Những góc nhìn Văn hoá
Di sản văn hóa trong thang bậc giá trị toàn cầu qua góc nhìn của Machael Herzfeld*
Tôn vinh di sản là cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, song cần đúng quy định của pháp luật. (ảnh Hà Hồ)
Ngày 15/11/2019, trong bài thuyết trình về “Di sản văn hóa cho tương lai: Công ước UNESCO 2003 về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể,” tại Trường ĐHKHXH&NV, TS. Frank Proschan, học giả Fulbright, giảng viên thỉnh giảng Khoa Nhân học, Cựu chuyên gia UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể khẳng định: UNESCO không vinh danh, công nhận di sản văn hóa phi vật thể. Việc dùng từ “công nhận” di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể nhân loại là sự hiểu nhầm, không đúng theo tinh thần Công ước 2003. Nhiều chuyên gia về di sản phi vật thể Việt Nam tham dự đã thực sự “choáng váng” vì sự nhầm lẫn này đã kéo dài gần 20 năm, và vì Việt Nam cũng đã “trót công nhận” cho nhiều di sản cấp tỉnh, cấp quốc gia,… Điều này đã từng diễn ra sôi động từ thế kỷ trước ở Hy Lạp qua một nghiên cứu đặc sắc của Michael Herzfeld, GS. Nhân học, Đại học Harvard, Hoa Kỳ: “Tạo vật vụng về: Nghệ nhân và kỹ xảo trong thang bậc giá trị toàn cầu.”
Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới được Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) thông qua năm 1972, có hiệu lực từ ngày 17/12/1975 (Việt Nam chính thức gia nhập Công ước này ngày 19/10/1987). Công ước xây dựng một danh sách các di sản văn hoá và thiên nhiên có giá trị toàn cầu nổi bật “bảo đảm việc xác định, bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và truyền lại cho các thế hệ tương lai di sản văn hóa và tự nhiên nêu trong Điều 1 và 2 nằm trên lãnh thổ, là trách nhiệm trước tiên của mình. Quốc gia này phải nỗ lực hành động tối đa cho mục đích trên bằng những nguồn lực sẵn có và nếu có, thì bằng cả sự viện trợ và hợp tác quốc tế mà nó có thể có được hưởng nhất là về mặt tài chính, nghệ thuật, khoa học và kỹ thuật” (trích Điều 4).
Công ước tiếp theo của UNESCO về Bảo vệ văn hóa Phi vật thể được ban hành ngày 17 tháng 10 năm 2003 (gọi tắt là Công ước 2003). Từ 2003 đến 2019, lần lượt 14 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp theo Công ước 2003. Các “danh hiệu di sản” nói trên được cập nhật liên tục trên các phương tiện truyền thông “như UNESCO công nhận, UNESCO vinh danh, UNESCO cấp bằng chứng nhận,…” khiến cho nhiều người Việt Nam cảm thấy vô cùng tự hào.
Nhưng cũng có những người lo lắng cho di sản khi chúng bị trùng tu và khai thác không đúng cách “biến di tích 400 tuổi thành... 1 ngày tuổi” (Đỗ Doãn Hoàng 2010). Thậm chí biến thành “những di tích 0 tuổi” (Thành Cao 2020) do những sự trục lợi từ danh hiệu di sản. Liên quan đến cách thức ứng xử với di sản và sự hiểu biết về di sản ở Việt Nam, chúng ta cần phải tìm hiểu kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước mà Hy Lạp là một trong những quốc gia “giàu” di sản nhất trên thế giới. Trục lợi từ danh hiệu di sản chính là những gì đã được trình bày trong công trình nghiên cứu đặc sắc Tạo vật vụng về: Nghệ nhân và kỹ xảo trong thang bậc giá trị toàn cầu của Michael Herzfeld. Qua đây, chúng ta có thể nhìn thấy một góc tối của vấn đề bảo tồn di sản của Hy Lạp thế kỷ 20 qua một góc nhìn đối sánh với Việt Nam trong thế kỷ 21.
Di sản: Bằng cấp, danh hiệu và hiện trạng của Việt Nam
Trên cơ sở Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới được UNESCO thông qua năm 1972 và Công ước 2003 của UNESCO về Bảo vệ văn hóa Phi vật thể, cho tới nay, Việt Nam đã sở hữu một danh sách di sản bao gồm nhiều thể loại từ thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, di sản vật thể đến di sản phi vật thể. Dễ dàng nhận thấy, di sản ở Việt Nam vô cùng phong phú với nhiều thể loại và được phân bố ở nhiều tỉnh và thành phố. Có thể nói, các di sản đó chính là tài sản to lớn của quốc gia đã được thiên nhiên ban tặng và là tài sản của nhiều thế hệ cha ông đã gìn giữ. Trước khi được đưa vào danh sách di sản của UNESCO, các di sản đó vẫn tồn tại “tự nhiên” trong đời sống cộng đồng. Nhưng sau khi được UNESCO “công nhận,” nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp ở Việt Nam chợt nhận ra có rất nhiều người say mê các danh hiệu và bằng cấp. Họ đã nắm bắt thời cơ này cấp các loại bằng có liên quan đến di sản và văn hóa, đáp ứng nhu cầu của một “bộ phận không nhỏ” trong xã hội:
- Hội Nghệ nhân và Thương hiệu cấp bằng Nữ hoàng Văn hóa tâm linh cho một “cô đồng” và hơn 20 loại “Nữ hoàng” khác...[1]
- Hội Kỷ lục gia Việt Nam cấp bằng cho các thứ không chỉ là “dài nhất, to nhất” (Hà Đình Nguyên 2013);
- Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cấp bằng Nghệ nhân dân gian;
Vượt lên trên nhiều hội và hiệp hội khác, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cấp bằng cho nhiều loại, từ con người (như nghệ nhân, nhà khoa học,…) đến sinh vật (như cây cối - cây cảnh, cây “di sản”!) và cả đồ vật (như cổ vật,…).[2] Đúng như PGS.TS. Nguyễn Thị Yên (Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) nhận xét: “Đó là tình trạng loạn danh hiệu, loạn hình thức tôn vinh. Nhiều đơn vị không hề có chuyên môn hay hoạt động nghiên cứu liên quan đến Tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn tự tổ chức các chương trình vinh danh, liên hoan tại nước ngoài. Đặc biệt, gây bức xúc trong dư luận xã hội là hiện tượng loạn bằng chứng nhận, loạn nghệ nhân. Mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giữ quyền cấp Bằng xếp hạng các di tích Tín ngưỡng thờ Mẫu nhưng vẫn có nơi tự ý cấp bằng chứng nhận” (Linh Tâm 2020).
Bỗng nhiên, đến cuối năm 2019, giới học giả và truyền thông Việt Nam hết sức bất ngờ khi TS. Frank Proschan, Giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Nhân học, ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, một nhà Việt Nam học có thâm niên hơn 30 năm, từng là điều phối viên văn hóa phi vật thể của UNESCO (https://ich.unesco.org/en/trainer/proschan-frank-00026), khẳng định rằng UNESCO không hề “phân cấp”, “công nhận” hay “cấp bằng” cho di sản mà chỉ là sự xác nhận hay ghi nhận (recognition) giá trị văn hóa của chính cộng đồng sở hữu di sản đó (Vương Anh 2019). Ông khẳng định: “Không có di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia hay của nhân loại mà chỉ có di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng một nhóm người tại một quốc gia nào đó” và cũng “không có điều khoản nào của Công ước 2003 quy định về việc xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể. Chính vì thế, cái cách xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể theo cấp tỉnh, cấp quốc gia hay cấp thế giới (nhân loại) chỉ là sự hiểu lầm từ các thông tin chưa chính xác về Công ước (Bình Thanh 2020).
Vậy sự ghi nhận của UNESCO đối với di sản là gì? Các di sản do ai sở hữu? Ai có quyền khai thác di sản? Bảo tồn và khai thác di sản như thế nào để hướng tới phát triển bền vững? Đây là những vấn đề cần được nhìn nhận lại để hướng tới phát triển bền vững như Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc đã đề ra (UNDP 2015). Trước khi những vấn đề nói trên diễn ra ở Việt Nam, với một góc nhìn đa diện và mang tính toàn cầu Mihcael Herzfeld đã đề cập đến thực trạng của Hy Lạp hơn ba thập niên trước. Những vấn đề đã diễn ra trong xã hội Hy Lạp từ thế kỷ trước nhưng lại có sự tương đồng kỳ lạ với những gì đang diễn ra ở Việt Nam. Học hỏi từ những gì mà Hy Lạp đã trải qua chính là cách tốt nhất để chúng ta rút ra bài học cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Từ body politic đến body impolitic
Body politic,[3] là một ẩn dụ cổ xưa về một nhà nước theo quan điểm chính trị (hay tôn giáo) phương Tây, chỉ một cơ cấu xã hội hoặc tôn giáo với các bộ phận của nó được hình thành như cơ thể sinh học của con người, ngụ ý một sự lãnh đạo có thứ bậc và sự phân công lao động mang một ý nghĩa chuyên chế.[4] Từ quan niệm này, Michael Herzfeld đã sử dụng thuật ngữ body impolitic nhưng không hướng đến khoa học chính trị mà là khoa học nhân văn. Nghiên cứu của ông bàn sâu đến những vấn đề của con người qua một cộng đồng cư dân ở Rethemnos thuộc đảo Crete, Hy Lạp. Đại diện cho cộng đồng này là những thợ thủ công (craftsman) hay nghệ nhân (artisans), những người góp phần bảo lưu cái gọi là truyền thống Hy Lạp thông qua kỹ xảo (artifice) tạo tác các sản phẩm mỹ nghệ. Vấn đề ông đặt ra là, trong cái “cơ thể chính trị” của Hy Lạp thập niên 90 của thế kỷ XX, những sản phẩm đó có thực sự đại diện cho văn hóa nguyên gốc (genesis) Hy Lạp hay không? Và cái body impolitic đó, theo cách ẩn dụ của ông, chính là tạo vật vụng về đã được tạo ra trong bối cảnh đó.
Bằng những chứng cứ xác đáng từ kết quả điều tra thực địa tại Hy Lạp với một thao tác nhân học hết sức chuyên nghiệp, ông đã đưa ra những nhận xét tinh tế, sâu sắc cùng với những cảnh báo về thực tiễn đời sống của một tầng lớp bên lề (marginal) được gọi là nghệ nhân bao gồm cả những người bỏ học hoặc bị đuổi học (Herzfeld 2004: 13). Họ bị bóc lột bởi những mánh khóe (crafty) của những kẻ nắm trong tay sự bá quyền (hegemony) về di sản để trục lợi bằng việc sản xuất ra những tạo vật vụng về (body impolitic). Những tạo vật vụng về đó được khoác lên mình danh xưng truyền thống Hy Lạp, di sản cổ đại hay văn minh châu Âu với sựbảo kê của những tổ chức do nhà nước lập ra như Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ, vừa và nghề thủ công quốc gia (National Organization of Small and Midium Businesses and Handicrafts, viết tắt: NOSMBH).
Mang trên vai gánh nặng là những người gìn giữ di sản truyền thống nhưng trên thực tế những nghệ nhân này được sử dụng như những cỗ máy để biến sự nổi tiếng của “xứ sở các vị thần” Hy Lạp thành sản phẩm du lịch thương mại. Họ luôn được tán dương như những “báu vật sống” cho đến lúc hiểu ra rằng “truyền thống” chính là chiếc cột neo (tethering post) chặn hy vọng vươn lên của họ vào cái bệ (pedestal) di sản, để rồi chính họ cũng trở thành một phần di sản “sống” của quốc gia. Cái ách vì lợi ích “quốc gia” tròng vào cổ họ không hề nhẹ nhưng cũng chẳng hề ngẫu nhiên, đó chính là sự trục lợi của tầng lớp bá quyền trên sự ngu muội hóa tầng lớp bần cùng như một dạng nô lệ thời hiện đại. Dễ dàng nhận thấy, sự tẻ nhạt trong công việc của những “con người công cụ” trong ngành “công nghiệp phục vụ du lịch” đã cho ra đời những tạo vật vô hồn và vụng về bởi chúng thường được sao chép từ các mẫu có sẵn (stereotype). Mặc dù chúng có vẻ ngoài hào nhoáng và cũng có vẻ hoàn thiện (về kỹ thuật) nhưng yếu tố nghệ thuật của các sản phẩm phi cảm hứng này dường như đã bị triệt tiêu.
Không chỉ trục lợi sức lao động của những người thợ thủ công được gọi bằng những danh xưng mỹ miều là nghệ nhân hay thậm chí là bậc thầy (mastora, tiếng Hy Lạp), giới chủ (elite) ở đây còn trục lợi từ việc bán rẻ những giá trị cổ truyền huy hoàng một thời của nền văn minh Hy Lạp bằng một sự đánh tráo lén lút (stealth) và thủ đoạn (guile). Chẳng hạn, những trường nghề hay những triển lãm mỹ nghệ được NOSMBH tổ chức hàng năm không nhằm nâng cao giá trị nghệ thuật của sản phẩm hay tay nghề của nghệ nhân mà thực chất chỉ để đánh bóng tên tuổi một số người luôn tỏ ra quan tâm đến cái gọi là truyền thống. Còn các nhà tổ chức, đứng đầu là NOSMBH, thì nhận được những khoản giải ngân vừa nhanh vừa nhiều từ ngân khố của quốc gia với những tạo vật vụng về nhưng có lợi cho các nhà chính trị và cho chính họ.
Có thể thấy, từ body politic đến body impoliticlà một ẩn dụ tài tình của Michael Herzfeld, nó mang đến cho người đọc một góc nhìn sinh động về thiết chế xã hội Hy Lạp thập niên 90 của thế kỷ 20 qua những nhóm người bên lề hay những tạo vật vụng về. Trong xã hội đó nổi lên các nhóm lợi ích trục lợi các giá trị truyền thống nhờ vào sự bá quyền di sản. Bên cạnh đó ông mô tả cặn kẽ về những mánh khóe lừa dối cùng sự đánh tráo các khái niệm như “di sản” hay “truyền thống” để làm giàu cho nhóm lợi ích. Ba thập niên đã trôi qua, xã hội Hy Lạp giờ đây đã đổi khác nhưng những gì là hiện thân của một xã hội Hy Lạp những năm 90 lại đang trỗi dậy trong xã hội Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ 21 với vô số vấn đề vừa cũ lại vừa mới. Có khác chăng chỉ là truyền thống Hy Lạp đã được thay thế bằng truyền thống Việt Nam như một “phiên bản châu Á” với những vấn đề có liên quan đến di sản, truyền thống, UNESCO, vinh danh, “cấp bằng”…
Từ tạo vật vụng về ở Hy Lạp đến sáng tạo truyền thống ở Việt Nam
Trong nghiên cứu của mình Michael Herzfeld đề cập đến 8 nội dung (1. Bệ đỡ và cột neo; 2. Đào tạo nghề; 3. Thù nghịch và liên kết; 4. Sự tham gia của Nhà nước; 5. Nhàm chán và lén lút; 6. Liên kết nhà nước; 7. Nghệ nhân trong Thể chế Nhà nước và Quốc gia; 8. Giá trị hiện thân). Mỗi nội dung này đề cập một số khía cạnh hay vấn đề có liên quan đến thể chế với các mối quan hệ chằng chịt liên quan đến chính trị và kinh tế. Chẳng hạn như những mánh khóe trong công việc (crafty at work), quan hệ tạo lợi thế (engendering power ralations), tạo dựng ê-kíp (forming association),… từ đó dựng nên cái gọi là triển lãm truyền thống (exhibiting tradition). Qua các nội dung trên, ông giúp người đọc nhận biết giá trị hiện thân (embodying value) của những tạo vật vụng về đã hình thành ở Hy Lạp thập niên 90 cùng những con người và nền tảng xã hội đã tạo ra chúng.
Nghiên cứu củaMichael Herzfeld cũng nhắc tới khái niệm sáng tạo truyền thống (invented tradition) trong cuốn sách do Eric Hosbawm và Terence Ranger chủ biên.[5] Nhưng có vẻ như sáng tạo truyền thống của Hy Lạp cuối thế kỷ 20 (như Herzfeld mô tả) còn thua xa sức sáng tạo truyền thống của Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ 21 với sự đóng góp của nhiều hội, nhóm có liên quan. Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam là một trường hợp khá điển hình, giống với NOSMBH ở Hy Lạp nhưng tầm ảnh hưởng thì lớn hơn rất nhiều (xem website tại đây: http://unescovietnam.vn). Đặc biệt, Liên hiệp này còn “vượt mặt” cấp quản lý cao nhất để “cấp bằng chứng nhận: Đền thiêng linh ứng đạt tiêu chuẩn văn hóa đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hoá truyền thống Việt Nam” (Minh Tú 2017). Có thể thấy, việc phong tặng cho các “đền thiêng” trước đây chỉ nhà vua mới có thẩm quyền (gọi là sắc phong). Vì vậy, những chiếc bằng chứng nhận này rõ ràng là một “tạo vật vụng về” giữa vô số sản phẩm sáng tạo truyền thống ở Việt Nam.
Cùng với cơn khát “vinh danh” và “phong tặng,” cơn sốt “tâm linh” sau hơn nửa thế kỷ vô thần đã khiến nhiều người Việt Nam bị mê hoặc với các loại “đền thiêng linh ứng” hay “chùa khủng sư chuẩn”… Đứng trước nhu cầu ngày càng tăng, hoạt động sáng tạo truyền thống được dịp phát huy cao độ với vô số hình thức như kịch bản hóa lễ hội, du lịch hóa đền chùa, công nghiệp hóa ấn-sớ,… Tất cả đều được đáp ứng nhanh chóng trong một “thị trường tâm linh” tấp nập nhờ nguồn đầu tư của tầng lớp “elite nội” (đây là tầng lớp người giàu mới nổi ở Việt Nam thường được gọi là trọc phú vì giàu có nhưng lại thiếu “tinh hoa” như tầng lớp tư sản ở châu Âu).
Dễ dàng nhận thấy, những tạo vật vụng về ở Hy Lạp hơn ba thập niên trước trong nghiên cứu của Michael Herzfeld có nhiều điểm tương đồng kì lạ với những sản phẩm ra đời trong quá trình sáng tạo truyền thống ở Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ 21. Đó là những sản phẩm nhanh - nhiều - giá rẻ được tạo ra trong một giai đoạn hỗn độn về hệ giá trị (do phải đáp ứng cho số đông). Để nhận diện chúng, thông qua nghiên cứu của ông, chúng ta có một gợi ý quan trọng, đó là đánh giá các tạo vật đó trong thang bậc giá trị toàn cầu (global hierarchy of value). Nó đóng khung cái gọi là truyền thống dân tộc (hay quốc gia) và sản phẩm thủ công truyền thống như những chứng cứ về một sự “lạc hậu” khó thay đổi (incurable “backwardness”). Rõ ràng, nếu không nhìn nhận mỗi tạo vật như vậy trong một hệ giá trị hay trong thang bậc giá trị toàn cầu, chúng ta có thể bị rối loạn bởi những tạo vật vụng về và cả những sản phẩm “không vụng về” nhưng ra đời trong quá trình sáng tạo truyền thống.
Hướng đi nào cho bảo tồn di sản và phát triển bền vững?
Trong một cuốn sách xuất bản gần đây, đề cập đến vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa ở Việt Nam và Đông Nam Á, Gabor Vargyas (GS. Nhân học, Đại học Pecs, Cộng hòa Hungary, từng là một chuyên gia của UNESCO nghiên cứu về Lào và Việt Nam) cho rằng “nếu chúng ta muốn bảo tồn được các giá trị văn hóa phi vật thể, ta sẽ phải lưu giữ cả những con người tạo ra nó và có khả năng sẽ tiếp tục phát huy nó” (Vargyas 2018: 13). Điều này không chỉ đúng với văn hóa phi vật thể mà còn đúng với nhiều loại hình di sản văn hóa khác đang được con người lưu giữ. Vì vậy, nếu một quốc gia không có các nghệ nhân nối nghiệp thì nhiều di sản của quốc gia đó sẽ không được bảo tồn. Nhưng nếu các nghệ nhân được đào tạo một cách lén lút và xảo trá (stealth & guile, như Herzfeld đã đề cập) thì tình trạngnhàm chán(boredom) của họ chắc chắn chỉ sản xuất ra các tạo vật vụng về, chúng sẽ trở thành những tạo vật mất giá hay vô giá trị (bodies devalued).
Để tìm một hướng đi cho vấn đề bảo tồn di sản trong giai đoạn hiện nay, không riêng Hy Lạp hay Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng đang vật lộn để tìm cách bảo vệ các giá trị đích thực của di sản trong bối cảnh toàn cầu hóa. Một trong những bước đi đầu tiên (và cũng là cách làm phổ biến nhất hiện nay) là lập hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản. Nhưng cho dù có được ghi danh vào danh sách này thì điều đó cũng sẽ không giúp ích gì cho việc bảo tồn di sản nếu như cộng đồng (hay quốc gia) sở hữu lại hiểu sai về di sản hoặc hiểu nhầm mục đích của UNESCO. Quá trình sáng tạo truyền thống luôn tạo ra những tạo vật vụng về vì kỹ xảo của các “nghệ nhân” đã trở thành mánh khóe (crafty), không còn giống như những kỹ xảo đích thực mà cha ông họ đã làm.
Vì vậy, muốn bảo vệ các giá trị đích thực của di sản, trước hết chúng ta cần phải hiểu rõ về chúng trong thang bậc giá trị toàn cầu mà Michael Herzfeld đã đề cập. Đúng như ông đã nhận định, di sản chính là những truyền thống địa phương thẩm thấu trong văn hóa ở mọi nơi nhưng biểu hiện của chúng rất khác nhau (do chúng đã địa phương hóa). Đối sánh với chúng là các giá trị mang tính toàn cầu như hiệu quả (efficiency), xã hội dân sự (civil society), nhân quyền (human right), minh bạch (transparency), bao dung (tolerance),… Trong hệ giá trị của di sản thì sự đa dạng (diversity) chính là một giá trị toàn cầu quan trọng nhất, tính chất ngày càng đồng nhất của ngôn ngữ văn hóa và đạo đức tạo thành thang bậc giá trị toàn cầu (Herzfeld 2004: 2). Dễ dàng nhận thấy, sự đa dạng ở đây chính là một đặc tính đối lập với các mẫu có sẵn (stereotype) đang được sao chép tràn lan ở Việt Nam hay ở Hy Lạp thập niên 90 như ông đã chỉ ra trong nghiên cứu của mình.
Cùng với bảo tồn di sản thì phát triển bền vững là một cụm từ luôn được nhắc đến trong nhiều văn kiện của Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên trong những thập niên qua. Theo đó, bảo tồn di sản để phát triển bền vững là một mục tiêu quan trọng không chỉ của Hy Lạp hay Việt Nam mà của cả thế giới. Nhưng dường như vấn đề bá quyền di sản(như Herzfeld đã dùng) lại chưa được nhiều người biết tới. Rất khó để các quốc gia sở hữu nhiều di sản như Hy Lạp và Việt Nam có thể phát triển bền vững nếu như di sản luôn nằm trong tay một nhóm lợi ích nắm trong taybá quyền, vì sự trục lợi di sản là điều hiển nhiên sẽ xảy ra.
Từ sự đối sánh giữa các nghệ nhân - những người bên lề (marginality) với nhóm bá quyền, Michael Herzfeld đã cho chúng ta thấy giá trị hiện thân của những tạo vật vụng về đã được tạo ra trong một bối cảnh xã hội thập niên 90 của Hy Lạp (Herzfeld 2004: 204). So với Hy Lạp, Việt Nam có may mắn hơn là nhiều nghệ nhân ở các làng nghề hiện nay vẫn giữ được niềm đam mê, sự hào hứng đối với việc tạo ra các sản phẩm như cha ông họ từng làm ra. Cho dù các sản phẩm đó có được đưa vào danh sách di sản hay không thì đối với họ không quá quan trọng. Điều quan trọng hơn (và đơn giản là) những nghệ nhân có niềm đam mê đó luôn muốn giữ gìn nghề nghiệp do cha ông trao lại mà chẳng quan tâm nhiều đến một danh hiệu nào do một hiệp hội nào phong tặng cả.
***
Trở lại với những câu hỏi đã đặt ra ở phần mở đầu, có thể thấy UNESCO ghi nhận di sản (vào danh sách) để các quốc gia sở hữu có trách nhiệm hơn với chính di sản của họ “nhằm bảo vệ, phát triển và phát huy di sản văn hóa” (Điều 13, Công ước 2003). Nhưng với các câu hỏi: Các di sản do ai sở hữu? Ai có quyền khai thác di sản? Khai thác di sản như thế nào? và Bảo tồn di sản như thế nào để hướng tới phát triển bền vững?... phải do chính các quốc gia sở tại trả lời. Bởi vì đó là tài sản của người dân tại quốc gia của họ. Những di sản này trở thành những tạo vật vụng về hay những tạo vật có giá trị trong thang bậc toàn cầu sẽ tùy thuộc vào trình độ hiểu biết và đạo đức của những người đang quản lý các di sản đó. Liệu UNESCO có nên tạm dừng ghi nhận di sản của Việt Nam cho đến khi chính chúng ta nhận thức được giá trị đích thực của di sản? Câu trả lời xin nhường lại cho Văn phòng UNESCO Hà Nội và các cơ quan có liên quan. Hy vọng, Việt Nam không “giẫm vào vết xe đổ” của Hy Lạp hơn ba thập niên về trước với những tạo vật vụng về.
______________________
*: Lời giới thiệu cuốn sách “Tạo vật vụng về: Nghệ nhân và kỹ xảo trong thang bậc giá trị toàn cầu” của Michael Herzfeld, GS. Nhân học, Đại học Harvard, Hoa Kỳ
**: PGS. TS,Chủ nhiệm bộ môn Nhân học văn hóa Khoa Nhân học, ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành Khoa học xã hội.
Tài liệu trích dẫn:
1. Bình Thanh 2020. “Bé cái nhầm” phân hạng di sản văn hóa phi vật thể? Báo Giáo dục & thời đại, https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/be-cai-nham-phan-hang-di-san-van-hoa-phi-vat-the-4056125-b.html, truy cập 12/2/2020
2. Đỗ Doãn Hoàng 2010. “Biến di tích 400 tuổi thành... 1 ngày tuổi”, Báo Dân trí, https://dantri.com.vn/xa-hoi/bien-di-tich-400-tuoi-thanh-1-ngay-tuoi-1285508401.htm , truy cập 20/12/2020
3. Hà Đình Nguyên 2013. “Kỷ lục không chỉ là “dài nhất, to nhất,” Báo Thanh niên, https://thanhnien.vn/van-hoa/ky-luc-khong-chi-la-dai-nhat-to-nhat-36634.html, truy cập 12/2/2020
4. Herzfeld, Michael 2004. The body Impolitic: Artisans and Artifice in the Global Hierarchy of Value [Tạo vật vụng về: Nghệ nhân và kỹ xảo trong thang bậc giá trị toàn cầu]. The University of Chicago Press, Chicago and London
5. Hobsbawm, E. & Ranger, T. eds 1983. The Invention of Tradition [Sáng tạo truyền thống]. Cambridge University Press. Link Download: http://psi424.cankaya.edu.tr/uploads/files/Hobsbawm_and_Ranger_eds_The_Invention_of_Tradition.pdf
6. Linh Tâm 2020. “Ngăn chặn những hệ lụy, biến tướng,” Báo Hà Nội mới, http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/961553/ngan-chan-nhung-he-luy-bien-tuong?fbclid=IwAR1FeqKDCwLUIbMdlT_21aUUBG2bDOeY0MhjshfhdWoGSXja2CBJm-JSQWY, truy cập 21/3/2020
7. Minh Tú 2017. “Sau lùm xùm ca sĩ Ngọc Sơn được 'phong' Giáo sư, kiến nghị Thủ tướng chấn chỉnh việc tự phát phong danh hiệu,” Báo Phụ nữ, https://www.phunuonline.com.vn/sau-lum-xum-ca-si-ngoc-son-duoc-phong-giao-su-kien-nghi-thu-tuong-chan-chinh-viec-tu-phat-phong-dan-a50682.html truy cập 9/2/2020 truy cập 13/2/2020
8. Minh Tuấn 2019. “Hơn 20 người được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu phong 'Nữ hoàng'” Báo Lao động, trong https://cungcau.vn/hon-20-ca-nhan-duoc-hoi-nghe-nhan-va-thuong-hieu-viet-nam-phong-nu-hoang-d178467.html, truy cập 12/2/2020
9. Thành Cao 2020. “Những di tích 0 tuổi”, Trí thức Việt Nam, https://trithucvn.net/blog/xa-luan/nhung-di-tich-0-tuoi.html truy cập 20/2/2020
10. Thơ Phạm 2019. “Những di sản văn hóa ở Việt Nam được UNESCO vinh danh,” Quỹ Hỗ trợ bảo tồn Di sản văn hóa Việt Nam, https://quydisan.org.vn/nhung-di-san-van-hoa-viet-nam-duoc-unesco-vinh-danh.html, truy cập 19/12/2019
11. UNESCO 1972. Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa và Thiên nhiên thế giới (Công ước Di sản Thế giới 1972). Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc thông qua ngày 27/11/1972. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/van-hoa-xa-hoi/Cong-uoc-bao-ve-di-san-van-hoa-va-tu-nhien-the-gioi-UNESCO-Paris-16-11-1972-68509.aspx Truy cập 20/2/2020
12. UNDP 2015. Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals), https://www.vn.undp.org/content/vietnam/vi/home/library/mdg.html truy cập 20/2/2020
13. UNESCO 2003. Công ước Bảo vệ văn hóa Phi vật thể, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc thông qua ngày 17/10/2003.
http://www.unesco.org/new/fileadmin/MULTIMEDIA/FIELD/Hanoi/pdf/Convention_2003.pdf Truy cập 20/2/2020
14. V. V. Tuân 2017. “UNESCO Việt Nam phản ứng kiến nghị 'dẹp loạn' danh hiệu”, Báo Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/lien-hiep-cac-hoi-unesco-vn-phan-ung-ve-kien-nghi-dep-loan-danh-hieu-2017091017175906.htm truy cập 12/2/2020
15. Vargyas, Gabor 2018. Bất chấp định mệnh: Văn hóa và phong tục, tập quán của người Bru-Vân Kiều, (Giáp Thị Minh Trang dịch), Nxb. Dân trí, Hà Nội
16. Vương Anh 2019. “Hiểu đúng các khái niệm về di sản văn hóa phi vật thể,” Báo Thời nay https://nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-xahoi/baothoinay-xahoi-vande/item/42696402-hieu-dung-cac-khai-niem-ve-di-san-van-hoa-phi-vat-the.html?PageSpeed=noscript truy cập 2/2/2020
[1] Như Nữ hoàng ngoại giao, Nữ hoàng thương hiệu ngành may mặc, Nữ hoàng mỹ phẩm, Nữ hoàng thực phẩm, Nữ hoàng ngành than, Nữ hoàng sản xuất nội thất, Nữ hoàng thủy sản, Nữ hoàng khoáng sản, Nữ hoàng nhiếp ảnh, Nữ hoàng vận tải, Nữ hoàng dệt may, Nữ hoàng xây dựng, Nữ hoàng kim hoàn đá quý,… xem thêm: Minh Tuấn 2019. “Hơn 20 người được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu phong 'Nữ hoàng'” Báo Lao động, trong https://cungcau.vn/hon-20-ca-nhan-duoc-hoi-nghe-nhan-va-thuong-hieu-viet-nam-phong-nu-hoang-d178467.html, truy cập 12/2/2020
[2] Dường như việc bao quát cả ba lĩnh vực Văn hóa - Khoa học - Giáo dục dành cho Văn phòng UNESCO Hà Nội là quá lớn. Vì vậy Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam (ra đời ngày 3/8/1993, nay là Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam) với hàng nghìn thành viên lấn át Văn phòng UNESCO Hà Nội ở nhiều lĩnh vực. Xem thêm: V. V. Tuân 2017. “UNESCO Việt Nam phản ứng kiến nghị 'dẹp loạn' danh hiệu”, Báo Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/lien-hiep-cac-hoi-unesco-vn-phan-ung-ve-kien-nghi-dep-loan-danh-hieu-2017091017175906.htm, truy cập 12/2/2020
[3] Thuật ngữ này có thể gọi là cơ thể chính trị (hay chính trị cơ thể) gần giống như cơ chế chính trị hay chính thể ở Việt Nam hay Trung Quốc trong khoa học chính trị, tuy nhiên, ở đây chúng tôi không bàn đến khía cạnh này.
[4] Kinh Rigveda của Ấn Độ giải thích chính trị bằng cách so sánh chức tư tế với miệng, binh lính với cánh tay, người chăn cừu đến đùi và nông dân với đôi chân của loài người. Trong huyền thoại Aesop của Hy Lạp, các thành viên khác của cơ thể nổi dậy chống lại cái bụng, mà họ nghĩ là không làm gì trong khi lấy tất cả thức ăn. Tay, miệng, răng và chân bắt đầu một cuộc đình công, nhưng sau vài ngày họ nhận ra rằng họ yếu và ốm yếu. Do đó, họ học được rằng sự hợp tác giữa tất cả các thành viên của cơ thể, bao gồm cả bụng vô hình, rất quan trọng đối với sức khỏe của cơ thể. Cơ thể chính trị, giống như một cơ thể, hoạt động tốt hơn khi tất cả thực hiện nhiệm vụ được giao và làm việc cùng nhau. Các thuật ngữ tiếng Anh ở đây là cách dùng riêng của Michael Herzfeld.
[5] Xem: Hobsbawm E. & Ranger T. eds 1983. The Invention of Tradition. Cambridge University Press. Phần mở đầu được Nguyễn Hoàng Nhị Hà dịch, có thể download tại đây:http://www.vjol.info/index.php/khxhvn/article/view/32710
tin tức liên quan
Videos
Đền Hồng Sơn
Chuyển đổi số và liên thông Thư viện - xu hướng phát triển tất yếu
Hình ảnh các thầy cô giáo trong thơ ca
Một nước Nhật quá xa xôi!
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Thống kê truy cập
114513287
273
2315
21224
220160
121356
114513287