Những góc nhìn Văn hoá

Văn chương Phan Bội Châu phản ánh tư tưởng và hành động của Phan Bội Châu

Nói đến Phan Bội Châu, chúng ta nghĩ đến nhà hoạt động cách mạng chống Pháp hơn là nhà viết văn. Sự thực, ở Phan Bội Châu thì nhà hoạt động cách mạng với nhà văn không tách rời nhau. Mà theo như lời của Phan nói trong quyển “Phan Bội Châu niên biểu” thì thời gian Phan giành cho việc trước thuật nhiều hơn là thời gian giành cho hoạt động cách mạng chống Pháp. Vì có lúc ba bốn năm liền, về hoạt động cách mạng thì không có gì, còn việc viết văn thì chưa khi nào sao nhãng.

Cho nên đối với văn chương Phan Bội Châu, chúng ta cần phải chú ý nhiều.

Những người trong chúng ta đã sinh ra và lớn lên trong khoảng đầu thế kỷ XX, nhất là ở Nghệ-Tĩnh, ai mà không biết một vài câu văn thơ của Phan Bội Châu, hoặc bằng hán văn, hoặc bằng quốc văn, hán văn nhiều hơn quốc văn. Những câu văn câu thơ mà người ta hay nhớ và thường đọc phần lớn không phải văn thơ suông mà là những câu có quan hệ đến thời đại, nó phản ánh cái tư tưởng của Phan Bội Châu đối với thời cuộc. Thời đại Phan Bội Châu từ lúc sinh ra đến thời tráng niên là lúc thực dân Pháp bắt đầu chiếm Nam bộ dần dần theo lối tằm ăn lá dâu kéo quân chiếm Bắc bộ rồi xâm phạm Kinh đô để đạt mục đích thôn tính cả nước ta bằng bản hòa ước cuối cùng 1884, là năm Phan Bội Châu 17 tuổi.

Là một người thấm nhuần nho giáo một cách sâu sắc, từ thuở bé, Phan Bội Châu đã có cái tư tưởng làm một người “Nam nhi” cho xứng với cái danh nghĩa của nó, nghĩa là phải xem việc đời là việc của mình. Một thầy học Phan đã ra cho Phan một câu đối: Nhật nguyệt hai vừng treo trước mắt thì Phan đã đối lại: Giang sơn một gánh nặng trên vai.

Ở Nghệ-Tĩnh có phong tục trai gái hát đối với nhau, gọi là hát ghẹo hay là hát phường vải (vì rằng ở nhiều nơi con gái vừa dệt vải hoặc vừa kéo sợi vừa hát). Đây thường là chỗ người ta dùng những lời trêu hoa dỡn  nguyệt để trai gái tình tự với nhau, thế mà Phan vẫn nhân cơ hội nô đùa này mà tỏ chí khí của mình bằng những câu:

Hai vai một gánh giang san,

Làm cho nhi nữ biết gan anh hùng.

Cố nhiên các bạn phụ nữ nghe câu hát của Phan cũng đã trả lời lại với những câu khác xứng đáng với đối phương:

Hai vai một gánh sơn hà,

Cho anh hùng biết đàn bà nước Nam.

Thế thì từ lúc thiếu niên, thanh niên, Phan đã cho rằng công việc của non sông đất nước là công việc của chính mình; mình sẽ không làm một người tầm thường mà sẽ làm một người anh hùng yêu nước, cứu nước.

Do cái lập chí cao như thế cho nên đương lúc một bọn sĩ phu đang đua nhau thi cử đậu đạt để ra làm quan, hoặc ít ra để chiếm một địa vị trong hương thôn, thì Phan chỉ nghĩ đến làm việc gì để lưu danh hậu thế. Phan đã nhắc lại câu thơ của Viên Mai để tự ví mình:

          Mỗi bữa những mong ghi sử sách

Lập thân hèn nhất ấy văn chương[*]

          Phan không muốn nhờ văn chương cử tử để làm chỗ xây dựng tương lai của bản thân mình, mà mỗi bữa cơm chỉ lo làm sao cho tên mình sau này được lịch sử ghi chép lại. Hai câu thơ trên, lúc đã về già, ngồi chép lại tiểu sử của mình trong ngôi nhà Bến Ngự, Phan vẫn lấy làm thú vị là đã cũng được Nguyễn Ái Quốc thưởng thức.

          Khi bị án “hoài hiệp văn tự”[†], Phan vào Huế để tìm kiếm bạn đồng tâm thì bài phú “Bái thạch vi huynh” của Phan [‡] đã giới thiệu Phan với các nhà giỏi về Hán học tại kinh đô, trong có Nguyễn Thượng Hiền là một người cả nước biết tiếng. Hai câu sau đây là tiêu biểu:

Ba sinh lấp bể có lòng, chưa quên nhờ bác; một mảnh vá trời ra sức, nay lại gặp anh[§].Tuy câu này có vẻ tầm chương trích cú, dùng chữ bể chữ trời để gò với chữ đá (thạch) của đầu đề theo lối chơi chữ của văn chương xưa, nhưng đây cũng là một dịp để tác giả nói lên cái chí vá trời lấp bể của mình. Trong bài phú này, người ta đã hạn ra bảy vần: “Thạch diệc năng khôn tín khả nhân” mà Phan chỉ làm sáu vần, bỏ vần “nhân” sau không làm. Vì vậy sau khi bài này chuyển đến tay Đặng Nguyên Cẩn là một người học giỏi mà lại cũng là một người yêu nước, thì Đặng sau lúc tỏ lời tán thưởng bài phú, đã phê vào bài của Phan: “Quân hầu mục hạ vô nhân = nhà ngươi dưới mắt không người”, câu này nghĩa là khinh người. Phan Bội Châu có khinh người hay không? Không và có. Phan không khinh cả mọi người đâu, không khinh những người yêu nước ghét thù. Nhưng bài phú của Phan sẽ được ai đọc? Sẽ được những người có nho học đọc. Trong hạng nho học lúc bấy giờ, có người nuôi lòng yêu nước, chí diệt thù, những người đó là đồng chí của Phan, Phan sẽ coi trọng, còn những người học giỏi thi đậu mà lại dửng dưng với thời cuộc, chỉ muốn chọn con đường vinh thân phì gia, thậm chí có kẻ lại làm tay sai cho địch, hạng người này thì Phan khinh. “Mục hạ vô nhân” của Phan là đối với các “nhân” như thế. Đặng Nguyên Cẩn sau này sẽ là bạn thân tâm huyết của Phan, lúc đó phải chăng đã trong thấy rõ tâm trạng của Phan.

Phan thi hương đậu Giải nguyên[**] vào khoa Canh tý (1900). Người khác mà được như thế thì đã lo đi thi hội, hoặc lo ra làm quan, đã tự đắc với cái kết quả học tập của mình, còn Phan thì sau khi đậu đã lấy làm xấu hổ và tự vịnh một câu liễn:

Không như ý thường tám chín việc, ngoài rèm tức giận ngọn Tây phong;

Thổi sáo lẫn trong ba trăm người, trước cửa thẹn thùng chàng Nam Quách.

Phan đồng ý với thế tục, cho rằng người ta ở đời trong mười việc có tám chín việc không như ý, mà đối với Phan, việc không như ý đó là vì ngoài rèm có ngọn gió Tây, gió Tây theo nghĩa bóng bẩy ở đây là chỉ thực dân Pháp từ phương Tây lại. Phan sở dĩ phải đi thi và phải đậu đạt không phải do ý muốn của mình, chẳng qua cũng như chàng Nam Quách ngày xưa không biết nghề thổi sáo mà lại phải thổi sáo. Chỉ vì lúc thất cơ lỡ vận mà phải phải lẫn lộn trong ba trăm người thổi sáo để kiếm ăm. Nhưng lúc chủ nhân nhìn biết tình hình, bắt mỗi người tách ra thổi sáo riêng, thì Nam Quách không thể đánh lộn sòng được nữa. Phan ở vào lúc mà kẻ sĩ đang chiếm ưu thế trong xã hội, nếu không có “cao khoa hiển hoạn”[††] thì không có danh vị gì để nói cho người ta nghe. Thế thì thi đậu đối với người khác là một con đường lập công danh, còn đối với Phan chỉ là một việc nhục nhã, nhưng cần phải đi qua để về sau có thể thực hiện ý muốn của mình mà thôi.

Kinh nghiệm bản thân của Phan đã chứng minh điều đó. Bài hịch “Bình Tây thu Bắc” mà Phan làm ra lúc Phan 16 tuổi, đang là cậu San[‡‡] vào năm 1883 là năm Pháp đánh Hà Nội lần thứ hai, có được ai để ý đâu. Bài hịch gián lên trên cây đã bị người ta đọc qua rồi xé đi. Một cậu bạch diện thư sinh nói có hay đến đâu cũng chẳng ai thèm để ý. Phan cũng nhận thấy Phan Đình Phùng, Phạm Bành, Tống Duy Tân… sở dĩ gây được một ít thế lực chống Pháp là trước hết nhờ có quan cao chức trọng. Lúc người ta đang coi trọng các người khoa mục, mà Phan muốn được tín nhiệm, nhật định phải có một chức phẩm gì. Phan phải “thổi sáo lẫn trong ba trăm người”, chỉ vì lẽ ấy.

Trước khi định xuất dương đi cầu viện bên Nhật bản, Phan đã tỏ ý chí của mình trong bài phú Trương Lương tử Hán Vương qui Hàn[§§], Phan đã mượn Trương Lương mà nói ra tình cảnh của mình:

Chỉ giận ngàn vàng bỏ uổng, chưa trừ được kẻ thù; cũng may tấc lưỡi hãy còn, quyết làm xong chí cả.

Câu ấy đã làm cho ta thấy rằng trong kế hoạch Phan dùng để đánh kẻ thù, ngoài thiết chiến ra, còn có phần bút chiến và thiệt chiến[***].

Cũng trong bài phú ấy Phan đã mượn lời lẽ Trương Lương nói với Hán Cao Tổ để tự mình cảnh cáo với giặc Pháp:

Đi một bước tình sâu như bể, chàng Lưu Bang chưa hẳn biết ta; ngẫm tương lai việc lớn tày trời, khách Ba thục ngăn sao được tớ!”

Sống trong nước dưới quyền thống trị của thực dân với tay sai, Phan nhận thấy:

Núi sông thẹn với nước nhà

Trên là tượng gỗ dưới là thân trâu

Phan cảm thấy mình chim trong lồng cá trong chậu, nên lúc lên chiếc tầu thủy ra khơi bến Hải Phòng, thì trong lòng lấy làm tự phụ, cho mình sẽ làm theo ý kiến của mình mà không ai ngăn được trời đất cũng không ngăn được.

Sinh làm nam tử phải kỳ đời.

Há để càn khôn tự chuyển dời

Trong khoảng trăm năm cần có tớ;

Bốn ngàn năm nữa há không ai?

Non sông đã chết còn thêm nhục;

Hiền thánh còn đâu học cũng hoài!

Muốn vượt bể đông theo gió chạy;

Muốn trong sóng bạc thảy đều bay.[†††]

          Cái chí làm người Nam tử của Phan, đến đây Phan thấy đã thực hiện được một bước.

Tuy vậy lúc ra nước ngoài, không phải mọi việc đều thuận lợi. Đã có lúc vì tiếp tế ở nhà không tới mà ở đất khách quê người thì chưa quen biết được ai, nên tám, chín anh em có lúc đã phải đổi tên đổi tuổi làm việc lao động để độ nhật:

          Hồng đơn ngựa chiếc chín anh em;

Muôn nước ngàn non nhiều tên tuổi

          Nhất là sau khi hội Duy tân thất bại, Phan và các bạn đông du đã bị Nhật trục xuất, Phan phải bán sách để tự nuôi sống và nuôi sống một số anh em. Con đường cứu nước diệt thù, Phan cảm thấy bế tắc. Lúc đó một mối sầu mênh mông không bờ bến đập vào đầu não Phan, và Phan thốt ra những lời rất não nuột:

          Dựa lầu buồn ngó phía nam xa;

Ruột rối như mây chẳng gỡ ra.

Mưa rải canh khuya người khóc vắng;

Bóng tà trăng sớm nhạn về thưa.

Lửa đâu không đốt sầu cho hết;

Gió lại mang theo giận đến mà.

Ngó cảnh dở cười mà dở khóc,

Đồng bào như thế xót gì ta.

          Một điều mà ta nhận thấy trong bài này, là dầu ở trong cảnh buồn rầu chưa thấy con đường thoát, Phan cũng vẫn hòa mình vào với đồng bào, cho cái cực khổ của mình hòa lẫn với cái cực khổ chung của quốc dân.

          Nói về văn chương cổ động cách mạng, tuyên truyền cách mạng, thì văn Phan Bội Châu có một sức động viên rất mạnh, làm cho người ta xúc cảm, sôi sục.

Bài “Lưu cầu huyết lệ tân thư” là quyển sách Phan viết ra đầu tiên để tuyên truyền cổ động các quan lại chống Pháp, có những câu xin tạm dịch như sau:

Dân tộc Việt Nam ta ơi, dân tộc ta sẽ tuyệt diệt, vì các ông vua muốn lấy cái uy quyền chuyên chế mà tuyệt diệt ta!

Dân tộc Việt Nam ta ơi, dân tộc ta sẽ tuyệt diệt, vì chính ta lại muốn lấy cái vô ý thức của ta mà tự diệt lấy ta!

Các câu này có tác dụng làm cho mọi người cảm thấy mình đang ở trong một tình trạng sắp nguy vong mà phải lo tự cứu gấp, không thì sẽ bị tiêu diệt.

Bài “Hải ngoại huyết thư” từ Trung Quốc gửi về do Lê Đại dịch ra quốc văn có những câu đầy giọng lâm li khảng khái làm cho người đọc thương cảm mà sinh lòng tự ái.

Nói đến lòng tin tưởng vào nhiệt tâm của mình, Phan viết:

Vặt gan máu mà nấu canh, chúa trời đều xét;

Góp tinh thành mà làm sặt (tên), vàng đá cũng tan.

Nói đến tâm trạng một người đi xa nhớ nước, Phan viết:

                   Bốn ngàn năm nước mẹ nước cha, hồn về chăng nhớ!

Ngoài muôn dặm quê người đất khách, mộng vẫn mơ màng.

          Để gợi lòng căm tức đối với kẻ thù, Phan đã tả cách đối xử của chúng như sau:

                             Họ coi mình như trâu như chó,

                             Họ xem mình như cỏ như rơm.

                             Trâu xem béo, cỏ xem rờm,

                             Cỏ đem cắt cỏ, trâu làm thịt trâu.

Khi trách mắng bọn quan lại chỉ biết vinh thân phì gia, Phan nói:

                             Ngày mong mỏi vài con ấm tử,

Đêm vui chơi một lũ hầu non.

Trang hoàng gác tía đài son,

Đã hao mạch nước lại mòn xương dân.

Đoạn khuyên cả nước đồng tâm có mấy câu:

Gió tanh bốc mũi khó ưa,

Kiếm sao cắp nách mà ngơ cho đành!

Hòn máu nóng chất quanh đầy ruột,

Anh em ơi xin tuốt gươm ra,

Có giời có đất có ta,

Đồng tâm thế ấy mới là đồng tâm!

Do cái tư tưởng muốn tất cả mọi người nổi dậy võ trang đánh giặc, Phan để ý đến những người đã quen dùng gươm dùng giáo, đã biểu lộ cái hung hãn của mình vào những chỗ không đáng hung hãn, như:

Bóp vú dọc đường, vì hồng nhan mà lưu huyết;

Múa quyền tiệm rượu, sính tự do giữa ban ngày[‡‡‡]

Phan muốn những hành động này chỉ nên quay về phía địch mà không nên lúc nào cũng dùng.

Phan Bội Châu, hay là phái Phan Bội Châu, lại rất để ý đến hạng người trông quí phái, cho rằng họ đã chịu ơn vua lộc nước thì tất họ phải nghĩ đến việc diệt thù nước cứu nhà:

Ôi! Những kẻ con nhà quí trụ

Nhờ ơn vua cả họ giầu sang.

Treo lên mấy đạo sắc vàng,

Võng điều gươm bạc nhìn càng thêm đau.

Nỗi mất nước giời sầu đất thảm.

Đạo làm tôi chi dám chút khuy.

Chỉn nghe thế lực bên Tây.

Thù kia biết giả đến ngày nào xong.

Chợt nghĩ đến trong lòng bứt rứt.

Nỗi cơm ban áo phát từ đâu?

Tổ tiên ta ở đất nào?

Vợ con ta ở làm sao được rày!

Giọng lưỡi này có một thái độ dứt khoát, thái độ không đội trời chung với kẻ địch.

Mọi người chúng ta đều biết chủ trương Phan Bội Châu là bạo động. Phan trông cậy nhiều vào lính tập do Pháp tổ chức ra. Lúc nói với lính tập thì Phan dùng giọng nói đơn giản, thực thà, đi ngay vào vấn đề, vừa mỉa mai, vừa trách móc:

Các chú tập binh! Các chú tập binh!

Chú ở An nam sinh,

Chú ở An nam trưởng,

Chú sung chú sướng, chú phủ chú phê;

Mãn hạn chú về, thiếu sưu chú chết.

Họ đang chú la liệt,

Thân thích chú xác xơ,

Chú nghĩ đã biết chưa?

Tây yêu thương gì chú!

Tây công ơn gì chú!

Chú con một họ, chú của một nhà.

Ướm bà lại buộc cổ bà.

Lại lại chú,

Bách bái, thiên bái, vạn bái chú!

Những lời lẽ đấy đã đập mạnh vào đầu óc các người trong bộ đội, mà các cuộc Hà thành đầu độc, đội Phấn đội Truyền, ít nhiều đã chịu ảnh hưởng.

Trước đại chiến thứ nhất ít lâu, thực dân Pháp đã mà cả với quân phiệt Trung hoa ở Quảng đông bắt Phan bỏ ngũ. Phan chắc thế nào cũng chết mới viết ra quyển “Ngục trung thư” với một giọng văn bi thương làm cho người đọc rất cảm động.

Con chim sắp chết, thì tiếng kêu thương, con người sắp chết, thì lời nói phải. Lời nói tôi có phải hay không? Tôi sao biết được, nhưng lời nói ấy là lời của người sắp chết, điều đó thì tin chắc như thế…

Than ôi, phương trời chiếc bóng, mưa gió ngọn đèn, vét giọt nước mắt còn lại trong hai mươi năm này của tôi, hòa lẫn với máu, lượm lặt lịch sử một đời của tôi mà viết ra đây, hai mươi triệu đồng bào rất thân rất mến của tôi ơi! Có biết cho tôi chăng? Đọc quyển sách này, chắc còn thấy máu tươi thắm con quốc đang đầm đìa trên mặt giấy vậy.

Trong những lúc nguy khốn, tính mạng treo đầu sợi dây như thế, văn chương Pham có một giọng thảm thương. Nhưng trong thảm thương, chúng ta vẫn thấy mối tình thắm thía đối với đồng vào. Không những thế, một vài bài thơ Phan viết ra lúc bấy giờ vẫn có những hi vọng chứa chan đối với đời. Hai bài thơ sau đây chứng tỏ điều đó:

I

Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu,

Chạy mỏi chân thời hãy ở tù,

Đã khách không nhà trong bốn bể,

Lại người có tội giữa năm châu.

Giang tay ôm chặt bồ kinh tế;

Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Thân ấy hãy còn còn sự nghiệp,

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu!

II

Nếu chết xong đi cái cũng hay,

Còn ta ta lại tính cho mày.

Trời đâu có ngục chôn thần thánh;

Đất há không đường ruổi gió mây.

Tát cạn bể đông chèo tấc lưỡi

Phá tan rừng bắc vẫy đôi tay;

Anh em ai nấy xin thêm gắng,

Công nghiệp ngàn thu nhẹ một ngày[§§§]

Đọc hai bài thơ này, ta thấy Phan vẫn có lòng tự tin vào mình, tin vào anh em.

Cũng chính trong lúc Phan ở nhà tù Quảng đông thì nhiều đồng chí bị bắt bị xử tử, trong đó có ba người Phan rất coi trọng là Hoàng Trọng Mậu, Đỗ Chan Thiết và Trần Hữu Lực, Phan đã làm bài thơ thất ngôn bát cú rất là thảm thiết, xin tạm dịch ra bằng thể lục bát như sau:

Mây xanh bể cả mênh mông;

Tiếp thư một bức muôn giòng sa châu.

Đầu không rơi trước bạn bầu;

Mà lòng khôn nhẹ mất theo nước nhà.

Non sông tàn cuộc còn ta;

Gió mưa theo bạn biển xa đi cùng.

Đèn khuya trong bóng hỏi lòng.

Trăm mình khó chuộc ba ông bạn hiền.

Lòng thiết tha yêu bạn, yêu đồng chí của Phan Bội Châu bộc lộ ra một cách rất là sâu sắc.

Năm 1925 Phan bị thực dân bắt về giam ở Hỏa Lò Hà Nội, nhưng chúng còn giữ bí mật. Một số văn thơ của Phan làm ra trong nhà ngục lọt đến tai các người bạn cũ của Phan, nghĩa là một số văn thân mới ở các nhà tù ra, thì tức khắc người ta đoán được là khẩu khí của Phan Bội Châu. Dưới đây là một số liễn và thơ tiêu biểu:

I

Đã sáu mươi năm ở cõi đời;

Ngày nay duyên nợ thế là thôi,

Bình sinh chí khí ra sao nhỉ?

Giăng ở lòng sông, mây ở giời.

II

Sống không trờ được lo thiên hạ.

Lẽ nào chết lụy đến người sau!

Đành nơi miệng cọp liều mình vậy;

So với Di, Tề có kém đâu.

III

          Sống không trừ được họa hoạn, chết không quét hết cừu thù, mối giận dài dằng, sông Cả núi Hồng muôn thuở đó;

          Cuộc chơi trước đã sắp tàn, sân khấu sau đang xây dựng, thúc người sôi sục, mưa Âu gió Á tám phương dồn

IV

          Thất bại đến thế ư? Đắng cay sóng gió, khắp chân giời góc bể, hơn hai mươi năm, một việc cũng không thành, máu quốc non sông mây nhuộm biếc.

          Tinh thần vẫn thế mãi, bút mực vẫy vùng, với kẻ Á người Âu ngoài ngàn muôn dậm, muôn vàn mong sống sót, dân quyền thế giới vẻ tơ hồng.[****]

Đời người Phan Bội Châu đã hai lần ở ngụ, một là do tỉnh trưởng Quảng đông theo yêu cầu của Pháp mà bắt Phan, hai là do Chính phủ Pháp ở Đông dương cho mật thám rình mò mà bắt Phan ở Thượng hải. Mỗi lúc ở ngục là mỗi lúc Phan có ngâm vịnh để tỏ tâm sự của mình. Lời văn tuy là bi ai, nhưng chưa có khi nào tỏ ra thất vọng.

Đến lúc bị giam lỏng 15 năm ở Huế thì Phan ở trong tình cảnh cá chậu chim lồng. Tuy bị Pháp cho bọn chó săn theo dõi hàng ngày, Phan cũng vẫn viết văn nhiều, lần này là văn bằng tiếng Việt như thơ, hát ví, đối liễn, văn vần bốn chữ một (Nam quốc dân tu tư, nữ quốc dân tu tư) văn tế, tuồng (tuồng Trưng Trắc). Các bài văn đều có ý đưa lòng yêu nước tuyên truyền trong nhân dân. Vì ở trong tình cảnh bị kiểm soát gắt gao, nên văn của Phan có khi có ý trào phúng rất kín đáo mà rất hóm hỉnh. Như mấy câu trong bài văn tế một học sinh bị nạn ô tô mà chết:

                   Gánh nặng trìu trìu,

                   Đường xa giằng giặc.

Giấy căn cước anh đà có chửa? Mang đi cho sẵn, ma tuyền đài nó khỏi lôi thôi;

Bằng “Đip-lôm” ai có mua chăng? Bán quách cho xong, giá nô lệ thôi đừng cân nhắc.

Có lúc ở trong cảnh núi Ngự sông Hương, Phan nhìn lâu đài xe ngựa xung quanh mà sinh lòng cảm khái:

                   Núi Ngự sông Hương khéo hững hờ:

                   Trải bao dâu bể đến bây giờ.

                   Uy nghi sáu bộ sờn mây sấm;

                   Xe ngựa ba cầu dạn gió mưa;

                   Cỏ mọc cung tường nhà Giám cổ;

                   Đá trơ văn võ Cửa lăng xưa.

                   Thầm rơi giọt lệ kìa ai đó?

                   Ta sẽ lên thành hỏi cột cờ.

Nghĩa là không kể một dịp nào, Phan Bội Châu vẫn dùng văn chương để tuyên truyền trong nhân dân tư tưởng ái quốc ghét thù, hoặc để tỏ nỗi lòng yêu nước của mình. Cho đến các văn thơ, đối liễn, văn tế, văn chơi khác trong các cuộc hiếu hỉ, Phan vẫn nhân cơ hội mà bày tỏ ý chí, tâm sự của mình.

Một điều đặc biệt ở Phan là đối với bất kể người nào, Phan cũng cho là họ còn lòng yêu nước. Nếu họ có làm tay sai cho giặc chẳng qua cũng là tạm thời, để chờ cơ hội mà thôi. Vì thế mà một người em vợ một ông quan hưu, lúc trước là một người phục vụ Pháp khá đắc lực đã có thế điếu anh rể bằng câu liễn:

Dưới vì nhà lại trên vì nước, anh có lẽ nào quên, mây núi Ngự, nguyệt sông Hương, khuya sớm bơ vơ hồn cảm cựu;

Chị khóc chồng mà cháu khóc cha, em không buồn sao đặng, nhãn non Hồng, quyên bãi Phố, tháng ngày déo dắt giọng hoài nhân.[††††]

Đối với một ông quan trọn đời phục vụ đắc lực cho Bảo hộ thì còn “vì nước” đâu nữa, mà Phan vẫn có cách để nói cho ra người ấy đối với nước “anh có lẽ nào quên”.

Lại như tên phản bội Nguyễn Bá Trác bỏ hàng ngũ cách mạng từ khi đang còn thanh niên để rồi làm tuyên truyền cho giặc trong tờ tạp chí Nam phong; về sau làm quan Nam triều, mon men lên đến chức tổng đốc Bình định mà người ta đã mừng một đôi liễn mỉa mai: Thân bồ đào nước Đông hải trôi xuôi, trôi Thượng hải, trôi Hoành tân, trôi khắp cả miền Lưỡng-Quảng. Duyên tế ngộ gió Nam phong thổi ngược, thổi Hồng lô, thổi Binh bộ, thổi ngay về Trấn Quy nhơn. Thế mà lúc ông thân sinh Nguyễn Bá Trác chết, Phan vẫn cho người mang câu liễn đến phúng:

Đáng cha thì gọi là cha, chút nghĩa hàng con hiềm đất cách;

Nên tạm phải ra làm tạm, tấm lòng người cũ có trời soi.[‡‡‡‡]

Ý Phan muốn nói Nguyễn Bá Trác có ra làm quan cũng chẳng qua là tùng quyền, làm tạm trong một lúc mà thôi, chứ tâm sự của Nguyễn Bá Trác sẽ có trời biết.

Mỉa mai? Hay thành thực Phan tin như thế? Một điều chắc chắn là cho đến lúc đó, nghĩa là khoảng 40 năm sau quyển “Lưu cầu huyết lệ tân thư” Phan vẫn nhìn vào quan lại Nam triều với cặp mắt hi vọng mà nếu chúng ta muốn nói là ngớ ngẩn cũng không sao. Cũng vì thế mà những người quen biết Phan nhiều đều cho Phan là người có độ lượng. Cái độ lượng ấy biểu hiện nhiều lần trong các văn thơ, đối liễn của Phan.

Tượng Tôn Quang Phiệt tại Trường THCS Tôn Quang Phiệt - Thanh Chương - Nghệ An. Tác giả: Phạm Văn Hạng

 

Những đặc điểm trong văn chương Phan Bội Châu

 

Những bài thơ văn yêu nước khoảng đầu thế kỷ XX mà còn ghi chép lại hoặc còn có người nhớ lại được, có phải là do tay Phan Bội Châu viết ra cả không? Không phải như thế.

Như chúng ta đã biết, phần lớn văn thơ Phan Bội Châu lúc ấy viết bằng chữ Hán rồi được kẻ khác dịch ra. Người dịch có tài nhất là Lê Đại; chính Lê đã nổi tiếng về bài hịch “Hải ngoại huyết thư” mà cũng chính bài văn dịch ấy đã làm bọn thực dân khép Lê cái án “trảm giam hậu” và sau Lê phải ở tù Côn đảo đến 18 năm. Nhiều bài khác hoặc bằng tiếng Việt, hoặc bằng tiếng Trung Quốc thì do nhiều người viết ra, viết ra mà không để lại tên tác giả. Vì Phan Bội Châu là người tiêu biểu hơn cả, là người mà nhiệt thành yêu nước được mọi người biết, cho nên người ta đã qui nhiều bài cho Phan dầu không phải Phan làm ra. Vì thực tế, nếu các bài văn thơ có một nội dung yêu nước ghét thù, có một hình thức thống thiết và mãnh liệt, thì con người tiêu biểu cho nội dung hình thức ấy, tất nhiên phải là người như Phan Bội Châu. Cho nên bảo bài này bài nọ là của Phan Bội Châu thì sẽ không xa sự thực mấy. Đời thịnh Đường nói đến thơ thì nói đến Lý, Đỗ chỉ là hai thi nhân trong hàng trăm, hàng ngàn thi nhân của đời thịnh Đường mà thôi. Nhưng các nhà thơ khác đều có thể xếp vào một trong hai trường lớn: là Lý Bạch hoặc Đỗ Phủ. Vai trò văn chương Phan Bội Châu ở nước ta đầu thế kỷ XX đại để cũng như thế.

Nói về hình thức thì ngoài các loại văn cổ điển Trung Quốc như các lối thơ, phú, tứ lục, biền ngẫu, đối liễn, Phan đã sử dụng một số lớn hình thức văn nôm na: lục bát, lục bát gián thất, hát ví, hát tuồng. Phan cũng có viết một số tiểu thuyết trong đó quyển “Hậu Trần dật sự” đã được dịch và in ra; có lẽ tên quyển sách do Phan đặt ra là “Trùng Quan tâm sử”. Vì dịch giả không thấy tên sách nên đã căn cứ vào nội dung của quyển tiểu thuyết mà gọi là “Hậu Trần dật sự”.

Phan lại có viết một số “truyện” ghi chép tiểu sử cà phê phán những người đã có công với nước, hoặc ở nước khác, hoặc ở nước ta, hoặc người ngày xưa, hoặc người hiện thời. Đối với những người ái quốc  Việt Nam đã chết thì Phan không bỏ sót một ai, nếu Phan nhớ đến tên tuổi và công việc của họ.

Trước khi chết, Phan cũng không quên thuật lại lịch sử của mình trong quyển Phan Bội Châu niên biểu. Về văn nghiên cứu và chú giải, thì trong khi Phan bị giam lỏng ở Huế, Phan đã viết quyển “Xã hội chủ nghĩa” và quyển “Khổng học đăng” và chú thích bản Kinh Dịch rất công phu.

Nội dung văn chương Phan Bội Châu, không kể chỗ nào, là khen ngợi những người yêu nước, chống ngoại xâm, khêu gợi lòng yêu nước căm thù giặc của nhân dân, nêu gương các người liệt sĩ, tỏ lòng biết ơn với những kẻ đã hy sinh vì dân vì nước, khuyên nhủ mọi người biết hợp quần ái quốc, ái chủng … và nói ra chính kiến của mình.

Đọc các bài văn các sách vở Phan Bội Châu, chúng ta có thể thấy mấy đặc điểm sau đây:

- Một điểm rất dễ thấy ở văn chương Phan Bội Châu là mối tình thương nước, thương đồng chí, thương đồng bào.

Lúc Phan ở nhà bước chân ra hoạt động thì trong tư tưởng của Phan, nước là cái của chung của dân, của quan, của vua. Mỗi người đều phải để ý đến nước, xây dựng cho nước, khôi phục lại nước khi nước mất, mà sở dĩ nước ta mất là vì:

                   Một là vua việc dân không biết,

                   Hai là quan chẳng thiết gì đâu.

Ba là dân chỉ biết dân

Mặc vua với nước mặc thần với ai.

Phan đã thấy rõ dân với nước dính liền với nhau, dân có còn thì nước mới còn, dân đã mất thì nước phải mất.

Trong bức thơ Phan gửi cho Tây Hồ tranh luận về chủ nghĩa quân chủ và chủ nghĩa dân chủ có câu: “Thù ngoài chưa diệt, đảng trong đã tan, dân đã không còn, chủ đâu mà có?”.

Trong văn chương Phan Bội Châu, nước cũng là núi sông, là đồng ruộng, là rừng vàng bể bạc, nước là nơi đã sản sinh ra các anh hùng dân tộc: Trưng Nữ Vương, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám… Nước cũng là nơi có bánh cốm có xôi vò. Trong câu đối làm chơi với Nguyễn Thượng Hiền, hai ông đã đối đáp với nhau:

          Lấy nước mau mà ăn bánh cốm,

          Xa nhà lâu quá nhớ xôi vò.

Nói tóm lại, nước trong văn Phan Bội Châu là cái gì quí nhất, đẹp nhất, anh dũng nhất và cũng ăn ngon nhất, nước là cái gì rất bao quát rất vĩ đại, đồng thời cũng là cái gì rất tỉ mỉ rất nhỏ nhặt. Tất cả những cái đó đã làm cho Phan thương nước, làm cho văn chương Phan nhắc nhở đến nước một cách thấm thía.

Nước mất là đau đớn, người mất nước mà nói việc nước lại càng đau đớn:

Đau không gì đau bằng không có nước; đau không gì đau bằng người không có nước mà bàn việc nước (Việt Nam vong quốc sử).

Đối với các bạn đồng mưu việc nước Phan rất là thương. Đối với những người vì nước hy sinh Phan rất lấy làm đau xót. Lòng yêu đồng chí của Phan cũng phụ thuộc vào lòng yêu nước của Phan. Cho nên tuy giận mình không bị rơi đầu trước bạn hữu, nhưng lòng không chịu mất với nước nhà (đầu hận bất tiên bằng bối đoạn, tâm nan tinh dự quốc gia tang). Các câu đối liễn, các bài văn truy điệu của Phan làm cho ta nghe những lời thống thiết, thấy rõ tác giả cảm thông sâu sắc các tai nạn xẩy ra cho các người khác.

Có lúc Phan buồn rầu chán nản thốt ra những lời bi đát, than thân trách phận, kêu gào trời đất bất công, nhưng đồng thời Phan cũng nghĩ đến cái khổ sở của nhân dân, nhân dân đã khổ thì mình phải khổ, còn đáng phàn nàn gì nữa:

                   Ngó ảnh dở cười và dở khóc,

                   Đồng bào như thế xót gì ta!

Sở dĩ Phan bỏ công danh, bỏ nhà cửa ra đi là vì nghĩ đến dân, đến nước, đến non sông, ra đi là bước vào con đường nguy hiểm, con đường có thể bị tù đầy, bị chết mà trước mắt là phiêu lưu mạo hiểm, nhưng vẫn vui vẻ ra đi, là vì “non sông đã chết còn thêm nhục” là vì “đồng bào như thế xót gì ta!”.

Lúc Phan về Huế, các năm có nạn bão ở Nghệ-Tĩnh, và ở Bình Phú, Phan rất lấy làm đau xót với nhưng người lao động đã bị thiên tai mà phải chết chóc đói rét. Trong bài văn tế đồng bào Nghệ-Tĩnh chết vì nạn bão lụt, có những câu thống thiết như sau:

Mấy mươi vạn lao nhao lố nhố, hủ hỉ bữa cơm bữa cháo, tân khổ qua ngày;

Quanh một năm chạy vạy chàng vàng, lo có đồng thuế đồng sưu, trung thành hết sức.

Dù nắng dù mưa, dù giông hồi gió trận, đầu mun (tro) mặt trấu, dám đâu trắng trợn với ông xanh;

Ai cày ai cuốc, ai đập đá đốn cây, chân lấm tay bùn, trót đã đen thui hơn cho mực.

Sao trời còn căm đảo căm điên?

Xui ta phải chết cơ chết cực.

…………………………………………………………………………………………

Và văn tế đồng bào bị lũ lụt ở Bình Phú có câu:

Giấc trần mộng ngàn thu một phút, nỗi thương tâm luồng gió thổi luồng sầu.

Kiếp thương sinh bảy nổi ba chìm, tình đồng chủng giọt mưa tuôn giọt khóc.

…………………………………………………………………………………………

Phường lao động tình cờ theo gió cuốn, thây già chen thây trẻ lan man;

Lũ bần cùng cắc cớ bị sông vùi, đoàn trước lẫn đoàn sau lúc nhúc.

Ba bốn huyện già than trẻ khóc, trời nghe chừng giả bộ ngu ngơ;

Ngàn muôn nhà vàng rụng xanh còi, đất bạc đã cùng đường bưới móc,

…………………………………………………………………………………………

Nghĩa là đối với nhưng người dân, đặc biệt là người dân lao động bị chết vì dịch họa hoặc vì thiên tai, Phan đều lấy làm đau xót.

Phan không muốn có ai chết cả, cho cái chết là tàn nhẫn, nhưng Phan biết cái chết không thể tránh khỏi, nên lại tự an ủi bằng cái thuyết “sống gửi thác về” và tự khuyến khích bằng cái thuyết “sống khôn chết thiêng”.

- Một đặc điểm thứ hai trong văn chương Phan Bội Châu là cái giọng bi ai và hùng tráng.

Phan ở vào thời đại Pháp chiếm nước ta đã khoảng 20 năm, các cuộc vận động võ trang chống Pháp năm nào cũng có mà đã lần lượt bị dẹp tắt trong vũng máu. Một người tham gia chống Pháp thì vạ lây đến cả gia đình. Không những cha mẹ vợ con người chiến sỹ bị bắt giam, bị đòi hỏi lôi thôi, mà cho đến mồ mả tổ tiên cha ông cũng phải khai quật nữa. Tinh thần nhân dân trong nước lúc bấy giờ nói chung là ở trong cơn khủng hoảng trước sự tàn nhẫn dã man của giặc. Phan Bội Châu cảm thấy sự hoạt động của mình gặp khó khăn: mình phải nói thế nào cho xúc động được đồng bào, cho mọi người thấy cái nhục mất  nước, thấy cái đau đớn của cuộc đời nô lệ. Có như thế người ta mới quyết tâm nổi dậy bền bỉ và hy sinh đánh giặc.

Vì thế Phan phải dùng những lời nói, những câu văn thảm thương để gợi tình cảm của đồng bào. Các tên quyển sách, các đầu mục bài văn như “Lưu cầu huyết lệ tân thư” “Hải ngoại huyết thư” “Ai cá toàn quốc phụ lão”… đều đã dùng các chữ: nước mất, máu, ai, mà khêu gợi nỗi lòng đau khổ của những người mất nước.

Các câu: Hỡi ôi! Côn lôn ngó về Bắc, sông Khóng ngó về đông, non sông nơpcs ta đâu rồi?... Thương ôi Bách Việt giang san… Thôi thì thôi cũng dầu lòng, anh em tủi nhục vợ chồng lìa tan!... Trời cao đất dày, có xét đến lòng tôi chăng? Hội đảng du đồ, có nghe lời nói tôi chăng?... đều là những lời văn có mãnh lực xúc động lòng người.

Đã khêu gợi lòng người rồi, thì cần có những lời lẽ hào hùng tráng để làm cho người ta phấn khởi mà lao thẳng vào phong trào. Những câu mạnh mẽ lúc này có tác dụng:

Hú ba hồn các chú thiếu niên, vì áp lực mới xin nêu động lực…. Người thắng ưa ta đừng liệt bại, đem nhân tài mà kéo phương Đông… Sao mà chịu trong vòng trói buộc, bốn mươi năm nhơ nhuốc lầm than!... Vạch trời kêu mà tuốt gươm ra… Anh em ta phải tính sao đây!

Các câu văn như thế có một sức mạnh xô đẩy người ta dũng cảm chiến đấu với kẻ thù.

Sau nữa đọc văn Phan Bội Châu ta thấy không kể lúc nào, Phan cũng đặt hy vọng vào tương lai.

Lịch sử Phan Bội Châu là lịch sử thất bại, Phan cũng nói đi nói lại nhiều lần như thế. Nhưng cũng đã nhiều lần Phan cho “thất bại là mẹ thành công” và vẫn khuyến khích người sau nên xem gương thất bại của Phan mà tránh những chỗ sai lầm, mong cho mọi người nhân “đứt tay mà hay thuốc”.

Trong những lúc thất bại, Phan có hoang mang, có những lời nói, những việc làm tỏ ra mất tự chủ, nhưng chưa khi nào đi đến chỗ thất vọng. Trái lại ta vẫn nghe ở Phan những tiếng cười đắc ý, những giọng nói đầy hy vọng về tương lai. Tiêu biểu nhất là mấy bài thơ Phan làm trong ngụ Quảng đông là lúc mà Phan chắc thế nào cũng chết. Tuy thế Phan vẫn tự phụ và vẫn hy vọng. Để an ủi Mai Lão Bạng là người đồng thời bị bắt với Phan mà trước đã hai lần ở ngục, Phan kết luận:

Vị thử đường đời bằng phẳng cả.

Anh hùng hào kiệt cũng thường thôi.[§§§§]

          Còn Phan tự vịnh thì có câu:

                   Giang tay ôm chặt bồ kinh tế;

                   Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

          Và

                   Thân ấy hãy còn còn sự nghiệp;

                   Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu!

          Rồi Phan lại thách thức với kẻ địch:

                   Nếu chết xong đi cái cũng hay,

                   Còn ta ta lại tính cho mày.

          Và Phan khuyên anh em:

                   Anh em ai nấy thêm gắng;

Công nghiệp ngàn thu nhẹ một ngày.

          Trong câu liễn tuyệt mệnh là ra lúc bị bắt về giam ở Hỏa lò, là lúc mà tính mạng của Phan chỉ treo bằng sợi dây, thế mà Phan vẫn hy vọng sống, sống để mà thấy nhân loại đang tiến lên như mặt trời bừng sáng:

          Muôn vàn may sống lại, dân quyền thế giới vẻ tơ hồng.

          Lúc bị giam lỏng ở Huế, nhân lễ truy điệu Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu có viết mấy câu:

Trước đã giỏi thì sau thêm giỏi nữa,

Dấu cộng hòa xin gắng sức theo đòi;

Chết đã thiêng thì sống phải thiêng hơn,

Thang độc lập quyết đều tay xin với.

          Phan nghĩ rằng con người có thể chết, mà tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh thì cứ sống mãi, người sau nhất định phải hơn người trước, người sống nhất định phải hơn người chết.

          Trên đây là một vài đặc điểm mà ta tìm thấy trong văn chương Phan Bội Châu, các đặc điểm ấy đã phản ánh rõ rệt cái chủ trương cách mạng võ trang của Phan Bội Châu để đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập cho nước nhà. Chủ trương ấy là chủ trương đúng, có tương lai, có thế hệ sau kế tiếp để đưa ra cuộc vận động giải phóng dân tộc đến thắng lợi.

Nói tóm lại, không những về sự nghiệp vận động giải phóng dân tộc, Phan là một nhân vật tiêu biểu cho giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam đầu thế kỷ XX, mà về mặt văn chương, phần đóng góp của Phan vào kho tàng văn học Việt Nam cũng không phải là ít.

                                                                                      8-1958

                                                                             TÔN QUANG PHIỆT

 
 

Đăng ở Văn Nghệ, tạp chí ra hàng tháng số 16 tháng 9-1958

 

 

 



[*]Nguyên văn chữ Hán: “Mội phạn bất vong duy trúc bạch, lâp thân tối hạ thị văn chương”.

[†]Mang sách vào trường thi

[‡]Tôn đá làm anh

[§]Tam sinh điền hải chi tư, vị vong tương bá; nhất phiến bổ thiên chi lực, hữu thị phùng quân.

[**]Đầu bảng Cử nhân, cũng gọi là Thủ khoa.

[††]Thi đậu cao và làm quan to

[‡‡]Tên đầu tiên của Phan Bội Châu

[§§]Trương Lương từ biệt Vua Hán để về với nhà Hàn là vua nước cũ của Trương

[***]Thiệt chiến: Đánh bằng lưỡi, bằng lời nói

[†††]Nguyên văn là thơ chứ Hán: thất ngôn bát cú

[‡‡‡]Câu chữ Hán: đồ gian chấp nhụ, thí lưu huyết ư hồng nhan; tửu tử lộng quyền, sính tự do ư bạch trú.

[§§§]Hai bài này nguyên văn tiếng Việt

[****]Tất cả các bài này nguyên văn bằng chữ Hán.

[††††]Câu liễn này bằng tiếng Việt.

[‡‡‡‡]Câu này nguyên văn chứ Hán dịch ra.

[§§§§]Dịch câu chữ Hán

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114560743

Hôm nay

2127

Hôm qua

2289

Tuần này

22061

Tháng này

228286

Tháng qua

122920

Tất cả

114560743