Những góc nhìn Văn hoá

Vị giáo sư khác người…

 “Lấy vợ thì khổ. Không lấy vợ thì buồn. Sao lại phải đổi cái buồn lấy cái khổ”

Tôi vẫn nhớ ngày còn sống trong kí túc xá Mễ Trì, ông cũng đã giao hẳn cái sổ mua lương thực (một tài sản quý thời bao cấp) cho một nữ cán bộ của khoa, hàng tháng mua gạo và bán giùm, sau nhiều tháng mới phải chuyển tiền cho ông tiêu vặt. Chỉ đơn giản là vì ông sống “độc thân”, thường xuyên “ở ké” cùng gia đình cô em gái và những đứa cháu, nhu cầu vật chất hàng ngày, với riêng ông, dường như không đáng kể. Thế rồi lâu dần thành quen. Ngày nghỉ hưu (hồi năm 2001), cầm bộ hồ sơ do nhà trường cấp, thay vì phải chuyển nó cho bên bảo hiểm, nghĩ đi nghĩ lại thế nào, ông lại “cất béng” nó vào ngăn kéo riêng. Hồi đó, ông chỉ nghĩ đơn giản, thì tiền ấy là của mình lấy lúc nào chẳng được. Suốt 17 năm, cái bộ hồ sơ lương hưu ấy vẫn cứ nằm nguyên trong ngăn kéo. Nếu như không đến một ngày, ông thầy “người giời” ấy chợt nghĩ rằng, mình năm nay đã gần 90, cũng cần phải có một “món tiền nhỏ” để nhỡ mai kia không may “nằm xuống”, sẽ không phải “phiền” đến con cháu nhiều quá. Chỉ riêng với suy nghĩ trên, tôi cho rằng, việc một số người, nhất là những học trò quen biết, gắn cho ông “biệt danh người giời” cũng không có gì là quá. Ông thầy “người giời” ấy trong cuộc sống hàng ngày, trong công việc, nhiều khi khiến không ít người xung quanh ông phải “phát điên”. Bởi chính tôi cũng phải thừa nhận rằng, ông “khác người” quá.

“Sự khác người” của ông cụ thể như thế nào? Ai đã từng ở khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp, hoặc từng quen biết GS Nguyễn Kim Đính, đều biết, chính ông là một trong hai ông thầy ở khoa (chuyên gia Hy Lạp học Nguyễn Văn Khỏa) đưa câu chuyện “sống độc thân” lên thành một triết lý: người ta không lấy vợ thì buồn, nhưng lấy vợ thì khổ, vậy thì tại sao phải đổi cái khổ lấy cái buồn? Rồi còn rút ra kết luận: buồn thì chưa chắc đã khổ, nhưng khổ thì chắc là buồn. Vậy thì tại sao phải lấy vợ? GS Nguyễn Kim Đính khi tình cờ đọc được những dòng trên của ai đó, đã có cải chính: thực ra “triết lý” ấy không phải của mình, mà là của bạn ông, nhà giáo Nguyễn Văn Khỏa. Thầy Đính và thầy Khỏa vốn là đôi bạn rất thân nhau ở khoa Ngữ Văn. Thân đến mức, ngay cả cái chuyện “không chịu lấy vợ” cũng “bắt chước” nhau. Tuy nhiên nếu ai biết, thực ra gần những ngày gần cuối đời, nhà giáo Nguyễn Văn Khỏa đã có ý định “cưới vợ”. Trước và sau chuyến đi Pháp cuối cùng (hồi năm 1987), ông đã cố gắng tiết kiệm nhất có thể để dành tiền chuẩn bị cho “cuộc hôn nhân nghiêm túc” này. Nhưng thật buồn, chỉ khi vừa sang Pháp ít ngày, ông không may bị mắc “bạo bệnh”. Chỉ một thời ngắn sau thì ông qua đời. Khoa Ngữ Văn kể từ ngày ấy đã mất đi một ông thầy thông minh, tốt bụng và “tếu táo”…

Thầy Nguyễn Kim Đính thì khác. Khi chính thức nhập hội “những người không hôn nhân”, ông dường như rất ít khi bình luận trước đám đông  về “cái thế giới không buồn mà khổ” này. Trong khi thầy Nguyễn Văn Khỏa hễ có dịp là “bộc bạch” hết, chẳng cần gì phải giấu cả: “Ông Đính thực sự đã đắc đạo, còn tôi thì “hư” quá” (vì như trên đã kể, thầy Khỏa nếu không bị mất đột ngột đã có cuộc hôn nhân thực sự). Đúng là Người ta không đùa với tình yêu, Afred de Musset, nhà thơ người Pháp, sau cuộc tình đổ vỡ với G.Sand, đã từng đặt tên cho một vở kịch của mình như thế. Thầy Khỏa thì đã mất rồi, còn với thầy Nguyễn Kim Đính, nhiều người yêu quý thầy vẫn muốn biết “lý do tại sao ông lại không chịu lấy vợ”. Và thế là sau khi “rào đón” đôi lời, tôi đã mạnh dạn hỏi: “Tại sao thầy không xây dựng gia đình, chả nhẽ việc lấy vợ, với thầy lai khó khăn đến thế?”. Tôi cứ nghĩ là ông sẽ giận tôi lắm. Ai cho phép tôi phá vỡ cái “thế giới” riêng bí mật đó của ông. Nhưng thầy không giận. Thay vì trả lời thẳng câu hỏi của tôi, ông thủng thẳng kể một câu chuyện hết sức bất ngờ: “Hồi những năm 60, ông có yêu một cô gái người Hà Nội. - Cô ấy xinh lắm!”. Thật lòng, gần gũi và quen biết ông từ lâu, ít khi tôi được nghe thầy Nguyễn Kim Đính bình phẩm về “nhan sắc con gái”. Vậy mà lần này, khi đã gần bước sang tuổi 90, người “đàn ông nghiêm túc” ấy vẫn nhắc lại lời bình phẩm “cô ấy xinh lắm” về cô người yêu “lỗi hẹn” của mình trong giọng điệu luyến tiếc và xúc cảm.

Ông kể tiếp: “Năm 1963, sau khi trở về từ chuyến du học Nga, bất ngờ một lần đi trên đường phố Hà Nội, ông gặp lại người yêu cũ. Người phụ nữ dẫn theo một đứa bé mà bằng sự cảm nhận tinh tế của trái tim người đàn ông, lúc ấy đã không còn trẻ, ông biết ngay đó là con của chị. À, thì ra thế! Vốn là người rất giàu tình cảm, yêu quý trẻ con (hồi còn trong kí túc xá Mễ Trì, hàng năm cứ đến dịp Trung thu, ông lại đến nhà cho mấy đứa bé con nhà tôi một hộp bánh), ông cố giữ vẻ bình thản cúi xuống cầm tay đứa bé và hỏi: “Cháu tên là gì?”. Đứa bé không nói, nhưng người mẹ lập tức trả lời khiến ban đầu ông không hiểu: “Nó tên là con Khỉ?”. Thấy ông tỏ vẻ không hiểu, chị giải thích: “Anh ơi, anh có biết không, ngày xưa khi chúng mình còn yêu nhau, cứ mỗi khi anh nói gì chỉ cần nửa câu thôi là em đã hiểu. Và ngược lại em cũng thế. Vậy mà đứa bé hỏi nó câu gì, nó cũng chỉ nhăn mặt im lặng không trả lời”. Thì ra thế. Ông đã hiểu được một cách lờ mờ tâm trạng và hoàn cảnh của người phụ nữ lúc này. Kể từ đó thì họ không bao giờ còn biết được tin tức về nhau nữa. “Nhưng chẳng nhẽ trong chừng ấy năm mà chỉ có mỗi một câu chuyện tình như thế?”. Tôi cũng tiết lộ một câu chuyện có thật về thầy: cách đây nhiều năm, có lần một cán bộ trong khoa tình cờ phát hiện một phong bì thư đã bị bóc (hình như của ai để quên trong một cuốn sách cũ của Phòng Tư liệu khoa”. Người trong thư có lẽ là một cô học trò cũ nào đó của thầy (tôi không tiện viết tên ra đây), lời lẽ trong thư thì nồng nhiệt, tha thiết lắm. Cứ nghĩ, ông phải ngạc nhiên. Vậy mà ông chỉ hỏi: “Chắc tha thiết lắm phải không? Sao hồi ấy không đưa lại cho mình?”. Và rồi ông lại tiếp tục: “Hồi đã lớn tuổi ở nhà cô em gái tại khu tập thể Vĩnh Hồ, có một cô gái còn rất trẻ, cứ mỗi thứ 7 hàng tuần lại đến chơi với mình. Điều đặc biệt là trên tay cô lần nào cũng cầm theo một bông hồng. Phải đến lần thứ tư, mình mới quyết định nói với cô gái ấy: “Này em, tôi năm nay đã quá lớn tuổi rồi, không còn phù hợp với chuyện này nữa. Tôi cảm ơn em. Lần sau, nếu còn muốn thăm tôi thì em cứ đến, nhưng đừng mang theo hoa nữa”. Tôi cũng được biết anh Phạm Thành Hưng, một học trò của thầy, đã từng kể ở đâu đó một câu chuyện y hệt của nhà giáo Nguyễn Văn Khỏa. Hỏi anh thì được trả lời: “Chuyện này mình nghe được từ Cao Vũ Trân (cũng là một thầy giáo trong khoa, nay đã mất) kể lại. Câu chuyện về thầy Khỏa tôi không biết có chính xác không. Nhưng chuyện của thầy Đính thì chính tôi được trực tiếp nghe thầy kể. Vậy cũng có nghĩa là, GS. Nguyễn Kim Đính, về mặt tình cảm, hoàn toàn bình thường như tất cả mọi người, tình yêu riêng tư, với ông không hề xa lạ. Mà ai lại có thể xa lạ với tình cảm hết đỗi bình thường của con người như thế chứ. Chính bản thân thầy, khi kể lại chuyện này, đã đọc cho tôi nghe (không dưới hai lần) những câu thơ của Voltaire, nhà văn Pháp thế kỉ XVIII: “Tôi biết rất rõ, người ta chết hai lần, nếu ngừng yêu và chẳng được yêu/Đó là cái chết không thể nào chịu đựng nổi/Còn ngừng sống ư thì có sao đâu” (“On meurt deux fois, je le voix bien/Cesser d’aimer et cesser d’être aimable/C’est une mort imsurpotable/Cesser de vivre, ce n’est rien).

Trong sự nghiệp khoa học gần nửa thế kỷ của mình, GS Nguyễn Kim Đính đã để  lại một “gia tài”, không hẳn đồ sộ, nhưng có thể coi là đáng kể. Các học trò thân thiết Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Gia Lâm, Phạm Thành Hưng, Phạm Quang Long và Vũ Từ Trang đều đã viết khá đầy đủ, chính xác về những điều này. Tôi thấy không cần thiết phải nhắc lại nữa. Có thể khẳng định rằng, với Nguyễn Kim Đính, cả cuộc đời là gắn với “sự học”. Ông từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu nói của Khổng Tử: ““Học nhi bất yếm/Hối nhân bất quyện”. Nghĩa là “Học không biết chán/Dạy không biết mệt”.  Ông tâm sự với tôi rằng “mình thích đọc nhiều hơn là viết”, tức là ông khẳng định, với một người trí thức, việc không ngừng tiếp nhận tri thức của loài người là quan trọng hơn. Tại sao tôi phải nhấn mạnh chi tiết này, vì không thể phủ nhận thầy Đính là cả một “kho bách khoa”, ông là mẫu người “thông kim, bác cổ”, “chữ nghĩa làu làu”, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Hán ông đều thông thạo. Nhưng chính bản thân tôi cũng có lúc cảm thấy “băn khoăn”: sao thầy của mình lại không viết ra những công trình tương xứng. Trong buổi sáng ngồi với ông tại càfé Tous Les Jours, Hoàng Minh Giám, tôi đã thành thật hỏi: “Tại sao thầy không viết và xuất bản những công trình nghiên cứu như kì vọng của nhiều người, trong khi thầy thừa khả năng làm điều đó?”. Không suy nghĩ nhiều, ông trả lời tôi rất nhanh: “Đơn giản chỉ là vì mình cầu toàn. Mình chỉ có thói quen viết ra những gì thật sự hiểu biết. Thế nhưng, đọc là một việc, hiểu được nó để biến thành tư duy của chính mình, lại là một việc khác. Với ông, người ta chỉ nên viết ra những gì là thật sự của riêng mình. Nếu không thì đừng viết”. Quả là trong giới nghiên cứu khoa học xã hội, nhân văn nước ta thời gian qua và ngay cả bây giờ, vẫn còn không ít người vì quá “tự mê mình”, mà đã vô tình để lại quá nhiều những trang viết “vô nghĩa” làm “hao mòn trí tuệ” bao người. “Tiết chế” biết đâu lại là cách “ứng xử” đúng đắn nhất. Chính Jean Paul Sartre, chủ soái của trường phái hiện sinh Pháp đã từng có lần chua chát thốt lên rằng: “Trước một đứa trẻ đang hấp hối, thì một cuốn sách, như Hữu thể và hư vô chẳng có ý nghĩa gì”. Và trong lúc say sưa trò chuyện, GS Nguyễn Kim Đính đã nhắc lại với tôi một câu nói của nhà phê bình Nga thế kỉ XIX, Bieliski: “Không có lĩnh vực nghiên cứu khoa học nào lại có nhiều chuyện ngô nghê, ngớ ngẩn như lĩnh vực nghiên cứu lịch sử và ngữ văn”. Một nhà nghiên cứu thông minh phải là người viết ra những gì của chính mình và thật sự cần thiết. Trong khi đó, bằng sự hiểu biết sâu sắc của mình GS. Nguyễn Kim Đính luôn sẵn sàng giải đáp cho bất cứ ai, nhất là lớp học học trò kế cận của mình. Trong cuộc chuyện trò, thầy Đính tiết lộ cho tôi một chi tiết rất thú vị. Hồi mới học ở Nga về, do yêu cầu dạy tiếng Nga cho một số thầy cô trong khoa, thầy đã “mở lớp” cho một số học viên rất đặc biệt: GS Đỗ Đức Hiểu và chuyên gia Hy Lạp học Nguyễn Văn Khỏa. Chẳng hiểu có phải vì tiếng Nga “khó” quá không mà về sau chỉ còn lại duy nhất thầy Nguyễn Văn Khỏa theo học. Giáo sư đáng kính Đỗ Đức Hiểu tự lúc nào đã lặng lẽ rời “lớp”. Có phải vì thế chăng mà sau này giáo sư Nguyễn Kim Đính và thầy Nguyễn Văn Khỏa hết thân nhau, số phận cũng có phần giống nhau (đều không lấy vợ)?...

Tôi lại hỏi: “Tại sao, thời còn làm việc, yêu và tâm huyết với nghề đến thế (tôi nhớ những năm còn là Chủ nhiệm khoa Ngữ Văn, thầy Đính thậm chí coi văn phòng khoa như căn nhà riêng của mình: ông có mặt ở đó từ rất sớm và thường ra về rất muộn), vậy vì sao kể từ ngày nghỉ hưu, thầy không một lần trở lại giảng đường?”. Ông nhấp một ngụm càfé, suy ngẫm một lúc mới trả lời tôi: “Có gì đâu, mình yêu nghề dạy học lắm, nhưng tính đến ngày nghỉ hưu, thì cũng đã gắn bó với nghề gần nửa thế kỉ rồi (trước khi chính thức là giảng viên Đại học Tổng hợp, thầy Đính đã từng là Hiệu trưởng một trường Tiểu học tại Thanh Hóa), mà giờ dạy khoa dành cho bộ môn không nhiều, ở thời điểm ấy (năm 2001), nhóm Nga Xô Viết đã có tới 3 giảng viên trẻ đang rất cần giờ dạy, nếu mình cứ cố “bám” lấy thì họ đâu còn giờ dạy. Mà không được lên lớp thì đến lúc nào người trẻ có thể trưởng thành được”. Thì ra thế, mọi triết lý của ông thầy “khác người” ấy thật minh bạch, rõ ràng, người ta không cần có quá nhiều tiền, chỉ cần sống sao cho khỏe mạnh, trong sạch, phải biết yêu điều tốt và ghét cái xấu. Như hai câu thơ của nhà thơ Xô Viết Nikolai Sidorenko, ông hằng yêu thích: “Hát gì thì hát, làm gì thì làm/Nhưng đừng làm bẩn dơ những bông tuyết đầu mùa”. Chỉ cần thế thôi!

Câu chuyện về nhà giáo 17 năm liền không nhận lương hưu…

Tôi vẫn muốn trở lại “kĩ” hơn với câu chuyện vị giáo sư - nhà giáo Nhân dân (GS.NGND) Nguyễn Kim Đính 17 năm liền không nhận lương hưu, cho thêm rõ ràng. Bởi lẽ, nếu chỉ nghe qua, không ít người đã có những suy luận “lệch lạc”. Chuyện là thế này: ngày ông nhận sổ hưu do nhà trường cấp phát, năm 2001, thay vì phải đến Bảo hiểm quận Thanh Xuân, nơi chỉ cách chỗ ở của ông chưa đầy trăm mét để làm các thủ tục hành chính cần thiết, rồi nhận tiền, ông lại cất “béng” tập hồ sơ đó vào ngăn kéo riêng với một suy nghĩ rất đơn giản: số tiền hưu ít ỏi chỉ chưa đến 900 ngàn, nếu cứ phải hàng tháng đi lĩnh thì thật mất thời gian. Đã quen sống đơn giản, ông chúa ghét những việc “hành chính lằng nhằng”. Thôi thì cứ để đó khi nào tiện thì lĩnh luôn thể. Ông cũng không ngờ cái “tiện thể” đó của mình kéo dài tới 17 năm. Mười bảy năm, khi thì ông sống cùng gia đình cô em gái tại một căn hộ chật hẹp khu Vĩnh Hồ, khi thì với gia đình đứa cháu ở phố Hồng Liên, Ngọc Khánh và bây giờ là chung cư Mandarin đẹp lung linh, rất ít khi ông bị “thúc ép” bởi lý do tài chính. Cũng có thể sau gần nửa thế kỉ dạy học, ngày nghỉ hưu vị giáo sư ấy cũng “tích góp” được chút tiền ít ỏi cho cuộc sống sau này của mình, không nhiều lắm nhưng năm ba triệu thì có. Yếu tố “tiền bạc” với một người vốn sống giản dị, lại chỉ một mình, lại càng đơn giản hơn. Nhưng còn một lý do quan trọng khác, ông nói với tôi rằng: vì mình ở với gia đình cô em gái và đứa cháu, “một thành trì tình cảm” vững chắc với ông, mà ông chả mấy khi phải dùng đến tiền riêng; rồi cũng có thể vì nhu cầu sống của một người về hưu như ông thực ra rất đơn giản, gia đình em và cháu lo cho tất cả. Thậm chí ông còn “khoe” với tôi, trong túi ông lúc nào cũng “rủng rẻng” 6, 7 chục triệu: “Ơn trời, 17 năm rồi kể từ ngày nghỉ hưu, ông khỏe mạnh, không có bất cứ bệnh tật gì, chiếc thẻ bảo hiểm ý tế, kể từ ngày nghỉ hưu thậm chí ông cũng không cần tới nó”. Vậy nên, “sự tiện thể” đó mới kéo dài tới 17 năm. Khi tôi hỏi: “Vậy tại sao đã chấp nhận “quên” cái khoản lương hưu đó suốt thời gian qua rồi mà bây giờ thầy lại nghĩ đến nó?”. Ông giải thích hệt như Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao: Thì năm nay đã gần 90 rồi, đã quá xa cái tuổi xưa nay hiếm, mình bỗng thấy cần phải có được một khoản tiển “nhỏ” để lo cho cái hậu sự về sau, không muốn làm phiền các cháu nhiều quá. Rồi cũng còn cả chuyện, mấy người em và các cháu của ông, dù không “đòi hỏi” anh và bác bất cứ điều gì nhưng vẫn cứ có cảm giác “ngờ ngợ” rằng suốt thời gian dài vừa qua không thấy anh và bác nhắc gì đến chuyện lương hưu. Tại sao thế? Ban đầu chỉ là sự “tò mò”. Về sau thì lớn lên thành một “ nỗi sợ hãi”. Hay là có chuyện gì xảy ra với ông trong những năm làm việc? Hỏi thì ông trả lời: “Không, anh/bác vẫn lĩnh lương mà”. Vậy là có một cuộc “truy tìm sự thật” bí mật diễn ra. Một lần cách đây khoảng nửa năm, trong cuộc họp tổ dân phố nơi cư trú, tôi được giáo sư toán học Đặng Huy Ruận hỏi với vẻ rất bí mật: “Hinh này, cậu có biết dạo này cụ Đính ở đâu không” Có phải vì ông ấy có chuyện gì không, mà anh Hồ Thuần, em rể, chồng cô em gái, vừa rồi gặp đã nhờ mình hỏi những người quen trong khu về cụ?”. Ban đầu tôi có đôi chút hốt hoảng: “Sao lại thế được, em vừa gặp cụ Đính chỉ cách đây vài tháng thôi mà. Em vẫn có địa chỉ của cụ đây. Không tin anh cứ đưa điện thoại của em cho bác Thuần, em sẽ trả lời bác ấy”. Chỉ vài tuần sau đó, tôi lại thấy râm ran ngoài phường Thanh Xuân Bắc hỏi cụ Đính, không biết cụ bây giờ ở đâu. Anh Nguyễn Ngọc Thắng, tổ trưởng dân phố, người ở cạnh nhà tôi cũng có lần hỏi. Rồi gần đây nhất, tôi bất ngờ nhận được cú điện thoại từ chính thầy. Ông nói với tôi, vài hôm tới ông muốn đến thăm tôi nhân thể nhờ một việc. Tôi hỏi : “Có chuyện gì quan trọng không ạ?”. Ông trả lời: “Chỉ đơn giản là xác nhận mình vốn là Giáo sư - Nhà giáo nhân dân của khoa Ngữ Văn, mình đã từng sống ở Kí túc xá Mễ Trì, mình là người ấy lâu nay vẫn có mặt ở nơi cư trú, không có bất cứ chuyện gì với pháp luật”. Tôi thở phào, hóa ra là thế: “Thầy không chỉ là Nguyễn Kim Đính thật, mà còn là Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, người duy nhất trong khoa Ngữ Văn được nhận Huy chương Lao động hạng Nhất, người hai lần được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua (toàn ngành và toàn quốc). Một ngày tháng 9 vừa rồi, một cuộc gặp gỡ đã chóng vánh diễn ra. Một cái kết có hậu cuối cùng cũng đã đến: ngay tại nhà tôi, với sự có mặt của ông tổ trưởng dân phố, đại diện của Bảo hiểm quận Thanh Xuân và Đống Đa, cùng đương sự là ông. Đến đây, tôi cũng muốn giải thích thêm tại sao lại có sự liên can gì đến Bảo hiểm Đống Đa. Chuyện là thế này: vì “nghi ngờ anh/bác của mình nhiều năm nay không nhận lương hưu, nên mấy người em và cả cháu của thầy muốn tìm hiểu cho ra nhẽ. Chuyện nhà toán học Hồ Thuần, em rể thầy Đính “điều tra” giáo sư Đặng Huy Ruận hồi đầu năm là như vậy. Nhưng may mắn và tình cờ hơn, PGS Nguyễn Kim Truy (nguyên Hiệu trưởng Đại học Mở Hà Nội, em ruột GS Nguyễn Kim Đính) đang hướng dẫn một nghiên cứu sinh làm việc tại Bảo hiểm quận Đống Đa. Có lần, ông đã mạnh dạn đặt vấn đề với cô học trò nhờ “giúp đỡ”. Thực ra, việc kiểm tra sổ sách về một người lao động đã nghỉ hưu để xem việc lĩnh lương có được thực hiện hàng tháng hay không, thì không khó. Nhưng có điều là, những việc “hành chính” kiểu như vậy ở nước ta, đúng ra không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhất là việc liên quan đến tiền nong. Cách đây chưa lâu, theo tôi biết những người nghỉ hưu thậm chí cứ mỗi 6 tháng đều phải có mặt tại phường sở tại kí vào một tờ xác nhận của cơ quan bảo hiểm, khẳng định rằng mình vẫn đang ở nơi cư trú. Chỉ làm xong thủ tục ấy, họ mới tiếp tục được nhận lương. Vậy mà “đương sự” Nguyễn Kim Đính đã bặt tăm tích tới những 17 năm. Hình như thầy không còn kì vọng gì vào việc nhận lại tiền. Thầy nói thật lòng, tất cả chỉ là do cái bệnh “ngại thủ tục hành chính” bấy lâu nay, còn bây giờ ông chỉ muốn được nhận lương hưu hàng tháng bình thường như mọi người khác. Ông không hề nghĩ, vượt ra ngoài sự mong đợi, không chỉ được nhận lương hàng tháng, mà ông còn nhận được cả khoản lương suốt 17 năm qua chưa hề nhận của mình. Tôi cũng không rõ, khoản tiền ấy chính xác là bao nhiêu. Nghe loáng thoáng anh Phạm Quang Long, cũng là một học trò cũ thân thiết của thầy cho biết: món tiền ấy đâu chừng gần 1 tỉ…

 Câu chuyện về một vị giáo sư 17 năm liền không nhận lương hưu, nay bỗng nhiên được nhận tới gần tỉ bạc, hẳn khiến nhiều người không tin, nhưng đích thị nó là có thật. Trong cuộc sống vẫn từng tồn tại những “kì tích” như thế mà. Nhà văn Jean Paul Sartre nước Pháp, hồi được trao giải Nobel với khoản tiền thưởng kèm theo gần 1 triệu đô, ông cũng từ chối không nhận. Câu chuyện về thầy Nguyễn Kim Đính thì có thể hơi khác: khoản tiền gần 1 tỉ đồng ấy vốn là công sức “mồ hôi, nước mắt” của ông làm việc trong nhiều năm.. Việc ông “thản nhiên” với khoản tiền vốn của chính mình, trong một xã hội không ít người “quay cuồng” với đồng tiền, có lẽ là chuyện hiếm có. Nhưng hiếm có mà lại có thật. Cách đây gần 1 năm, trong buổi gặp gỡ các thầy cô giáo nghỉ hưu ngày đầu xuân, tôi được may mắn chứng kiến câu chuyện do thầy Phạm Thành Hưng và Nguyễn Hùng Vĩ ở khoa Văn kể lại. Trong buổi gặp mặt này, thầy Vĩ do vừa được bầu là chi hội trưởng giáo chức khoa nên ra lời kêu gọi các thầy cô đóng quỹ hàng năm. Thực ra đây chỉ là một khoản tiền rất nhỏ: mỗi năm các thầy chỉ phải nộp 20 ngàn đồng. GS.NGND Nguyễn Kim Đính lúc ấy móc túi lấy ra cái phong bao học trò Phạm Thành Hưng vừa “mừng tuổi”, nộp ngay cho Nguyễn Hùng Vĩ. Sau khi mở phong bao và kiểm tiền, Nguyễn Hùng Vĩ công bố: “Phong bao “Cụ” Đính nộp là 400 ngàn đồng. Năm nay cụ đã 88 tuổi, vậy chắc thầy của chúng ta muốn đóng hội phí tiếp 20 năm. Và thầy tin chắc mình sẽ còn sống đến năm 108 tuổi”.

Thầy Nguyễn Kim Đính của chúng tôi là như vậy. Câu chuyện tôi kể tưởng như thật như đùa. Nhưng ai đã từng là học trò của thầy Đính, nghe câu chuyện này chắc sẽ tin là có thật. Còn chính bản thân GS Nguyễn Kim Đính trong lần gặp tôi gần đây nhất vẫn cứ nhắc nhở, đừng viết lại chuyện này nữa. Đó chỉ là một câu chuyện bình thường với nghề nhà giáo chúng mình mà…

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559239

Hôm nay

2256

Hôm qua

2301

Tuần này

2557

Tháng này

226782

Tháng qua

122920

Tất cả

114559239