Những góc nhìn Văn hoá

Ngành Việt Nam học ở Nga: kỷ niệm, ghi nhận, mong muốn

Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI với chủ đề "Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển bền vững" do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức đã diễn ra vào các ngày 28 - 29/10/2021 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hội thảo với 10 tiểu ban nội dung bao quát hầu hết các lĩnh vực khoa học xã hội. Nhân dịp này tôi xin được nói về ngành Việt Nam học ở Nga.

Những kỷ niệm thú vị

Năm 1980, tôi viết tham luận “Puskin ở Việt Nam” để tham dự ngày hội sinh viên nghiên cứu khoa học. Không ngờ bài tham luận của tôi được chú ý. Tôi được Giáo sư Mikhentsol (Chủ nhiệm bộ môn Văn học Nga, Trường ĐH Tổng hợp Kuban, Liên bang Nga, Liên Xô) gọi lên trò chuyện. Ông nói: “Đọc bài của cậu, tôi hiểu hơn những bài viết của N. I. Nikulin. Đúng là người Việt Nam rất yêu văn học Nga…”. Tôi hỏi: “Dạ thưa Giáo sư, N. I. Nikulin là ai ạ?”. “À, N. I. Nikulin là một người bạn học của tôi. Hiện nay ông là một nhà Việt Nam học, nghĩa là một người chuyên nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, giáo dục, địa lý, phong tục, tập quán… của đất nước Việt Nam”. Nghe Giáo sư Mikhentsol nói như vậy, tôi có thể tự giải thích cho mình vì sao giáo viên dạy Văn học dân gian ở đây hiểu rất rõ về dân ca Nghệ Tĩnh; thậm chí, cô giáo đó phân biệt được giữa hát Ví và hát Giặm. Thì ra để hiểu rõ về một đất nước, người ta lập hẳn một ngành khoa học.

Từ hôm đó, tôi biết là có một ngành khoa học gọi là “Việt Nam học” và một trong những người Nga có đóng góp đáng kể là ông N. I. Nikulin. Biết như thế rồi, tôi chịu khó tìm đọc những bài viết của ông N. I. Nikulin về Việt Nam và cảm thấy rất thú vị và bổ ích. Là một người ra nước ngoài học tập, tôi rất quan tâm tới những nhà khoa học nước ngoài phát biểu về Việt Nam, nhất là những nhận xét có cơ sở khoa học. Điều này cho phép tôi nhìn nhận về đất nước của mình ở một góc độ khác, cho phép mình hiểu sâu hơn (và có thể đúng hơn) về đất nước Việt Nam. Từ đó tôi cho rằng, nếu hai người cùng là nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam thì người nước ngoài thường có cách nhìn nhận của riêng mình, nhận định của riêng của họ, mặc dù đối tượng nghiên cứu vẫn là đất nước Việt Nam.

Một lần vào năm 1981, chúng tôi đi du lịch ở Leningrad. Tôi đi trên xe buýt ở Leningrad với mấy người bạn. Chúng tôi nói chuyện khe khẽ nhưng là bạn trai với nhau nên không giữ ý tứ gì cả, có “tương” ra những từ “chưa được biên tập”. Đang sung sướng vì có cảm giác tự do khi được nói thoải mái thì có tiếng phụ nữ lai lai giọng Nghệ, tuy đã kìm nén nhưng cũng vang lên khá “chát”: “Này! Ai cho các cậu nói tục đấy? Thanh niên mà ăn nói bậy bạ thế à?”. Tôi tái mặt, giật mình quay lại thì thấy người vừa nói những lời đó là một phụ nữ Nga. Tôi xin lỗi rối rít, rồi nhã nhặn hỏi: “Sao bà biết tiếng Việt, mà lại còn nói giọng Nghệ Tĩnh nữa?”. Lúc đó bà mới nở nụ cười tươi và nói: “Tôi là học trò của thầy Nguyễn Tài Cẩn đây. Lâu mới được nghe người Việt nói tiếng Việt trong xe buýt trên đại lộ Nevsky giữa thành phố Leningrad nhưng lại phải nghe những từ không đẹp. Các cậu cứ nói chuyện thoải mái đi nhưng tránh những từ tục nhé!”.

Hóa ra cụ Cẩn nhà ta từ bờ sông Lam, khi sang đây dạy tiếng Việt đã đào tạo được một số người nói tiếng Nghệ bên dòng sông Neva. Với tôi, đấy là một kỷ niệm nhớ đời vì được gặp học trò của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn; đồng thời cũng là một bài học về sự lịch lãm cần phải thể hiện mọi lúc, mọi nơi.

Cuối năm 1990, sau 8 năm làm báo ở Việt Nam, tôi trở lại Liên Xô để tiếp tục học tập. Lần này tôi học tại Khoa Báo chí Trường ĐH Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov. Tôi làm quen với nhiều nhà Việt Nam học vì đây là một trong những trung tâm dạy tiếng Việt và nghiên cứu về Việt Nam vào loại lớn nhất, có uy tín nhất ở Liên Xô. Tháng 5/1995, tôi bảo vệ luận án Phó tiến sĩ với đề tài “Tạp chí chính trị - xã hội - Một loại hình xuất bản. Sự tiến triển của các yếu tố loại hình trong điều kiện chuyển tiếp tới thị trường”. Một người phản biện đứng lên nói: “Nhìn chung bản luận án rất khá những vẫn có những thiếu sót. Một trong những thiếu sót đó là khi nói về những đóng góp của các tạp chí ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay lại không đề cập đến báo Văn Nghệ - cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam”. Tôi cám ơn người phản biện với nhận xét thấu đáo, khách quan nhưng vẫn xin được nói rõ là tôi rất thích nhưng không đề cập đến tờ Văn Nghệ vì nó là báo chứ không phải tạp chí. Sau buổi bảo vệ, chúng tôi làm quen với nhau. Người đó là Phó Giáo sư - Tiến sĩ A. A. Sokolov - Một nhà Việt Nam học đang nổi lên với nhiều công trình nghiên cứu về văn học, lịch sử, văn hóa… Việt Nam. Ông rất yêu đất nước Việt Nam, tận dụng mọi cơ hội để được sang Việt Nam nghiên cứu và đã có khá nhiều công trình khoa học có giá trị về Việt Nam.

Ghi nhận những nỗ lực của người Nga trong việc tìm hiểu Việt Nam

Căn cứ vào những tài liệu có được, tôi có thể nói là người Nga đã biết đến Việt Nam cách đây hàng mấy trăm năm. Trong phần dẫn luận quyển sách “Những người Nga ở Việt Nam” (Русские во Вьетнаме. Москва., 2007), Phó Giáo sư - Tiến sĩ A.A. Sokolov cho biết những thông tin sớm nhất về Việt Nam xuất hiện ở nước Nga bằng tiếng Anh vào năm 1732 trong bộ sưu tập có tên “A Collection of Voyages and Travels” (Bộ sưu tập du lịch và các chuyến đi). Tác giả của những thông tin này là nhân viên một công ty của Hà Lan ở An Nam có tên là Samuel Baron. Ông ghi chép vào năm 1685. Nhưng có giá trị lớn phải kể đến tài liệu do Trường Đại học Ấn loát Moskva xuất bản bằng tiếng Nga năm 1783 có tên gọi “Bceoбщая история странствий” (Lịch sử chung những chuyến du ngoạn). Đây là tài liệu dịch từ tiếng Pháp có tên “Histoire générale des voyages. P., 1751”. Ở đây miêu tả về Vương quốc An Nam. Như vậy những thông tin đầu tiên về Việt Nam đã xuất hiện ở nước Nga cách đây gần 300 năm. Nhưng sinh động nhất, thú vị nhất là một quý tộc người Nga - Công tước K. A. Viazemski vào năm 1892 đã đi đường bộ từ Moskva đến Sài Gòn. Ông đến Lạng Sơn vào ngày 14/3/1892 và rời Sài Gòn ngày 22/7/1892. Trong ngần ấy thời gian, ông đã ghi nhật ký đầy 11 quyển vở. Tài liệu quý giá này đã được dịch ra tiếng Việt và xuất bản vào năm 2014 dưới cái tên “Du ngoạn vòng quanh châu Á trên lưng ngựa. Nhật ký Việt Nam năm 1892”. Có thể xem Công tước K. A. Viazemski là nhà Việt Nam học thực thụ người Nga đầu tiên vì ông đã quan sát, tìm hiểu kỹ lưỡng và ghi chép sinh động cảnh và người Việt Nam từ thế kỷ XIX.

Còn trong thời đại chúng ta, ông Nguyễn Khánh Toàn với tư cách là trợ lý cho Nhà Phương đông học Yulian Shchutsky (người tự học tiếng Việt và muốn mở lớp dạy sinh viên) đã tổ chức dạy tiếng Việt cho người Nga ở Leningrad vào năm 1932 khi ông làm việc tại Quốc tế Cộng sản và mang họ Nga là Minin. Đến năm 1935 có thể xem là đã có hai nhà Việt Nam học ở đất nước Xô viết. Tuy nhiên, phải đến năm 1956, việc dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam mới được tổ chức bài bản. Đại học quốc gia Moskva bắt đầu giảng dạy tiếng Việt và môn Việt Nam học. Nhóm sinh viên Nga đầu tiên học tiếng Việt có 10 người; 2 năm sau (1958), 3 người trong số đó đã tới Hà Nội để học tập và nghiên cứu. Từ đó đến nay đã có hàng ngàn người Liên Xô (cũ) học tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam và xem ngành Việt Nam học là nghề nghiệp của họ. Họ hiểu rất rõ ràng về ngành Việt Nam học: Đây là ngành khoa học nghiên cứu đất nước, con người Việt Nam từ những thành tố lịch sử, địa lí, văn hóa, văn học, ngôn ngữ, tôn giáo, phong tục tập quán,… để làm rõ những nét riêng độc đáo của một dân tộc đã ghi nhiều dấu ấn đậm nét trong lịch sử nhân loại.

Ngày nay, các trường đại học Nga hằng năm đào tạo khoảng 100 người về tiếng Việt và ngành Việt Nam học. Con số này gấp nhiều lần so với những năm cuối khi còn Liên Xô. Khi đó, các nhà Việt Nam học được đào tạo chỉ ở Moskva. Còn bây giờ tiếng Việt được giảng dạy cả ở St. Petersburg, Vladivostok; từ năm 2019 tại Kazan. Chỉ riêng ở Moskva có 7 trường đại học giảng dạy tiếng Việt.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ V. Kolotov, ở nước Nga hiện nay trong ngành Việt Nam học có tới 3 trường phái. Đó là trường phái Moskva, trường phái Sait - Petersburg và trường phái Vladivostok. Về cơ bản, cả 3 trường phái này đều trang bị cho cán bộ kiến thức về tiếng Việt. Họ nghiên cứu toàn diện lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế… của Việt Nam. Điểm khác biệt là trường phái Moskva quan tâm nhiều hơn, sâu hơn đến chính trị, tư tưởng, ngoại giao. Trường phái Sait - Petersburg lại chú trọng nhiều tới lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Còn trường phái Vladivostok tập trung nhiều hơn cho việc nghiên cứu kinh tế, địa lý, địa chất, đặc biệt là những thứ liên quan đến biển.

Ông V. Kolotov thuộc trường phái Saint - Petersburg vì ông hiện đang giảng dạy ở khoa Đông Phương, Đại học Tổng hợp Saint - Petersburg. Ông đã có một số công trình nghiên cứu về Việt Nam. Ông có nhiều động lực và điều kiện để nghiên cứu Việt Nam vì vợ ông là người Việt; hằng năm ông về Việt Nam với tư cách là nhà khoa học và… con rể. Nhìn chung, những nhà Việt Nam học người Nga rất yêu quý Việt Nam và có những mối quan hệ rất mật thiết. Đây là một trong những điều kiện để hoạt động khoa học đạt được kết quả khả quan. Khi trò chuyện thân mật với một số nhà Việt Nam học người Nga, họ đều có chung cảm nhận: Việt Nam và Nga là hai quốc gia cách xa nhau hàng chục ngàn km; về nhân chủng học cũng không có gì gần gũi nhưng văn hóa, lịch sử (đặc biệt là lịch sử chống ngoại xâm) lại có nhiều nét giống nhau; thậm chí tính cách con người (nhất là giữa những người Nga và người Nghệ) cũng có nhiều nét tương đồng. Đây mới chỉ là cảm nhận, muốn có kết luận, cần nghiên cứu sâu hơn nữa.

Tuy là có quan hệ thân thiện và nồng ấm với Việt Nam nhưng làm khoa học, họ rất sòng phẳng, thắng thắn, khách quan. Những nhà Việt Nam học người Nga đặt ra những vấn đề rất cụ thể và thú vị. Ví dụ, họ đặt ra những câu hỏi là vào thời Đinh, Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn thì giữa những người của nhà nước ở phương Nam và những người của nhà nước ở phương Bắc cùng dùng một thứ chữ viết nhưng có nói chung một thứ tiếng không? Cụ thể, Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên, Nguyễn Du đi sứ nhà Thanh thì giao tiếp thế nào? Bằng tiếng nói? Bằng chữ viết? Hay cả hai hình thức?

Thầy Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, sinh thời, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn có nói là vào thời nhà Đinh, quan quân nhà nước Đại Cồ Việt giao tiếp với quan quân nhà Tống bằng chữ, nghĩa là bút đàm. Tiếc là Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn chưa kịp nghiên cứu thấu đáo và viết một công trình khoa học về vấn đề này.

Các nhà Việt Nam học người Nga cũng có những đánh giá về việc Việt Nam thay đổi chữ viết - chuyển từ chữ tượng hình sang chữ Latinh khác với phần lớn các nhà khoa học Việt Nam. Họ cho rằng, việc thay đổi chữ viết đã tạo nên sự “đứt gãy” trong văn hóa, giáo dục. Sự “đứt gãy” này gây ra nhiều điều bất tiện. Ví dụ, bây giờ phần lớn người Việt Nam vào các đền, chùa không đọc được những câu đối ở đó. Đó là chưa nói tới đọc văn bia ở Văn miếu Quốc Tử Giám hay các áng văn thơ chữ Hán nổi tiếng của cha ông. Vì vậy, việc thay đổi chữ viết này gây ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn tích cực.

Mong muốn ngành Việt Nam học phát triển mạnh hơn, có những đóng góp thiết thực hơn

Ngành Việt Nam học hiện nay đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Ngoài nước Nga (trước đó là Pháp) thì ở châu Âu, các nước như Đan Mạch, Hà Lan, Ba Lan, Đức, Séc… cũng có nhiều học giả quan tâm tới Việt Nam. Ở châu Á, ngành Việt Nam học ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Campuchia, Lào… cũng đang khởi sắc. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Hoa Kỳ, Canada là những quốc gia phát triển nhanh ngành Việt Nam học. Có thể thấy ngành Việt Nam học có những bước phát triển vượt bậc và có khuynh hướng liên kết thành tổ chức quốc gia và quốc tế.

Ngành Việt Nam học ở mỗi quốc gia đặt ra những mục đích khác nhau nhưng tựu trung họ đều muốn hiểu rõ Việt Nam hơn để phát triển các mối quan hệ ngoại giao, văn hóa, khoa học, kinh tế… Các nhà Việt Nam học trên thế giới rất muốn có sự hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và các nhà khoa học Việt Nam để việc nghiên cứu đạt hiệu quả cao hơn. Một nỗ lực đáng khen là từ năm 1998 đến nay, Việt Nam đã tổ chức được 6 hội thảo quốc tế Việt Nam học. Tôi chưa dám đánh giá hiệu quả của các hội thảo này nhưng chắc chắn chúng có những ảnh hưởng tích cực nhất định.

Trao đổi với các nhà Việt Nam học của nước Nga, tôi thấy họ rất kỳ vọng vào sự tích cực, cầu thị của Việt Nam trong việc phát triển ngành Việt Nam học ở nước ngoài. Các nhà Việt Nam học người Nga không chỉ nghiên cứu những gì diễn ra ở Việt Nam, mà họ còn quan tâm đến cộng đồng người Việt sống ở nhiều nơi trên thế giới. Theo họ, cộng đồng Việt kiều khoảng hơn 5 triệu người cũng tạo ra nhiều điều cần nghiên cứu nghiêm cẩn. Chia sẻ các kết quả nghiên cứu thường xuyên, không chờ tổ chức hội thảo quốc tế là mong muốn của các nhà Việt Nam học người Nga.

Sự phát triển của ngành Việt Nam học giữa các khu vực trên thế giới không giống nhau về quá trình hình thành, mức độ quy mô phát triển; thậm chí, mục đích cũng có thể khác nhau. Đây là điều bình thường trong hoạt động khoa học. Một điều tôi vẫn trăn trở là chúng ta đã bỏ nhiều thời gian, công sức, và cả tiền bạc nữa để làm khoa học; chúng ta không tiếc những điều này nhưng cần phải thiết thực hơn trong hoạt động khoa học.

Chúng ta phải tranh thủ được tri thức của các nhà Việt Nam học trên thế giới để giải quyết các vấn đề của mình. Có nhiều vấn đề chúng ta có thể tranh thủ. Ví dụ, Việt Nam có thể đề nghị các nhà Việt Nam học người Mỹ, người Anh có công trình nghiên cứu về những vấn đề của người Việt Nam trong việc học tiếng Anh. Rõ ràng Việt Nam đầu tư cho việc học tiếng Anh rất lớn nhưng hiệu quả chưa tương xứng. Vậy có thể đề nghị nghiên cứu đề tài: “Người Việt học tiếng Anh: Những điểm mạnh, điểm yếu và cách khắc phục”. Hoặc “Văn học, điện ảnh Việt Nam cần làm gì để vươn lên ngang tầm thể giới?”…

Làm khoa học không chỉ để cho sang trọng, mà là để phát triển đất nước. Điều này chúng ta nói nhiều rồi nhưng chưa làm được mấy. Đã đến lúc phải làm nhiều hơn nói.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511785

Hôm nay

2111

Hôm qua

2337

Tuần này

22159

Tháng này

218658

Tháng qua

121356

Tất cả

114511785