Những góc nhìn Văn hoá

Suy nghĩ thêm về sử gia Hồ Tông Thốc

Trạng nguyên Hồ Tông Thốc. Tranh Sỹ Hoà

       Hồ Tông Thốc[1] là một nhà sử học, nhà văn nổi tiếng sống vào cuối triều đại nhà Trần. Tác phẩm của ông để lại đến nay không nhiều và còn nhiều vấn đề về sự nghiệp, hành trạng, tác phẩm chưa rõ ràng nên từng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, lý giải với nhiều ý kiến khác nhau. Trong những năm qua, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện thêm nhiều tư liệu có giá trị, bổ sung cho những hiểu biết của chúng ta về nhà sử học tài danh này. Nhưng cho đến nay, chưa biết được năm sinh, năm mất của Hồ Tông Thốc. Chỉ biết rằng Ông là người làng Thổ Thành, phủ Diễn Châu (Nay thuộc huyện Yên Thành, Nghệ An), ngụ ở xã Vô Ngại, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương.

     1.Con đường làm quan của Hồ Tông Thốc

      Khoảng những năm Thiệu Khánh đời Trần Nghệ Tông (1370 – 1372[2], Hồ Tông Thốc thi đậu Trạng nguyên, làm quan đến Hàn lâm học sĩ, từng giữ chức An phủ sứ[3], đã có lần đi sứ Trung Quốc[4]. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, vào những năm Xương Phù – Trần Phế Đế (1377 – 1378), Hồ Tông Thốc được thăng đến chức Hán lâm học sĩ phụng chỉ kiêm Thẩm hình viện sứ rồi Trung thư lệnh … Khi nhà Hồ lên nắm quyền (1400 – 1407), ông đã không hợp tác dưới triều Hồ và mất ở nhà, thọ hơn 80 tuổi.

     Hồ Tông Thốc là người nổi tiếng thơ văn và đã để lại một số bài thơ, văn bia và một số đã thất lạc[5]. Có thể nói rằng, qua các tư liệu do Hồ Tông Thốc để lại như văn bia, minh chuông, thơ văn và những ghi chép của các sử gia như Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú… đã cho chúng ta hiểu biết sơ lược về ông. Nếu cho rằng, Hồ Tông Thốc đỗ Trạng nguyên vào khoảng những năm Thiệu Khánh đời Trần Nghệ Tông (1370 - 1372) thì có thể thấy rằng, ông là người mở đầu cho truyền thống đỗ đạt của họ Hồ. Theo gia phả dòng họ Hồ ở Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu – Nghệ An) thì sau Hồ Tông Thốc có hai cha con Hồ Đốn và Hồ Thành đều đỗ. Hồ Thành là con của Hồ Đốn và là cháu của Hồ Tông Thốc[6].

       Trong khi tìm hiểu về Trạng nguyên Hồ Tông Thốc, chúng tôi đã khai thác, phân tích những bi kí, minh văn, những sử liệu này đã đem đến nhiều thông tin bổ ích, lý thú. Không biết Hồ Tông Thốc bắt đầu ra làm quan khi nào, nhưng chắc chắn là vào năm 1366, ông giữ chức Đình uý thiếu khanh kiêm chức An phủ sứ lộ Thiên Trường. Tấm bia Phổ Thành tự bi 普成寺碑 đặt tại thôn Ngâm Điền Lương, (xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), phần lạc khoản cho biết: Đại Trị cửu niên, tuế thứ Bính Ngọ thu, cửu nguyệt, ký vọng, Vinh lộc đại phu, Đình uý Thiếu khanh kiêm Thiên Trường phủ lộ An phủ sứ Hồ Tông Thốc (soạn)大治九年,歲次丙午秋,九月,既望.榮祿大夫,廷威少卿兼天長府路,安撫使,胡宗鷟撰 (Ngày 16, tháng 9 năm Bính Ngọ, Đại Trị thứ 9 (1366), Vinh lộc đại phu, giữ chức Đình Uý thiếu Khanh kiêm Thiên Trường phủ lộ, Chức An phủ sứ là Hồ Tông Thốc (soạn).

     Đại Việt sử kí toàn thư ĐVSKTT cho biết: Vào năm Giáp Thân (Thiệu Phong thứ 4, tức năm 1344), nhà Trần chủ trương với Lộ lớn thì đặt chức An phủ sứ và Phó sứ, thuộc Châu đặt Thông phán, phủ Thiên Trường thì đặt Thái Phủ và Thiếu phủ[7]. Chức An Phủ sứ của Hồ Tông Thốc là một chức quan đi vỗ về địa phương, trước khi được thăng chức quan Thẩm hình viện An phủ sứ Kinh sư.

       Khi đảm nhận chức quan này, Hồ Tông Thốc chắc đã có uy tín khá cao. Nhưng không biết ông đã đỗ đạt chưa và năm đó ông bao nhiêu tuổi. Nhiều tư liệu cho biết, Hồ Tông Thốc mất năm 80 tuổi vào triều Hồ. Vậy cứ tạm tính khoảng năm mất của ông là năm cuối triều Hồ (1407) thì năm ông viết bia Phổ Thành tự bi (1366), ông cũng đã 40 tuổi rồi. Với 40 tuổi đỗ Trạng nguyên khi đó không còn gọi là trẻ nữa[8]. Hồ Tông Thốc đỗ Trạng nguyên năm nào vẫn còn phải tìm hiểu tiếp.

       Theo ĐVSKTT, năm 1372, Hồ Tông Thốc được giao chức Hán lâm học sĩ[9]. Cho đến năm 1382, Hồ Tông Thốc còn giữ nhiều chức quan trọng khác. Trên bài tựa và bài minh chùa Từ Ân (xã Đồng Hải, phủ Thái Ninh, tỉnh Thái Bình), với dòng lạc khoản soạn năm Xương Phù 6 (1382), cho biết chức tước của ông là: Vinh lộc đại phu, trung thư lệnh kiêm Hàn lâm học sĩ phụng chỉ, tri thẩm hình viện sự, tứ kim ngư đại, thượng thiết quân 榮祿大夫,中書令兼翰林學士奉指,知審刑院事,賜金魚袋,上鉄軍.

Chức Trung thư lệnh 中書令 của Hồ Tông Thốc còn được Lê Quý Đôn đề cập trong Kiến văn tiểu lục 見聞小籙, phần Thiên chương 天章 và cho biết năm 1383 (Xương Phù 7), Hồ Tông Thốc có soạn bài văn bia Viện Báo Ân (Hương An Đăng). Hiện nay, chúng tôi chưa tìm thấy bài minh mà Lê Quý Đôn đã đề cập. Có lẽ, Lê Quý Đôn đã nhắc đến Hồ Tông Thốc với chức hàm vắn tắt là “Trung thư lệnh”, hay là lúc này ông không kiêm chức khác nữa ?.[10]. Chúng tôi thì cho rằng, Lê Quý đôn đã viết vắn tắt như vậy thôi. Bởi ngay năm sau (1385), qua bài minh chuông chùa Chiêu Quang[11], cho biết ông vẫn đảm nhiệm chức “Quang lộc đại phu, Trung thư lệnh, kiêm Hàn lâm học sĩ phụng chỉ, tứ kim ngư đại, Thượng thiết quân”. Tư liệu trong ĐVSKTT, lần ghi muộn nhất về nhân vật Hồ Tông Thốc là năm 1386 với sự kiện lấy Hồ Tông Thốc làm “Hàn lâm học sĩ phụng chỉ”[12].

          Cũng như nhiều bạn bè đồng liêu, trí thức đương thời, dưới chính thể của một triều đại đang bước vào con đường suy vong, loạn lạc, bằng nhãn quan và kinh nghiệm của mình, ông đã từ chối không tham gia vào chính sự mà lấy việc uống rượu, làm thơ để thể hiện tâm sự và giải sầu. Phan Huy Chú trong tác phẩm Lịch triều hiến chương loại chí 歷朝憲章類誌 viết: “Quý Ly trao cho cầm quyền, nhưng ông biết thời sự không thể làm được, nói thác là tính chỉ thích thanh nhàn, phóng khoáng để chối từ. Rồi ngày nào cũng chỉ uống rượu, làm thơ. TậpThảo nhàn hiệu tần tập 討閒效蘋集 này cũng là cảm thời thế mà làm”[13]. Tiếc rằng ngày nay, tập thơ Thảo nhàn hiệu tần tập không còn nữa. Nhưng có lẽ, với tính cách của ông và trong hoàn cảnh lịch sử đó đã tạo cho thơ ông bên cạnh tính phóng khoáng, tài hoa nghệ sĩ lại xen lẫn nhiều tâm sự, cảm hoài về thời thế. ĐVSKTT của Ngô Sĩ Liên và Nam ông mục lục 南翁夢籙 của Hồ Nguyên Trừng đều ghi chép tương tự về tài thơ và rượu của ông: “Hồ Tông Thốc, người Diễn Châu, thi đỗ từ hồi còn trẻ, rất có tài danh. Hồi đầu chưa nổi tiếng lắm. Nhân đến tiết Nguyên tiêu, có Đạo nhân pháp quan họ Lê giăng đèn mở tiệc để rước khách văn chương. Hồ Tông Thốc nhận giấy đề thơ. Trong một đêm, ngay trên bàn tiệc làm trăm bài thơ, uống trăm chén rượu, mọi người đều xúm nhìn thán phục, không ai địch nổi. Từ đó danh lừng chốn kinh đô. Về sau dùng tài văn học làm thầy thợ cho người. Thời Trần Nghệ Vương (Tức Trần Nghệ Tông), làm quan đến chức Hàn lâm học sĩ thừa chỉ kiêm Thẩm hình viện sử. Thơ và rượu không ngày nào vắng. Tuổi ngoài 80, mất tại nhà[14].

     Qua tư liệu lịch sử đã dẫn ở trên, giúp hình dung được phần nào bước đường hoạn lộ của Hồ Tông Thốc. Trên tư liệu văn bia, minh chuông có ghi các chức quan của ông nhưng ai cũng biết rằng, đó chưa hẳn đã là năm đầu tiên hay năm cuối cùng ông nhận chức này và các chức đó không ai dám chắc rằng nó là liên tục, nhưng qua đó cũng góp phần hiểu thêm về những mốc lịch sử quan trọng của một nhà sử học nổi tiếng sống cách ngày nay gần bảy thế kỷ.

      2.   Các nguồn sử liệu liên quan đến Hồ Tông Thốc

     Hồ Tông Thốc là người đã làm ra rất nhiều thơ văn, trước tác, nhưng đến nay những tác phẩm của ông còn lại thật ít ỏi. Phần vì do tính cách tài hoa, phóng khoáng, nghệ sĩ, thù tạc, giao lưu với bạn bè, ứng khẩu nên không được ghi lại, phần vì nhiều lý do khác nên đã thất lạc, mất mát. Chính vì thế cho đến nay, chúng ta chưa hiểu biết nhiều về ông và nhiều tác phẩm của ông còn tồn nghi. Chẳng hạn như những mốc quan trọng trong cuộc đời của ông, như năm sinh, năm mất, năm đỗ Trạng nguyên, rồi năm ông không làm quan dưới triều Trần là năm nào ?. Đó là những chi tiết quan trọng cần phải tìm hiểu. Gần đây nhiều tư liệu, sách chuyên khảo đã viết ông đỗ Trạng nguyên năm 1372, đời Trần Nghệ Tông. Nhưng những năm này, trong ĐVSKTT không thấy ghi triều đình tổ chức thi Hội hay thi Đình[15]. Căn cứ vào bài thơ Thướng Hồ Thừa chỉ Tông Thốc上胡乘指宗鷟 (Dâng lên quan Thừa chỉ Hồ Tông Thốc) của Nguyễn Phi Khanh, chúng ta có thể nghĩ rằng, có lẽ ông là người đỗ đạt sớm hơn niên đại trên[16]. Hay việc ông có làm quan dưới triều Hồ hay không, hầu hết các tư liệu đều cho biết ông không ra làm quan với triều Hồ là điều có thể khẳng định: Sách ĐVSKTT cho biết, tập thơ Thảo nhàn hiệu tần tập do ông cảm thời mà viết ra[17]; Sách Đại Việt sử kí tiền biên của Phan Phu Tiên ghi lý do rõ hơn ông không cộng tác với nhà Hồ: “Quý Ly cầm quyền nhà nước, ông biết thời thế không thể làm được, lấy điều an nhàn, phóng khoáng tự gửi gắm mình, không ngày nào không làm thơ, uống rượu”[18].

      Để hiểu rõ hơn về tâm sự của ông, ngoài những lời giới thiệu, nhận xét của các nhà sử học, cần tìm hiểu trước tác của ông qua thơ văn. Bài thơ Thị ý 示意 (Tỏ ý mình) được Bùi Huy Bích sưu tầm trong tập Hoàng Việt văn tuyển皇越文選[19], đã nói lên cái chí của ông, mặc dù rất tự tin vào khả năng của mình, nhưng có chút tiếc nuối, đặc biệt câu “Muốn xây dựng nếp nhà thi lễ, thẹn không có đất”.

Bài thơ hoạ lại Nguyễn Phi Khanh tuy không nói rõ sự thoái thác việc chính sự nhưng nó hàm ý sự ẩn dật, bất hợp tác:

“Không để mộng công danh bén mảng bên gối

Con báo đổi hình nay chỉ nên ẩn náu trong lớp sương mù

Hà tất phải đến vực sâu khen cá cho mệt nhọc

Mong được ngày ngày ông đến thăm”.

(Du Đông Đình, hoạ Nhị Khê Phi Khanh 遊東亭和橤溪飛卿[20].

       Về những vấn đề xung quanh các tác phẩm của Hồ Tông Thốc còn khá nhiều điều chưa thống nhất về mặt văn bản. Theo Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, phần Văn tịch chí có đưa ra tên sách Việt sử cương mục 越史綱目 (10 quyển) do học sĩ cuối đời Trần là Hồ Tông Thốc soạn. Ông cho biết, Ngô Sĩ Liên khen chép việc cẩn thận mà có phương pháp, làm việc xác đáng mà không rườm rà, nhưng sau binh lửa, sách ấy không còn. Căn cứ vào lời nhận xét của Ngô Sĩ Liên mà Phan Huy Chú cho chúng ta biết thì có thể đoán rằng Ngô Sĩ Liên đã được đọc cuốn sách này vào thời điểm trước cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh chăng ?. Nếu thông tin này là đúng thì qua đây có thể biết Ngô Sĩ Liên đã được tiếp cận với tác phẩm Việt Sử cương mục từ khi còn rất ít tuổi[21] - từ trước cuộc kháng chiến chống quân Minh (1416 -1427) ?.

Theo tôi, sách Việt sử cương mục không phải là Việt sử lược bởi Việt sử lược được viết theo thể biên niên. Mãi cho đến thời Nguyễn, thể loại “Cương mục” mới phát triển nhiều. Đến nay, có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Theo tác giả Yamamoto Tatsuro, tác giả của Việt sử lược có thể là Hồ Tông Thốc và Việt sử cương mục có khả năng chính là Việt sử lược[22].

      Điều đặc biệt là Hồ Tông Thốc với tác phẩm Việt Nam thế chí 越南势誌 đã là một trong những nhà sử học Việt Nam đầu tiên dùng tên gọi “Việt Nam” cho một cuốn sách lịch sử của mình. Tên gọi “Việt Nam” cũng đã được nhắc đến trong cuốn sách An Nam chí lược 安南誌略 của Lê Trắc[23].

     Quyển Việt Nam thế chí thật đáng tiếc đến nay đã bị thất lạc nên không biết nội dung. Nhưng qua tiêu đề có thể đoán, Hồ Tông Thốc đã viết theo trình tự các vương triều hoặc các đời vua chăng?. Hiện nay chỉ còn được bài tựa của cuốn sách Việt Nam thế chí tự 越南势誌序[24]. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, lời tựa sách Việt Nam thế chí này có nhiều nét giống với bài Lĩnh Nam chích quái liệt truyện 领南摘怪列傳 của Vũ Quỳnh[25]. Những nhận xét trên là có cơ sở bởi vì thông qua hai bài tựa, biết được phương pháp sưu tầm của tác giả đều chú trọng đến truyện dân gian, truyền thuyết, dã sử lưu hành ở đời với tinh thần trở về cội nguồn và ý thức dân tộc cao.

     Chúng ta còn biết, Hồ Tông Thốc không chỉ giỏi làm thơ, viết sử, có lẽ ông còn là người giỏi địa lý, phong thuỷ nữa. Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử 大越通史 và Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí cho biết: Hồ Tông Thốc còn hiệu đính tác phẩm Hình thế địa mạch ca 形勢地脉歌. Sách này không còn nữa. Nhưng Ngô Thì Sĩ trong Đại Việt sử kí tiền biên大越史記前編 ghi: “Những bài thơ ông làm có bài Phú địa lý chỉ nam từ và nghĩa đều rất hay”[26]. Có lẽ ở đây, Ngô Thì Sĩ đã nhầm với tác phẩm Phú học chỉ nam 賦學指南 (sách hướng dẫn về phương pháp, cách thức làm phú) do Hồ Tông Thốc soạn.

       Điều chúng ta quan tâm là, suốt trong nhiều năm (ít nhất là từ các năm 1372, 1382, 1383, 1385, 1386), Hồ Tông Thốc giữ nhiều chức khác nhau, trong đó đều có chức Hàn lâm học sĩ hoặc Hàn lâm học sĩ phụng chỉ. Vấn đề khiến tôi băn khoăn là qua Chiêu Quang tự chung 昭光寺鐘cho biết: Thị tuế, nhị nguyệt, hữu nhân tự Bảo Hoà trì thư nhất chỉ lai kinh sư yết dư ư Đông Quan 是歲二月有人自寳和持書一紙来京師謁余於東關” (Vào tháng 2 năm nay, có người từ điện Bảo Hoà (Điện dựng ở trong khu vực chùa Phật Tích – Bắc Ninh - Tg), cầm một phong thư đến Kinh thành gặp tôi ở Đông Quan)[27]. Cuối bài minh ghi: Hoàng Việt Xương Phù cửu niên tuế thứ Ất sửu xuân, nhị nguyệt hạ hàn 皇越昌符九年,歲次乙丑春,二月下瀚 (Tháng 2 năm Ất sửu, Xương Phù 9 (1385). Như thế, cho biết bài minh chuông soạn ra và được khắc ngay sau đó. Gần đây, GS. Đinh Khắc Thuân căn chứ vào hình dáng, phong cách chuông Chiêu Minh tự chung sơ với chuông chùa Rối (xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) có những nét giống nhau nên đã đưa ra giả thuyết phải chăng chuông Chiêu Minh tự chung được đúc ở khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh[28]. Thời điểm này, Hồ Tông Thốc đang ở Đông Quan giữ nhiều chức quan trọng, trong đó kiêm chức Hàn lâm học sĩ phụng chỉ. Thông tin ngắn ngủi trên minh chuông Chiêu Minh tự chung đã cho biết một thông tin quan trọng: Vào cuối thời Trần, Kinh thành Thăng Long đã có tên gọi là thành “Đông Quan” 東關 chứ không phải như một số sách lịch sử gần đây cho rằng: Khi giặc Minh vào xâm lược nước ta, Kinh đô Thăng Long mới bị đổi tên (hạ cấp) từ Đông Kinh thành Đông Quan!.

   Trở lại vấn đề chúng ta đang quan tâm là trên minh chuông chùa Chiêu Minh năm (1385) ghi Hồ Tông Thốc đã giữ chức Hàn lâm học sĩ phụng chỉ. Nhưng ngay năm sau (1386), ĐVSKTT lại viết: “Lấy Hồ Thốc làm Hàn lâm học sĩ phụng chỉ”[29]. Tại sao, một người đang đảm nhận chức vụ này lại tiếp tục được ban cho vẫn chức ấy, phải chăng là năm 1385 ông kiêm chức đến năm 1386, ông mới chính thức đảm nhận chức này ?.

Như vậy, còn khá nhiều vấn đề liên quan đến nhà sử học Hồ Tông Thốc đời Trần cần được tiếp tục nghiên cứu. Tác phẩm của Trạng nguyên Hồ Tông Thốc còn lại đến nay khá nhiều nhưng rất tiếc nhiều tác phẩm chỉ để lại tên gọi. Chắc chắn nghiên cứu để tìm hiểu tư tưởng của ông phải dựa vào nội dung những tác phẩm đã được khẳng định do chính ông là tác giả với một diện mạo hoàn chỉnh; Đó là một vài bài thơ do ông sáng tác để thể hiện tâm trạng hay bài tựa sách Việt Nam thế chí tự và những bài văn bia, minh chuông… hiện nay còn lưu giữ. Ngoài ra, chúng ta muốn đi xa hơn để tìm hiểu về ông qua những nghiên cứu so sánh, liên kết các sự kiện, các nhận xét đánh giá của người đương thời và hậu thế. Với những sử liệu rời rạc ấy, nếu được đặt trong một bức tranh lịch sử, xã hội đương thời ngõ hầu có thể làm rõ hơn được phần nào về hành trạng, sự nghiệp và tài năng văn học, sử học của Trạng nguyên Hồ Tông Thốc.

 


*TS. Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội.

[1] Hồ Tông Thốc 胡宗鷟, chữ “Thốc” 鷟 còn có âm đọc là “Xác”; Trong bài viết Về Sử gia Hồ Tông Thốc, Tạp chí Xưa Nay số tháng 7 (359), năm 2010, tr 8 - 11, chúng tôi đã trình bày về những nội dung liên quan đến con đường làm quan và những tư liệu và văn bản xung quanh Hồ Tông Thốc. Ở bài viết này, tác giả tiếp tục bổ sung một số suy nghĩ mới xung quanh nhân vật Hồ Tông Thốc.

[2]Năm đỗ của ông cần phải được nghiên cứu tiếp. Sở dĩ nhiều nhà nghiên cứu lấy năm 1372 là năm ông đỗ tiến sĩ, có lẽ đã dựa vào ghi chép trong ĐVSKTT, bởi vì năm này ông được bổ chức quan Hàn lâm học sĩ ?.(Chúng tôi nhấn mạnh);

[3]Chức An phủ sứ gắn với hành trạng của Hồ Tông Thốc sớm nhất là năm 1366 là căn cứ vào tấm bia Phổ Thành tự bi;

[4]Chưa thấy tài liệu gốc nào viết ông đi sứ Trung Quốc và đi vào năm nào.

[5]Theo thống kê của chúng tôi, hiện nay chúng ta biết chắc chắn được những bài văn bia và minh trên chuông và trên sách của ông như sau:

- Du Đông Đình hoạ Nhị Khê nguyên vận 遊東亭和橤溪元韻 (thơ);

- Đề Hạng Vương từ 提項王祠 (thơ)

- Từ Ân tự bi minh tịnh tự 慈恩寺碑銘并序 (Văn bia chùa Từ Ân)

- Chiêu Quang tự chung minh 昭光寺鐘銘 (Bài minh chuông chùa Chiêu Quang);

- Việt Nam thế chí tự 越南勢誌序 (Bào tựa sách Việt Nam Thế chí);

- Việt Nam thế chí 越南勢誌 (đã thất lạc);

- Thị ý 示意(Tỏ ý);

- Thảo nhàn hiệu tần thi tập 討閒效蘋集 (Tập thơ đã bị thất lạc);

- Việt sử cương mục 越史纲目 (đã thất lạc);

- Phú học chỉ nam 賦學指南 (đã mất);

- Hình thế địa mạch ca 形勢地脉歌 (Hiệu đính sách của Trần Quốc Kiệt, đã mất);

[6]Theo Thơ văn Lý – Trần, (1978), Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Nxb Khxh, H, T3, tr 214, 215 cho biết, Đỗ Tử Vi có bài Hạ Hồ Thành trúng Trạng nguyên賀瑚成中狀元 (Mừng Hồ Thành đỗ Trạng nguyên);

[7]Ngô Sĩ Liên (1998), ĐVSKTT, BK, Q7, tr 26 (TII, Sđ d, tr 129);

[8]Ngô Sĩ Liên (1998), ĐVSKTT, BK, Q8, tờ 9a (T. II, đ d, tr 172);

[9]Ngô Sĩ Liên (1998), ĐVSKTT, BK, Q7, tờ 38b, 39a (Bd, TII, Sdd tr 156);

[10]Lê Quý Đôn(1977), Kiến văn tiểu lục, Nxb Khxh. H, tr 168;

[11]Quả chuông này hiện nay không giữ được. Theo GS. Phan Đại Doãn và GS. TS. Đinh Khắc Thuân (1998), trong bài Thêm một bài văn của Hồ Tông Thốc – Chiêu Quang tự chung minh, Tạp chí Hán Nôm (số 3), tr 86 – 90 cho biết: “Theo kim thạch bổ chính và Việt Đông thạch lược, cho biết chuông này vớt được ở bãi biển Hợp Phố (Quảng Tây) vào năm Khang Hy (1674), sau đó được lưu giữ ở Phủ học Liêu Châu. Theo các tác giả cho biết, GS Momoki Shiro, Đại học Osaka (Nhật Bản) và GS. Tạ Trọng Hiệp (Cộng hoà Pháp) cũng có tư liệu về quả chuông này.

[12]Ngô Sĩ Liên (1998), ĐVSKTT, Bk, Q.8, tờ 9a; Bd, T.II, tr 172.

[13]Phan Huy Chú (1961), Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Sử học, tr 72 – 73;

[14]Ngô Sĩ Liên (1998), ĐVSKTT, K, Q.8, tờ 9a,b;

[15]Ngô Sĩ Liên (1998), ĐVSKTT, BK, Q.7, tờ 31 a – 39b;

[16]Nguyễ Phi Khanh đỗ Tiến sĩ năm Giáp Dần 1374;

[17]Ngô Sĩ Liên (1998), ĐVSKTT, K, 9a; Bd, T.2, tr 172;

[18]Ngô Thì Sĩ (1997), Đại Việt sử kí tiền biên, tờ 27 b - 28a - Bd, Nxb Khxh, H, tr 483;

[19]Nhiều soạn giả (1976), Dẫn lại trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (Tk Tk X – XVIII), Nxb Văn học, tr. 250 – 251;

[20]Nhiều soạn giả (1977), Thơ văn Lý – Trần, Nxb Khxh, H, tr 71 – 72;

[21] Ngô Sĩ Liên (1400 - 1498), người thôn Chúc Lý, (xã Ngọc Giả, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), đỗ Đệ tam giáp đồng tamn giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm khoa thi Đại Bảo 3 (1442), từng giữ chức Đô ngự sử, Lễ bộ thị lang, Triều liệt đại phu kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp kiêm Sử quan tu soạn dưới thời Lê Thánh Tông. Đóng góp của Ngô Sĩ Liên rất quan trọng trong việc hệ thống biên soạn bộ Đại Việt sử kí toàn thư rất đồ sộ.

[22]Phan Huy Chú (1961), Lịch triều hiến chương loại chí, Tập IV, Nxb Sử học, H, tr 46;

[23] Sau này, trên các tư liệu bi kí thế kỷ XVII, XVIII ở một số làng xã, tên gọi “Việt Nam” cũng bắt đầu xuất hiện.

[24]Yamamoto Tatsuro, (1934), Việt sử lược và Đại Việt sử kí toàn thư, Đông Dương học báo, tháng 4, tr 62, 63; Xem Trần Kinh Hoà, (1998) Đại Việt sử kí toàn thư chi tu dữ truyề bản, Tokyo, tr 18; Cũng xem Phan Huy Lê (1998), Đại Việt sử kí toàn thư: Tác giả - Văn bản - Tác phẩm, in trong ĐVSKTT. T1. X Khxh, H; tr 11- 90;

[25]Nhiều soạn giả (1978), Thơ văn Lý - Trần, Nxb Khxh, H, tr 75 – 77;

[26]Nhiều soạn giả (1978), Thơ văn Lý - Trần, Nxb Khxh, H, tr 611 – 613;

[27]Phan Đại Doãn – Đinh Khắc Thuân (1998), Thêm một bài văn của Hồ Tông Thốc: Chiêu Quang tự chung, Tạp chí Hán Nôm, số 3; tr 86 – 90;

[28] Xem Đinh Khắc Thuân (2021), Văn bia chữ Hán Việt Nam từ thời Bắc thuộc đến đời Trần, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 604 - 608, Cũng xem Đinh Khắc Thuân (1997): Khôi phục bài thơ khắc trên chuông chùa Rối thời Trần, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học 1996, Nxb Khxh, H, tr 454 – 455;

[29]Ngô Sĩ Liên (1998), ĐVSKTT, BK, Q.8, tờ 9a.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511623

Hôm nay

2286

Hôm qua

2336

Tuần này

21997

Tháng này

218496

Tháng qua

121356

Tất cả

114511623