Những góc nhìn Văn hoá
Nguồn gốc của lửa ở châu Á
Những người Menri nguyên thủy, một trong những bộ tộc Semang lùn, cư trú trong những khu rừng rậm trên bán đảo Malacca nói rằng họ nhận được ngọn lửa từ chim gõ kiến xanh. Truyện cổ tích như sau: Khi những người Menri bắt đầu tiếp xúc với những người Malai, họ thấy ở chỗ những người bạn mới một loài hoa (gantogn: tiếng Malai gantang). Những người Malai tụ tập thành vòng tròn xung quanh bông hoa đó và giơ thẳng cánh tay bên trên bông hoa đó để sưởi ấm. Sau đó, những người Malai nhóm lửa và đốt cây lalang (một thứ cỏ). Thấy đám cháy, những người Menri bỏ chạy vào rừng bởi vì họ vốn không có lửa. Một con hươu đực đến tận đống lửa to và mang về nhà mình một thanh củi cháy.
Sợ người ta lấy trộm mất lửa, nó móc thanh củi trên nóc lều khi nó đi lao động ở khu trồng trọt. Con chim gõ kiến xanh nhìn thấy lửa bèn lấy trộm và mang đến cho những người Menri, giải thích cho họ đấy là lửa, nhưng đồng thời cảnh báo họ phải canh chừng bởi vì con hươu sẽ đuổi theo họ. Chim gõ kiến khuyên những người Menri trong trường hợp con hươu đến truy tìm tài sản mất trộm thì lúc đó dùng hai ngọn giáo bằng gỗ teras và đâm chết nó. Vì vậy, khi con hươu đến tìm lửa của mình, hai người đàn ông cầm giáo và đâm trúng đầu con vật, con hươu vội quay về rừng và từ đó mãi mãi nó chỉ có đôi sừng mà không có lửa nữa. Con chim gõ kiến bắt những người Menri phải thề không được giết nó, bởi vì nó đã cho họ lửa để sưởi ấm và nấu ăn. Từ lúc đó, người ta không được giết chim gõ kiến nữa.
Trong những lược chuyện khác của huyền thoại này những người Semang gán việc lấy trộm hoặc khám phá ra lửa cho con khỉ rừng dừa (berok) chứ không phải con chim gõ kiến xanh. Theo một chuyện kể, con khỉ rừng dừa lấy trộm một thanh củi cháy của Karei, Đấng Tối Cao vốn sống ở trên trời và làm nổ ra tiếng sấm. Con khỉ dùng ngọn lửa này đốt cháy trảng cỏ. Chẳng bao lâu, một đám cháy lớn hoành hành và các cư dân bỏ chạy: một số chạy ra bờ sông, nhảy lên những cái mảng và trôi dạt xuôi dòng chảy, đó chính là những ngườiMalai ngày nay. Một số khác chạy trốn vào rừng và lên núi, nhưng vì chậm chân, họ bị lửa chộp được và làm cháy tóc của họ; đó chính là tổ tiên những bộ tộc người lùn trên bán đảo Malacca, được biết dưới tên gọi Orangutan có mái tóc quăn do bị lửa đốt cháy trong lúc họ chạy trốn.
* * *
Trong một dị bản khác của huyền thoại Semang này, con khỉ rừng dừa giành được ngọn lửa một cách tử tế hơn là lấy trộm. Người ta nói rằng vợ nó lúc bấy giờ đang trong cơn đau đẻ, con khỉ muốn đưa cho vợ một quả dừa, nó bèn hái và đập vỡ đôi quả dừa, ngọn lửa bắn ra từ đó. Con khỉ nhóm lên một đám cháy lớn, vì đám cháy đó những người Semang mới có mái tóc xoăn.
* * *
Theo một chuyện cổ tích Semang khác, ngọn lửa do một vị anh hùng Chepampes nào đó phát hiện trong lúc ông ta chặt cây ratanlấy gỗ làm một cái cửa.Ở người Thái, vương quốc Thái Lan, có một truyền thuyết là: một trận đại hồng thủy đã tiêu diệt toàn thể nhân loại trừ một thanh niên và một thiếu nữ; họ trốn vào trong một quả bầu. Chuyện kể rằng hậu duệ của họ là những cư dân hiện nay của thế giới. Nhưng vào thời buổi đó, sau khi nước đã rút đi, bảy anh con trai của đôi vợ chồng đầu tiên không có lửa. Vì vậy họ quyết định cử một trong bảy anh em đi lên trời để kiếm lửa. Thượng đế giao lửa cho sứ giả của họ nhưng ra đến cổng thiên đàng, lửa bị tắt. Chàng sứ giả vì vậy trở xuống đất và thông báo với các anh em về chuyến đi không có kết quả của mình. Họ hội họp và quyết chí cử con rắn và con chim cú mang lời thỉnh cầu xin lửa. Nhưng trên đường đi, con chim cú dừng lại ở ngôi làng đầu tiên để bắt chuột, còn con rắn thì nấn ná trong các ruộng lầy để săn ếch nhái, cả hai chẳng con nào bận tâm đến chuyến công vụ của mình.
Bảy anh em mở cuộc họp thứ hai và lần này yêu cầu con ruồi trâu. Con ruồi trâu vui vẻ nhận nhiệm vụ đi xin lửa, nhưng trước khi lên đường nó đặt điều kiện: “Để đổi lại nỗi vất vả của tôi - nó nói - tôi sẽ giải những cơn khát trên đùi của những con trâu và trên bắp chân của những vĩ nhân cũng như những người bình thường”. Mấy anh em đành chấp nhận lời yêu cầu này. Khi ruồi trâu lên đến nơi, Thượng đế hỏi nó: “Mắt của mày ở đâu? Tai của mày ở chỗ nào? Bởi người Thái tin rằng đôi mắt của ruồi trâu không phải ở trên đầu nó mà ở đầu cánh và Thượng đế không biết đặc điểm hình thể này”. Đôi mắt tôi - con côn trùng khôn khéo này đáp lại - ở đúng chỗ như mắt của người khác và đôi tai tôi cũng như vậy”. - “Nếu thế, Thượng đế nói tiếp, mày muốn bị nhốt vào đâu để không nhìn thấy được gì?”. Côn trùng khôn khéo đáp: “Tôi có thể nhìn xuyên qua cạnh của một cái nồi, coi như đó là khoảng không; nhưng xin hãy đặt tôi vào một cái rổ thưa thì tôi sẽ hoàn toàn không nhìn thấy một tí gì”. Thượng đế yên trí, bèn đặt ruồi trâu vào một cái rổ thưa và bắt tay vào nhóm lửa như thường lệ. Chui vào trong rổ, ruồi trâu theo dõi các thao tác làm ra lửa nên mặc dù bó đuốc cháy được Thượng đế trao cho nó, giữa đường bị tắt, ruồi trâu cũng không bận tâm lắm về chuyện đó, bởi lẽ nó mang theo về bí mật của cách nhóm lửa của nhà trời.Khi nó về tới nơi, mấy anh em chào nó và lo lắng hỏi:
“Lửa đâu? Lửa đâu?”. “Hãy chú ý đây - ruồi trâu đáp - Các anh lấy cho tôi một mảnh gỗ nhỏ như bàn chân con hoẵng và mỏng bằng râu con tôm: cắt một khấc sâu trên gỗ rồi ốp đám xơ gai xung quanh như một ổ của lợn con- Lúc đó các anh kéo thật nhanh sợi dây từ phía trước ra phía sau cho đến lúc khói bay lên mặt các anh”. Mấy anh em thao tác đúng như lời khuyên của ruồi trâu và chẳng bao lâu ngọn lửa bốc lên từ một đám khói, và họ có thể nấu chín thức ăn của họ. Con người vẫn còn tiếp tục nhóm lửa theo cách đó và ruồi trâu vẫn giải cơn khát trên đùi của những con trâu và trên bắp chân của những người to lớn cũng như những người bé nhỏ.Trong chuyện cổ tích này, mưu mẹo của ruồi trâu nhìn qua kẽ hở của một cái rổ giống như mưu mẹo của người đàn ông trong chuyện cổ tích tương ứng của những người Nia.
* * *
Những người Kachins ở Myanmar nói rằng thời khởi thủy con người ta không có lửa, họ ăn sống thức ăn, thân hình gầy gò và bị lạnh cóng. Những phía bên kia bờ sông Irraouaddy có một thần linh tên là Wun-Lawa-Makam, thần linh này có một ngọn lửa đốt cháy mọi loài gỗ dù là tươi hay khô. “Đó chính là thứ chúng ta cần”, mọi người bảo nhau như vậy. Vì vậy họ cử Kumthan Kumthoi Makam đến gặp Wun Lawa Makam để mượn lửa. Vị sứ giả qua sông trên một chiếc mảng, và chẳng bao lâu đến chỗ Wun Lawa Makam và nói: “Bố già hùng mạnh ơi, chúng con bị lạnh cóng, chúng con ăn sống mọi thức ăn và chúng con rất gầy, xin bố cho chúng con ít lửa”. Thần linh đáp: “Loài người các con không thể nào có Thần Lửa được, Thần sẽ gây ra cho các con quá nhiều tai họa”. Nhưng sứ giả than vãn: “Hãy thương lấy chúng con, bố già hùng mạnh ơi! Chúng con đau khổ biết bao nhiêu”. Thần linh bèn bảo: “Ta không thể cho các con Thần Lửa, nhưng ta sẽ bảo các con cách nhóm lửa như thế nào”. Vị sứ giả vui mừng quay về gặp lại những người đã cử mình đi. Nghe được tin mới này, mọi người cho đi tìm ngay một người đàn ông tên gọi Tu và một người phụ nữ tên gọi Thu, rồi cả hai người cọ xát hai thanh tre vào với nhau. Chẳng bao lâu, lửa toé ra từ những mảnh tre, và từ bấy giờ mọi người có thể sưởi ấm và nấu chín thức ăn.
Theo một chuyện cổ tích Trung Hoa, ‘‘một nhà thông thái vĩ đại đi tản bộ sang bên kia đường ranh giới của mặt trăng và mặt trời; ông nhìn thấy một cái cây, trên cây một con chim đang mổ vào cành cây và làm các tia lửa bắn ra. Nhà thông thái rất lấy làm lạ, ông lấy một cành cây và lấy lửa từ trong đó ra, vì vậy nhân vật vĩ đại này được mệnh danh là Suy-jin”. Do vậy hình như trong tiếng Trung Hoa từ suy chỉ một dụng cụ để nhóm lửa và từ myh-say có nghĩa là một dụng cụ làm cho tia lửa bắn ra bằng cách xoay tròn xát mạnh hai mảnh gỗ vào nhau; và Suy-jin-she là tên của người đầu tiên làm ra lửa cho mọi người sử dụng. Rõ ràng từ câu chuyện vừa kể rút ra kết luận là việc khám phá ra lửa bằng cách cọ xát hai mảnh gỗ với nhau, những người Trung Quốc thường gán cho một nhà thông thái quan sát một con chim mổ vào thân cây làm tia lửa bắn ra.
* * *
Trong một bộ tộc Tartare ở vùng nam Siberia có một chuyện cổ tích về nguồn gốc ngọn lửa. Ở đây người ta kể rằng khi Kudai, Đấng sáng tạo chế tác ra con người, Ngài nhận thấy: “Con người sẽ trần truồng, vậy làm sao mà sống nổi trong giá lạnh, cần phải khám phá ra lửa”. Vậy mà, một người đàn ông nào đó tên là Ulgon có ba cô con gái. Ba cô này không biết cách nhóm lửa, cũng chẳng biết cách khám phá ra việc đó như thế nào. Lúc đó Kudai tới. Bộ râu của Ngài thì dài, Ngài giẫm cả lên râu và vấp ngã. Ba cô con gái của Ulgon chế nhạo Ngài và Ngài nổi giận. Nhưng ba cô nấp rình ở cạnh đường đi đế nghe xem Ngài nói gì. Ngài nói: “Ba đứa con gái nhà Ulgon chế nhạo ta và chúng cười cợt nhiều đến nỗi chúng không thể khám phá tính sắc bén của đá và tính rắn chắc của sắt”. Khi biết được điều đó, ba cô con gái của Ulgon bèn lấy hòn đá sắc cạnh và thanh sắt rắn chắc đập mạnh vào nhau làm cho tia lửa bắn ra.
* * *
Những người Yakouts vùng Bắc Siberia nói rằng: “Việc khám phá ra lửa xảy ra như thế này: Vào một ngày nóng nực mùa hạ, một ông già sau khi lang thang trong núi ngồi xuống để nghỉ ngơi và vì không có việc gì làm nên ông cụ cầm hai hòn đá đập vào nhau, những tia lửa do cuộc va chạm bắn ra, bén vào cỏ và những cành cây nhỏ khô. Lửa lan rộng và từ khắp bốn phía, người ta chạy tới để xem hiện tượng kỳ diệu mới phát sinh. Lửa càng lan rộng, càng bốc cao thì càng làm tăng thêm những tiếng kêu thét khiếp sợ, nhưng may thay một trận mưa rào rơi xuống dập tắt lửa”.
* * *
Những người Bouriate vùng Nam Siberia kể lại một chuyện cổ tích có khác đi về nguồn gốc ngọn lửa. Họ nói rằng, thời nguyên thuỷ, loài người không có lửa. Họ không tài nào nấu chín được thức ăn, họ đói và rét. Một con chim én thương xót họ và lấy trộm lửa của Tengri, tức là ông Giời, cho họ. Nhưng Tengri nổi giận, lấy chiếc cung nhằm bắn con chim én. Mũi tên không trúng thân chim nhưng xuyên qua đuôi nó, và vì vậy ngày nay đuôi chim én vẫn còn bị tách làm đôi. Chính chim én đã mang lửa xuống cho con người. Con người từ đó rất vui sướng và không hề làm hại một con chim én nào. Ngược lại người ta vui sướng khi thấy chim én về làm tổ trong các mái lều của họ.
* * *
Ở những người Sema thuộc bộ tộc Naga vùng Assam có một truyền thuyết kể lại rằng ở đó ngọn lửa không được biết tới. Họ cho là vào thời buổi ấy, mọi người có lông dài như những con khỉ để chống rét. Nhưng J. H. Hutton, người đã cung cấp cho chúng ta một bản tường trình quí báu và rất đầy đủ về bộ tộc này, chưa hề gặp một người Sema kể với ông xem lửa đã được khám phá như thế nào. Tuy nhiên, những láng giềng của họ, những người Chang, lại biết rất rõ về lửa. Họ nói rằng việc khám phá ra lửa do hai người phụ nữ nhìn thấy một con hổ nhóm lửa bằng cách rút một cái gai ở phía dưới bàn chân, bởi vì cho đến lúc đó, muốn có lửa, mọi người phải trông chờ ở lòng tốt của con hổ. Những người Sema vẫn còn lấy lửa theo cách học được của con hổ bằng cách rút thật mạnh từ phía trước ra phía sau, một mảnh tre mềm kẹp trong chạc đôi của chiếc gậy cho đến khi cái bùi nhùi đặt phía dưới cái chạc bắt đầu bén lửa, lúc đó người ta thổi mạnh cho bùi nhùi bốc lửa. Tuy nhiên, theo một bộ tộc Naga khác thì đó không phải một con hổ mà là một con khỉ và một phụ nữ trông thấy nó đang nhóm lửa.
* * *
Những người Ao, bộ tộc Naga trên phía Bắc, sát biên giới những người Sema đã tiếp nhận dị bản của huyền thoại này. Họ nói rằng một thời xa xưa, lửa và nước đối chọi với nhau. Lửa không kháng cự nổi với nước nên chạy trốn vào các cây tre, hòn đá và ở đó cho đến ngày nay. Nhưng, một hôm họ lại đánh nhau và lửa tung ra toàn bộ sức mạnh của mình, và ngọn Đại Hoả (Molomi) mà các cụ già nói đến rất lâu, trước khi những nhà truyền giáo kéo đến xứ sở, đã thiêu rụi tất cả kể từ hai bờ sông Brahmapoutre và đốt cháy mọi vật trên mặt đất. Tuy nhiên, cuối cùng nước thắng thế vì một trận lụt đuổi theo ngọn Đại Hoả, và nhấn chìm vĩnh viễn mặt đất. Có điều là khi lửa bỏ chạy vì bị nước đuổi theo, không một ai ngoài con châu chấu nhìn thấy lửa trốn vào chỗ nào. Với đôi mắt to cố định, con châu chấu nhìn thấy hết và ghi nhận nơi ngọn lửa trườn tới và náu mình trong những hòn đá và những cây tre như thế nào. Vào thời đó, con người có lông lá như con khỉ. Vì con châu chấu nói cho con khỉ biết nơi ẩn náu của lửa và con khỉ làm cho tia lửa bắn ra từ một đoạn dây bằng tre có lửa.
Nhưng con người rình mò và lấy trộm lửa của khỉ. Vì vậy ngày nay những con khỉ không có lửa, và chúng giữ được thân nhiệt bao nhiêu tuỳ thuộc vào bộ lông của chúng. Con người, ngược lại đã mất bộ lông bởi vì không cần đến nó nữa, họ đã có lửa để thay thế. Do ngọn lửa ẩn nấp trong cây tre và những hòn đá, nên những người Ao ngày nay vẫn còn nhóm lửa với một sợi dây có lửa bằng tre bện hoặc với một hòn đá và mảnh sắt. Sợi dây có lửa là theo kiểu quen thuộc của người Naga. Người ta nhét hòn đá vào giữa chạc chẻ làm đôi của chiếc gậy gỗ khô. Người ta rải xuống đất cái bùi nhùi làm bằng những sợi bông vụn, dùng chân giữ thật chặt cái gậy có chạc đôi. Người thao tác luồn một sợi dây tre bện xuống dưới chạc gỗ, mỗi tay cầm một đầu sợi dây kéo đi kéo lại thật nhanh. Chưa đầy một phút, bùi nhùi bén lửa.
Trong chuyện kể của người Ao vừa nói ở trên, cuộc chiến tranh giữa nước và lửa có những bản sao chép lại trong những huyền thoại, như chúng ta đã thấy, do những thổ dân của Ongtong Java và những đảo Gilbert kể lại, cũng như những người Toradya đảo Célèbes, và chúng ta gặp một huyền thoại khác tương tự ở những người Sakalave và những người Tsimihety ở Madagascar.
* * *
Những người Lori vùng Beloutchistan, là những thợ rèn truyền đời có thái độ tôn kính ngọn lửa đặc biệt, coi như một quà tặng mà ông trời trao cho David, quà tặng này người lấy từ bọc ra khi David hỏi người làm thế nào để nung chảy được sắt. Họ nhóm lửa bằng đá lửa cộng với thanh thép.
* * *
Ở Ceylan một chuyện cổ tích phổ biến về con chim đớp ruồi màu xanh đen có đuôi như chim én (kawudu panikka) và kẻ thù sống còn của nó, con chim quạ nói rằng con chim đớp ruồi giống như thần Prométhée, mang lửa từ trên trời xuống mặt đất, vì hạnh phúc nhân loại. Con quạ ghen tức với niềm vinh dự này bèn nhúng đôi cánh của mình xuống nước rồi cho nhỏ giọt xuống đống lửa và dập tắt lửa. Kể từ đó, có mối thù sống còn giữa hai giống chim này.
Nguồn: Các huyền thoại về nguồn gốc của lửa (tên gốc: Myths of the Origin of Fire, 1930), James George Frazer - Ngô Bình Lâm dịch, Phạm Minh Quân hiệu đính, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2019, tr.139-149.
tin tức liên quan
Videos
Đền Hồng Sơn
Chuyển đổi số và liên thông Thư viện - xu hướng phát triển tất yếu
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Thống kê truy cập
114513586
259
2313
21523
220459
121356
114513586