Những góc nhìn Văn hoá
Đọc lại tập truyện Dịch cát của Nguyễn Văn Xuân trong những ngày cả nước chung sức chống đại dịch

Trong những ngày cả nước chung sức chống đại dịch Covid-19, tôi chợt nhớ và tìm đọc lại tập truyện Dịch cát của cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân (1921-2007). Đây là tập truyện ngắn đặc sắc, có những dấu ấn độc đáo, nhiều tình tiết bất ngờ, hấp dẫn, thấm đẫm giá trị nhân văn. Tuy nhiên, số phận tập Dịch cát cũng tương tự như tiểu thuyết Bão rừng cũng của nhà văn này, rằng “bị thiệt thòi… đã thiệt thòi lại thiệt thòi thêm, ít người nói đến”[1]. Đây cũng là số phận của không ít tác phẩm của ông công bố trong giai đoạn 1954-1975 ở các đô thị miền Nam. Cho dù các tác phẩm của ông được Trần Hữu Tá, Huỳnh Như Phương xếp trong khuynh hướng văn học tôn vinh truyền thống văn hóa, ngợi ca lịch sử giữ nước của dân tộc…
Có điều này, do hoàn cảnh lịch sử chi phối nên sau khi thống nhất đất nước thì số lượng sách báo ở miền Nam trước giải phóng bị mất mát khá nhiều. Một số tác giả, tác phẩm chưa thật sự được quan tâm, đánh giá đúng mức. Đến như Phong Lê (nguyên Viện trưởng Viện Văn học) cũng cho rằng: “Bất ngờ một sự nghiệp viết xứng danh nhà văn - học giả Nguyễn Văn Xuân” khi tiếp xúc với bộ bản thảo Nguyễn Văn Xuân toàn tập (7 tập với hơn 3.700 trang). Phong Lê đánh giá Nguyễn Văn Xuân là “một gương mặt tiêu biểu trong đời sống văn chương - học thuật của miền Nam 1954-1975” song ít được công chúng biết đến. Những năm 1983, khi Viện Văn học phối hợp với Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng hợp tác làm sách Về một vùng văn học, Phong Lê với tư cách đồng chủ biên cũng “không thấy ai nhắc đến”, “không có bài về Nguyễn Văn Xuân, hoặc của Nguyễn Văn Xuân”. Phong Lê cũng khẳng định: “Toàn tập - 7 tập, một khối lượng trang viết thật đồ sộ, ít ai trong giới sáng tác - nghiên cứu đạt được trong âm thầm, nhẫn nại của nghề nghiệp”[2].
Trở lại với Dịch cát, đây là tập truyện ngắn gồm 8 tác phẩm viết trong khoảng 1956 đến 1966, xuất bản ở Sài Gòn:Cây đa đồn cũ, Buổi tắm tất niên, Dịch cát, Một cuộc tấn công, Xóm Mới,Con “hiện sinh”, Tiếng đồng, Chạy đua với tử thần. Tập truyện kể về những con người, cảnh đời phần lớn là bất hạnh, khổ đau khi phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh, thiên nhiên khắc nghiệt và sự nhẫn tâm, tàn bạo của con người trên quê hương xứ Quảng của nhà văn thời kỳ đất nước lầm than trong cảnh thuộc địa. Tập truyện này đã được in lại trong Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân và Nguyễn Văn Xuân Toàn tập.
Truyện ngắn Dịch cát[3] được lấy làm tên của tuyển tập, tác phẩm kể về một câu chuyện thương tâm ở xóm chài nghèo trên bãi cát ven biển vùng quê xứ Quảng. Cả xóm đang bị một thứ dịch bệnh rất ghê gớm mà người ta không biết là dịch gì, chỉ biết những người bị thì đầu đau như búa bổ, sốt, không ăn uống được, giãy giụa rồi lăn ra chết. Giữa cảnh khốn cùng, sự sống và cái chết mong manh như vậy, tiền thuốc thang, ăn uống không có, họ chỉ còn biết cầu khẩn thần linh. Khi có những sự việc bất an, khó lý giải khiến họ sợ hãi thì một tâm lý phổ biến của con người là đặt niềm tin vào thế giới siêu nhiên, thần linh. Bởi “Nơi nào có nguy hiểm, bất trắc, mật độ đổi thay và sợ hãi lớn, hoặc ở nơi hình thức mạo hiểm, ma thuật sẽ nảy sinh”[4]. Nhân vật chính trong truyện là chị Sinh, cuộc sống nghèo khổ đến mức 2 vợ chồng ốm đau, “nằm liệt giường liệt chiếu từ bốn hôm nay, không cơm cháo gì được mà cũng chẳng có đồng nào để chạy thang chạy thuốc”. Tuy nhiên, chị vẫn cố gắng “chạy vạy giật chỗ này, mượn chỗ kia đủ để mua giấy thẻ nhang và một ít tiền giấy. Có lẽ lễ vật đạm bạc quá không làm cảm động quỷ thần nên bệnh chồng chị đã không khỏi mà càng mỗi ngày một tăng, rồi cả chị cũng vật xuống mê man”[5].
Đúng như ông cha ta thường nói, có bệnh thì vái tứ phương. Không chỉ là chị Sinh, mà cả xóm cũng đang làm như vậy. Nhà giàu như ông Trưởng Liếng cũng mời pháp sư cúng thần linh, bắt ma quỷ; nhà nghèo thì họ tự cầu cúng với hương đèn và vàng mã. Nhưng số phận, sự đau đớn của người bệnh có lẽ như nhau. Dù có pháp sư, có lễ hậu như ông Trưởng Liếng thì “quỳ trước bàn thầy cúng, nhưng không lạy vì hai tay mắc ôm đầu” vì đau đớn. Kết thúc truyện ngắn, chị Sinh cố gắng đào cái hố trên nền cát ngay trong nhà để lăn xác chồng xuống trong hoàn cảnh không ai còn có thể giúp chị. Nhưng cơn đau đớn cuối cùng cũng đã đến với chị: “Chị chết, răng cắn lủng chiếc khăn định đem buộc miệng chồng cho cát khỏi vào”.
Câu chuyện xót xa, gây xúc động mãnh liệt về cái chết của hai vợ chồng nghèo, và rồi có thể là cả một xóm nghèo chết vì dịch bệnh quái ác. Đọc câu chuyện này làm chúng ta liên tưởng đến cảnh những làng quê thời xưa bị dịch bệnh, có khi làm tan tác cả làng, nhiều làng, người dân phải bỏ quê, bỏ xứ mà đi. Nhiều dịch bệnh có tên như dịch đậu mùa, dịch tả, dịch thương hàn, dịch hạch…, song có khi họ chẳng biết là dịch gì, nhiều sử sách chỉ chép chung là dịch bệnh, hay như Nguyễn Văn Xuân kể về dịch ở làng quê vùng cát thì gọi là dịch cát.
Sự chết chóc vì dịch bệnh như vậy thời xưa hẳn không hiếm. Ngay đại thi hào Nguyễn Du - người mà dân Việt ta có lẽ đều biết, nhưng hẳn không nhiều người chú ý là ông cũng bị chết trong trận bệnh dịch năm Canh Thìn (1820). Trận đại dịch ấy diễn ra từ tháng 6 đến tháng 12 mới tạm hết, gây nên cái chết của 206.835 người, nếu so với tổng dân số thời ấy khoảng 7 triệu, tức đã có khoảng 3% dân số chết vì dịch bệnh. Gần hơn, ta có thể kể đến dịch bệnh năm Canh Tuất (1850) làm cả nước chết tới 589.460 người(Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu). Xa hơn, có dịch bệnh năm Nhâm Thân (1572), đất Nghệ An bị dịch bệnh hiểm nghèo dẫn đến thảm cảnh “người chết đến quá nửa. Nhân dân xiêu giạt, hoặc tan tác vào Nam, ra Bắc. Trong cõi Nghệ An đìu hiu vắng tanh” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).Đó là chúng ta kể về một vài đại dịch lớn, còn thời xưa, dịch bệnh xảy ra khá thường xuyên, như Đại Nam thực lụcchép rằng, từ năm 1820 đến 1895 có gần 70 trận dịch lớn nhỏ, tức hơn 1 năm xảy ra 1 trận dịch.
Trên thế giới cũng có những trận đại dịch gây hậu quả thảm khốc. Chẳng hạn, trận “dịch hạch lớn cuối cùng là vào năm 1855, bắt đầu ở Trung Quốc, và đã giết chết 10 triệu người chỉ riêng ở Ấn Độ”. Tiêu biểu nhất, phải kể đến Cái chết đen nhằm chỉ trận đại dịch hạch lan tràn trên khắp lục địa Á-Âu khoảng từ 1344 đến 1348. Theo một số sử gia, “một phần ba dân số thế giới từ Iceland tới Ấn Độ đã bị thiệt mạng. Những thống kê khác chỉ ra con số khoảng 50% dân số thế giới đã bị chết, và con số này có thể vào khoảng 75-100 triệu người”[6].
Nguyễn Văn Xuân viết về cuộc đấu tranh sinh tồn của con người xứ Quảng, họ phải đương đầu với nhiều hiểm nguy khác nhau bởi đó là vùng “ô châu ác địa”, vùng đất “xương xẩu”. Có thể vì dịch bệnh, cũng có thể vì thiên nhiên, mưa gió lụt lội làm cả một cái xóm mới (trong truyện ngắn Xóm mới) trên cồn cát với mấy chục hộ gia đình, cả trăm con người chỉ trong một đêm trở thành vô gia cư, vô tài sản. Bởi toàn bộ nhà cửa, tài sản của họ bị cả cồn cát vùi lấp vì giòng nước lũ tràn qua.
Tuy nhiên, đọc tập truyện Dịch cát, cái ám ảnh làm tôi kinh sợ không kém những trận dịch bệnh ghê rợn, sự tàn phá của thiên nhiên chính là sự tàn nhẫn, vô nhân đạo, phi nhân tính của con người. Vì vậy, trong trường liên tưởng của tôi, đây cũng là thứ dịch bệnh đáng sợ mà Nguyễn Văn Xuân muốn nhắn nhủ, có lẽ đó cũng là cảm hứng chung của cả tập truyện Dịch cát.
Truyện ngắn Cây đa đồn cũ mở đầu tập Dịch cát, kể về một chuyến làm ăn hết sức phiêu lưu, mạo hiểm của anh Năm Cụt. Đó là anh đem rất nhiều thân cây chuối kết lại thành bè từ trên nguồn, cho trôi theo giòng nước lũ về xuôi để bán trong những ngày lụt lội, được giá cao, lời gấp mấy lần ngày thường. Dù biết lời nhiều nhưng mấy ai dám đánh cược mạng sống của mình để làm. Bởi “Không có tính nhẫn nại, lòng can đảm và biết rõ dòng sông con nước như bàn tay, dễ mấy ai dám liều lĩnh”. Nhưng những khó khăn, nguy hiểm đó chỉ như là bối cảnh, tạo không khí ly kỳ, hấp dẫn và rùng rợn của cuộc trả thù giữa Cát và Hương Chỉnh. Họ hận nhau truyền kiếp, tìm cách trả thù nhau từ đời cha sang đời con. Cát vác một cái bao lớn, xin đi cùng bè với Năm Cụt để về xuôi. Nhưng đi giữa đường mới biết là Cát trói Hưởng Chỉnh buộc trong bao để đem đi trả thù. Mới lúc đầu, khi ta nghe Cát kể về tội ác trời không dung, đất không tha của Hương Chỉnh khi làm tay sai cho Pháp để hành hạ tù nhân với nhiều cách thức dã man, tàn bạo. Rằng sau khi tìm đủ mọi cách hành hạ xong thì các tù nhân thường chịu cái chết thê thảm, là bắt leo lên cây đa bên dòng sông để bắn cho rơi xuống, nếu người nào không chịu leo thì cũng chết bằng cách khác đau khổ hơn.
Nhưng khi Hương Chỉnh kể lại tội ác từ đời cha của Cát đến đời Cát thì ta lại thấy tội ác của gia đình nhà Cát cũng táng tận lương tâm không kém. Cuối cùng, chúng ta cứ nghĩ Hương Chỉnh bị trói, sẽ bị Cát đẩy xuống dòng nước lũ, gần cây đa mà trước kia kẻ tay sai Hương Chỉnh cùng thực dân Pháp hay bắt tù nhân leo lên rồi bắn. Nhưng không ngờ, cả Cát cũng bị Hương Chỉnh kéo theo xuống dòng nước lũ để chết chung. Có lẽ như vậy dịch hận thù truyền kiếp giữa hai gia đình quyền thế, tàn ác trên một vùng đất mới được hóa giải. Cuối cùng, “Tiếng kêu thê thảm không biết của người nào còn nhoai lên như tiếng hú vọng về của những oan hồn”.
Hay như Con “hiện sinh” lại là một thứ dịch bệnh khác mà chế độ Thực dân kiểu mới của Mỹ - Ngụy Sài Gòn muốn phổ biến rộng rãi trong xã hội. Đành rằng triết học hiện sinh của phương Tây được truyền bá ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 không phải là xấu xa hay tội lỗi. Mà do một vài khía cạnh tiêu cực của triết lý ấy liên quan đến hưởng thụ, ăn chơi, sống gấp, suy đồi… lại được chính quyền khuyến khích và đề cao. Vì vậy, những loại phim ảnh khiêu dâm, bạo lực, sách báo toàn là cuồng nhiệt, thất vọng, chán đời, ngoại tình… tràn ngập thị trường. Nó làm rất nhiều người trong xã hội học đòi lối sống ấy, chẳng hạn như con Ngọc Điệp, mới học sinh phổ thông mà có chửa, rồi nạo phá thai. Chồng của nhân vật tôi cũng học đòi lối sống suy đồi, chẳng quan tâm gì vợ con, làm được đồng nào tiêu xài đồng đó vào những chuyện như ăn chơi, phim ảnh, hút hít và ngoại tình… khiến cho vợ con đau khổ. Khi tiền làm không đủ để tiêu xài thì người chồng ấy còn lấy trộm tài sản trong gia đình để đi bao gái, mà gái ấy lại là những đứa con gái non tơ, mới lớn như con gái mình… Tất cả những điều ấy làm cho đạo đức xã hội suy đồi, hạnh phúc gia đình truyền thống bị tan vỡ là hiện tượng đáng phê phán ở các đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975.
Tác phẩm kết thúc tập truyện là Chạy đua với tử thần, đây chính là lời tố cáo đanh thép thứ dịch bệnh tàn ác, vô lương tâm, coi mạng người như cỏ rác của quan lại thực dân Pháp. Truyện kể về nhân vật Liễn cùng hơn chục người khác trong một trại giam ở Cẩm Lệ, vùng ngoại vi của thành phố Đà Nẵng. Ở cái trại giam này, người bị bắt chẳng biết nguyên cớ vì sao, bởi phần lớn là “bị bắt oan trong các cuộc phục kích, bố ráp”. Còn những người quan trọng thì đã đưa vào Đà Nẵng để “khai thác cho đến nơi đến chốn”. Dù vậy, khi đã vào đây rồi thì mạng sống của họ rất mong manh, nhiều khi chẳng cần xét hỏi, chẳng biết nguyên cớ gì đã bị bắn. “Chỉ cần một chú cai Tây đến trỏ một ngón tay của ác thần vào ai thì người đó bị kéo xệch đi giữa hai họng súng kèm hai bên. Rồi trong đêm tối, về phía cầu nghe rẹt vài tiếng là trong bữa ăn ngày mai bớt đi một khẩu phần”[7].
Còn hôm nay, có một sự kiện đặc biệt hơn là “viên quản cơ coi hết các đồn trại thuộc phạm vi Cẩm Lệ” đã hạ cố xuống trại để thông báo một “tin vui”, rằng tất cả tù nhân đang bị nhốt tại đây, sáng mai sẽ có một cơ hội thoát thân. Đó là mọi người sẽ được thả hết ra cầu, ai chạy chậm thì bị bắn, ai chạy nhanh nhất sẽ thoát, song chỉ có một người nhất thôi. Đây là thú vui mới của “quan lớn”, bởi “Ông lớn muốn giết thì đâu có phiền phức như vậy. Chỉ vì người em ông lớn mới được giải vô địch và ông lớn cũng là người chạy có tiếng nên ông lớn rất thương những người chạy giỏi”[8]. Và quả đúng như vậy, ông lớn đã thực hiện đúng cái nguyên tắc ông đưa ra một cách vô lương tâm và tàn nhẫn. Mạng sống của hàng chục con người vô tội với bao nhiêu số phận, hoàn cảnh khác nhau bị tước đoạt một cách dã man. Cứ ai chạy chậm là quan bắn tỉa từng người, xem như một thú vui thử tài bắn súng và chạy thi của vị quan thực dân này.
Đọc những trang sách với bút pháp tả thực của Nguyễn Văn Xuân về rất nhiều cái chết khiến chúng ta không khỏi xúc động sâu sắc. Người dân xứ Quảng quê hương ông đã từng một thời sống và chết trong cõi đời trần ai, trầm luân bể khổ như thế. Họ đã phải gồng mình ứng phó với thiên nhiên khắc nghiệt, với dịch bệnh hoành hành một cách tàn nhẫn, quái ác. Nhưng chưa dừng lại ở đó, họ còn phải chịu đựng sự dày vò của những nhân cách bệnh hoạn, tha hóa trong chế độ thực dân kiểu cũ của Pháp và kiểu mới của Mỹ. Cái dịch bệnh của nhân tính ấy, nó có khi trực tiếp tước đoạt mạng sống vô tội của người dân, có khi gián tiếp tàn phá hạnh phúc trong từng gia đình, làm tha hóa phẩm chất đạo đức truyền thống, sói mòn giá trị văn hóa Việt Nam. Cả một tập truyện ngắn với đủ thứ dịch bệnh khiến người đọc không khỏi rùng mình khiếp sợ, khiến người ta phải nghĩ đến việc thay đổi cái chế độ tàn bạo, suy đồi đó.
Song, cái hay của Nguyễn Văn Xuân là dù viết về cái chết, sự cực khổ hay sự tàn ác của thiên nhiên, của con người nhưng lại không làm độc giả bi quan. Qua các tác phẩm, chúng ta vẫn cảm nhận được niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn, cho dù thực tại có đen tối như thế nào.
Trong truyện Dịch cát, cho dù cái chết đã cận kề nhưng chị Sinh vẫn nhớ, vẫn tin tưởng, duy trì truyền thống văn hóa của cha ông, rằng “Chồng chị có thể chết trần truồng nhưng không thể không có một mảnh vải để buộc miệng. Cái lệ đó đã trở thành thiêng liêng”[9]. Ở truyện Xóm mới, cuối tác phẩm, chúng ta lại thấy sẽ còn nhiều xóm mới tiếp tục được lập nên bởi những con người mới bị cồn cát vùi lấp hết nhà cửa ấy lại tiếp tục “từ giã địa phương để tìm kế mưu sinh”.
Trong truyện Cây đa đồn cũ, Cát và Hương Chỉnh sau khi cùng trả thù nhau với hai cái chết rùng rợn, thì anh “Năm lấy cánh tay cụt kẹp sào vào nách và tay kia thong thả đẩy nhẹ cho chiếc bè đổi dòng sông; anh vừa nhận ra mình đã đến Giao Thủy: Con đường rẽ”. Phải chẳng dòng nước lũ đã xóa tan dịch hận thù, cuộc sống bình dị của những con người hiền lành, chân chính tiếp tục sang trang mới đó ư?.
Truyện ngắn Con “hiện sinh” đã kết thúc với cảnh đánh ghen không thành. Nhân vật tôi đi đánh ghen, hùng hổ cầm con dao đập cửa xông vào nhưng đã vứt dao đi và ôm lấy kẻ bị đánh ghen để vuốt ve, dỗ dành. Tình cảm của người mẹ đã được khơi đậy, bởi kẻ bị đánh ghen cũng bằng tuổi và non nớt như con gái mình. “Rõ ràng nó chỉ là con Hiện sinh thơ dại, hết bị sách báo lường gạt thì đến thằng chồng khốn nạn của tôi phỉnh dỗ. (…) Khi giúp con bé mặc quần, tôi thấy trong bọc quần phía sau rớt ra một quyển sách. Trên bìa quyển sách có in lồ lộ một tấm hình không bao giờ tôi quên được: Hình cô Sagan”[10]. Tấm hình này, quyển sách này con gái nhân vật tôi cũng thường đọc. Ý nghĩa nhân văn cao cả toát ra từ tình huống đầy bất ngờ và thú vị.
Còn trong Chạy đua với tử thần, theo quy định của “quan lớn” là chỉ một người về thứ nhất thoát chết, ấy vậy mà người về thứ hai là Liễn cũng thoát chết. Bởi người chạy giỏi nhất, khi chuẩn bị về đích đã nói với Liễn rằng: “Tôi là vô địch Giàng. Nhảy xuống sông bơi đi. Tôi bứt!”. Điều đó cho thấy tinh thần giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn, hiểm nguy, dù không hề quen biết nhau, đó là tình cảm thiêng liêng, cao quý của một dân tộc vốn được xem là trọng tình, duy tình. Với câu nói ấy đã giúp Liễn kịp “nhảy phóc qua lan can”, trôi theo dòng nước chảy mạnh. Kết thúc truyện, Liễn còn thầm mỉa mai viên “quan lớn” bắn súng giỏi, có tiếng đồn trăm phát trăm trúng. Bởi khi nghe tiếng đạn rít bên tai, “Liễn còn kịp nghĩ: “Lần này quả nhiên hắn bắn trật”.
Với khả năng xây dựng cốt truyện độc đáo, kết thúc bất ngờ, thấm đẫm tinh thần nhân văn, các truyện ngắn trong tập Dịch cát đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả. Dù nhiều loại dịch bệnh của thiên nhiên hay của lòng người hoành hành, cuộc sống với nhiều khó khăn, gian khổ, thậm chí là chết chóc, nhưng niềm tin vào ý chí kiên cường, tính cần cù, chịu khó, sức chịu đựng dẻo dai, người dân xứ Quảng sẽ vượt qua và bám trụ để sinh tồn, để phát triển. Như chúng ta đã thấy, họ đã đứng vững và bản lĩnh kiên cường, ý chí vươn lên ngày càng được khẳng định.
Đó là cơ sở mà tôi tin rằng, hiện nay đại dịch Covid-19 dù đang khiến cả thế giới lo sợ, nhưng rồi sẽ sớm bị dập tắt bởi ý chí kiên cường, sức chịu đựng dẻo dai, tinh thần đoàn kết của loài người; bởi các biện pháp nỗ lực chống dịch bệnh của các nước và sự phát triển của nền y học thế giới. Khi trải qua đại dịch toàn cầu, qua hoạn nạn khủng khiếp như vậy, thế giới loài người sẽ nhận chân được nhiều giá trị đích thực, sẽ trân trọng tính mạng, sự sống của con người hơn, sẽ đối xử với nhau có tình có nghĩa hơn, sẽ giảm bớt chiến tranh và lòng thù hận./.
Đà Nẵng, tháng 4/2020
[1] Tam Ích (1967), “Bão rừng của Nguyễn Văn Xuân”, Ý văn, tập I, Lá Bối xuất bản, Sài Gòn, tr.228
[2] Phong Lê (2019), “Bất ngờ một sự nghiệp viết xứng danh nhà văn - học giả Nguyễn Văn Xuân”, Nguyễn Văn Xuân toàn tập, Tập 1, Nxb Hội Nhà văn, tr.10.
[3] Truyện ngắn Dịch cát và các tác phẩm khác trong Tập truyện Dịch cát được trích dẫn từ nguồn Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, Nxb. Đà Nẵng, 2002, tr.364-531.
[4] Bronislaw Malinowski, “Ma thuật, khoa học và tôn giáo” (Dương Bích Hạnh dịch), Những vấn đề nhân học tôn giáo, Hội Khoa học lịch sử & Nxb. Đà Nẵng, 2006, tr.213
[5] Nguyễn Văn Xuân (2002), “Dịch cát”, Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, Nxb. Đà Nẵng, 2002, tr.404
[6]Vũ Đức Liêm (2020), Bệnh dịch và số phận của con người xã hội, https://tiasang.com.vn/-dien-dan/Benh-dich-va-so-phan-cua-con-nguoi-xa-hoi-22994, ngày 22/02/2020
[7] Nguyễn Văn Xuân (2002), “Dịch cát”, Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, Nxb. Đà Nẵng, 2002, tr.501
[8] Nguyễn Văn Xuân (2002), “Dịch cát”, Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, Nxb. Đà Nẵng, 2002, tr.504
[9] Nguyễn Văn Xuân (2002), “Dịch cát”, Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, Nxb. Đà Nẵng, 2002, tr.410
[10] Nguyễn Văn Xuân (2002), “Dịch cát”, Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, Nxb. Đà Nẵng, 2002, tr.464-465
tin tức liên quan
Videos
Phân tầng xã hội và di dộng xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ cuối]
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Những âm thanh vang vọng núi rừng Tương Dương
Hội nghị Sơ kết cụm thi đua 6 tỉnh Bắc Trung Bộ năm 2023
Chuyện về những người phụ nữ có ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Mai
Thống kê truy cập
114559319

219

2317

2637

226862

122920

114559319