1. Mùa lụt 1983 tôi ghé Huế, tình cờ gặp nhà thơ Thu Bồn đang uống rượu ở nhà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Anh đang sướng vì câu nói ngây thơ và rất nên thơ của bé Hoàng Dạ Thi: “Huế vừa đi vừa tím”. Thu Bồn thú nhận rằng, anh đã đến Huế nhiều lần, và cũng bị ám ảnh về “Huế tím”, nhưng không thể nào hình dung ra được “Huế vừa đi vừa tím” rất xuất thần như vậy. Anh bảo, thơ ca lạ lùng nhất là nó phát ra từ cặp mắt và tâm hồn trẻ thơ, và khen Hoàng Dạ Thi là một “thi sĩ đại tài thiên bẩm”. Khi rượu đã ngấm men, tình càng thúc gọi, anh rủ tôi đi bộ qua cầu Gia Hội sang Chi Lăng thăm cô gái anh mới quen, cô Châu. Cô Châu mắt to, mũi cao, da ngăm, có dáng thể thao khỏe mạnh, vui vẻ đón chúng tôi. Ngồi uống nước trước bàn thờ còn đọng ngấn nước sau trận lụt mới vừa lui, Thu Bồn bảo chính ngấn nước ngập bàn thờ ấy đã “xui” anh viết được bài thơ về lụt Huế, rồi anh đọc rất xúc động bài thơ ấy. Tôi nhớ có câu thật ấn tượng: “Một phen cóc nhái nhảy lên bàn thờ”. Nhưng có lẽ bài thơ hay nhất anh viết về Huế lại là bài “Tạm biệt” anh viết sau đó mấy hôm.
Bởi vì em dắt anh lên thăm ngôi đền cổ
Chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu.
Anh thổ lộ với tôi, Em trong bài thơ là một cô gái có thật. Tôi đoán cô Châu. Anh cười hiền.
Người yêu thơ ở Huế không ai không thuộc bài thơ này. Bài thơ có hai câu rất xuất thần về Huế – sông Hương.
Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.
Sau này anh tục huyền với nghệ sĩ Lý Bạch Huệ, trong các cuộc rượu với Thu Bồn, anh em Huế thường đùa anh, đọc trệch chữ Huế thành ra Huệ bằng giọng Huế thật dễ thương: “Sông chảy vào lòng nên Huệ rất sâu”. Đến hai câu kết bài thơ “Tạm biệt Huế với chiếc hôn thầm lặng – Anh trở về hóa đá phía bên kia”, anh em lại đùa anh: “Anh trở về hóa đá ở trong bia”. Đá ở đây là nước đá và bia ở đây là bia anh vẫn hay uống, chứ không phải là “trăm năm bia đá thì mòn”. Điều đó chứng tỏ bài thơ “Tạm biệt” của Thu Bồn đã trở thành bài thơ ngôn truyền hết sức độc đáo.
Có một điều thú vị là khi đưa in bài thơ này, có một chữ đã được thay đổi so với “bản gốc” mà tôi được ghe anh đọc lần đầu ở câu: “Tạm biệt Huế với em là vĩnh biệt”, thành ra “Tạm biệt Huế với em là tiễn biệt”. Tôi nghĩ rằng, trong trực giác, Thu Bồn đã biết trước một tình yêu không thành và anh đã gieo vào lòng mình hai chữ “vĩnh biệt” nhưng hình như nói thế sợ xui xẻo, nên anh đã đổi thành tiễn biệt, nó đẹp và còn mang theo chút hi vọng trở lại với “Em”, với Huế. Bây giờ bài thơ đã tròn 20 tuổi, và Thu Bồn đã mãi mãi vĩnh biệt Em, vĩnh biệt Huế, vĩnh biệt thế gian này, hai từ Vĩnh biệt trong bản gốc bài thơ anh viết bỗng cứ ám ảnh trở lại trong tôi. Và tôi bỗng nhớ cô Châu mắt to, mũi cao… Mười năm trước tôi gặp cô bán hàng quần áo thùng cạnh đường Lê Lai thành phố Hồ Chí Minh, bây giờ Châu đang ở đâu? Bây giờ chắc cô còn nhớ câu thơ thật đẹp trong bài thơ “Tạm biệt” của Thu Bồn.
Nón rất Huế mà đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng.
Không biết hôm đưa Thu Bồn đi thăm thủ Huế, cô Châu có đội nón bài thơ Huế không nhỉ? Hay đấy chỉ là một ấn tượng chung về những chiếc nón bài thơ xứ Huế đã nhập vào thơ anh?…
2. Năm 1985 vào ngày đổi tiền, tôi và Thu Bồn lang thang trên đường phố Hà Nội, không đồng xu dính túi, mà lại thèm ngồi nhâm nhi chén rượu với nhau. Thu Bồn tháo đồng hồ tay và lấy chiếc mũ cối bộ đội của tôi đi bán cho con phe để lấy tiền uống rượu, nhưng con phe cũng từ chối. Anh quyết định “đẩy” chiếc xe máy vec-pa, nhưng người hẹn mua không tới. Liền rủ tôi đến nhà nhà văn Ngô Thảo xúc mấy kí gạo ra chợ Âm Phủ đổi lấy rượu và thịt chó. Thế là bạn bè kéo đến uống rượu, đọc thơ. Tối hôm ấy, tôi và Thu Bồn ngủ trên sân thượng nhà Nguyễn Thụy Kha (cùng ngõ với Ngô Thảo). Ngủ trên sân thượng thật mát mẻ, phóng khoáng, nhưng quá nửa đêm trời đổ mưa. Sợ phiền vợ chồng Kha, tôi và anh cuốn chiếu xuống hành lang cạnh cầu thang ngủ tiếp. Nào ngờ cản đường chuột chạy. Một con chuột cống đã cắn vào trán Thu Bồn, tóe máu. Sáng ra, vợ Kha hốt hoảng, tìm bông băng băng lại vết thương cho anh. Ngô Thảo thương quá, tổ chức một tiệc rượu để “chia buồn” với thi sĩ bị chuột cắn. Cuộc rượu toàn những nhà thơ nhà văn lính. Bỗng có hai cô gái Hà Nội rất xinh đến thăm “thương binh”, họ ào vào ngồi hai bên tả hữu Thu Bồn mà… rót rượu. Nhà nghiên cứu phê bình Đào Thái Tôn xuất hiện, đòi ngồi cạnh Thu Bồn để “nghiên cứu” vết thương trên trán anh, nhưng hai cô gái quyết cố thủ. Họ Đào thất thế, bỗng xuất thần đọc câu thơ sáu chữ trả miếng hai cô gái:
Anh ngon đến chuột cũng thèm!
Câu thơ xuất thần bất ngờ được vỗ tay tán thưởng, khiến hai cô đỏ mặt, vội nhường chỗ cho họ Đào ngồi bên Thu Bồn để “nghiên cứu” vết thương và rượu làng Vân.
Sau hôm đó tôi làm bài thơ “Những nhà thơ lính” đề tặng Thu Bồn, có hai câu kết:
Không phải khách ăn theo không phải thợ gặt giùm
Những nhà thơ qua máu lửa chiến trường!
3. Vâng! Thu Bồn là một nhà thơ lính thực thụ. Anh tên thật là Hà Đức Trọng, sinh ngày 1.12.1935 tại Quảng Nam, nơi có con sông Thu Bồn cát trắng dâu xanh mà anh lấy làm bút danh để tạ ơn quê hương mình. Anh gia nhập quân đội cuối cuộc kháng chiến chống Pháp sau vài năm đi dạy học, và trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, anh bám trụ ở chiến trường Trung Trung Bộ cho đến ngày đất nước thống nhất mới về làm biên tập ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Anh là nhà thơ rất nổi tiếng với tập trường ca Bài ca chim Chrao (1964) được trích giảng trong sách giáo khoa, đoạt giải thưởng Hoa Sen của hiệp hội nhà văn Á-Phi và giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu. Anh đã xuất bản nhiều tập thơ, đặc biệt là đã in hàng loạt trường ca dài hơi như Cămpuchia hi vọng, Bazan khát, Oran 76 ngọn, v.v… đồng thời anh cũng là một nhà văn xuôi sung bút với nhiều tập tiểu thuyết viết về chiến tranh và cách mạng như Chớp trắng, Dưới đám mây màu cánh vạc, Xa cảng miền Tây, Đỉnh núi, v.v… Thơ văn anh có thể ví với dòng sông đầy ghềnh thác, cuộn xiết và réo gọi. Tâm hồn anh luôn khỏe mạnh, vạm vỡ. Anh là một người khai phá trên các ngọn núi đời sống, cày xới tung lên cả đất tốt và đất sỏi bạc màu. Đất tốt và đất xấu anh đều gieo hạt văn thơ và gặt hái bội thu sau những mùa gieo vãi. Ngòi bút anh găm sâu vào những đề tài mang tính anh hùng ca, nhưng cũng chan hòa máu lệ trong những bi thương, đau khổ của kiếp người. Có lúc nghe anh ngâm thơ mà tưởng như anh đang khóc:
Lấy khăn mà gói bơ vơ
Tay cầm nước mắt sững sờ chiêm bao.
Có khi lại thấy anh như một kẻ đa tình tài hoa:
Thôi đừng cong nữa làn mi
Trời sinh con mắt khỏi đi đường vòng.
Trong một bài thơ tự họa tặng tạp chí Cửa Việt viết năm 1990, Thu Bồn tự nhận mình là “Con Xà Mâu tội nghiệp”.
Lấy xó tối cạnh nhà làm tổ ấm. Ta cẩn thận vòng quanh để bước vào giấc ngủ mà không bao giờ ngủ. Con ruồi lượn trước mắt ta, con kiến cắn bụng ta, con bọ chó chui vào mũi ta, con mèo đến giỡn cấu giấc ngủ ta.
… Ta là con Xà Mâu… làm sống giấc ngủ ngon của bao người chủ mới.
… Ta là con Xà Mâu xếp hạng cùng phường chó hoang, chó chạy rong, chó ghẻ, chó điên, chó ngộ… là mục tiêu cho những chiếc dây thừng… Những tay săn hồ bắn tỉa, nén vòng chịt tiếng sủa ta từ trong cổ họng – tiếng sủa trung bình trở thành phản phúc – con Xà Mâu bị mai phục giữa hai làn đạn chéo súng cực nhanh.
… Hãy cất giấu tiếng kêu vào bức vách trời xanh, ta nằm nghiêng trên bờ biển đông trên đầu muôn ngọn núi khỏa sóng lân tinh với trăng sao…
Đấy là bài thơ Thu Bồn viết vào thời kì Đổi mới, ngẫm ngợi về con người mình, con người tự nguyện hiến dâng cho sự nghiệp, nhưng cũng là sự chia sẻ tận đáy lòng với những con người tận trung, tận hiếu. Tôi còn nhớ khi chúng tôi đưa in bài thơ này của anh trên tạp chí Cửa Việt, anh đã cảm động rơi nước mắt. Quả thật như vậy, Thu Bồn là một nhà thơ quân đội, không màng chức tước, bổng lộc. Anh sống thật với mọi người, ngang tàng, khí phách và thật giàu tình cảm. Cả đời anh xả vào thơ văn, ộc vào thơ văn và thăng hoa vào thơ văn. Nhờ thế mà thơ văn anh cuồn cuộn, bay bổng và khoan sâu vào tâm thức yêu nước yêu người…
4. Người ta thường tiếu lâm về cái tính tằn tiện của người khu Năm, nhưng với Thu Bồn thì khác. Có tiền là anh nghĩ đến việc tổ chức cuộc vui cho bạn bè. Hồi tôi còn ở Huế, Thu Bồn vào sống ở Sài Gòn, một dịp đi qua Huế, anh đưa một xe bạn bè vào nhà tôi và tuyên bố với vợ tôi là sẽ bày cuộc nhậu ở đây. Vợ tôi đang lúng túng vì tôi đang vắng nhà, anh bảo vợ tôi vào bếp nổi lửa lên, còn anh thì mang vào một lồng gà và mấy kí thịt bò mua dọc đường. Và Thu Bồn xắn tay lên làm bếp. Khi tôi về thì đã thấy một bữa tiệc linh đình bày ra trên sàn nhà lát gạch. Anh bảo tôi gọi bạn bè Huế đến nhậu. Nhậu xong, anh mang chiếc cát-sét ra bật nhạc lên và… nhảy. Thu Bồn thích nhảy những điệu nhảy Mĩ – Latinh, khiến cả căn phòng nhộn nhịp như một vũ trường.
Năm 1998, tôi từ Hà Nội vào Đà Nẵng dự hội nghị văn học miền Trung, ở cùng phòng với Thu Bồn. Tôi kiểm tra ví của anh. Anh bảo: “Thu Bồn giờ túi hết tiền, bút hết mực, súng hết đạn rồi. Buồn lắm!”. Tôi thấy thương anh quá, đưa anh ít tiền tiêu vặt. Sáng hôm sau, tôi cùng Thanh Thảo, Nguyễn Thụy Kha đến thăm một tổng biên tập báo, được nhận một số tiền đặt viết bài. Chúng tôi gom lại đưa cho Thu Bồn. Anh cảm động lắm. Nhưng tối hôm đó, anh đã dùng tất cả số tiền ấy mua một chai rượu Tây loại xịn mở ra mời mọi người cùng uống. Tôi trách anh. Anh nói nhỏ nhẹ với tôi: “Tao thấy chúng nó thèm rượu quá mà chẳng đứa nào chịu chi. Hình như chúng nó cũng chẳng có tiền đâu Tạo ạ”.
Lại nhớ một lần vào Sài Gòn, tôi rủ Thu Bồn đến quán bia 81 Trần Đức Thảo, nơi anh em văn nghệ vẫn thường lui tới. Tôi gọi một can bia hơi, Thu Bồn ngăn lại. Anh bảo chỉ gọi hai li và một đĩa đậu phộng thôi. Tôi ngạc nhiên. Anh bảo: “Ta chỉ gọi cò mồi thôi. Lát nữa chúng nó tới, không đủ sức mà nhậu đâu”. Quả đúng như vậy, một lát sau anh em văn nghệ tới, người gọi bia, kẻ gọi đồ nhậu cứ tưng bừng như nhà có đám. Trịnh Công Sơn vừa gọi 10 lon bia ken ứng với số tiền trong túi, thì Trần Tiến đã gọi một thùng đặt vào bàn rồi cáo lui vì có việc bận. Không biết trong cuộc nhậu, Thu Bồn đã hò hẹn thế nào mà tối hôm đó tại nhà Thu Bồn ở số 6 Đặng Thái Thân tụ hội gần 20 người bạn. Bữa tiệc ấy do anh làm đầu bếp cùng với mấy chị rất xinh đẹp đều là vợ của bạn anh. Lại đọc thơ, lại hát. Tôi còn nhớ, Trịnh Công Sơn khen bộ bàn ghế bằng gốc dừa của Thu Bồn thật dễ thương. Thế là sáng hôm sau anh thuê xe chở cả bộ bàn ghế ấy đến nhà họ Trịnh tặng bạn…
5. Có lẽ nhiều người phái đẹp yêu anh không chỉ vì anh là một thi tài nổi tiếng, mà còn vì lối sống rất đàn ông “quân tử” của anh. Tôi không biết nhiều về những người phụ nữ yêu anh hay được anh yêu, nhưng thú thật là tôi có biết. Bây giờ anh vừa nằm xuống mà kể ra, e mình bị coi là người đưa chuyện. Nhưng phải nói thật rằng, tình yêu của anh nói chung là rất đáng yêu. Có lần, anh nhờ tôi đến Viện Ngôn Ngữ đưa thư cho một người con gái, hẹn cô đến nhà bạn dự tiệc. Lúc ấy tôi mới thấy một cô gái Hà Nội đẹp đến thế, có thể nói là “nghiêng nước nghiêng thành”. Cô tỏ ra mừng rỡ khi nhận được thư mời của Thu Bồn. Và cô nhận lời ngay, không hề phải giả vờ kiểu cách. Còn Thu Bồn thì cứ đi ra đi vào ở ngõ nhà bạn lóng ngóng như một kẻ si tình. Nghe nói người yêu cũ của Thu Bồn rủ bạn gái đến nhà cô gái ấy đánh ghen. Cô bạn vào nhà “thám thính” xong, chạy ra nói với người yêu cũ của anh: “Nó đẹp như thế thì mày đánh ghen làm gì. Thôi, về đi!”.
Tôi có hỏi Thu Bồn, tại sao anh lại thay người yêu như thay áo vậy? Anh bảo: “Thu Bồn thích một tình yêu tự do, mà tìm mãi chưa gặp được”. Có lẽ vì thế mà đôi lúc, anh biến tình yêu thành một trò đùa kì quái. Đó là lần anh tổ chức một cuộc tiệc gặp gỡ bạn hữu tại Văn Nghệ Quân Đội. Vừa nâng li lên, anh tuyên bố giọng rất nghiêm trọng (cũng là một cách đùa của Thu Bồn): “Hôm nay là đám cưới của hai chúng tôi – Anh chỉ vào một người phụ nữ xinh đẹp đã có chồng – Xin mời thầy Hiến nói lời chấp thuận cho!”. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến bị “bỏ bom” bất ngờ, nhưng thật hóm hỉnh, ông nói: “Hôm nay thầy chúc cho hai con tự do”. Ai cũng biết đấy là đùa, là vui. Vậy mà hôm sau đã có lời đồn đại. Nhà thơ Thu Bồn vừa cưới vợ! Quả là chuyện yêu đương của Thu Bồn chẳng khác gì huyền thoại thời hiện đại…
6. Từ khi có Lý Bạch Huệ, Thu Bồn vẫn rong chơi lãng tử, nhưng chỉ khác là trong các cuộc vui gần nhà hay xa nhà, hai người cứ dính vào nhau như hình với bóng. Lý Bạch Huệ là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, và khi đã chấp nhận Thu Bồn thì không quản rong chơi. Và làm nữa. Có lúc cả hai người phải đi “rao bán” lịch để sống. “Rao bán” lịch mà “trúng” thì vui lắm. Những ngày tháng này, Thu Bồn như khỏe hơn. Anh vác đá vác đất đắp nền dựng nhà ở suối Lồ Ồ, cạnh một cái chùa. Mấy nghìn mét đất bên chùa trở thành nhà cửa đúng “gu” Thu Bồn. Nhà xây và nhà tre nứa. Chất đầy tranh tượng phong cách Tây Nguyên. Và chum chóe, vò lớn vò bé. Trang trí cung tên, súng săn, đầu trâu, đầu ngựa, sừng hươu, sừng nai. Cứ như một bảo tàng nghệ thuật dân tộc học. Cổng to, sân rộng, có thể đậu hàng chục ô tô bạn bè đến thăm viếng vui chơi…
Bỗng Thu Bồn bị tai biến mạch máu não. Tuổi sáu lăm đang phong độ bỗng sụp xuống như một con voi ngã bệnh. Đủ các loại thầy thuốc xắn tay cứu chữa. Cuối năm 2001, tôi và Nguyễn Thụy Kha vào thăm mộ Trịnh Công Sơn ở chùa Quảng Bình nghĩa trang Gò Dưa, ghé suối Lồ Ô thăm Thu Bồn. Chúng tôi đến sau 1 giờ gọi điện thoại. Ô tô vừa đến cổng đã thấy Thu Bồn đứng giữa sân dang hai tay lên trời như muốn ôm chầm lấy cả chiếc ô tô. Nguyễn Đình Toán nhảy khỏi xe chụp ảnh lia lịa về cuộc gặp gỡ này. Thu Bồn đưa chúng tôi đi thăm khắp vườn, lên nhà trên, xuống nhà dưới, vào tận phòng ngủ của hai người. Trên đầu giường vẫn để một khẩu súng ngắn và mấy viên đạn đồng vàng sẫm. Thu Bồn nói rằng, anh chưa bao giờ rời khẩu súng này. Để làm gì. Để nhớ Lính, và để ngừa kẻ trộm. Nhưng kẻ trộm đã lẻn vào khuân đi khá nhiều tranh tượng quí giá của anh. Biết chúng tôi đến, nhưng Lý Bạch Huệ không kịp về. Chị đang mải đi tặng thơ, bán thơ Thu Bồn vừa xuất bản tận trên Biên Hòa.
Thu Bồn lấy một bình rượu quí bảo tôi rót mời mọi người nâng li. Thu Bồn cũng nâng li nhưng anh chỉ nhấp môi chứ không dám uống. Bệnh tật đã cướp đi của anh cái thú vui mãn tính. Thu Bồn nhìn chúng tôi uống rượu, chợt cười buồn…
Xe chúng tôi rời cổng nhà anh, anh vẫn đứng giữa sân dang hai tay lên trời. Mái tóc bạc trắng bay tung trong gió. Nụ cười sáng giữa lởm chởm râu bạc.
7. Ngày 17.6.2003, tôi về Huế dự lễ kỉ niệm 20 năm tạp chí sông Hương. Đêm thơ Sông Hương người ta ngâm thật hay bài thơ “Tạm biệt” của Thu Bồn khi biết tin anh đang hôn mê. Sáng hôm sau, đọc báo đã thấy tin anh qua đời. Tôi lại nhớ những dòng thơ tự họa “con Xà Mâu tội nghiệp”.
Ánh sáng róc rách, ánh sáng xoa bóp, ánh sáng vỗ về, ánh sáng râm ran mạch máu, ánh sáng tủy năng, ánh sáng hồng cầu, ánh sáng đại não, ánh sáng thần kinh – Ánh sáng là Em. Khối ánh trăng đã đọng thành da thịt, thành vai em, ngực em, đùi em, noãn sào (buồng trứng)… cả hằng hà sa số đợi chờ anh.
Vâng! Thu Bồn đã nhập vào ánh sáng, nhập vào vũ trụ. Anh nhập vào phía Nam anh hòa vào phía Bắc, anh bay về trong dâu xanh cát trắng nước trong của dòng sông quê mẹ hay trên những ngôi đền cổ xứ Cố Đô… Câu thơ của hai mươi năm trước anh viết khi xa Huế, giờ đã trở thành định mệnh của đời anh.
Tạm biệt Huế với em là vĩnh biệt
Vĩnh biệt anh, Thu Bồn – Hà Đức Trọng!
Huế, 19 – 6 – 2003