Những góc nhìn Văn hoá

Văn hóa dân tộc với việc xây dựng sức mạnh mềm Việt Nam

Sức mạnh tổng hợp của bất cứ quốc gia nào cũng đều là sự tổng hòa hai nguồn lực chính gồm "sức mạnh cứng" và "sức mạnh mềm".Hiện nay, “sức mạnh mềm”, “quyền lực mềm” đang là nhân tố cơ bản để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của một nước trong khu vực và thế giới. Sức mạnh mềm trong những thập niên gần đây đãtrở thành chủ đề “nóng” trong giới học thuật cũng như trong giới chính khách, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng.

Trong các nhân tố tạo nên sức mạnh mềm, văn hóa giữ vai trò then chốt. Sức mạnh mềm văn hóa được nhiều quốc gia chú trọng khai thác thông qua phim ảnh, âm nhạc, thời trang, truyền hình, các ngành công nghiệp giải trí, các hoạt động ngoại giao văn hóa… góp phần hữu hiệu gia tăng vị thế, quyền lực, ảnh hưởng của các quốc gia đó đối với thế giới. Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… là những quốc gia đã rất thành công trong việc sử dụng sức mạnh mềm văn hóa hỗ trợ cho sức mạnh tổng hợp của quốc gia.

Từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, chủ đề sức mạnh mềm nói chung,sức mạnh mềm văn hóa nói riêng ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu văn hóa, quản lý xã hội, điều hành đất nước. Thế giớiđangchuyển từ đối đầu sang đối thoại, các quốc gia từ đại lục, siêu cường đến những nước nhỏ bé đều nhận thức ngày càng rõ hơn tầm quan trọng của sức mạnh mềm văn hóa. Đối với Việt Nam, đây cũng là một vấn đề quan trọng và vô cùng cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và đời sống quốc tế phức tạp như hiện nay.

1. Vai trò của văn hóa trong hệ thống lý luận về sức mạnh mềm

1.1. Sức mạnh mềm

Tổng hợp các công trình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước đã công bố,có thể thấy sức mạnh mềm là một hệ thống lý thuyết đã được xây dựng và hoàn thiện trong một thời gian khá dài. Những thảo luận đầu tiên về sức mạnh mềm đã được manh nha trong những công trình học thuật của giới nghiên cứu phương Tây từ thập niên 30 - 70 của thế kỷtrước(E. Hallett Carr, Robert Jervis...).Nhưng phải đến năm 1973, khái niệm “sức mạnh mềm” mới được phân tích một cách sâu sắc trong công trình Quyền lực và thịnh vượng: Kinh tế chính trị học trong quyền lực quốc tế của Klaus Knorr1. Sau đó, khái niệm này đượcJoseph S.Nye2 hoàn chỉnh và phát triển thành một luận thuyết trong các công trình Ràng buộc để dẫn dắt: Bản chất sức mạnh đang thay đổi của Mỹ(1990)và Quyền lực mềm: Phương tiện để đạt được thành công trong chính trị quốc tế(2004).

Theo Joseph Nye,sức mạnh tổng hợp của một quốc gia được tạo dựng từhai nguồn lực là “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm”. "Sức mạnh cứng"(hard power)là tổng hòa các yếu tố chiếm vị trí chi phối,bao gồm tài nguyên cơ bản (diện tích đất đai, dân số, tài nguyên tự nhiên)vàsức mạnh quân sự, kinh tế,khoa học - kỹ thuật. "Sức mạnh mềm" (soft power) là khả năng tác động, thu phục, cảm hóađể người khác làm theo ý muốn của mình một cách tự nguyện haykhả năng ảnh hưởng, lôi cuốn của một quốc giađối với các quốc gia khác thông qua các phương thức mang tính phi cưỡng chế trong quan hệ quốc tế.

Sức mạnh cứng và sức mạnh mềm có quan hệ tác động qua lại, hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau và đôi khi lồng ghép với nhau, tạo nên hiệu quả không chỉlà phép cộng đơn thuần, mà đôi khi có tác dụng “bội số nhân” tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn.

Sức mạnh mềm, theo Joseph Nye, được tạo dựngtừ ba nguồn lực cơ bản: 1) Văn hóa của quốc gia (có sức hấp dẫn đối với các quốc gia khác); 2) Tư tưởng chính trị và chính sách đối nội; 3) Chính sách ngoại giao (khi chính sách được coi là uy tín và có đạo đức)1.

Về bản chất, sức mạnh mềm là sự hấp dẫn và mê hoặc chứ không phải là cưỡng chế hay ép buộc. Một quốc gia có thể khiến đối tượng có hành vi học tập và làm theo những điều mình mong muốn thông qua sức lan tỏa về văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, đạo đức, hình thái ý thức và chế độ, sự thuyết phục của thể chế, chính sách được thực thi hiệu quả ở nước mình, từ đó nhận được cảm tình, sự nể phục và hợp tác bền vững của họ để thực hiện mục tiêu chiến lược của quốc gia.

Nói cách khác, quyền lực cứng là sức mạnh ra lệnh, khiến người khác phải làm cái mình muốn, còn quyền lực mềm là sức mạnh dẫn dụ, khiến người khác làm vì cũng muốn đạt kết quả tương tự.

Sức mạnh mềm cũng có thể đạt được thông qua các yếu tố khác như: hình ảnh, sức quyến rũ của đất nước; uy tín, sự lãnh đạo, năng lực giao tiếp, nhất là khả năng thuyết phục của những người thực thi quyền lực; mức độ cởi mở của xã hội; phẩm chất và năng lực của người dân, đặc biệt là vai trò của các vĩ nhân, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa…

Theo Joseph Nye, trong kỷ nguyên thông tin, có ba kiểu quốc gia có thể tận dụng sức mạnh mềm, bao gồm: những nước có văn hóa và tư tưởng gần gũi với những quan niệm chung toàn cầu; những nước sở hữu hệ thống truyền thông mạnh và có khả năng định hướng dư luận về một vấn đề nào đó; những nước có uy tín nhờ vào tình hình nội bộ và trách nhiệm với thế giới.

Hiện nay, khái niệm “sức mạnh mềm” đã được nghiên cứu rộng rãi và phát triển theo nhiều hướng khác nhau. Đặc biệt, châu Âu đang được xem là một mô hình “quyền lực mềm” nổi bật, đối trọng với “quyền lực cứng” của Mỹ, khi ảnh hưởng của châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và phát triển, đang lớn mạnh trên trường quốc tế.

Những bất ổn trên thế giới hiện nay cho thấy, kể cả một siêu cường như Mỹ, nếu chỉ dựa vào "sức mạnh cứng" trong các hành xử quốc tế, thì dù có ưu thế áp đảo chăng nữa cũng không thể dự phòng chiến tranh hoặc khôi phục hòa bình và thuyết phục, quy thuận được các nước khác.

1.2. Sức mạnh mềm văn hóa

Trong ba nguồn lực cơ bản của sức mạnh mềm thì nguồn lực văn hóa giữ vai trò quan trọng, chưa kể hai nguồn lực còn lại, nếu hiểu theo nghĩa rộng, xét cho cùng cũng là văn hóa. Văn hóa là nguồn tài nguyên quan trọng hàng đầu và có vai trò quyết định sức mạnh mềm của quốc gia.

  Sức mạnh mềm văn hóa được tạo dựng từ những giá trị văn hóa, tinh thần, hệ tư tưởng, nền văn hiến, những tinh hoa của văn hóa dân tộc, là nền tảng tạo nên sức hấp dẫn, sự lôi cuốn đối với các quốc gia khác.

Những công cụ kiến tạo nên sức mạnh mềm văn hóa gồm các kênh phát thanh truyền hình, chương trình giao lưu trao đổi văn hoá - học thuật, sản phẩm văn hoá - thương mại, chương trình hỗ trợ giáo dục, các kênh văn hóa đối ngoại… Đây là những công cụ giúp giải thích, truyền bá với tốc độ nhanh và phạm vi rộng quyền lực mềm văn hóa của một quốc gia đến các đối tượng tiếp nhận.

Hiệu quả của sức mạnh mềm thường không đến ngay nhưng một khi đã thành công thì ảnh hưởng sẽ sâu sắc và kéo dài, ví dụ như ảnh hưởng sâu đậm của Khổng giáo Trung Hoa ở các nước Đông Á, hay các nét văn hoá Pháp vẫn tồn tại ở một số nước thuộc địa cũ.

Theo JosephNye, sức mạnh mềm văn hóa không chỉ là lực ảnh hưởng văn hóa ra bên ngoài,mà mỗi chính phủ cũng phải bảo vệ những hành vi trong nước (dân chủ), hành vi trong quan hệ quốc tế (lắng nghe ý kiến người khác) và chính sách ngoại giao (đề xướng hòa bình và nhân quyền) tác động đến định hướng giá trị của các nước khác.

Tuy có thể còn có những tranh luận, phản biện, bổ sung để học thuyết này ngày càng đầy đủ và hoàn thiện hơn, nhưng sự ứng dụng linh hoạt tinh thần của học thuyết mang đến thành công cho nhiều quốc gia là điều không thể phủ nhận. Trong bối cảnh đó, việc vận dụng sáng tạo lý thuyết nàylà rất cần thiết cho Việt Nam nhằm góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp của quốc gia và chủ động hội nhập quốc tế.

2. Những tiềm năng, tiền đề để xây dựng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam

Việt Nam đã từng được chính Joseph Nye, cha đẻ của học thuyết sức mạnh mềm,khẳng định là một quốc gia có nhiều điều kiện, cơ hội và lợi thế để gia tăng sức mạnh mềm văn hóa trong quan hệ quốc tế. Năm 2007, trong một cuộc phỏng vấn của báo chí Việt Nam, ông từng nhận định Việt Nam có nhiều thứ có thể thu hút, lôi kéo các quốc gia khác như:sự nổi danh từ lịch sử đấu tranh giành độc lập bảo vệ chủ quyền; tinh thần tự chủ, độc lập dân tộc; sự chuyển đổi thành công sang một nền kinh tế có mức tăng trưởng ấn tượng... Ông cho rằng, những điều này sẽ giúp gia tăng sức mạnh mềm của Việt Nam.

Bên cạnh những điều J.Nye nhận xét, chúng tôi cho rằng chúng ta còn có những tiềm năng, thế mạnh khác về văn hóa có thể khai thác để thúc đẩy, xây dựngsức mạnh mềm quốc gianhư sau:

-Việt Nam có một nền văn hóa giàu bản sắc, đa dạng, có bề dày truyền thống. Điều này được thể hiện rất rõ qua hệ thống phong phú các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam, trong đó có những di sản thế giới, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO vinh danh; những giá trị văn hóa lâu đời, độc đáo, đa sắc màu của 54 dân tộc anh em; sự tinh tế, phong phú của ẩm thực Việt Nam; sự độc đáo của sản phẩm các làng nghề truyền thống… Đó là những nguồn tài nguyên nhân văn vô tận để chúng ta khai thác, phát huy trong phát triển du lịch,quảng bá văn hóa, hấp dẫn thế giới bên ngoài.

- Văn hóa Việt Nam có nhữnggiá trị được thế giớibiết đến vàcông nhận: Việt Nam là đất nước trải quanhiều đau thương trongcác cuộc chiến tranh liên miên, trong đó cócảnhững cường quốc số 1 thế giới. Nhân dân các nướcbiết đến và nể trọng chúng ta vì sự nghiệp đấu tranhchính nghĩa giải phóng dân tộcqua những phẩm chất: yêu nước, anh hùng, quả cảm, quật cường, đồng thời luôn hòa hiếu, chuộng hòa bình, nhân ái, vị tha. Truyền thống nhân nghĩa “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo” của Nguyễn Trãi trước đây và tinh thần hòa hiếu, khoan dung của chúng ta hiện nay đang giúp ngoại giao Việt Nam xoá bỏ hận thù, san lấp khoảng cách với các nước, kể cả các cựu thù. Thái độ thân thiện, mến khách của người Việt Nam cũng luôn được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đó là những giá trị tốt đẹp và bền vững, mà nếuchúng ta biết quảng bá và phát huy đúng cách, sẽ có khả năng lan tỏa và sức thuyết phục, chiếm được thiện cảm,tình yêu mến của cộng đồng thế giới, sự đồng thuận trong quan hệ quốc tế.

- Văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa mở: Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, văn hóa Việt Nam luôn là nền văn hóa không khép kín,hẹp hòi, kỳ thị mà luôn cởi mở, khoan dung, sẵn sàngthâu hóa cái hay,cái đẹp của văn hóa nhân loại để nâng cao và làm giàu cho văn hóa dân tộc (tiếp biến tư tưởng, học thuật, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, chữ viết từ văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, Chăm Pa, phương Tây… một cách sáng tạo trên nền tảng của văn hóa bản địa). Chúng ta cũng luôn tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để nâng tầm, hoàn thiện văn hóa Việt Nam, tiếp nhận những giá trị phổ quát của nhân loại mà không cực đoan, chia rẽ.Đây là những nhân tố tích cực tạo tiền đề để chúng ta dễ dàng hòa nhập vào dòng chảy chung của văn hóa thế giới và được quốc tế công nhận.

-Con người Việt Nam có tài năng sáng tạo vànăng lực thích ứng caoTài năng sáng tạo của các thế hệ tiền nhân đã được thể hiện rất rõ qua những thành tựu văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần để lại cho chúng ta. Ngàynay, Việt Nam là đất nướccó dân số trẻ, tăng trưởng nhanh, các thế hệ mới có chỉ số thông minh cao, hiếu học, năng động, có năng lực sáng tạo tốt. Ngày càng xuất hiện nhiều tài năng trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Con người Việt Nam vốn được tôi luyện qua bao biến thiên của lịch sử, nên có khả năng thích ứng cao, giao lưu, tiếp biến văn hóa tốt và đặc biệt rất nhanh nhạy trong kết nối toàn cầu.

- Mức độ hội nhập công nghệ thông tintốt: Việt Nam đang có những cải thiện vượt bậcvề cơ sở hạ tầng thông tin - truyền thông. Mức độ sử dụng internet, số hóa ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Tính đến tháng 1 năm 2020, theo “Báo cáo Digital 2020: Global Digital Yearbook” của We are social1, Việt Nam có 96,9 triệu dân thì số người dùng Internet là 68,17 triệu (chiếm 70% dân số), số  người dùng mạng xã hội là 65 triệu (chiếm 67% dân số)2. theo một khảo sát vào tháng 12 năm 2019, 94% người dùng ở Việt Nam sử dụng Internet hằng ngày, trong đó họ dành trung bình tới 6 giờ 42 phút mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới mạng Internet, dành trung bình 2 giờ 32 phút để dùng mạng xã hội, 2 giờ 31 phút để xem các stream hoặc các video trực tuyến và dùng 1 giờ 11 phút để nghe nhạc1.Đây là những tiền đề quan trọng về cơ sở khoa học công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi chogiao lưu và truyền thông văn hóa.

-Có sự cải thiện về thể chế, môi trường pháp lý: Gần đây Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có những chủ trương, quyết sách lớn, đề cao vai trò của văn hóa trong xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc gia. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã nhấn mạnh: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” và xác định 2 trong số 6 nhiệm vụ trọng tâm xây dựng văn hóa là:“phát triển công nghiệp văn hóa ”và“ chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa”. Trong những năm 2015, 2016, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp phê duyệt hai Chiến lược quan trọng: Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030Chiến lượcvăn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, tạo căn cứ pháp lýchonhững thay đổi, cải thiện tích cực về thể chế, cơ chế, chính sách giúp thúc đẩy sự phát triển sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Qua những phân tích bước đầu trên đây có thể thấy, chúng ta đang sở hữu không ít lợi thế,cơ hội và điều kiện thuận lợi để có thể gia tăng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong tương lai.

3. Những khó khăn, thách thức đối với việc xây dựngsức mạnh mềm văn hóa Việt Nam

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn vào sự thật là hiện nay sức mạnh mềm văn hóa của chúng ta còn thấp, hay nói đúng hơn, chúng ta chưa khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh của nguồn lực văn hóa dân tộc.Trong một thời gian dài chúng ta chưa chú ý đến vấn đề này một cách nghiêm túc và hiện tại phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Có thể kể đến một số vấn đề chính như sau:

- Yếu về tiềm lực tài chính để theo đuổi các chính sách quảng bá văn hóa ra bên ngoài

Việt Nam không phải là quốc gia có tiềm lực mạnh về kinh tế để triển khaicác chương trìnhphát triển văn hóa và văn hóa đối ngoại mạnh mẽ như các nước phát triển.Hiện nay, đầu tư của chúng ta trong lĩnh vực văn hóa chủ yếu vẫn dựa vào nguồn lực Nhà nước, bên cạnh đóhiệu quảđầu tưcũng chưacao. Mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách tương đối thấp so với các lĩnh vực khác. Các nguồn vốn xã hội hóa và nguồn vốn nước ngoài chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Các mô hình, sáng kiến huy động nguồn lực xã hộichưa đa dạng, linh hoạt. Do vậy, rất thiếu các nguồn lực tài chính để phát triển và xây dựng sức mạnh mềm văn hóa một cách quy mô, liên tục, dài hạn, có chiều sâu.

-Chưa khai thác và phát huy tốt nội lực của văn hóa

Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật của chúng ta chưa phong phú, đa dạng. Hoạt động sáng tác chưa tạo được nhiều tác phẩm lớn, các kiệt tác làm cơ sở để khuyếch trương sức mạnh mềm. Các thành quả của văn hóa đương đại còn yếu so với khu vực và thế giới, nhất là trong lĩnh vực điện ảnh,âm nhạc,mỹ thuật, truyền thông, các ngành giải trí…Những tinh túy của văn hóa dân tộc chưa được truyền vào các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, chưa đảm đương được nhiệm vụ mở đường cho kinh tế (như Hàn Quốc qua làn sóng Hallyu vớiphim ảnh, âm nhạc, thời trang, mỹ phẩm, ẩm thực, du lịch; Nhật Bản với truyện tranh manga, Trung Quốc với phim cổ trang…). Nền ẩm thực của chúng ta vốn rất phong phú, đa dạng, quy tụ được tinh hoa ẩm thực của mọi miền đất nước, từ ẩm thực cung đình đến ẩm thực dân gian và được du khách nước ngoài rất ưa chuộng, nhưng đến nay chúng ta chưa xây dựng được những thương hiệu xứng đáng (như sushi của Nhật Bản, kim chi của Hàn Quốc…).

Bên cạnh đó, quá trình toàn cầu hóa hiện nay đang tạo áp lực rất lớn đối với việc duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai mộtrất cao. Tính chất đa dạng, nhiều màu sắc của văn hóa Việt Nam đang đối mặt với thách thức bị thay thế bằng một thứvăn hóa “đồng dạng”, “đồng phục”, “lai căng”làmnghèo nàn, xói mòn văn hóadân tộc. Chúng ta cũng đang đứng trước nguy cơ “tụt hậu”, đánh mất thị trường tiêu thụ văn hóa ngay trên sân nhà.

- “Xuất khẩu văn hóacòn yếu, chưa phát triển mạnh các ngành công nghiệp văn hóa

Mặc dù Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc triển khai vẫn còn rấtnhiềulúng túng, vướng mắc. Các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam còn khá non trẻ, các doanh nghiệp trong lĩnh vực vănhóa có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, chưa có các thương hiệunổi tiếng. Xuất khẩu sản phẩm văn hóa còn yếu, chưa tạo được những sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hiện nay, tổng đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam vào GDP chỉ chiếm 2.68%,trong khi ở Anh là 8,6%, ở Nhật Bản chiếm 6,6% doanh thu toàn ngành công nghiệp1. Giá trị kinh tế của các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chưa đượckhai tháctriệt để, chưa tạo lập được thị trường văn hóa đích thực.

- Văn hóa đối ngoại đạt hiệu quả chưa cao

Văn hóa đối ngoại là tổng thể các hoạt động ứng xử, giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa nhằm giới thiệu những tinh hoa, giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú và lan tỏa giá trị văn hóa quốc gia trong cộng đồng quốc tế, hỗ trợ tích cực cho các loại hình đối ngoại khác (chính trị, kinh tế...) để quốc gia tăng cường hợp tác, phát triển.

Những năm qua, tuy hoạt động văn hóa đối ngoại về cơ bản đã bám sát chủ trương, đường lốicủa Đảng và Nhà nước, góp phần triển khai chiến lược đối ngoại toàn diện của Việt Nam, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều yếu kém, chưa đạt được mục tiêu và hiệu quả như mong muốn. Nội dung các hoạt động quảng bá, giao lưu văn hóa còn đơn điệu, trùng lặp, thiếu tính sáng tạo, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của văn hóa Việt Nam, chưa có tínhtổng thể, đồng bộvà có tầm nhìn dài hạn.

-Công tác truyền thông, thông tinđối ngoại còn yếu: Công tác truyền thông về văn hóa, thông tin đối ngoại chưa được đầu tư thích đáng, do đó, chưa nhân rộng được ảnh hưởng và sức lan tỏa của văn hóa Việt Nam ra thế giới, đặc biệt là trong kỷ nguyên công nghệ số hiện nay. Trong thời đại bùng nổ thông tin, bản thân các phương tiện truyền thông của Việt Nam chính là một phần của hình ảnh Việt Nam. Nếu chúng ta muốn thay đổi cách nhìn của thế giới đối với nước ta, trước tiên phải thay đổi phương thức truyền thông, coi việc sáng tạo ra những sản phẩm truyền thông Việt Nam có thương hiệu làhướng đi quan trọng.Tuy nhiên, hoạt động nàyhiện naycòn rất nhiều hạn chế.

- Thể chế chưa hoàn thiện, mô hình quản lý thiếu năng động: Các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế chưa cụ thể, rõ ràng.Nhiều quy định hành chínhcòn mang tính quan liêu, bao cấp ảnh hưởng đến nhiệt huyết sáng tạo,sự tăng trưởngtrong lĩnh vực văn hóa và cạnh tranh lâu dài. Các cơ quan quản lý nhà nước còn thiếu tầm nhìn, sự đổi mới, quyết tâm vào cuộc. Tình trạng vi phạm bản quyền  tràn lanlàm ảnh hưởng lớn đến tính chất lành mạnh của thị trường văn hóa, nghệ thuật.

- Nguồn nhân lực ngành văn hóa còn nhiều hạn chế:Nguồn nhân lực làm văn hóa còn rất thiếu và yếu, từ đội ngũ cán bộ quản lý, sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu đến các doanh nghiệp kinh doanh văn hóa nghệ thuật. Đội ngũ những người làm nghề chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng hoạt động trong cơ chế kinh tế thị trường (kiến thức chuyên môn, kỹ năng quản trị doanh nghiệp,kinh doanh, marketing, gây quỹ...).Tính thụ động, ỷ lại, trông chờ của thời bao cấp vẫn còn nặng, vai trò của thị trường với các quy luật cung cầu, cạnh tranh chưa phát huy nhiều tác dụng. Có thể nói, Việt Nam sở hữu nhiều tài năng, nhưng lại thiếu các điều kiện để tài năng phát triển.

Nêu ra một số khó khăn, thách thức như trên để chúng ta thấy rằng nguồn lực cho sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam tuy dồi dào, phong phú, nhưng hiện nay chủ yếu mới ở dạng tiềm năng, lợi thế, tài nguyên, đang chờ đợi được phát lộ vàkhai thácmột cách hiệu quả.

4. Định hướng chính sách nhằm nâng cao sức mạnh mềm văn hóa, góp phần xây dựng sức mạnh mềm Việt Nam

4.1. Củng cố nội lực của văn hóa dân tộc, chú trọng bồi đắp văn hóa tinh hoa trên cơ sở phát triển văn hóa đại chúng

Cần huy động sức mạnh của toàn xã hội trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để nâng tầm, làm giàu cho văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật, tạo điều kiện tự do sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, phát huy giá trị các di sản được UNESCO công nhận. Trọng dụng, tôn vinh trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, chú trọng phát hiện nhân tài, bồi dưỡng năng khiếu và tài năng trẻ. Khuyến khích các cộng đồng sáng tạo, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, nhất là văn hóa các dân tộc thiểu số. Đối với những nhân tố văn hóa mới, chúng ta phải biết tiếp thu, chọn lọc, vận dụng cho phù hợp với xu thế của xã hội văn minh hiện đại.

4.2. Tăng cường “xuất khẩu” văn hóa,phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Cần coi đây là một định hướng mang tính chiến lượcđể khai thác sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Việc tăng cường sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm văn hóa nghệ thuật, dịch vụ văn hóa, xây dựng thị phần cho công nghiệp văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế sẽ vừa góp phần tôn vinh văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh quốc gia,vừathể hiện sức hấp dẫn, sự lan tỏa của văn hóa Việt Nam ra thế giới. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là những quốc gia đã rất thành công khi biến tài nguyên văn hóa thành tài sản, hàng hóa, thành sức mạnhmềmảnh hưởng ra bên ngoài thông qua phim ảnh, văn học, nghệ thuật, giáo dục, xuất bản, ẩm thực, lễ hội, thời trang, du lịch...

4.3. Nâng cao hiệu quả văn hóa đối ngoại và ngoại giao văn hóa

Văn hóa muốn thể hiện được giá trị thì phải truyền bá. Chúng ta cần đẩy mạnh quảng bá văn hóa, làm nổi rõ sức hấp dẫn của văn hóa Việt Nam; giới thiệu những nét đẹp của đất nước, con người Việt Nam, xây dựng thông điệp về hình ảnh quốc gia. Muốn thế phải mở rộng phạm vi, mức độ, quy mô và chất lượng các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tới cộng đồng quốc tế; tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn của thế giới như EXPO, các Liên hoan phim quốc tế, triển lãm mỹ thuật thế giới…, xây dựng các sản phẩm văn hóa đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.  

Tiếp tục củng cố hệ thống Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt là một số địa bàn trọng điểm (ngoài Pháp, Lào, từ nay đến năm 2020 tiếp tục triển khai ở các nước: Campuchia, Liên bang Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc theolộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt1). Cần học hỏi kinh nghiệm thành công của các nước như: Hội đồng Anh, Trung tâm văn hóa Pháp (L'Espace), Viện Goethe (Đức), Viện Khổng Tử (Trung Quốc)…trong việc truyền bángôn ngữ,văn hóa.

Cần nâng cao hình ảnh, vị thế, mở rộng ảnh hưởng của quốc giatrên trường quốc tế để khẳng định uy tín, vai trò của Việt Nam trong đời sống quốc tế. Hiện nay, trong các quan hệ song phương và đa phương chúng ta đang dần khẳng định là một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu, trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt trong các tổ chức và hoạt động văn hóa của UNESCO. ASEAN.

4.4. Đổi mớicông tác truyền thông văn hóa

Trong thời đại tiến bộ của công nghệ thông tin, truyền thông - liên lạc, các quốc gia nhỏ, tổ chức phi chính phủ, các nhóm và cá nhân đều có thể bình đẳng trong việc truyền bá và củng cố quyền lực mềm với tốc độ rất nhanh và chi phí rẻ. Do vậy, chúng ta cần tận dụng các cơ hội và phương thức khác nhau để tiến hành công tác truyền thông văn hóa.

Cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới bằng nhiều hình thức: báo chí, truyền thanh, truyền hình, Internet; đa dạng hóa các sản phẩm, hình thức truyền thông bằng tiếng nước ngoài (ưu tiên các thứ tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Lào, Campuchia...). Sản xuất các ấn phẩm sách báo, báo điện tử, chuyên trang bằng tiếng nước ngoài, xây dựng chương trình truyền hình đối ngoại, sản xuất băng đĩa, phim ảnh... có phụ đề tiếng nước ngoài, xây dựng thư viện trên mạng bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, sử dụng các loại hình truyền thông mới như mạng xã hội... để phục vụ đông đảo cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Phảicó những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực truyền thông có khả năng xây dựng, thể hiện nội dung quảng bá một cách công phu,nghệ thuật,tạo nên sự hấp dẫn, lôicuốn.

Đặc biệt, cần tổ chức truyền thông có hiệu quả khi tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao… ở nước ngoài, thu hút sự tham gia của các hãng truyền thông uy tín của nước sở tại và quốc tế. Xây dựng các danh hiệu Đại sứ văn hóa, Đại sứ Du lịch của Việt Nam tại các địa bàn khác nhau.

Bên cạnh đó, cần thu hút lưu học sinh nước ngoài đến Việt Nam học tập. Họ chính là những kênh truyền thông thuyết phục nhất với người dân các nướcvềhình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam.

4.5. Tăng cường hỗ trợ đầu tưvề tài chính

Nguồn lực tài chính là vấn đề quan trọng quyết định chất lượng của mọi loại hoạt động. Bên cạnh việc Nhà nước cần có một khoản ngân sách nhất định cho các chương trình, kế hoạch gia tăng sức mạnh mềm văn hóa, cầncó các chính sách thúc đẩy xã hội hóatrong lĩnh vực này. Khuyến khích các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội, doanh nghiệp, nghệ sỹ tự do tham gia vào sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật và văn hóa đối ngoại.

Nhà nước cần ban hành các cơ chế về tài chính, chính sách ưu tiên về thuế, tài trợ cho hoạt độnggiao lưu, hợp tác về văn hóa nghệ thuật; tạo điều kiện thuận lợi chocáchợp tác du lịch- thương mại, xúc tiến đầu tư nước ngoài trên lĩnh vực văn hóa…

4.6. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành văn hóa

Con người là nhân tố then chốt, quyết định thành bại của mọi công việc. Hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao ngành văn hóa vừa thiếu vừa yếu. Do vậy, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn hóa, nghệ thuật, đào tạo cán bộ chuyên môn có trình độ cao.

Đặc biệt, cần nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức văn hóa,kỹ năng văn hóa đối ngoại cho đội ngũ cán bộ làm văn hóa. Nâng cao chất lượng đội ngũ tham tán văn hóa, tùy viên văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài để tạo dựng được quan hệ tốt, sự thiện cảm của nước chủ nhà.

Do thực lực còn nhiều khó khăn, chúng ta cần tranh thủ các hoạt động hợp tác, trao đổi quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực trong cáclĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, công nghiệp văn hóa, kinh doanh văn hóa...

4.7. Phát huy vai trò cầu nối của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Đặc điểm của nước ta là có một cộng đồng người ViệtNam đông đảo ở nước ngoài với hơn 4,6triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc ở gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.Cần gắn kết việc xây dựng và quảng bá văn hóa Việt Nam với cộng đồng người Việt Nam và cộng đồng lưu học sinh ở nước ngoài. Phải đoàn kết họ lại, khuyến khích phát huy trí tuệ, tài năng, tâm huyết, đóng góp vào sự nghiệp chung quảng bá văn hóa Việt Nam.

Cần quan tâm, tạo điều kiện để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng lưu học sinh được tiếp nhận thông tin và sản phẩm văn hóa từ trong nước, khuyến khíchgiữ gìn và phát huy truyền thống văn hóadân tộctrong gia đình, trongcộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc. Sự gắn kết của cộng đồng kiều bào với tổ quốc sẽ góp phần phổ biến, lan tỏa các giá trị tốt đẹp của dân tộc, hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới.

Kết luận

Đối với Việt Nam, để thực sự tạo được sức mạnh tổng hợp quốc gia thì không thể không khai thác sức mạnh mềm văn hóa. Nâng cao sức mạnh mềm văn hóa cũng là biện pháp chiến lược quan trọng để chúng ta có thể hội nhập quốc tế thành công trong thời đại toàn cầu hóa.

Trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo, học hỏi từ thành công của các nước có bề dày kinh nghiệm trong xây dựng sức mạnh mềm văn hóa, chúng ta cần có những cải cách, đổi mới, tạo điều kiện một cách đồng bộ từ thể chế, chính sách đến phương thức thực hiện, nguồn lực xã hội, xây dựng đội ngũ thì mới có thể vừa củng cố, nâng caonội lực văn hóa của dân tộc, vừamở rộng tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa của văn hóa Việt Nam ra với thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, ban hành kèm theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08 tháng 09 năm 2016của Thủ tướng Chính phủ.

2.Chiến lượcvăn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, ban hành kèm theoQuyết định số 210/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Nguyễn Huy Kỳ, Vấn đề nâng cao "sức mạnh mềm" văn hoá ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số tháng 2-2014.

4. Nguyễn Thị Thu Phương, Sự trỗi dậy về sức mạnh mềm của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2013. 

5.Phương Đông: Truyền thống và hiện đại, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2015.

6. Song Thành, Ngoại giao văn hóa với vấn đề gia tăng “sức mạnh mềm” của Việt Nam, Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2014.

7. Nguyễn Thị Thùy Yên,Ngoại giao văn hóa với vai trò là sức mạnh mềm, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 361/ 2014.

 


* Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

1 Giáo sư kinh tế - chính trị học của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Princeton, Hoa Kỳ.

2 Nhà nghiên cứu chính trị học quốc tế Mỹ, nguyên Hiệu trưởng Trường Quản trị công John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard, Hoa Kỳ.

1 Dẫn theo Nguyễn Thị Thu Phương, Sự trỗi dậy về sức mạnh mềm của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2013, tr. 15-16. 

1 Một công ty toàn cầu có trụ sở chính ở Anhchuyên thực hiện các thống kê và đánh giá về Internet, kỹ thuật số, di động và các lĩnh vực liên quan.

2 Báo cáo Digital 2020 toàn cầuhttps:// webviptop.com/bao-cao-digital-2020-toan-cau/, cập nhật ngày 27/4/2020.

1 Báo cáo Digital Marketing Việt Nam năm 2019, https://andrews.edu.vn/bao-cao-digital-marketing-viet-nam-2019/, cập nhật ngày 20/4/2020.

1 Báo cáoChiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2016.

1 Chiến lượcvăn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, ban hành kèm theoQuyết định số 210/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528613

Hôm nay

2269

Hôm qua

2291

Tuần này

2886

Tháng này

215309

Tháng qua

0

Tất cả

114528613