Những góc nhìn Văn hoá
Báo cáo của GS. Trần Đức Thảo về chuyến đi trao đổi Khoa học với các Viện Hàn Lâm: Cộng Hòa Dân Chủ Đức, Hungari và Liên Xô, từ ngày 8/3 đến 15/7/1982
Để bạn đọc dễ nắm và theo dõi nội dung bản báo cáo này của GS. Trần Đức Thảo, tôi nói rõ mấy ý sau đây:
1) Việc GS. Trần Đức Thảo đi nghiên cứu Khoa học tại Cộng Hòa Dân Chủ Đức, Hungari và Liên Xô trong năm 1982 đã được chuẩn bị rất chu đáo về phía Giáo sư cũng như phía nhà nước. Từ tháng 7-1981, Viện Hàn Lâm Cộng Hòa Dân Chủ Đức đã có thư mời GS.Trần Đức Thảo sang trao đổi Khoa học. Họ cũng cho biết phía Cộng Hòa Dân Chủ Đức đã liên hệ với Viện Hàn Lâm Hungari và Viện Hàn Lâm Liên Xô để GS báo cáo và trao đổi Khoa học tại đó. Các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ rất quan tâm đến chuyến công tác này của GS, trên hai khía cạnh sau đây:
§ Tạo điều kiện để GS trao đổi với bạn về những đề tài mà GS đang nghiên cứu: Nguồn gốc con người, Tìm hiểu cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức.
§ Tình hình và các trào lưu phát triển triết học nói riêng, khoa học xã hội nói chung của các nước trên đây.
Ông Phạm Văn Đồng và ông Trường Chinh quan tâm nhiều đến cái gọi là các trường phái khoa học khoa học xã hội, thái độ của trí thức đối với chủ nghĩa xã hội, thực trạng của sự phát triển xã hội của các nước đó, nhìn dưới giác độ triết học.
Trước khi đi, từ năm 1981 đến đầu năm 1982, GS. Trần Đức Thảo đã nhiều lần trực tiếp làm việc với ông Phạm Văn Đồng và ông Trường Chinh để trao đổi về những nội dung trên.
2) Trong báo cáo này GS. Trần Đức Thảo không trình bày bằng văn bản những cuộc trao đổi cụ thể về khoa học của GS với các nhà khoa học Cộng Hòa Dân Chủ Đức, Hungari và Liên Xô. GS nói việc đó sẽ được trình bày bằng tác phẩm cụ thể mà GS đã và sẽ công bố khi có những cuộc gặp ông Trường Chinh, ông Phạm Văn Đồng và ông Lê Đức Thọ. GS cũng cho biết đã có những cuộc báo cáo về vấn đề trên ở tòa soạn Tạp chí Cộng Sản.
3) Điều đáng lưu ý trong văn bản này là GS. Trần Đức Thảo đã khẳng định:“Trong công tác nghiên cứu khoa học , tôi kiên quyết bảo vệ những nguyên lý triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, đặc biệt Luận văn 6 của Mác về Phơ -Bách: Bản chất con người không phải là một thứ trừu tượng cố định trong cá nhân riêng lẻ. Trong sự thực tế của nó thì nó là toàn diện các quan hệ xã hội”. Tư tưởng trên đây của GS là rất quan trọng. Vì Luận văn 6 về Phơ-Bách được Mác khởi thảo từ năm 1844-1847, như Ang-ghen đã từng nhận định: “Những ghi chép này được Mác viết rất vội vàng, hoàn toàn không định để đưa ra, nhưng là một tài liệu đầu tiên hết sức quý giá, trong đó ấp ủ mầm mống thiên tài của một thế giới quan mới”. Chính đây là điểm xuất phát để Trần Đức Thảo hình thành phương pháp khoa học, phương pháp tư tưởng nghiên cứu khám phá hàng loạt vấn đề: Nguồn gốc loài người gắn liền với sự xuất hiện của ngôn ngữ ý thức, Mối quan hệ biện chứng của năng lượng thần kinh và năng lượng tâm thần, Các lớp của bản chất con người, Đi rộng hơn, xa hơn là mối quan hệ biện chứng giữa xã hội với tự nhiên, con người với vũ trụ mà ông phác thảo trong những tác phẩm cuối đời. Ở đây Trần Đức Thảo không chỉ bảo vệ chủ nghĩa Mác mà còn góp phần phát triển, nâng cao chủ nghĩa Mác.
4) Trong bản báo cáo, GS. Trần Đức Thảo dành phần chủ yếu để trình bày luận điểm xã hội có trước, cá nhân có sau. Trình bày luận điểm này, GS Trần Đức Thảo nhằm mấy mục tiêu sau:
§ Về mặt lý luận, trên cơ sở bảo vệ quan điểm của Mác, trước hết là dẫn đúng tư tưởng của Mác được ghi trong thư gửi Annenkov, 28-12-1846, chống sự xuyên tạc của một số nhà lý luận. Như thế Trần Đức Thảo đã bác bỏ tận gốc quan điểm của những người cho rằng cá nhân có trước xã hội có sau.
§ Về mặt thực tiễn, từ luận điểm trên, tiến hành đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, thể hiện trên mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là ở những người có trách nhiệm lãnh đạo xã hội.
GS. Trần Đức Thảo cho tôi biết khi nghe GS phân tích vấn đề này, ông Trường Chinh, ông Phạm Văn Đồng hết sức quan tâm:
“Đứng về phương diện lý luận, cần hiểu rằng những tư tưởng sai thường che dấu rất kín đáo nhận thức sai trái của mình trong những khái niệm. Ví dụ các nhà chủ trương chủ nghĩa cộng sản dung tục đã bằng các biện pháp phi kinh tế để thực hiện tập trung của cái xã hội, dưới danh nghĩa công hữu hóa. Nhưng như Mác đã chỉ ra chủ trương, hành động của họ là xuất phát từ sự khống chế của tư tưởng chế độ tư hữu. Cũng như vậy, những nhà lý luận nêu vấn đề làm chủ tập thể, thực chất trong tư tưởng là bị khống chế bởi chủ nghĩa cá nhân”
“Nhưng chủ nghĩa cá nhân trong chính trị được biểu hiện, thực hiện một cách tinh vi. Một số nhà lý luận chính trị tự cho mình độc quyền sáng tạo tư tưởng. Điều ấy lắm khi rất có hại cho phong trào cách mạng. Ví dụ trong giới triết học Liên Xô, người đứng đầu là Fe’dose’ev đã tuyên bố tại Hội nghị triết học thế giới XV (1976) rằng triết học mac-xit không coi lý thuyết giá trị là một bộ phận cấu thành quan trọng của triết học. Điều đó có hại cho sự phát triển cả về lý luận cả về thực tiễn. Cũng như vậy trước đây một số nhà khoa học Liên Xô đã phủ nhận lý thuyết di truyền học, nên đã hạn chế sự phát triển của công nghệ sinh học, của sự phát triển nông nghiệp của Liên Xô. Họ đã lấy quyền lực cá nhân để tuyên bố những chủ trương, những đường lối khoa học”.
Gần cuối đời (1969), Hồ Chí Minh có một tác phẩm hết sức quan trọng: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Chúng ta cũng biết rằng theo tinh thần Luận cương của Mác về Phơ- Bách thì khi loài người bước vào xã hội khởi nguyên, thì đồng thời cũng xuất hiện đạo lý, chân lý và thẩm mỹ. Đạo đức là cái cội nguồn đầu tiên của xã hội loài người. Cho nên khi Hồ Chí Minh nói nâng cao đạo đức thì có nghĩa mỗi con người trước hết phải xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng xã hội mà trong đó mỗi cá nhân tồn tại để xác định quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Bởi vậy cái quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động mà Hồ Chí Minh đề cập đến trong tác phẩm trên đã chỉ rõ cái tạo ra sự liên hệ giữa cá nhân này với cá nhân khác là quyền thực tế của họ, tức là sở hữu cá nhân của người lao động được duy trì hợp lý trong suốt quá trình phát triển của lịch sử. Điều đó hoàn toàn xa lạ với cái gọi là: chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, cơ chế lãnh đạo tập thể. Bởi vì đó là những tư duy thoát ly hoàn toàn với cái toàn diện của các quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ giá trị. Nếu người lao động không nắm được, không ý thức được cái quyền sở hữu cá nhân của họ trong vận động xã hội, trước hết là vận động sản xuất, thì xã hội không thể phát triển được. Hồ Chí Minh đã gắn hai mệnh đề trong sự thống nhất của chúng: nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân với phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, chính là xuất phát từ luận điểm xã hội có trước cá nhân có sau”.
Những trao đổi trên đây của GS. Trần Đức Thảo giúp ta hiểu rõ hơn tư tưởng của GS trình bày trong bản báo cáo này.
Trong thời gian ở Liên Xô, GS. Trần Đức Thảo đã viết thư cho ông Trường Chinh và ông Lê Đức Thọ trình bày những khó khăn của mình. Do sự chỉ đạo của hai ông với sứ quán để GS hoàn thành được nhiệm vụ của mình, nên mục đích nhiệm vụ của chuyến đi được thực hiện.
Để làm nổi bật nội dung bản báo cáo, tôi có lược đi một vài đoạn nói về sinh hoạt cá nhân của GS khi ở nước bạn, xét thấy không cần thiết.
Nhân giới thiệu bản báo cáo này, tôi xin nhắc lại đây lòng tri ân của GS. Trần Đức Thảo đối với Phó giáo sư, TS. Nguyễn Văn Lịch hiện đã nghỉ hưu tại TP. Hồ Chí Minh. GS. Trần Đức Thảo cho tôi biết khi GS đi công tác tại Liên Xô (1982), ông Nguyễn Văn Lịch đã tận tình giúp đỡ GS về sinh hoạt, về việc liên hệ với Viện Hàn lâm Liên Xô và công tác nghiên cứu khoa học. Khi đó ông Nguyễn Văn Lịch là nghiên cứu sinh của ta tại Liên Xô.
TS. Cù Huy Chử
Trần Đức Thảo Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc lập -Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội ngày 12 tháng 8 năm 1982
Báo Cáo
Về chuyến đi của tôi sang Cộng Hòa Dân Chủ Đức, Hungari và Liên Xô, từ ngày 8/3 đến 15/7/1982
Ngày 8/3/1982 tôi đã đi Bá Linh theo lời mời của Viện Triết Học thuộc Hàn Lâm Viện Cộng Hòa Dân Chủ Đức.
Chuyến đi rất mệt nhọc, nên đến nơi tôi đã nằm liệt 2 tuần ở nhà khách của Viện Hàn Lâm, tôi đã được sự giúp đở tận tình của giáo sư Vincent Von Wroblewsky.
Đến tuần thứ ba, tôi mới dậy được và đến nói chuyện ở Viện Triết về đề tài “Bản tính của con người là lao động sản xuất xã hội.” Trong bài này tôi đã dựa vào nhiều văn kiện kinh điển để đề cao quan điểm lao động và quan điểm xã hội của chủ nghĩa Mac-Lênin.
Sau đấy thì tôi vào bệnh viện. Giáo sư chủ nhiệm khoa Nội đã chẫn đoán rằng tôi có bệnh xơ gan không chuyển động (cirrhose inactive). Trong 3 tuần nằm ở bệnh viện tôi đã được điều trị tận tình.
Phần thứ hai trong tháng 4, tôi ra khỏi bệnh viện và được đồng chí viện trưởng Viện Triết cấp cho một trợ lý để giúp tôi dịch sang tiếng Đức bài in của tôi trong tạp chí La Pensée tháng 5 /1981: “Le mouvement de l’indication comme constitution de la certitude sensible”[1]. Việc dịch như thế đã tiến hành đến giữa tháng 5 thì xong. Trong cùng thời gian ấy, tôi đã có một buổi thảo luận về vấn đề lao động sáng tạo con người với một giáo sư Nhân loại học của Viện khảo cổ học thuộc Hàn Lâm Viện. Cuộc thảo luận đã được chuẩn bị chu đáo, có trao đổi tài liệu 1 tháng trước. Sau đó thì tôi lại thảo luận một buổi về cùng đề tài ấy với giáo sư chủ nhiệm khoa Triết lý của các khoa học (philosophie des sciences ) của Viện Triết. Tôi cũng có một buổi trao đổi về vấn đề lao động sản xuất với một giáo sư trường đại học Iena, nhân giáo sư này đi qua Bá Linh.
Ngoài ra tôi có nhiều dịp trao đổi rộng rãi với giáo sư Wroblewsky chủ nhiệm khoa Phê phán triết học tư sản.
Đến giữa tháng 5, tôi nhận được thư của Viện Ngôn ngữ học thuộc Hàn LâmViện Hungari mời sang thăm. Tôi đã ở Budapest từ ngày 17 đến 25/5. Tôi đã nói chuyện về “Tiếng nói của trẻ em” trong buổi họp của Viện Ngôn ngữ học. Tôi cũng đã có một buổi gặp những đồng chí đã dịch và giới thiệu với công chúng Hungari cuốn sách cũ của tôi “Recherches sur l’origine du langage et de la conscience” (Tìm cội nguồn ngôn ngữ và ý thức).
Nhà xuất bản Gondolat có đề nghị tôi ký hợp đồng giao cho họ in cuốn sách mới mà tôi đang viết. Nhưng tôi không đồng ý vì họ đòi lấy bản dịch sang tiếng Hung làm văn kiện cơ bản.
Trong mấy ngày ở Budapest tôi vẫn liên hệ bằng điện thoại với giáo sư Wroblewsky ở Bá Linh.
Tôi trở về Bá Linh ngày 26 tháng 5.
…
Ngày 26/5 khi tôi mới ở Budapest về, Hàn Lâm Viện đã cấp cho tôi vé tầu về nước qua Moskva, và cho giấy giới thiệu đến Ban đối ngoại của Hàn Lâm Viện Liên Xô. Chiều thứ sáu 28/5 khi tới Moskva tôi đến ngay Ban đối ngoại của Hàn Lâm Viện Liên Xô và đề nghị cho tôi trao đổi với Viện triết học. Đồng chí phụ trách rất niềm nở và bảo rằng thứ hai tôi sẽ gặp tất cả...
Cuối tháng 6, tôi gặp một giáo sư Sử học, một giáo sư Nhân loại học, một giáo sư Ngôn ngữ học ở Viện Á Phi. Ở đây tôi đã tranh thủ dược sự thông cảm của mọi người.
Sau đấy thì tôi đến Viện Ngôn ngữ học. Ở đây chẳng may một giáo sư mới chết, mà chính giáo sư đó lại là người có xu hướng giống như tôi trong vấn đề Nguồn gốc của tiếng nói. Như thế tôi chỉ gặp được một giáo sư có xu hướng khác hẳn với tôi. Thực ra thì điều này cũng không quan trọng vì trong công tác nghiên cứu khoa học, có thể có nhiều ý kiến khác nhau.
Hết tháng 6, tôi báo cáo với Đại sứ quán rằng tôi đã hoàn tất mọi công việc và mong được về nước.Vì đông ngừơi đang chờ máy bay , nên tôi cũng đã phải chờ đến 14/7 mới được về.
Trong chuyến đi nầy, tôi đã tranh thủ được tối đa số các giáo sư tiếp xúc ở nước bạn, và tôi đã hiểu rõ thêm tình hình hiện nay về vấn đề “nguồn gốc của con người, lao động, tiếng nói và ý thức.”
…
Tôi về Hà Nội từ hôm 15 tháng 7….
Tôi muốn viết xong chương thứ hai của cuốn sách mới (chương đầu là bài in trong La Pensée năm ngoái)…
Trong công tác nghiên cứu khoa học tôi kiên quyết bảo vệ những nguyên lý cơ bản của triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, đặc biệt là Luận Văn 6 của Mác về Phơ-bách:
“Bản chất con người không phải là một thứ trừu tượng cố định trong cá nhân riêng lẻ. Trong sự thực tế của nó thì nó là toàn diện các quan hệ xã hội”
Điều đó có nghĩa là cá nhân không thể nào có trước xã hội. Trái lại chính “toàn diện các quan hệ xã hội” là cái bản chất quy định mỗi người thành một cá nhân, tức là một thành viên có nhiệm vụ và quyền lợi, trách nhiệm trong xã hội. Tức là xã hội có trước, cá nhân có sau, đấy là một nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa xã hội …
Từ năm 1974, chẳng may lại có những người khẳng định nguyên lý đối lập là: “Cá nhân có trước, xã hội có sau”. Xuất phát từ đấy họ đưa ra cả một hệ thống “học thuyết mới” bao gồm triết lý mới, kinh tế học mới, tâm lý học mới, sinh học mới ….. Tất cả đều chống chủ nghĩa Mác, chống chủ nghĩa xã hội đến tận gốc.
Để biện hộ cho quan điểm “cá nhân có truớc, xã hội có sau”, họ vin vào một câu của Mác trong thư gửi Annenkov ngày 28 tháng 12 năm 1846:
“Qu’est ce que la societé, quelle que soit sa forme? Le produit de l’action reciproque des hommes”[2]
Ở đây họ đã hiểu khái niệm “những con người” theo nghĩa là những cá nhân riêng lẻ, coi như tách rời xã hội rồi tự mình tạo ra xã hội.
Trên thực tế thì trong văn kiện của Mác “con người” có nghĩa là con người sản xuất với những sức sản xuất kỹ thuật lao động, trạng thái chính trị…vv… do xã hội cũ để lại. Và những con người ấy xuất phát từ xã hội cũ thì lại tác động lẫn nhau trong sự sản xuất, do đấy mà xây dựng xã hội hiện hành theo quy luật của sự biện chứng lịch sử:
“Posez un certain etat des facultes productives des hommes et vous aurez une telle forme de commerce et de consommation. Posez de certains degres de developpement de la consommation, du commerce, de la
consommation, et vous aurez telle forme de constitution sociale, telle organisation de la famille, des ordres ou des classes, en un mot, telle société civile. Posez telle société civile et vous aurez tel etat politique, qui n’est que l’expression officielle de la société civile ….”
“Il n’est pas necessaire d’ajouter que les hommes ne sont pas libres arbitres de leurs forces productives - qui sont la base de toute leur histoire ,- car toute force productive est une force acquise, le resultat d’une force anterieure”[3] (Thư gửi Annenkov, 28-12-1846)
Theo đấy thì con người cá nhân, với tư cách cá nhân, là kết quả của sự biện chứng xã hội. Chính sự phát triển xã hội từ sức sản xuất lên quan hệ sản xuất và quan hệ ý thức hệ được thực hiện trong mỗi người sản xuất, làm cho người ấy có trách nhiệm và tư thế của mình, tức là một cá nhân, có tính chất tương đối độc lập, vai trò riêng ít nhiều tự chủ của mình, một phần có ý thức, một phần vô thức, trong sự sản xuất xã hội.
Theo nghĩa ấy mà Mác nói: “L’histoire sociale des hommes n’est jamais que l’histoire de leur developpement individuel, soit qu’ils en aient la conscience, soit qu’ils ne l’aient pas” (cũng trong thư đó)
Vì sự phát triển cá nhân của mỗi người chính là cái quá trình người ấy thực hiện vai trò của mình trong sự sản xuất và phát triển xã hội, dù anh có ý thức hay không: Rõ ràng xã hội là căn bản, cá nhân là một đoạn của xã hội hiện tại, một đoạn của xã hội hiện hành. Xã hội có trước, cá nhân có sau. Luận điểm đối lập: “Cá nhân có trước, xã hội có sau” là hoàn toàn phản khoa học. Nó trực tiếp chống đối với Luận văn 6 của Mác về Phơ-Bach: Bản chất con người không phải là một thứ “trừu tượng” có nghĩa là đứng ngoài xã hội, có trước xã hội.
Dĩ nhiên, cá thể động vật thì có trước xã hội. Nhưng đã nói cá nhân mà lại bảo “có trước xã hội” thì chính như thế là gán ghép cho con người cá nhân cái thứ trừu tượng mà Mác đã bác bỏ, khi sáng lập chủ nghĩa duy vật lịch sử. Luận điệu “cá nhân có trước, xã hội có sau” là cơ sở lý luận phản khoa học của “chủ nghĩa cá nhân”, nó hoàn toàn đối lập với toàn thể thành tựu khoa học hiện đại, đối lập với chủ nghĩa xã hội khoa học.
Đã từ hai chục năm nay tôi kiên quyết bảo vệ toàn bộ chủ nghĩa Mác –Lênin, bảo vệ triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, mà trung tâm là Luận văn 6 của Mác về Phơ-Bách. Do đấy mà đến 1974, khi những người theo chủ nghĩa cá nhân mở đầu cuộc chiến tranh trường kỳ của họ chống chủ nghĩa xã hội, họ đã chĩa mũi dùi đả kích tôi …
Trần Đức Thảo
Người dịch: Trần Đức Tùng và Cù Huy Chử)
[1] Tạm dịch “Sự chuyển động của ngón trỏ như là sự thành lập của sự khẳng định cảm tính.”
[2] Tạm dịch “Xã hội là gì dưới mọi hình thức? Là sản phẩm của hành động tương tác của những con người” (
[3] Tạm dịch “Hãy đặt một trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất của con người, ta sẽ có một hình thức trao đổi và tiêu dùng. Hãy đặt một trình độ của phát triển sản xuất, phát triển trao đổi, phát triển tiêu dùng, ta sẽ có một cấu tạo xã hội, một tổ chức gia đình, tầng lớp hay giai cấp, nói tóm lại một xã hội dân sự.
Hãy đặt một xã hội dân sự như thế, ta sẽ có nền chính trị như thế, và đó chỉ là biểu hiện chính thức của xã hội dân sự …”.
“Ta không cần phải nói thêm là con người không phải là những trọng tài tự do của những lực lượng sản xuất của họ ,- là căn bản của tất cả lịch sử, - vì tất cả lực lượng sản xuất là một lực lượng sản xuất đạt được, kết quả của một lực lượng sản xuất có từ trước.” (Thư gửi Annenkov, 28-12-1846) (Người dịch: Trần Đức Tùng và Cù Huy Chử)
tin tức liên quan
Videos
Đền Hồng Sơn
Chuyển đổi số và liên thông Thư viện - xu hướng phát triển tất yếu
Hình ảnh các thầy cô giáo trong thơ ca
Một nước Nhật quá xa xôi!
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Thống kê truy cập
114513270
256
2315
21207
220143
121356
114513270