Những góc nhìn Văn hoá

Đặng Hiển đã đi rồi …

Nhà thơ - NGƯT Đặng Hiển

Thế là ông vừa mới bước lên mây. Tháng 3 giữa buổi xuân thì. Trời nghi ngút mây. Theo con đường thời gian thăm thẳm một đi không trở lại. Giã biệt đời người thầy giáo nghèo bước thấp bước cao suốt đời chỉ biết yêu thương từng lớp học trò nhỏ bé mà ông nuôi cho họ bao nhiêu khát vọng về phận làm người và ước mơ thành đạt. Giã biệt đời một nhà văn nghèo không kém gì nghề dạy học vào những năm đã ngoài thất thập cổ lai hy vẫn không ngừng không nghỉ ca tụng con người và niềm hy vọng dù là nhỏ nhoi nhưng đầy ăm ắp niềm tin trong những trang văn từ buổi thiếu thời đến khi cáo lão nghề dạy học theo thánh hiền về với nghề văn. Giã biệt cả một đời người ngụ cư ở đất xứ Đoài để trở thành người xứ Đoài thứ thiệt hơn ai hết. Bây giờ có lẽ mới là lúc ông trở lại đất Hành Thiện, phủ Xuân Trường thăm cố hương xưa, nơi mà ông cũng không sinh ra ở đấy.

Tôi biết Đặng Hiển thật là muộn mằn. Vào đầu năm 2016, có một cuộc gặp mặt các nhà văn Việt Nam và quốc tế ở Cung hữu nghị Việt - Xô trên đường Trần Hưng Đạo - Hà Nội. Ở những hàng ghế sau cùng được từ từ dâng lên thật cao nhưng lại là nơi tôi tối của hội trường. Chợt thấy một ông già tóc thưa húi cao mà lại bạc. Người ấy đeo túi dết, cầm một tập giấy lần lượt đi từng hàng ghế. Thỉnh thoảng dừng lại đưa cho vài người một hai tờ giấy có đánh chữ. To nhỏ một đoạn rồi lại đi. Dáng vẻ thật khiêm nhường pha chút gì tội nghiệp. Tôi ngờ là ai đó làm ở văn phòng Hội Nhà văn, giúp việc cho ông Chánh Văn phòng Đỗ Hàn, kiểu như mấy ông giáo vụ khoa ở các trường đại học. Hỏi ra mới biết đó là nhà văn Đặng Hiển. Ở một vài lần hội họp khác tại gác 2 số 9 Nguyễn Đình Chiểu, cũng thấy tương tự như thế. Thì ra, ông đang tham gia viết về những nhà văn xứ Đoài trong một cuốn sách do Thành ủy Hà Nội chủ trương nói về danh nhân của phần đất phía tây Hà Nội mới mở rộng mà có người gọi đùa là Hà … Nhì. Mỗi người được ông Hiển trao bản dự thảo để xin ý kiến họ. Chừng 1, 2 trang. Có ảnh và tiểu sử kèm theo tên tác phẩm của người đó. Trọng văn, trọng người đến thế là cùng. Rồi sau đấy, dù là hơi muộn, tôi cũng được ông trao cho 1, 2 tờ giấy ấy. Rõ rồi. Quá vinh dự rồi còn gì! Tình thân như đã bén và đã bén thì càng cháy dữ dội đối với những người về hưu đang độ cô đơn.

Đặng Hiển là một kẻ sỹ viết quý người. Đã một vài lần, ông có thiện ý bảo tôi về sinh hoạt với anh em nhà văn cao tuổi ở thị xã Sơn Tây. Đặng Hiển tiết lộ. Ông có người quen giữ chức trong chính quyền thị xã, rất thiện tâm và mong muốn được ủng hộ văn hóa nghệ thuật và anh em văn nghệ sỹ. Đặng Hiển thật là chân thành và mong muốn giúp tôi có chốn dung thân lúc đã nghỉ hưu. Nể ông quá. Cuối cùng, suy đi nghĩ lại, làm cái nghề đụng chạm đến chữ nghĩa, mười phương cũng phải để một phương lấy chồng. Tôi từ chối. Nghĩ mình cũng chẳng phải thần điêu đại hiệp gì. Hơn nữa nhà của bà con gần gũi với tôi ở cách bờ hào thành Sơn Tây có vài trăm mét. Chữ nghĩa không cẩn thận mà sa xuống hào thì khốn. Vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Sơn Tây 3/8/1954-3/8/2019, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia in cuốn sách Sơn Tây, Truyền thống, hiện tại và tương lai. In nghiêm chỉnh mà đẹp lắm. Đặng Hiển được trao viết về văn học - nghệ thuật Sơn Tây xứ Đoài. Hoành tráng lắm. Lại tiếc cơ hội văn chương ở quê nhà mà Đặng Hiển đã giành cho mà không chịu nhận.

Năm 2018, nghe tin ông bị mỏi, tôi đến thăm Đặng Hiển tại nhà riêng. Ngày xưa, cách đây 40-50 năm đi vào chỗ ấy khó khăn lắm. Đi tàu điện từ Hà Nội vào đến Cầu Mới thì xuống. Đi bộ qua chợ Xanh. Có mấy cửa hàng bán gạo, bán muối. Thực phẩm tem phiếu. Rau muống thì không phiếu. Chông chênh mấy cái lều chợ. Bây giờ thì dễ lắm. Chỉ cần đến đường Láng, qua sông Tô Lịch, rẽ vào phố Quan Nhân đi thẳng một mạch là đến tận cổng làng Mọc Quan Nhân. Bước qua cổng làng xế ngay bên phải nằm dài một vạt ao. Tưởng như một kênh nước. Dọc bở bên phải mang tên ngõ 144, ngách 2 phố Quan Nhân. Đi độ 100 thước là đến nhà Đặng Hiển. Tiền làng Mọc thóc Phùng Khoang, lắm quan kẻ Mọc. Lắm thóc Mễ Trì. Nhưng Đặng Hiển là dân ngụ cư. Lấy gì có quan. Có tiền. Ông bảo đất nhà là do giành dụm tiền lương của hai vợ chồng làm nghề giáo viên mà mua được. Độ cuối năm 2018 đầu 2019, ông bán căn nhà ở phố Quan Nhân mua được căn hộ trên tầng cao, hình như tầng 9 tầng 10 chi đó ở phố Nguyễn Chánh. Cũng là một bước được để gần trời hơn. Xa đất hơn. Đó là một lối phòng thủ thường thấy của những người ở thành phố không còn ở độ tuổi chém tướng, giật cờ. Có lần ông bắt xe ôm khứ hồi oai lắm, lên bờ hồ Ngọc Khánh để thưởng mạn nước chè và đàm đạo văn chương với tôi. Lúc nào ông cũng nắc nỏm tiếc nuối cuốn sách Danh nhân Hà Nội đã in rồi mà ông không có khả năng lấy cho tôi một cuốn làm kỷ niệm.

Đặng Hiển vốn người Hành Thiện. Nhưng đã xa quê từ sớm. Theo như ông kể trong mấy bài tản văn ký sự, thân phụ ông trước cách mạng có biết Đặng Xuân Khu - Trường Chinh. Được ông Trường Chinh rủ đi làm cách mạng. Nhưng phụ thân Đặng Hiển chỉ xin làm người ủng hộ cách mạng1. Sau 1954, gia đình có thuê phòng trọ trên một căn gác ở phố Hoa Kiều thành Nam Định2. Ông cụ đã từng là nhân viên văn phòng tại một trường trung học phổ thông3. Đặng Hiển ngay từ hồi nhỏ đã say mê văn chương. Hay thích đọc truyện. Ấn tượng sâu sắc của thời kỳ đó là bộ Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan. Trong có đoạn Vũ Ngọc Phan trích truyện ngắn Anh phải sống của Khái Hưng. Chuyện kể đang mùa nước lũ, có đôi vợ chồng nhà kia đi vớt củi. Chẳng may thuyền lật. Anh chồng cố gắng nắm chặt tay chị vợ bị đuối nước. Đang lúc nguy nan, vợ nhận ra chồng đuối sức đã chủ động buông tay chồng và dặn Anh phải sống. Từ đấy người ta hay thấy bốn bố con nhà ấy ra bờ sông nhìn xuống nước4. Câu chuyện này ám ảnh Đặng Hiển suốt một đời người. Tôi nghĩ rằng chuyện ấy đã ám ông trên những trang viết về thân phận con người. Đặng Hiển vào học khóa 1 - Khoa Văn Đại học tổng hợp Hà Nội. Đó là nơi danh tiếng của đại học Hà Thành sau 1954. Ông tốt nghiệp năm 1959. Nhưng không hiểu vì sao, Đặng Hiển lại đến làm thầy giáo Trường cấp 2+3 ở huyện Ứng Hòa, nơi có người gọi là Xi-bê-ri của xứ Hà Đông. Kể từ đấy đến năm 1999, 2000 lúc đã về hưu, ông tha thẩn ở các trường cấp 3 phổ thông hàng huyện để sau cùng về làm hiệu phó ở trường Lê Quý Đôn, nơi đào tạo nhân tài xứ Đoài mấy chục năm qua.

Đặng Hiển khởi sự văn chương sớm lắm. Viết thơ từ hồi học phổ thông. Sau 82 năm, ông để lại 15 tập thơ và trường ca. 5 tập kịch. 9 đến 10 tập lý luận phê bình.

Tiêu đề của các cuốn sách người ta thấy ngay ông giản dị đến mức khiêm nhường và thường thường chọn những đề tài gần gũi để giãi bày tâm sự gắn với cuộc đời nhà giáo dạy văn như tập thơ: Mái trường thân yêu - 2015 hay trường ca Đất nước trong lớp học - 2001. Thậm chí Đặng Hiển viết hẳn một trường ca về người học sinh của ông - Anh hùng quân đội Nguyễn Đức Soát. Giản dị là đức tính thi ca Đặng Hiển. Ông hài lòng với những giải thơ, dù chỉ là 3, tư, C mà thôi. Có lần được giải nhì cuộc thi thơ Hà Nội - 1957, khi còn là sinh viên mới 18 tuổi. Thơ Đặng Hiển những năm sau 2000 thường ưa triết lý. Những triết lý đôi khi chạm vào đáy sâu của số phận. Bài thơ Bất tử, viết năm 2000 là một ví dụ:

        Mỹ nữ trăm người chỉ còn lại một người

        Thơ viết một nghìn bài còn một bài khóc vợ

        Lăng tẩm đền đài không làm người bất tử

        Chỉ giọt lệ thương người còn lại với người thôi.

        Dường như giọt lệ thế nhân này có nhiều ngọn nguồn mà một trong đó là Anh phải sống của Khái Hưng đã đổ bóng mờ xuống tâm trạng cậu bé Đặng Hiển. Khi về già, Đặng Hiển càng ngấm sâu cái tưởng như phi logic mà lại là logic dưới ánh sáng của tư duy nghệ thuật. Lá thì ngừng ở đầu cây. Sắc thì ngừng phai ở những cánh hoa… Nhưng tóc của người trai thì ngừng bạc khi người con gái ngừng hòa buổi chiều vào tóc người trai (tứ của bài thơ Ngừng). Bài Mưa phùn là một bài thơ hay viết sau năm 2000. Nó đã phát hiện một triết lý nhân sinh trong cảnh vật tầm thường.

        Mưa phùn thấu cái lạnh

        Vào những hồn cô đơn

        Mưa phùn như chăn ấm

        Đắp hai đầu nhớ thương.

        …

        Ai nằm mơ thấy cỏ

        Nảy mầm trong mưa phùn

        Ta nằm mơ thấy cỏ

        Rịt lành những vết thương.

Vào lúc cuối đời, Đặng Hiển chăm viết lý luận phê bình. Lý luận phê bình Đặng Hiển không chuộng theo khuynh hướng bách khoa đồ sộ. Đôi khi chỉ là rút kinh nghiệm trong Dạy văn, Học văn (2005). Văn phê bình của ông giản dị như chính cách sống của ông. Điển hình nhất là tập Thơ hay và lời bình (2018). Có tới 66 bài thơ được chọn bình. Như công việc của một thầy giáo giảng văn. Độc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du. Tự tình II của Hồ Xuân Hương …Đa số là thơ hiện đại từ Mùa Xuân Chín, Tống Biệt hành, Đầu súng trăng treo đến Lửa đèn, Phan Thiết có anh tôi, Đàn ghi ta của Lorca v.v… Văn phê bình của Đặng Hiển ngắn gọn, dễ hiểu, thủ thỉ tình người. Chưa bao giờ thấy ông cao giọng trong văn chương. Tuy đôi khi có vài lời dạy bảo của thầy giáo dạy học trò. Nhưng ông giống như một người làm vườn chậm dãi, cẩn trọng đường cày trên mảnh đất nồng đượm mùi cỏ dại khô đã ẩm vào dịp cuối đông. Dù thế nào đường cày cũng phải thẳng. Nên văn ông mang dáng dấp của thể tài viết về những danh nhân. Đặng Hiển dù bình thơ nhưng rất chú ý đến tình tiết có tính chất điểm chốt của toàn bài, cái mà có người gọi là điểm ngời sáng trong thơ. Bài Chiều tối hai câu cuối Ngục trung nhật ký viết:

        Cô em xóm núi xay ngô tối

        Xay hết lò than đã rực hồng.

        Đặng Hiển viết “Cả hai câu nguyên tác không có từ tối Nhưng người đọc nhận ra đêm tối... Chữ hồng là điểm hội tụ kết tinh ánh sáng của toàn bài”5.

Phan Thiết có anh tôicủa Hữu Thỉnh có đoạn:

        Trong hầm mùi thuốc súng, mồ hôi

        Tim anh đập không sao kìm lại được

        Phía ngoài kia gió nồng nàn hơi nước

        Biển như con tàu sắp sửa kéo còi đi

Đặng Hiển viết: Một liên tưởng so sánh độc đáo phù hợp với cảnh biển, với khát vọng gặp biển của người lính đầu tiên thấy biển lại hy sinh6.

Đàn ghi ta của Lorca- Thơ Thanh Thảo là một bài bình ngắn mà hay của Đặng Hiển. Ông đã chỉ ra tài năng của tác giả không dùng bút pháp tả thực mà dùng các tình tiết tượng trưng, siêu thực mới lạ tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan, tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy7.

Đẳng Hiển còn viết truyện ký, kịch v.v… Nhưng dấu ấn của ông để lại có lẽ chủ yếu ở lĩnh vực thơ và phê bình thơ.

Cuộc đời văn chương của Đặng Hiển chẳng rực rỡ như hoa hướng dương hay kiêu sa đài các như hoa hồng. Đời văn của ông bình dị khác chi hoa Xuyến Chi thầm lặng nở trắng muốt mùa xuân trên những triền đê sông Hồng mênh mông nắng gió xứ Đoài. Nó không màng danh lợi. Suốt đời vẫn chỉ là bông hoa dại mà thôi.

Sau Tết âm lịch canh tý 2020, một khoảng thời gian, ông gọi điện cho tôi nói là có một quyển sách mới làm xong. Chờ ở Viện về sẽ gửi tặng. Việc đó chẳng bao giờ ông làm được nữa. Nó như là lời hứa cuối cùng đứt đoạn của một đời văn.

Thiên tài như Nguyễn Du mà có lần phải thốt lên Bất tri tam bách dư niên hậu. 44 nhà thơ của một thời đại mới trong thi ca ghi danh ở Thi nhân Việt Nam bất hủ. Bây giờ chưa được 100 năm, không ít người trong số họ chẳng còn được nhắc đến nữa. Nhưng có hề chi. Hoa Xuyến Chi vẫn nở.

Đặng Hiển sinh ngày 9 tháng 5 năm 1939 tại Hà Nội. Tạ thế ngày 14 tháng 3 năm 2020. Hưởng thọ 82 tuổi. Hội viên của năm hội nghề nghiệp. Ổng được thưởng một Huân chương hạng Nhì. Ba huy chương với rất nhiều giấy khen. Than ôi! Thời xưa nói: Người vô sở cầu trời không bắt hèn được. Câu này như thể dành cho Đặng Hiển.

 

Hà Nội giữa xuân 2020

 

Chú thích:

(1), (2), (3), (4) Tuyển tập ký Tản văn xứ Đoài. Nhà xuất bản Hà Nội 2019. Từ trang 422 đến trang 438.

(5) Thơ hay và những lời bình. Nhà xuất bản Hội nhà văn 2018. Trang 158 - 159

(6) Sách trên. Trang 306.

(7) Sách trên. Trang 334.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559276

Hôm nay

2293

Hôm qua

2301

Tuần này

2594

Tháng này

226819

Tháng qua

122920

Tất cả

114559276