Những góc nhìn Văn hoá
Những năm tháng hoạt động cách mạng của đồng chí Chu Huy Mân trên quê hương TP. Vinh
Đồng chí Chu Huy Mân tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913 trong một gia đình nông dân nghèo, hiếu học tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An). Tiếp thu truyền thống yêu nước của quê hương, đồng chí đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng.
Hơn nửa thế kỷ liên tục rèn luyện, chiến đấu, công tác trên nhiều cương vị khác nhau, ông vẫn luôn nêu tấm gương sáng của một người chiến sỹ cộng sản kiên cường, một cán bộ, vị tướng xuất sắc của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta.
Với quê hương TP. Vinh, dù thời gian gắn bó với quê không nhiều nhưng ông đã để lại nhiều dấu ấn với lãnh đạo và Nhân dân địa phương.
1. Hun đúc tinh thần yêu nước từ thuở ấu thơ
Chu Văn Điều là con út trong một gia đình có tám chị em. Dòng họ Chu của Chu Văn Điều là một dòng họ lớn ở Nghệ An. Theo “Gia phả dòng họ Chu” thì thủy tổ dòng họ Chu ở Yên Lưu là Chu Phượng Long (1072-1110). Dòng họ Chu đã đến sinh sống, lập nghiệp ở Yên Lưu vào thế kỷ XV. Thân phụ của Chu Văn Điều là Chu Văn Quý (1859-1914). Chu Văn Điều mồ côi cha khi mới được 14 tháng tuổi. Một mình mẹ ông phải tảo tần hàng ngày mò cua bắt ốc, gặt thuê, cấy mướn, xe đay, dệt chiếu để kiếm tiền nuôi các con.
Chu Văn Điều là con út nên được mọi người trong gia đình hết mực yêu thương, đặc biệt là mẹ. Mẹ Chu Văn Điều luôn chú ý chăm lo việc đèn sách cho con để nuôi dưỡng và phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và đạo lý làm người.
Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng đến năm 1921, lên 8 tuổi, gia đình vẫn tạo điều kiện cho cậu bé Chu Văn Điều đi học chữ Hán ở trường làng, vừa học, vừa đi làm thuê để phụ giúp gia đình. Được đi học, Chu Văn Điều có nhiều cơ hội được giao lưu, tiếp xúc với học sinh các trường khác, đặc biệt là Trường Quốc học Vinh, dần được tiếp xúc với những xu hướng yêu nước, tiến bộ của phong trào tranh đấu của học sinh, sinh viên. Bốn năm đầu, Chu Văn Điều được gia đình tạo điều kiện chuyên tâm lo học tập. Từ năm 12 tuổi đến năm 16 tuổi, do điều kiện ngày càng khó khăn, Chu Văn Điều vừa học chữ, vừa chăn trâu cắt cỏ, vừa làm thuê để trợ giúp gia đình. Sau này, trong cuộc đời của mình, đức tính ham học, tự học, vượt khó, vượt khổ và ý chí vươn lên mãnh liệt của truyền thống quê hương xứ Nghệ đã trau dồi cho Chu Văn Điều kiến thức, ý chí vươn lên chiếm lĩnh tri thức, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm. Chính điều đó đã góp phần tạo nên bản lĩnh của người cán bộ, Đảng viên Đảng Cộng sản và sau này trở thành vị tướng tài năng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Làng Yên Lưu bên bờ sông Lam là vùng đồng chua, nước mặn. Những năm tháng thiếu thời, Chu Văn Điều đã chứng kiến người dân quê hương luôn phải chống chọi với bao thử thách khắc nghiệt để có miếng cơm, manh áo. Đó là những năm tháng vừa lao động, vừa học tập, Chu Văn Điều luôn chia sẻ, cảm thông với những người nông dân một nắng hai sương nơi quê nhà. Sông Lam, núi Hồng và tiếng còi của Nhà máy Xe lửa Trường Thi - Bến Thủy đã gắn liền với ký ức tuổi thơ và theo suốt cuộc đời Chu Văn Điều không thể phai mờ.
Khoảng từ năm 1923, từ Vinh - Bến Thủy, người ta đã truyền miệng với nhau những câu chuyện mới lạ về Yên Lưu rằng, ở nước Nga xa xôi, có ông Lý Ninh (Lê Nin) đã lãnh đạo giai cấp vô sản thành công, xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Mặc dù chưa hiểu nhiều về nghĩa của các từ này, nhưng dần dần những từ đó đã trở nên quen thuộc với lớp học sinh như cậu bé Điều thuở ấy. Những câu chuyện về các văn thân, sỹ phu yêu nước tập hợp lực lượng, chiêu mộ nhân tài, kêu gọi đồng bào đoàn kết đấu tranh chống thực dân phong kiến; các phong trào Duy Tân, Đông Du, Việt Nam Quang phục hội tuy không thành nhưng lòng yêu nước và ý chí căm thù quân xâm lược của các bậc cách mạng tiền bối luôn trở thành những tấm gương, tạo khích lệ và khơi nguồn cảm hứng cho nhiều người dân yêu nước muốn cứu nước, trong đó có Chu Văn Điều của làng Yên Lưu.
Người dân Yên Lưu thuở ấy đã đón nhận với một tâm trạng háo hức, vui mừng nhưng bâng khuâng suy nghĩ. Rồi những từ “cách tân”, “tiến bộ cách mạng”, “đấu tranh”... cũng xuất hiện ở xứ Nghệ. Nhiều thanh niên yêu nước như Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lê Thiết Hùng, Ngô Tuân, Lê Xuân Đào... ở quê Hưng Nguyên đã sang Trung Quốc hoạt động. Trong số này, có 2 thanh niên tiêu biểu là Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu. Đầu năm 1923, họ đã lập ra tổ chức “Tâm tâm xã”, đến năm 1924 kết nạp thêm Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Phong.
Ngày 19 tháng 6 năm 1924, “Tâm tâm xã” đã gây được tiếng vang lớn với sự kiện Phạm Hồng Thái đánh bom mưu sát Toàn quyền Méc Lanh (Merlin) tại Sa Diện, Quảng Châu (Trung Quốc). Sự kiện này như “cánh chim én báo hiệu mùa Xuân”, gây chấn động dư luận quốc tế, có sức cổ vũ lớn lao đối với phong trào yêu nước và cách mạng ở Việt Nam nói chung và ở Vinh - Bến Thủy nói riêng.
Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô trở về Quảng Châu (Trung Quốc) cuối năm 1924 đã tiếp xúc và giác ngộ những thanh niên yêu nước này để thành lập nên “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” vào tháng 6 năm 1925. Người đã xúc tiến những hoạt động tuyên truyền lý luận chủ nghĩa Mác - Lê Nin về cách mạng giải phóng dân tộc, đào tạo cán bộ, chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức cho việc sẽ thành lập ở Việt Nam Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ở Yên Lưu nhưng Chu Văn Điều cũng được nghe đến sự kiện Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở nước ngoài, đặc biệt là được nghe nói nhiều đến các tác phẩm báo chí của Người, nhiều bài thơ của Phan Bội Châu, lễ truy điệu Phan Chu Trinh ở chùa Diệc. Tin tức đó làm cho người dân Yên Lưu phấn khởi, háo hức, khiến cho nhiều thanh niên, trong đó có Chu Văn Điều sớm hình thành tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân và cuộc đời mình cho quê hương, Tổ quốc.
Khi được tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng, Chu Văn Điều đã nhanh chóng tiếp thu và hòa nhập vào phong trào đấu tranh cách mạng của quê hương. Chu Văn Điều nghĩ đây là cơ hội, là con đường để thoát khỏi cảnh cơ cực đói khổ, lầm than để thực hiện ước mơ giải phóng bà con dân làng Yên Lưu, giải phóng quê hương đất nước.
Năm 1925, một tổ chức yêu nước ra đời ở Vinh, lấy tên là “Hội Phục Việt”, sau đó đổi tên thành “Hội Hưng Nam” đầu năm 1926, “Việt Nam cách mạng đảng” hè năm 1926, “Hội Việt Nam cách mạng” vào tháng 7 năm 1927. Đến tháng 7 năm 1928 đổi tên thành “Tân Việt cách mạng đảng”. Tổng bộ của tổ chức này đóng ở Vinh, có cơ sở ở 5 xã: Lộc Đa, Đức Thịnh, Yên Dũng Thượng, Yên Dũng Hạ và Yên Lưu. Nhóm Tân Việt ở Trường Quốc học Vinh (nay là Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) đã cử thầy Đình Tuyển về diễn thuyết ở làng Yên Lưu để truyền bá tư tưởng mới.
Từ năm 1926, bên cạnh sự ra đời và phát triển của “Tân Việt cách mạng đảng”, tổ chức “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ở Quảng Châu (Trung Quốc) bắt đầu truyền bá lý luận Chủ nghĩa Mác - Lê Nin về cách mạng giải phóng dân tộc vào trong nước, gây dựng cơ sở cách mạng ở nhiều vùng miền, trong đó có Vinh - Bến Thủy. Một số thanh niên yêu nước, hội viên tích cực của tổ chức Thanh niên được lựa chọn cử sang Trung Quốc để tham gia các lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp đào tạo. Tác phẩm “Đường cách mệnh” và tờ báo “Thanh niên” được đưa về, bí mật tuyền truyền phổ biến ở Vinh - Bến Thủy, Hưng Nguyên. Một số đảng viên của Tân Việt ngả theo khuynh hướng vô sản, theo tôn chỉ của “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên”
2.Những hoạt động yêu nước đầu tiên
Ngày 17 tháng 6 năm 1929, “Đông Dương Cộng sản Đảng” được ra đời đã có tác dụng tích cực đến phong trào trong toàn quốc nói chung và Nghệ An nói riêng. “Đông Dương Cộng sản Đảng” đã điều động đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung vào Nghệ An cùng với Võ Mai (tức Quốc Hoa) lập ra Kỳ bộ Đông Dượng Cộng sản Trung Kỳ, đặt trụ sở ở làng Vang (nay thuộc phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh). Một số đảng viên Tân Việt ở Vinh - Bến Thủy và Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương đã liên lạc với Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, tự nguyện xin gia nhập Đảng.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, một số đảng viên của Tân Việt và Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Lộc Đa, Đức Thịnh, Yên Dũng lập ra Chi bộ lấy tên là Chi bộ “Đông Dương Cộng sản Đảng”. Đây là một trong 5 chi bộ cộng sản đầu tiên của Nghệ An và cũng là chi bộ cộng sản đầu tiên và duy nhất của Hưng Nguyên do Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập.
Ngay khi vừa thành lập, Chi bộ đã bắt tay ngay vào vào vận động, tổ chức quần chúng dán truyền đơn, tuyên truyền đường lối chính sách bằng các bài dân ca, vè, thơ do Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí cộng sản sáng tác để hô hào, vận động nhân dân tổ chức mít tinh, biểu tình thị uy.
Ở Yên Lưu, cuộc mít tinh, tuần hành được tổ chức vào mùa Đông năm 1929 là cuộc đấu tranh đầu tiên của Nhân dân dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản. Chu Văn Điều được người anh họ là Chu Văn Chín rủ đi vận động một số thanh niên trong xã đi mít tinh. Đây là lần đầu tiên Chu Văn Điều tham gia cuộc mít tinh lớn ở xã khi mới 16 tuổi.
Năm 1929, mới 16 tuổi, Chu Văn Điều đã tha thiết muốn đi theo cách mạng, đã giác ngộ lý tưởng cách mạng, tích cực tham gia phong trào yêu nước trên quê hương. Đây là kết quả của sự nuôi dưỡng, giáo dục và hun đúc của truyền thống quê hương, gia đình, dòng họ mà Chu Văn Điều được thừa hưởng. Đặc biệt, truyền thống ấy được sự động viên, khuyến khích của người mẹ - một người phụ nữ tiêu biểu cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam, dù góa chồng khi còn trẻ, phải chống chọi với đòi nghèo, gian khó những đã tảo tẩn nuôi con cái trưởng thành, hướng con cái đi theo cách mạng.
3.Trở thành thành viên của Đội Tự vệ Đỏ của cao trào cách mạng 1930-1931
Năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng đã đoàn kết, tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân đi theo Đảng để làm nên một phong trào đấu tranh cách mạng 1930-1931 trên toàn quốc mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ -Tĩnh.
Mùa xuân năm 1930, cờ đỏ búa liềm đã xuất hiện ở Yên Lưu. Mỗi người dân đều biết quê mình đã có cộng sản. Đến ngày 10/9/1930, Chi bộ Đảng Yên Lưu chính thức thành lập và sau đó kết nạp đồng chí Chu Văn Điều (Chu Huy Mân) vào Đảng.
Trong cao trào cách mạng 1930-1931 vĩ đại ấy, tại làng Yên Lưu, xã Hưng Hòa, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh bộ Vinh, sự chỉ đạo của Chi bộ, các tổ chức Nông hội Đỏ, Tự vệ Đỏ được thành lập. Chu Văn Điều được cử làm Đội phó Đội Tự vệ Đỏ. Đội Tự vệ Đỏ gồm 30 người là những chiến sĩ tích cực đi đầu trong các cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân. Phương pháp huấn luyện là lăn lê, bò trườn, võ thuật, tập cách thức bảo vệ các cuộc biểu tình, trấn áp bọn phản cách mạng với các loại vũ khi đơn giản là gậy gộc, câu liêm, mác nhọn.
Từ cuối năm 1930, đầu năm 1931, thực dân Pháp tiến hành “khủng bố trắng”, tập trung toàn lực về Nghệ Tĩnh để đối phó với cao trào cách mạng. Trong dịp Tết Nguyên đán, một cuộc biểu tình lớn nổ ra ở Yên Lưu. Quần chúng mang theo gậy gộc, giáo mác với ý định lật đổ chính quyền địch, bắt giam bọn cường hào, thành lập chính quyền Xô Viết ở xã. Chi bộ Yên Lưu đã có nhiều người bị bọn thực dân Pháp bắt và tra tấn dã man. Chúng chặt roi mây ngâm nước mắm đánh đập tàn bạo những người chúng nghi là cộng sản, tự vệ, bắt mọi người phải nhận “đã làm cộng sản” ký vào tờ giấy xin “quy thuận”. Riêng Chu Văn Điều kiên quyết không nhận và không ký vào giấy “quy thuận”. Chúng thay nhau đánh đập, hành hạ Chu Văn Điều nhưng không thể lay chuyển sự trung thành và niềm tin của ông với cách mạng. Bất lực, bọn chúng đành hăm dọa và thả Chu Văn Điều.
Trở về nhà với thân hình tiều tụy, đau đớn về thể xác nhưng Chu Văn Điều vẫn rất vui vì đã thắng được bọn bang tá, giữ vừng khí tiết của người đảng viên và lời thề trước cờ Đảng. Được trở về với gia đình yêu thương, được mẹ hết lòng chăm sóc, được Nhân dân đùm bọc, Chu Văn Điều như được tiếp thêm nguồn sống và nghị lực chiến đấu.
Từ năm 1932 đến 1938, phong trào đấu tranh cách mạng ở Yên Lưu được dần phục hồi. Năm 1933, đồng chí Chu Văn Điều được Chi bộ bầu làm Bí thư. Tháng 5 năm 1935, vào mùa thu thuế của chính quyền thực dân, phong kiến nhưng gia đình không có tiền nộp thuế. Chu Văn Điều bị người anh họ là Chu Văn Đạm - Phó lý làng Thượng đánh một trận đau. Bực mình với người anh họ đã không biệt được đúng sai, phải trái, không đứng về phía dân nghèo, Chu Văn Điều đã đổi tên “Văn Điều” thành “Huy Mân” với ý nghĩa là “ngọc sáng” (theo nghĩa “huy” là sáng, “mân” là ngọc). Từ đấy, tên gọi Chu Huy Mân bắt đầu xuất hiện và đi liền suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.
Do nhiều hoạt động tích cực, bọn mật thám Pháp thường xuyên theo dõi ông. Trong năm 1939, Chu Huy Mân 3 lần bị đích bắt và giam ở Nhà lao Vinh, sau đó ông bị đưa lên giam lỏng ở Hưng Nguyên. Đến tháng 3 năm 1940, ông được thả về nhà và sau đó chúng đưa ông lên xe lửa vào Quy Nhơn, rồi chuyển qua xe tải đến Trại giam Đắk Lây, Kon Tum. Một thời gian sau, ông đã thoát khỏi nhà tù và tiếp tục hoạt động cách mạng.
4. Một vị tướng luôn nặng lòng với quân đội và Nhân dân quê hương.
Là một người con của quê hương thành Vinh xứ Nghệ nhưng vì sự nghiệp cách mạng và do sự phân công của tổ chức nên thời gian công tại thành phố quê hương, tại Quân khu 4 của ông Chu Huy Mân không nhiều.
Từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 12/1946, ông làm Chủ tịch Ủy ban Quân chính khu C, Chính trị viên Mặt trận Đường 9 - Đông Hà.
Từ tháng 5 đến tháng 8/1957, ông làm Chính ủy Quân khu 4. Nhiệm vụ của Quân khu 4 là chỉ đạo mọi công việc chuẩn bị tác chiến, huấn luyện bộ đội, duy trì an ninh ở địa phương thời bình; chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang quân khu tác chiến thời chiến.
Từ tháng 1 đến tháng 5/1958, Chu Huy Mân trở lại Quân khu 4 sau 4 tháng tham gia Đoàn cố vấn quân sự Việt Nam giúp nước bạn Lào, tiếp tục trên cương vị Bí thư Quân khu ủy - Chính ủy Quân khu 4.
Từ mùa hè năm 1961 đến tháng 9/1962, và tháng 9 đến cuối tháng 12/1963, ông làm Tư lệnh kiêm Chính ủy - Bí thư Quân khu ủy.
Tuy thời gian sống và làm việc ở Quân khu 4 trên thành phố Vinh không nhiều và không liên tục, nhưng ông luôn thể hiện là một vị tướng song toàn cả về chính trị lẫn quân sự, là một người chỉ huy sắc sảo, vừa có tầm nhìn chiến lược vừa sâu sát, tỉ mỉ.
Đại tướng Chu Huy Mân là một tài năng quân sự - chính trị xuất sắc, có tầm nhìn chiến lược và giỏi về chiến dịch, chiến thuật, lăn lộn khắp các chiến trường Cao - Bắc - Lạng, Khu 4, Khu 5, Tây Bắc, Tây Nguyên và cả chiến trường Lào. Ông đã từng đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chính trị, quân sự, có lúc kiêm luôn cả Chính ủy và Tư lệnh các đại đoàn, sư đoàn, quân khu, mặt trận. Đại tướng Chu Huy Mân luôn xứng đáng với cái tên mà đồng chí, đồng đội thân thương, trìu mến gọi ông là “Hai Mạnh” (mạnh cả chính trị và quân sự, văn - võ song toàn).
Ngay từ khi tiếp thu lý tưởng cộng sản, sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng quang vinh, được đắm mình trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, Đại tướng Chu Huy Mân đã tích cực hoạt động yêu nước, tuyên truyền, giác ngộ thanh niên và bà con nhân dân ở quê nhà tham gia đấu tranh, biểu tình ủng hộ công nhân Vinh, Trường Thi, Bến Thủy sát cánh với nông dân Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Nghi Lộc và nhiều nơi khác trong tỉnh, trong nước. Ông đã trải qua những tháng ngày sục sôi, những ngày bị địch khủng bố rất tàn khốc. Trong giai đoạn 1936-1939, ông là một trong những cán bộ chủ chốt của phong trào cách mạng ở quê hương.
Những năm tháng tiếp theo, dù trên cương vị công tác nào, ông vẫn luôn dõi theo những bước đi của quê hương Nghệ An. Đồng bào, đồng chí, đồng đội quê hương Nghệ An luôn tự hào về người con yêu quý, gương mẫu của mình.
Cách mạng thành công, đất nước sạch bóng quân thù, non sông thu về một mối, trên cương vị và trọng trách mới, Đại tướng Chu Huy Mân thường xuyên quan tâm đến phong trào của tỉnh nhà. Cứ mỗi lần về thăm quê hương, ông đã để lại cho Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Nghệ An nhiều tình cảm và ấn tượng sâu sắc, nghĩa tình. Đó là nguồn động viên, cổ vũ to lớn với lãnh đạo và Nhân dân tỉnh nhà trong sự nghiệp xây dựng Nghệ An sớm trở thành một tỉnh khá như lời mong mỏi và căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Mính kính yêu.
Trong hơn 10 vị Đại tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1948 (Đại tướng đầu tiên là Võ Nguyên Giáp) đến nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội và các nhà khoa học quân sự đều thống nhất đánh giá: Đại tướng Chu Huy Mân là nhà quân sự - chính trị song toàn, người cộng sản kiên trung, mẫu mực bởi những cống hiến vô cùng lớn lao của ông trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Ông cũng là một trong những Đại tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước. Ở tỉnh Nghệ An, ông là vị tướng duy nhất có quân hàm Đại tướng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đó là vinh dự lớn, tự hào lớn cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Nghệ An.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.12 vị Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Nhà xuân bản Đồng Nai, 2011.
2. Đại tướng Chu Huy Mân - Thời sôi động, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2004.
3. Tướng Hai Mạnh, Lê Hải Triều, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2005.
4. Đại tướng Chu Huy Mân - Nhà quân sự - chính trị song toàn, người cộng sản kiên trung, mẫu mực, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2013.
5. Lịch sử xã Hưng Hòa , NXB Nghệ An, 2002.
6. Chu Huy Mân - Tiểu sử, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, 2020.
tin tức liên quan
Videos
Nhớ lần gặp Đại tướng Chu Huy Mân
Có hay không một tầng lớp quý tộc Việt
Xứ Nghệ - Điểm đến thú vị của những cuộc du xuân
“Cần cho làng một sự tự trị thực sự để tăng cường sự đoàn kết …”
Tôn giáo, tín ngưỡng ở Nghệ An từ đầu thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII
Thống kê truy cập
114503704
2107
2319
21174
221097
120308
114503704