Những góc nhìn Văn hoá

Văn học dân gian từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay

 Văn học dân gian từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay gồm hai chặng với dấu mốc phân chia là trước và sau khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới (tháng 12 năm 1986). So với văn học dân gian cổ truyền, văn học dân gian hiện đại của người Việt không có các thể loại truyện cổ tích, truyền thuyết, chỉ có các thể loại tục ngữ, ca dao, truyện cười, giai thoại với số lượng tác phẩm đáng kể, và các thể loại câu đối, câu đố với số lượng tác phẩm rất ít ỏi; ở văn học dân gian các dân tộc thiểu số, ngày càng có nhiều nghệ nhân hát kể sử thi qua đời, trong khi không có nghệ nhân trẻ kế tục. Văn học dân gian hiện đại vẫn rất có ích và cần thiết. Gần đây, văn học dân gian còn xuất hiện trên internet. Bài viết còn bước đầu phân tích văn học dân gian người Việt ở nước ngoài.

 

Giới nghiên cứu định danh những tác phẩm văn học dân gian được sáng tác và lưu truyền từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay là văn học dân gian hiện đại. Chúng tôi đã có dịp phân tích văn học dân gian những năm kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954),văn học dân gian những năm kháng chiến chống Mỹ (1955 - 1975). Ở bài này, chúng tôi phân tích văn học dân gian từ sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975) đến nay. Có thể phân chia văn học dân gian trong thời gian vừa nêu thành hai chặng với dấu mốc phân chia là trước và sau khi nước ta tiến hành công cuộc đổi mới.

 

1. Văn học dân gian từ sau ngày đất nước thống nhất đến cuối năm 1986

1.1. Ghi nhận các hiện tượng xã hội mới và châm biếm các hiện tượng tiêu cực

“Ngay sau năm 1975, hiện tượng “Nam nhận họ, Bắc nhận hàng” là tâm lý có thực của người dân hai miền, một bên thì lo lắng tìm kiếm một mối quan hệ nào đó với những người vừa chiến thắng, còn bên kia lại muốn gia tăng điều kiện vật chất cho cuộc sống có quá nhiều khó khăn sau chiến tranh”(1). Có những người miền Bắc mua nhiều đồ đạc, hàng hóa từ miền Nam đem ra Bắc bán kiếm lời(2). Đây là lúc ra đời câu đối dân gian:

Nước nhà không thể hai nhà nước

Hàng họ còn hơn mấy họ hàng(3).

Đây cũng là thời gian lưu truyền các lời ca dao:

+         Ti vi, tủ lạnh, honđa

Không ba thứ ấy không ra con người.

+  Thoắt mua về, thoắt bán đi

    Ti vi, tủ lạnh có khi ba lần.

Trước khi giải phóng miền Nam, có một số người Việt Nam học tập hoặc công tác ở các nước xã hội chủ nghĩa. Mức sống ở Đông Đức cao hơn ở Liên Xô. Khi về nước, người nào học tập hoặc làm việc ở Đông Đức sẽ có tích lũy kinh tế khá hơn người từ Liên Xô trở về. Nhưng một số ít người vào Sài Gòn vơ vét sau ngày giải phóng còn giàu có hơn người từ Đông Đức trở về: “Bảy năm đi Nga không bằng ba năm đi Đức, ba năm đi Đức không bằng một lúc đi Sài Gòn”.

Không phải người cán bộ, người dân nào cũng nhận, cũng đem hàng hóa, quà tặng từ miền Nam ra Bắc. Từ sau năm 1975, GS. Đặng Thai Mai (1902 - 1984) chưa một lần vào Sài Gòn, mặc dù bà con ở Huế như dòng họ cụ Tôn Thất Hân, các trí thức, văn nghệ sĩ ở Sài Gòn mong vợ chồng giáo sư vào miền Nam chơi để họ có dịp hàn huyên thỏa lòng ngưỡng mộ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đôi lần gợi ý để giáo sư vào miền Nam thăm bạn bè, bà con, mà cũng là làm công tác trí thức vận cho Đảng. Thủ tướng sẽ bố trí chu đáo cho cả hành trình. Năm 1976, GS. Đặng Thai Mai đã trả lời một người học trò cũ về lí do ông không vào miền Nam. Ông bảo rằng, nếu ông đi “thì chắc chắn có bà con đi theo. Vào Sài Gòn trong cảnh phồn hoa đô hội đó, mình chỉ có thể chắc chắn giữ được, không bị cám dỗ, còn các bà con khác, ai bảo đảm họ giữ được thanh bạch trước những lạng vàng học trò, bà con mang đến biếu? Thôi gần cuối đời rồi giữ cho trọn vẹn”(4). Một lần khác, GS. Đặng Thai Mai cho biết: Có người học trò cũ viết thư mời ông vào làm thủ tục chuyển nhượng biếu ông một biệt thự để ông vào Nam ở dưỡng tuổi già. Người học trò hai lần gửi thư ra, ông đều không trả lời. Lần thứ ba, anh ta tự làm tất cả thủ tục với Sở Nhà đất rồi gửi giấy tờ ra, ông chỉ kí vào nhận nhà mà ông cũng không làm việc đó. Ông bảo: “Ở cho lắm bất quá cũng chỉ một phòng là đủ, ôm thêm vào mà làm gì. Cái nợ đấy, chẳng những khổ mà nó làm cho mình chịu cái aliénation tầm thường của xã hội”(5).

Nhà văn hóa, nhà thơ Việt Phương (1928 - 2017) tên thật là Trần Quang Huy, đỗ tú tài thời Pháp thuộc, tham gia cách mạng rất sớm, nhiều năm là thư kí riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sau khi nghe câu “Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”, ông có lời nguyền không đem thứ gì ở miền Nam ra Bắc. Sau mười năm, năm 1985, một người cán bộ trẻ hơn, thân tình, cùng đi công tác bảo ông rằng, tình hình đã khác. Lúc đó, ông mới bỏ lời nguyền, nhờ người cán bộ đó mua hộ 2kg chôm chôm, ông đem về Hà Nội và bảo với các con ông rằng đó là quà của các chú cùng đi công tác(6).

Những ứng xử của GS. Đặng Thai Mai, của nhà thơ Việt Phương chỉ được kể lại sau khi họ đã mất. Cái đẹp ấy không được văn học dân gian biết và lưu truyền. Còn những cái chưa ổn, chưa thật đẹp thì tác giả dân gian lập tức nắm bắt và lưu lại cho đời sau, bởi “trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” (ca dao cổ truyền).

Không phải người miền Bắc nào có họ hàng ở miền Nam cũng hưởng lợi kinh tế khi miền Nam giải phóng, thậm chí họ còn phải gánh thêm trách nhiệm. Đây là câu chuyện của GS. Hoàng Tụy (1927 - 2019) kể với một nhà khoa học nước ngoài: “Sau khi Việt Nam bị chia cắt năm 1954, hầu hết anh em gia đình tôi đang ở ngoài Bắc. Nhưng chị tôi và một em trai tôi ở lại miền Nam. Thoạt đầu, em tôi không tìm được việc làm. Cuối cùng chú ấy buộc phải vào quân đội chính quyền Thiệu để nuôi vợ con và bị giết. Tôi biết tin này năm 1975. Vợ chú ấy quẫn trí tự vẫn, để lại bốn con nhỏ. Khi được tin này, các anh em gia đình tôi đã quyết định chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy mấy đứa trẻ”(7). Cũng chưa có tác phẩm văn học dân gian nào ghi lại câu chuyện nghĩa tình này.

Do duy trì quá lâu nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, chế độ bao cấp quan liêu; do bị các lực lượng thù địch bao vây cấm vận; do phải dồn sức để tự vệ trước các cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới; do đến năm 1978 không còn được Liên Xô viện trợ/ cho vay, kinh tế Việt Nam lâm vào khủng hoảng. Nông dân là những người khó khăn nhất. Năm 1977, trong dịp thăm tỉnh Hà Nam Ninh, Tổng Bí thư Lê Duẩn “có hứa rằng chỉ vài năm nữa thì mọi nhà đều có ti vi, tủ lạnh…”; đến năm 1979 thì “miếng cơm ăn cũng không có đủ, nhiều vùng đói to”(8). Các thầy cô giáo, kĩ sư, bác sĩ, các trí thức khác buộc phải cắt bỏ một phần thời gian làm việc trong cơ quan nhà nước để làm thêm các nghề dịch vụ lặt vặt như bán bún, bán cháo, bán nước chè, bán thuốc lá rong, đạp xích lô, chữa xe đạp, cuốn thuốc lá, may vá quần áo,… để bù vào những thiếu hụt trong chi tiêu. Có khi họ rời cơ quan để đi xếp hàng mua lương thực, thực phẩm theo tem phiếu. Đêm khuya, không ít người lại phải thức để hứng từng giọt nước máy bởi nước không có đủ. Thực tế vừa nêu được câu tục ngữ sau ghi nhận: “Đến cơ quan thì lo việc nhà, về nhà thì lo việc nước”(9); “Nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà nghèo”(10), “Thầy giáo tháo giày đi chân đất; Nhà trường nhường trà uống nước sôi”.Lương hưu quân đội không đủ sống, nhiều người phải làm thêm bằng cách bán hàng nước chè, bán chè đậu đen, phải bơm xe:

+ “Lúc còn trẻ mang thân đi cứu nước, khi về già bán nước nuôi thân”(11).

+     Đầu đường đại tá bơm xe

Cuối đường trung tá bán chè đậu đen(12).

Câu “Ăn như sư ở như phạm”(13)nói về cuộc sống của sinh viên các trường sư phạm. Sau nhiều năm gian khổ học hành, đến lúc trở thành nhà giáo, họ cũng phải làm thêm. Người ta định nghĩa: “Thầy giáo là bác nông dân có nghề phụ là dạy học”. Nhà giáo trong quan niệm này còn may là được địa phương cấp đất sản xuất. Ở thị thành, không có đất, họ phải chăn nuôi thêm con gà, con lợn. Đang họp hội đồng nhà trường, có cô giáo xin về sớm vì “cô Bích Hợi” nhà cô bị ốm. Có thầy giáo nọ không được cấp ruộng đất, cũng không có điều kiện để nuôi heo, thầy đành đi câu. Thầy ngồi từ sáng đến tối mà không câu được con gì. Thầy sắp sửa ra về, chiếc phao chúi mạnh, thầy vội giật lên, được con cá bé tí. Thầy tháo nó khỏi lưỡi câu, thả xuống nước và bảo: “Thôi em về nhé, mai mời phụ huynh em lên!”.

Trước năm 1980, nhà nước phong tặng chức danh Giáo sư cho 29 nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu. Năm 1980, Thủ tướng Phạm Văn Đồng kí quyết định 131-CP công nhận chức vụ khoa học Giáo sư cho 83 cán bộ và Phó Giáo sư cho 347 cán bộ làm công tác giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học(14). Đây là quyết định hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, lúc đó đời sống vật chất của nhiều nhà khoa học rất khó khăn. Bài thơ dân gian ra đời:

Nhà nước phong ta chức Giáo sư

Suy đi nghĩ lại ta cũng ừ

Ban ngày lên lớp ta là giáo

Tối về rau cháo ta là sư!

Sau khi giành được chính quyền, Hồ Chủ tịch căn dặn cán bộ phải là công bộc, là đầy tớ của dân. Sau nhiều chục năm, nhân dân nhận xét về một số cán bộ:

+     Đầy tớ thì đi Vôn ga

Bố con ông chủ ra ga đợi tầu

       Đầy tớ thì ở nhà lầu

Bố con ông chủ giấy dầu che mưa(15).

+   Tông Đản là chợ vua quan

Nhà Thờ là chợ trung gian, nịnh thần

Đồng Xuân là chợ thương nhân

Vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng(16).

Bà con Nam Bộ trách móc những người từng được bà con che chở, cưu mang trong những ngày gian khó, hiểm nguy, nay có chức có quyền đã thay lòng đổi dạ:

Khi xưa ăn đâu ở đâu

Bây giờ mua một lít dầu không cho?

Mậu dịch quốc doanh có nhiều tiêu cực: “Hàng bầy thì không bán, hàng bán thì không bầy”(17), “Cán bộ cao thì ăn cung cấp, cán bộ thấp thì ăn chợ đen, cán bộ quen thì len cổng hậu”(18), “Nhất thân nhì thế, thứ ba cơ chế, thứ bốn mới đến giấy tờ”(19), “Thủ kho to hơn thủ trưởng, vào nhà thủ trưởng lại tưởng nhà thủ kho”. Chính sách thay đổi xoành xoạch: “Sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng”. Công tác cán bộ cũng gây nên những tiếng phàn nàn: “Một lần cơ cấu bằng phấn đấu suốt đời”(20), “Lúc cần già thì ta quá trẻ, lúc cần trẻ thì ta đã già, lúc cần đàn bà ta là đàn ông, lúc cần công nông thì ta là trí thức”(21). Một số tướng tá thoái hóa, lợi dụng lính và xe công, chặt gỗ trong rừng đem về làm nhà riêng: “Thủ trưởng lát trơn, lát hoa, chúng em nát chân, nát tay”, “Lát lát, lim lim, thủ trưởng đi tìm, chúng em đi vác, nhà ta đã cất, lát lát, lim lim”(22).

 

1.2. Ca ngợi những tấm gương tích cực, những người mở đường đổi mới cách quản lí xí nghiệp

Ở tiểu mục này, chúng tôi chỉ phân tích hai sự kiện liên quan đến Đặng Thái Sơn và Tạ Đình Đề.

Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn (sinh năm 1958) là con của nhà thơ Đặng Đình Hưng và nghệ sĩ pianô Thái Thị Liên. Năm 1965, ông bắt đầu học nhạc tại Nhạc viện Hà Nội. Năm 1976, ông theo học tại Nhạc viện Traicôpxki (Liên Xô). Năm 1980, ông đạt giải Nhất trong cuộc thi pianô Sôpanh lần thứ mười tại Vácsava (thủ đô Ba Lan). Ông là người châu Á đầu tiên giành được vinh dự này(23). Lúc đó, có dư luận rằng ông sẽ không trở về nước. Nhưng như bất cứ một trí thức, một nghệ sĩ chân chính nào, ai cũng yêu nước và Đặng Thái Sơn đã về Hà Nội. Xã luận Báo Nhân dân vinh danh chàng trai 22 tuổi này là “núi Thái Sơn”, nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Dân gian ca ngợi người con ưu tú của dân tộc:

Hoan hô anh Đặng Thái Sơn

Anh về dứt khoát là hơn không về.

Chung quanh Đặng Thái Sơn, có nhiều giai thoại về việc học tập, về tài năng xuất chúng, về những tình tiết trong cuộc thi tài,…

Tạ Đình Đề (1917 - 1998) quê ở xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, nay thuộc thành phố Hà Nội. Năm 1935, ông sang Vân Nam (Trung Quốc) làm công nhân ngành đường sắt. Tại đây ông được giác ngộ cách mạng, được giao bảo vệ Hồ Chủ tịch (lúc đó lấy tên là Lý Thụy), được đào tạo về tình báo. Trong khí thế của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền tại huyện nhà. Trong kháng chiến chống Pháp, khi Thượng tướng Hoàng Minh Thảo là Phó Tư lệnh Quân khu III thì ông là Phó Ban tình báo Quân khu. Sau năm 1954, ông được chuyển ngành về Tổng cục Đường sắt Việt Nam; lúc đầu được cử làm Trưởng đoạn đầu máy Hà Nội; năm 1956 phụ trách công tác thể dục thể thao của Tổng cục; năm 1971 được giao nhiệm vụ phụ trách Xưởng sản xuất vợt bóng bàn, gioăng cao su và một số mặt hàng cao su khác phục vụ ngành đường sắt. Ông không phải là nhà kinh tế và cũng không được học về quản lí kinh tế một cách có hệ thống. Điều ông luôn luôn trăn trở, day dứt là đời sống quá khó khăn của những người thợ nghèo khổ, đất nước hòa bình rồi mà công nhân còn phải chạy ăn từng bữa, nhiều gia đình bị đói. Ông tìm cách tháo gỡ khó khăn làm cho đời sống công nhân càng ngày được cải thiện, năng suất lao động nâng cao, đem lại hiệu ứng cho ngành đường sắt. Ông còn giàu nhiệt huyết tìm tòi, đổi mới trong lĩnh vực văn hóa của ngành. Thật không ngờ, những việc làm có lợi cho dân, cho nước như thế lại khiến ông lâm vào vòng lao lí. Sau 19 tháng bị giam giữ, tháng 6 năm 1976, Tạ Đình Đề đứng trước vành móng ngựa của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Trong tiết trời nóng như đổ lửa, nhân dân đến dự phiên tòa rất đông. “Người đến sớm còn có chỗ chen trong sân, người đến muộn đành phải đứng tràn ra các đường phố Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Hỏa Lò, thậm chí cả đường Trần Hưng Đạo. Bà con, anh em mang theo quạt giấy, quạt nan, thậm chí cả quạt mo cau để chống nóng. Người đông như nêm như vậy nhưng cũng thật kỳ lạ, rất trật tự, họ chỉ tụm ba tụm bẩy bàn tán rì rầm... Theo nguyện vọng của nhân dân, Hội đồng xét xử nhất trí để Tổng cục Đường sắt mắc thêm một số loa phóng thanh trên các cành cây để nhiều người tiện theo dõi phiên tòa”(24). Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giữ quyền công tố, vóc dáng oai phong, sang sảng buộc tội Tạ Đình Đề: tổ chức móc ngoặc, chiếm dụng máy móc của nhà nước để sử dụng bừa bãi, gây lãng phí và thiệt hại nghiêm trọng tài sản, vật tư của nhà nước, gây rối về mặt tổ chức, quản lí cán bộ; sử dụng vốn kinh doanh trái chính sách, chế độ, lập quỹ trái phép, tổ chức làm ăn phi pháp và tham ô tập thể, tham ô cá nhân, chi sai nguyên tắc gây thiệt hại tài sản của nhà nước; tuyển dụng người tùy tiện, không dựa theo chỉ tiêu kế hoạch, trong số người được tuyển dụng có 17 người đã từng bị cải tạo từ 1 năm đến 20 năm,… Tạ Đình Đề đã bình tĩnh trả lời các câu hỏi của chủ tọa phiên tòa, đưa ra các lập luận, chứng cứ bác bỏ những lời buộc tội. Cứ mỗi lần ông dứt lời thì những tràng vỗ tay lại nhiệt liệt vang lên trong và ngoài phòng xét xử. Nhờ phiên tòa công khai, minh bạch, nhờ những câu trả lời rõ ràng của đương sự, nhờ ý kiến xác đáng, có lí, có tình của lãnh đạo Tổng cục Đường sắt và Giám đốc Xưởng dụng cụ cao su, nhờ lập luận sắc sảo của luật sư, trải qua sáu ngày diễn biến, cuối cùng phiên tòa kết thúc với tuyên bố của bà chủ tọa: Tạ Đình Đề vô tội. Dân chúng vỗ tay reo hò, người Hà Nội và nhân dân cả nước tự hào:

Hoan hô bác Tạ Đình Đề

Trước vành móng ngựa không hề

                                      núng nao.

Nhiều chục năm sau, một cán bộ có 35 năm làm việc trong ngành kiểm sát, được chứng kiến phiên tòa, đã viết: “Nhân dân ta lúc đó còn nghèo, lam lũ nhưng họ thật giàu tình cảm với những con người suốt đời phấn đấu, hi sinh cho nhân dân, cho đất nước”(25).

 

2. Văn học dân gian từ ngày đất nước đổi mới đến nay

2.1. Văn học dân gian ở trong nước

Do sự đòi hỏi bức thiết của đất nước, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12 năm 1986), Đảng ta quyết định đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy. Đổi mới tư duy là đổi mới cách nghĩ, phải “nhìn thẳng vào sự thật và dám nói lên sự thật”(26). Đổi mới tư duy đi liền với đổi mới phong cách lãnh đạo, tìm ra căn nguyên của mọi ách tắc, trì trệ, quan liêu, lãng phí, phải lấy dân là gốc, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo chân lí, chống bệnh chủ quan, duy ý chí, phải thể hiện rõ tư tưởng năm thành phần kinh tế, chuyển mạnh sang kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường,... Nhưng sửa những cái sai cũ, xây dựng, củng cố cái mới không phải là việc làm một sớm một chiều, phải có thời gian. Những năm đầu của thời kì đổi mới, đời sống nhân dân vẫn còn rất nhiều khó khăn. Một bộ phận nhân dân sốt ruột:

Đổi mới thì đổi mới đi

Cứ tư duy mãi lấy gì mà ăn?

Năm 1989, là năm bước ngoặt của quá trình đổi mới với những dấu mốc: chặn đứng lạm phát; chấm dứt nạn thiếu đói kinh niên, Việt Nam không những không phải nhập khẩu lương thực mà đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo (đứng thứ ba trên thế giới về xuất khẩu gạo); rút hết quân khỏi Campuchia, cải thiện quan hệ với cộng đồng quốc tế; sửa đổi Hiến pháp;... “Hầu như lúc đó không có một nước xã hội chủ nghĩa nào được ổn định, trừ Việt Nam. Hơn thế nữa, Việt Nam đã ổn định trong chuyển đổi và chuyển đổi được”(27).

Trước năm 1989, trong dân gian có lời ca dao:

Mất mùa là bởi thiên tai

Được mùa là bởi thiên tài Đảng ta.

Nhà kinh tế học, sử gia đương đại Đặng Phong viết: “Nay (tức năm 1989 - N.X.K) câu đó vẫn đúng, nhưng phải thêm một chữ nữa cho càng đúng hơn: Bởi thiên tài của một Đảng đã đổi mới(28).

Kinh tế thị trường và việc mở cửa với nước ngoài có những tác dụng rất tích cực, song cũng đem lại những hệ lụy không dễ khắc phục. Nếu ở thời bao cấp, thiếu tiền là mối bận tâm của không ít người: “Đồng lương anh chia ba phần nho nhỏ, anh dành riêng trả nợ phần nhiều, phần cho em và phần để anh tiêu”(29), thì sang thời đổi mới, đồng tiền càng tỏ rõ sức mạnh ghê gớm: “Đầu tiên là tiền đâu”, “Đồng tiền là tiên là Phật, là sức bật cuộc đời, là nụ cười tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là đà danh vọng, là lọng che thân, là cân công lí,...”(30). Ở một bộ phận nhân dân, “vợ chồng tương kính như tân” mãi mãi là kí ức xa vời về thời quân chủ(31). Một số người chồng phàn nàn về vợ: “Vợ là ngân khố kho tiền, gửi vô nhanh gọn, hơi phiền rút ra”(32). Và họ nhận thấy: “Vợ là cơm nguội trong nhà, nhưng là đặc sản của cha láng giềng”. Thời bao cấp, quan hệ ngoài luồng là điều cấm kị. Chỉ cần có bằng chứng ngoại tình là người ta có thể làm cho người khác mất chức hoặc bị thôi việc. Thời nay, người ta không khe khắt như trước, tuy không ca ngợi nhưng một bộ phận nhân dân xem tình cảm ngoài luồng là gia vị của cuộc đời: “Bồ là phở, vợ là cơm, sáng đưa cơm đi ăn phở, trưa đưa phở đi ăn cơm, tối phở về nhà phở, cơm về nhà cơm”(33); “Không ai ăn phở cả đời, không ai cả đời chỉ ăn cơm”; “Vợ là địch, bồ là ta, chiến dịch xảy ra, ta về với địch, nằm trong lòng địch lại nhớ đến ta”;... Thu nhập giữa cán bộ, nhân viên trong các ngành không đều nhau, trong đó những người làm việc ở hai ngành sau có nhiều tiền hơn cả: “Thứ nhất dầu khí, thứ nhì hàng không”. Có những năm thanh niên đổ xô vào học những ngành mà sau khi ra trường dễ kiếm tiền: “Nhất Anh, nhì tin, tam kinh, tứ luật”(34). Nhiều người dùng điện thoại di động, sắm được xe máy, khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm: “Đầu phi công (hoặc “nồi hông”) mông di động”. Tuy vậy, Việt Nam chưa phải là nước giàu; bên cạnh ô tô tư nhân, xe máy ngày càng nhiều, vẫn còn loại xe không được phép lưu thông vẫn chạy trên đường: “Ra đường sợ nhất công nông; về nhà sợ nhất vợ không nói gì”(35). Đời sống của nhà giáo khá hơn nhiều so với thời bao cấp, nhưng vẫn còn lời ta thán: “Nhà giáo nhân dân không bằng cái chân hoa hậu”. Về đời sống chính trị, cách quản lí từ trên ép xuống được cường điệu hóa trong câu: “Trung ương tương xuống tỉnh, tỉnh chỉnh xuống huyện, huyện biện xuống xã, xã nã xuống thôn, thôn dồn xuống xóm, xóm tóm lấy dân, dân trần như nhộng”. Người ta châm biếm nhẹ nhàng mối quan hệ bất bình đẳng giữa cấp trên và cấp dưới: “Bộ về bộ nói bộ thương/ Bộ ra đến đường bộ lại quên ngay”; “Tỉnh về thì huyện giết trâu/ Huyện lên tỉnh hỏi đi đâu thế mày?”; “Huyện về thì xã giết gà/ Xã lên huyện bảo về nhà ăn cơm”. Trong công tác cán bộ, có những tiêu cực mới: “Tre già măng mọc đúng rồi/ Mọc thì cứ mọc đừng trồi ghế ông”(36); “Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba đồ đệ (hoặc “quan hệ”), thứ tư trí tuệ”; “Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”(37);... Nhân dân còn tự chế giễu khuyết tật của dân tộc qua các truyện cười: “Làm lại nhân loại”, “Hãy thả thêm một thằng Việt Nam nữa”(38), “Việt Nam đăng kí sáu môn thể thao liên hoàn”(39),... Bên cạnh đó, dân gian lưu truyền những giai thoại ca ngợi trí tuệ mẫn tiệp của các nhà khoa học, các em học sinh giỏi,...

Từ cuối năm 1986 đến nay, ở người Việt, văn học dân gian vẫn tồn tại như chúng tôi đã trình bày. Các thể loại thường gặp là ca dao, tục ngữ, truyện cười, giai thoại. So với văn học dân gian cổ truyền, văn học dân gian ngày nay bàn luận nhiều hơn về đời sống chính trị, trí thức tham gia sáng tác ngày càng nhiều, trong truyện cười rất ít sử dụng vũ khí cái tục. Tuy nhiên, so với văn học dân gian cổ truyền, văn học dân gian hiện đại không còn là món ăn tinh thần chủ yếu của nhân dân. Báo chí, rất nhiều tác phẩm văn học viết, hàng loạt tiết mục văn nghệ trên làn sóng phát thanh, nhiều nghìn bộ phim chiếu trong rạp, chiếu phục vụ ngoài trời thu hút mạnh mẽ người nghe, người đọc, người xem. Thời gian gần đây, thậm chí văn hóa đọc cũng bị văn hóa nghe nhìn lấn át. Người ta không cần đến thư viện, không cần mua sách báo, không cần đến rạp xem phim, xem kịch, xem chèo. Ở nhà đã có ti vi, máy tính, thậm chí đi đâu, ở bất cứ nơi nào, chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh là người ta có thể đọc, xem, nghe, thưởng thức rất nhiều thứ mà họ muốn. Văn học dân gian không còn phong phú như xưa, không có các thể loại truyện cổ tích, truyền thuyết; có các thể loại truyện cười, giai thoại, ca dao, tục ngữ; riêng thể loại câu đố có số lượng tác phẩm ít ỏi. Trong nhiều trường hợp, dân chúng thưởng thức văn học dân gian như thưởng thức văn học viết. Mặc dù vậy, văn học dân gian vẫn bám sát cuộc sống, giàu tính thời sự, vẫn tươi vui, dí dỏm, vẫn rất có ích trong cuộc sống hôm nay. Văn học dân gian đương đại (hoặc văn học dân gian tân sinh) còn tìm được đất sống trên internet và việc bình luận cá nhân trên các trang mạng xã hội đã góp phần tạo bầu không khí vui vẻ, dân chủ. Tất nhiên, không phải mọi bình luận đều là như vậy, và không phải sản phẩm ngôn từ khuyết danh nào được tung lên mạng cũng là văn học dân gian.

Từ cuối năm 1986 trở lại đây, ở miền Bắc, sự giao lưu, ảnh hưởng văn hóa giữa người Việt và các dân tộc thiểu số, giữa các dân tộc thiểu số càng ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Tuy người Việt có chịu ảnh hưởng của văn hóa các dân tộc thiểu số ở những nơi họ chuyển đến định cư(40), nhưng trong phạm vi cả nước, ảnh hưởng của người Việt là chủ yếu. Ở miền Nam, không chỉ có cán bộ, nhân dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định,... chuyển đến Tây Nguyên, mà còn có nhiều đợt di dân có kế hoạch hoặc tự phát từ miền Bắc vào vùng đất đỏ(41). Sự có mặt của đông đảo người Việt, những điểm tích cực trong chính sách kinh tế, văn hóa của nhà nước, sự lan tỏa của những làn sóng văn hóa nước ngoài, một mặt đã giúp cho kinh tế của đồng bào ngày càng khá hơn trước, các hủ tục được vận động xóa bỏ(42), nhiều giá trị văn hóa của đồng bào không chỉ được cả nước hâm mộ mà còn chinh phục được cộng đồng quốc tế(43); mặt khác cũng tạo nên sự đứt gãycủa quá trình chuyển biến từ văn hóa truyền thống sang văn hóa hiện đại. Vào những năm 80 của thế kỉ XX, sinh hoạt diễn xướng sử thi ở Tây Nguyên vẫn còn phổ biến. Trong các năm 2001 - 2007, một cuộc điều tra, sưu tầm sử thi Tây Nguyên do Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (tức Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay) phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên tiến hành trên địa bàn tám tỉnh Tây Nguyên và phụ cận, đã sưu tầm được 801 bản hát kể, đã gặp gỡ, thống kê, lập hồ sơ về 363 nghệ nhân người Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng, Mơ Nông, Xtiêng, Mạ, Ra Glai, Chăm Hơroi còn nhớ, hát kể sử thi ở những mức độ khác nhau, trong đó có hàng chục nghệ nhân hát kể xuất sắc(44). Hơn chục năm trôi qua, giờ đây hầu hết các nghệ nhân đã về thế giới bên kia. Thanh niên Tây Nguyên không thích mặc quần áo dân tộc, không thích hát kể sử thi. Thanh niên của cộng đồng thiểu số ở Quảng Nam còn đặt tên con theo tên các diễn viên điện ảnh nổi tiếng Hàn Quốc.

 

2.2. Văn học dân gian ở nước ngoài

Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến văn học dân gian của người Việt ở nước ngoài. Hiện chưa có công trình sưu tập nào thu thập bộ phận tư liệu này được công bố.

Trước năm 1975, đã có Việt kiều định cư ở Pháp và một số nước phương Tây khác. Sau năm 1975, có nhiều người Việt hơn định cư ở Mỹ. Trước năm 1975, cũng đã có người Việt được cử sang học tập ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Sau năm 1975, số người được cử đi học ở các nước vừa nêu tăng mạnh. Từ năm 1979, Việt Nam bắt đầu gửi lao động và chuyên gia sang nước ngoài; tính đến năm 1998, con số này là hơn 20 vạn người(45). Gần đây, còn có người lao động nước ta đến làm việc ở Nhật Bản, Irắc, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan,... Ở Cộng hòa Séc, tiếng Việt được công nhận là ngôn ngữ của người thiểu số. Mới đây, Đài Loan đưa tiếng Việt vào dạy ở trường phổ thông với tư cách là một ngoại ngữ tự chọn. Ở đâu có cộng đồng người Việt, ở đấy có văn học dân gian. Ở đây, chúng tôi chỉ có thể đưa ra vài nét chấm phá về sáng tác ngôn từ dân gian của người Việt ở Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay.

Lưu học sinh và nghiên cứu sinh so sánh (có thể chưa đúng) môi trường đào tạo giữa các nước: “Muốn kiến thức thì đi Liên Xô, muốn tiền đồ thì đi Đông Đức”. Công nhân đi hợp tác lao động, ngoài thời gian làm việc trong các nhà máy, thường làm thêm như may quần bò để bán, buôn bán những hàng được gửi sang từ Việt Nam,... Những việc này có khi có sự tham gia của các nghiên cứu sinh, thực tập sinh. Những việc như thế được gọi chung là làm kinh tế: “Cháu con Đại Việt xin thề; chưa xong hai buộc chưa về quê hương”(46). Những cán bộ khoa học sang Liên Xô ngắn ngày để “hợp tác khoa học” cũng đem quần bò, áo phông Thái Lan, đồng hồ Nhật,... sang tiêu thụ rồi mua hàng Nga đem về nước bán kiếm lời:

Mấy nhà khoa học đến Len chơi

Máy bơm cứ thế tự nhiên vơi

Khốn nạn thân ông sao khổ thế!

Không làm kinh tế lấy chi xơi?(47).

Người Việt nhận ra cái “khác người” của mình so với người nước sở tại: “Ăn nhanh, đi chậm, hay cười; ngồi đâu ngủ đấy là người Việt Nam”. Họ lưu truyền những truyện cười so sánh sự nhanh trí, láu lỉnh giữa người Việt và người Do Thái; về việc người Việt đã “qua mặt” cảnh sát nước sở tại như thế nào;... Xa quê hương, xa gia đình, họ rất khác những người được cử đi học vào những năm 50. Năm 1951, đoàn lưu học sinh đầu tiên của Việt Nam gồm 21 người được gửi sang Liên Xô học tập. Trước khi họ đi, tại Tân Trào (Tuyên Quang), Hồ Chủ tịch căn dặn họ về mục đích học tập, cách học, thái độ ứng xử với các bạn Xô Viết, trong đó có câu: “Phụ nữ Nga rất đẹp, các chú phải cẩn thận”. Các lưu học sinh luôn luôn tự rèn luyện, nỗ lực học tập và không hề đòi hỏi sự ưu ái của bạn. Khi mới sang, họ chưa quen món ăn mới, các bạn Liên Xô đề nghị làm món ăn Việt Nam, nhưng các lưu học sinh quyết không phiền đến bạn và rèn luyện để thích hợp với khẩu vị Nga. Họ từ chối những sự chăm sóc đặc biệt của nước bạn và hòa đồng vào cuộc sống ở xứ sở bạch dương. Ngay cả khi họ xếp hàng mua sách, người dân Liên Xô thấy họ là người Việt Nam nên ưu tiên nhưng họ từ chối và giữ gìn từng li từng tí trong hành động của mình. Năm 1955, kết thúc khóa học, trong báo cáo gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô của lưu học sinh Phạm Như Vưu (học về quân sự, sau này là thiếu tướng) có câu: “Đối với phụ nữ, không xảy ra chuyện gì lôi thôi”(48). Từ những năm 80 trở lại đây thì khác, người Việt ở nước Nga không còn trong suốt như pha lê nữa:

Năm năm với bốn lần thi

Một lần đồ án (hoặc “thực tập”còn gì

                                             là xuân

Vợ ở xa, gái thì gần

Giời ơi, nó có mặc quần gì đâu

Da thì trắng, mắt thì nâu

Bỏ đi thì tiếc, đứng lâu lại thèm.

***

Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, lực lượng sáng tác văn học dân gian gồm có nông dân, công nhân, dân đô thị, trí thức, bộ đội, Việt kiều,... Về thể loại, không còn truyền thuyết, truyện cổ tích; trong khi tục ngữ, ca dao, truyện cười, giai thoại là những thể loại chính. Quá trình giao lưu, ảnh hưởng văn hóa giữa người Việt và các dân tộc thiểu số, giữa các dân tộc thiểu số diễn ra mạnh mẽ. Việc sưu tầm, biên dịch và xuất bản các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số ngày càng được chú ý. Tuy số lượng thể loại và tác phẩm không được phong phú như văn học dân gian cổ truyền, nhưng văn học dân gian hiện đại, đương đại Việt Nam vẫn rất cần thiết và bổ ích. Văn học dân gian thời chống dịch Covid là bằng chứng thú vị và mang tính thời sự nhất(49).

 

 

CHÚ THÍCH

(1). Nguyễn Bích Hà (2006), “Phác thảo diện mạo và đặc điểm văn học dân gian sau năm 1975”, Nghiên cứu văn học, H, số 1, tr.73.

(2). Lê Khắc Hoan (2013), Trăm năm li hợp Lê Khắc gia phả chí,Nxb. Lao động, H.

(3). Trong bài này, những tư liệu văn học dân gian không ghi xuất xứ là do chúng tôi nhớ và ghi lại.

(4). Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I và Viện Văn học (1994), Đặng Thai Mai và văn học, Nxb. Nghệ An, Vinh, tr.350-351.

(5). Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I và Viện Văn học (1994), sđd, tr.351.

(6). Đức Lượng (2017), “Anh Việt Phương như tôi biết”, Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, H, số 268, tháng 5, tr.49.

(7).Nguyên Ngọc, Phan Đình Diệu, Hà Huy Khoái, Ngô Việt Trung, Nguyễn Xuân Xanh chủ biên (2007), GS.TS. Hoàng Tụy sĩ phu thời nay, Nxb. Tri thức, H, tr.83-84.

(8). Đặng Phong (2008), Tư duy kinh tế Việt Nam chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975 - 1989,Nxb. Tri thức, H, tr.129.

(9). Nguyễn Bích Hà (2006), bđd, tr.73.

(10). Trần Gia Linh (2015), Văn học dân gian hiện đại,quyển 1, Nxb. Khoa học xã hội, H, tr.127. Sách in sai “nhà báo” thành “nhà giáo”.

(11). Nguyễn Bích Hà (2006), bđd, tr.73.

(12). Đặng Phong (2008), sđd, tr.130.

(13).Trần Gia Linh (2015), quyển 1, sđd, tr.127.

(14). Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (2004), Giáo sư Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, H, tr.11, 15.

(15). Đặng Phong (2008), sđd, tr.143.

Bộ trưởng và cấp tương đương đi xe Vônga. Giấy dầu dùng để lợp nhà, lúc đó là loại vật liệu hiếm, người mua phải có tiêu chuẩn hoặc có giấy giới thiệu của cơ quan có thẩm quyền cấp mới được mua - N.X.K.

(16). Đặng Phong (2008), sđd, tr.143.

Phố Tông Đản (Hà Nội) có cửa hàng cung cấp bán thực phẩm cho cán bộ cao cấp. Có câu đố vui là: “Đầu to, trán hói, tiếng nói ề à, đi xe Vônga, bắt gà Tông Đản, đố là con gì? (Trả lời: Ông Bộ trưởng). Phố Nhà Thờ có cửa hàng dành cho cán bộ cấp cục, vụ, viện và tương đương. Đồng Xuân là chợ nổi tiếng ở Hà Nội, ai có tiền đến mua cũng được, thường những người buôn bán mới có nhiều tiền đến đây mua sắm. Nhân dân mua theo chế độ tem phiếu ở các cửa hàng thực phẩm ở hè phố - N.X.K.

(17). Trần Gia Linh (2015), quyển 1, sđd, tr.127.

(18). Trần Gia Linh (2015), quyển 1, sđd, tr.126.

Đặng Phong (2008), sđd, tr.143 có ghi dị bản câu này.

(19). Đặng Phong (2008), sđd, tr.143.

(20). Nguyễn Bích Hà (2006), bđd, tr.76.

(21). Nguyễn Bích Hà (2006), bđd, tr.75.

(22). Trần Gia Linh (2015), quyển 1, sđd, tr.125.

(23). Tài liệu internet.

(24). Dương Thanh Biểu (2014), Tạ Đình Đề những góc khuất cuộc đời, Nxb. Hội Nhà văn, H, tr.125. Về cuộc đời thực (không phải huyền thoại) của Tạ Đình Đề, diễn biến của vụ án và hậu vụ án, xin xem cuốn sách này.

(25). Dương Thanh Biểu (2014), sđd, tr.157.

(26). Đặng Phong (2008), tr.266.

(27). Đặng Phong (2008), tr.339.

(28). Đặng Phong (2008), tr.333 - 334.

(29). Nguyễn Bích Hà (2006), bđd, tr.76.

(30). Nguyễn Bích Hà (2006), bđd, tr.76.

(31). Câu tục ngữ cổ truyền này có nghĩa là vợ chồng tôn trọng nhau như khách.

(32). Nguyễn Bích Hà (2006), bđd, tr.76.

(33). Nguyễn Bích Hà (2006), bđd, tr.76.

(34). Các ngành đó là: Anh văn, tin học, kinh tế, luật. Cuối những năm 50 đầu những năm 60 của thế kỉ XX, ở miền Bắc, nguyện vọng vào đại học lại là: “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, bỏ qua sư phạm”.

(35). Nguyễn Bích Hà (2006), bđd, tr.76.

(36). Nguyễn Bích Hà (2006), bđd, tr.76.

(37). Câu này nói về cách ứng xử không đụng chạm, cố gắng giữ mình cho hết thời gian luân chuyển của một số cán bộ.

(38). Nguyễn Bích Hà (2006), bđd, tr.77.

(39). Nguyễn Bích Hà (2006), bđd, tr.77.

(40).Xin xem, chẳng hạn: Nguyễn Phương Thảo (2017), Tri thức dân gian của người Việt ở miền núi,Nxb. Mỹ thuật, H.

(41). Thí dụ: Tháng 7 năm 1987, riêng một tỉnh Hà Nam Ninh đã đưa 11.000 người đi vùng kinh tế mới. (Tỉnh Hà Nam Ninh cũ hiện nay là các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình - N.X.K) Xem: Đặng Phong (2008), sđd, tr.373.

(42). Thuyết tương đối văn hóa về cơ bản là đúng, nhưng không tránh khỏi cực đoan. Tục tảo hôn, tục hôn nhân cận huyết, tục chôn trẻ sơ sinh theo mẹ sau khi người mẹ bị chết,... là những hủ tục, cần xóa bỏ.

(43). Năm 2017, một thiếu nữ Ê Đê vào được tốp 5 của một cuộc thi hoa hậu Hoàn vũ. Đây là thí dụ tiêu biểu về việc văn hóa của đồng bào thiểu số đã vượt khỏi biên giới quốc gia, vươn ra thế giới.

(44). Nguyễn Xuân Kính (2006), “Quá trình sưu tầm và nhận thức lí luận đối với sử thi ở Việt Nam”, Nghiên cứu văn học,H, số 1, tr.14.

(45). Đặng Phong (2008), sđd, tr.358.

(46). Mỗi một buộc là một trăm tờ 100 đô la.

(47). Len: tức thành phố Leeningrát, nay lấy lại tên cũ là Xanh Pêtecbua.

(48). Nguyễn Văn Huy chủ biên (2011), Di sản kí ức của nhà khoa học,Nxb. Tri thức, H, tr.282 - 285.

(49). Trần Thị Trâm (2020), “Văn học dân gian thời Covid”, Văn nghệ,H, số 20, ra ngày 16 tháng 5, tr.10.

(Tạp chí Nguồn sáng dân gian số 2/2020, tr.3-tr.13)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513522

Hôm nay

2308

Hôm qua

2315

Tuần này

21459

Tháng này

220395

Tháng qua

121356

Tất cả

114513522