“Chưa bao giờ loài người có lắm việc đến thế. Thế kỉ của chúng ta là thế kỉ cách mạng trong ý nghĩa cao nhất của từ ấy - không phải vật chất, mà là cách mạng tinh thần. Đang hun đúc một tư tưởng tối cao về tổ chức xã hội và sự hoàn thiện con người”.
“Chưa bao giờ loài người có lắm việc đến thế. Thế kỉ của chúng ta là thế kỉ cách mạng trong ý nghĩa cao nhất của từ ấy - không phải vật chất, mà là cách mạng tinh thần. Đang hun đúc một tư tưởng tối cao về tổ chức xã hội và sự hoàn thiện con người”.
Channing
“Các người sẽ nhận ra chân lí, và chân lí làm cho các người trở thành những người tự do”.
Ioan. VIII,32.
I
CHUNG CỤC MỘT THỜI ĐẠI, XOÁ BỎ CÁI CŨ.
NHỮNG DẤU HIỆU VÀ NGUYÊN NHÂN
Theo ngôn ngữ Phúc âm, thế kỉ và chung cục một thế kỉ không phải là đầu và cuối một trăm năm, mà có nghĩa là sự cáo chung của một thế giới quan, một tín ngưỡng, một phương thức giao tiếp và mở đầu một thế giới quan khác, một tín gnưỡng khác, một phương thức giao tiếp khác. Trong kinh Phúc Âm có nói, ở giai đoạn chuyển giao từ thế kỉ này sang thế kỉ khác như thế, sẽ có đủ thứ tai hoạ: phản trắc, lừa lọc, tàn bạo và chiến tranh, lại vì chà đạp pháp luật mà tình thương yêu bị nguội lạnh. Tôi hiểu những lời ấy không phải là câu sấm siêu hình, mà là sự chỉ giáo: khi một tín ngưỡng, một lối sống mà người ta đang sống sẽ bị thay thế bằng tín ngưỡng khác, lối sống khác, khi cái cũ lỗi thời đã mất hết tác dụng và cản trở cái mới, tất yếu sẽ xuất hiện những bất an sâu sắc, những chuyện hung ác, lừa lọc, phản trắc và đủ loại phạm pháp, mà hậu quả của tình trạng phạm pháp ấy là tình thương yêu, yếu tính cần thiết nhất đối với đời sống xã hội sẽ bị nguội lạnh.
Bây giờ chính điều đó cũng đang diễn ra không chỉ ở nước Nga mà trên toàn cõi Kitô giáo: ở nước Nga, nó bộc lộ rõ ràng và công nhiên hơn, trên khắp cõi Kitô giáo cũng diễn ra đúng như thế, có điều là ở trạng thái ngấm ngầm (tiềm ẩn).
Tôi nghĩ là lúc này, chính lúc này đây, đời sống ở các dân tộc theo đạo Kitô đang rất gần với ranh giới chia tách thế kỉ cũ sắp hết với thế kỉ mới đang bắt đầu. Tôi nghĩ, lúc này, chính lúc này đây, đã bắt đầu diễn ra bước ngoặt lớn lao từng được chuẩn bị gần 2000 năm trên toàn cõi Kitô giáo, một bước ngoặt mà thực chất của nó là đạo Kitô đã biến chất cùng quyền lực dựa trên đó của đám người này và tình trạng nô lệ của đám người kia sẽ được thay thế bằng đạo Kitô đích thực và gắn bó với nó là việc thừa nhận sự bình đẳng giữa người với người và tự do chân chính của mọi con người vốn là đặc tính của họ như là những sinh linh có lí trí.
Tôi nhìn thấy những dấu hiệu bề ngoài của điều đó trong cuộc đấu tranh giữa các đẳng cấp ở mọi dân tộc, trong sự tàn nhẫn lạnh lùng của những kẻ giầu có, trong sự căm hận và tuyệt vọng của đám người nghèo khổ, trong cuộc chạy đua vũ trang vô lí và vô nghĩa ngày càng lan rộng ở tất cả các quốc gia chống đối lẫn nhau, trong việc phổ biến học thuyết về chủ nghĩa xã hội viển vông, độc tài đến kinh hoàng, nông cạn đến kì cục, trong sự phù phiếm và ngu xuẩn của những thảo luận vô ích và những công trình nghiên cứu gọi là khoa học được nâng lên thành hoạt động tinh thần quan trọng nhất, trong sự đồi bại bệnh hoạn và trống rỗng nội dung của nghệ thuật với mọi biểu hiện của nó; và cái chính, không chỉ trong sự thiếu vắng một tôn giáo có ảnh hưởng lớn hơn cả tới các tôn giáo khác, mà còn trong sự phủ nhận có ý thức mọi tôn giáo và chấp nhận thay thế nó bằng luật lệ lấy mạnh đè yếu, và vì thế, trong sự thiếu vắng hoàn toàn các cơ sở định hướng chỉ đường hợp lí cho đời sống.
Những dấu hiệu chung của bước ngoặt đang đến gần, đúng hơn, dấu hiệu chín muồi của bước ngoặt mà các dân tộc Kitô giáo đang trải qua là như thế. Những dấu hiệu về thời gian lịch sử, hay cú hích để bước ngoặt bắt đầu là cuộc chiến tranh Nga - Nhật vừa kết thúc và cùng với nó là phong trào cách mạng bộc phát và trước chưa thấy bao giờ trong nội bộ dân tộc Nga.
Nguyên nhân sự đại bại của quân đội và hải quân Nga trước người Nhật được người ta nhìn thấy ở sự rủi ro ngẫu nhiên và sự hà lạm của quan chức nhà nước Nga; nguyên nhân của phong trào cách mạng Nga lại được người ta nhìn thấy ở sự kém cỏi của chính phủ, ở hoạt động gia tăng của các nhà cách mạng; các chính trị gia người Nga cũng như người nước ngoài xem hậu quả của những sự kiện ấy là sự suy yếu của nước Nga, là sự sắp xếp lại trung tâm sức nặng trong các quan hệ quốc tế và sự thay đổi cách thức cai trị của nhà nước Nga. Tôi thì nghĩ rằng những sự kiện ấy có ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều. Thất bại của quân đội và hải quân Nga, thất bại của chính phủ Nga không chỉ là thất bại của quân đội, của hải quân và chính phủ Nga, mà là dấu hiệu bắt đầu sụp đổ của nhà nước Nga. Theo tôi, chính sự sụp đổ của nhà nước Nga là dấu hiệu về sự bắt đầu sụp đổ của toàn bộ nền văn minh nguỵ Kitô giáo. Đó là sự khánh chung của thế kỉ cũ và khởi đầu của thế kỉ mới.
Cái dẫn dắt các dân tộc Kitô giáo tới cục diện mà họ rơi vào hiện nay bắt đầu đã từ lâu. Nó bắt đầu ngay từ khi Kitô giáo được thừa nhận là quốc giáo.
Một thiết chế dựa vào bạo lực, như nhà nước, vì sự tồn tại của bản thân, đòi tuân phục tuyệt đối luật lệ của mình trên cả luật lệ tôn giáo, một thiết chế không thể tồn tại nếu thiếu án tử hình, thiếu quân đội, chiến tranh, một thiết chế xem kẻ cầm quyền gần như thần thánh, một thiết chế tán dương tiền của và cường bạo,- một thiết chế như thế, qua đại diện là những người cầm quyền lại thâu dụng đạo Kitô, một tôn giáo tuyên bố sự bình đẳng hoàn toàn và tự do cho tất cả mọi người, đặt luật của Thiên Chúa cao hơn mọi thứ luật lệ khác, lại ân dụng một tôn giáo chẳng những phủ nhận mọi bạo lực, mọi sự báo thù, mọi án tử hình, mọi kiểu chiến tranh, mà còn ban tình yêu cho kẻ thù, một tôn giáo tán dương sự khiêm nhượng và nghèo khổ, chứ không phải sự giàu sang và hùng cường, - chính thiết chế ấy, qua đại diện là những kẻ cầm quyền theo tà đạo, đã thu dụng đạo Kitô ấy. Cả cánh cầm quyền lẫn quân sư của họ, do phần đông hoàn toàn không hiểu bản chất của Kitô giáo đích thực, nên rất thành thật phẫn nộ trước những người tin theo và truyền bá Kitô giáo chân chính, thản nhiên hành quyết, truy nã họ và ngăn cấm họ truyền bá tôn giáo ấy trong ý nghĩa đích thực của nó. Giới tăng lữ ngăn cấm đọc Phúc Âm và dành riêng cho mình quyền giải thích Thánh Kinh, bịa ra những nguỵ thuyết phức tạp biện hộ cho sự kết hợp cực kì trái khoáy giữa nhà nước và đạo Kitô, bày đặt nhiều lễ nghi trọng thể để mê hoặc dân chúng. Và phần đông dân chúng sống đời đời kiếp kiếp, xem mình là tín đồ Kitô giáo, chẳng hề nghi ngờ dù chỉ một phần trăm về ý nghĩa của đạo Kitô chân chính.
Nhưng thanh thế nhà nước dẫu lớn thế nào, thắng lợi của nó dẫu còn dài lâu đến đâu, đạo Kitô dù bị trấp áp khốc liệt ra sao, vẫn không thể làm câm lặng cái chân lí làm thành bản chất của Kitô giáo, một khi nó đã được nói ra và đang khai mở tâm hồn cho con người. Tình hình này càng kéo dài bao nhiêu, thì xung đột giữa học thuyết về khiêm nhượng và tình yêu của đạoKitô với nhà nước - thiết chế của sự tự đắc và bạo lực, càng bộc lộ rõ bấy nhiêu. Con đập vĩ đại nhất trên thế giới cũng không thể ngăn giữ được dòng nước đầy sinh khí. Nước tất yếu sẽ tìm ra cho mình con đường, hoặc vượt qua đập, hoặc làm sạt lở, hoặc vòng quanh mà tránh nó. Vấn đề chỉ còn là ở thời gian. Điều đó đã xẩy ra đúng như thế với đạo Kitô giáo chân chính bị nhà nước che dấu. Nhà nước từng ngăn giữ rất lâu dòng nước sốngầy sinh khí, nhưng thời khắc đã điểm, đạo Kitô phá tan con đập chắn giữ nó và cuốn theo mình những tàn tích của con đập ấy.
Trong chiến thắng mà người Nhật giành được quá dễ trước nước Nga và qua những biến loạn đang bao phủ mọi tầng lớp của dân tộc Nga cùng với cuộc chiến kia, tôi nhìn thấy những dấu hiệu bên ngoài chứng tỏ chính lúc này đây, thời khắc ấy đã tới.
II
Ý NGHĨA SỰ CHIẾN THẮNG CỦA NGƯỜI NHẬT
Bao giờ cũng vậy, giống như từ xưa tới nay, trong mọi thất bại, giờ đây người ta đang cố gắng giải thích nguyên nhân thua trận của người Nga bằng những sai lầm của kẻ chiến bại: tổ chức quân sự của Nga kém cỏi, các cấp chỉ huy hà lạm và khinh suất…
Nhưng điều chủ yếu không phải là ở đấy. Nguyên nhân thắng lợi của người Nhật không hẳn là ở sự điều hành yếu kém của Nga hay ở sự kém cỏi trong tổ chức quân đội của người Nga, mà chủ yếu là ở sự vượt trội thiết thực, hơn hẳn của người Nhật trong công việc chiến tranh. Nhật Bản chiến thắng không phải vì người Nga yếu, mà vì hiện nay Nhật bản xem ra là cường quốc quân sự, cả hải quân lẫn bộ binh, mạnh nhất trên thế giới; và họ mạnh như thế là vì, thứ nhất, mọi cải tiến khoa học kĩ thuật mang lại sự vượt trội trong cuộc chiến của các dân tộc Kitô giáo chống lại các dân tộc không theo đạo Kitô giáo đều được người Nhật quán triệt (vì sự thiết thực của chúng đều và tầm quan trọng mà họ dành cho lĩnh vực quân sự) tốt hơn rất nhiều so với dân tộc Kitô giáo; thứ hai, từ trong bản chất của mình, người Nhật can đảm hơn và thờ ơ hơn trước cái chết so với các dân tộc theo Đạo Kitô hiện nay, thứ ba, chủ nghĩa ái quốc hiếu chiến - cái hoàn toàn không ăn nhập với đạo Kitô, song lại được các nhà nước theo Kitô giáo truyền bá và nhất quyết duy trì ở dân tộc mình, với người Nhật, cho đến tận bây giờ, vẫn giữ được sức mạnh nguyên sơ của nó; thứ tư, do thần phục một cách nô lệ vào quyền lực chuyên chế của thiên hoàng được thần thánh hoá, sức mạnh của người Nhật được tập trung hơn và thống nhất hơn so với các dân tộc vượt qua được sự phục tùng một cách nô lệ chế độ chuyên chế . Tóm lại, người Nhật đã và đang có một lợi thế to lớn: họ không phải là những tín đồ của đạo Kitô.
Đạo Kitô dẫu bị biến chất thế nào ở các dân tộc theo tôn giáo này, thì nó, tuy mờ nhạt, vẫn tiếp tục sống trong ý thức của họ, và những giáo dân, ít nhất là những phần tử ưu tú của họ, vô luận thế nào, hẳn là không thể dồn toàn bộ sức lực tinh thần của mình vào việc chế tạo và mua sắm vũ khí giết người, không thể không tỏ thái độ phủ định ít nhiều với chủ nghĩa yêu nước hiếu chiến, không thể tự mổ bụng để khỏi bị quân địch bắt làm tù binh giống như người Nhật, không thể cùng kẻ thù nổ tung trên không trung như trước đây từng xẩy ra, khác xưa, họ không còn đề cao lòng quả cảm chiến trận và kiểu anh hùng chiến trận, càng ngày càng ít trọng vọng hơn với tầng lớp quân nhân, không thể không nhận ra nhân phẩm bị xúc phạm khi phục tùng quyền lực theo kiểu tôi đòi, và, điều cơ bản, chí ít là phần đông, họ không thể giết người một cách thản nhiên.
Bao giờ cũng thế, ngay cả trong những hoạt động đời thường trái nghịch với tinh thần đạo Kitô, các dân tộc Kitô giáo khó tranh giành với những dân tộc không theo tôn giáo này. Chuyện này đã và vẫn đang tiếp tục là như vậy trong cuộc giành giật tiền bạc với những người không theo đạo Kitô. Cho dù đạo Kitô được giải thích tồi tệ và sai lệch thế nào, thì một tín đồ Kitô giáo vẫn ý thức (chất Kitô càng nhiều, anh ta càng ý thức rõ hơn), rằng của cải không phải là lợi ích cao nhất, vì thế, không thể dồn toàn bộ sức lực của mình vào đó giống như kẻ chẳng có lí tưởng nào cao hơn của cải vẫn làm, hoặc những kẻ xem của cải là phước lộc thiêng liêng.
Trong lĩnh vực khoa học và nghệ thuật phi Kitô giáo, tình hình cũng đúng như thế. Chính ở những lĩnh vực này của các ngành khoa học thực chứng, thực nghiệm và nghệ thuật lấy khoái lạc làm mục đích của mình, từ xưa tới nay, ngôi vị quán quân rất hiếm khi thuộc về những cá nhân và dân tộc theo đạo Kitô.
Điều mà chúng ta nhìn thấy trong biểu hiện của hoạt động thời bình chắc chắn bộc lộ rõ hơn trong hoạt động chiến tranh, loại hoạt động bị đạo Kitô trực tiếp phủ định. Sự vượt trội tất yếu kia của của các dân tộc không theo đạo Kitô so với các dân tộc Kitô giáo trong việc chiến tranh đã bộc lộ hiện rõ ràng nhất ở chiến thắng vang dội của người Nhật trước người Nga.
Và ý nghĩa vô cùng to lớn của chiến thắng của người Nhật chính là ở sự vượt trội ấy của các dân tộc không theo đạo Kitô so với các dân tộc theo tôn giáo này.
Ý nghĩa chiến thắng của người Nhật là ở chỗ, chiến thắng ấy đã phơi bày một cách rõ ràng nhất, không chỉ riêng cho nước Nga chiến bại, mà cho cả thế giới Kitô giáo, toàn bộ sự nhỏ mọn của nền văn hoá nổi trên bề mặt mà các dân tộc Kitô giáo tự hào đến thế, nó chỉ ra, rằng toàn bộ nền văn hoá bề mặt mà họ tưởng là kết quả nỗ lực lâu đời đặc biệt quan trọng nào đấy của nhân loại Kitô giáo chỉ là một cái gì đó rất tầm thường và cực kì nhỏ nhoi, rằng dân tộc Nhật chẳng có phẩm chất tinh thần đặc biệt nổi trội nào cả, khi cần thiết, chỉ trong vòng mấy chục năm, nó đã hấp thụ toàn bộ tài trí khoa học của các dân tộc Kitô giáo, kể cả vi trùng và chất nổ, và biết ứng dụng tài trí ấy vào những mục đích thiết thực tuyệt vời tới mức, họ đã vượt lên trên tất cả các dân tộc theo đạo Kitô trong việc ứng dụng tài trí ấy vào lĩnh vực quân sự và bản thân công việc chiến tranh mà các dân tộc Kitô giáo cũng đề cao đến thế..
Trong nhiều thế kỉ, lấy lí do tự vệ, các dân tộc Kitô giáo đã nghĩ ra nhiều phương thức huỷ diệt lẫn nhau một cách hữu hiệu nhất (những phương thức ngay lập tức được tất cả các địch thủ khác ứng dụng) và còn sử dụng những phương thức ấy để đe doạ nhau, để chiếm đoạt mọi thứ lợi lộc giữa những dân tộc chưa được khai hoá ở châu Á và châu và Phi. Và thế là giữa các dân tộc không theo đạo Kitô đã xuất hiện một dân tộc hiếu chiến, khôn khéo và tiếp thu nhanh, sau khi nhìn thấy mối nguy đe doạ nó và các dân tộc khác, nó đã quán triệt dễ dàng và nhanh chóng lạ kì cái chân lí giản đơn, rằng nếu người ta đánh anh bằng một cây gậy to, chắc, thì anh phải kiếm ngay một cây gậy hệt như thế, hoặc to hơn, chắc hơn, và dùng nó mà nện lại kẻ đã đánh mình. Người Nhật đã hấp thu rất nhanh chóng và dễ dàng đạo lí ấy cùng với toàn bộ kĩ thuật chiến tranh, ngoài ra còn sử dụng mọi tiện ích trái ngược với nền chuyên chế và lòng ái quốc theo kiểu tôn giáo, cho nên họ đã thể hiện sự hùng mạnh quân sự xem ra còn mạnh hơn một nhà nước quân sự hùng mạnh nhất. Chiến thắng của người Nhật trước người Nga đã chỉ ra cho mọi quốc gia quân sự thấy rằng, quyền lực quân sự từ nay không còn nằm trong tay họ, nó đã chuyển sang, hoặc sắp tới sẽ phải chuyển sang tay những kẻ khác không theo đạo Kitô, bởi vì các dân tộc ở châu Á và châu Phi không theo đạo Kitô đang bị những người không theo đạo này áp bức sẽ hoàn toàn không gặp khó khăn gì trong việc noi gương Nhật Bản, hấp thụ cho mình kĩ nghệ quân sự mà chúng ta rất đỗi tự hào, không chỉ để giải phóng, mà còn quét sạch khỏi mặt đất mọi quốc gia Kitô giáo.
Cho nên, cái kết cục của cuộc chiến kia hiển nhiên là sẽ đưa các chính phủ Kitô giáo đi tới chỗ nhất thiết phải nỗ lực mua sắm thiết bị quân sự nhiều hơn nữa với những phí tổn còn đè nặng hơn nữa lên dân tộc họ và, sau khi tăng cường vũ trang như vậy, thể nào họ cũng nhận ra, rằng theo thời gian, các dân tộc đa thần giáo bị họ áp bức, giống như người Nhật, khi đã tinh thông nghệ thuật quân sự, sẽ lật đổ ách thống trị của họ và trả thù họ. Chẳng còn là lời nói suông, mà từ kinh nghiệm cay đắng, cuộc chiến tranh này đã khẳng định một chân lí giản đơn, không chỉ riêng cho người Nga, mà dành cho tất cả các dân tộc Kitô giáo, rằng bạo lực không thể dẫn tới đâu ngoài sự gia tăng thảm hoạ và khổ đau.
Chiến thắng nói trên đã chỉ ra rằng, gia tăng sức mạnh quân sự của mình, các dân tộc Kitô giáo đã làm một việc không chỉ trái ngược với tinh thần Kitô giáo đang sống trong họ, mà còn là việc thiếu đạo đức và ngu xuẩn tới mức mà nếu vẫn cứ làm việc ấy, họ, với tư cách là các dân tộc Kitô giáo, dứt khoát lúc nào cũng bị các dân tộc không theo tôn giáo ấy ăn đứt và đánh bại. Chiến thắng ấy đã chỉ cho các dân tộc Kitô giáo thấy rằng, tất cả những gì được các chính phủ của họ lấy làm mục đích hoạt động đều có hại cho họ, làm kiệt quệ sức lực của họ một cách vô bổ, và cái chính là tạo ra cho họ những kẻ thù mạnh hơn trong số những dân tộc không theo đạo Kitô.
Cuộc chiến tranh nói trên đã chỉ ra rõ ràng nhất, rằng sức mạnh của các dân tộc Kitô giáo không phải nằm ở sự hùng cường quân sự trái ngược với tinh thần của đạo này, rằng nếu các dân tộc Kitô giáo muốn còn là Kitô giáo, thì mọi nỗ lực của họ dứt khoát không được nhắm vào sự hùng hậu quân sự, mà cần hướng tới một cái gì khác: một cơ chế đời sống bắt nguồn từ giáo lí Kitô, mang lại hạnh phúc lớn nhất cho con người không phải bằng cưỡng bức thô bạo, mà bằng cách đồng thuận khôn ngoan và tình thương yêu.
Đối với thế giới Kitô giáo, ý nghĩa từ chiến thắng của người Nhật là ở đó.
III
BẢN CHẤT CỦA PHONG TRÀO CÁCH MẠNG Ở NGA
Chiến thắng của người Nhật chỉ cho cả thế giới Kitô giáo thấy con đường sai lầm mà các dân tộc theo đạo Kitô đã đi và đang đi. Cuộc chiến ấy với những đau khổ khủng khiếp, vô nghĩa, những tổn thất công sức, mạng sống của hàng triệu người còn chỉ ra cho dân chúng Nga, ngoài mâu thuẫn chung có ở mọi dân tộc Kitô giáo giữa tổ chức và thiết chế bạo lực nhà nước, một nguy cơ khủng khiếp mà họ thường xuyên phải đối mặt, khi phục tùng chính phủ của mình.
Chẳng có bất kì sự bức thiết nào, chỉ vì những mục đích cá nhân mờ ám, vì những nhân vật tầm thường nào đó trong giới lãnh đạo chóp bu, chính phủ Nga đã đẩy nhân dân mình vào một cuộc chiến tranh vô nghĩa, một cuộc chiến nhất quyết không thể có kết quả nào khác, ngoài tác hại đối với nhân dân Nga. Đã bị mất hàng trăm nghìn sinh mệnh, bị mất mấy mươi tỉ bạc, nhiều sản phẩm lao động của nhân dân, mất luôn cả vinh quang của nước Nga đối với những kẻ vẫn tự hào về nó. Vậy mà đám tội đồ gây ra những hành vi tàn bạo kia chẳng những không nhận ra lỗi lầm của mình, lại còn trách móc những người khác về tất cả những gì đã xẩy ra và, do vẫn nắm giữ cương vị như thế, ngày mai chúng lại đẩy nhân dân Nga vào những thảm hoạ còn tồi tệ hơn.
Mọi cuộc cách mạng đều bắt đầu nổ ra khi xã hội đã vượt lên trên vũ trụ quan từng được lấy làm nền tảng cho các hình thức hiện hữu của đời sống cộng đồng, khi mâu thuẫn giữa cuộc đời đang có với cuộc sống cần phải có đã lộ rõ tới mức khiến đa số mọi người cảm thấy không thể kéo dài đời sống trong những điều kiện trước kia. Cách mạng bao giờ cũng nổ ra ở bộ phận dân chúng có số người hiểu rõ mâu thuẫn ấy đông nhất.
Về phương tiện được cách mạng sử dụng, thì những phương tiện ấy tuỳ thuộc vào mục đích mà cách mạng nhắm tới.
Vào năm 1793, chẳng những các dân tộc đang quằn quại dưới ách áp bức, mà ngay cả những người ưu tú của các giai cấp cầm quyền trên toàn thế giới Kitô giáo cũng nhận thấy mâu thuẫn giữa tư tưởng về sự bình đẳng của mọi người với quyền lực chuyên chế của vua chúa, giáo hội, quý tộc, quan lại. Nhưng không ở đâu các tầng lớp nói trên có được sự nhậy cảm trước tình trạng bất bình đẳng này và cũng không ở đâu nhận thức của dân chúng ít bị nhồi nét bởi chế độ nô lệ giống như ở Pháp, cho nên cuộc cách mạng 1793 đã nổ ra chính ở nước Pháp. Còn phương tiện thực thi quyền bình đẳng lúc ấy thì đương nhiên là dùng sức mạnh tước đoạt những gì giai cấp thống trị đang nắm giữ, do đó các nhà hoạt động của phong trào cách mạng này đã cố gắng sử dụng bạo lực để thực hiện những mục tiêu của mình.
Vào năm 1905 này, không chỉ các dân tộc đang rên xiết vì bạo lực, mà cả một bộ phận ưu tú của các tầng lớp thống trị đã nhận ra mâu thuẫn giữa nhận thức về khả năng và tính chính đáng của đời sống tự do với cái phi lí và bất hạnh của sự phục tùng lũ cầm quyền ngược ngạo đang tước đoạt sản phẩm lao động của dân chúng dành cho những cuộc chạy đua vũ trang không có hồi kết, lũ cầm quyền mà lúc nào cũng có thể buộc các dân tộc lao vào những cuộc chiến tranh vô nghĩa, những cuộc tàn sát đẫm máu. Không ở đâu mâu thuẫn ấy được nhận ra gay gắt như ở trong dân chúng Nga. Nhờ có cuộc chiến tranh vô nghĩa và nhục nhã mà nhân dân Nga bị chính phủ lôi kéo vào đó, do lối sống nông nghiệp vẫn còn được duy trì ở dân tộc Nga và, cái chính là, nhờ tâm thức Kitô giáo sống động đặc biệt trong dân tộc này, mà giờ đây nhân dân Nga nhận thấy mâu thuẫn ấy đặc biệt gay gắt.
Cho nên, tôi mới nghĩ rằng, cuộc cách mạng năm 1905, với mục tiêu giải phóng con người thoát khỏi bạo lực, phải nổ ra và bây giờ thực sự đang nổ ra ở chính nước Nga.
Song phương tiện thực hiện mục đích giải phóng con người của cách mạng thì rõ ràng là phải khác đi, chứ không thể là thứ bạo lực mà cho đến nay người ta vẫn sử dụng hòng thực hiện sự bình đẳng.
Những người xưa kia tham gia vào cuộc cách mạng vĩ đại với ước nguyện đạt được sự bình đẳng được phép sai lầm nếu họ nghĩ rằng, bình đẳng có thể giành được bằng bạo lực, mặc dù, rõ ràng là không thể dùng bạo lực để giành lại sự bình đẳng, bởi vì bạo lực tự nó là biểu hiện sắc nét nhất của sự bất bình đẳng. Nhưng tự do như là mục tiêu của cuộc cách mạng hiện nay thì nhất quyết không thể giành bằng bạo lực. Thiết nghĩ, điều đó nhẽ ra đã phải trở thành hiển nhiên.
Vậy mà những người hiện nay đang tiến hành cách mạng ở nước Nga lại tưởng rằng, sau khi dùng bạo lực lật đổ chính phủ hiện thời và cũng dùng bạo lực để thiết lập chính phủ mới - quân chủ lập hiến hoặc thậm chí cộng hoà xã hội chủ nghĩa, họ sẽ đạt được mục đích của cuộc cách mạng đang diễn ra - tự do.
Nhưng lịch sử không lặp lại. Cách mạng bạo lực đã hết thời. Nó đã trao cho mọi người tất cả những gì nó có thể trao, và đồng thời cũng chỉ ra những gì nó không thể đạt được. Cuộc cách mạng đang diễn ra hiện nay ở nước Nga giữa một dân tộc có hàng trăm triệu dân với tố chất rất đặc biệt, lại không phải ở năm 1793, mà vào năm 1905, dứt khoát không thể đặt ra các mục tiêu và không thể thực hiện bằng những phương tiện giống như các cuộc cách mạng từng diễn ra cách đây 60, 80 hay 100 năm về trước giữa các dân tộc Germain hay Roman với những tố chất tinh thần hoàn toàn khác.
Một trăm triệu người Nga làm nông nghiệp, mà đây thực ra đã là cả dân tộc, không cần viện Duma, không cần được ban tặng những quyền tự do nào đó mà khi liệt kê sẽ thấy rõ nhất sự thiếu vắng một nền tự do dung dị, đích thực, không cần quốc hội lập hiến ìa sự thay thế chính quyền bạo lực này bằng một chính quyền khác, mà cần một nền tự do chân chính, đầy đủ, thoát khỏi mọi thứ chính quyền bạo lực.
Ý nghĩa của cuộc cách mạng đang nổ ra ở Nga và sẽ nổ ra trên toàn thế giới không phải là ở sự điều chỉnh thuế thu nhập hay các loại thuế khác, ở việc tách giáo hội ra khỏi nhà nước hay nhà nước hoá một số tổ chức xã hội, ở tổ chức bầu cử và sự tham gia chính quyền một cách hình thức của nhân dân, không phải ở thể chế của nền cộng hoà sẽ là dân chủ nhất, hay thậm chí là xã hội chủ nghĩa với quyền phổ thông đầu phiếu, mà là một nền tự do thật sự.
Mà tự do thực sự không thể đạt được bằng những chiế luỹ, những cuộc tàn sát lẫn nhau, bằng những thể chế bạo lực mới, bất luận chúng là thế nào, mà chỉ có thể đạt được bằng cách chấm dứt phục tùng người khác.
IV
NGUYÊN NHÂN CƠ BẢN CỦA BƯỚC NGOẶT SẮP TỚI
Nguyên nhân cơ bản của bước ngoặt sắp tới, cũng như của mọi cuộc cách mạng trong quá khứ và tương lai mang tính tôn giáo.
Chữ tôn giáo thường được hiểu, hoặc như một số giới thuyết thần bí nào đấy về thế giới không nhìn thấy, hoặc là những nghi lễ, thờ cúng xác định nhằm nâng đỡ, an ủi, khích lệ mọi người trong cuộc sống của họ, hoặc như là giải thích về nguồn gốc của vũ trụ, hoặc là như là những phép tắc luân lí trong đời sống được phán truyền theo thánh thần; nhưng tôn giáo đích thực trước hết là sự phát hiện ra luật tối thượng, chung cho tất cả mọi người và đem lại cho họ phúc lợi nhiều nhất ở đời này.
Từ thời chưa có học thuyết Kitô, giữa các dân tộc khác nhau đã được nhận thấy và tuyên cáo một đạo luật tôn giáo tối cao, nó nói, rằng muốn hưởng phúc, người ta phải sống theo kiểu không phải ai cũng chỉ vị kỉ, mà ai cũng vì hạnh phúc của mọi người, vì sự phụng sự lẫn nhau (đạo Phật, Isaya, Khổng Tử, Lão Tử, các nhà khắc kỉ). Luật đã được tuyên cáo, và những ai hiểu biết đạo luật ấy đều không thể không nhận ra tất cả sự đúng đắn và lợi ích của nó. Nhưng cuộc sống đã được định hình lại không dựa vào sự phụng sự lẫn nhau, mà dựa vào bạo lực, cuộc sống ấy thấm sâu vào mọi thể chế và tập tục tới mức, tuy vẫn thừa nhận lợi ích của đạo luật phụng sự lẫn nhau, mọi người tiếp tục sống theo luật bạo lực được người ta biện hộ bằng sự cần thiết của viẹc trả thù. Người ta nghĩ rằng, nếu không lấy độc trị độc sẽ không thể có đời sống xã hội. Có những người nhận về mình trách nhiệm vận dụng các luật bạo lực để kiến lập tiện ích, sửa đổi loài người, họ ban bố mệnh lệnh, còn những người khác thì tuân phục. Những kẻ ra lệnh đã bị tha hoá bởi quyền lực mà họ sử dụng. Vì bản thân bị tha hoá, nên nhẽ ra phải sửa sai cho người khác, họ lại truyền cho người ta sự sa đoạ của mình. Những kẻ tuân phục cũng bị sa đoạ bởi tham gia vào bạo lực của chính quyền, bởi học đòi những kẻ quyền thế và bởi sự ngoan ngoãn tôi tớ.
Một nghìn chín trăm năm trước, đạo Kitô đã xuất hiện. Với một sức mạnh mới, Kitô giáo khẳng định đạo luật phụng sự lẫn nhau và, hơn thế, giải thích nguyên nhân vì sao đạo luật đó không được thực hiện.
Giáo lí Kitô đã chỉ ra cực kì rõ ràng, rằng nguyên nhân nói trên là quan niệm sai trái về tính chính đáng và sự cần thiết của bạo lực, được hiểu như là sự trả thù. Từ nhiều bình diện khác nhau, qua giải thích sự phi lí và tác hại của báo thù, nó chỉ ra, rằng nỗi bất hạnh chính của con người bắt nguồn từ những hình thức bạo lực mà, vin vào lí báo thù, người này áp đặt cho người kia. Giáo lí Kitô đã chỉ ra cách duy nhất giúp thoát khỏi bạo lực là nhẫn nhịn, không tranh đấu, chịu đựng nó.
“Các con nghe người xưa nói: mắt đổi lấy mắt, răng đổi lấy răng. Còn ta lại nói với các con: không chống lại cái ác, nếu ai tát con vào má phải, con hãy chìa cho họ má trái; nếu ai muốn kiện cáo con, muốn lột của con cái áo cánh, con hãy đưa nốt cho họ cái áo choàng, nếu ai bắt con đi với họ một chặng, con hãy đi với họ hai chặng. Người ta cầu xin con, thì hãy đưa cho họ, và đừng ghét bỏ kẻ muốn tước đoạt của con”.
Đạo lí ấy đã chỉ ra rằng, nếu để những con người bản thân thực hiện bạo lực làm quan toà xem xét trường hợp nào thì được dùng bạo lực, thì bạo lực sẽ không có giới hạn, bởi vì, muốn hết bạo lực, phải làm sao để không có ai sử dụng bạo lực với bất kì lí do nào, đặc biệt là lí do thông thường nhất - trừng phạt.
Đạo lí ấy khẳng định một chân lí giản đơn, tự nó rất dễ hiểu, rằng không thể dùng cái ác để tiêu diệt cái ác, rằng phương thức duy nhất giúp giảm bớt sự tàn ác của bạo lực là kiêng bạo lực.
Đạo lí ấy đã được diễn đạt và xác định rõ ràng. Nhưng quan niệm sai lầm về tính chính đáng của trừng phạt và sự cần thiết của răn đe như là điều kiện tất yếu của đời sống con người đã cắm rễ quá sâu, và vẫn còn nhiều người không biết giáo lí Kitô, hoặc biết dưới dạng bị bóp méo tới mức, người ta, tuy đã tiếp thu luật của Kitô, nhưng vẫn tiếp tục sống theo luật bạo lực.
Giới lãnh đạo của dân chúng trong thế giới Kitô nghĩ rằng, có thể tiếp thu giáo thuyết người phụng sự người mà không cần đến thuyết bất bạo lực là cái tạo thành ổ khoá (theo nghĩa vòm mái) của toàn bộ giáo lí về đời sống giữa người với người. Tiếp nhận đạo luật người phụng sự người mà không tiếp thu giới luật bất bạo lực thì cũng giống như xây vòm mái mà không gia cố nơi tiếp giáp của nó.
Những giáo dân đạo Kitô, vì tưởng rằng, không cần tiếp thu lời răn bất bạo lực vẫn có thể xây dựng một đời sống tốt hơn đời sống tà giáo, nên họ không chỉ tiếp tục làm những gì mà các dân tộc không theo đạo Kitô vẫn làm, mà còn làm cả những việc tồi tệ gấp bội, và càng ngày càng lìa xa đời sống theo luật Kitô giáo. Vì bị tiếp thu phiến diện, nên bản chất đạo Kitô ngày càng bị khuất lấp và cuối cùng, các dân tộc Kitô giáo đã lâm vào tình cảnh của họ hiện nay, mà chính là cảnh: dân Kitô giáo bị biến thành những đội quân thù địch ném hết sức lực vào cuộc vũ trang chống đối lẫn nhau, sẵn sàng lăn xả bắn giết nhau bất kể lúc nào; lâm vào cảnh không chỉ vũ trang để chống đối nhau, mà còn đã và đang vũ trang cho những dân tộc không theo đạo Kitô vốn căm ghét họ và đã vùng lên chống lại họ; và cái chính là, lâm vào cảnh không chỉ phủ nhận Kitô giáo, mà còn phủ nhận hoàn toàn bất kì một đạo luật tối cao nào.
Xuyên tạc đạo luật tối cao về người phụng sự người và điều răn bất bạo lực do đạo Kitô giáo đưa ra nhằm tạo điều kiện thực hiện đạo luật ấy - đó là nguyên nhân tôn giáo chính yêú của bước ngoặt sắp tới.
V
HẬU QUẢ CỦA VIỆC KHƯỚC TỪ LỜI RĂN BẤT BẠO LỰC
Giáo lí đạo Kitô không những đã chỉ ra, rằng trả thù và trừng phạt theo kiểu lấy oán báo oán là bất lợi và vô lí, vì chỉ làm tăng thêm cái ác,- nó còn chỉ ra, rằng không chống cái ác bằng bạo lực, nchịu đựng mọi thứ bạo lực mà không đấu tranh với nó là phương thức duy nhất giúp đạt được tự do đích thực vốn là bản tính của con người. Đạo Kitô đã chỉ ra, rằng chỉ cần con người bước vào đấu tranh chống lại bạo lực, anh ta tức thì tự tước bỏ tự do của bản thân bằng chính việc làm ấy, bởi vì, khi đã cho phép bản thân dùng bạo lực chống lại người khác, tức là anh ta phải chấp nhận bạo lực chống lại mình và do đó có thể bị chiến thắng bởi chính cái bạo lực mà anh ta chống đối, và dù có là người chiến thắng đi nữa, thì một khi bước vào lãnh địa của tranh đấu bên ngoài, lúc nào anh ta cũng có nguy cơ bị kẻ mạnh hơn đánh bại trong tương lai.
Giáo lí đạo Kitô chỉ ra, người tự do chỉ có thể là người đặt ra mục đích thực hiện đạo luật người phụng sự người là luật tối cao chung cho cả nhân loạ,i và vì thế không thể gặp trở ngại nào. Giáo lí ấy chỉ ra, chỉ có một cách thức duy nhất để giảm bớt bạo lực trên thế giới, cũng như để đạt được tự do tuyệt đối: nhẫn nhịn, không tranh đấu, chịu đựng bất kì bạo lực nào.
Giáo lí Kitô tuyên bố luật về sự tự do tuyệt đối của con người với điều kiện thiết yếu là phục tùng đạo luật tối cao trong đầy đủ mọi ý nghĩa của nó.
“Đừng sợ những kẻ sát hại thể xác, mà không thể sát hại linh hồn, hãy sợ kẻ có thể hãm hại cả linh hồn lẫn thể xác dưới hoả ngục” (Mf.X, 28).
Những người tiếp nhận giáo lí ấy, tuân phục đạo luật tối cao, sẽ không còn vướng bận vào bất kì sự tuân phục nào khác. Họ nhẫn nhịn chịu đựng bạo lực do người khác gây ra, nhưng không phục tùng người khác ở những việc không phù hợp với đạo luật tối cao.
Khi còn là thiểu số giữa những dân tộc đa thần giáo, các tín đồ đầu tiên của đạo Kitô đã hành xử đúng như thế.
Họ không chịu tuân phục các chính phủ ở những việc không phù hợp với đạo luật tối cao mà họ gọi là luật lệ của Chúa, họ bị truy nã vàẫhnhf quyết, nhưng họ đã không phục tùng và họ là những người tự do.
Khi mà hàng loạt dân tộc vốn sống trong thể chế nhà nước được thiết lập và duy trì bằng bạo lực, thông qua lễ thức rửa tội bên ngoài được thừa nhận là tín đồ Kitô giáo, quan hệ giữa những giáo dân ấy và chính quyền hoàn toàn thay đổi. Chính phủ, với sự hỗ trợ của giới tăng lữ thần phục nó, đã khuyên nhủ thần dân của mình, rằng có thể thực thi bạo lực và giết người khi làm những việc ấy để trừng phạt một cách công bằng và để bảo vệ những kẻ bị áp bức và yếu đuối. Ngoài ra, khi buộc mọi người tuyên thệ với chính quyền, tức là buộc phát nguyện trước Chúa, rằng họ sẽ thực hiện vô điều kiện tất cả những gì được chính quyền ra lệnh, các chính phủ đã dẫn thần dân của mình tới chỗ, mọi người vẫn xem mình là tín đồ Kitô giáo, nhưng không xem giết người và bạo lực là điều cấm kị. Song vì thực hiện bạo lực và giết người, họ tự nhiên phải chịu đựng những bạo lực được thực hiện đối với họ.
Rốt cuộc là, thay vì tự do mà Kitô đã tuyên cáo, nhẽ ra, cũng như trước kia, phải xem nghĩa vụ của mình là chịu đựng mọi thứ bạo lực, nhưng không phục tùng ai ngoài Chúa, để trở thành người tự do, những người theo đạo Kitô bắt đầu hiểu bổn phận của mình hoàn toàn ngược lại: bắt đầu xem nhẫn nhịn chịu đựng bạo lực là điều nhục nhã với mình (danh dự), xem bổn phận thiêng liêng là phục tùng quyền lực của chính phủ và trở thành kẻ nô lệ. Được giáo dục trong huyền thoại như thế, họ chẳng những không thấy xấu hổ trước tình trạng nô lệ của mình, mà còn tự hào bởi sự hùng mạnh của chính phủ mình, giống như kẻ nô lệ tự hào trước oai phong của chủ mình.
Thời gian gần đây, từ tình trạng biến chất ấy của dân Kitô giáo, còn nảy sinh một sự lừa gạt mới, nó cột chặt các dân tộc theo đạo Kitô vào trạng thái nô dịch của họ. Lừa gạt ở chỗ, thông qua việc tổ chức man trá những cuộc bầu cử các đại biểu vào cơ quan chính phủ, nó khiến dân chúng của một dân tộc nào đó tin rằng, khi bầu ra một người mà anh ta sẽ tiếp tục cùng những người khác bầu vị này hay vị kia từ hàng chục ứng viên mình không biết mặt, hoặc trực tiếp bầu cử các đại biểu của mình, họ sẽ trở thành người tham dự vào quyền lực của chính phủ, và như thế, phục tùng chính phủ tức là phục tùng chính bản thân mình và bởi vậy, họ có vẻ như vẫn được tự do. Sự lừa gạt ấy tưởng như đã rất rõ cả về mặt lí thuyết lẫn thực tiễn, bởi vì ngay trong thể chế dân chủ nhất và trong bầu cử phổ thống đầu phiếu, nhân dân không thể thể hiện ý nguyện của mình. Không thể thể hiện bởi vì, thứ nhất, một ý nguyện chung như thế của nhiều triệu dân chúng không có và không thể có, và thứ hai, giả sử có ý nguyện chung như thế của toàn dân, thì đa số phiếu bầu vẫn không thể nào thể hiện được nó. Sự lừa gạt ấy, chưa nói tới chuyện những người đắc cử được tham gia cầm quyền sẽ soạn luật và lãnh đạo nhân dân không vì lợi ích của họ, mà đa phần chạy theo mục đích duy nhất là giữ chặt giá trị và quyền lực của mình trong cuộc tranh giành giữa các đảng phái - chưa nói tới sự tha hoá đủ loại của nhân dân nảy sinh từ sự lừa gạt kia bởi những dối trá, lú lẫn, mua chuộc, - sự lừa gạt ấy đặc biệt độc hại bởi tình trạng nô lệ đầy tự mãn mà nó đang dẫn dụ những ai bị nó lừa bịp tới đó. Do nghĩ rằng, phục tùng chính phủ là phục tùng bản thân mình, nên họ, những người rơi vào sự lừa gạt ấy, chưa bao giờ dám cưỡng lại những quyết định của quyền lực con người, cho dù những quyết định này không chỉ trái ngược với sở thích, lợi ích và nguyện vọng của cá nhân họ, mà còn trái ngược cả với đạo luật tối cao và lương tri của họ.
Trong khi đó, bị câu thúc bởi sự tranh giành đảng phái và những mưu kế phức tạp, tranh giành địa vị và lợi lộc, hoạt động và mệnh lệnh của chính phủ ở những dân tộc tự trị giả hiệu cũng ít phụ thuộc vào ý muốn và nguyện vọng của toàn thể nhân dân, như là hoạt động và mệnh lệnh của các chính phủ chuyên chế. Dân chúng ở đây giống như tù nhân bị giam trong ngục mà vẫn tưởng mình có tự do nếuộh có quyền bầu cai ngục để điều hành sinh hoạt nội bộ của nhà tù.
Thành viên của dân tộc Dahomey[1] dưới chính thể chuyên chế nhất vẫn có thể hoàn toàn tự do, mặc dù có thể bị cưỡng chế tàn bạo bởi chính quyền mà anh ta không kiến lập; thành viên của nhà nước lập hiến muôn đời là nô lệ, vì khi tưởng là đã tham gia, hoặc có thể tham gia vào chính phủ của mình, anh ta thừa nhận tính chính đáng của mọi bạo lực đối với anh ta, phục tùng mọi mệnh lệnh của chính quyền.
Bởi vậy, dân chúng ở các quốc gia lập hiến, do tưởng mình được tự do, chính vì sự tưởng tưởng ấy mà họ đánh mất cả ý niệm thế nào là tự do đích thực. Trong khi vẫn tưởng đang giải phóng cho bản thân, những người này ngày càng dấn thân nhiều hơn vào ách nô lệ càng ngày càng tồi tệ hơn cho các chính phủ của mình.
Không gì có thể chỉ rõ tham vọng ngày càng lớn trong việc nô dịch các dân tộc như sự truyền bá và sự thành công của các lí thuyết xã hội chủ nghĩa - chính chúng hướng tới sự nô dịch ngày càng lớn ấy.
Về mặt này, người Nga đang có những lợi thế, vì cho đến nay, họ vẫn chưa can dự vào quyền lực và chưa bị biến chất bởi sự can dự ấy, nhưng, giống các dân tộc khác, ngay cả người Nga cũng phải nếm đủ mùi lừa gạt của những thứ tán dương quyền lực, thề nguyền, thệ ước, thể diện vênh váo của quốc gia, nhà nước và cũng xem nghĩa vụ của mình là phục tùng chính phủ trong mọi việc.
Thời gian gần đây, những người nông nổi của xã hội Nga đang cố dẫn dắt nhân dân Nga đến với chế độ nô lệ lập hiến giống như chế độ hiện có ở các dân tộc châu Âu.
Cho nên, hậu quả chính của ciệc không chấp nhận giới luật bất bạo lực, ngoài tai hoạ của sự tổng võ trang và chiến tranh, còn là sự mất tự do ngày càng lớn của những người tuân theo luật Kitô đã bị xuyên tạc.
VI
NGUYÊN NHÂN BÊN NGOÀI THỨ NHẤT CỦA BƯỚC NGOẶT SẮP TỚI
Sự xuyên tạc giáo lí của Kitô với việc khước từ lời răn bất bạo lực đã đưa các dân tộc theo đạo Kitô tới chỗ thù địch lẫn nhau, tới những thảm hoạ phát sinh từ đó, tới tình trạng nô lệ ngày càng nặng nề, và dân chúng trong thế giới Kitô giáo bắt đầu cảm thấy áp lực của tình trạng nô lệ ấy. Nguyên nhân cơ bản, tổng quát của bước ngoặt sắp tới là ở đó. Còn nguyên nhân cục bộ, nhất thời, khiến bước ngoặt ấy diễn ra đúng vào thời điểm hiện nay lại nằm ở chỗ, thứ nhất, sự ngông cuồng của chủ nghĩa quân phiệt ngày càng phát triển ở các dân tộc theo đạo Kitô được biểu hiện đặc biệt trong cuộc chiến tranh Nhật Bản và, thứ hai, sự khốn cùng và bất mãn ngày càng gia tăng của nhân dân lao động bắt nguồn từ việc tước đoạt quyền sử dụng đất đai hợp pháp và tự nhiên của họ.
Hai nguyên nhân này là chung cho mọi dân tộc Kitô giáo đều , nhưng, do những điều kiện lịch sử đặc biệt trong đời sống của dân tộc Nga, đúng vào lúc này, so với các dân tộc khác, chúng được nhân dân Nga cảm nhận gay gắt hơn, thấm thía hơn. Tình cảnh bất hạnh bắt nguồn từ sự phục tùng chính phủ đã trở nên quá rõ với nhân dân Nga, tôi nghĩ, không chỉ là hậu quả của cuộc chiến khủng khiếp, vô nghĩa mà họ đã bị chính phủ lôi kéo vào đó, mà còn bởi vì nhân dân Nga bao giờ cũng ứng xử với quyền lực khác với các dân tộc châu Âu. Nhân dân Nga không bao giờ chống lại quyền lực và, cái chính là, không bao giờ dự phần quyền lực, không bị tha hoá bởi sự tham dự ấy.
Dân tộc Nga không bao giờ xem quyền lực là phúc lợi mà mỗi người ắt phải nhắm tới giống như đa số các dân tộc châu Âu vẫn nhìn vào quyền lực (và, rất tiếc, giống như một số người hư hỏng của dân tộc Nga đang nhìn), mà bao giờ cũng xem quyền lực là cái ác mà mỗi người phải tránh xa. Cho nên, đa số người Nga bao giờ cũng cho là thà chịu đựng đau khổ về thể xác do bạo lực gây ra, còn hơn phải chịu trách nhiệm tinh thần vì can dự vào bạo lực. Thành thử, đa số người Nga đã phục tùng và đang phục tùng quyền lực chẳng phải vì họ không thể lật đổ quyền lực như các nhà cách mạng muốn dạy họ, và họ khước từ tham gia vào quyền lực chẳng phải vì họ không thể giành được quyền tham gia ấy như phái tự do muốn dạy họ, mà bởi vì, đại đa số đã ưa và vẫn đang ưa phục tùng bạo lực hơn là chống lại nó hoặc can dự vào nó. Từ đó, ở nước Nga đã được thiết lập và duy trì một nền cai trị bao giờ cũng mang tính chuyên chế, tức là thứ bạo lực giản đơn của bên mạnh, bên muốn tranh đấu, chống lại bên yếu, hay là bên không muốn đấu tranh.
Truyền thuyết về sự kêu gọi người Variag[2], rõ ràng là xuất hiện sau khi những người Variag ấy đã chinh phục được người Slave, phản ánh đầy đủ thái độ của người Nga với quyền lực ngay từ thời tiền Kitô giáo. “Bản thân chúng tôi không muốn can dự vào tội lỗi của quyền lực. Nếu các người không xem đó là tội lỗi, thì xin mời đến đây và cứ việc cai trị”. Chính thái độ ấy với quyền lực đã lí giải vì sao dân chúng Nga lại phục tùng những kẻ độc tài tàn bạo, ngông cuồng nhất, mà thường không phải là người Nga.
Thời xa xưa, nhân dân Nga đã nhìn quyền lực và thể hiện thái độ của mình với quyền lực như thế. Và ngay cả bây giờ, đa số người Nga vẫn nhìn nó như vậy. Thực ra, giống ở các quốc gia khác, với nhân dân Nga, người ta cũng sử dụng chuyện tỉ tê lừa bịp như một thủ pháp lẳng lặng buộc những người theo đạo Kitô chẳng những phục tùng, mà còn tuân lệnh quyền lực trong những việc trái nghịch với đạo Kitô. Nhưng sự lường gạt ấy chỉ trói buộc được những người ở tầng lớp chóp bu, bị hư hỏng; còn đa số vẫn kiên trì với quan niệm về quyền lực, theo đó, con người xem việc chịu dựng đau khổ do bạo lực gây ra còn tốt hơn là tham gia vào bạo lực.
Tôi nghĩ, thái độ ấy của dân Nga đối với quyền lực có nguyên nhân ở chỗ, đạo Kitô chân chính với tư cách là giáo lí về hữu ái, bình đẳng, khiêm nhượng và tình yêu phân biệt quyết liệt giữa sự khuất phục bạo lực và sự phục tùng nó, vẫn được duy trì ở dân tộc Nga nhiều hơn so với các dân tộc khác. Một tín đồ Kitô giáo đích thực có thể khuất phục, thậm chí không thể không khuất phục, từ chối mọi sự tranh đấu trước mọi bạo lực, nhưng không thể phục tùng nó, tức là không thể thừa nhận tính chính đáng của nó.
Các chính phủ nói chung, chính phủ Nga nói riêng, dẫu cố gắng thế nào trong việc lấy thứ học thuyết nhà nước - chính thống giáo đòi hỏi phải phục tùng để thay thế thái độ đích thực Kitô giáo đốí với quyền lực, thì tinh thần đạo Kitô và sự phân biệt giữa khuất phục và phục tùng quyền lực vẫn tiếp tục sống trong quảng đại quần chúng nhân dân lao động Nga.
Đa số người Nga chưa bao giờ xoá được cảm giác về sự bất hoà giữa bạo lực của chính phủ và đạo Kitô. Mâu thuẫn ấy được cảm nhận đặc biệt mạnh mẽ và cụ thể ở những giáo dân Kitô nhạy cảm nhất, không theo học thuyết bị bóp méo của đạo chính thống, giữa những người được gọi là tín đồ của các giáo phái thiểu số. Những tín đồ Kitô giáo khác nhau về danh xưng này đều không thừa nhận quyền lực của chính phủ là chính đáng. Đa số vì sợ hãi mà khuất phục những yêu cầu bị họ xem là thiếu chính đáng của chính phủ, có người, thiểu số, bằng những mánh khoé khác nhau đã luồn lách những yêu cấu ấy hoặc tránh xa chúng. Khi bạo lực quốc gia thách thức toàn thể giáo dân Kitô chân chính bằng việc áp dụng chế độ quân dịch phổ biến, yêu cầu người nào cũng phải sẵn sàng chém giết, nhiều tín đồ chính thống giáo người Nga bắt đầu hiểu ra mối bất hoà giữa đạo Kitô và quyền lực. Còn những tín đồ Kitô giáo không theo đạo chính thốgiáo thuộc những giáo phái khác nhau thì đã cự tuyệt thẳng thừng việc đăng lính. Mặc dù sự cự tuyệt như thế là không nhiều (chưa chắc đã có nổi một phần nghìn số người bị gọi), ý nghĩa của nó vẫn rất lớn, bởi vì sự cự tuyệt dám thách thức cả những hình phạt và truy nã gắt gao của chính phủ ấy đã mở mắt không chỉ cho những người theo các giáo phái thiểu số, mà còn cho cả toàn thể nhân dân Nga, giúp họ nhìn thấy những đòi hỏi phi Kitô giáo của chính phủ, và tuyệt đại đa số dân chúng, trước kia chưa hề nghĩ về mâu thuẫn giữa luật Chúa và luật đời, nay nhận ra mâu thuẫn ấy. Và giữa quảng đại dân chúng Nga, bắt đầu diễn ra một hoạt động chưa từng thấy, âm ỷ, không toan tính thiệt hơn, của sự giải phóng ý thức.
Cục diện của dân tộc Nga là như thế khi cuộc chiến tranh tàn khốc, không gì có thể biện hộ với Nhật Bản xẩy ra.
Chính cuộc chiến tranh âý, trong bối cảnh người biết chữ ngày càng nhiều, với sự bất bình bao trùm và, cái chính là, với sự cần thiết động viên lần đầu tiên hàng trăm nghìn người đứng tuổi rải khắp nước Nga (quân dự bị) buộc phải từ bỏ gia đình và công việc hợp lí để làm một việc rõ ràng là vô nghĩa và tàn bạo - cuộc chiến tranh ấy trở thành cú huých biến hoạt động chưa từng thấy, chỉ âm ỷ ở bên trong, thành nhận thức rõ ràng về sự bất chính trong những yêu cầu của chính phủ.
Nhận thức ấy đã bộc lộ và giờ đây đang bộc lộ trong những hiện tượng đa dạng nhất và có ý nghĩa vô cùng lớn lao: trong việc từ chối gia nhập quân đội một cách có ý thức của các lực lượng dự bị, trong việc khước từ nổ súng và chiến đấu cũng với ý thức tự giác như thế, nhất là trong việc từ chối bắn vào đồng bào để dẹp các cuộc dân biến, và, cái chính là, trong việc khước từ tuyên thệ và đăng lính ngày càng diễn ra thường xuyên hơn.
Những biểu hiện của sự giác ngộ về tính không chính đáng và cái vô ích của việc phục tùng chính phủ là như thế. Biểu hiện vô ý thức của chính điều đó là tất cả những gì đang được các nhà cách mạng lẫn địch thủ của họ tạo ra hiện nay: ví như những cuộc nổi loạn của thuỷ thủ ở Biển Đen, ở Kronstadt, những cuộc binh biến ở Kiev và nhiều nơi khác, những vụ thảm sát, gây rối, những vụ nổi loạn của nông dân. Uy tín của chính quyền đã sụp đổ, có một câu hỏi đã nảy sinh với toàn bộ ý nghĩa lớn lao của nó trước nhân dân Nga ở thời đại chúng ta, trước đại đa số của họ: liệu có nên, có cần phải phục tùng chính phủ hay không.
Ở câu hỏi được nảy sinh êrong dân tộc Nga này chứa đựng một trong những nguyên nhân của bước ngoặt vĩ đại toàn thế giới sắp tới, mà cũng có thể đã bắt đầu diễn ra.
VII
NGUYÊN NHÂN BÊN NGOÀI THỨ HAI CỦA BƯỚC NGOẶT SẮP TỚI
Nguyên nhân bên ngoài thứ hai của bước ngoặt sắp tới là nhân dân lao động bị tước quyền sử dụng đất đai tự nhiên và hợp pháp của mình và sự tước đoạt ấy khiến nỗi bất hạnh của nhân dân lao động ở dân tộc thuộc thế giới Kitô ngày càng gia tăng và lòng hận thù chống lại các tầng lớp sử dụng lao động của họ cũng ngày một lớn hơn.
Ở Nga, nguyên nhân này được cảm nhận rất rõ, vì chỉ ở Nga, đa số dân lao động vẫn sống bằng canh tác nông nghiệp và chỉ đến bây giờ, do sự gia tăng dân số và thiếu hụt đất đai, người Nga mới bị đặt trước sự tâtá yếu hoặc là từ bỏ đời sống nông nghiệp quen thuộc mà họ nghĩ là chỉ ở đó mới có thể thực hiện được lối sống tập thể theo tinh thần Kitô, hoặc là chấm dứt phục tùng cái chính phủ đang nắm giữ cho những chủ sở hữu cá nhân ruộng đất tước đoạt được của nhân dân.
Người ta thường nghĩ, rằng chế nộ nô lệ tàn ác nhất là nô lệ cá nhân, khi mà người này có thể làm gì với người khác cũng được, tuỳ thích: có thể tra tấn, đầu độc, giết cho nó chết, rằng cái mà ta thậm chí không gọi là chế độ nô lệ - việc tước đoạt khả năng sử dụng đất đai của con người - chỉ là một thiết chế kinh tế chưa thật sự công bằng nào đó.
Nhưng ý kiến đó hoàn toàn không chính xác.
Những gì Iosif[3] đã làm với người Ai Cập, những gì quân xâm lược làm với các dân tộc bị xâm lăng, người này đang làm với người kia hiện nay khi tước đoạt khả năng sử dụng đất đai của họ, - đó là sự nô dịch khủng khiếp và tàn bạo nhất. Kẻ nô lệ cá nhân chỉ là nô lệ của một người, người bị tước quyền sử dụng đất đai - là nô lệ của tất cả.
Nhưng tại hoạ chính của kẻ nô lệ điền địa không phải là ở đó. Chủ nhân của một tên nô lệ cá nhân dẫu độc ác thế nào, thì vì lợi íc của mình, để khỏi mất tên nô lệ, anh ta không ép nó làm việc liên tục, không thể hành hạ, không thể bỏ mặc cho nó đói; còn tên nô lệ bị mất ruộng đất thường xuyên phải làm việc quá sức, bị đày đoạ, đói khát và không bao giờ có lấy một phút trở thành người dư dả, tức là thành kẻ thoát khỏi sự chuyên quyền của người khác và, đặc biệt là, của những kẻ độc ác, hám lợi mà hắn phải sống dưới quyền lực của họ.
Nhưng đó vẫn chưa phải là tai hoạ chính của tên nô lệ điền địa. Tai hoạ chính của nó là ở chỗ, nó không thể sống một cuộc sống hợp với đạo lí. Vì không sống bằng những công việc từ đất đai, không tranh đấu với thiên nhiên, dứt khoát nó buộc phải giành giật với mọi người: cố dùng sức mạnh và mánh khoé giành lấy những gì họ kiếm được từ đất và từ lao động của những người khác.
Nô lệ điền địa không phải là một trong số những hình thức của chế độ nô lệ còn sót lại, giống như cách nghĩ của ngay cả những ai thừa nhận ách nô lệ là sự tước đoạt ruộng đất của con người, mà là hình thái nô lệ gốc rễ, cơ bản, từ đó đang mọc ra và đã mọc ra mọi kiểu nô lệ, nó đau đớn hơn bội phần so với nô lệ cá nhân.
Nô lệ cá nhân chỉ là một trong số những trường hợp cá biệt về sự lạm dụng của chế độ nô lệ điền địa, bởi vì giải phóng con người thoát khỏi nô lệ tư hữu mà không giải phóng họ khỏi ách nô lệ điền địa thì chưa phải là giải phóng, mà chỉ là chấm dứt một trong số những hình thức lạm dụng chế độ nô lệ và trong nhiều trường hợp, như chuyện đã xẩy ra ở nước Nga trong công cuộc giải phóng nông nô với một khoản ruộng đất ít ỏi, nó là sự lừa bịp tạm thời giấu giếm những người nô lệ vị thế đích thực của họ.
Sống dưới chế độ nông nô, nhân dân Nga bao giờ cũng hiểu điều đó, họ nói: “chúng tôi là của các ngài, nhưng ruộng đất là của chúng tôi”, và trong công cuộc giải phóng, toàn thể nhân dân không ngừng yêu cầu và mong chờ cả sự giải phóng ruộng đất. Người ta dụ dỗ nhân dân, cho họ một ít ruộng đất trong cuộc giải phóng nông nô, và một dạo họ đã im lặng, nhưng khi dân số gia tăng, với đất đai như thế, vấn đề của họ lại xuất hiện dưới dạng thái rõ ràng và cụ thể nhất.
Khi nhân dân còn là nông nô, họ được sử dụng một khoản ruộng đất đủ để tồn tại. Việc phân bố dân số gia tăng đã có chính phủ và các điền chủ chăm lo, họ không nhận ra sự bất công cơ bản trong việc chiếm dụng đất đai của các cá nhân tư hữu. Nhưng chẳng bao lâu, sau khi chế độ nông nô bị xoá bỏ, sự chăm lo của chính phủ và các điền chủ, chưa nói gì tới sự sung túc kinh tế, mà ngay cả tới khả năng tồn tại của dân làm ruộng, cũng chấm dứt. Số lượng ruộng đất mà nông dân có thể sở hữu đã vĩnh viễn được ấn định, không thể tăng thêm, nhưng dân số lại tăng trưởng, và nhân dân càng ngày càng cảm nhận rõ hơn tình thế nghiêm trọng của mình. Rồi nhân dân chờ đợi chính phủ thay đổi các đạo luật đã tước đoạt ruộng đất của họ. Chờ 10, 20, 30, 40 năm, đất đai càng ngày càng bị các chủ tư hữu chiếm đoạt nhiều hơn, nhân dân thì bị đẩy tới chỗ phải lựa chọn: chịu đói, thôi sinh sôi nảy nở, hoặc từ bỏ hoàn toàn cuộc đời thôn quê để làm thành những thế hệ thợ đào đất, thợ dệt, thợ nguội
Nửa thế kỉ đã trôi qua, tình cảnh của nhân nhân ngày càng tồi tệ và cuối cùng đã tiến tới chỗ phá vỡ cơ cấu sinh tồn mà họ xem là thiết yếu đối với đời sống Kitô giáo: ngoài việc không cho họ ruộng đất, mà trao nó và giữ nó cho tôi tớ của mình, chính phủ đã khuyên nhủ nhân dân để họ đừng hy vọng vào tự do điền địa nữa, và tạo dựng cho họ một đời sống công nghiệp với những viên thanh tra xưởng thợ theo kiểu mẫu châu Âu mà họ xem là xấu xa và tội lỗi.
Tước đoạt quyền sở hữu ruộng đất hợp pháp của nhân dân là nguyên nhân chính tạo nên tình cảnh bất hạnh của dân chúng Nga. Chính nguyên nhân ấy cũng là gốc rễ của tai hoạ và sự bất bình của nhân dân lao động Âu, Mĩ trước tình cảnh của mình. Sự khác biệt chỉ là ở chỗ, ở các dân tộc châu Âu, việc tước đoạt ruộng đất được luật tư hữu đất đai thừa nhận xảy ra đã quá lâu, có không biết bao nhiêu quan hệ mới đã phủ kín sự bất công ấy, đến nỗi, dân chúng Âu, Mĩ không còn nhìn thấy nguyên nhân đích thực làm nên tình cảnh của mình và họ tìm kiếm nó ở khắp nơi: ở khan hiếm thị trường, ở biểu thuế, ở đánh thuế thiếu công bằng, ở chủ nghĩa tư bản, ở đủ mọi thứ, chỉ trừ mỗi một nơi đích thực - sự tước đoạt quyền sở hữu đất đai của nhân dân.
Nhân dân Nga đã hiểu rõ điều bất công cơ bản này, tuy nó vẫn chưa hoàn toàn diễn ra với họ.
Ăn ở với ruộng đất, người Nga thấy rõ người ta đang muốn làm gì với mình và họ không thể chấp nhận điều đó.
Những cuộc chạy đua vũ trang và những cuộc chiến huỷ diệt, vô nghĩa cùng sự tước đoạt quyền lợi chung trong việc sử dụng đất của nhân dân - theo tôi, là hai nguyên nhân bên ngoài gần nhất của bước ngoặt sắp diễn ra trên toàn thế giới Kitô giáo. Bước ngoặt ấy đang diễn ra chẳng phải đâu khác, mà chính là ở nước Nga, bởi vì không có nơi nào, thế giới quan Kitô giữ được sức mạnh và sự thuần khiết giống như ở Nga, và cũng không có nơi nào, trạng thái làm ruộng đất của đa số dân chúng vẫn còn được giữ như ở Nga.
VIII
TÌNH CẢNH CỦA NHỮNG NGƯỜI TỪ CHỐI PHỤC TÙNG SẼ RA SAO?
So với nhiều dân tộc khác của thế giới Kitô, nhờ bản tính riêng và những điều kiện sống của mình, nhân dân Nga đã sớm nhận ra tai hoạ bắt nguồn từ sự phục tùng chính quyền bạo lực của nhà nước. Theo tôi, chính nhận thức ấy và khát vọng thoát khỏi bạo lực của chính quyền là bản chất của bước ngoặt sẽ xảy ra không chỉ với dân tộc Nga, mà còn với tất cả các dân tộc của thế giới Kitô giáo.
Những người sống ở các quốc gia dựa vào bạo lực thấy hình như việc tiêu diệt quyền lực của chính phủ tất sẽ dẫn tới những tại hoạ lớn lao nhất.
Nhưng quả là hoàn toàn võ đoán nếu cứ nhất quyết cho rằng, mức độ an toàn và phúc lợi mà mọi người hưởng thụ luôn được chính quyền nhà nước bảo hộ. Chúng ta biết được những thứ hoạ và phúc, nếu chúng có, mà những người sống trong thiết chế nhà nước thụ hưởng, nhưng chúng ta không biết hoàn cảnh ôảntng đó những con người, giả sử họ đã phế bỏ nhà nước, sẽ sống. Nếu chú ý tới đời sống của những công xã nhỏ, ngẫu nhiên mà đã và đang sống bên ngoài các quốc gia lớn, thì những công xã như thế, trong khi hưởng toàn bộ thụ phúc lợi cuả thiết chế xã hội, không phải nếm một phần trăm số tai hoạ mà những người phục tùng quyền lực nhà nước phải trải qua.
Chủ yếu là những kẻ thuộc giai cấp cầm quyền mới nói về việc không thể sống thiếu thiết chế nhà nước, vì thiết chế ấy có lợi cho họ. Nhưng hãy hỏi những người phải chịu gánh nặng của chính quyền nhà nước, những người làm ruộng, hãy hỏi 100 triệu nông dân ở nước Nga, họ sẽ nói, rằng họ chỉ nhận thấy gánh nặng ấy, rằng họ chẳng những không nghĩ là mình được chính quyền nhà nước bảo hộ, mà còn tuyệt nhiên không cần gì ở nó.
Trên nhiều trang viết của mình, đã nhiều lần, tôi cố chỉ ra, người ta dùng cái gì để hù doạ dân chúng, ấy chính là việc những kẻ kém cỏi nhất sẽ đắc thắng, còn những người ưu tú nhất sẽ bị áp chế nếu không có quyền lực của chính phủ,-song đúng là điều đó từ lâu đã diễn ra và đang diễn ra ở tất cả các quốc gia, bởi đâu đâu quyền lực cũng nằm trong tay những kẻ kém cỏi nhất, đó là chuyện không thể khác, vì chỉ những kẻ kém cỏi nhất mới tìm mọi mưu mẹo, làm những việc đểu giả, tàn bạo để có thể nắm giữ quyền lực; đã nhiều lần tôi cố chỉ ra, rằng mọi tai hoạ cơ bản đang khiến mọi người đau khổ, ví như việc tích cóp tiền của thật nhiều ở một số người, sự bần cùng của đại đa số, đất đai bị chiếm đoạt bởi những kẻ không làm ruộng, chạy đua vũ trang và chiến tranh cùng sự hư hỏng của con người, - đều là bắt nguồn từ việc thừa nhận tính hợp pháp ở bạo lực của chính phủ; tôi cố gắng chỉ ra: muốn trả lời câu hỏi, tình cảnh của mọi người sẽ tồi tệ hơn hay tốt hơn nếu không có chính phủ, trước hết cần trả lời câu hỏi, chính phủ gồm có những ai. Những người tạo thành chính phủ tốt hơn hay kém hơn trình độ trung bình của mọi người? Nếu những người này tốt hơn trình độ trung bình, chính phủ sẽ có tác dụng tốt, nếu kém hơn, thì chỉ có hại. Mà chuyện những người này - những Ioann IV, Henry VIII, Marat, Napoléon, Aractjaev, Metternich, Talleyrand[4] - kém hơn trình độ trung bình, thì lịch sử đã cho thấy rồi.
Tôi đã cố chỉ ra, trong mọi xã hội con người, bao giờ cũng có những kẻ hám quyền lực, vô lương tâm, tàn bạo, vì lợi ích riêng tư sẵn sàng sử dụng đủ mọi thứ bạo lực, ăn cướp, giết người, rằng trong xã hội không có chính phủ, những người này sẽ thành lũ đạo tặc buộc phải kiềm chế trong hành vi của mình, đôi khi do sự đấu tranh của những người chống lại chúng vì bị chúng xúc phạm (theo kiểu tự xử, hoặc theo kiểu Lynching[5]), đôi khi, và chủ yếu là, do một vũ khí mạnh mẽ nhất tác động tới công chúng, ấy là dư luận xã hội. Còn trong xã hội được điều hành bởi chính quyền bạo lực, chính những người này sẽ cướp lấy chính quyền và sử dụng nó, họ chẳng những không bị kìm hãm bởi dư luận xã hội, mà ngược lại, còn được được dư luận xã hội đã bị họ mua chuộc và nguỵ tạo ủng hộ, tán tụng, tâng bốc.
Người ta nói: mọi người có thể sống thế nào nếu không có chính phủ, tức là không có bạo lực? Cần phải nói ngược lại: nếu thừa nhận bạo lực, chứ không phải sự đồng thuận hợp tình hợp lí, là mối liên hệ nội tại trong cuộc sống của mình, thì con người, những sinh linh có trí tuệ, sẽ có thể sống như thế nào?
Một trong hai khả năng: con người là sinh linh có hoặc không có? Nếu con người là sinh vật không có trí tuệ, thì mọi chuyện giữa họ với nhau có thể và cần phải giải quyết bằng bạo lực, chẳng có lí do nào để người này thì có quyền sử dụng bạo lực, còn người kia lại không có. Còn nếu như con người là sinh linh có trí tuệ, thì mọi quan hệ của họ cần được đặt trên nền tảng của trí tuệ, chứ không phải là bạo lực.
Tưởng chừng lí lẽ ấy có thể sẽ thuyết phục những người xem mình là sinh linh có trí tuệ. Nhưng những kẻ bảo vệ chính quyền nhà nước lại không nghĩ về con người, về những phẩm chất của nó, về bản chất trí tuệ của nó; họ nói về một hình thức liên kết nhất định của những con người và gán cho một ý nghĩa siêu nhiên, thần bí nào đó.
“Chuyện gì sẽ xẩy ra với nước Nga, Pháp, Anh, Đức,- họ nói,- nếu mọi người không còn phục tùng các chính phủ? ”
Chuyện gì sẽ xẩy ra với nước Nga? Nước Nga ư? Nước Nga là gì? Đâu là điểm khởi đầu, đâu là chỗ kết thúc của nó? Ba Lan? Vùng Ostsee? Kavkaz với các dân tộc của nó? Những người Tacởic Kazan? Khu Fergan? Amur? Toàn bộ những vùng đó chẳng những không phải là nước Nga, mà tất cả đều là những dân tộc xa lạ đang muốn tách khỏi sự liên kết được gọi là nước Nga. Việc các dân tộc này được xem là một phần của Nga chỉ là hiện tượng tạm thời, ngẫu nhiên, có gốc gác từ hàng loạt sự kiện lịch sử trong quá khứ, chủ yếu là bạo lực, bất công, tàn bạo, còn bây giờ, sự liên kết ấy được duy trì chỉ nhờ vào mỗi một thứ chính quyền được áp đặt với tất cả các dân tộc kia.
Trong trí nhớ của chúng ta, Nice vốn là của Italia, bỗng thành của Pháp, Alsace của Pháp trở thành của Phổ, vùng Duyên hải viễn Đông của Trung Hoa thành của Nga, đảo Shakhalin của Nga thành của Nhật. Ngày nay, chính quyền của Áo lan tràn sang cả Hungary, Bohemia, Galizia, còn chính quyền của Anh lại được áp dụng ở Ireland, Canada, Úc, Ai Cập và nhiều quốc gia khác; chính quyền của Nga được áp dụng ở Ba Lan, Gruzia v.v… Nhưng ngày mai, chính quyền này có thể chấm dứt. Sức mạnh duy nhất nối kết tất cả những nước Nga, Áo, Britain, Pháp thành một khối, ấy là chính quyền. Chính quyền là sản phẩm của những kẻ phục tùng đám người buộc họ làm những việc bạo lực xấu xa, ngược với bản chất trí tuệ của mình và luật tự do đã được Đức Kitô khai mở. Chỉ cần mọi người nhận thức được tự do là bản chất của một sinh linh có trí tuệ, ngừng làm những việc ngược với đạo luật và lương tri của mình theo yêu cầu của chính quyền, thì sẽ không còn những liên kết giả tạo, có vẻ như hùng mạnh, của những nước Nga, Anh, Đức, Pháp, cũng sẽ không còn cái mà vì nó, mọi người không những phải hy sinh cuộc sống của mình, mà còn hy sinh cả tự do như là bản tính của một sinh linh có trí tuệ.
Chỉ cần mọi người chấm dứt phục tùng chính quyền vì những thần tượng Nga, Pháp, Anh, Mĩ, Áo quốc thống nhất, những thần tượng không tồn tại ở đâu ngoài trí tưởng tượng của họ, thì bản thân những thần tượng khủng khiếp hiện đang huỷ hoại lợi ích vật chất và tinh thần của mọi người ấy cũng sẽ biến mất.
Người ta vẫn bảo, việc thành lập các quốc gia rộng lớn từ những nước nhỏ thường xuyên tranh giành lẫn nhau, đem những tuyến biên giới rộng lớn, bao quanh thay cho những phân giới lắt nhắt, chính cách ấy đã làm giảm bớt sự xâu xé, những tàn sát và tai hoạ của sự xâu xé. Nhưng khẳng định như thế là hoàn toàn võ đoán, bởi vì chưa có ai tính toán số lượng tai hoạ cả trong tình thế này, lẫn tình thế kia. Thật khó mà nghĩ được rằng, tất cả những cuộc chiến tranh của thời kì cát cứ ở nước Nga, ở Bourgogne, ở Flandre, ở Normandie, ở Pháp đem lại những như tổn thất như những cuộc chiến tranh của Napoléon, của Alexandre, hoặc như tổn thất của cuộc chiến tranh Nhật bản vừa mới kết thúc.
Sự biện hộ duy nhất cho việc mở rộng quốc gia, ấy là sự hình thành chính thể quân chủ toàn thế giới, mà với sự tồn tại của nó, khả năng chiến tranh có thể bị triệt tiêu. Nhưng mọi ý đồ thiết lập một chính thể như thế, từ Alexandre Macédoine và đế quốc La Mã cho đến Napoléon, chưa bao giờ đạt được mục đích vỗ về an định, mà ngược lại, đều trở thành nguyên nhân gây ra muôn vàn tai hoạ khủng khiếp cho các dân tộc. Cho nên, việc vỗ yên dân chúng không thể đạt được bằng cách tăng cường và mở rộng các quốc gia. Muốn đạt được điều đó, duy nhất chỉ có mỗi cách ngược lại: thủ tiêu các quốc gia cùng chính quyền bạo lực của chúng.
Đã từng có những điều mê tín tàn ác và độc hại, những lễ hiến sinh bằng mạng người, những đống lửa trừng trị phù phép, những cuộc chiến tranh vì tín ngưỡng, những hình thức tra tấn… Nhưng loài người đã được giải phóng khỏi những điều mê tín dị đoan ấy. Nhưng sự mê tín quốc gia, tổ quốc như một cái gì đó thiêng liêng thì vẫn tiếp tục thống trị con người, và những vật hiến tế phải cúng cho sự mê tín ấy chắc chắn còn tàn ác và độc hại hơn nhiều. Bản chất của sự mê tín này là ở chỗ, người ta thuyết phục dân chúng ở những vùng miền có phong tục tập quán và những lợi ích khác nhau, rằng tất cả bọn họ là một chỉnh thể, vì vậy, với tất cả bọn họ, có thể áp dụng chỉ một và một thứ bạo lực mà thôi, mà mọi người lại tin điều đó và tự hào vì mình có chân ở khối liên kết ấy.
Sự mê tín này tồn tại từ lâu và được duy trì mạnh mẽ đến nỗi, những người lợi dụng điều mê tín ấy, ví như vua chúa, các bộ trưởng, tướng lĩnh, quân nhân, viên chức, không chỉ tin là sự tồn tại, khẳng định, mở rộng các đơn vị giả tạo kia mang lại lợi ích cho tất cả những người bị cuốn vào các khối liên kết nói trên, mà bản thân họ còn gắn bó với điều mê tín ấy tới mức hãnh diện vì mình có quốc tịch Nga, Pháp, Đức, dù việc có quốc tịch này chẳng cần gì cho họ và cũng chẳng mang lại cho họ lợi lộc gì ngoài cái ác.
Bởi thế, việc thủ tiêu những liên kết giả tạo của các nước lớn do việc dân chúng vẫn nhẫn nhịn, không đấu tranhg, chịu đựng mọi bạo lực, nhưng chấm dứt phục tùng chính phủ, chẳng gây nên chuyện gì khủng khiếp, và đến khi nếu việc ấy xẩy ra, thì hệ quả chỉ là trong số những người không thừa nhận quốc tịch của mình, bạo lực sẽ ít hơn, đau khổ sẽ ít hơn, tội ác sẽ ít hơn và những người ấy sẽ sống dễ hơn theo luật tối cao về tương thân tướng ái từng được mở ra cho loài người từ nhiều thế kỉ trước và đang dần dần, ngày càng thấm sâu hơn vào ý thức của nhân loại.
IX
HOẠT ĐỘNG NÀO CỦA LOÀI NGƯỜI SẼ TÁC ĐỘNG TỚI BƯỚC NGOẶT SẮP TỚI
Bước ngoặt sắp diễn ra với nhân loại hiện nay là giải phóng bản thân khỏi sự lừa dối về sự phục tùng quyền lực của con người. Và bởi vì bản chất của bước ngoặt này hoàn toàn khác so với bản chất của tất cả các cuộc cách mạng trước kia trên thế giới Kitô giáo, nên hoạt động của những người tham gia vào bước ngoặt ấy dứt khoát phải khác hoàn toàn so với với hoạt động của những người tham gia các cuộc cách mạng trước kia.
Hoạt động của những người tham gia vào các cuộc cách mạng trước kia là lật đổ chính quyền và cướp chính quyền bằng bạo lực. Hoạt động của những người tham gia vào bước ngoặt hiện nay cần phải và chỉ có thể là chấm dứt sự phục tùng đã mất hết ý nghĩa với bất kể thứ chính quyền bạo lực nào và xây dựng cuộc sống của mình độc lập với chính phủ.
Chẳng những hoạt động của những người tham gia vào bước ngoặt sắp tới khác với hoạt động của những người tham gia các bước ngoặt trước kia, mà các nhân vật chính yếu tham gia bước ngoặt này cũng hoàn toàn khác, địa điểm nó có thể xẩy ra - khác, cả số lượng người tham gia cũng khác.
Những người tham gia các cuộc cách mạng trước kia chủ yếu là những người có nghề nghiệp cao sang, không dính dáng tới lao động cơ bắp và công nhân thành thị chịu sự lãnh đạo của họ; những người tham gia vào bước ngoặt sắp tới có thể và chủ yếu sẽ là quần chúng nhân dân canh tác nông nghiệp. Địa điểm bùng nổ và diễn ra những cuộc cách mạng trước kia là thành phố; địa điểm của cuộc cách mạng hiện nay phải chủ yếu là nông thôn. Số lượng tham gia các cuộc cách mạng trước kia chỉ khoảng 10, 20 phần trăm dân chúng, số lượng tham gia vào cuộc cách mạng đang diễn ra ở nước Nga hiện nay sẽ phải là 80, 90 phần trăm.
Bởi vậy toàn bộ hoạt động của những thị dân bất bình, những người bắt chước châu Âu lập hiệp hội, tổ chức đình công, biểu tình, nổi loạn, nghĩ ra những hình thức lãnh đạo mới, ấy là chưa kể những người bất hạnh, dã thú hoá, tham gia giết người vì nghĩ làm như thế là giúp cho bước ngoặt mới được bắt đầu, - toàn bộ hành động của những người ấy chẳng những không phù hợp với bước ngoặt đang diễn ra, mà còn ngăn chặn hữu hiệu hơn bội phần so với chính phủ (bản thân họ không tự biết, họ là những trợ thủ trung thành nhất của chính phủ) tiến triển của bước ngoặt đang diễn ra, lèo lái một cách giả tạo và kìm hãm nó.
Nguy cơ đang đe doạ nhân dân Nga bây giờ không phải là ở chỗ, chính phủ bạo lực hiện hành sẽ không bị lật đổ bằng sức mạnh, sẽ không có một chính phủ khác cũng bạo lực như thế, bất kể là dân chủ hay thậm chí xã hội chủ nghĩa, được thay thế vào vị trí của nó, mà là ở chỗ cuộc đấu tranh này với chính phủ sẽ đưa nhân dân tới hành động bạo lực. Nguy cơ là ở chỗ dân tộc Nga, một dân tộc, do vị thế đặc biệt của mình, có sứ mệnh chỉ ra con đường giải phóng một cách hoà mục và đúng đắn, thay vì điều đó, nó sẽ bị những người không hiểu toàn bộ ý nghĩa của bước ngoặt đang diễn ra lôi cuốn vào sự bắt chước một cách nô lệ các nhà cách mạng trước kia và, sau khi từ bỏ con đường cứu nguy nơi nó đang đứng hiện nay, nó sẽ đi theo con đường sai lầm mà các dân tộc còn lại của thế giới Kitô đang đi để đến với cái chết cầm chắc của mình.
Muốn thoát khỏi nguy cơ ấy người Nga trước hết phải thực sự là mình, không cần thăm dò xem hiến pháp của các nước Âu, Mĩ hay các dự án xã hội chủ nghĩa hành xử thế nào và làm cái gì, mà chỉ cần thăm dò, tìm kiếm lời khuyên ngay ở lương tri của mình. Muốn hoàn thành sự nghiệp vĩ đại đang đặt ra cho mình, người Nga chẳng những không nên quan tâm đến lãnh đạo chính trị của Nga, đến sự đảm bảo quyền tự do của các công dân nước Nga, mà trước hết phải tự giải thoát khỏi quan niệm của nhà nước Nga và nhờ thế mà thoát khỏi mối quan tâm về quyền lợi của công dân nhà nước ấy. Vào thời khắc này, để có được sự giải thoát, người Nga chẳng những không cần phải chủ trương một cái gì đấy, mà còn cần phải tiết chế mọi thứ chủ trương, tiết chế cả những thứ mà chính phủ muốn kéo họ vào đấy, lẫn những thứ mà các ông cách mạng và cánh tự do muốn lôi kéo họ.
Dân tộc Nga, đa số dân chúng, những người nông dân cần tiếp tục sống như muôn đời nay họ vẫn sống, - bằng cuộc sống nông nghiệp, hoà mục theo kiểu công xã và chịu đựng, không đấu tranh với mọi thứ bạo lực, cả của chính phủ, lẫn phi chính phủ, nhưng không chấp nhận tham gia bất kì một thứ bạo lực nào của chính phủ, không tình nguyện cống nộp vào quốc khố, không tình nguyện phục vụ trong ngành cảnh sát, trong cơ quan hành chính, trong thuế quan, trong quân đội, trong các hạm đội, trong bất kì một cơ quan bạo lực nào. Đúng hệt như vậy, thậm chí còn nghiêm khắc hơn, những người nông dân cần tránh xa những thứ bạo lực mà các nhà cách mạng muốn khích động ở họ. Mọi thứ bạo lực của nông dân nhắm vào giới điền chủ đều khơi dậy đòn đánh trả của bạo lực và thể nào cũng kết thúc bằng việc thiết lập một chính phủ thế này, hay thế kia, nhưng dứt khoát, nó vẫn là chính phủ bạo lực. Mà dưới mọi chính quyền bạo lực, thì những cuộc chiến tranh vô nghĩa và tàn bạo vẫn được ban bố và tiến hành, đất đai vẫn tiếp tục thuộc quyền sở hữu của nhà giàu, hệt như điều đó thường xẩy ra ở những nước Âu, Mĩ tự do nhất. Chỉ có sự từ chối tham gia của nhân dân vào bất kì thứ bạo lực nào mới có thể thủ tiêu mọi loại bạo lực khiến họ đau khổ, mới có thể chấm dứt chạy đua vũ trang và những cuộc chiến tranh liên miên và mới có thể thủ tiêu chế độ tư hữu ruộng đất.
Muốn bước ngoặt đang diễn ra đạt được kết quả tốt đẹp, những người nông dân làm ruộng cần hành động như thế.
Các tầng lớp thị dân: quý tộc, nhà buôn, bác sĩ, học giả, nhà văn, kĩ thuật viên, công nhân nhà máy mà hiện giờ mải đang làm cách mạng cần hiểu trước tiên về sự bé mọn của mình, dẫu chỉ là chuyện số lượng - một chọi một trăm - so với quần chúng canh tác nông nghiệp cần hiểu: rằng mục đích của bước ngoặt đang diễn ra không thể và không phải là thiết lập một chế độ chính trị, chế độ bạo lực mới với luật bỏ phiếu phổ thông bất kể kiểu gì, với bất kì thiết chế xã hội chủ nghĩa được cải tiến nào, mà mục đích ấy chỉ có thể và phải là giải phóng toàn bộ nhân dân, nhất là phần lớn gần trăm triệu dân canh nông, thoát khỏi mọi loại bạo lực: bạo lực quân sự - bắt lính, bạo lực cống nộp - thuế quan và cống phẩm và bạo lực đất đai - sự chiếm đoạt ruộng đất bởi các điền chủ và cần hiểu rằng, muốn làm được như thế, phải có một cái gì hoàn toàn khác, chứ không phải là thứ hoạt động lăng xăng, không lành mà cánh tự do và đám cách mạng Nga đang làm. Những người này cần hiểu rằng, không thể làm cách mạng một cách tuỳ hứng: “nào, chúng ta làm cách mạng đi”, rằng không thể làm cách mạng theo những khuôn mẫu có sẵn, cứ việc bắt chước những gì đã được làm từ hàng trăm năm trước trong những điều kiện hoàn toàn khác. Cái chính là, những người này phải hiểu rằng, cách mạng chỉ cải thiện tình cảnh của dân chúng, khi mà mọi người đã nhận ra sự vô căn cứ và tai hoạ ở những nền tảng đời sống trước kia, khát khao xây dựng một cuộc sống trên những nền tảng mới có thể mang lại cho họ hạnh phúc chân chính.
Những người hiện nay đang muốn làm cách mạng chính trị ở nước Nga theo kiểu mẫu các cuộc cách mạng châu Âu chẳng có một cơ sở mới mẻ nào cả. Họ chỉ muốn thay thế một hình thức bạo lực đã cũ bằng một hình thức mới, được thực hiện cúng bằng bạo lực ấy và kéo theo cũng những tai hoạ ấy, hệt như những tai hoạ mà bây giờ nhân dân Nga đang phải chịu đựng, hệt như chúng ta đã nhìn thấy ở châu Âu và châu Mĩ, nơi cũng có chủ nghĩa quân phiệt như thế, thuế má như thế, tình trạng chiếm đoạt ruộng đất như thế.
Chuyện đa số các nhà cách mạng mô tả nền tảng mới của đời sống là chế độ xã hội chủ nghĩa, một chế độ chỉ có thể giành được bằng bạo lực tàn khốc nhất, một chế độ mà đến một lúc nào đó giá như giành được sẽ tước đoạt của nhân dân những mẩu tự do cuối cùng, chỉ chứng tỏ đám người này không có một nền tảng đời sống mới mẻ nào cả.
Lí tưởng của thời đại chúng ta không thể là sự thay thế hình thức bạo lực, mà chỉ là triệt để thủ tiêu nó bằng cách bất phục tùng quyền lực của con người.
Cho nên, nếu những người thuộc các tầng lớp thị dân muốn phục vụ bước ngoặt vĩ đại đang diễn ra một cách hữu hiệu thì việc đầu tiên mà họ cần làm, ấy là từ bỏ hoạt động cách mạng tàn bạo, trái tự nhiên, bày đặt - cái mà họ đang làm hiện nay - và, chuyển về nông thôn sinh sống, gánh vác lao động với nhân dân, học ở họ tinh thần nhẫn nại, thái độ thờ ơ và coi thường quyền lực, nhất là tình yêu lao động, hãy cố gắng đem tri thức sách vở của mình giúp họ, nếu điều đó cần thiết, làm sáng tỏ những vấn đề nhất định sẽ xuất hiện khi chính phủ được xoá bỏ, chẳng những không được khích động sử dụng bạo lực như các vị đang làm hiện nay, mà ngược lại, hãyấcn ngăn mọi sự tham gia của họ vào hoạt động bạo lực, can ngăn mọi sự phục tùng bất kể một thứ chính quyền bạo lực nào.
X
CHẾ ĐỘ XÃ HỘI THOÁT KHỎI CHÍNH PHỦ BẠO LỰC
Nhưng nhân dân trong thế giới Kitô giáo có thể sống ra sao, trong những hình thức nào, nếu như họ không sống dưới hình thức nhà nước, phải phục tùng chính quyền bạo lực?
Lời giải đáp cho câu hỏi ấy được đưa ra trong bản thân những đặc điểm của nhân dân Nga mà từ dó, tôi cho rằng, bước ngoặt sắp tới sẽ bắt đầu và phải được tiến hành không ở nơi nào đó, mà chính là ở nước Nga.
Ở nước Nga, sự vắng mặt của chính quyền chưa bao giờ cản trở đời sống xã hội nhịp nhàng và thanh bình của các công xã canh tác nông nghiệp. Ngược lại, sự can thiệp của chính quyền bạo lực bao giờ cũng ngáng trở tổ chức nội tại mang đặc tính ấy của dân tộc Nga.
Giống như đa số các dân tộc canh tác nông nghiệp, giống như ong trong bọng, dân tộc Nga tiến triển một cách tự nhiên trong các quan hệ xã hội nhất định đáp ứng các nhu cầu đời sống chung của con người. Khắp nơi, hễ chỗ nào người Nga trụ lại không có sự can thiệp của chính phủ, họ thiết lập với nhau một sự quản lí chẳng có cưỡng bức, mà thoải mái, mang tính hợp quần dựa trên nền tảng đồng thuận, với quyền sở hữu ruộng đất chung hoàn toàn thoả mãn những yêu cầu của đời sống cộng đồng hoà mục. Những công xã sống không cần sự trợ giúp của chính phủ chiếm toàn bộ vùng biên cương phía đông của nước Nga. Những công xã như thế dần dần rút về trung Á, xuống Thổ Nhĩ Kì, ví như người Nekrasovts[6], và, vẫn duy trì tổ chức công xã Kitô giáo của mình, sống đời này qua đời khác yên ổn dưới quyền bính của vua Thổ. Những công xã như thế đã sang cả Trung Quốc mà không biết đất họ chiếm thuộc Trung Hoa, và họ đã sống ở đó rất lâu, chẳng cần phải có một thứ chính phủ nào, ngoài sự cai quản nội bộ của mình. Những người canh tác nông nghiệp Nga, đại đa số cư dân của nước Nga đã sống đúng như thế, họ không cần đến chính phủ, mà chỉ chịu đựng nó. Với nhân dân Nga, chính phủ chưa bao giờ trở thành sự thiết yếu, mà lúc nào cũng là một gánh nặng.
Sự vắng mặt của chính phủ, cái chính phủ dùng sức mạnh để giữ riệt ruộng đất cho những điền chủ không lao động, chỉ hỗ trợ cho đời sống canh tác nông nghiệp theo kiểu công xã mà nhân dân Nga xem là điều kiện thiết yếu của cuộc đời sung sướng, hỗ trợ bằng cách thủ tiêu chính quyền duy trì sở hữu ruộng đất, giải phóng đất đai và trao cho tất cả mọi người quyền sử dụng bình đẳng như nhau.
Chính vì thế, khi bãi bỏ chính phủ, người Nga không cần nghĩ ra những hình thức mới của đời sống công cộng để thay thế các hình thức trước kia. Những hình thức của đời sống công cộng như thế đã tồn tại giữa nhân dân Nga, bao giờ cũng là đặc tính của nó và hoàn toàn thoả mãn các yêu cầu của đời sống xã hội.
Những hình thức ấy là sự quản lí hoà hợp với sự bình đẳng của tất cả các thành viên trong công xã, là chế độ tập thể trong các xí nghiệp công nghệ và sở hữu ruộng đất thuộc về công xã.
Bước ngoặt sắp diễn ra trong thế giới Kitô giáo và mới bắt đầu ở dân tộc Nga hiện nay khác với các cuộc cách mạng trước kia ở chỗ, những cuộc cách mạng trước kia đã phá huỷ, mà không xây dựng cái gì vào chỗ của cái bị chúng phá đi, hay chỉ thay một hình thức bạo lực này bằng hình thức bạo lực khác. Ở bước ngoặt sắp tới, chẳng có gì phải phá bỏ, chỉ cần chấm dứt tham gia vào bạo lực, chẳng cần nhổ cỏ cây đi để trồng vào đó một cái gì đó giả tạo và thiếu sinh khí, mà chỉ cần loại bỏ tất cả những gì ngáng trở sự sinh trưởng của chúng.
Cho nên, sẽ hỗ trợ cho bước ngoặt vĩ đại đang diễn ra hiện nay chẳng phải là những kẻ hấp tấp và tự thị, không hiểu rằng nguyên nhân của cái ác mà họ đang chống lại nằm trong bạo lực và, bởi không tưởng tượng ra được một hình thức đời sống nào khác ngoài bạo lực, nên họ phá huỷ một cách mù quáng và đầy khinh suất cái bạo lực đang tồn tại để thay nó bằng một thứ bạo lực khác. Hỗ trợ cho cuộc cách mạng đang diễn ra chỉ có thể là những ngườầim không phá huỷ gì, không đập vỡ cái gì, sẽ xây dựng cuộc sống của mình không phụ thuộc vào chính phủ, sẽ không tranh đấu, chịu đựng mọi thứ bạo lực đổ xuống đầu mình, nhưng sẽ không tham gia vào chính phủ và không phục tùng nó.
Nhân dân Nga, những người canh tác nông nghiệp, tuyệt đại đa số cần tiếp tục sống như họ đang sống hiện nay bằng đời sông nông nghiệp, đời sống công xã, không tham gia vào công việc của chính phủ và không phục tùng nó.
Nhân dân Nga càng giữ gìn cuộc sống công cộng vốn có ấy của mình được nhiều hơn, khả nămg can thiệp bởi chính quyền cưỡng bức của chính phủ vào cuộc sống của họ càng ít hơn và chính quyền ấy sẽ bị thủ tiêu dễ hơn, bởi càng ngày nó càng tìm thấy ít hơn lí do để can thiệp và càng ngày càng tìm được ít hơn đám tay chân giúp thực hiện những công việc bạo lực của nó.
Chính vì thế, xung quanh câu hỏi, việc chấm dứt phục tùng chính phủ sẽ dẫn mọi người tới kết cục thế nào, có thể nói một cách chắc chắn, rằng kết cục của nó sẽ là trừ bỏ thứ bạo lực buộc nhân dân tự vũ trang, giao chiến với nhau và tước đoạt quyền sử dụng ruộng đất của họ. Những người thoát khỏi bạo lực, không tiếp tục chuẩn bị chiến tranh, không còn giao chiến với nhau và có quyền sử dụng ruống đất, tất yếu sẽ quay về với nghề nông lương thiện, lành mạnh, tươi vui vốn có của họ, với công việc ấy, nỗ lực của con người sẽ tập trung vào đấu tranh với thiên nhiên, chứ không phải với những người khác, hướng vào cái dạng lao động nền móng cho mọi lĩnh vực lao động khác mà chỉ những kẻ sống bằng bạo lực mới lìa bỏ.
Việc chấm dứt phục tùng chính phủ sẽ phải đưa dân chúng đến với đời sống nông nghiệp, đời sống nông nghiệp lại dẫn tới tổ chức tự nhiên nhất trong đời sống công xã như thế của các hội đoàn không lớn tồn tại trong những điều kiện canh nông giống nhau.
Rất có thể, những công xã như vậy sẽ không sống biệt lập, mà do sự thống nhất của những điều kiện kinh tế, nòi giống hoặc tôn giáo sẽ lại nhập vào những liên kết mới, tự do, nhưng hoàn toàn khác so với những liên kế trước kia - liên kết nhà nước dựa trên cơ sở bạo lực.
Sự phủ nhận bạo lực không tước đoạt khả năng làm thành hội đoàn của nhân dân, nhưng đó là những hội đoàn dựa trên nền tảng đồng thuận, sẽ xuất hiện khi xoá bỏ những hội đoàn dựa trên nền tảng bạo lực.
Muốn xây một toà nhà mới và bền vững vào vị trí của ngôi nhà vừa bị phá huỷ, cần tháo dỡ tường vách, gỡ từng hòn đá, và làm lại từ đầu.
Cũng phải làm như thế với những liên hiệp có thể sẽ xuất hiện giữa nhân loại sau khi xoá bỏ kiểu liên hiệp dựa trên bạo lực.
XI
CÁI GÌ SẼ XẨY RA VỚI VĂN MINH?
Nhưng cái gì sẽ xẩy ra với tất cả những thứ mà con người đã sáng chế, chuyện gì sẽ xẩy ra với văn minh?
Những người tin một cách tuyệt đối rằng nền văn minh mà chúng ta đang sở đắc là phúc lợi vĩ đại, tin đến mức thậm chí không dám nghĩ về một sự mất mát nào đó từ những gì do văn minh tạo ra, sẽ nói, “một cuộc trở về với loài khỉ”, “thư Voltaire gửi Rousseau nói rằng con người sẽ phải học đi bằng bốn chi”, “trở về với đời sống hoang dã nào đó”.
Những người ấy lại nói, “sao lại thế - công xã nông nghiệp thô sơ mà nhân loại đã trải qua từ lâu ở nông thôn hẻo lánh sẽ thay vào chỗ những thành phố của chúng ta với những đường điện trên trời và dưới đất, với những mặt trời bằng điện, những viện bảo tàng, nhà hát, những tượng đài ư?”. Vâng, với cả những khu nhà nghèo, những slums[7] ở London, ở New York và ở tất cả những thành phố lớn, với những nhà chứa, nhà băng, nhà tù, những quả bom nổ dành cho kẻ thù bên trong và bên ngoài, với những đoạn đầu đài, những đội quân hàng triệu người nữa, tôi nói.
“Văn minh, nền văn minh của chúng ta là phúc lợi vĩ đại”, nhiều người nói như vậy. Nhưng những người tin chắc đến thế vào điều đó như thế cũng chỉ là một số ít người chẳng những đang sống trong nền văn minh này, mà còn sống bằng nó, sống trong sự đắc ý tuyệt đối, sống gần như phóng dật so với lao động của quần chúng cần lao, - chẳng qua chỉ vì có nền văn minh ấy.
Tất cả những người này - vua chúa, các vị hoàng đế, tổng thống, quận vương, các ngài bộ trưởng, công chức, binh sĩ, điền chủ, thương gia, các nhà kĩ nghệ, bác sĩ, học giả, nghệ sĩ, nhà giáo, linh mục, nhà văn - đều biết, chắc chắn đều biết, rằng nền văn minh của chúng ta là phúc lợi vĩ đại tới mức, không được phép nghĩ là nó sẽ thay đổi, chứ đừng nói gì tới chuyện biến mất. Nhưng hãy hỏi xem quảng đại quần chúng canh tác nông nghiệp - người Slavơ, người Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, chín phần mười nhân loại - nền văn minh mà những người không làm nghề nông nghĩ là quý giá như thế, liệu có phải là phúc lợi hay không? Và thật kì quặc, chín phần mười nhân loại sẽ trả lời hoàn toàn khác. Họ biết là chừng nào chưa rời bỏ đời sống nông nghiệp, họ cần ruộng đất, phân bón, cần đưa nước vào ruộng, cần nắng, mưa, rừng, mùa màng, một số công cụ lao động giản đơn có thể chế tạo, còn chuyện văn minh, hoặc là họ không biết, hoặc là, đôi khi nó được họ hình dung dưới dạng sa đoạ của thành thị, hay dưới dạng những phiên toà bất công với các nhà tù và những án lưu đày, hoặc dưới dạng cống nạp, xây cất những cung điện không cần thiết, những bảo tàng, tượng đài, hoặc dưới dạng các sở thuế quan quấy nhiễu tự do trao đổi các sản phẩm, hoặc dưới dạng những khẩu trọng pháo, chiến hạm bọc thép, những đoàn quân cướp bóc các nước,- họ sẽ nói, nếu văn minh là như thế, thì chẳng những nó không cần, mà còn có hại cho họ.
Những người đang sử dụng phúc lợi của văn minh nói rằng, với toàn nhân loại, nó là phúc lợi, nhưng ở vấn đề này, quả tình, họ không phải là trọng tài và không phải là chứng nhân, mà chỉ là người đứng ngoài.
Hiển nhiên là chúng ta đã đi quá xa theo con đường của tiến bộ kĩ nghệ. Nhưng ai đã đi theo con đường ấy? Đó là cái thiểu số nhỏ bé đang sống trên đầu trên cổ dân thợ thuyền; còn thợ thuyền, tức là đám người đang phục dịch tất cả những ai được hưởng lợi từ văn minh, thì vẫn tiếp tục sống như thế trên toàn thế giới Kitô giáo, giống như họ từng sống từ 5, 6 thế kỉ trước kia, mà chỉ đôi khi mới được hưởng những thứ thải loại của văn minh. Nếu đời sống của họ có tốt hơn, thì khoảng cách phân chia vị thế của họ với vị thế của các giai cấp giàu có chẳng hề thu hẹp, mà ngày càng lớn hơn so với mức độ phân chia giữa họ với người giàu ở 6 thế kỉ trước kia. Tôi không nói là chúng ta phải vứt bỏ tất cả những gì đã được nhân loại sáng tạo ra để tranh đấu với thiên nhiên, một khi đã hiểu văn minh không phải là phúc lợi tuyệt đối như nhiều người vẫn nghĩ, nhưng tôi nói, muốn biết những gì do con người tạo ra có phục vụ hữu hiệu cho lợi ích của họ hay không, phải làm sao để không chỉ một thiểu số, mà tất cả mọi người cùng được hưởng dụng những phúc lợi ấy, phải làm sao để mọi người không bị miễn cưỡng từ bỏ lợi ích của mình cho người khác với hy vọng đến một lúc nào đó con cháu họ sẽ có được những phúc lợi ấy.
Chúng ta nhìn vào những kim tự tháp Ai Cập mà kinh hoàng trước sự tàn bạo và lố bịch của những kẻ đã ra lệnh xây dựng chúng, cũng như những kẻ đã thực thi mệnh lệnh của họ. Nhưng những toà nhà 10 tầng và 36 tầng mà dân chúng của thời đại ta xây dựng ở khắp các thành phố và tự hào vì chúng còn tàn bạo hơn, lố bịch hơn biết chừng nào. Đất đai bốn bề có cây cỏ, rừng rú, nước sạch, không khí trong lành, có mặt trời, chim chóc, muông thú, thế mà người ta lại nỗ lực ghê ghớm để bịt kín mặt trời của người khác, dựng lên những toà nhà 36 tầng lắc lư trước gió ở chỗ chẳng có cỏ, khôngcó cây, nơi mà tất tật, cả nước, cả không khí, đều bị vấy bẩn, toàn bộ thức ăn bị làm giả và ôi thiu, cuộc sống thì khó khăn, bệnh hoạn. Chẳng lẽ đó không phải là dấu hiệu điên rồ của cả một xã hội gồm những con người không chỉ làm những việc điên rồ như thế, mà còn tự hào về chúng. Nhưng đây chưa phải là ví dụ duy nhất. Hãy nhìn xung quanh mình, các ngài sẽ thấy đủ loại điên rồ giống các toà nhà 36 tầng ngang với những kim tự tháp Ai Cập kia.
Sai lầm vô ý thức, đôi khi cũng có ý thức, mà những người bảo vệ văn minh phạm phải là ở chỗ, họ xem văn minh, vốn chỉ là công cụ, là mục đích và là phúc lợi vĩnh viễn. Nhưng nó quả sẽ trở thành phúc lợi chỉ khi nào ngự trị trong xã hội là những lực lượng nhân từ. Khí nổ dùng để mở đường thì rất hữu ích, nhưng trong những trái bom, nó là sức mạnh huỷ diệt. Sắt đúc lưỡi cày thì có lợi, nhưng trong đạn pháo, trong ổ khoá nhà tù lại có hại.
Ấn loát có thể lan truyền những tình cảm nhân hậu và những tư tưởng sáng suốt, nhưng, như chúng ta thấy, nó còn thành công hơn nhiều trong việc lan truyền những tư tưởng, tình cảm ngu tối, truỵ lạc và giả dối. Câu hỏi về chuyện văn minh có lợi hay có hại chỉ có thể giải đáp bởi thực tế, cái gì sẽ chiếm ưu thế trong xã hội này đây - thiện hay ác. Trong thế giới Kitô giáo của chúng ta, nơi đa số nằm dưới ách nô lệ của thiểu số, nó chỉ là công cụ áp bức không cần thiết.
Đã đến lúc đám người thuộc các giai cấp cao nhất phải hiểu rằng, cái mà họ gọi là văn minh, văn hoá thực ra chỉ là phương tiện và hậu quả của chế độ nô lệ, trong đó một thiểu số ăn không ngồi rồi giam cầm đại đa số những người lao động.
Đã đến lúc chúng ta cần hiểu rằng, sự cứu thoát của chúng ta không phải là tiếp bước theo con đường chúng ta đang đi, cũng không phải là duy trì tất cả những gì chúng ta đã sáng tạo được, mà là phải thừa nhận, rằng chúng ta đã đi trệch đường và đâm đầu vào chỗ đầm lầy cần thoát ra, rằng chúng ta không nên nghĩ tới chuyện giữ riệt những gì mình đang mang theo, mà trái lại, phải mạnh dạn vứt bỏ tất cả những gì ít cần nhất mà ta đã vác lên vai, để bằng cách nào đó (dẫu là bò lồm cồm bằng cả hai tay hai chân cũng được) nhào được tới bờ vững chắc.
Cuộc sống đúng đắn, thiên hảo thật ra chỉ là từ những hành vi hoặc những con đường ở phía trước, một hoặc nhiều người chọn ra được cái đúng đắn và thiên hảo nhất. Và, trong tình cảnh hiện nay, muốn sống cuộc đời đúng đắn, nhân quần Kitô giáo buộc phải lựa chọn một trong hai khả năng: hoặc là đi tiếp con đường mà theo đó nền văn minh hiện hữu sẽ đem lại phúc lợi nhiều nhất cho một thiểu số, nhưng lại kìm hãm đa số trong nghèo túng và nô lệ, hoặc là ngay bây giờ, không dành cái đó cho tương lai xa vời, khước từ một phần, hoặc toàn bộ những phúc lợi mà nền văn minh ấy đã tạo ra cho một thiểu số, nếu những phúc lợi ấy cản trở công cuộc giải phóng đa số nhân loại khỏi bần cùng và nô lệ.
XII
CÁC QUYỀN TỰ DO VÀ TỰ DO
Những điều đang được nhiều người ở thời đại chúng ta giải thích về các quyền tự do riêng rẽ: tự do ngôn luận, xuất bản, tín ngưỡng, tự do bầu cử thế này, chứ không phải thế kia, tự do mít tinh, lập hội, lao động và nhiều thứ khác,- đã chỉ ra rõ ràng là những người ấy, giống như các nhà cách mạng Nga của chúng ta hiện nay, có một ý niệm rất lệch lạc, hay tuyệt không có ý niệm về tự do nói chung, về thứ tự do giản dị, mọi người đều hiểu, mà thực chất là ở chỗ, trên đầu con người không có quyền lực nào buộc nó phải hành xử trái với nguyện vọng và lợi ích của nó.
Ở việc không hiểu tự do là gì và trong quan niệm bắt nguồn từ sự không hiểu ấy mà cho rằng, tự do là một số hành động của những người này được những người khác nào đó cho phép, có một sai lầm to lớn và cực kì tai hại. Sai lầm là ở chỗ, nhiều người ở thời đại chúng ta nghĩ rằng, sự phục tùng bạo lực một cách nô lệ mà họ phải chấp nhận trong quan hệ với chính phủ là trạng thái tự nhiên, còn tự do là được phép chính quyền nhà nước trong một số hành động nào đó do chính quyền ấy quyết định; đại loại, giống như những người nô lệ giả sử xem tự do là mỗi chủ nhật được phép đi nhà thờ, vào những ngày nóng bức được tắm, hoặc những lúc rảnh rỗi không phải làm việc cho chủ thì được phép sửa chữa áo quần của mình.
Nhưng chỉ cần dứt bỏ trong giây lát những thói quen và các dị đoan đã định hình để nhìn vào tình cảnh của bất kì người nào đang sống trong nhà nước, bất luận anh ta là công dân của một nước độc tài hay dân chủ nhất, thì ta sẽ kinh hoàng trước mức độ của tình trạng nộ lệ mà dân chúng đang nếm trải, trong khi họ vẫn tưởng mình là người tự do.
Trên đầu bất kì người nào, dù anh ta sinh ra ở đâu, bao giờ cũng có cả một đống người mà anh ta hoàn toàn không quen biết, những người này đặt ra các luật lệ cho cuộc sống của anh ta: anh ta phải làm cái gì, không được làm cái gì; mà thiết chế nhà nước càng hoàn thiện, thì mạng lưới của những thứ luật lệ ấy càng chặt chẽ. Đã được quy định, anh ta phải tuyên thệ với ai, tuyên thệ thế nào, tức là hứa hẹn thực hiện tất cả các luật lệ sẽ được soạn thảo và công bố. Đã được quy định, lúc nào anh ta sẽ lấy vợ và lấy vợ thế nào (anh ta chỉ được lấy một vợ, nhưng được đi nhà thổ). Đã được quy định, anh ta có thể li dị vợ thế nào, nuôi dưỡng con cái ra sao, những đứa nào được xem là trong giá thú, những đứa nào ngoài giá thú, thừa kế và chuyển nhượng tài sản của mình cho ai và thế nào. Đã được quy định, anh ta sẽ bị ai xét xử và trừng phạt, bị xét xử và trừng phạt thế nào, do phạm phải những luật gì. Đã có quy định, khi nào thì anh ta phải tự đến toà án với tư cách là bồi thẩm, hay người làm chứng. Đã có quy định về lứa tuổi mà anh ta được phép thuê lao động của các trợ lí, người làm công và thậm chí cả số giờ họ phải làm việc mỗi ngày, cả thức ăn anh ta phải đài thọ cho họ. Đã có quy định, lúc nào thì anh ta phải tiêm chủng và tiêm chủng thế nào để phòng bệnh cho con cái; đã quy định cả biện pháp anh ta phải áp dụng và phải chịu đựng khi anh ta hoặc gia đình và súc vật mắc phải bệnh tật thế này và thế nọ. Đã quy định những ngôi trường anh ta phải cho con cái theo học. Đã quy định quy mô và độ bền của ngôi nhà anh ta có thể xây dựng. Đã quy định việc nuôi súc vật của anh ta như ngựa, chó; anh ta có thể sử dụng nước uống thế nào và có thể đi ở đâu không có đường. Đã có quy định những hình phạt vì không tuân thủ tất cả những luật lệ ấy và còn nhiều thứ luật lệ khác. Không thể kể hết các đạo luật chống chất lên đạo luật, những phép tắc chống chất lên phép tắc mà anh ta cần tuân thủ, mà một con người ở quốc gia tự do nhất cũng không thể nói là không biết (mặc dù không thể biết hết được chúng).
Lại nữa, người ấy còn bị đặt vào tình thế, trong mọi cuộc mua bán vật dụng tiêu dùng: muối, bia, rượu, vải len, sắt thép, dầu hoả, chè, đường và nhiều thứ khác, anh ta phải chi trả một phần lớn công lao động của mình cho những việc nào đó mà anh ta không biết, cho việc thanh toán lợi tức của những khoản nợ mà ai đó từ những đời cao tổ, tằng tổ của anh ta đã chịu lại. Anh ta còn phải trả một phần lao động của mình như thế cho mọi cuộc di chuyển từ chỗ này qua chỗ khác, cho mọi khoản thừa kế được tiếp nhận, hoặc cho bất kì một khế ước nào đó với người thân. Ngoài ra, người ta còn buộc anh ấy phải trả một phần lao động lớn hơn gấp bội cho suất đất mà anh sử dụng làm nơi ở hoặc cày bừa để gieo trồng. Vì thế, phần lớn công sức lao động của anh ta, nếu anh ta sống bằng sức lao động của mình, chứ không ăn bám người khác, nhẽ ra có thể giúp giảm nhẹ và cải thiện tình cảnh của anh ấy, tình cảnh của gia đình anh ấy, thì lại bị tiêu phí vào những cống nộp, thuế khoá, những sự độc quyền như thế.
Nhưng như thế vẫn còn ít, ở một loạt, ở đa số các quốc gia, chỉ cần người ấy vừa đến tuổi, anh ta liền được lệnh nhập ngũ, chịu đựng một chế độ nô lệ tàn bạo nhất và đi đánh nhau trong dăm ba năm; ở những nước khác như Anh, Mĩ, anh ta phải thuê người để làm việc đó. Và thế là những người bị đặt vào tình cảnh ấy chẳng những không nhìn ra, mà còn tự hào vì thân phận nô lệ của mình, xem mình là công dân tự do của những quốc gia vĩ đại Anh, Pháp, Đức, Nga, tự hào như thế khác nào những đứa đầy tớ tự hào về giá trị của những ông chủ mà chúng hầu hạ.
Thấy mình lâm vào tình cảnh khủng khiếp và nhục nhã như thế, đã tưởng một người có sức mạnh tinh thần không lệch lạc và chưa suy yếu chắc sẽ tự nhủ: “Tôi sẽ thi hành tất cả những thứ đó để làm gì kia chứ? Tôi muốn sống trọn đời mình theo cách tốt nhất, muốn làm việc, nuôi nấng gia đình. Hãy để tôi yên, không dính líu với nước Nga, nước Pháp, nước Anh của các ngài. Ai cần cái đó, cứ mặc cho người ta gìn giữ những nước Anh với nước Pháp, tôi thì chẳng cần. Các ngài có thể dùng sức mạnh để tước đoạt của tôi tất cả những gì các ngài muốn, kể cả giết tôi, nhưng bản thân tôi thì không muốn và sẽ không dự phần vào sự nô dịch của mình”. Đã tưởng hành xử như thế là tự nhiên, vậy mà vẫn không thấy ai nói và không thấy ai làm như thế.
Niềm tin rằng sự thuộc về một quốc gia nào đó là điều kiện thiết yếu của đời sống con người đã ăn sâu tới mức, khiến mọi người không còn dám hành động như là lí trí của họ, tình cảm tốt đẹp của họ, lợi ích trực tiếp của họ mách bảo.
Những người vì tin vào nhà nước mà duy trì tình trạng nô lệ của mình hoàn toàn giống những con chim, dù cửa lồng đã mở, vẫn cứ đậu nguyên, tiếp tục chịu nhốt ở đó, nhiều khi theo thói quen, nhiều khi không biết mình có tự do.
Đặc biệt kì quặc là sai lầm ấy lại gặp ở những người có thể tự đáp ứng những nhu cầu của mình, ví như cư dân canh tác nông nghiệp ở Đức, Áo, Ấn Độ, Canada và nhiều nước khác, nhất là ở Nga. Những người này chẳng có bất kì nhu cầu và lợi ích nào ở thể chế nô lệ mà họ tự nguyện phục tùng.
Vẫn còn hiểu được, khi dân thành thị không hành xử như thế, vì lợi ích của họ gắn chặt với lợi ích của các giai cấp cầm quyền ở những nước lớn tới mức, chế độ nô dịch nơi họ sống lại có lợi cho họ. Rockefeller không thể muốn khước từ sự phục tùng các luật lệ của nước anh ta, vì luật lệ của nước này tạo choanh ta khả năng tích cóp và giữ gìn hàng tỉ bạc gây thiệt hại cho lợi ích của quần chúng nhân dân; cả giám đốc các xí nghiệp của Rockefeller, cả nhân viên của các giám đốc ấy, cả nhân viên của các nhân viên này cũng không thể muốn khước từ. Với cư dân thành thị, nó là như thế. Theo cách ứng xử, đó là những nông dân gia nô thời trước: tình trạng nô dịch của họ có lợi cho họ. Nhưng vì cái gì mà những người làm nghề nông, đa số nhân dân Nga, lại phục tùng thứ quyền lực mà họ chẳng cần ấy?
Một gia đình sống ở tỉnh Tula, hay ở Poznan, Kansas, Irland, Canada. Những người này chẳng dính dáng gì tới quốc gia Nga với những Peterburg, Kavkaz, vùng Ostsee, những vụ xâm lược ở vùng Mãn Châu và những mưu mẹo ngoại giao của nước ấy. Cũng như thế, những gia đình sống ở Poznan chẳng liên can gì tới nhà nước Phổ với Berlin và những thuộc địa châu Phi của Phổ; người Irland không liên can tới London với những công việc ở Ai Cập, ở Nam Phi và nhiều nơi khác, những gia đình ở Kanzas chẳng liên can tới Hợp chủng Quốc Hoa Kì với New-York và thuộc địa Philippin của nó. Thế mà những gia đình này vẫn phải đóng góp một phần nhất định công sức lao động của mình, vẫn phải tham gia chuẩn bị chiến tranh và can dự vào bản thân cuộc chiến do ai đó, chứ không phải do họ châm ngòi, vẫn phải phục tùng những luật lệ do ai đó, chứ không phải do họ đặt ra. Quả là người ta đã thuyết phục họ rằng, vì họ đã bầu ra một đại biểu trong số hàng nghìn người họ không biết, nên khi phục tùng những người xa lạ ở tất cả những việc có ý nghĩa trọng đại như thế đối với cuộc sống của mình, thì họ không phục tùng người khác, mà phục tùng chính bản thân họ. Nhưng chỉ những ai muốn đánh lừa và cần phải lừa bịp bản thân và những người khác thì mới tin vào điều ấy.
Khi đã thuộc về một quốc gia, con người không thể tự do. Quốc gia càng lớn, càng cần sử dụng bạo lực nhiều hơn, khả năng có được tự do đích thực càng ít hơn. Muốn tạo thành một chỉnh thể từ những sắc tộc và những loại người đa dạng nhất, như Anh, Nga, Áo, muốn duy trì họ trong sự hợp nhất ấy, cần sử dụng bạo lực rất lớn. Những nước nhỏ, như Thuỵ Điển, Bồ Đào Nha, Thuỵ Sĩ, dù cần dùng ít bạo lựchơn để duy trì sự thống nhất của nhân dân, nhưng vì ở những nước nhỏ này, công dân khó lẩn tránh những yêu cầu của chính quyền hơn, nên tổng số của sự mất tự do và bạo lực giống hệt như ở những nước lớn.
Giống như muốn bó và cột chặt những đon củi vào với nhau, cần dây phải chắc và phải căng đến một độ nhất định, hệt như thế, muốn duy trì sự thống nhất của đông đảo dân ở một quốc gia, cần phải có bạo lực và sử dụng bạo lực đến một độ nào đó. Chỗ khác biệt chúng với những bó củi có thể chỉ là ở sự xếp đặt chúng, là ở chỗ, không phải những đon này, mà những đon kia mới bị dây cột vào trực tiếp, nhưng dẫu các bó củi được sắp xếp thế nào, thì cái sức mạnh giữ chúng lại với nhau vẫn chỉ là một mà thôi. Với một quốc gia bạo lực, bất kể nó là thế nào: chính thể chuyên chế, quân chủ lập hiến, tập đoàn thống trị, cộng hoà, tình hình cũng đúng như vậy. Nếu sự thống nhất của dân chúng được duy trì bằng bạo lực, tức là bằng cách để cho một số người soạn thảo luật lệ, còn những người khác thì phải thực hiện, thì bạo lực của loại người này đối với những người khác, về mức độ sức mạnh, bao giờ cũng sẽ là như nhau. Ở chỗ này, nó được biểu lộ thành bạo lực thô bạo, ở chỗ khác, nó lại biểu lộ thành quyền lực của tiền bạc. Chỉ có sự khác nhau là, ở thiết chế nhà nước cưỡng bức này thì bạo lực sẽ đè nén những người này nhiều hơn, ở thiết chế khác, nó lại bóp nghẹt những người khác nặng hơn.
Có thể so sánh bạo lực nhà nước với sợi chỉ đen xâu một cách thoải mái chuỗi hạt cườm. Những hạt cườm chính là dân chúng. Sợi chỉ đen đó là nhà nước. Chừng nào những hạt cườm còn bị xâu vào sợi chỉ, chúng sẽ không có khả năng di chuyển tự do. Có thể dồn tất cả chúng về một phía, và ở phía ấy, chúng ta không nhìn thấy sợi chỉ đen giữa hạt nọ với hạt kia, nhưng ở phía khác, phần chỉ dài hơn sẽ lộ ra trần trụi (chế độ chuyên chế). Có thể doãng các hạt cườm thành những cụm đều nhau, để lại giữa chúng những khoảng cách tương ứng trên sợi chỉ (quân chủ lập hiến). Có thể để một phần nhỏ sợi chỉ giữa mỗi một hạt cườm (chế độ cộng hoà). Nhưng chừng nào những hạt cườm chưa bị tháo ra khỏi sợi chỉ, chừng nào sợi chỉ chưa bị đứt, thì vẫn không thể che dấu được sợi chỉ đen.
Chừng nào nhà nước và bạo lực dùng để duy trì nó vẫn tiếp tục tồn tại, bất luận dưới hình thức nào đi nữa, chừng ấy vẫn không thể có tự do, tự do đích thực, không thể có cái mà tất cả mọi người từ xưa đã hiểu và đang hiểu dưới từ ấy.
Những ai đã quá quen với chuyện mỗi người, ngoài việc là con của cha mẹ mình, là cháu của ông bà, cụ kị mình, sống bằng công việc do mình lựa chọn, và, cái chính là, ngoài việc là một con người, anh ta còn là người Pháp, hay người Anh, người Đức, người Yankee[8], người Nga, tức là thuộc một thiết chế bạo lực thế này hay thế khác được gọi là nước Pháp với những xứ Algérie, Annam, Nice, v.v….của nó, hay nước Anh với những cư dân xa lạ ở Ấn Độ, Ả Rập, Áo và Canada, hay nước Áo với những sắc tộc chẳng có gì gắn bó ở bên trong, hay một quốc gia đa sắc tộc khổng lồ như Hợp chủng quốc hoặc Nga, thường hỏi “nếu không có nhà nước thì dân chúng sống thế nào đươc?”. Dân chúng đã quen với điều đó tới mức, họ vẫn tưởng là nếu không thuộc về khối gắn kết chẳng có chút ý nghĩa nội tại nào ấy, thì không thể sống, giống như hàng nghìn năm trước, người ta từng nghĩ là không thể sống, nếu không hiến tế thần linh, không có các nhà tiên tri định đoạt mọi hành vi của con người.
Người ta sẽ sống thế nào, nếu không thuộc về một chính phủ nào cả?
Xin thưa, vẫn sống hệt như bây giờ họ đang sống, chỉ có điều, sẽ không làm những chuyện ngu xuẩn và nhơ nhuốc mà giờ đây họ đang làm vì sự mê tín thê thảm kia. Họ vẫn sống như bây giờ đang sống mà không phải bớt những sản phẩm lao động của gia đình mình để đổ vào những việc bỉ ổi dưới dạng cống nạp và thuế khoá cho những kẻ họ không hề biết mặt, không phải tham gia vào bạo lực, vào những vụ xử kiện, những cuộc chiến tranh do đám người kia bày đặt.
Phải, ở thời đại chúng ta, chỉ sự mê tín chẳng có chút ý nghĩa nào kia mới tạo ra thứ quyền lực phi lí, không gì có thể biện hộ, dành cho một trăm để áp hàng triệu và cướp đi tự do đích thực của hàng triệu người ấy. Một người sống ở Canada, Kensas, Bohemia, Normandie sẽ không thể có tự do khi anh ta xem mình là công dân và thường tự hào vì là công dân Anh, Bắc Mĩ, Áo, Nga, Pháp. Một chính phủ có sứ mệnh là giữ gìn sự thống nhất của khối liên kết trái khoáy và vô nghĩa lí như nước Nga, nước Anh, nước Pháp sẽ không thể đem đến cho công dân của mình tự do thực sự, chứ không phải là thứ na ná tự do giống như nó được tạo ra trong các bộ hiến pháp quả quyết , dù chúng là quân chủ, cộng hoà hay dân chủ. Nguyên nhân cơ bản và xem ra là duy nhất khiến không có tự do là sự mê tín nhà nước. Dân chúng có thể bị tước đoạt tự do ngay cả khi không có nhà nước. Nhưng những người phụ thuộc vào một nhà nước nào đó không thể nào có tự do.
Những người tham gia cách mạng Nga hiện nay không hiểu điều đó. Những người này đang đấu tranh để giành các quyền tự do cho công dân nước Nga và lên mặt cho rằng, đó là mục đích của cuộc cách mạng đang được tiến hành. Nhưng mục đích và kết quả cuối cùng của cuộc cách mạng đang diễn ra hơn rất nhiều so với cái mà các nhà cách mạng nhìn thấy. Mục đích ấy là thoát khỏi bạo lực nhà nước. Hoạt động phức tạp của những sai lầm, những tội ác hiện đang xẩy ra trên bề mặt mục nát của dân tộc Nga bao la, giữa đó có một phần nhỏ của nó gồm các tầng lớp thị dân được gọi là trí thức và công nhân xí nghiệp, đang dẫn tới bước ngoặt vĩ đại ấy. Toàn bộ hoạt động phức tạp mà phần lớn là xuất phát từ những động cơ thấp hèn nhất của việc báo thù, rửa hận, háo danh, với dân tộc Nga vĩ đại, chỉ có một ý nghĩa: nó phải chỉ ra cho dân tộc thấy, cái gì dân tộc không nên làm, cái gì nên làm và có thể làm; phải chỉ ra toàn bộ sự vô bổ của việc thay thế một hình thức quốc gia bạo lực và tội phạm này bằng một hình thức nhà nước bạo lực và tội phạm khác, phải xoá bỏ trong ý thức họ sự mê tín dị đoan và ám ảnh của nhà nước.
Nhìn vào những sự kiện đang diễn ra, vào những hình thức mới của bạo lực được bộc lộ trong hoạt động cách mạng tàn bạo: những vụ thảm sát, cướp bóc, những cuộc đình công làm mất kế sinh nhai củuâcr những vùng dân chúng, và, nhất là, những vụ huynh đệ tương tàn,- dân tộc Nga, đại bộ phận của nó, bắt đầu hiểu rằng, chẳng riêng gì thứ bạo lực của nhà nước trước kia từng đè nén họ và gây ra cho họ rất nhiều đau khổ là tồi tệ, mà ngay cả thứ bạo lực của nhà nước mới , giờ lộ ra cũng bằng mánh khoé lừa bịp và tội ác, có điều dưới hình thức mới, đều tồi tệ, rằng chẳng phải thứ này, cũng chẳng phải thứ kia tồi hơn, hay tốt hơn, mà cả hai đều tồi tệ và cần phải tự giải thoát khỏi mọi thứ bạo lực của nhà nước, rằng điều đó thật dễ dàng và có thể làm được.
Nhân dân, đặc biệt là những người Nga canh tác nông nghiệp, đại bộ phận của nó, những ai đã và đang sống mà không cần chính phủ, mọi công việc xã hội của mình đều giải quyết bằng những cuộc họp công xã, khi nhìn vào những sự kiện đang diễn ra, sẽ phải hiểu rằng, họ chẳng cần bất kì thứ chính phủ nào, cả chuyên chế nhất, lẫn dân chủ nhất, giống như con người chẳng cần mọi thứ xiềng xích bất luận bằng đồng, hay bằng sắt, dài hay ngắn. Nhân dân không cần những quyền tự do riêng lẻ nào đó, mà chỉ cần một tự do đích thực, đầy đủ, giản dị.
Và, bao giờ cũng vậy, những vấn để tưởng như hóc búa, lại thường có thể được giải quyết một cách đơn giản nhất; hiện nay cũng thế, để giành được mỗi một thứ tự do đích thưc, đầy đủ, chứ không phải những quyền tự do này nọ, chẳng cần tranh đấu với quyền lực của chính phủ, chẳng cần nghĩ ra những phương thức đại diện thế này hay thế kia, những phương thức chỉ có thể che dấu mọi người tình trạng nô lệ của họ, mà chỉ cần một điều: không phục tùng người khác.
Nhân dân cứ chấm dứt phục tùng chính phủ đi thì sẽ không còn sưu thuế, không còn những cảnh tước đoạt ruộng đất, không còn mọi thứ chèn ép của chính quyền, không còn việc bắt lính, không còn chiến tranh. Điều đó thật đơn giản và tưởng chừng dễ biết nhường nào. Thế vì sao cho đến nay người ta chưa làm điều đó và bây giờ vẫn không làm?
Chính bởi vì, muốn không tuân phục chính phủ, phải tuân phục Chúa Trời, tức là phải sống cuộc đời nhân hậu và đạo đức.
Chỉ tuỳ thuộc vào mức độ mà họ sống cuộc sống như thế, tức là tuỳ thuộc vào mức độ phục tùng Chúa Trời, dân chúng mới có thể chấm dứt phục tùng con người và được giải phóng, .
Không thể bảo mình: “nào, ta sẽ không phục tùng người khác nữa”. Chỉ có thể chấm dứt phục tùng con người khi anh tuân phục luậtchung cho tất cả, luật tối cao của Chúa. Không thể tự do, nếu vi phạm đạo luật tối cao, chung cho mọi người về sự phụng sự lẫn nhau, như những kẻ thuộc những tầng lớp giàu có ở thành phố sống bằng công sức của dân lao động, nhất là clao động nông nghiệp, đang vi phạm nó bằng toàn bộ cuộc đời của mình. Con người chỉ được tự do ngang với chừng mức nó thực hiện luật tối cao. Với tổ chức xã hội theo kiểu thành thị, xí nghiệp, chẳng những khó, mà còn không thể thực hiện được luật ấy. Nó chỉ có thể được thực hiện và thực hiện dễ dàng trong điều kiện đời sống nông nghiệp.
Chính vì thế, việc giải phóng dân chúng thoát khỏi sự phục tùng chính phủ và khỏi sự thùă nhận những liên kết giả tạo của các quốc gia và tổ quốc sẽư phải đưa họ đến với đời sống tự nhiên, đầy niềm vui và đạo đức hơn cả của các công xã nông nghiệp chỉ phụ thuộc vào những quyết định của mình, hợp với mọi người, dựa vào cơ sở đồng thuận, chứ không phải trên bạo lực.
Bản chất của bước ngoặt vĩ đại sắp diễn ra với các dân tộc Kitô giáo là ở đó.
Chúng ta không thể biết bước ngoặt ấy sẽ diễn ra thế nào, trải qua bao nhiêu tầng nấc, nhưng chúng ta biết rằng nó là tất yếu, bởi nó đang diễn ra và trong một chừng mực nào đấy, nó đã được thực hiện trong ý thức của nhiều người.
KẾT LUẬN
Cuộc đời của con người chẳng qua là càng ngày thời gian càng phơi bày cái bị che dấu và chỉ ra con đường họ đã đi qua trong quá khứ là đúng hay là sai. Cuộc đời là ý thức tỉnh ngộ về sự sai trái của những nền cốt cũ, tạo dựng những nền cốt mới và đi theo nó. Cuộc đời của cả nhân loại cũng như của mỗi người riêng lẻ là sự trưởng thành từ trạng thái cũ sang trạng thái mới. Sự trưởng thành ấy tất yếu được diễn ra cùng với việc nhận thức những sai lầm của mình và giải thoát khỏi chúng.
Nhưng có những thời, khi mà trong đời sống của mỗi người riêng lẻ cũng như của cả nhân loại, cái sai lầm đã mắc phải trong quá khứ bị phơi bày rõ ràng cùng một lúc với việc làm sáng tỏ những hoạt động cần có để sửa chữa sai lầm ấy. Đó là thời đại của những cuộc cách mạng. Các dân tộc Kitô giáo hiện nay đang ở vào tình huống như vậy.
Nhân loại đã sống theo luật bạo lực và chẳng hề biết một đạo luật nào khác. Khi thời điểm đến, những con người tiên tiến của loài người đã tuyên bố một đạo luật mới chung cho cả nhân loại về việc người phụng sự người. Nhân thế đã tiếp thu đạo luật ấy, nhưng không phải trong ý nghĩa trọn vẹn của nó, và, tuy có cố gắng vận dụng, nhưng vẫn tiếp tục sống theo luật bạo lực. Đạo Kitô đã xuất hiện, xác nđịnh với loài người chân lí, nó nói rằng, chỉ có một luật chung cho mọi người mang lại cho họ phúc lơị tối đa,- luật người phụng sự người, và chỉ ra lí do vì sao đạo luật ấy chưa được thực hiện trong cuộc sống. Nó chưa được thực hiện vì mọi người xem việc sử dụng bạo lực vào những mục đích tốt đẹp là cần thiết và tốt đẹp, và xem luật rửa thù là chính đáng. Đạo Kitô đã cho thấy, bạo lực bao giờ cũng mang tính huỷ hoại, và loài người không thể sử dụng sự rửa thù. Nhưng vì không tiếp thu lời giải thích về luật phụng sự lẫn nhau chung cho mọi người ấy, nhân loại Kitô giáo mặc dù muốn sống theo đạo luật này, vẫn vô tình tiếp tục sống theo luật bạo lực đa thần giáo. Cuộc sống đầy mâu thuẫn này ngày càng làm gia tăng tính tội phạm của lối sốngi, những tiện nghi bên ngoài và sự xa hoa của một thiểu số, đồng thời làm gia tăng tình trạng nô lệ và thảm hoạ của đa số ở các dân tộc theo đạo Kitô.
Trong thời gian gần đây, tính tội phạm và xa hoa của đời sống ở một bộ phận, tai hoạ và trạng thái nô lệ ở một bộ phận khác của dân quần thuộc thế giới Kitô giáo đã lên tới mức cao nhất, nhất là ở những dân tộc từ lâu đã lìa bỏ đời sống nông nghiệp tự nhiên và bị chế độ tự quản giả hiệu đánh lừa . Đau khổ vì tình cảnh bất hạnh và ý thức được mâu thuẫn mà mình mắc phải, những dân tộc này tìm kiếm lối thoát ở khắp mọi nơi: ở chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa xã hội, ở những cuộc xâm lược các miền đất lạ, ở những cuộc tranh đấu thuộc đủ loại, ở thuế suất, cải tiến kĩ thuật, ở sự truỵ lạc, ở đủ mọi thứ, chỉ trừ một thứ có thể cứu họ, - ấy là giải phóng bản thân thoát khỏi sự mê tín nhà nước, tổ quốc và chấm dứt phục tùng chính quyền bạo lực của nhà nước, bất luận nó là thế nào.
Do vẫn sống bằng nông nghiệp, do không bị chế độ tự quản lừa bịp, do sự đông đảo của mình và, chủ yếu, do vẫn giữ được thái độ Kitô giáo với bạo lực, nhân dân Nga, sau cuộc chiến tranh tàn khốc, vô bổ và bất hạnh mà họ họ bị chính phủ kéo vào, sau khi những yêu cầu trao trả đất đai mà họ bị tước đoạt không được thoả mãn, - nhân dân Nga đã nhận ra sớm hơn các dân tộc khác nguyên nhân cơ bản của những bất hạnh của nhân loại Kitô giáo ở thời đại chúng ta, và chính nhờ thế, giữa ộ sẽ bắt đầu diễn ra một bước ngoặt vĩ đại mà sắp tới sẽ xảy ra với toàn nhân loại và chỉ mình nó có thể cứu loài người thoát khỏi những đau khổ không cần thiết.
Đó chính là ý nghĩa của cuộc cách mạng vừa bắt đầu nổ ra ở nước Nga hiện nay. Cuộc cách mạng này chưa nổ ra ở các dân tộc châu Âu và châu Mĩ, nhưng những nguyên nhân gây ra cuộc cách mạng ở Nga, cũng chính là những nguyên nhân trong toàn bộ thế giới Kitô giáo: là cuộc chiến tranh Nhật Bản, cuộc chiến đã chỉ ra cho toàn nhân loại sự ưu trội hiển nhiên về mặt quân sự của các dân tộc đa thần giáo trước các dân tộc Kitô giáo, là những căng thẳng cùng cực của chạy đua vũ trang bất tận giữa những nước lớn, và cũng là tình cảnh khốn khổ và sự bất bình chung của nhân dân lao động do quyền sử dụng đất đai tự nhiên của họ bị tước đoạt.
Đa số nhân dân Nga thấy rất rõ rằng nguyên nhân của tất cả những bất hạnh họ phải hứng chịu là sự phục tùng chính quyền, rằng dân tộc Nga phải lựa chọn một trong hai khả năng: hoặc là chấm dứt tồn tại như những sinh vật có trí tuệ, tự do, hoặc là chấm dứt phục tùng chính phủ.
Nếu vì những lo toan lăng xăng cho cuộc sống của mình, và vì bị lừa bịp bởi chế độ tự quản, các dân tộc Âu, Mĩ, bây giờ chưa thấy, thì chẳng bao lâu nữa, sẽ nhìn thấy chính điều đó. Sự tham gia vào bạo lực của chính phủ các nước lớn mà họ gọi là tự do đã và đang đẩy họ vào tình trạng nô dịch và những tai hoạ từ tình trạng nô dịch ấy ngày càng nặng nề. Bất hạnh gia tăng tất yếu sẽ sẽ buộc họ tìm đến phương sách giải thoát duy nhất: chấm dứt phục tùng chính phủ và, nhờ chấm dứt phục tùng chính phủ, thủ tiêu các liên kết nhà nước bạo lực.
Muốn bước ngoặt vĩ đại ấy được thực hiện, chỉ cần dân chúng hiểu rằng, quốc gia, tổ quốc chỉ là những hư ảot, còn đời sống, tự do chân chính mới là hiện thực; rằng vì thế không nên hi sinh đời sống và tự do cho sự liên kết giả tạo được gọi là nhà nước, mà vì đời sống và tự do đích thực cần tự giải thoát khỏi sự mê tín quốc gia và sự phục tùng tội lỗi với trước người khác đầy tội lỗi bắt nguồn từ đó.
Sự thay đổi ấy trong thái độ của nhân dân với nhà nước và quyền lực chính là sự kết cục của thế kỉ cũ và khởi đầu của thế kỉ mới.
(L.Tolstoi.- Toàn tập, t.36, tr. 231-277)
[1] Tổ chức nhà nước tồn tại trên dưới 260 năm (từ thế kỉ XVII đễn thế kỉ XIX) tại vùng duyên hải Tây Phi. Quốc gia Dahomey hiện đại thành lập năm 1960, đến năm 1975 đổi tên thành Cộng hoà Bénin.- ND
[2] Truyền thuyết về khởi thuỷ của nhà nước Nga nói rằng do không bầu được những người cai quản chung, các bộ tộc Nga đã kêu gọi những chiến binh và thương nhân bắc Âu, gọi là Variag, đến cai trị đất nước họ.- ND
[3] Ở đây L.Tolstoi nhắc tới nhân vật trong huyền thoại lịch sử Do Thái cổ đại, còn lưu lại trong Cựu ước kinh, theo đó, Iosif là quý tử của Yahkoqub và Rachael, bị các anh trai bán làm nô lệ, nhưng sau đó, trải qua nhiều tai ách, được Pharaon trao quyền và trở thành người cai trị Ai Cập.- ND
[4] Ioann IV (1530 – 1584, biệt danh: Ivan Groznyi): Đại Công tước Moskva và toàn Nga (từ 1553), Hoàng đế toàn Nga (từ 1547); Henry VIII (1491 – 1597): Vua Anh từ 1509 đến 1547, cũng là vua đầu tiên của Ireland từ 1541; Jean - Paul Marat ( 1743-1793): Một trong số những lãnh tụ của Đại Cách mạng Pháp, một thủ lĩnh của phái Jacobins; Napoléon Bonaparte (1769 – 1821): Hoàng đế Pháp từ 1804 đến1815; Alecxy Adreevich Aractjaev (1769 - 1834): Tướng pháo binh, nhà hoạt động quân sự, hoạt động quốc gia Nga; Klemens Wenzel Lothar von Metternich (1773 -1859): Công tước, nhà ngoại giao, nhà hoạt động quốc gia Áo, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Áo, thực chất là đứng đầu chính phủ Áo (1809-1821), Tể tướng Áo (1821-1848); Maurice de Talleyrand-Périgord (1754 -1838) : Nhà chính trị và ngoại giao Pháp, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại trong nội các 3 chính phủ, từ Directoire đến Louis-Philippe. ND.
[5] Hủ tục tử hình người bị tình nghi phạm tội hoặc phá hoại phong tục xã hội mà không có toà án, không cần điều tra, thường do dân chúng đường phố thực hiện, một thời phổ biến ở miền Nam Hoa Kỳ.- ND.
[6] Tiếng Nga: hậu duệ của dân Kazac sông Đông, những người đã rút khỏi vùng sông Đông khi cuộc khởi nghĩa Bulavin (1707-1709) bị đàn áp. Tên gọi được đặt để tưởng nhớ thủ lĩnh Ignat Nekrasov - ND
[7] [khu ổ chuột]
[8]“Yankee”: Tên gọi được phổ biến rộng rãi ở thế kỉ XVIII để chỉ cư dân của Tân Anh Cát Lợi (New England, khu vực đông - bắc nước Mĩ), sau này được sử dụng theo nghĩa rộng, chỉ cư dân Mĩ nói chung.- ND
252
2315
21203
220139
121356
114513266