Những góc nhìn Văn hoá
Vua hư thì nước loạn, triều sụp
Năm 1428, sau kháng chiến chống nhà Minh, Lê Lợi lên ngôi, lập ra triều đại nhà Lê (Hậu). Nhà Lê, với các vua đầu triều như Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông, Hiển Tông là một triều đại sáng láng và mạnh mẽ đã đưa Đại Việt trở thành một quốc gia hùng thịnh nhất trong lịch sử trung đại Việt Nam.
Thế nhưng, đúng 100 năm sau, vương triều ấy đã sụp đổ. Mặc dù hậu duệ nhà Lê lập lại được vương triều - Lê Trung Hưng nhưng quốc gia Đại Việt không còn khí chất và sức mạnh của Hồng Đức thịnh trị.
Từ “vua quỷ” Uy Mục
Ngày 30 tháng 1 năm 1497, Lê Thánh Tông mất, con trưởng là Lê Tranh - Lê Hiến Tông kế vị.
Lê Hiến Tông là bậc minh quân, là vị hoàng đế giỏi nhưng đoản mệnh, chỉ cai trị được 7 năm thì qua đời (1504). Thái tử Lê Thuần - Lê Túc Tông kế vị. Túc Tông thông minh hơn người, nhưng đáng tiếc, yểu mệnh qua đời sớm (1504), ở ngôi chỉ có 6 tháng.
Trước khi qua đời, Túc Tông chỉ định anh trai là Lê Tuấn làm người kế vị. Huy Gia Hoàng thái hậu Nguyễn thị, mẹ của Hiến Tông, bà nội của Túc Tông (và Lê Tuấn) lại phản đối vì là con của hạng tỳ thiếp hèn mọn, không thể kế thừa ngôi chính thống. Bà chọn một tôn thất trong họ là Lã Côi vương làm người kế vị. Mẹ nuôi của Lê Tuấn là Nguyễn Kính phi và đại thần Nguyễn Nhữ Vy đã lừa Thái hậu ra khỏi thành đi đón Lã Côi vươngrồimau chóng truyền chỉ lập Lê Tuấn - Lê Uy Mục kế vị (1505). Từ đây, bắt đầu thời kỳ khủng hoảng và sụp đổ của nhà Lê mà nguyên nhân chính làvì sự tha hóa vô độ của vị hoàng đế này.
Hiến Tông có con trưởng là An vương Lê Tuân, con thứ 2 làLê Tuấn (còn có tên là Lê Huyên/Lê Nghị) tức Uy Mục và con thứ 3 là Lê Thuần, tức Lê Túc Tông nhưng An vương không được chọn làm Thái tử vì mẹ là Mai Chiêu nghi chỉ là thị thiếp lại thêm lúc nhỏ Tuân phạm tội bất hiếu với mẹ. Trong khi đó, mẹ của Túc Tông, Trang Thuận Hoàng hậu Nguyễn Hoàn là chính thất, bản chất Túc Tông lại là người nhân hiếu, thông minh nên được chọn làm Thái tử. Khi Hiến Tông qua đời (năm 1504), Nguyễn Kính phi muốn đưa Lê Tuấn lên ngôi, đem tiền vàng hối lộ cho Thượng thư Đàm Văn Lễ, Văn Lễ không nhận mà quyết lập Túc Tông, Uy Mục từ đấy sinh hận.
Ngày 22 tháng 3, năm đầu sau khi lên ngôi, Uy Mục cho người giết chết bà nội là Thái hoàng thái hậu Nguyễn Thị Hằngvìcăm giận Thái hậu sỉ nhục mẹ của mình và vìbà không chịu lập Uy Mục lên ngôi. Ngày 5 tháng 6, cũng năm ấy, Uy Mục sai cách chức Lễ bộ thượng thư Đàm Văn Lễ và Đô ngự sử Nguyễn Quang Bật là những người không thừa nhận ngôi vị của Uy Mục, bị cách chức đày về Thừa tuyên Quảng Namnhưng rồilén sai người giết chết cả hai người, về sau lại giết Nhữ Vy. Uy Mục còn ra lệnh cho giết hết những người Chiêm Thành bị bắt làm gia nô trong các điền trang của các thế gia, công thần.
Đại Việt Sử Ký toàn thư chép: “Vua từ sau khi lên ngôi, đêm vào cung cùng với cung nhân uống rượu vô độ, ai say thì giết”. “Bạo chúa Lê Tuấn (Uy Mục), phận con thứ kém hèn, làm nhơ bẩn nghiệp lớn…. Giết hại người xương thịt; dìm hãm các thần liêu. Bọn họ ngoại được tin dùng mà phường đuôi chó tung hoành làm bậy, kẻ cương trực bị ruồng bỏ mà người đầu cá ẩn nấp nẻo xa. Tước đã hết rồi mà thưởng bậy không ngớt, dân đã cùng rồi mà vơ vét không thôi. Đánh thuế tỉ mỉ, tiêu tiền như bùn, bạo ngược ngang với Tần Chính; bề tôi ngựa trâu coi dân như rác, kiêu ngạo còn quá Ngụy Canh. Huống chi lại làm cung thất to, làm vườn hoa rộng. Bắt dân trồng cây, theo bánh xe đổ gò Hoa Cương nhà Tống; lấp biển làm điện, nối gót hôn mê cung A Phòng nhà Tần. Việc thợ mộc làm lại thôi, thôi lại làm, mệt nhọc dân Hải Dương, kinh Bắc; bọn quý tộc ngạo lại ngược, ngược lại ngạo, quấy rối vùng phiên trấn xứ Tuyên. Nhân dân nhức óc, cả nước đau lòng”. Hay: “Lấy lòng riêng mà giết nhân dân, không biết cùng cực; lấy thân thiết mà đòi tiền của, mặc sức tham lam. Bốn biển khốn cùng, nhân dân sầu oán”.Phó sứ thần Nhà Minh là Hứa Thiên Tích sang, đãlàm thơ gọi Uy Mục là Quỷ vương.An Nam tứ bách vận vưu trường/ Thiên ý như hà giáng quỷ vương?(Vận An Nam còn dài bốn trăm năm/Ý trời sao lại sinh ra vua quỷ?).
Toàn thư chép tiếp: “Bấy giờ quyền về họ ngoại, phía Đông thì làng Hoa Lăng (quê của mẹ nuôi), phía Tây thì làng Nhân Mục (quê của vợ vua), phía Bắc thì làng Phù Chẩn (quê của mẹ đẻ vua), đều chuyên cậy quyền thế, dìm hãm thần liêu, có khi vì tư ý mà giết hại sinh dân, có khi dùng ngón kín mà yêu sách tiền của, phàm súc vật, hoa màu của dân gian đều bị cướp cả, cùng nhà dân ai có vật lạ đồ quý thì đánh dấu chữ để vào lấy. Nhân dân ta oán mà vua vẫn không chừa. Lại mang lòng ngờ ghét. Phàm các quan người nào khi trước không muốn lập mình thì thường giết đi. Lại sai nội nhân là Nguyễn Đình Khoa đi dò xét các chú và anh em, cả thảy 26 thân vương, Kinh vương là chú ẩn trốn không biết ở đâu, duy có Giản tu công là con chú bác bị giam vào ngục trốn đi thoát được. Từ đấy mọi người tự lấy làm nguy, càng muốn làm loạn”.
Sự tàn bạo của Uy Mục đã gây nên một làn sóngphẫn uất trong dân chúng vàtrong hàng ngũ quan lại, tôn thất.
Tháng 11 năm 1509, Giản Tu công giả xưng anh ruột của mình là Cẩm Giang Vương Lê Sùng, dựng cờ ở Lam Kinh rồi đưa quân về Đông Kinh. Uy Mục bắt giết Lê Sùng và mẹ của Lê Oanh là Trịnh Thị Tuyên. Giản Tu công vào chiếm kinh thành bắt được và bức Uy Mục tự tử ngày 1 tháng 12 năm 1510, sai dùng súng lớn cho nổ tan xác.
Đến “vua lợn” Tương Dực
Ngày 4 tháng 12 năm 1510, Giản Tu công lên ngôi, tức Lê Tương Dực.
Lê Tương Dực, tên thật là Lê Oanh, con trai thứ hai của Kiến vương Lê Tân, là cháu nội của Lê Thánh Tông, dưới thời Lê Hiến Tông được ban phong hiệu Giản Tu công.
Sau khi lấy ngôi từ Uy Mục, Tương Dực nhận biết được tình thế của vương triều và đã có những nỗ lực để cứu vãn. Thời kỳ đầu ông biết nghe lời đúng và làm những việc tốt như chấn chỉnh lại việc khoa cử, khuyến khích hiền tài, cho biên soạn sử sách Đại Việt thông giám, trùng tu Quốc tử giám, dựng lại bia tiến sỹ… Không ít người đã hi vọng tài đức của ông có thể cứu vãn được tình thế.
Nhưng, không bao lâu sau, Tương Dực đã giẫm vào bánh xe đổ của Uy Mục.
Trần Trọng Kim trong sách Việt Nam sử lược nhận định Tương Dực là ông vua “hoang chơi”. Lê Tương Dực cho đắp thành rộng cả ngàn trượng chắn ngang sông Tô Lịch; “Phong cho Như tô làm đô đốc đứng trông nom việc dựng hơn trăm nóc cung điện có gác, lại khởi công làm Cửu Trùng đài. Mặt trước điện đào hồ thông với sông Tô lịch, vòng quanh khuất khúc, mở thông cửa cống. Nhà vua bất thần ngự thuyền Thiên Quang đi chơi xem suốt ngày đêm. Quân sĩ trong ngũ phủ làm việc xây đắp chưa được thành công, lại bắt quân sĩ trong các nha môn ở trong và ngoài kinh thành làm việc lấp hồ, san đất. Khi nhà vua đi chơi, thấy người nào làm vừa ý thì thưởng cho thẻ bài vàng hoặc bạc. Có khi công việc đã làm xong rồi lại thay đổi làm lại; sửa sang xây dựng hết năm này sang năm khác. Quân và dân phải đi làm việc bị bệnh dịch, chết mất khá nhiều” (Cương mục)
Bỏ bê việc nước, Tương Dực nghĩ ra nhiều trò quái lạ.Ông ta cho đóng nhiều chiến thuyền, tổ chức các đội nữ binh chèo thuyền rong chơi trên hồ Tây, trong đó có nhiều cung nữ của tiền triều rồi tư thông với cả đám người người này. Tiền thuế thu được ông tiêu phá hoang tàn làm cho ngân khố suy kiệt. Sứ nhà Minh nhận xét Tương Dực có tướng lợn, điềm báo diệt vong đến nơi.
Tranh giành và tiếm ngôi
Mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc. Các thế lực bắt đầu tranh giành, nổi loạn.
Năm 1511, Trần Tuân nổi loạn ở vùng Sơn Tây. Kinh thành náo động, mọi người dạt về quê, đường phố không còn một ai đi lại. Lê Tương Dực sai Trịnh Duy Sản đi dẹp Trần Tuân. Trịnh Duy Sản đánh tan cuộc nổi loạn, được phong tước Nguyên quận công.
Trần Cảo chiêu mộ quân sĩ hơn 1 vạn người làm phản tại vùng Thủy Đường, Hải Dương, Đông Triều. Lê Tương Dực xuất chinh đi đánh.Trần Cảo lui về đóng ở Trâu Sơn, thuộc phủ Từ Sơn. Tương Dực sai An Hòa hầu là Nguyễn Hoằng Dụ sang đóng quân ở Bồ Đề để chống giữ.
Trịnh Duy Sản có công lao dẹp loạn Trần Tuân, đem lòng oán hận Tương Dực đã từng phạt mình bằng roi trước đây, lạinghe lời Thái sư Lê Quảng Độ và kẻ hầu là Trình Trí Sâm, bèn giết chết Lê Tương Dực(ngày 7 tháng 4 năm1516)
Sau khi giết Tương Dực, Trịnh Duy Sản tính lập con trưởng của Mục Ý vương là Lê Quang Trị, nhưng Phùng Mại lại muốn lập con trưởng của Cẩm Giang vương là Lê Y. Phùng Dĩnh sai người giết Mại, rồi lập Quang Trị lên. Nhưng chưa được 3 ngày, Trịnh Duy Đại đã đem Quang Trị về Tây Kinh. Trịnh Duy Sản lại đón Lê Y lên ngôi, tức Lê Chiêu Tông.
Nguyễn Hoằng Dụ đóng quân ở Bồ Đề, nghe tin Trịnh Duy Sản thoán nghịch, liền đem quân vượt sông, đốt phá kinh thành. Trần Cảo ùa vào, thành thất thủ, Thái sư Lê Quảng Độ ra hàng. Trịnh Duy Sản cùng triều đình đưa Chiêu Tông về Tây Kinh. Chiếm được kinh thành, Trần Cảo tự xưng làm Thiên Ứng Đế. Trần Chân, con nuôi của Trịnh Duy Sản, tập hợp quân sĩ hơn 6000 người ở chợ Hoàng Hoa (chợ Ngọc Hà ngày nay). Trần Cảo sai Phan Ất đi trấn áp, Trần Chân do không có tiếp viện bèn lui về cố thủ. Bấy giờ Chiêu Tông từ Tây Kinh, hiệu triệu quân 3 phủ, sai Trịnh Duy Sản, Nguyễn Hoằng Dụ, Nguyễn Văn Lự, Trịnh Tuy đem quân thủybộ cùng tiến thẳng đến Đông Kinh. Ngày 23 tháng 3 năm 1516, tại Đông Kinh xảy ra trận chiến ác liệt giữa các thế lực phò Chiêu Tông và Trần Cảo (Thiên Ứng đế). Cảo thua, phải chạy lên Lạng Nguyên.
Ngày 27 tháng 3, Chiêu Tông chính thức đặt niên hiệu là Quang Thiệu. Bấy giờ Trịnh Duy Đại giữ Quang Trị ở Tây Kinh, nghe đến Chiêu Tông đã chiếm được Đông Kinh, bèn giết Quang Trị để chạy về với Chiêu Tông. Lê Quảng Độ do đầu hàng Trần Cảo nên bị giết, cùng năm Nguyên quận công Trịnh Duy Sản đánh nhau với quânTrần Cảo bị tử trận.
Năm 1517, Nguyễn Hoằng Dụ có hiềm khích rồi đánh nhau với Trịnh Tuy, kinh thành trở thành chiến trường của 2 bên. Trần Chân có ân tình với họ Trịnh, bèn đem quân định cứu, đợi khi Hoằng Dụ vào chầu Chiêu Tông thì xông ra bắt. Hoằng Dụ đến cửa Đại Hưng, ngờ có quân của Trần Chân bèn đi thuyền chạy ra Thanh Hóa.Trần Chân gửi thư choTrấn thủ Sơn Nam là Mạc Đăng Dung khuyên bắt Hoằng Dụ, nhưng Đăng Dung không nghe.
Trong lúc thế lực họ Nguyễn, Trịnh, Trần đánh nhau, thì cảnước đói to, dân tình chết đói khắp nơi, nhất là những nơi có binh đao như Hải Dương; Yên Phong,Kinh Bắc.
Lại nói, Trần Chân sau khi đuổi được Hoằng Dụ thì chiếm giữ Kinh thành luôn.Nhưng đến năm 1518, Chiêu Tông nghe Trịnh Hựu và Ngô Bính xúi giết chết Trần Chân mặc dù thế lựcTrần Chân rất lớn, đến nỗi Mạc Đăng Dung còn phải kết thông gia để cầu thân. Tay châncủa Chân là Nguyễn Kính, Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Áng, Nguyễn Hiêu, Cao Xuân Thì họp binh với nhau đánh sát vào kinh thành. Chiêu Tông nghe tin thì trốn sang Gia Lâm. Trịnh Tuy đóng quân ở xứ Sơn Nam, nghe tin vua chạy ra ngoài, quân lính tan cảnên vào thành thả sức cướp phá. Chiêu Tông sai Nguyễn Hoằng Dụ ra đánh bọn Nguyễn Kính nhưng Hoằng Dụ không nghe.
Để xoa dịu phe cánh Nguyễn Kính, Chiêu Tông sai giết những người gièm pha Trần Chân trước đây, nhưng Kính vẫn tụ tập cướp phá như trước. Mạc Đăng Dung đưa Chiêu Tông cùng em là Lê Xuân rời kinh về Bảo Châu. Sau khi Chiêu Tông rời Đông Kinh, Trịnh Tuy lập Lê Bảng là con của Tĩnh Tu công Lê Lộc lên ngôi, đổi thành Đại Đức Đế. Được nửa năm lại phế Bảng mà lập Lê Do đổi thành Thiên Hiến Đế. Cả hai đều là cháu 4 đời của Cung vương Lê Khắc Xương, con thứ hai của Thái Tông.
Mạc Đăng Dung giết hai vua, giành ngôi
Chiêu Tông triệu Mạc Đăng Dung đang trấn thủ Hải Dương và Nguyễn Hoằng Dụ đem quân đánh bọn Nguyễn Kính, Nguyễn Áng. Hoằng Dụ thua to, quân chết rất nhiều, phải bãi binh lui về, một mình Mạc Đăng Dung ở lại cầm cự với Nguyễn Áng.
Năm 1519, Trịnh Tuy đánh úp Chiêu Tông ở dinh Bồ Đề, bị thua, phải đem Lê Do(Thiên Hiến đế)về Yên Lãng, Yên Lạc (Vĩnh Phú ngày nay). Tháng 7 năm ấy, Mạc Đăng Dung dẹp được rồibắt giết Do. Trịnh Tuy bỏ chạy về Tây Kinh, Nguyễn Kính đầu hàng. Đăng Dung được phong là Minh quận công.
Năm 1521, Mạc Đăng Dung lại được phong làm Nhân quốc công, lĩnh quản binh lực thủy bộ của 13 đạo, lại phong làm Thái phó. Tháng 8, Đăng Dung dẹp được Trần Cung, con của Trần Cảo; giết bọn thị vệ thân cận của Chiêu tông.
Mạc Đăng Dung kiểm soát toàn bộ triều đình. Dung đem con gái nuôi vào cung hầu, tiếng là chầu hầu, thực ra là để dò xét, coi giữ;cho con trưởng là Mạc Đăng Doanh làm Dục Mỹ hầu, trông coi điện Kim Quang. Đăng Dung đi bộ thì lọng phượng giát vàng, đi thuỷ thì thuyền rồng dây kéo, ra vào cung cấm, không kiêng sợ gì.
Ngày 27 tháng 7, năm 1522, Chiêu Tông chạy ra huyện Minh Nghĩa ở Sơn Tây, mưu ngầm với bọn Phạm Hiến, Phạm Thứ, sai người đem mật chiếu vào Tây Kinh bảo Trịnh Tuy nghênh viện. Đăng Dung cho người đuổi theo nhưng Chiêu Tông chống lại, chạy vào thành Tây Kinh. Trong kinh thành, Mạc Đăng Dung cùng Thái sư Lê Phụ lập em của Chiêu Tông là Lê Xuân lên ngôi, tức Lê Cung Hoàng. Lúc này, một triều có 2 vua. Cung Hoàng bị Đăng Dung dời đến Hồng Thị, thuộc Hải Dương trú ẩn. Chiêu Tông lại trở về Đông Kinh, thiết lập lại triều đình, lấy lại các xứ Tây, Nam, Bắc, thanh thế dần được phục hồi. Trịnh Tuy đem quân phủ Thanh Hóa vào chầu, Chiêu Tông nghe lời nịnh mà chém thuộc tướng của Tuy, nên Tuy sinh lòng hận thù. Ngày 18 tháng 10, Trịnh Tuy lại bắt Chiêu Tông về Tây Kinh. Nhân cơ hội, ngày 18 tháng 12, Mạc Đăng Dung sau khi dẹp phản loạn Giang Văn Dụ, đuổi khỏi kinh thành, đưa Cung Hoàng từ Hồng Thị về kinh sư.
Năm 1523, sau khi Trịnh Tuy đem Chiêu Tông về Thanh Hóa, quân lực Chiêu Tông bịsuygiảm, Đăng Dung liên tiếp sai quân đi đánh Trịnh Tuy ở Thanh Hoa, phá tan quân Tuy. Tuy liền dời Chiêu Tông lên châu Lang Chánh.
Năm 1525, Cung Hoàng gia phong Mạc Đăng Dung thành Bình chương quốc trọng sự, đem quân đánh thắng Trịnh Tuy. Đăng Dung bắt được Chiêu Tông, rồi truy lùng và giết chết quần thần của vua.Lúc này triều đình nằm trong tay Mạc Đăng Dung. Ngày 18 tháng 12, năm 1526, Đăng Dung sai giết Chiêu Tông.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung bắt Cung Hoàng nhường ngôi, lập ra nhà Mạc. Thần dân trong kinh đều theo và chào đón Mạc Đăng Dung.
Giải mã trường hợp Mạc Đăng Dung
Mạc Đăng Dung vốn xuất thân nhà nghèo nhưng nhờ tài trí, biết cách ẩn mình chờ thời, từng bước len vào chính trường một cách khôn khéo và cuối cùng lấy được ngai vua. Ông từng giết hai vua, Thiên Hiến đế (Lê Do) và Chiêu tông là điều tối kị nhưng lúc lên ngôi vẫn được dân chào đón. Vì sao vậy?
Nếu tính từ lúc Tương Dực chết (1516) đến lúc Mạc Đăng Dung tiếm/lên ngôi, lập ra nhà Mạc (1527), chỉ vỏn vẹn 11 năm nhưng chắc chắn là thời gian hỗn loạn nhất của chính trường Đại Việt kể từ khi giành quyền tự chủ cho đến sau này. Các thế lực họ Trần, họ Nguyễn, họ Trịnh và sau là họ Mạc tranh giành, tiêu diệt lẫn nhau xoay quanh chiếc ngai vàng. Chiếc ngai vàng là điểm tựa pháp lý để họ vin vào đó mà sát phạt lẫn nhau nhằm khống chế và hướng tới chiếm đoạt. Dân gian có câu, “trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết oan”. Nước thì suy, Dân thì cùng kiệt khổ ải. Dân đã quá khổ vì nạn binh đao do các thế lực tranh giành sát phạt nhau nên chấp nhận Mạc Đăng Dung để tránh phải đổ thêm xương máu. Các thế lực có thể bị tiêu diệt vì đối thủ nhưng Dân vẫn là người chết trước. Các thế lực tranh giành nhau và có thể chết vì ngai vàng còn Dân thì chết oan uổng. Dân chấp nhận mạc Đăng Dung là để cho nước yên, cho bớt khổ đau và chết chóc.
Nhưng nguyên nhân sâu xa của tình trạng khủng hoảng toàn diện của nhà Lê giai đoạn này là bắt đầu từ tranh giành ngai vàng trong chính nội bộ tôn thất nhà Lê. Sau cái chết của Hiến tông, Túc tông là đã bắt đầu loạn. Nếu không tính trước đó, cuộc tranh giành đã có từ hồi Nghi Dân, và cũng bắt đầu từ các Hoàng hậu, Hoàng Thái hậu và các phe phái quan đại thần. Và nếu nhìn xa hơn nữa, từ khi mới lập vương triều, Lê Thái Tổ đã có những cuộc thanh trừng các khai quốc công thần mà một phần là do các vị đại thần khích bác, dèm pha lẫn nhau, kể cả vụ án Lệ Chi viên mà Nguyễn Trãi và và ba họ bị chết oan.
Đến các vua Uy Mục và Tương Dực, “vua quỷ” và “vua lợn”, thì rõ ràng là một tai họa về đạo đức và kỉ cương/luật pháp của nhà Lê. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn. Từ đó, dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Đại Việt. Cả xã hội rối loạn. Hai ông vua này đã tự mình giật đổ vương triều nhà Lê.
Ngai vàng là của vua. Quốc gia/Dân tộc không chỉ của nhà vua mà của muôn dân. Dân không tranh giành ngai vàng mà cần nước yên, quốc gia hưng thịnh và no ấm, bình an. Ai có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng và đem lại những điều đó thì Dân chấp nhận và ủng hộ. Mạc Đăng Dung, trước mắt đã giải quyết được cuộc rối loạn quyền lực đầy chết chóc và đói khổ cho Dân nên đã được chấp nhận. Thứ nữa, mặc dù cũng là tranh giành, cũng là giết chóc nhưng xem ra Mạc Đăng Dung không quá tàn bạo và thủ đoạn như Trần Thủ Độ thời nhà Trần nên cũng dễ được chấp nhận hơn chăng!?
Câu chuyện nhà Lê mất ngôi về nhà Mạc cách nay đã 500 năm nhưng bài học của nó vẫn còn nóng hổi và vẹn nguyên giá trị.
tin tức liên quan
Videos
Đền Hồng Sơn
Chuyển đổi số và liên thông Thư viện - xu hướng phát triển tất yếu
Một nước Nhật quá xa xôi!
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Lenk
Thống kê truy cập
114513404
2190
2315
21341
220277
121356
114513404