Những góc nhìn Văn hoá

"Di cảo" đặc biệt của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện

Tôi vừa có dịp trở lại bên dòng sông Phố (Hương Sơn, Hà Tĩnh) và Nam Đàn (Nghệ An). Trong đêm văn nghệ của bà con họ Nguyễn Khắc nhân lễ giỗ Tổ lần thứ 440, dưới ánh trăng rằm tháng hai sáng vằng vặc, tôi chợt nhớ bài thơ “Tình quê” - bài thơ “khai bút” cuối cùng của anh Viện viết tại TP.Hồ Chí Minh đầu Xuân 1996: “…Ai ơi, có về lại bên dòng sông thương  nhớ / Đục hay trong, nước sẽ thì thầm nhắc nhở / Các o ơi! Xin dành một thoáng tâm tình / Cho một con người đã vời vợi đi xa…”

Không chỉ “các o”, những năm qua, nhiều người dân đôi bờ sông Phố luôn “nhắc nhở” đến người con của quê hương “đã vời vợi đi xa”, nhất là khi hai ngôi trường (Trung học cơ sở và Trung học phổ thông) ở hai bên dòng sông Phố mang tên “Nguyễn Khắc Viện”.

Cuộc đời và sự nghiệp của BSNKV sách báo đã viết nhiều; nhiều tác phẩm, công trình của anh đã được xuất bản nhiều lần, nhưng “di cảo” anh để lại vào mùa Xuân 10 năm trước, hẳn còn ít người biết. Có thể nói đây là loại “di cảo” đặc biệt vì toàn là những giấc mơ, do người thân ghi lại (anh không còn đủ sức ngồi viết), mỗi khi anh tỉnh giấc. Cũng có thể nói đây là một đề tài khoa học còn nhiều bí ẩn mà vào những giờ phút cuối cuộc đời mình, anh muốn giúp những nhà khoa học đi sau tiếp tục nghiên cứu, từ những giấc mơ của anh.

Trong khoa học tâm lý,  trong việc nghiên cứu phần “vô thức” của con người, những giấc mộng và mơ là cả một “thế giới” mênh mông không dễ tìm tới ngọn nguồn, là một đề tài mà BSNKV đã đề cập trong nhiều cuốn sách về tâm lý. Từ nhiều năm trước, trong lời giới thiệu tập thơ thiếu nhi của nhà thơ Đông Trình (Đà Nẵng), anh đã viết: “Chỉ có trong giấc mơ, chim mới biết nói, hoa mới biết cười, và con người có thể bay lên với mây gió…Người thường không ai ngây dại lấy mơ làm thực. Thế mà trẻ em và nghệ sĩ cùng một tính ngây thơ rất dễ biến thực thành mơ để thấu cho hết lý tình của cái thực…”

Nhân loại cũng đã từng biết có những phát minh khoa học, những tác phẩm văn học nghệ thuật được hình thành từ mộng mơ và đã có giấc mơ tiên tri về một thảm hoạ. Trong một tài liệu nghiên cứu tâm lý, BSNKV đã viết:

Thực ra, không có “cõi mơ” thì không có nghệ thuật, không có chí hướng và không có cả những phát kiến lớn dẫn đến những phát minh thực tế quan trọng. Cái mơ cũng rất thực. Mơ cũng có cái lôgic của mơ, đó là lôgic của vô thức. Và mơ với thực quyện lấy nhau, tác động lẫn nhau…”

“Lý thuyết” là vậy; còn sau đây là một vài trong 70 giấc mơ từ mùa Xuân 10 năm trước của anhViện:

Đêm 2/1/1997: Mơ đua xe đạp từ Huế ra Hà Nội, nước sông Hương đỏ ngầu không kém gì sông Hồng! Và nước sông Ngàn Phố cũng thế, nhiều khi dắt xe đi cũng đã khó rồi...Thế mà vẫn đến Hà Nội cùng 200 người đua - những thanh niên Việt kiều, Tây, Tàu, Hồng Kông, Singapo. Đến nơi, loanh quanh nhìn hoá ra Paris, rồi vào tổ chức ngày Tết của Việt kiều; tổ chức Tết chưa  xong, giật mình, lại thấy nằm trên giường trong nhà mình.

(Xin được cung cấp vài chi tiết đời thực để các nhà khoa học có căn cứ lý giải giấc mơ trên: Hồi còn là sinh viên, nghỉ hè, NKV từng đạp xe hầu khắp nước Pháp. Những năm nhận trách nhiệm lãnh đạo phong trào Việt kiều ở Pháp, những ngày Tết được tổ chức rất công phu, là dịp tuyên truyền văn hoá Việt Nam trên thế giới. Nhưng từ mùa Xuân 1997, chuyện mơ thấy nước sông Hương và sông Phố đỏ ngầu, “nhiều khi dắt xe đi cũng đã khó rồi” liệu có phải là một “tiên tri” về cơn lũ lịch sử đã tàn phá huyện Hương Sơn và con đường số 8 ở quê hương anh năm 2002 cũng như tình trạng nước sông Hương đục ngầu nhiều ngày trong những năm gần đây?) 

Đêm 8/1/1997: Mơ thấy 2 công nhân (1 già, 1 trẻ) đục tượng ở Ngũ Hành Sơn được mời ra Hà Nội làm gần chỗ lăng Bác. Có 3 bức tượng đứng, cụ Trường Chinh và 2 vị khác.Tượng đã làm xong, đứng thẳng trong cốp-pha, chữ nghĩa đã khắc hết rồi. Cả 3 cụ đều khắc khẩu hiệu: “Chủ nghĩa Mác-Lê muôn năm!” Bên cạnh có tượng 3 cụ khác, cũng xong rồi, nhưng chưa tháo cốp-pha, đợi cấp trên cho biết khắc dòng chữ gì vào dưới tượng. Công nhân trẻ nói: “Cấp trên cứ quyết định là chúng tôi khắc ngay, chứ khó khăn gì đâu!” Khó khăn là vì cụ đứng giữa là Nguyễn Khắc Viện, hai cụ 2 bên cũng là nhà khoa học cả. Nên ghi cái gì? Cấp trên bảo: “Khó là vì trước khi chết, cụ Viện có nhắn lại nên ghi cái tác phẩm sâu sắc nhất, bổ ích nhất trong số hàng ngàn bài báo và sách Cụ viết ra . Đó là “BÀI VÈ TẬP THỞ.” Nghe ông ta đọc lên, anh công nhân trẻ nói: “Đại khoa học mà nói “thót bụng ra thót bụng vào” nghe vô duyên, vô tích sự. Công nhân già bảo: “Thế mà đến cuối đời, con người tao không quên là BSNKV; ông đã cứu tao sống với bài vè tập thở ấy.” Người công nhân già lại đọc bài vè lên rồi cầm tay công nhân trẻ bảo: “Mày nín thở cho tao 100 giây, có sống được không? Mày khoẻ mạnh thế này, cho mày sống hết thế kỷ 21 đến năm 3000, mày còn thở không?” Công nhân trẻ chịu thua...

(Xin được chú giải thêm: Trong vườn tượng của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng ở Đà Nẵng có tượng BSNKV. Khi nhận được bức ảnh chụp pho tượng, BSNKV đã gửi cho nhà điêu khắc lá thư với 4 câu tứ tuyệt: Tượng đồng bia đá mà làm chi / Tình bạn ơn anh đã tạc ghi / La Hán vụng tu chưa hết nợ / Trăm năm rồi cũng phải ra đi. Còn về “Bài vè tập thở” thì trước đó, ông đã nói rất nghiêm chỉnh với nhiều người rằng: đó mới là “tác phẩm để đời” của ông vì nó đúng với muôn người, muôn đời, là luận văn ngắn gọn nhất, khoa học nhất về thuật khí công...! Nhân đây, xin chép lại “Bài vè...” để những ai chưa biết “phương pháp dưỡng sinh NKV” thử áp dụng xem: “ Thót bụng thở ra / Phình bụng thở vào / Hai vai bất động / Chân tay thả lỏng / Êm, chậm, sâu, đều / Bình thường qua mũi  / Khi gấp qua mồm /Tập trung theo dõi / Luồng ra luồng vào / Đứng ngồi hay nằm / Ở đâu cũng được / Lúc nào cũng được”)

Đêm 21/1/1997: Mơ thấy vào Huế làm đạo diễn cho thành phố Huế tổ chức một Festival, trong đó cảnh ngoạn mục nhất là cả mấy trăm vua quan, tướng, lính - vua cưỡi voi, tướng đi ngựa, lính đi bộ một vòng trên thành Ngọ Môn, áo quần đủ màu sắc, huy hoàng, lung linh, đèn pha phía dưới rọi lên; sau cho tắt đèn pha, giao cho mỗi người 1 cây nến, mấy trăm nến lấp lánh trong đêm. Vì đông khách Tây, Thành uỷ nhờ Viện đọc một bài diễn văn bằng tiếng Pháp, Tây nghe lác mắt...

(Chú giải: 92 năm trước, BSNKV sinh trong Thành Nội Huế, lúc thân phụ đang học Trường Hậu Bổ, sau đó làm quan nhiều năm ở Huế . Năm 1997, hầu như chưa mấy ai quan tâm đến “Festival Huế”, cảnh trong mơ rất gần  với cảnh thực đã diễn ra trong mấy kỳ Festival vừa qua…) 

Đêm 7 Tết (13/2/1997): Đi tìm xóm Vistule (ở Paris), thường lấy métro (tàu điện ngầm) rồi đi bộ về. Nhà cửa sang trọng hơn, đường phố đổi tên, đi lạc một hồi. Vào số nhà 13, thấy một bà như bà Thu Trang và ông giáo sư Pháp dạy lịch sử văn học đang ngồi cùng một bà Việt kiều cao to bệ vệ, nói tiếng Pháp như gió, chữ nghĩa văn chương thuộc làu. Bà ta bảo: “Tôi mong các vị giáo sư tiến sĩ dạy văn học bố trí chương trình cho con cháu thế nào có văn, có nghệ, có tình cảm; văn và nghệ là chính, không phải lịch sử tư tưởng văn học...Mỗi tác phẩm dạy một tí, tất cả tác phẩm đều thông qua một đoạn ngăn ngắn, không ra cái gì cả. Không cho giáo viên lựa chọn tác phẩm nào tâm đắc nhất dạy hàng mấy tháng...Viện đưa tài liệu cô giáo viên lớp 3, lớp 4 gửi cho các vị xem. Đó là truyện “Bé trâu đánh cọp” có minh hoạ hình ảnh được dịch ra tiếng Pháp. Cọp hỏi trâu : “Sao sợ người thế?” Trâu bảo: “ Vì người có trí tuệ.” Đang bàn thế, thấy Puiseux bước vào, bảo: “Chữ với nghĩa, văn với chương! Chết cả lũ bây giờ!... Thế rồi tỉnh dậy, thấy nằm ở 8 Nguyễn Chế Nghĩa...

(Chú giải: “Bé trâu đánh cọp” là truyện viết cho thiếu nhi khá nổi tiếng của BSNKV, khi mới ra đời có người cho là có ẩn ý không hay, nay được NXB Kim Đồng xếp vào loại “Tủ sách vàng”. Puiseux là nhà văn Pháp, bạn thân của BSNKV, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đã nhiệt tình ủng hộ Việt Nam. Số 8 Nguyễn Chế Nghĩa là căn nhà BSNKV ở Hà Nội.)

Nghiên cứu 70 giấc mơ cuối đời của BSNKV có thể là một đề tài khoa học, giúp chúng ta hiểu thêm về chiều sâu “cõi lòng” của con người . Nhưng giấc mơ thường trực ám ảnh suốt cuộc đời anh lại được anh viết ra lúc tâm trí thật tỉnh táo, sáng suốt ngay bên dòng sông Hương tháng 7 năm 1995, sau khi gặp gỡ chuyện trò với đoàn khách du lịch gồm 31 đồng chí cộng sản Pháp. Bài viết có tên “Cùng mơ bên sông Hương” đã được đăng trên tờ tạp chí Đảng Cộng sản Pháp, trong đó có đoạn: “ Giấc mơ ngàn đời của những bậc hiền triết xưa, những mơ ước “Thế giới đại đồng”, “Tứ hải giai huynh đệ”, giấc mơ của những người đã làm rung động thế giới vào năm 1789 cũng như năm 1917 luôn sống trong lòng chúng tôi và đem lại ý nghĩa mới trong công việc thường ngày của chúng tôi... Nước Việt Nam chuyển động đang tiến mạnh về phía trước. Một con rồng mới, cũng có thể là một nạn nhân mới, nếu...sự phân hoá một cách gay gắt giữa giàu và nghèo, giữa thành thị và nông thôn, rồi ma tuý, tội phạm... liệu chúng ta có thắng được trong cuộc chiến đấu hiện đại hoá này không?...Chúng tôi đã có may mắn trải qua những giờ cùng mơ đến một tương lai không xa, những con người thiện chí, vựợt qua những biên giới, tay trong tay để làm đối trọng chống lại mọi biểu hiện bất nhân của kinh tế thị trường…”

Trong cuốn sách “NGUYỄN KHẮC VIỆN - CHÂN DUNG & KỶ NIỆM” (NXB Lao động - 2003), chị Nguyễn Thị Nhất cũng đã viết:

“...Giấc mơ cuối cùng Anh kể lại cho tôi nghe trước đêm cuối cùng của cuộc đời Anh đã để lại cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ: Anh vừa tham dự một hội nghị không thể nêu chính xác là ở đâu; hội nghị quy tụ hàng trăm đại biểu khắp thế giới. Người ta đề cập đến một vấn đề quan trọng liên quan đến Con Người.“Làm thế nào để mọi người có thể kìm hãm được sự hung hãn của mình để có thể đối xử với nhau như bằng hữu.” Trong lúc tranh cãi, họ nói năng sôi nổi, đến nỗi giữa  tiếng ồn ào huyên náo, Viện phải thức giấc một cách tiếc nuối... Thêm một lần nữa tôi hiểu ra rằng cho đến những phút cuối cùng, ứơc vọng tha thiết và động cơ chính của cuộc đời Anh vẫn luôn ám ảnh Anh...”

Từ ngày anh Viện ra đi, vậy là đã tròn 10 mùa Xuân qua!

So với lịch sử, 10 năm chỉ là thoáng chốc và tuy đôi bờ sông Phố cũng như Nam Đàn chỉ là một vùng đất nghèo hẻo lánh, nhưng Xuân 2007 này, đã thấy những điều BSNKV “mơ mộng” đang dần ứng nghiệm. Cùng với hai ngôi trường mang tên “Nguyễn Khắc Viện”, bên con đường Hồ Chí Minh rộng thênh thang từ Nam Đàn băng qua sông Phố bằng một chiếc cầu vững chãi, Khu lăng mộ và tượng đài Hải Thượng Lãn Ông hoành tráng sắp hoàn thành. Đường lên quê Bác được mở rộng, những cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày một nhiều thêm. Nhà nhà điện sáng (còn hơn cả các thành phố lớn vì suốt mấy ngày không thấy bị cắt điện!), xe máy dập dìu, điện thoại di động eo éo trên đường làng vừa được bê tông hoá… Đã đành là vẫn còn những gia đình vất vả theo sau con trâu và cái cày, nhưng quả là “trong cuộc chiến đấu hiện đại hoá này” những “vấn đề quan trọng liên quan đến Con Người” đã bắt đầu được chú trọng. Và những ngôi trường cùng những con đường mới mở tận vùng sâu vùng xa là cơ sở vật chất, là cơ hội để “sự phân hoá một cách gay gắt giữa giàu và nghèo, giữa thành thị và nông thôn” dần dần giảm bớt...

“Cái mơ cũng rất thực. Mơ cũng có cái lôgic của mơ…”

                                                                 Trường An-Huế, 2007

 

 


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513265

Hôm nay

251

Hôm qua

2315

Tuần này

21202

Tháng này

220138

Tháng qua

121356

Tất cả

114513265