Những góc nhìn Văn hoá

Sắc thái văn hóa thờ cúng ở xứ Nghệ

          

Lễ cầu ngư trong lễ hội đền Cờn. Ảnh: Xuân Nhường

Chúng ta biết rằng, những hiện tượng tự nhiên và xã hội đưa lại phúc và họa cho con người, theo tư duy nguyên thủy người ta khó giải thích được vì sao lại xảy ra như vậy, họ cho có một đấng siêu phàm nào đó sinh ra và chi phối tất cả. Vì vậy họ phải thờ cúng cầu xin đấng siêu phàm đó.

 Thờ cúng ai, thờ cúng như thế nào, thờ cúng để làm gì? là do ai thờ cúng quy định theo tầm hiểu biết và cái tâm định hướng của họ.

Với đề dẫn ấy, bài viết này xin bàn về SẮC THÁI VĂN HÓA THỜ CÚNG Ở XỨ NGHỆ với tư cách là một tục lệ (thay vì một tôn giáo).

Xứ Nghệ nằm trong đất nước Việt Nam (cũng chỉ giới thuyết ở vùng người Việt (kinh) của miền Bắc nên trên đại thể sắc thái thờ cúng cũng giống với cả nước nhưng cũng có một số đặc điểm khác, trước hết là đối tượng thờ cúng.

- Do tín ngưỡng phồn thực không sâu rộng như ở ngoài Bắc cho nên ở xứ Nghệ rất ít nơi thờ cúng sinh thực khí (cơ quan sinh dục của nam và nữ) và hành vi giao phối.

- Tuy tôn trọng nhưng ở xứ Nghệ không thờ “Tứ bất tử”: Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh (có một vài nơi thờ Liễu Hạnh).

- Ở Nghệ Tĩnh không thấy thờ các tà thần, tức là những người có lí lịch không hay ho gì như người ăn mày, kẻ ăn trộm, v.v… nhưng chết vào giờ thiêng nên có thể tác yêu tác quái…

Vậy ở xứ Nghệ xưa kia người dân thờ ai?

Xin thưa chỉ thờ: Trời đấtTổ Tiên

Trước hết là nói về Trời đất. Trời đất xin hiểu theo nghĩa rộng và nói chữ là Thiên thần và Nhiên thần.

Ở Nghệ Tĩnh có những nơi thờ trời đất sau đây:

- Đền thờ Độc Lôi thiên thần ở làng Hữu Biệt (Nam Đàn) có từ thời nhà Lý, đền thờ Độc Lôi linh ứng thiên thần ở làng Quỳnh (Quỳnh Lưu).

- Đền thờ thần Đế Thích (đánh cờ) ở làng Yên Thống (Vinh), Tư Trì (Nam Đàn), Cao Hậu Đông (Quỳnh Lưu), Trung Phường (Diễn Châu).

- Đàn xã tắc thờ thần đất ở Yên Trường (Vinh).

- Thần núi được nhân dân thể hóa là Cao Sơn, Cao Các thờ ở rất nhiều nơi (phần lớn là vùng có núi đồi).

- Thần rừng là Thượng ngàn công chúa.

- Thần biển được nhân dân thể hóa là Tứ vị thánh nương ở Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai) và một số nơi khác. Trên đường thủy đi Nam chinh, vua Lý Thái Tông vào năm 1044, Trần Anh Tông 1311, Lê Thánh Tông 1469 đã ghé vào lễ viếng.

- Thần sông ở thôn Bình Lễ (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có đền Chế Thắng để che chở cho dân ở nơi sông nước, v.v…

Các vị thiên thần trên đây được các vị vua thay trời (thiên tử) phong thần, ủy thác cho các vị sứ mệnh canh giữ đất trời cho non sông xứ Nghệ.

Nói đến trời đất là còn phải đề cập một thể loại thần rất phổ biến, đó là Thổ thần, Thổ địa.

Thứ hai là thờTổ tiên

Tổ  tiên là gồm cả nhà (gia) và họ (tộc)

Ở Nghệ Tĩnh, mọi gia đình không kể giàu nghèo, sang hèn đều lập bàn thờ gia tiên ở gian chính của nhà mình. Bàn thờ là thể hiện một không gian vũ trụ được thu hẹp. Đôi cọc nến tượng trưng cho hai vầng nhật nguyệt. Cái lư hương hình tròn tượng trưng cho bầu thái cực. Các nén hương là các vì sao lấp lánh với khói hương và mây trời. Bàn thờ gia tiên là nơi gắn bó cộng đồng giữa những người đã mất với những người đang sống. Những người đang sống được những người đã mất đứng trong bóng tối hằng dõi theo từng hành động, được sẻ chia những niềm vui, những nỗi buồn trong cuộc sống. Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn. Tâm thức của người xứ Nghệ là thế.

Theo Thọ mai gia lễ (Thọ Mai là tiến sĩ Hồ Sĩ Tân (1691-1760) người làng Quỳnh) đến đời thứ năm thì chôn cất bài vị (ngũ đại mai thần chủ), do đó mới bốn đời thì làm giỗ các cụ: cao, tằng, tổ, phụ tại nhà riêng. Trên cụ cao gọi chung là tổ thì rước vào cúng tế tại nhà thờ họ. Năm đời trở lên là có thể trở thành một chi nhánh của họ.

Về cúng tổ hàng năm, cháu con ở quê hay ở mọi miền của đất nước đều hành hương về quê tổ dự lễ. Khi hành lễ, mọi người đều thành kính hướng lên bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói hương bập bồng ánh nến, với một tâm linh sâu lắng, tin rằng ông bà tổ tiên đã trở về đây chứng giám lòng thành biết đến công ơn sinh thành ra mình. Đây cũng là một sự nhắc nhở thầm kín: những người đang sống ai cũng mong muốn con cháu nhớ đến mình, vậy bản thân mình còn nhớ đến công ơn ông bà tổ tiên bằng hành động cúng tế thành kính của mình không? Đó là sự giáo dục truyền thống bằng việc làm cụ thể chứ không chỉ dừng ở lời răn dạy, ở chữ nghĩa sách vở.

Sự thờ phụng gia tiên của người xứ Nghệ là bao hàm mục đích ý nghĩa như vậy, chứ có lẽ không chỉ là “tượng trưng cho gia đình và việc nối dõi tổ tông” như Jean Coulet, một học giả Pháp đã viết (theo tác phẩm: Tục thờ thần và thần tích - NXB Nghệ An trang 23) .

Ngoài tổ tiên của gia tộc, xin mở rộng khái niệm tổ tiên cho cả làng, cả tỉnh được gọi là thần. Phải chăng chúng ta đã mặc nhiên thừa nhận vua Hùng là tổ chung của cả nước, thì ở địa phương mình, tại sao không?

So với thần trời đất là siêu hình thì đây là một dạng thần hữu hình, thần là người có thực (nhân thần).

 Dân ta thường nói: “Thần là ai? Thần là ta/Công minh chính trực chết ra thành thần’’, thì té ra có thể nói rằng, thần là người của quá khứ cũng là bản thân mình đang mong ước như thế trong tương lai. Mà chọn thờ ai là do mình quyết định một cách tự nguyện, tự giác theo tiêu chí do mình đặt ra.

Thật vậy, thần của làng ở xứ Nghệ phần lớn là các ông tổ của một dòng họ hoặc của nhiều dòng họ trong làng mình, những người đã có công khai cơ (mở ra cơ nghiệp) hoặc triệu cơ (xây dựng nên cơ nghiệp) (theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh) nên được hậu thế dân làng nhớ ơn tôn làm thần để cho cả làng thờ cúng ở đền làng.

Thần ở xứ Nghệ còn là những vị ở nơi khác trong huyện, trong tỉnh, thậm chí trong cả nước nhưng phải là người có công trực tiếp, đã đổ mồ hôi hoặc xương máu trên mảnh đất xứ Nghệ để góp phần bảo vệ hoặc xây dựng quê hương xứ Nghệ như: Thục An Dương Vương, Mai Thúc Loan, Lý Nhật Quang, Đặng Tế, Hoàng Tá Thốn, Nguyễn Xí, Phan Đà, Hồ Sĩ Dương, v.v…

Cũng xin đề cập thêm ở xứ Nghệ, nhiều làng, nhiều huyện có nhà thánh thờ Đức Khổng Tử, được coi là “Vạn thế sư biểu” (người thầy tiêu biểu của muôn đời). Đó đây có làng lập Hiền từ để thờ những người hiền có công với làng, không kể nam nữ, khoa bảng, giai cấp… nhưng chưa đến mức là “thần”.

Việc thờ cúng ở xứ Nghệ so với ngoài Bắc là giản đơn về cách thức và hình thức nhưng lại có phần sâu lắng về ý nghĩa và nội dung.

Ở xứ Nghệ việc thờ cúng thời xưa mang một sắc thái như đã trình bày. Theo quan điểm duy vật lịch sử, các sắc thái ấy là do hoàn cảnh về địa lý, khí hậu và lịch sử xã hội quy định.

Về địa lý khí hậu, có ba điểm đáng chú ý:

- Nghệ Tĩnh có thể xem như một đất nước thu nhỏ: có rừng, có biển, có sông, có núi tương ứng là các vùng dân cư: miền núi, miền đồng bằng, miền biển. Tuy khác nhau nhưng họ phải chống chọi với thiên tai, địch họa nên người dân mọi miền phải nương tựa vào nhau, phải cố kết với nhau, sức sống của xứ Nghệ bắt nguồn từ đó.

- Địa lý Nghệ Tĩnh có được như ngày nay không phải là “nhất thành bất biến”. Theo cuốn “Le vieux An Tinh” (An Tĩnh cổ xưa) của học giả người Pháp H.Le Breton thì đầu đệ tứ kỷ nước biển tràn đến tận chân núi Trường Sơn. Hiện nay vẫn còn dấu xưa: dọc theo đường quốc lộ một và đường sắt có nhiều núi dưới chân còn ngấn của sóng biển, có nhiều bãi sò, cồn điệp... Trải qua hàng triệu năm dân cư bản địa đã bền bỉ san đồi sẻ núi, ngăn sông lấn biển, trải qua bao cuộc bể dâu chứ không phải chỉ chống lũ lụt mấy tháng trong năm như ở đồng bằng sông Hồng nên dân không phải thờ thần Tản Viên.

Nghệ Tĩnh (và cả Quảng Bình, Quảng Trị) nằm trong dải tiểu khí hậu khắc nghiệt nhất so với các vùng miền của đất nước. Hỏi ở đâu có mưa nắng bất thường như ở nơi này? Có nơi nào phải hứng chịu nhiều bão biển mưa ngàn hơn Nghệ Tĩnh. Có dải đất nào phải gánh chịu nhiều đợt gió Nam Lào khắc nghiệt như ở đây?

Sinh ra trong xiềng xích của tự nhiên như thế nên họ phải tìm mọi cách “chung sống hòa bình” với thiên nhiên nơi này để duy trì sự sống trong đó có cách thờ cúng trời đất. Vì sao vậy? Vì “trời là người bổ sung rất tốt cho mảnh đất cỏn con, nhất là trời làm ra mưa nắng(1). Còn dân ta thì: “Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày …”.

Dân xứ Nghệ không chỉ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà còn phải ra khơi vào lộng, lại phải trèo đèo lội suối ở chốn rừng thiêng nước độc. Đó là cội nguồn nẩy sinh và thu nhận các thiên thần và nhiên thần như đã nói ở trên.

Về lịch sử xã hội, chúng ta thấy mấy mặt:

Theo dòng lịch sử mấy ngàn năm, dân tộc ta không mấy khi nguôi ngoai binh lửa. Biết bao thế hệ đã chiến đấu ngoan cường để giải phóng, để bảo vệ đất nước. Trong công cuộc đó dân xứ Nghệ có thể tự hào chính đáng là đã góp phần xứng đáng. Ngoài ra Nghệ Tĩnh còn phải è cổ ra gánh một sứ mệnh do đất nước giao phó là phên dậu phía Nam cho Tổ quốc, là bãi chiến trường của các cuộc xung đột vũ trang.

+ Cuộc tranh chấp giữa hai nước Đại Việt và Chiêm Thành tính ra có đến 43 lần xung đột mà nhiều lần diễn ra trên lãnh địa xứ Nghệ.

+ Cuộc xung đột Nam (Lê) - Bắc triều (Mạc) từ 1533 đến 1592 kéo dài 59 năm trên dải đất từ Thanh vào xứ Nghệ. Nạn nhân trực tiếp cho cuộc chém giết là nhân dân Thanh Nghệ.

 + Cuộc nội chiến giữa Đàng Trong (Nguyễn) và Đàng Ngoài (Trịnh) từ 1627-1672 kéo dài 45 năm. Hai bên đánh nhau bảy lần, có lần liên tục từ năm này qua năm khác. Cả vùng Nam Nghệ An - Hà Tĩnh và Bắc Quảng Bình là bãi chiến trường. Nhân dân bị xô đẩy vào cuộc chiến vì lợi ích của hai dòng họ.

Hoàn cảnh chinh chiến chung và riêng mà dân xứ Nghệ gánh chịu là cội nguồn nẩy sinh và thu nhận thường xuyên nhiều vị nhân thần trong chiến trận (chứ không phải đột xuất vùng dậy như Thánh Gióng). Nhân thần được dân xứ Nghệ thờ phụng vừa là người nêu gương chiến đấu vừa là người phù hộ cho dân trong binh lửa.

- Về kinh tế xã hội:

Xứ Nghệ đất rộng thật, nhưng rừng núi, sông ngòi, bãi biển chiếm nhiều nên ruộng đất canh tác không có mấy. Dân cư bản địa đã đông, xứ Nghệ lại là nơi tiếp nhận người liên tục từ phía Nam ra (do tị nạn kể cả tù binh) và từ phía Bắc vào (do bị tù đày hoặc chạy loạn). Tình trạng ấy còn lưu lại ở giọng nói khác nhau giữa các làng (kể cả các làng kề nhau) trong một huyện. Ở vùng núi, đồng bào dân tộc ít người du canh du cư từ các nẻo: Thanh Hóa, Tây Bắc Bắc Bộ, Lào, Trung Quốc. Vì vậy không lấy làm lạ, ngày nay tỉnh Nghệ An là tỉnh có đồng bào dân tộc ít người nhiều nhất so với các tỉnh trong cả nước. Dân số đã đông nhưng lại mang nặng lễ giáo Khổng Mạnh “nam nữ thụ thụ bất thân”, nên ở xứ Nghệ không tôn thờ dâm thần là vì thế.

Đất đai ít, dân số nhiều nên thổ canh thổ cư phải chia manh mún. Mặt khác, khí hậu lại khắc nghiệt, kỷ thuật canh tác lại lạc hậu cho nên sản xuất nông nghiệp phải phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, dân cứ phải “trông trời, trông đất, trông mây” và “lạy trời mưa xuống”.

Trong điều kiện người dân xứ Nghệ phải lam lũ làm ăn, hai sương một nắng, từ trẻ đến già, lấy đâu ra cảnh thanh nhàn “trẻ vui nhà già vui chùa”.

Nền sản xuất xứ Nghệ cứ dẫm chân tại chỗ ở tình trạng tự cung, tự cấp, không thể tiến lên sản xuất hàng hóa được. Vì thế tìm đâu ra được một thần bất tử Chử Đồng Tử (một nông dân nghèo ở xứ Hải Hưng ngày nay đã cùng vợ xây dựng cơ nghiệp với phố xá sầm uất, đã mang vàng ra biển mua bán với thương nhân nước ngoài).

Bởi sản xuất nông nghiệp thấp kém nên dân xứ Nghệ phải mở ra một nghề khá đặc biệt để rồi “tiến vi quan, thoái vi sư”. Thầy đồ Nghệ là một tầng lớp xã hội khá đông đảo, xách gói đi dạy khắp nơi. Các nhà Thánh làng và huyện mọc lên nhiều là vì thế.

 Hầu hết các làng đều thờ thần làng là những ông tổ đã “khai cơ, triệu cơ” nên xóm làng. Hơn 40 nơi trong hai tỉnh Nghệ Tĩnh có đền thờ Lý Nhật Quang, một vị hoàng gia đã đưa hết tâm sức ra khai khẩn cho nhiều vùng ở xứ này. Một huyện Quỳnh Lưu mà có đến năm làng được đại thần Hồ Sĩ Dương khai cơ lập ấp nên được dân tôn làm thần… Từ đó ta thấy, người xứ Nghệ suy cho cùng là theo lợi ích của họ, thờ ai là “thờ” lợi ích của họ. Vậy học thuyết nào, nhân vật nào không đáp ứng lợi ích của họ là họ không theo, không thờ. Tính cương trực của dân xứ Nghệ nằm trong cả việc thờ cúng thần linh. Tính nhân hậu của người Nghệ Tĩnh nằm trong việc thờ tự ông bà tổ tiên. Vậy cứ nhìn vào việc thờ cúng của người xứ Nghệ là biết được tính cách của người xứ Nghệ!

 

(1) Mác - Ăngghen tuyển II, NXB Sự thật, HN 1981, tr 523

 

 

                                                                    

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559286

Hôm nay

2303

Hôm qua

2301

Tuần này

2604

Tháng này

226829

Tháng qua

122920

Tất cả

114559286