Những góc nhìn Văn hoá

"Hát mừng nhà mới": Dân ca nghi lễ - phong tục Thái

1. Làm nhà - đó là một trong những công việc trọng đại của một đời người, nhất là đối với người miền núi trước đây. Từ cội nguồn xa xôi của lịch sử dân tộc, người Thái đã phải học cách làm lán, làm chòi, rồi tiến lên làm cái nhà sàn truyền thống như chúng ta biết ngày nay. Nhờ rùa thần mách bảo mà họ biết làm mái nhà khum khum hình mai rùa (đối với người Thái đen). Lại nhờ quan sát con chim đại bàng dưới trời mưa mà họ biết lợp mái nhà làm sao cho nước khỏi chảy vào nhà… Những truyện cổ ấy chứng tỏ họ đã phải lao động, sáng tạo bao nhiêu vì một mái nhà che mưa nắng, gió bão, che cuộc đời của biết bao thế hệ tộc người Thái. Trước đây, chỉ với con dao, cái rìu, người ta đã làm nên ngôi nhà sàn bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá nổi tiếng. Họ đã phải đổ bao mồ hôi, công sức… Làm nhà xong, họ tổ chức lên nhà mới với một nghi thức trang trọng, linh thiêng. Họ làm lễ mừng nhà mới. Họ hát mừng nhà mới. Không mừng sao được? Từ đây gia đình đã có nơi ăn chốn ở yên ấm. Không vui sao được? Từ nay họ chỉ còn lo công việc ruộng nương, chăm nuôi con trẻ trưởng thành… Ngôi nhà! Đó còn là niềm hy vọng vào một ngày mai no ấm, hạnh phúc hơn. 

 

2. Một ngôi nhà sàn mới đã làm xong! Ta hãy hình dung chủ nhà mừng vui đến nhường nào! Ông bảo vợ con quét tước sạch sẽ, đóng hết các cửa lại, chưa ai được ở bên trong. Còn ông thì phải đến nhà “xay nghên” (thầy xem ngày) nhờ chọn cho ngày-giờ tốt để tổ chức lễ “lên nhà mới” (hừn hươn mở). Chuẩn bị đầy đủ đâu vào đấy, cả nhà đứng xếp 1 hàng dọc trước chân thang ở cuối nhà (1 ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái có 2 cầu thang, 1 bắc lên phía đầu nhà dành cho đàn ông, con trai và khách; 1 ở phía cuối nhà dành cho đàn bà con gái, chủ nhà). Mỗi người mang theo các vật dụng gia đình cần chuyển lên nhà mới như: hòm xiểng, chăn đệm, thóc gạo, bát nồi… Đứng đầu là ông chủ, đeo kiếm ngang lưng, 1 vai mang súng kíp (nếu có), 1 vai vác cày, tay xách nồi ninh (dùng thừng trâu buộc cổ nồi để xách) và túi “tạy” (túi này sẽ nói sau). Thứ 2 là bà chủ, vai đeo go, lưng địu con nhỏ, tay xách giỏ kim chỉ và những thứ hạt giống: rau, bông, hành tỏi, gừng ớt… Tiếp theo là con trai, con dâu (nếu có), con gái, và những người bà con tham dự. Sau cùng là 2 chàng trai khiêng 1 con lợn đã làm sạch gọi là “mú hừn hươn” (lợn lên nhà). Một ông trong dòng họ được chọn làm “thần chủ nhà mới” tượng trưng, bí mật lẻn lên đứng trong nhà trước khi hành lễ. Bắt đầu, ông chủ nhà gọi với lên nhà 3 lần: “Có nhà không chủ nhà ơi?”. Thần chủ nhà thưa: “Ờ… có nhà!”. Ông chủ nhà nói tiếp: “Tôi từ Mường Lay mới sang/ Từ Mường So, mường Là mới về/ Giờ hay, ngày lành/ Tôi xin lên nhà mới nhá!/ Tôi sẽ gánh của lên nằm/ Khuân đồ lên ở/ Nhà hay sẽ lên ăn ở/ Nhà rộng sẽ lên sinh sống/ Lên nhà này để giàu/ Ngồi nhà này để có/ Bạc vàng chảy vào/ Thóc gạo dồn chất đống, nhá!”. Thần chủ bảo: “Ờ… lên đi! Nhà tốt hãy lên ở/ Nhà rộng hãy lên  sinh sống/ Trẻ nhỏ lên sinh sôi/ Già lão lên phúc thọ, nhá!” (1). Ông chủ giậm bậc thang dưới cùng 3 lần, đánh động, phủi bụi, rồi lên thang. Mọi người lên theo. Ông đẩy cửa, bước vào nhà, đi qua ngưỡng cửa thì hạ cày xuống, đẩy cày trượt trên giát nhà đi vào, vừa đi vừa đọc phù chú “trị sát” (khốm khuông): “Nào đâu ma sát rông nhà trước chủ/ Mũi cày gang cong veo ta đây/ Ta sẽ cày đồng hay ruộng tốt lật luống/ Cày “cọ lọ hóng” (bàn thờ) hất ma/ Ma có chạy thì chạy/ Ma không chạy cẳng què/ Ma chần chừ nổ mắt/ Óc ma phọt như vôi/ Gân cổ ma đứt rụng ngay giờ!” (2) (Nhắng mí phi khuông long hươn cón chảu/ Lọng ngọng xốp thay khang cu ma/ Cu chí thay na li na ngam phựn hong/ Thay kọ lọ hóng xia phi/ Phi chí ni lỏ ni/ Phi báu ni khả hản/ Phi chạn ni ta ték/ Ék phi phụng pan phon/ Ên ko phi khát tốc khạy nị) (3). Vào đến bếp lửa thì ông đặt nồi ninh xuống, đi tiếp đến cửa chính ở đầu nhà, quay vào chỗ bàn thờ, dựa cày vào bức phên giáp bàn thờ, lấy 1 cái đinh đóng vào cột “xau hóng” (cột bàn thờ), treo túi “tạy” vào đấy. Đoạn ông quay ra tháo súng, kiếm treo vào “xau chảu xửa” (cột “thần chủ áo”), nơi vách ngăn gian ngoài với gian trong, góc trên, giáp buồng ông chủ nhà. Chỉ đến lúc đó mọi người mới được hạ các thứ đồ đạc khác xuống. Con lợn được đặt gần bếp lửa, trên lá chuối xanh, để pha chế, nấu nướng, sửa mâm thờ và làm cỗ ăn mừng nhà mới. Đặt đồ xong, những người ngoài gia đình có lời chúc phúc cho ông bà chủ nhà. Người đại diện cho “lung tá” (đằng ngoại, thường là ông cậu) tiến hành nghi thức đặt hòn đầu rau vào bếp. Bà chủ nhà đưa ghế mây mới cho ông ngồi. Bếp mới đắp, đất chưa khô hẳn. Ông dùng mũi dao nhọn khoét 1 lỗ nhỏ, đặt 1 hào bạc xuống, lấp lại, rồi đặt cố định 3 hòn đầu rau lên. Hào bạc đó để “cúng” dâng thần bếp và cầu mong cuộc sống no đủ. Đoạn, ông nhóm lửa. Ngọn lửa này gọi là “xanh phay hươn” (tia lửa nhà), được giữ luôn cháy cho đến tận ngày sau. Ngọn lửa này quan trọng đến nỗi người ta gọi ngày lên nhà mới là “mự xanh phay hươn” (ngày tia lửa nhà). Tiếp theo, bà chủ nhà bắc nồi ninh lên bếp, bắt đầu hông xôi. Trong lúc đó, ông “lung tá” đi xuống dưới gầm sàn, tết 1 cái vòng dây mây hay dây rừng gọi là “pók lốc quai” (vòng buộc trâu) quanh chân cột “xau chảu xửa” (đã nói ở trên) để buộc trâu. Đoạn, ông cắm tiếp chỗ làm chuồng gà, chuồng lợn gọi là “mai lộc cáy, cọ mu”. (Bây giờ thì người ta đã dời chuồng súc vật ra ngoài).

Lễ lên nhà mới ở các vùng Thái giống nhau về cơ bản, nhưng có khi cũng có những nét riêng. Ví dụ ở vùng Mường Sang (Sơn La) người thay mặt dòng họ không lên nhà trước làm “thần chủ nhà mới” mà trực tiếp dẫn đoàn người lên. Ông cầm theo 1 khúc củi mồi lửa, 1 cành lá xanh và kiếm tuốt trần. Ông giậm chân 3 lần bậc thang dưới cùng, rồi 1 mình lên nhà trước. Khi chạm chân đến giát đầu cầu thang ông lại giậm mạnh chân 3 lần nữa. Vào nhà, ông đặt thanh củi vào bếp để “lung tá” nhóm lửa, sau khi đã định vị các đầu rau. Đoạn, ông cầm cành lá xanh làm chổi, quét quét trên giát nhà, 1 tay vung kiếm ý xua đuổi tà ma, đi ra gian ngoài rồi lại vòng vào gian trong. Vừa đi ông vừa đọc phù chú trừ tà: “Này đây, nhà tao tao lên ở/ Bảo chúng bay hãy chạy hãy biến/ Ma phù thủy phù phép/ Ma rắn uốn éo răng cong/ Ma vò vẽ, ong, muỗi/ Ma chết yểu chết non/ Ma ranh, ma nhóc/ Ma đá, ma núi/ Ma sến, ma chò/ Ma dịch, ma toi/ Ma cà rồng ăn ngóe, ăn rắn/ Chúng bay hãy mau chạy/ Không chạy tao sẽ giết sẽ chém” (4) (Ăn nị hươn ku, ku chí ma dú/ Bók hảư xu len xu ni/ Phi da bôm da bai/ Phi ngu nghẹo khẻo com/ Phi tó phi ten/ Phi pộc phi pai/ Phi cướt nọi cướt ón/ Phi đán phi pha/ Phi chuông phi hao/ Phi ha phi heo/ Phi phông kin khiết kin ngu/ Xu chí pai lỏ pai/ Báu pai ku chí khả chí phăn) (5).Cuối cùng, ông vứt cành lá đó xuống đất, qua cửa sổ. Rồi ông làm động tác “quát hại ni, li khảu” nghĩa là “gạt xấu đi, gạt tốt vào”. Ông lấy ra 1 que đóm, uốn cong lại như cần câu, nói: “Tốt gạt vào nhá!” (Li quát khảu nơ!), rồi bật 1 cái “tách”, nói: “Xấu gạt đi nhá!” (Hại quát ni nơ!). Làm xong, ông vứt que đó xuống sàn. Ông lại rút ra 1 que thứ 2, cũng làm lặp lại như vậy. Ông đi từ gian trong ra gian ngoài, rồi lại quay vào. Xong, đứng giữa nhà, ông nói to vọng xuống sân: “Chúng mày ơi!/ Nhà đã hay/ Ma đã chạy rồi/ Hãy lên củi lửa, bếp núc/ Dọn dẹp, ăn ở tốt lành, phúc thọ đi!” (6). Lúc đó ông chủ nhà mới thưa và dẫn đoàn người lên nhà mới. Chủ nhà không phải làm động tác cày giữa nhà nữa, vì đã có người đuổi trừ tà ma rồi. Ở vùng Thái trắng như Mường Chiên, Mường Lay (Lai Châu) không có thần chủ và người dẫn đầu như trên. Ông chủ nhà tự đọc lời “trị sát” (khốm khuông). Khởi đầu, ông giậm chân 3 lần bậc thang dưới cùng, đọc: “Đuổi sát, đừng sát (3 lần)/ Đừng sát tơ đan chài/ Đừng sát sợi đang dệt/ Đừng sát con gái con trai/ Đừng sát trâu sừng tròn cày bừa/ Đừng sát vợ xinh đẹp nằm đôi/ Sẽ sát, lên sát cây sấu cây sâng trong rừng/ Phát đạt!/ Lên nhà này hãy giàu/ Ngồi nhà này hãy có/ Bạc vàng chảy dồn vào/ Gạo của về chất đống” (7) (Xắp khuông nha khuông/ Xắp khuông nha khuông/ Xắp khuông nha khuông/ Nha khuông lải ngươn he/ Nha khuông pe nả húk/ Nha khuông lụk nhinh chai/ Nha khuông quai khau com háy cả/ Nha khuông lả hạ họn non xang/ Chí khuông mưa khuông co củ co cha cuông đông/ Mả khửn!/ Khửn hươn nị hảư hăng/ Năng hươn nị hảư mi/ Ngỏn kăm lay ma khảư/ Khảư nặm lay ma cong)(8). Xong, ông bước lên nhà mới. Ông cũng không làm động tác cày giữa nhà nữa. Ở đây, bà chủ nhà lại xách nồi ninh, bầu nước và quạt. Đặt nồi ninh xuống bếp, bà dùng nước trong bầu rảy ra khắp nhà và cầm quạt phe phảy, ý làm cho nhà mát mẻ, sạch sẽ; người mát tính mát nết, mát chân mát tay, làm ăn phát đạt….                      

Trở lên, ta thấy trong lễ lên nhà mới của người Thái có cái cày và thừng trâu (buộc cổ nồi ninh). Điều đó chứng tỏ họ rất coi trọng việc ruộng nương, lo cho đủ lúa ăn: “Thiếu thóc gạo thiếu mọi bề/ Có thóc gạo có mọi thứ” hay: “Có cơm ăn mới có nhà ở”. Họ đã đúc kết như vậy. Đem cày và chạc mũi lên nhà tức là đã đem “hồn vía” trâu vào nhà, hy vọng trâu sẽ được an ủi, tích cực làm ăn cùng người. Sau khi đã nấu nướng chuẩn bị mâm cỗ xong thì tiến hành cúng nhà mới (phai hươn mớ). Chủ nhà, hoặc mời thầy mo làm lễ này. Ông mở chum rượu cần trước bàn thờ, cắm 2 cái vòi trúc, lấy que bẻ gập làm hình cái quạt tượng trưng để quạt phe phảy. Cho đặt mâm cúng lên bàn thờ (gian ngoài, góc trên, phía ngoài). Trong mâm cúng có, thịt lợn: đầu, cằm, đùi, xương sống, sườn, mông, đuôi, gan, lòng, tiết canh; gà: 1 con; chai rượu; xôi, muối; trầu cau… Bài cúng có nội dung chính là mời tổ tiên về ăn cỗ, chứng kiến con cháu vào nhà mới, phù hộ độ trì cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn khấm khá… “Bốn cột chôn/ Sáu cột dựng/ Ống nước mát uống lành/ Đèn mắt trâu lại treo/ Gắp tranh cọ đặt/ Tranh cọ xịch đến/ Gắp tranh săng đặt/ Tranh săng kéo lên/… Cháu trai chập 2 tay, xõa tóc xuống cúng/ Hai khuỷu hạ xuống mời/ Mời tổ tiên trước bàn thờ ăn lễ/ Mời tiên tổ giữa nhà ăn cơm/ Tổ tiên họ Quán Vi (…)/ Mời cả tổ mường ngồi ngoài bản/ “Lèn đá to” (tổ) ngồi giữa mường/ Lại ăn cỗ với ma chủ/ Lại ăn cơm với ma nhà/… Tổ mường xong việc rượu hãy quay chân về/ Xong việc cháu con hãy trở chân đi/ Về bịt cửa nước lấy cá/ Bịt cửa ruộng lấy lúa/ Chống tay cửa ván “bố tạo” (quý tộc) muôn đời…” (9). Cúng xong khoảng 1 tiếng thì hạ cỗ, soạn mâm bát ra ăn uống vui vẻ mừng nhà mới. Lúc này có thêm một số anh em họ hàng, láng giềng xung quanh được mời đến tham gia. Ăn uống xong, chủ nhà lại mời thêm mọi người già trẻ, gái trai trong bản đến uống rượu cần, nghe hát mừng nhà mới.

 

3. Bản nào cũng có nghệ nhân hát “nhuôn, lăm, xuối” (các làn điệu dân ca của người Thái nhóm Tày Mường, Tày Chiềng), “khắp” (làn điệu dân ca của người Thái nhóm Tày Thanh, Tày Mười). Trong lễ mừng nhà mới như thế này thì họ sẽ trổ tài hát những bài “Khả kháu hươn” (Cúng vào nhà, 402 câu): “Cơm xong, ông chủ chẳng được ở không/ Sau bữa trưa chiều, chẳng được ngồi rỗi/… Thấy 1 cây giữa rừng khỉ nhảy/ Cây giữa đỉnh khỉ rung, không lấy/… Tìm tiếp liền gặp cây/ Cành dựng như cẳng người chổng ngược/ Cây trơ thân chỉ trời, không lấy/… Lên gặp 1 cây/ Ngọn nó dày tổ chim/ Gốc nó có tổ vắt/ Cây già nhăn già nheo, chẳng lấy/… Lên đến gặp 1 cây/ Ngọn nó gà rừng bay đến ngủ/ Rồng phượng bay đến chơi/ Lấy được, không hay lắm/ … Mới lên với cây giổi/ Đến cây bứa vút cao/ Lõi đỏ mắt thủ thỉ/ Thấy rằng, gốc nó chồng chất vòng buộc trâu/ Ngọn nó lắm tổ chim/ Gốc rễ nhiều gà vịt/ Ngọn rễ lắm bò trâu/ Cành đầy con trai gái/ Lõi rậm dày tóc bạc/ Dác nó dác bạc vàng/ Giữa thân lắm dâu mới thông giỏi/ Sum họp như khóm sẹ/ Xùm xòa như khóm tre/ Cây hay lắm cành tỏa/ … Bấy giờ dao lưỡi xanh ông chủ mới phát/ Rìu lưỡi sắc mới chặt…” (10) (Kin khảu lẹo ông chảu hươn chắng báu đảy dú đai/ Kin leng cánh kin ngai lẹo kọ báu đảy dú lạ/ … Chắng hên tổn nưng cánh lăm nưng/ Mạy cang đông linh teo/ Mạy cang kéo linh xe, báu au/… Chắng mưa hên tổn nưng cánh lăm nưng/ Mạy tẳng nga kha kôn/ Mạy chặc chôn chị phạ, báu au/ … Chắng mưa hên tổn nưng cánh lăm nưng/ Pai măn xọn hăng nộc/ Cốc măn mi hăng tạk/ Mạy thảu ắt thảu éo, báu au/… Chắng mưa hên tổn nưng cánh lăm nưng/ Pai măn cáy thướn bin ma non/ Luông kon bin ma qua/ Hák va au đảy báu li đai/… Chắng mưa xú cốc mạy hăm/ Mưa xú lăm mạy hảu/ Lăm mạy hảu ta lăm kén đanh/ Hên to cốc măn xọn pók lốc quai/ Pai măn xọn hăng nộc/ Cốc măn xọn pết cáy ma đai/ Pai hạk xọn ngua quai ma lắm/ Nga măn xọn lụt tảu đai xắm nhinh chai/ Kén măn xọn phôm hók/ Mọ măn po ngân kăm/ Cang lăm xọn kôn li pạư maứ/ Xum hum xương xum ka/ Xo quạ xương xum xang/ Hên to lăm li xọn đai nga/… Mưa nặn pạ koom cắm ông chảu hươn chắng thang/ Khoan côm bang khảu hẳm”(11). Bài thứ 2: “Xắp hính” (Đuổi tà, 51 câu): “Giờ đây thần chủ áo (chủ nhà) có bạc vàng mà thuê Mo tôi đuổi/ Đuổi sạch đực tà già và nái tà to/ Từ đây tà đừng húc nàng gia chủ đang sức/ Đừng húc Tạo thần chủ áo đang làm nên, sống bền/ … Đừng húc Mo mặc áo cổ mỏng cúng rượu/ Đừng húc người già ngồi mâm/ Đừng húc nàng quan tươi tỉnh/ Đừng húc dâu má hồng trong nhà/ Từ nay Mo tôi sẽ đuổi tà lên đằng trên theo mưa gió/ Sẽ quét tà đi đằng dưới theo cơn mưa dông/ Đuổi tà theo rắn vào ụ mối/ Đuổi tà theo nước vào hang sâu/ Quét tà đi tận đáy cát vàng/ Từ nay nàng chủ gia hãy phúc hậu/ Tạo chủ áo hãy phát đạt thọ lâu” (12) (Ka nị chảu xửa chắng mi ngân cánh kăm ma chảng lang mo khỏi xắp/ Xắp xia phủ hính ké cánh me hính luông/ Ka nị hính nha tặc cánh nha to nang chảu hươn đang mả/ Nha to tạo chảu xửa đang dú dưn cánh kin dưn/ … Nha to mo nung xửa ko bang xển lảu/ Nha to thảu cánh ké năng hang/ Nha to nang cun quan nả núm/ Nha to pạư nả chum cuông hươn/ Ka nị lang mo khỏi chí xắp hính mưa tang nưa toi há phôn xải/ Quải hính pay tang tảư toi hả phôn lôm/ Xắp hính khảu chóm puốk đom ngu/ Xắp hính khảu hu chán đom nặm/ Quát hính pay cá cẳm đin he xai lương/ Ka nị nang chảu hươn chắng hảư li mả/ Tạo chảu xửa chẳng hảư mẳn kén dưn hâng” (13). Bài thứ 3: “Xỏng xên” (Cúng chúc, 65 câu): “Đã cúng rồi sẽ ở lành ngủ ngon/ Sẽ sống hay như rồng lớn/… Hãy sống đẹp êm tựa trăng rằm/ Lên nhanh như ngọn măng Hốc (1 loại tre)/ Bốc nhanh như ngọn dưa gang/… Trồng lúa bông hãy tốt lành mọi cây/ Cấy vụ sớm hãy tốt tươi mọi khóm mọi thửa/ Bông lớn như bông mía/ Bông nhỏ như bông lau/ Bông mập như hoa sẹ/ Mẩy hạt như trứng ngóe/ Chắc bông như trứng cua/ … Được nhiều nghìn bung đổ vựa/ Lúa vạn chất đầy kho/ Thần chủ áo đứng cửa vựa cầm cân bán lúa/ Đứng cửa kho xách cân thu của/ … Nuôi bò sẽ đầy đàn nhiều nái nhỏ to/ Nuôi trâu sẽ sinh sôi lắm đực nhiều cái/ Sẽ có 330 đực sừng to/ 990 nái sừng nhọn/ Sừng nhọn như cựa gà/ … Gom bạc sẽ có bạc nhiều thỏi/ Gom vàng sẽ có vàng lắm vòng/ … Bạc vàng chảy về chất đầy bao/  Nuôi gà vịt sẽ sinh nở như sao/ Người mường xa sẽ gả nàng gái/ Sẽ có dâu xinh đẹp đầy nhà/ Từ đây thần chủ áo nuôi con út sẽ thành đạt/ Nuôi cháu nhỏ sẽ lớn khôn/ Sẽ có cháu nội mời ăn trưa/ Sẽ có cháu ngoại mời ăn tối/ Chống gậy chơi sân về ăn chiều…” (14). Cuộc vui sẽ còn kéo dài hết ngày, có khi còn thâu đêm.

Nhưng có “nhà” chưa có “hồn”! Cần phải đưa hồn vào nhà thì mới hoàn tất. Sau lễ “lên nhà mới” chừng 10 ngày thì tổ chức lễ “nếp tạy”. “Tạy” đã nói tới ở trên, là túi bên trong đựng “ho” (cái giỏ nhỏ tượng trưng cái nhà cho Một - thần mường trời xuống ở canh nhà, chăm cháu nhỏ; quạt nan, cung [vũ khí cho cháu trai], bật bông [dụng cụ làm vải cho cháu gái]… “Tạy” hôm nay sẽ được đem vào treo trong buồng, trên đầu cột giáp với buồng gia chủ. “Nếp tạy” là lễ rước gia tiên và thần hộ mệnh nhập nhà. Trong lễ này cũng cúng gia tiên, diễn xướng các bài “Khả kháu hươn”, “Xắp hính”, “Xỏng xên”.               

4. “Hát mừng nhà mới” đúng là dân ca nghi lễ - phong tục Thái độc đáo đặc sắc. Cuộc sống luôn thay đổi. Ngày nay có người Thái không còn ở nhà sàn nữa. Nhưng những người đã có tuổi, dù là ở thị trấn, thị xã, thành phố, nhớ về bản quê là họ lại nhớ đến ngôi nhà sàn. Những buổi diễn xướng các bài hát mừng nhà mới lại hiện về trong tâm trí họ. Sức sống của các bài dân ca nghi lễ - phong tục đó thật sự bền lâu.

 

                                                                       

 

Chú thích

(1) Vương Trung, Nhà sàn cổ người Thái Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, H., 1997, tr. 55. Cảm ơn tác giả đã gửi tặng tài liệu này.

(2), (3) Vương Trung, Sđd, tr. 56.

(4), (5) Vương Trung, Sđd, tr. 59-61.

(6) Vương Trung, Sđd, tr. 61.

(7), (8) Vương Trung, Sđd, tr. 62-63.

(9) Cúng nhà mới/ Xở hươn mở, Vi Văn Phương (Bản Mọn, Châu Quang, Quỳ Hợp, Nghệ An) đọc; Sầm Thị Phiên ghi; bản dịch của chúng tôi.

(10), Vương Trung, Sđd, tr. 151-153.

(11) Vương Trung, Sđd, tr. 133-135.

(12) Vương Trung, Sđd, tr. 167-169.

(13) Vương Trung, Sđd, tr. 165-166.

(14) Vương Trung, Sđd, tr. 172-175.

 

Tài liệu tham khảo

1. Cầm Trọng-Phan Hữu Dật, Văn hóa Thái Việt Nam, Nxb VHDT, H., 1995.

2. Hoàng Nam-Lê Ngọc Thắng, Nhà sàn Thái, Nxb VHDT, H., 1984.

3. Mo khuôn (tiếng Thái)

4. Tam khuôn (nt)

5. Xển mo (nt)

6. Tam tạy (nt)

7. Hắp tạy (nt)

8. Tam một (nt)

9. Cáo hươn mớ (nt)

10. Cáo puông hặc puông chớ (nt)

 

                      

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513548

Hôm nay

221

Hôm qua

2313

Tuần này

21485

Tháng này

220421

Tháng qua

121356

Tất cả

114513548