Những góc nhìn Văn hoá

Từ cô Kiều đến hồn dân Việt Nam

Lời người sưu tầm : Bài viết sau đây, xuất hiện trên báo chí từ những năm 1930, dõi theo một ý tưởng thường có ở người nghiên cứu hiện đại, theo đó những kiệt tác văn chương mà một dân tộc tự chọn cho mình luôn mang trong nó những thuộc tính tinh thần của chính dân tộc ấy; vì vậy, có thể từ phân tích tác phẩm để nhận định đôi nét tâm lý và tính cách dân tộc. Sự khai triển ý tưởng này khi ấy còn thoáng qua, chưa được tác giả T.T. Nam Viên ( thực tế là tôi chưa biết tác giả này là ai ) làm cho trở nên sâu sắc. Nhưng, suy nghĩ đào sâu hơn trên vấn đề này lại là việc của hậu thế.

Xin giới thiệu lại bài viết này với bạn đọc . – Lại Nguyên Ân

 
                                                                         *
                                                                      *     *
 
Càng đọc kỹ Truyện Kiều ta càng phục cụ Tiên Điền có một bộ mắt tinh đời, dùng cán viết thần tình miêu tả rõ ràng cặn kẽ cái chân dung của linh hồn dân Việt Nam. Cô Kiều chính là hình ảnh của cái tâm lý thông thường vẫn sinh sống trong tuỷ não con cháu Lạc Hồng mấy nghìn năm, cho tới ngày nay nó đang chạm trán với ngọn trào tấn hoá.
Trước hết, một điều hiển hiện là cả quả tim khối óc Kiều bị nung nấu trong lò mê tín cho tới cái kết quả : mê tín với hồn Kiều là một chất. Cái mê tín ấy xui cô nhắm mắt đưa chân, phó thân danh cho trời xanh vùi dập, sau khi nối một mối tình khăng khít tầm phơ cùng gái Đạm, được biết số lênh đênh trong biển khổ. Cái mê tín ấy bắt cô đem thân ra trả nợ đời, dùng hương phấn đầy đoạ cái tuổi xanh qua ngày đoạn tháng để khỏi trái lời mộng mị, mong tránh thoát nợ lồng kiếp nữa. Đau đớn, khổ sở, nhục nhã vì mê tín, đó là thân phận Kiều nhi. Nhưng cái mê tín ấy có lúc nó làm cho độc giả phải lộ ra một nụ cười chua chát, ái ngại cho cái vẻ ngây thơ chân thật của cô gái u mê, tức là lúc bị ép duyên cùng Bạc Hạnh, giữa cảnh hiểm nghèo mà Kiều còn bộc lộ cái tinh thần mê tín, nó hoá ra trò con nít, tìm cái yên lòng câu thề tiếng khấn trong cuộc đời gian ác. Ây đấy cái óc mê tín hại người như vậy. Nó làm cho linh hồn Kiều mất hết chí mạnh mẽ, sức tự chủ, trở nên một cái nguồn gốc cho nụ cười giọt lệ. Nó khiến cô tin ở số mệnh, ở quỷ thần, ở mộng mị, cúng bái,…mà hoá người bị động , không đủ lực lượng đối phó với cái cảnh ngộ oái oăm — những cảnh ngộ chỉ có thể giải quyết được bằng khối óc tự do với quả tim chan chứa tinh thần phấn đấu.
Từ cô Kiều mê tín đó ta bước mạnh vào cái thế giới vô hình là cái hồn người Việt Nam; thử hỏi ai có con mắt biết nhìn, không công nhận rằng hai tâm linh ấy giống nhau như đúc?
Người nước ta mê tín ra sao, các báo chí sách vở nói đã nhiều rôì, ai nấy đều kết luận : Dân mình ươn hèn nô lệ cho tiền định, thiếu sức tự chủ. Phải! Đã phó cuộc đời cho ông Tạo (?) vần xoay, thì đứng trước cảnh ngộ đau đớn, hẳn chỉ còn cách khoanh tay bứt tóc mà khóc ròng. Vì không tin ở sức mạnh thì còn mong phấn đấu làm sao được? Thuyết số mệnh đã ăn sâu vào óc người nước ta lắm rồi. Nó đã thành cái khuôn cửi mà công việc, ngôn ngữ, ý nghĩ của quốc dân là những sợi chỉ dọc ngang. Câu “trăm đường tránh chẳng khỏi số ” cùng câu “khôn sao chọi được với trời ” là tiếng thường dùng của hết thảy mọi người.
Trái hẳn người phương Tây vì tự tin gây nên được bầu không khí tự do rắp phản động và xô đạp các điều khó, người Việt Nam bởi coi nhân lực như trò đùa trước sức mạnh vô cùng của ông Tạo nên hay dùng tính nhẫn nhục liệt bại ( résignation passive) mà đối phó với mọi sự. Một dân tộc thiếu tự do, không biết phản động hoàn cảnh như thế làm sao mà tiến hoá cho được? Mà thái độ ươn hèn ấy lại là kết quả trực tiếp của sự mê tín thì phỏng ta có thể dùng cách gì mà đập chết con yêu nghiệt ấy đi không? Nó tai hại lắm : nó làm Kiều đau đớn, nhục nhã cũng như nó bắt dân tộc ta lẹt đẹt trên con đường tiến hoá, quên lửng cả nhân cách con người.
Ngoài sự ươn hèn kia, sự mê tín ấy lại còn đào tạo ra một cái triết lý nhân sinh hẹp hòi trong bộ óc người mình mà tôi lại xin đem Kiều ra làm biểu hiệu rõ rệt.
Trong bài trước tôi có nói, lúc đụng chạm với đời, cái hồn cố hữu của Kiều bị một “con người mới” vừa xuất hiện, đàn áp đi mất. Con người mới! Con người thường tình! Ây đấy cái hình ảnh của ý nghĩ tích cực đối với sự sống vẫn chi phối tâm hồn dân Việt. Con người mới ấy nảy nở trong hồn Kiều từ lúc, con người cũ va phải sự dơ dáng trong đời kêu lên mấy tiếng thê thảm : Tuồng chi là giống hôi tanh ! Sau lúc hồn triết lý tái sinh bị cảm tưởng mê tín dìm xuống (hồi Kiều tự tử ở nhà Tú Bà, mê thấy Đạm) thì Kiều đã chịu sức chỉ huy của con người mới rồi. Phải bỏ giấc mộng êm đềm, mất vẻ lạc quan, thảm thay! Hồn cố hữu của Kiều nhi thôi từ đây phó mặc theo ngọn trào dĩ vãng. Tránh sự đau, khổ, nhục, tìm đường đi trốn với Sở Khanh, năn nỉ xin chừa cùng mụ Tú, phải chăng đó là cử chỉ của thường nhân? Mà lúc muốn tìm đường xa chạy cao bay, vì ham sự sống mà quên đạo lý, ăn cắp chuông vàng khánh bạc, thì ôi thôi! còn đâu là dấu vết gái thanh cao! Ra tay báo oán đền ơn lúc vừa mở mặt, xui Từ Hải ra hàng vì muốn được sống một cảnh đời êm ái, an nhàn, vinh hoa, mệnh phụ, vương thần, sau lúc mùi đời đã trải, thôi đích rồi cái ý nguyện của con người mới nó không bao giờ đủ sức mà phấn đấu. Tới lúc bị lừa để đến nỗi mang tiếng giết chồng, linh hồn tan nát, hy vọng lên mây, thì con người mới không tài nào sống được nữa. Thôi! Chết cho rồi, dù sao cũng đành ngọc nát vàng tan : đó là cái kết quả sau cùng của cái triết lý hẹp hòi kia nó đã được sức mê tín làm cho lảo đảo.
Ây đấy, có hiểu con người mới đó, mới cắt nghĩa một cách chân xác được sự hành vi của Kiều trong 15 năm hoạn nạn. Mà cái “con người” ấy nó phát sinh là vì sự cần dùng chứ không phải vì ý muốn của Kiều. Nó làm cho Kiều khổ sở, đau đớn, theo danh từ triết học ta có thể gọi nó là cái lực lượng vô tâm, kẻ thừa hành luật nhân quả đó. Con người mới đứng chủ cuộc đời Kiều trong lúc ba đào thích sự an nhàn, ưa mối công danh, rối loạn ươn hèn, nô lệ cho bản năng, nô lệ cho ngoại vật, -- tôi xin hỏi ai ai chịu nghĩ – phải chăng là tâm lý chung của người Việt Nam?
Bao nhiêu kẻ vì nghĩ như Kiều “Chi bằng lộc trọng quyền cao, công danh ai dứt lối nào cho qua?” mà để tiếng xấu đời đời. Bao nhiêu người vì chỉ muốn như Kiều “nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha” mà mất óc thanh cao, học lầm học láo, để tiêu huỷ sức tang bồng?
Mực cạn bút mòn, thói dư luận đã nhiều phen dày vò cái tư cách ấy! Tôi không cần nhắc lại. Nào ai yêu Truyện Kiều kính tác giả, hãy cùng tôi bắc loa hô to dân tộc mình cùng biết rằng : Tự do là hạnh phúc !
 
Nguồn : báo Đông tây, Hà nội, s. 142, ngày 23/1/1932   
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513150

Hôm nay

2251

Hôm qua

2436

Tuần này

21087

Tháng này

220023

Tháng qua

121356

Tất cả

114513150