Những góc nhìn Văn hoá

Lý Nhật Quang - Đứa con kinh thành hiển thánh trên đất Nghệ

 

1. Đứa con hoàng tộc trong sử sách và thư tịch cổ

Có thể nói, Lý Nhật Quang - vị hoàng tử thứ tám, con vua Lý Thái Tổ là một hiện tượng thú vị nhìn từ góc độ văn hóa học. Ở nhân vật này, chúng ta vừa nhìn thấy một thứ uy quyền chính thống, bắt nguồn từ gốc gác hoàng tộc của ông, đồng thời, chúng ta cũng cảm nhận được một thứ uy lực thánh thần phát khởi từ những ngôi đền thiêng và những truyền thuyết dân gian về ông được truyền lan từ đời này qua đời khác trong dân chúng. Sự hòa quyện của hai thứ quyền năng ấy đã biến thành một lực hấp dẫn bao quanh Lý Nhật Quang.

 

Thú vị hơn nữa, khi tìm hiểu kỹ hơn về nhân vật này qua cả chính sử và truyện kể dân gian, chúng ta sẽ nhận ra rằng: không phải cái quyền uy hoàng tộc được ban trao theo lề lối nơi đất kinh màchính vầng hào quang thần thánh mà nhân dân đã ban tặng cho những công trạng của Lý Nhật Quang nơi đất trại mới làm cho tên tuổi ông còn mãi với đời. Nghĩ cho cùng, uy quyền của bất kỳ nhân vật lịch sử nào cũng chỉ thực sự bảo toàn được năng lượng của nó một cách vĩnh hằng bằng cách tiếp nhập vào mạch nguồn dân gian.

 

 Để có thể nghiệm ra những điều tưởng như đơn giản ấy, chúng tôi đã dựa vào chính quá trình nghiên cứu với những bước đi nảy sinh từ thực tiễn. Chúng tôi tiếp cận nhân vật lịch sử Lý Nhật Quang không phải bắt đầu từ sử sách, cũng không phải bắt đầu từ nơi ông sinh ra và lớn lên – kinh thành Thăng Long mà chính từ những truyền thuyết dân gian còn lưu truyền trong lòng dân xứ Nghệ – nơi ghi dấu những công trạng, những đóng góp của ông với nhân dân địa phương; từ những ngôi đền thiêng – nơi nhân dân phụng thờ ông như một vị thánh. Là một nhân vật lịch sử, từng được chép trong các bộ chính sử, Lý Nhật Quang hoàn toàn có thể được biết đến bắt đầu từ sách vở chính thống, nhưng không, đối với chúng tôi, những truyền thuyết dân gian được thêu dệt bao quanh những ngôi đền thiêng thờ phượng ông với tất cả vẻ rực rỡ, sống động, chứa chan sinh khí dân gian mới chính là điểm thu hút đầu tiên.

 

Từ ánh hào quang huyền thoại bao phủ quanh nhân vật Lý Nhật Quang trong lời kể dân gian, chúng tôi lần tìm trở lại những ghi chép ít ỏi về ông trong sử sách. Chúng tôi coi như đây là một quá trình lội ngược về nguồn, không chỉ đơn giản để hiểu rõ gốc tích của một nhân vật lịch sử, mà hơn thế còn qua đó nhận thức sâu sắc về sự lựa chọn một cách có ý thức của nhân dân trong việc xây dựng hình tượng vị thánh trong dân gian. Nắm rõ được cách cảm, cách nghĩ của dân gian, chúng ta sẽ thôi không ngạc nhiên về chuyện, một nhân vật chỉ được sử sách ghi chép bên lề lại hoàn toàn có thể là một nhân vật chính, rạng rỡ hào quang trong những chùm truyền thuyết bất tận của dân gian.

 

Lý Nhật Quang tuy không phải chỉ là nhân vật bên lề của sử sách, song thực ra, sử chép về ông chỉ được đôi ba dòng lặp đi lặp lại cùng một sự kiện. Lần tìm trong hầu hết các cuốn sử có chép về vương triều Lý như: An Nam chí lược (Lê Tắc), Đại Việt Sử ký toàn thư (Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn), Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim), Đại Việt sử lược (khuyết danh)…, Lý Nhật Quang chỉ được nhắc đến như một người có liên quan đến các hành động của các vị vua chứ chưa được miêu tả như một nhân vật lịch sử có vị thế độc lập. Hai sự kiện mà Lý Nhật Quang có liên quan được ghi chép lặp lại trong các bộ sử là: năm 1041, Lý Nhật Quang được phong làm Tri châu Nghệ An[1]; năm 1044, được vua Lý Thái Tông gia phong tước vương nhân dịp vị vua này đi đánh Chiêm Thành thắng lợi trở về[2]. Những ghi chép ngắn ngủi ấy rõ ràng chưa có đủ sức nặng để lôi kéo người ta chú mục vào nhân vật Lý Nhật Quang. Dù tên tuổi đã lưu truyền sử xanh, nhưng với sự xuất hiện một cách thảng hoặc như thế, hẳn Lý Nhật Quang sẽ mãi mãi im lìm trong bóng chữ bằng danh giá hoàng tộc nếu không có cả một không gian với độ mở vô biên của những truyền thuyết dân gian về ông (mà sau đây chúng ta sẽ được biết rõ).

 

Rời xa sự nghiêm ngắn của chính sử, Lý Tế Xuyên với Việt điện u linh – một thư tịch cổ sưu tầm những chuyện hoang đường lưu hành trong nhân dân, đã bắt đầu tiến vào lãnh địa của dân gian bằng câu chuyện huyền hoặc, nhuốm màu u linh về cái chết của Lý Nhật Quang:

...Vương đang ngồi nhàn ở nhà, bỗng thấy một con quạ bay vào trong trướng, chim yến, chim sẻ nháo nhác. Người nhà muốn bắt. Vương bảo không được kinh động để xem nó bay đậu thế nào. Con quạ bay quanh trướng ba vòng lại bay đến trước chỗ ngồi của Vương, biến thành một tờ giấy trắng, ở trong đó có chữ hình dạng lờ mờ không thể nhận rõ được. Chỉ như là hình rồng mây. Vương sai cất đi. Đêm ấy, trăng trong gió mát, quang cảnh đáng yêu. Vương bèn cho mời khắp bạn thân đến thưởng ngoạn, ca nhạc vang lên, tiệc rượu thịnh soạn, vui cười nhộn nhịp, chẳng kém yến hội ở Dao Trì. Vương bỗng ngủ thiếp đi, thấy một người chừng độ sáu mươi tuổi, đội mũ giải trãi, áo màu ráng tía, ngang lưng đeo đai, tay cầm thanh long đao cong như hình mặt trăng đến trước mặt chào. Vương bèn hỏi. Người ấy đáp: “Kẻ bề tôi là sao Vũ Khúc trên trời vâng mệnh Ngọc Hoàng mời Vương đến sở của Tử Hư đế quân để thảo một chương ngọc diệp”. Vương thưa rằng: “Kẻ ngu này là người trần mắt thịt, người đời sao lại có thể làm việc ở trên trời?” và lấy tay gạt thanh đao mà từ chối. Hốt nhiên có trận gió lành thổi ào. Vương giật mình tỉnh dậy, mới biết là giấc mộng, đem kể lại hết, kể cả việc con quạ bay lúc ban ngày. Thân thuộc, bạn bè đều cho là điềm lành. Vương đi nằm, bỗng nhiên không bệnh mà mất.

 

Tuy Việt điện u linh đã bắt đầu nhuốm màu huyền ảo vào cuộc đời Lý Nhật Quang, nhưng ngay cả trong đám mây u linh phủ xuống con người ấy, chúng ta vẫn thấy lộ rõ hình hài của một đứa con dòng dõi hoàng tộc. Đó chưa hẳn là hình tượng của nhân dân.

 

Rũ bỏ hoàn toàn tư thế bất động trong trang sử với những dòng chữ sơ lược đóng khung, rũ bỏ cả tấm áo hoàng tộc được thư tịch cổ lưu lại, Lý Nhật Quang – vị Bát lang hoàng tử của vương triều Lý đã đến với nhân dân trong một hình hài mới, mang một khí vị mới đầy linh diệu: đức thánh Mượu[3] hay Tả Ao vương thánh.

 

 Một lần nữa, chúng ta khẳng định lại rằng, dân gian lựa chọn vị thánh của họ bằng tư duy riêng. Dù Lý Nhật Quang là đứa con của kinh thành Thăng Long, là giọt máu hoàng tộc nhưng nơi khiến ông trở nên bất tử lại là miền đất ki miNghệ An. Bằng khói hương thờ phụng từ những ngôi đền thiêng, bằng những truyền thuyết dân gian không bao giờ thực sự đạt đến độ đầy đặn bởi còn tiếp diễn đắp bồi và nảy nở, dân gian đã xây đúc nên một vị thánh theo cách riêng của họ.

 

2. Vị thánh trong tâm thức dân gian xứ Nghệ

Trên mảnh đất suốt một chặng đường dài của lịch sử phong kiến chỉ là vùng ki mi biên viễn, còn cần một người có tài kinh bang tế thế mở mang, ổn định, Lý Nhật Quang từ một người săn sóc, chăm lo cho nhân dân trong cõi sống đã trở thành một vị thánh bất tử, luôn hiện diện cứu vớt dân chúng và đất nước từ cõi vĩnh hằng. Cả một bầu không khí dân gian đặc quánh chất hiển linh được nhân dân dệt nên quanh con người ấy bằng những truyền thuyết dân gian, những đình đền miếu mạo và những bài vè dân dã như thế này:

Ở đất Bạch Ngọc

Có đất Hàm Rồng

Ra áp bờ sông

Gọi rằng núi Quả

Cây cao cội cả

Lá tốt rà rà

Trên có bảy tòa

Đều xây mái ngói

Bốn mùa hương khói

Thờ đức thánh ta

Nguyên trước Ngài là

Con vua nhà Lý

Ra trị tỉnh Nghệ

Mười chín năm tròn

Náo nức tiếng đồn

Mưa nhân gió đức

Sau Ngài đánh giặc

Trên Trấn Ninh về

Núi Quả cận kề

Dừng chân nghỉ chút

Gặp một bà Bụt

Có mười hai tay

Xin hiến đất này

Huyết thực vạn đại

Ngài chưng khi ấy

Phút hóa thành thần

Vậy trước xã dân

Lập đền phụng tự…[4]

 

Khó lòng có thể mô tả một cách hoàn thiện cái bầu không khí dân gian quấn quyện quanh Lý Nhật Quang nơi xứ Nghệ, trong bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ dừng lại giới thiệu bộ phận truyền thuyết về ông, nhân dịp vừa tìm thấy một số truyền thuyết mới chưa từng được biết đến trong chuyến điền dã về đất Con Cuông, nơi Lý Nhật Quang từng đến mở đất, khai đường.

 

Truyền thuyết vốn có đặc trưng là những mẩu chuyện nhỏ, thậm chí có khi chỉ là những mảnh vụn lấp lánh ánh sáng tưởng tượng trên cái lõi là một chi tiết lịch sử có thật, vậy nên, truyền thuyết về một nhân vật luôn luôn được tạo ra từ chính những hành động, những sự kiện cụ thể trong đời thực của nhân vật đó. Truyền thuyết tựa như những mầm cây nảy nở từ dấu chân nhân vật trên con đường chinh phục lòng dân bằng những chiến công, những hành trạng lẫy lừng. Mầm cây ấy sẽ lớn dần lên, tỏa tán rộng khắp cả một không gian, tạo ra miền tâm linh dân gian riêng cho nhân vật. Truyền thuyết về Lý Nhật Quang cũng không nằm ngoài quy trình phát khởi và tỏa lan ấy. Đó chính là lý do các nhà sưu tầm dân gian không tìm thấy truyền thuyết nào về đứa con của hoàng tộc trên đất Thăng Long mà chỉ tìm thấy truyền thuyết về ông trên những mảnh đất đã từng ghi dấu chân ông (Bình Định, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa) đến, để lại vết tích là những chiến công.

 

a.       Truyền thuyết nảy nở từ hành trình mở đất

Sử sách đã công nhận những đóng góp của Lý Nhật Quang cho triều đình nhà Lý trong suốt thời gian ông nhậm chức Tri Châu ở Nghệ An. Song, với quần chúng nhân dân, đôi ba dòng sơ lược trong chính sử chưa đủ để họ thỏa mãn tỏ bày niềm yêu kính với Uy Minh vương, bởi thế, dân gian đã lưu truyền những mẩu chuyện vừa sống động, chân thực, vừa xen cài đôi chút hoang đường về ông thuở đương thời. Đó là thế giới mà dân gian xây dựng nên cho Lý Nhật Quang, để ông trở nên linh thiêng, bí ẩn trong một bầu không khí riêng. Trong tâm khảm dân gian, những công trạng của Lý Nhật Quang luôn hiện hữu và hiển hiện chói ngời trong sắc màu huyền thoại. Lý giải một hiện tượng lạ kỳ, dân gian cũng vin vào đó mà ngợi ca, tôn vinh vị thánh của họ thuở còn chưa hóa thánh. Họ tin rằng Lý Nhật Quang còn để lại dấu tích ở Khe Chè (Con Cuông) bằng một mẩu chuyện như sau:

Năm 1060, quân Ai Lao làm phản, sang đánh phá miền Tây Nghệ An. Lý Nhật Quang đem đạo quân Nghiêm Thắng đi dẹp. Thắng trận rồi, khi kéo quân về đến khe Chè, mé dưới Thành Nam, thuộc Yên Khê, Con Cuông bây giờ, bà con địa phương vui mừng ra đón rước. Trước tấm lòng kính mến, vồn vã của bà con, ông hể hả cầm cái điếu cày, hút một hơi dài, rồi đặt điếu xuống đất. Nào ngờ, chiếc điếu là một đoạn tre đằng ngà lộn ngược. Nên sau đó, từ chiếc điếu mọc lên một cây tre cũng vít đầu xuống rồi mới trổ thẳng lên trời. Từ một cây tre trở thành một bụi. Sau này, ở Khe Chè có loại tre mọc ngược là vì vậy[5].

 

Điều đặc biệt trong những mẩu chuyện dân gian như trên đây là dân gian vừa kéo gần vị thánh đến với quần chúng bằng cách vẽ nên hình ảnh một con người rất thực bằng những đường nét dân dã, lại vừa đẩy vị thánh ấy lên thế thượng tôn bằng những chi tiết kỳ lạ, thần bí.

 

Một quy luật thực tế của dòng chảy dân gian là càng tôn thờ một nhân vật lịch sử bao nhiêu, dòng chảy ấy càng xoáy tụ quanh nhân vật để đắp bồi lớp lớp huyền ảo cho nhân vật qua vô vàn mẩu chuyện nối kết với nhau. Chúng hoàn toàn có thể bị đẩy lên đến độ quá hoang đường (bởi tư duy dân gian cho phép con người vượt qua mọi ranh giới để sáng tạo), hoặc có thể trở nên mâu thuẫn nhau (vì dân gian chấp nhận mọi con đường sáng tạo). Cái chết của Lý Nhật Quang là một sự kiện quan trọng trong tâm thức dân gian, bởi đó cũng là cái mốc để ông hóa thân thành thánh. Chính vì thế, chỉ xoay quanh sự kiện này, chúng ta đã có cả một chùm truyền thuyết dồi dào, cho thấy độ mở của tư duy dân gian và sức sáng tạo vô biên của trí tuệ dân gian. Ấy cũng chính là nguồn năng lượng vĩnh hằng cho sức sống dân gian đó vậy.

 

            Lý Tế Xuyên trong Việt điện u linh đã khởi sự buông bức màn bí ẩn xuống cái chết của Lý Nhật Quang, song dân gian đã đẩy biên độ của sự bí ẩn ấy ra đến vô cùng bằng những câu chuyện hoang đường hơn thế nữa. Có truyền thuyết kể rằng: “Ngài đi đánh giặc Lão Qua, ngựa về đến Bạch Đường, thôn Thượng Thọ (nay là thôn Trạc Thanh) có bà tiên ở Tiên Tích Tự nói với Ngài: Quả Sơn là nơi linh địa, huyết thực muôn đời, có thể hóa thân xứ ấy”. Ngài nghe lời, đến Quả Sơn thì quy hóa”[6]. Một truyền thuyết khác lại kể, sau khi đi đánh giặc trở về đến hữu ngạn sông Lam, lúc qua sông không may Ngài bị chết đuối và được Bà Bụt vớt xác lên. Do đó mà trong lễ hội đền Quả tổ chức vào tháng Giêng hàng năm, nhân dân bao giờ cũng làm lễ trả ơn Bà Bụt. Dân gian đến nay vẫn còn truyền tụng câu: Hai năm rước ngược, hăm mốt rước xuôi, lệ nhất định rồi, ba năm hai khóa[7].

 

Bên cạnh sự phong phú về lối kể chuyện, những truyền thuyết về Lý Nhật Quang còn đặc biệt ở chỗ, chúng vừa sống trong một không gian thiêng cô đặc, vừa tỏa lan vượt mọi ranh giới (kể cả ranh giới văn hóa tộc người). Từ hai chuyến điền dã tại hai huyện Đô Lương và Con Cuông, chúng tôi nhận ra sự trùng lặp kỳ lạ của cách kể chuyện về Lý Nhật Quang ở hai địa phương này, từ hai tộc người khác biệt (Việt – Thái). Ở Đô Lương, khi đến thăm đền Quả Sơn – ngôi đền lớn nhất thờ Lý Nhật Quang trên đất Nghệ An còn tồn tại cho đến ngày nay, chúng tôi được nghe truyền thuyết về cái chết của Ngài như sau[8]:

Lý Nhật Quang trong trận cuối cùng đánh giặc Lão Qua đã bị trọng thương. Tuy giặc đã chém đầu Ngài nhưng Ngài vẫn tiếp tục đặt đầu mình lên cổ và ngồi vững vàng trên lưng ngựa chạy về. Khi về đến xã Lam Sơn (giáp với xã Ngọc Sơn) thì Ngài gặp một bà bán hàng – chính là Bà Bụt hóa thân thành. Ngài hỏi xin bà hàng một mảnh đất, Bà Bụt bảo cứ men theo vệ cỏ may, ngựa chạy đến đâu thì đất của ông đến đó. Ngựa của Ngài chạy đến vùng đất hiện nay dựng đền (xã Bồi Sơn) thì quỳ xuống, Lý Nhật Quang ngã ngựa, đầu lìa khỏi cổ, từ cổ Ngài òa ra một vũng máu. Chỗ ấy được mối đùn lên thành mộ, gọi là mộ thiên táng. Người dân làng Mượu đi qua đấy thường gặp va chạm, họ bèn lập một miếu tranh nhỏ thờ cúng Ngài.

 

Còn ở xã Môn Sơn (một xã giáp Lào), huyện Con Cuông, chúng tôi thu thập được câu chuyện như sau[9]:

Ngày trước, có một ông tướng đi đánh giặc Lào bị giặc chém đứt đầu, ông chạy về vùng này. Ông phi ngựa chạy từ Khe Khặng, bị rớt một giọt máu ở đây (về sau người dân lập đền Quan Lang thờ ông). Ông vẫn tiếp tục chạy xuống làng Cằng, làng Xiềng, ở đây ông rớt ba giọt máu. Cái đầu của ông bị rơi ra nhưng ông nhặt lên, lắp lên cổ, vừa làm vừa nói: Kho hặc kho to, kho hặc kho to! (Nối đầu lại! Nối đầu lại!). Vì có giọt máu ông rơi xuống, về sau dân làng Xiềng lập đền Pục để thờ ông ở đây. Ông đi theo đường khe Khặng, chạy qua làng Mon, đổ một giọt máu, sau này dân làng lại lập đền Péc để thờ. Ông chạy đuổi giặc xuống tận Thanh Chương rồi lại quay về làng Bàu, ngã xuống ở Noong Bua (Hồ sen), mối đùn lên thành ngôi mả của ông. Dân làng vì thế đã lập đền thờ Pù Mả (Mả Ông) để thờ ông ở đây. Tất cả các ngôi đền thờ ông ngày nay đều không còn nữa, song trong ký ức của người dân địa phương thì tất cả vẫn còn nguyên vẹn. Những người già – người từng được nhìn thấy sự tồn tại của các ngôi đền này vẫn còn có thể miêu tả từng ngôi đền với kiến trúc, ngày cúng tế, lễ vật cúng tế… một cách khá chi tiết[10].

 

Nhân vật ông tướng chưa rõ là ai trong câu chuyện kể của người Thái ở Con Cuông đã khiến chúng tôi rất băn khoăn. Người dân tuy còn nhớ truyền thuyết, còn nhớ các ngôi đền thờ vị tướng này nhưng lại không thể nhớ được tên của ông ta, thậm chí, có người còn cho rằng, ông là người Thái. Lần theo lịch sử của mảnh đất này, chúng tôi đã tìm thấy một số bằng cớ cho khả năng xác nhận nhân vật này chính là Lý Nhật Quang. Trước hết, Con Cuông là mảnh đất ghi lại nhiều chiến tích và thành tựu của Lý Nhật Quang trong thời gian ông làm Tri châu ở Nghệ An. Ông là người chủ trương đưa tù binh Chiêm Thành lên miền núi (Con Cuông, Tương Dương) để khai đường, mở đất. Ông cũng chính là người mở con đường thượng đạo cho miền núi Nghệ An, từ Đô Lương lên giáp biên giới Việt – Lào, đi qua Con Cuông[11]. Người dân Con Cuông còn kể những truyền thuyết liên quan đến việc ông đi đánh giặc Ai Lao về qua đây và có thể, câu chuyện về cái chết của vị tướng trên đây cũng không nằm ngoài mạch truyền thuyết về ông trên đất Con Cuông.

 

Ngay trong câu chuyện về cái chết của Lý Nhật Quang được lưu truyền ở vùng Đô Lương, chúng tôi cũng thấy một manh nha liên quan của Lý Nhật Quang với mảnh đất Con Cuông. Trong bài vè mà người dân ở Đô Lương truyền miệng kể lại chuyện cái chết của Lý Nhật Quang, chúng tôi lưu ý đến một địa danh: Trấn Ninh (trong câu: Sau ngài đánh giặc/ Ở Trấn Ninh về/ Núi Quả cận kề/ Dừng chân nghỉ chút). Vậy, Trấn Ninh là ở đâu? Tra cứu thêm, chúng tôi được biết Trấn Ninh vốn là một quốc gia cổ có tên gọi Bồn Man, tồn tại trong thời gian 1369 – 1478. Năm 1478, do liên kết với Lão Qua quấy nhiễu, cướp bóc khu vực phía Tây của Đại Việt nên Bồn Man đã bị vua Lê Thánh Tông tiêu diệt và sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt, đặt tên là xứ Trấn Ninh[12]. Lãnh thổ của xứ Trấn Ninh ngày nay chính là các huyện phía Tây của tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La và tỉnh Hủa Phăn (Lào). Mặc dù tên gọi Trấn Ninh được hình thành sau sự kiện Lý Nhật Quang làm tri châu ở Nghệ An đến hơn 300 năm, nhưng nó vẫn xuất hiện trong truyền thuyết về ông là điều dễ hiểu, bởi lẽ, sáng tác dân gian là mạch nguồn chảy mãi theo thời gian chứ không dừng lại ở bất kỳ thời điểm lịch sử nào. Bài vè trên đây chắc là mới được sáng tác sau này. Vậy, có thể thấy, Trấn Ninh là xứ giáp với Con Cuông (mảnh đất lúc Lý Nhật Quang đương thời đã thuộc lãnh thổ cai quản của vương triều Lý). Với những cứ liệu trên đây, chúng tôi tương đối tin tưởng vào giả thuyết, vị tướng được kể trong câu chuyện của người Thái ở Con Cuông không phải ai khác mà chính là Lý Nhật Quang.

 

            Những tư liệu dân gian quý báu mà chúng tôi vừa mới sưu tầm được là minh chứng hùng hồn cho sự hiện diện rỡ ràng của Lý Nhật Quang trên đất Nghệ – bất chấp mọi khoảng cách không gian (từ miền xuôi lên miền ngược) và khoảng cách văn hóa tộc người (từ tộc Việt đến tộc Thái). Hay nói đúng hơn, Lý Nhật Quang đã tự tạo ra được một không gian thiêng liêng cho riêng ông trên mảnh đất Nghệ An – điều ông không làm được trên đất kinh thành Thăng Long - xứ sở cội nguồn của chính ông.

 

b.   Truyền thuyết tỏa lan khi Lý Nhật Quang được hiển thánh

Sau một quãng sống đầy chiến tích, công lao, Lý Nhật Quang đi vào cõi chết, song với nhân dân xứ Nghệ, thực chất là ông đang hóa thánh đi vào cõi bất tử. Truyền thuyết về ông mở ra một nhánh mới, song song tồn tại và bổ khuyết cho nhánh cũ về đời sống, công tích của Lý Nhật Quang - gồm những mẩu truyện về sự hiển linh của đức thánh Mượu.

 

Thần tích đền Quả Sơn (Đô Lương) còn chép lại nhiều chuyện linh thiêng của thần đền Lý Nhật Quang. Theo đó, ngôi đền này được coi là Anh Châu đệ nhất linh từ, từng nhiều phen giúp các đời vua chinh chiến thắng lợi. Khi quốc gia hữu sự, có việc chinh phạt qua đất Nghệ An, các vị vua, vị tướng đều rước bài vị của Ngài đi cùng. Nếu giặc dễ hàng phục thì thuyền đi nhanh như phi, nếu giặc khó thắng thì thuyền chùng chình không chịu tiến. Đời Trần, Nguyên Phong Thái Tông đi đánh giặc Chiêm Thành đã cho một thuyền chở kiệu của Ngài đi trước. Không người chèo lái thế mà chiếc thuyền lướt nhanh như gió, quả nhiên, trận ấy quân của Thái Tông đại thắng. Đời Vĩnh Thọ (1658 – 1661), giặc Tần[13] xâm lược bảy huyện Nam Hà (chỉ bảy huyện thuộc phía Nam sông Lam của trấn Nghệ An), chiếm đất Chiêm Thành. Trịnh Khang Vương (Trịnh Căn) cho đại quân đi đánh, đóng đồn ở xã An Trường (chân Rú Quyết), huyện Châu Phúc (nay thuộc thành phố Vinh). Giặc mưu phân binh tập kích. Dân địa phương vào lễ đền bỗng thấy Ngài giáng linh truyền bảo: “Có giặc từ phía Đông Thành đưa thư thông với trại giặc, ta đã bắt sống giữ ở lưng núi, các ngươi mau mau giải đến cửa quân, để tuyệt mọi âm mưu của chúng”. Đến sáng sớm đi thám thính quả thấy có giặc tay cầm bao thư, bèn bắt và dâng lên Khang Vương. Đời Vua Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 7 (1746), giặc biển vào quấy phá cửa Hội, thế giặc rất mạnh. Trấn quan thiết đàn vọng đảo, bỗng thấy gió mưa sấm sét nổi lên làm cho bọn hải tặc tan tác. Năm Cảnh Hưng thứ 8 (1747), bọn man dân từ Quỳ Châu thương đạo tràn xuống tận hai thôn Tiên Nông, Tào Giang rồi tiến tới Cầu Bông thuộc địa phận xã Bạch Đường. Nhân dân khiếp sợ vào đền cầu đảo, tự nhiên sấm sét, bão tố nổi lên, nghe rầm rầm trong núi. Bọn giặc ngờ rằng gặp phải phục binh bèn lui quân về Bến Suối, nhưng nước sông dâng lên làm cho quân man chết nhiều vô kể. Quan quân thừa cơ tiến đánh, giặc man tan tác, biên cương trở lại an toàn[14].

 

Chuỗi truyền thuyết về sự hiển linh của đức thánh đền Quả còn được tiếp nối mãi cho tới tận ngày nay bởi dòng chảy dân gian không bao giờ ngừng bồi đắp, đặc biệt giữa cả một không gian thần thánh dành riêng cho Lý Nhật Quang vẫn còn khá nguyên vẹn ở xứ Nghệ với truyền thuyết, đền miếu, lễ hội.

 

3. Quá trình hóa nhập và bén rễ trong lòng dân gian xứ Nghệ

Từ một hoàng tử vương triều Lý, Lý Nhật Quang đã hóa thân thành đức thánh trong tâm thức dân gian xứ Nghệ. Dân gian chọn ông không phải vì nguồn gốc hoàng tộc (có biết bao vị vương tôn công tử chỉ còn được biết đến trong những xác chữ bất động) mà chính bởi những đóng góp lớn lao của ông cho xứ sở này từ thuở còn hoang vu, tăm tối. Đứa con kinh thành đã hóa nhập hoàn toàn vào mạch nguồn dân gian, đã sống bằng năng lượng dân gian, đã bén rễ và xây nên cả một không gian huyền ảo cho mình từ sự lựa chọn bằng ý thức cộng đồng ấy.

 

Để tiếp năng lượng tỏa sáng hào quang cho vị thánh mà nhân dân lựa chọn, họ đã tạo ra một không gian đặc thù cố định bằng các hình thức văn hóa vật thể và phi vật thể khác nhau. Sự tồn tại liên hoàn của đình, đền – lễ hội – tục hèm – truyền thuyết trong cùng một không gian văn hóa đã tạo nên một không gian diễn xướng hoàn hảo – là nền tảng của sự vĩnh hằng thần thánh. Từ trung tâm hội tụ khí thiêng – ngôi đền, hệ thống truyền thuyết không ngừng sản sinh, phát triển theo mạch thiêng hóa tất cả mọi sự kiện, mọi hoạt động diễn ra trong ngôi đền ấy. Lễ hội được tổ chức định kỳ hàng năm cũng là một nguồn năng lượng dồi dào cấp thêm cho truyền thuyết những mẩu vụn lấp lánh ánh sáng tưởng tượng. Như một cỗ máy liên hoàn, dân gian dựa vào không gian diễn xướng được sắp đặt vô cùng hợp lý ấy mà phát huy sức sáng tạo của mình, đưa vị thánh của họ lên đến đỉnh cao của uy lực thánh thần.

 

Lý Nhật Quang đã được hóa nhập vào dòng chảy dân gian và bắt rễ bền chặt trong lòng dân gian bằng mô hình không gian diễn xướng như thế. Theo thống kê của Ninh Viết Giao thì có 32 đền, đình, miếu thờ Lý Nhật Quang trên khắp đất Nghệ[15] (Vinh, Hưng Nguyên, Yên Thành, Đô Lương, Con Cuông, Tương Dương, Quỳnh Lưu…). Theo lần trò chuyện gần đây nhất, ông Ninh Viết Giao cho rằng, con số ấy đã tăng lên đến 50 – 60. Số lượng đền miếu ấy chứng tỏ xứ Nghệ từng có một quần thể văn hóa vật thể rất lớn dành cho Lý Nhật Quang. Chính quần thể văn hóa vật thể ấy đã kiên cố hóa hình tượng vị thánh xuất thân từ hoàng tộc trong lòng nhân dân, mỗi khi họ đi lễ đền cầu xin ban lộc. Ngày nay, do những lý do lịch sử khác nhau, hầu hết các ngôi đền thờ Lý Nhật Quang đã biến mất, nhưng ngôi đền chính – đền Quả thì vẫn còn với đầy đủ các hoạt động cúng tế, lễ hội hàng năm. Người dân khắp nơi trên đất Nghệ vẫn tiếp tục đến lễ đền, tiếp tục nhen nhóm, gieo rắc những mẩu truyền thuyết mới về sự hiển linh của đức thánh Mượu.

Đứa con kinh thành Thăng Long xưa đã hóa nhập vào tâm thức dân gian xứ Nghệ và tiếp tục sống đời sống linh thiêng của Ngài cho tới tận ngày nay.

 


[1] Xem Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Văn hóa thông tin, H, 2004, tr. 300 hoặc xem Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tr. 124.

[2] Xem Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 309 hoặc xem Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tr. 127

[3] Mượu là tên nôm, chỉ vùng đất Bồi Sơn (nay thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) – nơi Lý Nhật Quang đặt lỵ sở thuở đương thời. Dẫn theo Vũ Ngọc Khánh, Tám vị vua triều Lý, NXB Văn hóa thông tin, H, 2006, tr. 59

[4] Dẫn theo Ninh Viết Giao, Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ, sđd, tr. 201 – 202.

[5] Trích theo Ninh Viết Giao, sđd, tr. 201

[6] Ninh Viết Giao, Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, Sở Văn hóa thông tin Nghệ An, Vinh, 2000, tr. 124

[7] Phạm Viết Đào, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang: Chết cho lý tưởng vương đạo, thân dân được sống còn?!, dẫn theo http://hoinhavanvietnam.vn/News.asp?cat=&scat=16&id=814

Giải thích thêm: người ta cho rằng ngày xưa cứ 2 năm một lần, lễ hội đền Quả được tổ chức, cho nên mới có câu: Hai năm rước ngược. Rước ngược tức là rước từ đền Quả đến chùa Bà Bụt. Ngày 21 rước xuôi tức là rước từ chùa Bà bụt về đền.

[8] Câu chuyện được sưu tầm năm 2006 từ:

-          Cụ từ đền: Nguyễn Cảnh Truật, 74 tuổi, ở xóm 5, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương

-          Cụ Lê Văn Huân, 78 tuổi, ở xóm 7, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương.

-          Cụ Nguyễn Khắc Hưng, 76 tuổi, ở xóm 3, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương.

[9] Câu chuyện này được sưu tầm năm 2009 từ:

-          Bà Vi Thị Cường, 89 tuổi, bản Thái Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông

-          Ông Vi Xuân Bình, 87 tuổi, bản Thái Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông

-          Ông Hà Văn Phán, 79 tuổi, bản Thái Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông

 

[10] Đền Pục được mô tả như sau: Vị trí ở làng Pom, ngày nay là Bắc Sơn, là đền thờ của cả mường (cả xã). Đền là 3 gian nhà đất. Cổng đền: trước cổng có tượng của một con hổ. Hai bên cổng có tượng hai ông tướng cầm gươm. Trong đền, trên ban thờ có tượng của một ông tướng với áo mão, cân đai đầy đủ đang ngồi trên ngai. Tượng sơn son thiếp vàng và mặc áo giấy. Ngày lễ đền: mỗi năm dân cả mường lễ đền vào tháng 6 âm lịch (có người nói là tháng Chạp) và ngày Tết (đầu năm cúng, hết Tết cúng). Lễ vật: ngày lễ tháng 6 âm lịch, người ta cúng trâu (hoặc gà nếu năm đó mất mùa), xôi, rượu. Ngày đầu năm và hết Tết thì cúng bánh chưng hay theo cách gọi của người Thái là bánh mọc.

Đền Pù Mả: Vị trí ở làng Bàu và  là đền của cả mường. Đền là nhà sàn (nhà kê) 2 gian. Trong đền, trên ban thờ có tượng gỗ của ông tướng với mũ áo đầy đủ, mặc áo giấy. Ngày lễ đền: cũng có 2 trường hợp: lễ vào tháng 6 âm lịch và ngày Tết hoặc lễ vào tháng Chạp. Người ta nói là dân bản thường đi lễ ở đền Pục trước rồi đi lễ tiếp ở đền Pù Mả. Lễ vật: giống như đền Pục.

Đền Péc: Vị trí: làng Mon. Đây là đền thờ của cả mường nhưng dành riêng cho làng Mon phụ trách lễ tiết. Ngày lễ đền: ngày Tết. Lễ vật: một mâm cơm: có gà, xôi, rượu.

 

[11] Xem Ninh Viết Giao, Nhất lãm Con Cuông, dẫn theo: http://btxvnt.org.vn/cms/?m=14&act=view&id=115

 

[12] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, dẫn theo: http://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BB%93n_Man

 

[13] Giặc Tần: chỉ Chúa Nguyễn Phúc Tần sai Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật đưa quân Bắc tiến lấn chiếm địa vực chúa Trịnh cai quản, dẫn theo Ninh Viết Giao, Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, sđd, tr. 125

[14] Theo Ninh Viết Giao, Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, sđd, tr. 124 – 126

 

[15] Xem Ninh Viết Giao, Truyện kể dân gian xứ Nghệ (tập 1), NXB Nghệ An, 1993, tr. 199.

 

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513284

Hôm nay

270

Hôm qua

2315

Tuần này

21221

Tháng này

220157

Tháng qua

121356

Tất cả

114513284