249 bài thơ được sắp xếp như sau: Thanh Hiên thi tập (Tập thơ của Thanh Hiên) gồm 78 bài, viết chủ yếu trong những năm tháng trước khi làm quan nhà Nguyễn. Nam trung tạp ngâm (Ngâm nga lặt vặt lúc ở miền Nam) gồm 40 bài, viết khi làm quan ở Huế, Quảng Bình và những địa phương ở phía nam Hà Tĩnh. Bắc hành tạp lục (Ghi chép linh tinh trong chuyến đi sang phương Bắc) gồm 131 bài thơ, viết trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc.
Tác phẩm bằng chữ Nôm của Nguyễn Du gồm Đoạn trường tân thanh (Tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột), gồm 3.254 câu thơ theo thể lục bát, về sau được gọi gọn lại là Truyện Kiều (lấy theo tên nhân vật chính của truyện). Nội dung của truyện phỏng theo tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân[2]. Cốt truyện xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi quyết định bán mình chuộc cha của nàng Kiều. Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh) viết sau một mùa dịch khủng khiếp làm hằng triệu người chết, khắp non sông đất nước âm khí nặng nề, và ở khắp các chùa, người ta đều lập đàn giải thoát để cầu siêu cho hàng triệu linh hồn. Tác phẩm được làm theo thể song thất lục bát, gồm 184 câu thơ chữ Nôm. Thác lời trai phường nón, 48 câu, được viết bằng thể lục bát. Nội dung là thay lời anh con trai phường nón làm thơ tỏ tình với cô gái phường vải- một trong những cách tỏ tình phổ biến của dân xứ nghệ thời đó trong những buổi tối gió mát trăng thanh với những câu hò từ ngõ trên xóm dưới. Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ, 98 câu, viết theo lối văn tế, để bày tỏ nỗi uất hận vì mối tình với hai cô gái phường vải khác. Trong những tác phẩm trên, Truyện Kiều chiếm một vị trí quan trọng đưa ông trở thành Đại thi hào dân tộc - đó là lý do để năm 1965, nhân dịp 200 năm ngày sinh, UNESCO công nhận ông là danh nhân văn hóa thế giới.
Sinh trưởng trong một giai đoạn lịch sử dân tộc đầy ắp các sự kiện - thời đại có đủ cả hùng tráng và bi tráng, lãng mạn và đau thương. Ngoài biên ải Quân Thanh dày xéo xâm lược, trong nước nhà Trịnh - Nguyễn phân tranh, Nguyễn Du đứng giữa đôi dòng nước, lưỡng lự trong lựa chọn, ông đành phải cuốn theo chiều gió, phó mặc cuộc đời cho số phận như nhân vật chính của Truyện Kiều:
“Cũng liều nhắm mặt đưa chân,
Mà xem con Tạo xoay vần đến đâu” [3].
Cuối cùng, ông lựa chọn Triều Nguyễn mà không theo Tây Sơn, mặc dù lúc đó Nguyễn Huệ đại diện cho lực lượng cấp tiến của xã hội. Nhưng chính trường dường như là cái cớ để ông che đậy mục đích và ý nghĩa cuộc đời. Cả cuộc đời ông từ khi dấn thân vào chốn quan trường cho đến phút lâm chung là để trải nghiệm hoàn cảnh: “Bên ngoài cười nụ, bên trong khóc thầm”. Thân xác ông làm quan cho triều đình nhưng tâm hồn ông lại khóc cho thập loại chúng sinh, những người sống trong cảnh màn trời chiếu đất, còn chết thì không được chôn cất dù chỉ bằng một manh chiếu rách. Ông khóc cho thân phận của những kẻ ăn xin đầu đường xó chợ, khóc cho những cô hồn một năm trường chỉ đến rằm tháng bảy mới có một bữa ăn bố thí là những thìa cháo hoa múc trên lá đa bỏ dọc lề đường. Nhưng đáng chú ý nhất trong những thân phận ấy vẫn là hoàn cảnh éo le, bèo dạt mây trôi của cảnh nàng Kiều.
Mở đầu truyện thơ là việc khắc họa chân dung nàng Kiều, con gái một viên quan ngoại ngạch, với “gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung”. Nàng có một sắc đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” và học đủ “cầm, kỳ, thi, họa”. Số phận của nàng dường như được báo trước trong một buổi tảo mộ tiết thanh minh. Như một định mệnh, nàng gặp nấm mồ hoang của Đạm Tiên - một “ca nhi” đã từng “nổi danh tài sắc một thì”, nhưng “nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương”, để rồi trở nên “bụi hồng một nấm mặc dầu cỏ hoa”. Nghe cha mình kể lại số mệnh người nằm dưới nấm mồ, nàng Kiều thảng thốt:
“Đau đớn thay phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
Phũ phàng chi bấy Hóa công
Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha
Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay thác xuống làm ma không chồng”[4]
Toàn bộ ý nghĩa Truyện Kiều dường như tựu trung lại ở mấy câu này. Tiếng khóc của Kiều cho thân phận Đạm Tiên, không ngờ cũng là tiếng khóc dự báo cho thân phận của chính nàng. Bởi sau đó không lâu, khi tình yêu giữa nàng và chàng Kim Trọng đang đến thì chớm nở thì bỗng nhiên:
“Một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ,
Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây”[5]
Tình thế đẩy Kiều vào sự lựa chọn: “Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn?”. Câu hỏi đặt ra mang tính tình thế, nhưng sự lựa chọn của nàng cũng thật nhanh chóng và dứt khoát: “Quyết tình, nàng mới hạ tình. Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!”. Cuộc đời Nàng lưu lạc, ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh từ sự lựa chọn mang tính truyền thống đó, để rồi sau mười lăm năm trải nghiệm cuộc đời của một cô gái giang hồ, luôn sống trong cảnh “bên ngoài cười nụ, bên trong khóc thầm”, “khi tỉnh rượu lúc tàn canh, giật mình mình lại thương mình xót xa”, để rồi sau khi gặp lại chàng Kim, vấn đề mới được đem ra bàn lại:
“Xưa nay trong đạo đàn bà,
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường:
Có khi biến, có khi thường,
Có quyền, nào phải một đường chấp kinh
Như nàng lấy Hiếu làm Trinh
Bụi nào cho đục được mình ấy vay”[6]
Mười lăm năm sống lưu lạc của nàng Kiều là một bản cáo trạng lên án chế độ phong kiến đương thời, một chế độ “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, coi thường thân phận của người phụ nữ, xem thân phận họ như những hạt mưa rơi. Người đời đọc Truyện Kiều có thể quên đi tất cả, song hầu như không ai có thể quên câu: “Đau đớn thay phận đàn bà”. Câu thơ như một mệnh lệnh đòi giải phóng phụ nữ. Không biết vô tình hay hữu mà Nguyễn Du có duyên gặp gỡ, làm quen và dường như có tình ý với bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương - một thi sĩ muốn làm cuộc nổi loạn giải phóng giới như nữ văn sĩ hiện sinh Simone de Beauvoir nước Pháp sau này.
Truyện kiều ra đời như sản phẩm của hai nền văn hóa Trung - Việt, người ta tiếp cận và tiếp nhận nó bằng nhiều cách khác nhau, tùy theo hệ quy chiếu từng người và từng thời đại[7]. Nhưng có một điều không thể phủ nhận được đó là giá trị hiện thực của tác phẩm qua tiếng kêu nàng Kiều. Nàng Kiều là một nhân vật điển hình có tên có tuổi, có gia thế, còn trong các tác phẩm như Độc Tiểu Thanh ký, Long thành cầm giả ca, Thái Bình mại ca giả, Nguyễn Du khóc cho thân phận của những người kỹ nữ nói chung với những vần thơ mà đến nay đọc lại ta vẫn còn cảm giác đứt gan đứt ruột:
Cũng có kẻ nhỡ nhàng một kiếp,
Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa,
Ngẩn ngơ khi trở về già,
Ai chồng con tá biết là cậy ai?
Sống đã chịu một đời phiền não,
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa,
Đau đớn thay phận đàn bà,
Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu?
Trở lại vấn đề về nỗi lo của thi sĩ Nguyễn Du không hiểu sau ba trăm năm nữa còn ai khóc mình không? Thưa hương hồn thi nhân, nỗi lo của ông đã được đền đáp một cách xứng đáng bởi nhiều tiếng khóc của thập loại chúng sinh. Người đời khóc ông với nhiều tâm trạng khác nhau. Có người hết sức thông cảm: “Nửa đêm qua huyện Nghi xuân, bâng khuâng nhứ cụ, thương thân nàng Kiều”[8], có người trách mắng: “Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm”[9]. Nhưng một trong những tiếng khóc có ý nghĩa thực tế nhất thuộc về nhà thơ Nhà thơ quân đội Vương Trọng, người Trung Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Năm 1982, nhân chuyến đến thăm mộ cụ, chứng kiến cảnh ngôi mộ rất đơn sơ, trống vắng, Vương Trọng xúc động viết bài thơ Bên mộ cụ Nguyễn Du:
Tưởng rằng phận bạc Ðạm Tiên
ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Ðiền nằm đây
Ngẩng trời cao, cúi đất dày
Cắn môi tay nắm bàn tay của mình
Một vùng cồn bãi trống trênh
Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề
Hút tầm chẳng cánh hoa lê
Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non
Xạc xào lá cỏ héo hon
Bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi
Lặng im bên nấm mộ rồi
Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm
Không cành để gọi tiếng chim
Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời
Không vầng cỏ ấm tay người
Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu
Thanh minh trong những câu Kiều
Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân
Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân
Phong trần còn để phong trần riêng ai
Bao giờ cây súng rời vai
Nung vôi, chở đá tượng đài xây lên
Trái tim lớn giữa thiên nhiên
Tình thương nối nhịp suốt nghìn năm xa...
Tiếng khóc người lính mới từ mặt trận trở về như có sự linh thiêng, vang đến tận âm cung, nhập vào linh hồn người quá cố, rồi từ đó vọng lên dương gian nơi ông yên nghỉ, làm động lòng trắc ẩn chính quyền sở tại. Nhiều cuộc họp của các cấp chính quyền diễn ra xoay quanh chủ đề bài thơ, để rồi, ít lâu sau, khi Vương Trọng quay lại thì thấy ngôi mộ đã được xây khang trang, có người sớm hôm nhang khói như khách thập phương trông thấy bây giờ. Nhân đây, người viết bài này cũng thưa với hương hồn cụ Nguyễn rằng, đầu thế kỷ XX, tư tưởng khai sáng châu Âu (Enlightenment) như một làn gió mát đã tràn sang phương Đông, xua tan bóng đêm trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào tiềm thức con người ở phương trời này qua hàng ngàn năm trị vì của chế phong kiến. Người phụ nữ hiện nay không còn thân phận “hạt mưa sa”, “mây trôi, bèo dạt” như thời cụ đang sống nữa, mà đã có quyền ngang với “giới mày râu”, họ đã được nhân dân tín nhiệm bầu vào những chức vụ nhà nước, thậm chí có người đứng trên bục cao nhất của quyền lực. Người phụ nữ hiện nay cũng hiểu “chữ trinh” khác xưa lắm rồi. Họ nghe lời khuyên của cụ, nên nổi lên làm một “sex revolution” (cuộc cách mạng tình dục), xóa bỏ những quan niệm lỗi thời phong kiến để tự giải phóng mình. Tình dục không nhất thiết phải gắn với tình yêu, còn tình yêu không còn trói buộc với hôn nhân như thời phong kiến. Tuy nhiên đôi lúc, đôi nơi vẫn còn những hiện tượng đáng buồn như nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, v.v. Và tiếng kêu: “Đau đớn thay phận đàn bà” vẫn còn văng vẳng ở đâu đó …³
[1] Theo Wikipedia - Nguyễn Du.
[2] Thanh Tâm Tài Nhân là một nhà văn Trung Quốc đời nhà Thanh (khoảng thế kỷ 17), tác giả tiểu thuyết Kim Vân Kiều. Ông tên thật là Từ Văn Trường, tức Từ Vị, ông còn có một số bút danh khác là Thiện Tri, Thanh đằng, Điền Thủy Nguyệt. Ông học giỏi, hiểu biết rộng nhưng lận đận chốn quan trường, bèn làm mặc khách của Hồ Tôn Hiến
[3] Truyện Kiều, câu 1115, 1116
[4] Truyện Kiều, câu 83-88
[5] Truyện Kiều, câu 589- 590.
[6] Truyện Kiều, câu 1115-3120.
[7] Xem:Hành trình Truyện Kiều từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XXI, Lời nói đầu cuốnTruyện Kiều (Khảo -chú - bình), Trần Nho Thìn (chủ biên), Nguyễn Tuấn Cường. NxbGiáo dục, Hà Nội2007
[8] Thơ Tố Hữu.
[9] Thơ Nguyễn Công Trứ.
264
2347
21709
227934
122920
114560391