2. Trong đời sống xã hội, “thời kì đổi mới” ở Việt Nam được tính từ năm 1986. Đây là năm diễn ra Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên diễn đàn của Đại hội này, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố “cởi trói”, “đổi mới tư duy”, với rất nhiều “việc cần làm ngay”. Nhưng văn học có vẻ như nhạy cảm hơn chính trị. Hàng chục năm trước đó, người ta đã thấy xuất hiện nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, thơ, bút kí… thể hiện sự đổi mới sâu sắc trong đời sống của văn học nghệ thuật. Truyện ngắn Bức tranh viết năm 1975 của nhà văn Nguyễn Minh Châu là ví dụ tiêu biểu. Cho nên, có thể chọn năm 1975 làm cột mốc phân phân kỳ lịch sử, đánh dấu bước ngoặt đổi mới của văn học Việt Nam.
Nhiều người vẫn gọi chung văn học sau 1975 là “văn học đổi mới” hoặc, “văn học của thời kì đổi mới”. Nhưng khi đã có đủ độ lùi thời gian để nhìn lại, ta nhận ra, “văn học đổi mới” là một cao trào sáng tác có quá trình hình thành, phát triển và kết thúc. Có thể tạm chia cuộc vận động đổi mới của văn học Việt Nam thành 3 giai đoạn: 1975 - 1985; 1986 - 1991 và 1992 đến nay. Xin nói thêm, các năm 1975, 1986, 1992… chỉ là những cái mốc hết sức tương đối.
2.1. Giai đoạn 1975 - 1985. Đây là giai đoạn khởi động của văn học thời kỳ đổi mới. Gọi đó là giai đoạn “khởi động” bởi vì, nếu chỉ nhìn ở bề ngoài thì sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nước thống nhất, lịch sử Việt Nam chuyển qua một thời đại mới, nhưng văn học nghệ thuật thì hình như vẫn vận động theo quán tính của văn học thời chiến. Đề tài về chiến tranh và người lính vẫn là đề tài cơ bản của nhiều sáng tác văn học. Các sáng tác ấy vẫn thể hiện nhãn quan giá trị và nguyên tắc tư duy nghệ thuật của nền văn học sử thi. Nhưng hình như giới sáng tác đã cảm thấy không thể tiếp tục viết văn như trước. Tôi nhớ, một lần trò chuyện thân tình, Nguyên Ngọc thừa nhận, rằng càng viết, tay nghề càng cao, nhưng những trang văn của ông thì hình như càng ngày càng mất dần độc giả. Và thế là sự đổi mới bắt đầu được khởi động. Nó được khởi động chủ yếu ở mảng văn học dịch. Suốt một thời gian rất dài, từ sau Cách mạng tháng Tám cho đến 1975, người Việt Nam chỉ được tiếp xúc với nền văn học cổ điển châu Âu qua một số đỉnh cao từ thế kỉ XIX đổ về trước. Văn học nước ngoài đương đại được giới thiệu ở Việt Nam thời ấy chủ yếu là sáng tác của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa. Sau năm 1975, cảnh tượng của văn học dịch hoàn toàn thay đổi. Sôi nổi nhất là hoạt động dịch, giới thiệu nền văn học đương đại Âu - Mỹ. Hầu hết những tác phẩm được giải Nobel, những tác phẩm ưu tú của các tác gia đương đại thuộc các trường phái nghệ thuật hết sức khác nhau, như tượng trưng, siêu thực, hiện sinh, trường phái hiện đại, hậu hiện đại… đã được dịch ra tiếng Việt, bày bán tràn ngập trong các cửa hàng sách. Người ta còn tổ chức dịch những tác phẩm văn học của các nước xã hội chủ nghĩa mà trước đó bị cấm đoán, ví như thơ của Akhmatova và tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago của Pasternak. Mảng văn học dịch này có tác động vô cùng lớn lao tới quá trình đổi mới văn học ở Việt Nam. Nó làm thay đổi thị hiếu nghệ thuật của đông đảo độc giả, trước hết là thị hiếu nghệ thuật của tầng lớp thanh niên. Các nhà văn từng sáng tác trong thời kỳ chiến tranh đều nhận ra, nếu tiếp tục viết như cũ, họ sẽ tự đánh mất độc giả. Nghĩa là văn học dịch đã buộc các nhà văn Việt Nam phải đổi mới cách viết.
Khoảng thời gian mười năm sau chiến tranh, từ 1975 đến 1985, trong lĩnh vực sáng tác, khuynh hướng đổi mới chưa trở thành một phong trào rầm rộ. Chưa thấy xuất hiện những cây bút trẻ có khuynh hướng đổi mới. Những nhà văn đi tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học ở giai đoạn này là Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Mạnh Tuấn... Họ là những nhà văn từng sáng tác từ trước năm 1975. Đóng góp của họ cho công cuộc đổi mới văn học ở Việt Nam chủ yếu là ở lĩnh vực văn xuôi. Tập truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu, tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Cù Lao Tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn, và muộn hơn một chút, tiểu thuyết Thời xa vắng (1987) của Lê Lựu từng gây được những tiếng vang rất lớn.
2.2. Giai đoạn 1986 - 1991. Đây là giai đoạn sôi nổi nhất của đời sống văn nghệ ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Trong mọi lĩnh vực nghệ thuật, từ văn học, hội hoạ, âm nhạc, cho tới sân khấu, điện ảnh, sự đổi mới diễn ra vô cùng quyết liệt. Văn học dịch vẫn tiếp tục phát triển và phát huy tác dụng. Nhưng giờ đây, giữ vai trò chủ công trong đổi mới văn học là hoạt động lý luận, phê bình văn học và hoạt động sáng tác của các nhà văn, nhà thơ. Đổi mới văn học suy đến cùng là đổi mới quan niệm: quan niệm về con người, về đời sống và quan niệm về bản thân văn học nghệ thuật. Cho nên vào nửa sau của những năm 80, hoạt động lý luận phê bình văn học gần như vượt lên phía trước, giữ vị trí của nhân tố mở đường. Nghị quyết 05 về phê bình văn học của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam được đón nhận hồ hởi. Trên tờ báo Văn nghệ, cơ quan ngôn luận của Hội nhà văn Việt Nam (số 49 &50, ra ngày 5/12/1987), Nguyễn Minh Châu cho in bài phát biểu nổi tiếng Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ. Bài báo vừa là tuyên ngôn lý thuyết, vừa thể hiện tinh thần đổi mới văn học hết sức triệt để của giới sáng tác. Chưa bao giờ các cuộc toạ đàm “bàn tròn”, hội nghị, hội thảo khoa học về những vấn đề lý luận văn học được tổ chức rầm rộ như ở giai đoạn này. Có hai cuộc hội thảo lớn thu hút sự tham gia rất đông đảo của cả giới sáng tác, lẫn giới nghiên cứu phê bình. Cuộc hội thảo thứ nhất xoay quanh đề tài về mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị. Cuộc hội thảo thứ hai tập trung vào đề tài văn học phản ánh hiện thực. Văn học cần phản ánh hiện thực như thế nào? Chủ thể sáng tạo của người nghệ sỹ có vai trò gì trong việc phản ánh hiện thực. Văn học phục vụ chính trị là như thế nào? Đặc trưng của văn học là gì? Vì sao văn học cần đổi mới? Đó là những vấn đề lý luận và thực tiễn sáng tác liên quan tới hai đề tài nói trên. Những vấn đề này, tưởng như đã có kết luận xong xuôi từ lâu, nay được xới lên bàn bạc, phân tích, giải quyết lại theo tinh thần đổi mới.
Vào nửa sau của những năm 80, những cuộc tranh luận về văn học ở Việt Nam có thể diễn ra sôi nổi như thế vì lúc ấy người ta được ăn nói, được phát biểu chính kiến, được hít thở trong một bầu không khí tương đối dân chủ, lành mạnh. Cũng chính bầu không khí ấy đã tạo nên sự khởi sắc trong sáng tác văn học. Thoạt đầu là sự xuất hiện của rất nhiều bút ký. Thể phóng sự sau nhiều năm vắng bóng, nay lại lên tiếng làm xôn xao dư luận. Những Tiếng đất của Hoàng Hữu Cát, Người đàn bà quỳ của Xuân Ba, Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc, Lời khai của bị can của Trần Huy Quang… chắc chắn sẽ đi vào lịch sử văn học dân tộc và sống mãi trong ký ức người đọc. Cùng với ký là hoạt động sân khấu với sự trình diễn nhiều vở kịch của Lưu Quang Vũ. Thời ấy, mỗi vở kịch của Lưu Quang Vũ được công diễn đều tạo nên một sự kiện nghệ thuật làm chấn động dư luận. Thành tựu nổi bật của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới được kết tinh ở truyện ngắn và tiểu thuyết. Tiếp theo lớp nhà văn đã thành danh như Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng…, người ta thấy nổi lên những cây bút mới rất sung sức, trước hết là Nguyễn Huy Thiệp. Sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp thực sự tạo ra bước ngoặt của văn xuôi sau 1975. Nhưng nói tới văn học thời kì đổi mới, người đọc còn nhớ tới một loạt tên tuổi như Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Dương Thu Hương, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Nhật Tuấn, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Tạ Duy Anh, Ngô Ngọc Bội, Lê Thị Minh Khuê… Sáng tác của họ đã tạo nên diện mạo vừa độc đáo, vừa đa dạng của văn học Việt Nam thời kì đổi mới.
2.3. Từ 1992 đến nay. Trong vòng mươi năm trở lại đây, vẫn tiếp tục có những tên tuổi mới xuất hiện. Thỉnh thoảng các nhà văn vẫn cho ra đời những tác phẩm văn học ít nhiều gây được tiếng vang, như Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Cơ hội của chúa của Nguyễn Việt Hà, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh... Văn xuôi Phan Thị Vàng Anh được công chúng mến mộ. Thơ có vẻ như đang tìm đường bứt phá để tiến lên phía trước. Vài năm gần đây, người ta nói tới cuộc nổi loạn trong thơ của một số cây bút rất trẻ. Vi Thuỳ Linh là gương mặt sáng giá nhất. Nhưng nhìn chung, cao trào đổi mới của văn học Việt Nam đã thực sự được khép lại ngay từ đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước. Cho nên bài viết này khảo sát chủ yếu những sáng tác ra đời vào quãng thời gian 1975-1992.
3. So sánh là con đường tốt nhất để khám phá chân lý. Muốn phân biệt mới - cũ, chắc chắn phải so sánh các giai đoạn văn học trước và sau 1975. Còn như, nếu muốn biết chắc, đâu là cái “cũ người mới ta”, lại phải so sánh văn học Việt Nam sau 1975 với đối tượng rộng lớn hơn, ấy là tiến trình vận động của văn học toàn thế giới. Có thể so sánh bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tôi chỉ không tán thành cung cách so sánh của trường phái “ăn phải bả”. Tạm gọi như thế, vì cứ hễ thấy trong sáng tác hoặc lý luận phê bình có chút đổi mới là y như rằng các môn đệ của trường phái kia liền kết tội người ta “ăn phải bả” của ông này, bà nọ. Cũng có thể so sánh trên nhiều bình diện, nhiều cấp độ. Bài viết này chỉ cố gắng lắng nghe tiếng nói, giọng nói của các giai đoạn, thời đại văn học khác nhau. Bởi vì văn học là diễn đàn để từ đó xã hội cất lên tiếng nói thể hiện ước mơ, khát vọng về con người và cuộc sống. Ở mỗi thời đại, văn học bao giờ cũng có tiếng nói riêng, với một điệu giọng rất riêng. Nhờ có tiếng nói và điệu giọng riêng ấy mà tư tưởng nghệ thuật trong sáng tác văn học của các thời đại tìm thấy được hình thức biểu hiện cụ thể, cảm tính. Cho nên, điệu giọng của tiếng nói nghệ thuật là nhân tố quan trọng nhất làm nên phong cách, tạo thành bản chất thẩm mỹ của các giai đoạn, thời đại văn học.
3.1. Có một giọng nói rất to thống ngự trong văn học Việt Nam già nửa thế kỷ. Tôi có nhận xét thế này. Trong văn học Âu - Mỹ thời hiện đại và hậu hiện đại, nhìn chung, các nhân vật rất ít nói. Khi cần nói, chúng thường nói nhỏ, hoặc chỉ nói thầm. Người ta gọi tiếng nói thầm của chúng là độc thoại nội tâm. Chúng cũng rất ít hành động. Thường thì chúng im lặng để nghĩ và rất bận bịu với những ý nghĩ của mình. Ý nghĩ của chúng nhiều khi hiện lên trên những trang văn giống như một dòng chảy lỏng đầu Ngô mình Sở. Nhưng nếu quan sát, ta vẫn có thể nhận ra, trong mạch nghĩ, có lắm nhân vật thường bận bịu với các ý nghĩ lạ, lời nói khác. Cho nên, độc thoại và đối thoại tư tưởng trở thành motip chủ đề rất phổ biến trong văn học Âu, Mỹ.
Tôi không nhớ những Thứ, Điền, Hộ trong sáng tác của Nam Cao đã làm gì, nói gì, nhưng tôi rất nhớ chúng đã nghĩ gì. Suy nghĩ là hoạt động quan trọng nhất tạo nên nhân cách của các nhân vật ấy. Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh cũng miên man trong suy ngẫm, nghĩ ngợi. Nhân vật không làm gì, không nói gì. Lời nói và việc làm của nhân vật thường là những việc đã làm, những lời đã nói, nay bỗng hiện về trong mạch suy ngẫm, từ dòng hồi ức, hoài niệm. Lạ nhất là lão Khúng trong Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu. Trong văn học Việt Nam, tôi không thấy có mấy ông trí thức nghĩ ngợi nhiều như lão nông dân này. Có lúc lão cũng nói. Nhưng lão nói mà giống như là đang tiếp tục mạch suy nghĩ và ý nghĩ của lão tự bật lên thành tiếng. Giữa cái bể người mênh mông trong văn học Việt Nam, nhân vật của Nam Cao, Nguyễn Minh Châu, của Bảo Ninh giống như là những ngoại lệ. Bởi vì trong sáng tác của các nhà văn khác, nhân vật không nghĩ nhiều như thế. Người ta chỉ nghĩ khi nhận ra mình là một cá nhân, một chủ thể tự do. Nhân vật trong văn học Việt Nam về cơ bản vẫn là con người của đám đông, được nhà văn miêu tả như những khách thể. Chúng không có gì để nghĩ. Ý nghĩ của chúng chỉ là phản ứng tâm lý thoáng qua, cũng giống như chúng “nói”, chúng “nhìn” hoặc chúng “nghe”. Nhưng nhân vật chẳng qua là sản phẩm của nhà văn. Ở Việt Nam, từ nhà văn, nhà thơ đến nhà lý luận phê bình, nghĩa là tất cả những người cầm bút đều viết văn đem in, không thấy mấy ai viết văn để dành kiểu như ông M. Bakhtin ở Liên Xô trước kia. Nếu không được in, chắc không ai viết! Viết đem in là cái cách để người cầm bút được nói to trước công chúng. Cho nên, có cơ sở để chứng minh, đa số các tác giả làm nên gương mặt của văn học thời đổi mới đều nói rất nhiều và nói rất to. Có người nói to vì đó là cái tạng, là cảm hứng tự nhiên của họ. Nhưng cũng có người nói to, chỉ vì họ cảm thấy phải nói thế mới hợp với tinh thần thời đại. Nguyễn Mạnh Tuấn, Dương Thu Hương, Bùi Ngọc Tấn, Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường, Tạ Duy Anh… đều thích nói to. Thuộc vào đội quân thích nói to, có thể kể thêm Nguyễn Duy, một thi sĩ luống tuổi và Vi Thuỳ Linh, nhà thơ còn rất trẻ. Tạng của Ma Văn Kháng vốn không hợp với tiếng nói to. Thế mà đọc Đám cưới không có giấy giá thú, ta bỗng nghe ông quát lên một tiếng thật to! Lưu Quang Vũ thì đúng là không thích nói to. Cho nên, tuy làm chấn động dư luận bằng những vở kịch, kiểu Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ vẫn chỉ nhận mình là nhà thơ. Thơ là thể loại văn học bộc lộ sức mạnh của thế giới nội cảm. Nó rất khó nói to. Những bài thơ có sức sống lâu bền trong đời sống tinh thần của người đọc thường là tiếng nói thầm. Khác với thơ, kịch bộc lộ sức mạnh hành động biểu hiện ý chí tự do của con người. Hành động kịch được truyền đạt chủ yếu bằng lời nói của diễn viên đóng vai các nhân vật trên sân khấu. Mà khi đã bước lên sân khấu thì ngay cả tiếng nói thầm, diễn viên vẫn buộc phải cao giọng, thậm chí phải gào lên để biến nó thành tiếng nói to. Khi xã hội được “cởi trói”, công cuộc đổi mới vừa bắt đầu khởi xướng, ta thấy Lưu Quang Vũ liền gác ngay thơ lại để chuyển qua viết kịch. Ông đến với kịch do sự thôi thúc của nhiệt tình công dân nhiều hơn sự đam mê thể loại. Ông chọn kịch cũng giống như lựa một giải pháp tình thế. Nó giống như là sự chuyển đổi “volume” nhằm tạo ra một tiếng nói có thể hoà chung vào điệu giọng của thời đại. Giữa những người thích nói to và những người buộc phải nói to do nhu cầu của thời đại đổi mới, tôi không biết xếp Nguyễn Huy Thiệp vào đâu trong bảng phân loại của mình. Nguyễn Huy Thiệp thành danh nhờ truyện ngắn. Sức hấp dẫn đặc biệt nơi truyện ngắn của ông chắc chắn không phải nhờ ở giọng nói to. Nhưng có vẻ như Nguyễn Huy Thiệp vẫn thèm ném ra những tiếng nói to để gây sự với đời. Cho nên ta thấy ông tự tay chuyển thể, biến nhiều truyện ngắn thành kịch để được nói to trước bàn dân thiên hạ. Nhờ nhân vật kịch nói to, xem ra vẫn chưa thoả, nên Nguyễn Huy Thiệp thường tìm đến chính luận vốn là thể văn cho phép người cầm bút tự lên giọng để có thể nói thật to. Nhưng Thượng Đế rất công bằng khi Người chia đều tài năng cho cả và thiên hạ. Ở kịch, Nguyễn Huy Thiệp không thể nói to như Lưu Quang Vũ. Ở thể chính luận viết về văn học nghệ thuật, Nguyễn Huy Thiệp không thể nói to giống như nhiều nhà nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp trong mấy năm gần đây.
Không phải đến thời đổi mới, văn học Việt Nam mới nói to. Ngay từ năm 1946, ta đã nghe tiếng “hét” (“Ta hét huyên thuyên ta chạy khắp nhà”), tiếng thét” (“Tiếng Người thét mau lên gươm với súng”) trong thơ Tố Hữu. Và cũng chính trong năm ấy, thơ Xuân Diệu vang lên tiếng nói của “Hội nghị non sông”. Năm 1968, viết bài giới thiệu Thơ chống mỹ cứu nước, nhìn lại thời chống Pháp, Chế Lan Viên vui mừng nhận thấy, chỉ có mấy năm mà thơ ta đã “đổi được cái ngôn ngữ thời bình qua thời chiến, tiếng nói trong khuê phòng ra tiếng nói giữa đời, sự thủ thỉ vào tai một người thành giọng ca hùng tráng cho muôn ngàn quần chúng”[1]. Cho nên, nói to là nét phong cách khu biệt của điệu giọng nghệ thuật từng thống ngự trong diễn ngôn văn học Việt Nam già nửa thế kỉ.
Nhưng nói to cũng có lắm làn điệu, nhiều bè bối, tuỳ thuộc vào chủ thể hình tượng lời nói. Trước 1975, văn học Việt Nam chủ yếu là văn học sử thi. Văn học sau 1975 lại chủ yếu là văn học thế sự. Sử thi là tiếng nói của tư tưởng quốc gia. Văn học thế sự sau 1975 là tiếng nói của tâm trạng đại chúng. Lắng nghe tiếng nói ấy ta nhận ra dân trí, dân khí, dân tâm. Quốc gia là cộng đồng của những quan hệ có tổ chức. Nhân dân, đại chúng lại là cộng đồng của những quan hệ tự nhiên. Tiếng nói của tư tưởng quốc gia là tiếng nói quan phương, chính thống. Tiếng nói của đại chúng là tiếng nói phi chính thống, phi quan phương. Đây chính là nguồn cội tạo nên sự khác nhau, thậm chí đối lập nhau ở nội dung xã hội và bản chất thẩm mỹ của tiếng nói nghệ thuật trong văn học Việt Nam trước và sau 1975.
3.2. Nội dung xã hội của tiếng nói trong văn học thời đổi mới. Là tiếng nói chính thống, quan phương của tư tưởng quốc gia, trước 1975, văn học sử thi đặt ra những vấn đề mang tầm vóc lịch sử, liên quan tới vận mệnh và sự sống còn của cả một dân tộc. Nó bổ đôi thế giới, chia thế giới thành hai nửa “địch” và “ta” đối đầu với nhau như nước với lửa, sống với chết. Trong thế giới ấy, “lịch sử chọn ta làm điểm tựa”. Ta đốt lửa trong tim, hoá thành Đancô, phơi phới một niềm tin “làm người lính đi đầu”. Thời ấy, văn thơ đã nhìn cuộc sống hiện tại bằng con mắt của tương lai, con mắt của cháu con, hậu bối. Trong con mắt của tương lai, hiện tại không còn là hiện tại như vốn dĩ, mà đã hoá thành một quá khứ tuyệt đối, quá khứ lí tưởng. Ta không sống với thời hiện tại, mà thuộc về thế giới của những khởi nguyên, của những người đi đầu hoàn hảo nhất, ưu tú nhất. Cho nên, trước 1975, văn học sử thi bao giờ cũng đứng trên đỉnh cao chót vót chín tầng trời của lý tưởng để nói lời của tổ tiên, dân tộc và thời đại:
Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng
Trông lại ngàn xưa, trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu
(Tố Hữu - Bài ca xuân 61)
Từ đỉnh cao ấy, dĩ nhiên, sử thi chỉ biết tới lời nói của chính nó, mình nói, mình nghe. Nó trói chặt logic sự vật vào logic nhận thức để nói lời tiên tri, phán truyền. Nó buộc người ta tin rằng, tiếng nói của nó là tiếng nói duy nhất hợp chân lí, và chỉ mình nó có quyền tồn tại. Nó tuyên bố sức mạnh vô song của bản thân: “Trời không có thiên thần. Đất không có thánh nhân”. Nó khẳng định sự hợp lí tuyệt đối của tồn tại. Trần thế là thiên đường, đâu đâu cũng là chốn đào nguyên: “Đất nở hoa” và “Trời mỗi ngày lại sáng”. Đời thế là có hướng đi: “Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp nhất”, “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”.
Khi tiếng nói sử thi lắng xuống, thì tiếng nói thế sự vang lên. Nó không vang lên giữa cánh đồng bát ngát của hợp tác xã (ví như trong tiểu thuyết của Đào Vũ), giữa đồi rừng mênh mông của nông trường (ví như trong tập Mùa lạc của Nguyễn Khải), hay trên “đường thiên lý” xuyên suốt chiều dài đất nước “…từ Mục Nam Quan tới mũi Cà Mau” (như trong thơ của Tố Hữu chẳng hạn). Nó thường cất lên giữa chốn công quyền và phần lớn là ở nơi hội họp. Dương Thu Hương thường để các nhân vật “họp” lại với nhau trong tiệm trà, quán nước. Có rất nhiều cuộc họp đảng uỷ, họp uỷ ban, họp hợp tác xã, họp đội sản xuất, họp ban giám đốc… trong sáng tác của Nguyễn Mạnh Tuấn, Chu Lai… Trong sáng tác của Ma Văn Kháng còn có thêm họp hội đồng nhà trường, họp toà soạn báo và rất nhiều cuộc họp gia đình. Ông Thuấn trong Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp cho mổ lợn mời họ hàng làng nước đến họp để chia vui. Cần trong Không có vua cũng triệu tập cả nhà đến họp để mọi người được nói to ý kiến riêng: “Ai đồng ý để bố chết?”. Tiếng nói của văn học thế sự trở về với hiện thực trong muôn vàn những sinh hoạt đời thường đang bầy ra trước mắt. Nó vùng vẫy, tìm cách thoát khỏi logic nhận thức để đến với logic sự vật. Nó nói thật to những gì văn học sử thi thường dấu kín, không được nói, không dám nói.
Vượt qua mọi sự cấm kỵ, văn học sau 1975 nói thật to cái sai, cái xấu và cả cái ác trong nội bộ chúng ta, giữa chúng ta với nhau. Nguyễn Mạnh Tuấn thường nói tới cái sai trong cung cách làm ăn, lề lối quản lý. Tính luận đề là một đặc điểm nổi bật của truyện ngắn Nguyễn Minh Châu trong thời kỳ đổi mới. Nội dung luận đề của Nguyễn Minh Châu chủ yếu nói về cái sai của những quan niệm giản đơn về con người từng tồn tại lâu dài trong văn học và ý thức xã hội. Trong sáng tác của Dương Thu Hương có cả một lũ tu mi nam tử mũ áo xênh xang, mà nhân cách hèn hạ. Dương Thu Hương không chỉ nói nhiều về cái hèn, mà còn nói về sự ngu dại của đám người nhẹ dạ cả tin. Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường nói về sự nhếch nhác và cái xấu của những lề thói được nuôi dưỡng hàng ngàn đời nay sau luỹ tre làng. Ma Văn Kháng nói về sa sút của đạo đức, sự băng hoại không thể nào níu giữ của phong hoá và sự tàn bạo, dữ dội của đời sống bán khai. Rất nhiều trang văn của Nguyễn Huy Thiệp nói về sự phân rẽ trong quan niệm nhân sinh giữa các thế hệ và sự đốn mạt của con người. Tiếng nói trên những trang văn của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp là tiếng nói của “quỷ ở trong thơ”: “thi trung hữu quỷ”. Nguyễn Huy Thiệp đã gợi ý để người đọc hiểu như thế khi ông chuyển thể truyện Không có vua thành kịch Gia đình. Ông thả lên sân khấu hai nhân vật “Quỷ I” và “Quỷ II”. Ông lưu ý khán giả, rằng vở kịch có phụ đề: Quỷ ở với người. Mà đâu chỉ là quỷ ở với người! Trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, người giống như đã hoá thành quỷ, nên đâu đâu cũng thấy có ma quỷ hiện hình biết nói thứ tiếng của con người.
Không nên nghĩ, sau 1975, văn học chỉ nói tới cái phàm tục dơ dáng, méo mó nghịch dị. Văn học chân chính bao giờ cũng là vương quốc của cái đẹp. Nhà nghiên cứu Hoàng ngọc Hiến có lần nói đến “nguyên tắc tính nữ” như là “điểm tựa tinh thần” “toả một ánh sáng dịu dàng, huyền diệu trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp”[2]. Dĩ nhiên, sau 1975, văn học thường thiên về những vẻ đẹp mà văn học sử thi không dám nói. Là tiếng nói chính thống, quan phương, sử thi trọng tinh thần mà bỉ thể chất, tránh cái tục để hướng tới cái thanh. Nó nói rất to về tình yêu đất nước quê hương, tình đồng chí đồng đội, nhưng lại có vẻ ngượng nghịu, nên đành làm ngơ trước tình yêu đôi lứa. Nó nói về tình yêu đôi lứa chẳng qua là để nói về vẻ đẹp lý tưởng, vẻ đẹp của đức vị tha, lòng dũng cảm và sự thuỷ chung. Sau 1975, văn học nói rất to về vẻ đẹp phồn thực của cuộc đời trần thế. Nhiều truyện ngắn của Ma Văn Kháng cất lên cái giọng thật hả hê, khoái hoạt, nói về lòng ái dục như mạch sống thầm thào, mà dạt dào, hăm hở giữa cõi nhân sinh. Trong truyện Không có vua, Nguyễn Huy Thiệp để cho ông bố văng vào mặt thằng con, khi thằng này giở giọng đạo đức: “Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì có con buồi”. Đúng là sau 1975, nhiều nhà văn Việt Nam không còn phải “xấu hổ” khi nói chuyện tình dục. Có lẽ vì thế, văn thơ viết về tình yêu thường đậm mầu sắc dục. Sáng tác của Ma Văn Kháng, Phạm Thị Hoài và nhiều cây bút khác như báo trước sự xuất hiện của Phan Huyền Thư, Vi Thuỳ Linh. Đọc truyện ngắn Phạm Thị Hoài, thơ Vi Thuỳ Linh ta như nghe được tiếng reo hò khởi loạn của cõi thầm kín, vốn là vùng cấm bao đời nay bị thứ văn học sạch sẽ thơm tho chôn chặt, giấu kỹ.
Trước 1975, văn học sử thi nói tới cái đẹp, cái hùng là để khẳng định sự hợp lý tuyệt đối của tồn tại. Tiếng nói thế sự lại làm nổi bật sự vô lý, phi lý của cuộc đời. Mọi thiết chế xã hội được ta bày đặt ra nhất thời, tất thảy đều chật hẹp hơn khát vọng nhân bản miên viễn của của nhân loại. Cái bi, cái hài của cõi nhân sinh có nguồn cội ở đấy. Mọi sự thanh cao rồi cũng phải chết giữa cõi trần tục. Tôi nhớ, trong một truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp đã nói lên cái ý ấy. Càng đi tìm cái đẹp, cái đẹp càng tuột khỏi tầm tay, và ta thì hoá thành ma quỷ, hoà trộn vào môi trường tồn tại của chính bản thân mình. Cho nên, dù viết về cái méo mó nghịch dị, tà nguỵ ma quái, hay cái đẹp, cái xinh, văn học thế sự sau 1975 vẫn là tiếng nói thể hiện khát vọng đổi mới xã hội của cái bể nhân dân chuyển rung đến tận đáy. Ở giai đoạn cao trào, điệu giọng của tiếng nói ấy khi lu loa, lúc sừng sộ, càng về sau càng sục sôi, gầm gào, cuộn réo. Tiếng gầm gào của nó bắt đầu cất lên từ những tiểu thuyết Đứng trước biển, Cù Lao Tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn. Thanh thế của nó được tăng cường bởi những bài chính luận nảy lửa, kiểu Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ của Nguyễn Minh Châu, những thiên phóng sự đầy ắp sự thật đời sống làm chấn động dư luận của Xuân Ba, Phùng Gia Lộc, Trần Huy Quang, Hoàng Hữu Cát… Đến khi người ta công diễn những vở kịch của Lưu Quang Vũ, và xuất bản một loạt truyện ngắn, tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Khắc Trường, Tạ Duy Anh thì tiếng gầm của văn học đổi mới trở nên có mãnh lực đặc biệt.
Nhìn chung, nói to là cách tốt nhất để thể hiện mọi loại ý thức cộng đồng, cả tư tưởng quốc gia trong văn học sử thi trước 1975, lẫn tâm trạng đại chúng của văn học thế sự thời đổi mới. Nhưng cái giọng tự nhiên khi ta “nói”, nhất là giọng của những tiếng “nói to” nếu không được lạ hoá thì khó có thể trở thành điệu giọng mang tính nghệ thuật trong giao tiếp thẩm mỹ. Cho nên, những tiếng “thét”, tiếng “hét”, giọng sừng sộ, lu loa cất lên trong văn học tuy lôi cuốn được sự chú ý nhất thời của dư luận, nhưng không mấy ai đánh giá cao, nên cũng nhanh chóng bị lãng quên. Lấy ví dụ thế này. Ngày 26 tháng 8 năm 1945, Tố Hữu viết bài Hồ Chí Minh để ca ngợi Bác Hồ. Năm 1951, để ca ngợi Bác Hồ, Tố Hữu lại viết bài Sáng tháng Năm. Tiếng thơ trong bài Hồ Chí Minh là tiếng nói cung kính, nhưng cũng là tiếng “thét” đầy quyền uy, vang lên sang sảng. Giọng điệu trong Sáng tháng Năm lại giống như lời hát, tiếng ru ngọt ngào đằm thắm. Khi so sánh hai bài thơ, giới nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp cho rằng, Sáng tháng Năm là một một bước tiến của Tố Hữu trong việc thể hiện hình tượng lãnh tụ. Thực tế cho thấy, có rất nhiều người thuộc lòng Sáng tháng Năm, nhưng không mấy ai nhớ bài Hồ Chí Minh của Tố Hữu. Thêm một ví dụ khác. Khi mới xuất hiện trên mặt báo, Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc làm dư luận xôn xao chẳng thua gì so với Tướng vê hưu của Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng bây giờ, nếu đọc văn học chỉ để thưởng thức vẻ đẹp của sáng tạo ngôn từ, chắc còn mấy ai tìm đến cái phóng sự của Phùng Gia Lộc! Ngày nay nhìn lại, rất dễ thấy, nhiều tác phẩm văn học thời đổi mới chưa đổi mới văn học được là bao. Chúng tồn tại trong ký ức người đọc chủ yếu như một hiện tượng xã hội, hơn là một sự kiện nghệ thuật. Để biến tiếng nói xã hội thành tiếng nói nghệ thuật, văn học trước và sau 1975 đã tìm đến những phương thức thể hiện rất khác nhau. Trước, tiếng nói trong văn học cất lên thành tiếng hát hùng tráng; sau, nó hoá thân vào tiếng cười trào tiếu, giễu nhại.
3.3. Từ nội dung xã hội đến tiếng nói nghệ thuật. Rất dễ nhận ra, trước 1975, nền văn học sử thi đã nhanh chóng đổi tiếng “hét” và tiếng “thét” thành tiếng hát đầy chất lãng mạn. Nó hát rất to bài ca chiến trận và khúc hát dựng xây. Hoàng Trung Thông hát “Bài ca vỡ đất”. Chế Lan Viên hát “Tiếng hát con tàu”. Trong thơ Chính Hữu,“…cả nước lên đường” để “hàng ngũ ta đi dài như tiếng hát”. Trước 1945, phong trào Thơ mới có công chuyển câu thơ điệu ngâm trung đại thành câu thơ điệu nói hiện đại. Sau 1945, văn học Cách mạng lại có công đưa câu thơ điệu nói quay về với điệu ngâm truyền thống và điệu ca có nguồn cội trong sáng tác dân gian. Tố Hữu là người có công đầu trong quá trình chuyển đổi này. Từ vị trí lá cờ đầu của thơ ca Cách mạng, là người lãnh đạo cao nhất trên mặt trận văn nghệ, Tố Hữu kêu gọi: “Thơ ta ơi hãy cất cao tiếng hát. Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta”. Ông nói với văn nghệ sĩ: “Ta phải ca hát cuộc đời chúng ta sao cho anh em xa của mình được sướng lây…”[3]. Cho nên, sau Cách mạng tháng Tám, nhất là từ những năm 60 của thế kỷ trước, thơ Tố Hữu là một chuỗi những bài hát rất dài. Mỗi bài thơ của ông là một “Bài ca”: Bài ca lái xe đêm, Bài ca mùa xuân 61, Bài ca xuân 71, Một khúc ca xuân, Khúc ca vui, Bài ca quê hương… Chắc chắn, ta không thể tìm thấy ở đâu một tiếng thơ hát to hết cỡ bằng điệu giọng trang trọng quyền uy như sáng tác của Tố Hữu. Hãy lắng nghe âm vang của bài ca Chào xuân 67:
Đất nước ta ơi
Xin bắn hai mươi phát đại bác vang trời
Chào xuân 1967!
Người kể chuyện trong văn xuôi không thể ca hát như nhân vật trữ tình trong thơ. Để trang văn cất lên tiếng hát, nhà văn biến nhân vật thành ca sĩ. Cho nên, từ kí, truyện ngắn cho tới tiểu thuyết, hình như chỗ nào cũng thấy có người hát, và nhờ thế, tiếng hát được vang lên khắp mọi nơi. Mở đầu Xung kích của Nguyễn Đình Thi có tiếng hò. Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc kết thúc bằng tiếng hát. Văn học viết về đề tài chiến tranh, hễ miêu tả hành quân là y như có tiếng hát, tiếng hò. Những cảnh lao động tập thể trong Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm của Đào Vũ, trong tập Mùa lạc của Nguyễn Khải thường có người hò, kẻ hát. Nhân vật Đào trong truyện Mùa lạc của Nguyễn Khải làm thơ đã giỏi mà hát cũng tài. Đúng là“…Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát” .
Giọng lu loa, sừng sộ, tiếng gầm gào cuộn réo trong văn học thời đổi mới không thể cất lên thành tiếng hát. Cái vô lí, phi lí, chất văn xuôi và vẻ đẹp của đời sống phồn tạp chỉ có thể hoá thân vào tiếng cười trào tiếu, giễu nhại để văn học thế sự biến thành tiếng nói nghệ thuật. Kể từ sau Cách mạng tháng Tám, chưa bao giờ câu đối, thơ trào tiếu và truyện cười giễu nhại dân gian lại xuất hiện nhiều như những năm 80 của thế kỷ trước. Hình như giễu nhại đã trở thành kiểu quan hệ đời sống mang phong cách thời đại. Từ góc độ này mà nhìn lại, sẽ thấy, Thời xa vắng (1987) của Lê Lựu có một vị trí đặc biệt trong tiến trình văn học Việt Nam sau 1975. Đọc tác phẩm, ta như gặp một người vừa lạ, lại vừa quen. Quen, vì tác phẩm viết cả về chiến tranh lẫn xây dựng. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là người lính. Người trần thuật kể lại câu chuyện về cuộc đời Giang Minh Sài không phải là để người đọc có dịp được suy ngẫm, mà là để được nói thật to những điều hình như nó đã ngẫm nghĩ xong xuôi. Cho nên chỗ nào nó cũng lắm lời, lời kể của nó đã lùa thùa, dài dòng, mà cái ý luận đề thì rất lộ. Đã thế, tác phẩm lại cố gò để kết thúc có hậu, cuối câu chuyện, nhà văn còn cố ý cho nhân vật nói thật to tư tưởng chủ đề của tác phẩm: con người ta không nên “yêu cái người khác yêu”, càng không nên “đi yêu cái mình không có”. Tóm lại, Thời xa vắng sử dụng chất liệu nghệ thuật rất quen thuộc của văn học sử thi trước 1975. Nguyên tắc trần thuật của sử thi cũng để lại dấu ấn ở mối quan hệ giữa người kể chuyện và người đọc trong Thời xa vắng. Nhưng đặt bên cạnh những tác phẩm cùng thời, tiểu thuyết của Lê Lựu đúng là bước ngoặt của tiến trình đổi mới văn xuôi nghệ thuật. Có một sự thay đổi hết sức cơ bản ở việc kiến tạo khu vực không gian - thời gian của hình tượng trong Thời xa vắng. Ở đây, khoảng cách thời gian và khoảng cách giá trị của sử thi hoàn toàn bị đảo ngược. Tác phẩm đặt người trần thuật vào vị trí một con người từng trải, nhờ nếm trải mà đã trưởng thành. Từ vị trí ấy, nó nhìn thấy trong thực tại một “thời xa vắng” đầy những bi hài. Cái làng Hạ Vị của Giang Minh Sài dẫu đã lên đến hợp tác cấp cao, trải qua đánh Pháp, đánh Mỹ, có đủ cả bí thư, chủ tịch vẫn cứ là hình ảnh thu nhỏ của một vương quốc “rất ngố”, “rất nhắng”, động ai có tí việc liền “ngậu xị cả lên”. Vương quốc ấy đã giết chết con người cá nhân, biến anh hùng thành nhân vật bi hài kịch.“Thời xa vắng” chính là thực tại được nhìn lại như một quá khứ giễu nhại. Nó giễu nhại ngay cái thực tại từng được sử thi biến thành quá khứ lý tưởng.
Thời xa vắng của Lê Lựu là một tiểu thuyết giễu nhại độc đáo. Nó không cần sử dụng những thủ pháp lạ hoá quen thuộc như phóng đại, hay vật hoá hình ảnh con người để làm nổ ra tiếng cười. Nó chỉ đơn giản thuật lại những chuyện “thật như đùa” mà đã có thể tạo ra được hình tượng giễu nhại. Nhờ thế, lời văn của Thời xa vắng khi thì như bông đùa, lúc lại xót xa, chì chiết, nhưng giễu nhại bao giờ cũng là giọng điệu chủ đạo của nó.
Chưa mấy ai quên tiếng cười giễu nhại trong tiểu thuyết Ly thân của Trần Mạnh Hảo. Có thể nghe thấy tiếng cười giễu nhại thấm đẫm cảm hứng trào lộng trong nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Khắc Trường… Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là tiếng cười trào tiếu, giễu nhại trong sáng tác của Phạm Thị Hoài và Nguyễn Huy Thiệp.
Trong sáng tác của Phạm Thị Hoài, người kể chuyện thường xuất hiện ở ngôi thứ nhất, xưng “tôi”. Ở vị thế của cái “tôi”, người kể chuyện của Phạm Thị Hoài là nhà dân chủ vĩ đại của ngôn từ. Phạm Thị Hoài trao gửi cho người kể chuyện một cách tài tình, tinh tế thứ ngôn ngữ bỗ bã, suồng sã. Nhiều nhà văn cũng gửi vào cửa miệng nhân vật lời nói suồng sã như thế. Nhưng những nhân vật của họ giỏi lắm cũng chỉ nói được đôi câu. Người kể chuyện của Phạm Thị Hoài có thể thao thao bất tuyệt bằng ngôn ngữ bỗ bã, suồng sã. Lời suồng sã của nó ào ào tuôn chảy, biến hoá khôn lường. Qua cửa miệng của nó, những con ong cái kiến của xã hội từ ngữ được chễm chệ ngồi trên nhà khách, không bị phân biệt đối xử theo câu tục, lời thanh. Cứ đọc lại những Hành trình những con số, Năm ngày, Thiên Sứ, Mê Lộ, Chín bỏ làm mười, Ám thị cùng nhiều tác phẩm nữa, ta sẽ được nghe nhân vật xưng “tôi” của Phạm Thị Hoài nói rất to, rất tự nhiên, bằng thứ ngôn ngữ suồng sã, những chuyện mà người ta thường dấu kín, hay giả sử có nói ra thì cũng chỉ nói thầm, nói nhỏ. Mỗi sáng tác của Phạm Thị Hoài, vì thế, giống như một hình tượng ngôn từ giễu nhại. Nó giễu nhại tất cả các lời nói chính thống, quan phương, thứ lời nói có vẻ nghiêm túc, nhưng chứa đựng bên trong rất nhiều sự giả dối.
Các nhà nghiên cứu, phê bình đã nói rất nhiều về hiện tượng giễu nhại trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là hình tượng giễu nhại của các thể loại ngôn từ đã bị biến thành lời nói phong cách hoá. Những ngọn gió Hua Tát là chùm truyện nhại cổ tích. Con gái thuỷ thần là hình tượng nhại huyền thoại. Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết nhại truyền thuyết, nhại truyện sử. Cuối Giọt máu có cái Gia phả họ Phạm. Toàn bộ câu chuyện lại giống như một thứ mật phả. Cho nên, giễu nhại gia phả là hình tượng thể loại của truyện Giọt máu. Truyện Giọt máu còn có đoạn như giễu nhại thể nghị luận văn học. Trong truyện Những người thợ xẻ có đoạn giễu nhại thư tín. Nguyễn Huy Thiệp đưa rất nhiều thơ vào truyện giống như để tạo ra các hình tượng nhại thơ. Có vẻ như, mọi thể loại ngôn từ đều có thể trở thành hình tượng giễu nhại trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng nhại thể loại thực chất chỉ là giễu nhại hình tượng con người được định hình trong ý thức xã hội và ý thức nghệ thuật. Trong ý thức nghệ thuật và ý thức xã hội hình tượng con người thường bị đồng nhất với các vai trò xã hội của nó. Ông là giáo viên, bà là nhà báo, anh ấy là bộ đội, chị ấy là công nhân, nó là thằng mổ lợn... Và chúng ta tin, mỗi vai xã hội của con người bao giờ cũng ứng với một loại phẩm hạnh: anh hùng dứt khoát chỉ biết xả thân vì nước, trí thức chỉ biết đọc sách thâu đêm, công nhân miệt mài trong xưởng thợ… Trong truyện Những bài học nông thôn, Nguyễn Huy Thiệp nói về sự nhẹ dạ của lòng người:
“Sự nhẹ dạ của lòng người
Tôi nhẹ dạ, anh nhẹ dạ, chị nhẹ dạ
Và em nữa, em thân yêu
Em nhẹ dạ quá chừng
Chúng ta đều nhẹ dạ trên cõi đời này
Tôi đã nhẹ dạ tin theo bố tôi
Tôi nhẹ dạ tin anh, tin chị
Và em nữa, em thân yêu
Em nhẹ dạ quá chừng
Trái tim em trong trắng thế
Và đôi môi em tinh khiết thế
Đôi mắt em buồn tái tê
Niềm tin kia…
Niềm tin chẳng có giả thiết gì, chẳng có điều kiện gì.
Còn nếu tôi là quỷ dữ?
Anh là quỷ dữ? chị là quỷ dữ?
Bố mẹ tôi là quỷ dữ?
Sự nhẹ dạ của lòng người
Có chắp cánh cho chúng ta bay lên thiên đường không?”
Hình như để thức tỉnh lòng người, Nguyễn Huy Thiệp miêu tả cuộc đời giống như một kịch trường. Ở đó có tấn kịch của bản thân, có tấn kịch của gia đình, cũng có tấn kịch của xã hội. Ở đó tướng đã về hưu, bác sỹ không chữa bệnh ở bệnh viện, sinh viên không đến trường đi học, thằng lưu manh có lúc nói lời tử tế... Mọi vai trò xã hội của con người chỉ còn là cái mặt nạ mà nhà văn đeo cho nhân vật để xem chúng diễn trò.
Lắng nghe kỹ ta sẽ nhận ra tiếng cười giễu nhại của Lê Lựu, Ma văn Kháng, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp nhiều khi man mác một cảm giác tái tê, trong đó có cả nỗi đau âm thầm, lặng lẽ mà mênh mang, sâu sắc. Bởi vì lời giễu nhại bao giờ cũng là lời đa nghĩa, đa thanh. Để tiếng cười giễu nhại cất lên trên những trang văn, các cây bút thời đổi mới như mang đến cho ta thông điệp: hãy vui vẻ mà chia tay với quá khứ. Và điều quan trọng hơn, nếu mọi lời nói, dẫu có biến thành điệu hát hay tiếng cười, đều có một phần diễn trò, thì liệu có đáng tin chăng tất cả những gì mà người đời đã nói, đã kể cho ta nghe?
*
Bàn về văn học Việt Nam sau năm 1975, không thể không chăm chú lắng nghe những tiếng nói nhỏ, nói thầm đang âm vang trong truyện ngắn, tiểu thuyết của Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương... Nhập vào thế giới nghệ thuật của những nhà văn này, ta thấy có người nói, kẻ nghe và có cả kẻ rất chăm chú suy ngẫm về tiếng nói của người khác. Nhưng người đọc hiện nay, không phải ai cũng hứng thú đến với sáng tác của họ. Cũng không thể không kể đến những đóng góp to lớn của nhóm Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng. Hồi đầu thế kỷ XX, khi văn học Việt Nam bắt đầu phát triển theo hướng hiện đại hoá, Hoài Thanh tâm tâm niệm niệm, rằng nghệ thuật là vương quốc của cái đẹp, văn chương trước hết phải là văn chương. Nhưng rồi gần nửa thế kỷ, hoàn cảnh lịch sử đã biến nền nghệ thuật dân tộc thành nơi luận bàn quốc sự và văn chương thì mải miết ra trận. Phải đến khi đất nước thanh bình, những Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng và rất nhiều nhà thơ trẻ mới lại dám nghĩ tới việc tìm cách giải phóng nghệ thuật thoát khỏi những chức năng xã hội thuần tuý để mở đường cho thơ tiến lên phía trước. Nhưng sáng tác của mấy “kẻ phu chữ” (chữ của Lê Đạt), của những thi sĩ “làm thơ tức là làm chữ”, “làm thơ tức là làm tiếng Việt” (ý của Trần Dần), xem ra, chưa thể lôi cuốn sự chú ý của đông đảo người đọc.
Tôi rất tâm đắc với câu nói nổi tiếng của nhà thơ Edmond Jabès (1912 - 1991): “Chữ bầu lên nhà thơ”. Nhưng kinh nghiệm lịch sử lại mách bảo tôi, chừng nào đám đông còn bị sỉ nhục và nỗi đau của cái dạ dày vẫn còn là nỗi đau da diết nhất của con người, thì chừng ấy tâm trạng đại chúng bầu lên nhà thơ. Cho nên, tiếng nói chủ đạo, mang tính chất bao trùm, chi phối khuynh hướng vận động của văn học Việt Nam từ 1945 cho đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước vẫn là tiếng nói cộng đồng. Trước 1975, nó là tiếng nói giữ trật tự ở bên trên. Sau 1975, nó lại là tiếng nói có phần hỗn loạn ở bên dưới. Tiếng nói của cộng đồng chỉ có thể là tiếng nói to. Trước 1975, văn học sử thi biến tiếng nói thành tiếng hát. Nhìn vào đâu, nó cũng thấy đời sống đã hoá thành “tiếng hát”, “bài ca”. Viết văn, làm thơ chính là cái cách để người ta ca hát. Tâm thế sáng tạo và cách cảm nhận đời sống như thế khiến trước 1975, kịch không có mấy cơ may phát triển. Truyện, ký bị trữ tình hoá để hoà vào giọng hát của thơ và thơ thì bao giờ cũng hát to nhất, át cả tiếng hát của văn xuôi. Sau 1975, văn học thế sự chuyển tiếng nói thành tiếng cười trào tiếu, giễu nhại. Tiếng cười giễu nhại, trào tiếu mở đường cho văn xuôi phát triển, tạo môi trường để văn xuôi nói to hơn thơ.
LN
Đồng Bát. Tháng Tư năm Con Gà
Nguồn : Văn học Việt Nam sau 1975 : Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, 2006, tr. 55 - 69
[1]Chế Lan Viên.- Thơ trong ba năm đánh Mỹ cứu nước, Bài giới thiệu tuyển tập Thơ chống Mỹ cứu nước, Nxb Văn học, Hà Nội, 1968, tr. 8.
[2] Hoàng Ngọc Hiến.- Văn học và học văn, Nxb Văn học, Hà Nội, 1997, tr. 239
[3] Tố Hữu, Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, với thời đại ta, Nxb Văn học, Hà Nội, 1973, tr. 450