Những góc nhìn Văn hoá
Trần Đình Sử - Nhà lý luận văn học

GS. Trần Đình Sử không chỉ là nhà Thi pháp học như mọi người thường ghi nhận mà ông thực sự là một nhà Lý luận văn học. Người ta nghĩ ông là nhà Thi pháp học cũng bởi vì những công trình về thi pháp học của ông quá nổi tiếng. Ông đã kiên cường nỗ lực nghiên cứu trên các phương diện thi pháp tác giả, thi pháp giai đoạn văn học, thi pháp tác phẩm và hệ thống các khái niệm và phương thức nghiên cứu thi pháp, để ra đời bộ tứ đồ sộ Thi pháp thơ Tố Hữu (1987), Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam (1999), Thi pháp Truyện Kiều (2002) và Dẫn luận Thi pháp học (1998, 2017), in đi in lại nhiều lần. Thi pháp học, thực sự là một con đường mới, một hướng đi mới đã gây nên ở Việt Nam một cơn sốt nghiên cứu văn học theo hướng thi pháp học, rầm rộ suốt thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Nhưng bên cạnh đó, còn một hướng đi âm thầm và bền bỉ kéo dài gần 60 năm, tính từ khi ông bắt đầu giảng dạy Lí luận văn học (LLVH) ở Đại học năm 1966, đến tận hôm nay, 2020, một con đường đi gập ghềnh, đầy khó khăn. Khó vì đã có những quan điểm chỉ đạo trong một số văn kiện, sách báo mang tính định hướng của các cơ quan chủ quản thuộc nhà nước về những vấn đề LLVH, khó vì đã có những những vấn đề LLVH rất cơ bản nhưng đã được cố định hóa, chương trình hóa, dù còn khá sơ lược theo kiểu cơ sở, đại cương trong các Giáo trình LLVH hệ Đại học. Những vấn đề LLVH ấy, dù là những nguyên lí cơ bản mang tính đại cương, nhưng cũng ít được quan tâm thay đổi và nâng cao. Và đã mấy chục năm qua, tính từ 1960, chúng ngày càng trở nên cũ kỹ, khô cứng, giáo điều, ít sức sống, ít gắn với đời sống văn học thực sự. Trong điều kiện của một người giảng dạy LLVH ở đại học gần như bắt buộc phải có quan điểm của riêng mình về tất cả các nội dung LLVH cơ sở được đề cập đến trong một bộ giáo trình LLVH hệ Đại học, trong điều kiện cần phải nỗ lực nâng cao tiếp thu các vấn đề LLVH theo những nguồn tư liệu khác nhau trên thế giới, trong điều kiện bắt buộc phải thay đổi, nâng cao tính hiện đại của các vấn đề LLVH nảy sinh trong tiến trình vận động của thực tiễn văn hóa và văn học Việt Nam, GS.Trần Đình Sử luôn có ý thức nêu quan điểm riêng của mình, để dày công vun đắp nên một hệ thống những vấn đề LLVH ngày càng hiện đại, mới mẻ, tiếp cận với những trào lưu LLVH mới của thế giới với những ý tưởng riêng, độc đáo. Nếu tính trong lịch sử LLVH VN, điểm mặt người chuyên làm LLVH (tức là những nhà nghiên cứu chuyên sâu về LLVH, viết sách LLVH, giới thiệu các khuynh hướng LLVH ở nước ngoài và vận dụng các quan điểm mang tính lí luận để nghiên cứu các hiện tượng văn học) khoảng 40 năm nay, từ 1980 - 2020, có thể kể đến tên một số nhà nghiên cứu như Nguyễn Văn Hạnh, Hoàng Trinh, Hà Minh Đức, Hoàng Ngọc Hiến, Phương Lựu, Trần Đình Sử, La Khắc Hòa, Lê Ngọc Trà, Huỳnh Như Phương, Trương Đăng Dung, Nguyễn Văn Dân, Trịnh Bá Đĩnh… Nhưng là người đã đặt ra các vấn đề LLVH, có tư duy lí luận và có những kiến giải tạo nên những ảnh hưởng sâu rộng trong nền LLVH nước nhà, phải kể đến Trần Đình Sử. Ông thực sự là một nhà LLVH khi luôn cố gắng giải quyết các vấn đề LLVH, xây dựng các khái niệm LLVH, có ý thức về tư duy lí luận và lập luận và ứng dụng lí luận. Điều này thể hiện trong các bộ giáo trình LLVH ông tham gia và chủ biên (Giáo trình LLVH, tập 1. 2, 1986-1987, 2005; Giáo trình LLVH hệ Cao đẳng, tập 1. 2, 2003-2005), trong các công trình chuyên sâu về LLVH như Những thế giới nghệ thuật thơ, 1995 và Tự sự học, chủ biên, 2017, Lí luận và phê bình văn học, 1996; Văn học và thời gian, 2001, Trên đường biên của lí luận văn học, 2014, Văn học so sánh, 2020 và những công trình về Thi pháp học. Là người gắn bó với việc giảng dạy ĐH, SĐH và hướng dẫn luận án TS, gần 60 năm qua, ông đã phải bàn đến khá nhiều vấn đề của nền LLVH nước nhà, qua nhiều giai đoạn, từ giai đoạn tiếp thu trực tiếp LLVH của Liên xô những năm 1960 - 1980, đến giai đoạn có những tiếp thu nguồn LLVH nước ngoài một cách sâu rộng sau thời kỳ Đổi mới từ 1986 đến nay, khi nhận thấy nội dung của hệ thống LLVH VN còn nhiều chỗ đơn giản, chưa hợp lý, cần đối thoại và phát triển. Đó là các vấn đề như phản ánh luận, ý thức hệ xã hội, văn học và hiện thực, đặc trưng văn học, hình tượng nghệ thuật, tư duy nghệ thuật, tiếp nhận văn học, văn bản và tác phẩm, ngôn ngữ văn học, phương pháp sáng tác, bản sắc dân tộc của văn học, kiểu sáng tác văn học và tiến trình vận động của văn học, lịch sử sáng tạo một tác phẩm văn học, diễn ngôn văn học…Đây là những vấn đề mà ông đã nhận thấy những hạn chế của sự gợi ý từ lí thuyết Xô viết và luôn muốn vượt ra khỏi, diễn giải lại, trình bày lại một số nhân tố trong lí thuyết truyền thống và diễn giải theo tinh thần tri thức mới.
Đầu tiên, cần phải nhắc đến các bộ giáo trình LLVH cho hệ ĐH. Những người thực sự bắt buộc phải quan tâm, phải có trách nhiệm viết nên những bộ giáo trình này không nhiều. Nếu những năm 1960-1970, đội ngũ này còn khá đông, có thể kể đến như Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Văn Hạnh, Trần Văn Bính, Hà Minh Đức, Nguyễn Xuân Nam, Thành Thế Thái Bình, Lê Bá Hán, Phương Lựu, thì đến những năm 1980 - 1990, có Phương Lựu, Nguyễn Xuân Nam, Thành Thế Thái Bình, Trần Đình Sử, Lê Ngọc Trà, La Khắc Hòa, sang đến những năm 2000, chủ chốt chỉ còn Phương Lựu và Trần Đình Sử. Tuy nhiên, Trần Đình Sử chỉ là chủ biên Tập 2 của giáo trình LLVH 1987, 2005 và chủ biên của giáo trình LLVH hệ Cao đẳng 2003-2005. Trong những phần đó, nỗ lực của ông để đổi mới giáo trình LLVH cũng là những đóng góp đáng ghi nhận. Có lúc, ông tâm sự với chúng tôi, về giáo trình LLVH, người Việt Nam mình thường có tư tưởng tự ti, không nghĩ người VN làm được LLVH, cho nên thường chỉ dừng lại ở sự sao chép nói chung. Có thể nói, các giáo trình LLVH, nếu không có tư tưởng mới thì sẽ không có LLVH mới. Còn các sách LLVH của ta, thực sự ít có gì mới mẻ, bởi làm LLVH rất khó. Người giới thiệu lí thuyết thì nhiều, nhưng để vận dụng vào nghiên cứu một hiện tượng văn học Việt Nam thì gần như không có. Người Việt vốn không có tư duy lí luận, tư duy phản tư, suy nghĩ thật sâu sắc một vấn đề, không chỉ LLVH. Ở một số luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ, vấn đề LLVH đặt ra và giải quyết mới chỉ như những thử nghiệm ban đầu trong nhà trường. Còn gần như không có các bước nâng cao tiếp theo… Đúng vậy! Hơn nữa, những người có trách nhiệm phải viết giáo trình quá ít, kể cả hệ thống giảng viên các trường ĐH có dạy môn LLVH. Chẳng ai nghĩ rằng cần phải viết giáo trình, trừ những người được Bộ Giáo dục hoặc Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp trước đây, hoặc trường ĐH mà họ là giảng viên, trao trách nhiệm, bắt buộc họ phải viết. Thực sự, hệ thống giáo trình này cũng không cần quá nhiều, nhưng nếu mỗi trường ĐH có chuyên ngành Văn có một bộ, độc đáo, khác hẳn nhau thì sẽ có những cơ hội mở ra nhiều hướng đi của LLVH VN. Tuy nhiên, vì là giáo trình, nên có những nội dung phụ thuộc vào chương trình mang tính pháp lệnh, nên cũng có cái khó nhất định đối với người viết.Còn viết sách mang tính LLVH kiểu nâng cao, ai có nhu cầu và khả năng thì quan tâm. Thực sự loại sách này có rất ít. Thuần túy lí luận chay thì ít ai cần. Còn tự đưa ra lí thuyết và ứng dụng vào các hiện tượng văn học, vào phê bình văn học đã có mấy ai. Nhưng trong tình thế ấy, Trần Đình Sử vẫn có những đóng góp riêng khi ông được tham gia viết giáo trình LLVH nói riêng và chủ động viết sách LL nói chung.Ông là người đưa ra vấn đề LLVH, giải quyết vấn đề và áp dụng vào một số hiện tượng văn học VN với khá nhiều ý tưởng mới lạ. Ngay từ lúc mới vào nghề, từ 1966, Trần Đình Sử đã luôn trăn trở với các vấn đề LLVH được đặt ra từ những năm 1950 với các bộ sách Nguyên lí, Cơ sở LLVH chủ yếu tiếp thu từ nền LLVH Xô viết của Abramovich, Timofeev. Từ thời đó, ông cùng một số giáo viên khác đã cảm nhận được sự sơ lược và và thiếu sức thuyết phục của nhiều nguyên lý văn học trong các giáo trình Xô viết và Việt Nam thời đó, nhưng hoàn cảnh lại chưa cho phép bất cứ thay đổi nào. Ông cứ một mình, cầm mẫn học hỏi, suy nghĩ, cần mẫn viết, cố gắng diễn đạt cho hết những suy nghĩ, biện luận, minh chứng của mình.Vì thế, ông đã viết một tiểu luận về Đặc trưng văn học, dày đến 100 trang đánh máy, trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất (1967-1972), trong hoàn cảnh ở nơi sơ tán của Đại học Sư phạm Vinh, đường sá xa xôi, chả có tư liệu tham khảo gì mấy. Vậy mà đến hôm nay, khi đọc lại những phần này, chúng tôi không khỏi kinh ngạc khi nhận thấy, với tuổi đời còn rất trẻ, chưa đến 30 tuổi, mà ông đã có những suy nghĩ đi trước thời đại với những suy ngẫm sâu sắc. Để nói lý do của việc viết tiểu luận này, gần đây, 2019, chính ông đã bộc bạch: “Đây là bài viết của tôi năm 1972 tại khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh, khi còn sơ tán ở Lăng Thành, Yên Thành Nghệ An. Đặc trưng văn học là khái niệm trung tâm của lí luận văn học. Bất mãn với lí thuyết thịnh hành đương thời, tôi tìm cách hiểu khác, vận dụng kí hiệu học, quan hệ chủ thể và khách thể, mĩ học tiếp nhận, đột phá nhận thức luận. Tôi đã nhìn đặc trưng văn học từ quan hệ chủ thể khách thể, xuyên suốt từ nhận thức đến thể hiện trong chất liệu, tạo ra một hệ thống thuật ngữ của riêng mình, phê phán triệt để quan niệm hình tượng thịnh hành lúc ấy trong các giáo trình. Với niềm say mê trẻ trung tôi không chỉ phê phán giáo trình lí luận văn học Việt Nam đương thời, mà còn phê phán cả lập luận giáo điều của Borev, Timofeev, đồng thời đưa ra lí thuyết của mình. Bây giờ nhìn lại không phải không có nhiều chỗ độc đáo còn đọc được. Tất nhiên bài viết không tránh khỏi những non nớt, ấu trĩ của một thời”(Phần nói đầu cho tiểu luận Đặc trưng văn học - bản đánh máy). Trong tiểu luận này, ông đã đề cập đến các vấn đề cụ thể của hình tượng văn học với những góc độ khác, mới mẻ hơn. Ông say sưalập luận, minh giải cho ý tưởng của mình để thấy được hình tượng nghệ thuật không chỉ là số cộng của những sự thống nhất đơn giản như giáo trình hiện hành đang trình bày, mà có rất nhiều đặc tính quan trọng khác: thể nghiệm và hư cấu, cái thấy được, cái không thấy được, tính sinh động nghệ thuật của hình tượng, sự thống nhất giữa những hình thức nghệ thuật cảm tính và ý thức của nghệ sĩ….Ông dựa vào một luận đề hoàn toàn mới, tức dựa vào lí thuyết hai hệ thống kí hiệu của văn học. Một là kí hiệu của giaotiếp bằng ngôn ngữ, hai là giao tiếp qua tạo hình phi ngôn ngữ (như múa, âm nhạc, hội họa), nghĩa là qua tạo hình mà nhận ra thông tin. Xưa nay người ta nghiên cứu văn học thường dựa vào hai lý do sau: ngôn ngữ tạo hình tức hình tượng, ngôn ngữ tự nhiên tức ngôn từ. Vì vậy chú ý hình tượng ở cấp độ tạo hình là con đường nghiên cứu cơ bản... Cách viết thật say sưa, sôi nổi, ý tưởng dạt dào. Những ý tưởng này sau đó được ông phát triển tiếp trong bài viết về Hình tượng văn học(1984), và trong phần Đặc trưng của tư duy nghệ thuật và cấu trúc chỉnh thể của hình tượng nghệ thuật của giáo trình LLVH 1987, và vẫn được suy ngẫm trong bài viết Về phạm trù hình tượng văn học (2003) in trong Lý luận và phê bình văn học.Điều đó cho thấy, cùng một vấn đề khoa học, có lúc tưởng chừng như cạn nghĩa, nhưng với nhiều cách tiếp cận khác nhau, vẫn luôn có được những ý tưởng mới mẻ, giàu sức thuyết phục.Trong hai bộ giáo trình LLVH hệ ĐH 1987 và 2005 và hệ cao đẳng 2003- 2005, ông đã đưa vào giáo trình nhiều quan điểm mới, hiện đại trên tất cả các nội dung cơ bản, từ đặc trưng đối tượng và nội dung văn học, tư duy nghệ thuật, cấu trúc hình tượng, ngôn từ như chất liệu của văn học, tiếp nhận văn học,đếnvăn bản, ngôn từ nghệ thuật, các loại hình nhân vật, các kiểu cốt truyện, cốt truyện và truyện kể...Có những nội dung rất mới mẻ so với thời điểm xuất hiện ở VN. Thí dụ, từ 1986, ông đã đưa Lí thuyết về tiếp nhận vào chương trình LLVH, mà thời điểm ấy, ở VN, chưa có mấy ai thực sự hiểu nó. Để nêu ra được các vấn đề LLVH này vào nhà trường, ông đã có những kiến thức và lập luận rất sắc sảo. Những đóng góp của ông về tư duy nghệ thuật, về cấu trúc hình tượng, cấu trúc nhân vật, điểm nhìn nghệ thuật, ngôn từ nghệ thuật,tính phi vật thể của hình tượng văn học… là những vấn đề cho đến tận hôm nay, chưa có ai vượt được ông trên phương diện nội dung giáo trình LLVH. Là những người trực tiếp giảng dạy LLVH ở bậc ĐH, chúng tôi thực sự đánh giá cao các bộ giáo trình này về mặt cập nhật kiến thức hiện đại và sự thuyết phục của hệ thống lập luận, vừa ở những quan điểm, vừa ở những thí dụ được phân tích. Ngoài ra, ở hệ SĐH vàđào tạo Tiến sĩ, ông còn có những chuyên đề như Thi pháp học, Văn học so sánh, Đặc trưng văn học, Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Di sản Bakhtin…Mong muốn của ông là trình bày được những thành tựu mới nhất của LLVH thế giới, trên hai nguồn tài liệu từ Nga và Trung Quốc. Những nội dung được ông đề cập đến trong các bộ giáo trình và các chuyên đề, là những cố gắng lớn của ông trong việc ngày càng nâng cao hệ thống LLVH trong nước để có thể tiếp cận dần đến trình độ LLVH của thế giới. Sau khi ra mắt cuốn Văn học so sánh 2019, ông đang chuẩn bị cho nội dung cuốn Quá trình văn học. Chúng tôi rất hy vọng vào điều này. Bởi sách của ông, dù là giáo trình đại học nhưng không hề lạc hậu với nền LLVH trên thế giới. Gần như tất cả các vấn đề mới mẻ của LLVH thế giới đều đã ít nhiều được ông đề cập đến. Là một nhà LLVH, ông là người đưa ra rất nhiều những khái niệm LLVH mới, có những khái niệm thuộc về khái niệm chung như quan niệm nghệ thuật về con người, thế giới nghệ thuật, cái nhìn nghệ thuật, mô hình tự sự, tính mơ hồ, đa nghĩa của ngôn ngữ nghệ thuật, điểm nhìn trần thuật, ngôn ngữ thân thể…, nhưng cũng có những khái niệm xuất phát từ những nghiên cứu một tác gia, tác phẩm, giai đoạn văn học cụ thể như thơ trữ tình chính trị, giọng điệu quyền uy, tiểu thuyết đời tư, chữ thân trong truyện Kiều, trữ tình điệu nói, diễn ngôn lí luận …Tất cả những khái niệm đó đều có những nội hàm mới mới mẻ, có sức thuyết phục, được các thế hệ đi sau dễ dàng sử dụng, coi như là những nội dung có tính chất phương pháp được dùng chìa khóa mới để đi vào tìm hiểu tác phẩm, tác giả và giai đoạnvăn học. Trong các luận án TS mà ông hướng dẫn thành công, có thể thấy, với mỗi luận án, ông đã cố gắng cùng nghiên cứu sinh tìm hiểu kỹ càng một khái niệm LLVH, từ quan niệm nghệ thuật về con người, cái tôi trữ tình, biểu trưng nghệ thuật, hoàn cảnh nghệ thuật, diễn ngôn tiểu thuyết, trò chơi nghệ thuật… đến kết cấu trữ tình, giọng điệu trữ tình,giọng điệu trần thuật, diễn ngôn tiểu thuyết, diễn ngôn lí luận phê bình… Những khái niệm này trở thành cơ sở lý thuyết để các NCS khảo sát về mặt thực tiễn văn học. Vì vậy, các luận án ông hướng dẫn về sau đều in được thành sách, làm hành trang nghiên cứu văn học bước đầu cho các nhà nghiên cứu LLVH thế hệ sau. Đóng góp để xây dựng đội ngũ này của ông thật không hề nhỏ. Chứng kiến quá trình hướng dẫn luận án TS của ông, suốt 30 mươi năm ở Bộ môn LLVH, ĐHSPHN, có thể nói, ông thực sự là một nhà LLVH có tư tưởng, không chỉ ở chỗ ông có một kiến văn rộng rãi, tiếp thu được nhiều nguồn LLVH mới của thế giới, mà với mỗi công trình LLVH của ông, dù có khi mới ở bậc luận án tiến sĩ do ông hướng dẫn, ông đều mong muốn xác lập lí thuyết, triển khai hệ thống lí thuyết, vận dụng vào một hiện tượng văn học cụ thể. Vừa tiếp thu lí thuyết từ nước ngoài, ông vừa cố gắng chuyển hóa những lí thuyết đó thành của riêng khi hệ thống lại, lập luận lại, tìm thí dụ trên những hiện tượng văn học nước nhà một cách khá thuyết phục. Khi hướng dẫn tôi làm luận án về Cái tôi trữ tình(1994), ông đã dựa vào lý thuyết của nhà tâm lý học Vunt, để đưa ra mấy tiêu chí nhận biết về cái tôi nói chung làm tiền đề cho lý thuyết về cái tôi trữ tình, mà thực sự trước đó ở Việt Nam chưa có ai đề cập. Tôi nhớ, khi bài báo Cái tôi và hình tượng trữ tình của ông ra đời (có sự tham gia của tôi - LLOanh), năm 1993, đăng trên báo Văn nghệ, GS Phan Trọng Luận đã bảo tôi (chắc GS Luận tưởng tôi viết là chính): Bài viết giỏi lắm, nhưng hơi uyên bác quá ! . Còn ai đã chứng kiến những buổi thảo luận về các luận án TS ở bộ môn LLVH ĐHSPHN, ở đó ông không chỉ nhận xét về nội dung khoa học của các luận án khác, mà còn phải bảo vệ cho tư tưởng chính của luận án ông hướng dẫn, mới thấy ông là nhà LLVH luôn nhất quán nhiệt tình bảo vệ cho những quan điểm của mình. Ông không chỉ lo cho luận án ông hướng dẫn mà còn quan tâm đến những luận án khác của Bộ môn. Luận án nào có khó khăn, ông đều tìm cách giúp tháo gỡ, không kể luận án do ông hướng dẫn hay người khác hướng dẫn. Học trò cứ tìm đến ông là ông trình bày hiểu biết của mình như rút hết gan ruột. Cũng dưới sự hướng dẫn, góp ý của ông mà những luận án của bộ môn LLVH trong nhiều năm qua đã không tách rời các hướng nghiên cứu văn học mang tính thời sự, mà còn luôn gắn bó với đời sống văn học và đời sống thực tiễn của đất nước. Có thể kể đến những luận án như Tiểu thuyết VN đương đại, nhìn từ góc độ diễn ngôn,Lí thuyết trò chơi và một số hiện tượng thơ VN đương đại,Sự chuyển đổi diễn ngôn lí luận phê bình văn học VN từ thời kì đổi mới đến nay, Phê bình văn học VN 1945 -1986,Văn xuôi VN sau 1986 dưới góc nhìn phê bình sinh thái.. Không chỉ dừng lại ở những vấn đề LLVH trong nhà trường, ông còn luôn nâng cao các vấn đề LLVH thể hiện qua cácchuyên luận, qua các bài tranh luận trên báo chí… Ông đã có 3 cuốn Lí luận và phê bình văn học, 1996; Văn học và thời gian, 2001, Trên đường biên của lí luận văn học, 2014, tuyển những bài chuyên về LLVH, cả về phê bình văn học. Trong ba cuốn sách này, ông tập trung vào các vấn đề LLVH nảy sinh từ nhà trường cho đến các vấn đề nảy sinh trong giao lưu ý tưởng LLVH trong đời sống xã hội. Vẫn là những trăn trở củamột nhà LLVH, khi ông nhận thấy “cả đời đã được đào tạo trong môi trường lí thuyết cũ, bao nhiêu năm tuổi trẻ dành đọc các lí thuyết xơ cứng, đã nhận thấy những hạn chế của lí thuyết xô viết và tìm cách diễn giải lại”, ông đã “cố gắng tìm hiểu trình bày lại một số khái niệm cơ bản trên tinh thần khẳng định các nhân tố hợp lí trong lí thuyết truyền thống và diễn giải lại theo tinh thần tri thức mới” (Lời nói đầu cuốn Trên đường biên của LLVH). Có những khái niệm, những vấn đề mà theo những tài liệu hiện hành ở VN thì tưởng chừng như cạn nghĩa, nhưng dưới suy nghĩ của ông, còn rất nhiều điều còn cần phải bàn đến nhưTính nhân loại của văn học, Ý thức về cá tính,Bản sắc dân tộc của văn học, Ngôn ngữ thơ, Ngôn ngữ nghệ thuật, Phản ánh luận, Ý thức hệ, Văn học và hiện thực …Những ý kiến và quan điểm được trình bày luôn mang tính đối thoại với những ý tưởng cũ. Bên cạnh đó là nhũng vấn đề hoàn toàn mới như Hệ hình mới của lí luận, Cấu trúc đối thoại, Văn học là tư duy về cái khả nhiên, Tính kí hiệu của hình tượng văn học, Bước ngoặt diễn ngôn và chuyển đổi hệ hình trong nghiên cứu văn học…Ba cuốn sách này, đặc biệt là cuốn Trên đường biên của lí luận văn học, đều được giới chuyên môn đánh giá cao như những hiện tượng nổi bật của LLVH VN những năm gần đây. Trước đó, với Những thế giới nghệ thuật thơ, ông đã tổng kết, khái quát về một số các loại hình thơ ca cơ bản như thơ cổ điển, thơ lãng mạn, thơ tượng trưng, thơ cách mạng. Các loại hình thơ ca được trình bày có hệ thống, được phân tích toàn diện, có rất nhiều thí dụ thuyết phục, rất có ý nghĩa với những người quan tâm đến sự tổng kết mang tính lịch sử về thơ ca, không chỉ VN mà còn cả trên thế giới. Về Tự sự học, một trong những hướng đi của nghiên cứu văn học thế giới, mới du nhập vào VN khoảng 20 năm nay, ông đã chủ trì hai Hội nghị khoa học toàn quốc năm 2001 và 2009, tập hợp thành hai cuốn kỉ yếu Tự sự học- những vấn đề lí luận và thực tiễn in năm 2006 và 2010, được dư luận đánh giá là hai cuốn sách có những giới thiệu về Tự sự học mà ai ở VNquan tâm về Tự sự học không thể bỏ qua.Và cũng để nâng cao hơn nữa về việc giới thiệu cũng như thực hành Tự sự học, ông đã cùng nhóm nghiên cứu cho ra đời Tự sự học - Lí thuyết và ứng dụng,2017, giới thiệu một cách có hệ thống những nội dung cơ bản và mới mẻ nhất của Tự sự học trên thế giới và VN. Theo ông, lí thuyết là để vận dụng. Vì vậy ông hầu như ít giới thiệu mà đưa ra một hệ thống lý thuyết của riêng mình, kết hợp nhiều quan niệm của các nhà khoa học đi trước.Sự vận dụng LLVH trong những công trình về thi pháp học của ông là những minh chứng thành công về phương diện này. *** Cuộc đời con người vừa dài vừa ngắn! Ngẫm nghĩ lại, đời người quá dài vì tám mươi năm trải qua bao nhiêu thăng trầm, chứng kiến bao biến thiên của đất nước, thời cuộc, có thể làm được bao nhiêu việc, để lại cho đời bao điều có giá trị. Nhưng cuộc đời cũng quá ngắn vì con người còn muốn làm bao nhiêu việc có ích cho đời nữa. Nhân dịp GS. Trần Đình Sử tròn tám mươi xuân, chúng tôi, những kẻ hậu sinh xin chúc GS., nhà LLVH, nhà thi pháp học, vẫn tiếp tục cống hiến cho nền LLVH của Việt Nam những sản phẩm tinh thần luôn ở dạng đỉnh cao mà khó có ai vượt qua được!. 29/3/2020
|
||
|
|
|
tin tức liên quan
Videos
Phân tầng xã hội và di dộng xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ cuối]
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Những âm thanh vang vọng núi rừng Tương Dương
Hội nghị Sơ kết cụm thi đua 6 tỉnh Bắc Trung Bộ năm 2023
Chuyện về những người phụ nữ có ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Mai
Thống kê truy cập
114559304

24

2317

2622

226847

122920

114559304