Những góc nhìn Văn hoá

Khi họa sỹ dùng cọ làm thơ

 

Nadim Hítmét cũng bị đau tim, lại phải sống lưu vong nữa. Ép tusencô thường than

“Ôi những người cực tốt – Trái tim thường hay đau”.

Nhà thơ - họa sĩ Hoàng Hữu đã khuất. Một sự nghiệp đầy hứa hẹn đột ngột kết thúc ngay giữa lúc ban đầu ! Thương lắm đầu xanh tuổi trẻ với dang dở một tài hoa. Trái tim nghệ sĩ của anh vẫn còn đập nhói buốt trên những trang giấy đã ố màu thời gian.

 Nhà thơ, họa sĩ Hoàng Hữu (1945-1981) tên thật là Nguyễn

Hữu Dũng, sinh ngày 24-9-1945, mất ngày 29-12-1981 tại Phú Thọ. Quê quán thị trấn Tiên Lãng thành phố Hải Phòng. Hoàng Hữu đã tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Nhiều năm nhà thơ sống và viết, vẽ tại Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú, sau này là Phú Thọ. Anh là một trong ba họa sĩ được Hội nghệ sĩ Tạo hình tổ chức trưng bày tranh ở 16 Ngô Quyền, Hà Nội năm 1976. Người xem rất có ấn tượng với các bức tranh Hoa bèo, Ngõ quê, và Hái chè, trong đó bức Hoa bèo được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

 Phần di cảo tập hợp được 100 bài. Đã xuất bản : Khói ấm sau cây (43 bài), Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú 1984; Hai nửa vầng trăng (36 bài), Văn học 1991.

 Các giải thưởng văn học : Giải B cuộc thi thơ của tuần báo Văn Nghệ năm 1981-1982  với bài Hai nửa vầng trăng. Giải thưởng Hùng Vương về văn học và nghệ thuật của tỉnh Vĩnh Phú năm 1985.

 &

 Có một nhân vật huyền thoại cả trong đời và trong thơ : HOÀNG HỮU.

Anh là một nghệ sĩ đa tài : thơ hay, vẽ giỏi.

 Hãy xem họa sĩ Hoàng Hữu vừa vẽ vừa làm thơ về các nàng thôn nữ xuống tắm hồ sen đêm trăng khi anh làm nhiệm vụ sao chép lại các bức phù điêu ở đình làng, chuẩn bị cho cuộc tái thiết sau chiến tranh :

 Suốt một ngày tay cuốc tay liềm

Giờ khỏa nước ngón xòe nõn búp

Trăng loáng chảy ướt ròng khuôn ngực

Chút ngập ngừng cong lẳn sáng bờ vai

 

Tay vin cành, hoa đấy áo người đâu

Cổ ba ngấn ngẩn ngơ chiều hương lúa

Màu đen thẳm tóc mây lại tỏa

Hương thầm thì mờ tỏ đêm sen

 

Sóng dào lên sáng ánh với tay em.

 

                                   (Mỉm cười trên giấy điệp)

 

Cũng sexy đấy          mà trời, sao nhã quá. Thật là thanh thoát, lung linh, buông thả mà kín thầm, đẹp và thơ, cần lao với mộng mị… Nhà thơ đang vẽ mà ! Thân thể trần truồng của người đàn bà là vẻ đẹp vĩnh hằng, xác tín của tạo hóa ban cho con người. Các thiên tài văn hóa đã viết vẽ, về nó. Tôi bỗng nhớ đến Nguyễn Du qua cặp mắt trăm trô của kẻ si tình Thúc sinh ngắm nàng Kiều tắm (1), nhớ tới cái dùng dằng thao láo thèm lẻm của mấy gã chính nhân quân tử trước vẻ khêu gợi toàn cảnh… thiếu nữ ngủ ngày trong thơ Hồ Xuân Hương (2), nhớ đến vẻ đẹp thần bí, vương giả trong Tranh lõa thể của Bích Khê (3). Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương tả trực diện, Bích Khê tả trong tranh mà tĩnh, Hoàng hữu tả qua tranh khắc gỗ dân gian mà động. Nguyễn Du tự nhiên chủ nghĩa nhưng hào hoa, Hồ xuân Hương táo bạo, tinh quái và kích dục. Hoàng Hữu dân dã mà thành thiện. Tất cả đều đẹp, đẹp mỗi người một vẻ dưới ngòi bút ước lệ tượng trưng (Nguyễn Du, Bích Khê), hay tả chân hiện thực (Hồ Xụân Hương, Hoàng Hữu). Trong những vẻ đẹp quyến rũ lành mạnh như một tín ngưỡng đó, theo tôi, bức của Hoàng Hữu thần bút hơn cả, bởi anh hơn hẳn các cụ, anh là nhà-thơ-họa-sĩ. Anh “nhìn” được đối tượng mô tả từ hai phía

 Trong thơ Hoàng Hữu có họa, trong họa Hoàng Hữu có thơ. Hai loại hình nghệ thuật này luôn luôn hài hòa bổ túc cho nhau tạo nên mặt mạnh nhất trong thi phẩm và họa phẩm của anh.Thơ Hoàng Hữu tinh tế, thâm thúy. Những vật vô tri qua tay anh đều sống dậy có linh hồn :

 Vầng trăng rất thật kia cũng mới chỉ vầng trăng

Cá quẫy sóng cho tan rồi lắng lại

Để hiện giữa rong rêu chói lói

Một vầng trăng cho cá suốt đời tìm.

                                             (Thơ đề trannh cá)

 Đó phải chăng đó là tuyên ngôn nghệ thuật của Hoàng Hữu ?

 Hồn pha mây pha sương

Bút màu không kịp vẽ

Chú bò lưng đốm lửa

Khép chiều trong ngõ quê.

                                   (Quê đồi trong ký họa)

 Bức tâm cảnh quả là một bài ca không lời. Người viết giỏi là người viết được cái không viết. Phần đẹp nhất của cái đẹp là cái mà không một tác phẩm nghệ thuật nào có thể diễn tả nổi.

 Sao thả neo vàng chật bến đêm

Gió lùa trong vắt, nhịp nhàng êm

Lim dim lửa đỏ nhòe khoang khói

Ngỡ mặt trời quên ngủ dưới thuyền.

                                       (Bến đêm)

 Khi lá xanh chưa mở

Nhựa đã lấp đầy cành

Cháy bùng lên hoa lửa

Sáng kịp màu xuân xanh.

                                     (Hoa gạo)

 Là nhà thơ kiêm họa sĩ, Hoàng Hữu đã không hướng vào việc là thế nào phơi bày trước mắt bạn đọc những hình ảnh bề nổi tầm thường về cuộc sống, mà cố gắng làm sao để đưa lại cho bạn đọc một sự tái hiện đầy đủ, bao quát, có sức thuyết phục hơn về cuộc sống so với bản thân hiện thực.

 Người trần tục thể hiện thế giới như mắt họ nhìn thấy. Nghệ sĩ nhạy cảm thể hiện thế giới như họ suy nghiệm. Người thợ ảnh chớp con người bề ngoài trong máy ảnh, còn người nghệ sĩ phô bày những nét phức tạp bên trong con người, kể cả những bí ẩn của con người đó nữa.

 Hội họa chẳng qua là bí quyết dùng cái hữu hình để diễn đạt cái vô hình. Còn thơ dùng cái vô hình để diễn đạt cái hữu hình. Họa sĩ hay nhà thơ không trình bày những gì trông thấy mà biểu hiện những gì sẽ được thấy. “Nghệ thuật hay ở chỗ vừa giống vừa không giống. Không giống thì dối đời, giống quá thì mị đời” (Tề Bạch Thạch).

 Nêu hội họa là bức tranh để xem hơn là để cảm, và thơ là bức họa để cảm hơn là để xem thì Hoàng Hữu đã nhuần nhuyễn kết hợp hài hòa được cả hai. Nắm lấy triết học mà sáng tác, Hoàng Hữu đã lèn được thơ ca vào các giới hạn chật hẹp của hội họa và đem hội họa lấp đầy cả lĩnh vực thơ ca.

 Danh họa Nguyễn Gia Trí bảo rằng ông đã qua gần cả đời hiện thực mới dám mon men đến trừu tượng. Thơ Hoàng Hữu sương khói, mong manh ảo huyền ít bám vào hiện thực “hồn pha mây pha sương” là đang “mon men” đi theo xu hướng này ? Lãng đãng sương khói là nét riêng định hình của Hoàng Hữu.

 Khi anh lắng nghe :

Chiều chìm tím lặng bàng thưa

Lặng lờ lá rụng ngẩn ngơ cành gầy

Là khi hạt nắng chót ngày

Dồn cho mắt biếc cháy đầy mình hoa.

                                                      (Là khi)

 Khi anh nhìn ngắm :

Má bừng chín giữa khăn choàng gió

Tựa trái mùa đông ấm mắt nhìn.

                                                     (Ký họa sông Đà)

 Lắc thắc mưa rơi ướt bí bầu

Cái màu hoa ấy nhớ về nhau.

                                             (Mưa đôi bờ tháng chạp)

 Là người biết phải kết thúc sự nghiệp quá sớm, cảm thấy chung cục sắp đến gần, Hoàng Hữu cố níu kéo một cái gì đó của sự sống thật lưu luyến hướng nó vào vĩnh cửu để dành lại cho mình.

 Đôi bờ tháng chạp màu hoa nhắc

Mưa để lòng cau thắm với trầu.

                                            (Mưa đôi bờ tháng chạp)

 Mây núi xòa chông chênh hơi rượu tan

Hoa thắm lại, chiều dễ gì tắt được.

                                               (Năm ấy hoa bìm)

 Tôi cùng sóng bước heo may gió

Cỏ mén hơi sương mướt lối vào

 …Trái tim đập suốt mùa giông bão

Trời nối vào thu tự lúc nào.

                                        (Một mình trong vườn thu)

 Thơ Hoàng Hữu chuẩn xác, sâu lắng, đẹp và ý nhị. Anh tả mưa “Mưa cứ thả vào lòng đêm từng hạt nhớ” (Đêm nay nhớ bạn vùng than).Anh viết về gió “Ngọn gió lật chiều sang hướng khác – Vòi vọi trên đầu đám mây khô khốc” (Không đề I). Anh viết về nắng “Nắng thơm mùi quả chín lúc đang trưa”. Anh ghi nhận về thời gian “Chiều xanh xanh đến thẫn thờ - Không em. Liễu cứ bên hồ đợi anh” (Thị xã không em). Anh diễn tả cái lạnh không mùa “Rét ngọt chừng chưa qua - Tần ngần trong ruộng mía – Còn băn khoăn chi nữa – Cây đã đầy mật thơm” (Tháng giêng). Anh viết về cái khắc khoải của nỗi nhớ “Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau” (Hai nửa vầng trăng). Anh giãi bày tâm trạng của mình trong “Chạm vào lá biết tay mình se giá” (Không đề II). Anh gửi tấm lòng trong “Cánh buồm nhuận sắc đất đai - Gửi người đi nối chân trời khát khao” (Hát tặng chân trời). Anh trân trọng nâng niu “Chẳng ai nỡ hái chung nhau ngắm - Một chút làng xanh giữa đảo mờ” (Làng đảo). Anh gửi tình yêu nồng nàn trong “Mùi khói ấm qua mưa dầm tháng bảy - Tỏa mơ mòng như ánh mắt anh đây” (Khói ấm)…

 Hoàng Hữu viết như người trong mơ. Nó là thứ thơ mộng mị, có bóng mà không có hình, tạo chất ảo tác động vào cảm giác chứ không phải vào trực giác. Thơ anh có ma lực thôi miên cuốn hút người đọc mạnh đến mê người. Hai nửa vầng trăng được Hoàng Hữu viết giữa hai cơn đau của cơn bệnh phù phổi cấp nên giọng thơ mới da diết hối thúc đến thế :

 Nắng tắt đã lâu rồi, trăng thức dậy dịu êm

trăng đầu tháng có lần em ví

chữ D hoa như vầng trăng sẻ nửa

tên anh như nửa trăng mờ tỏ

ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời.

 Ơi vầng trăng như con nước đầy vơi

trăng say đắm dào trên cỏ ướt

trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được

trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết – em đã khóc

trăng từng hạt tan vào anh mặn chát – em đã khóc

nhưng làm sao tới được

bến bờ anh tim dội sóng không cùng.

                 (Hai nửa vầng trăng)

 Trong nghệ thuật, điều kỳ diệu là đến một vầng trăng Hoàng Hữu tả thì nó vừa là trăng tròn khuyết mà cũng là chìm nổi đời anh. Khi đã vào nghệ thuật, cái đẹp không còn là cái đẹp riêng lẻ nữa, vì tự cái đẹp đã nằm trong cái đẹp. Sáng tạo là con đường giải thoát thênh thang khỏi mọi khổ đau trần thế, là sự bay bổng cuộc đời người nghệ sĩ. Trong sáng tạo nghệ thuật, tính quy luật được bộc lộ như một cái gì rất ngẫu nhiên. Điều còn lại mãi mãi là tình người trong thơ. Chính tình người, tình đời đã giúp nhà thơ vượt qua những sóng gió của cuộc đời.

 Thơ khó thứ nhất là thần. Dường như Hoàng Hữu đã vượt qua được cửa ải đó. Tôi không có dịp được tiếp cận với tranh Hoàng Hữu nhiều nên không thể hình dung được các họa tiết ra sao nhưng tranh của anh hẳn có thần. Các bức Hoa bèo, Ngõ quê, Hái chè… trong cuộc triển lãm tranh 16 Ngô Quyền, Hà Nội tháng 7-1976 đến giờ vẫn còn gây ấn tượng tốt đối với giới hội họa. Chả thế mà anh đoạt được hàng loạt giải cao về đồ họa trong và ngoài nước. Hoàng Hữu lại gây ấn tượng, có biệt tài sáng tạo bìa sách. Trong lĩnh vực thơ ca, Hoàng Hữu đã thành tựu vượt trội hơn cả hội họa. Hoàng Hữu cũng không ngờ khi anh nằm xuống, năm sau (1982) giải Nhì cuộc thi thơ Quốc gia của báo Văn Nghệ lại trao cho Hai nửa vầng trăng – bài thơ tình vào loại hay nhất thơ tình Việt Nam của anh – bài thơ mà Xuân Diệu trong ban chung khảo cứ đòi tặng cho được giải Nhất ! Trớ trêu thay, sinh thời Hoàng Hữu có mong gì hơn khi ông trưởng trại sáng tác của tỉnh nhà đã loại ra vì “non yếu tư tưởng và nghệ thuật” (!?).

 Hoàng Hữu bị đau tim bẩm sinh và hơn một lần đại phẫu. Mang trái tim thương tích đã mổ xẻ luôn linh cảm về sự hạn hẹp của thời gian, biết mình mệnh yểu, Hoàng Hữu tranh thủ sống, cấp tập viết, vẽ bằng một nghị lực lớn. Nằm xuống ở tuổi 37 (1945-1981) - tuổi húy của các nhà văn - tuổi tam thập nhi lập, định mệnh khắc nghiệt thật là ngắn ngủi, vội vã, đầy nuối tiếc !

 Người xa phơ phất hồn lau gió

Thổi trắng chân đồi như khói pha.

            (Hoa lau trường cũ)

 Nadim Hítmét cũng bị đau tim, lại phải sống lưu vong nữa. Ép tusencô thường than

“Ôi những người cực tốt – Trái tim thường hay đau”.

 Nhà thơ - họa sĩ  Hoàng Hữu đã khuất. Một sự nghiệp đầy hứa hẹn đột ngột kết thúc ngay giữa lúc ban đầu ! Thương lắm đầu xanh tuổi trẻ với dang dở một tài hoa. Trái tim nghệ sĩ của anh vẫn còn đập nhói buốt trên những trang giấy đã ố màu thời gian.

 

CHÚ THÍCH :

 (1)    Nguyễn Du :

Rõ ràng trong ngọc trắng ngà

Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên

 (2)    Hồ Xuân Hương :

Yếm trúc chải cài trên mái tóc

Yếm đào trễ xuống dưới nương long

Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm

Một lạch đào nguyên suối chửa thông.

 (3)    Bích Khê :

Nàng ở mô ! Xiêm áo bỏ đâu đây

Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm

Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm ?

Nàng là hương hay nhan sắc lên hương ?

Lệ tích ngọc tích sắp hai hàng đũa ngọc

Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc

Vài chút trăng lay động ở làn môi.

 Chợ Lớn, 1991

(Rút trong bộ THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI)

THÁI DOÃN HIỂU

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513396

Hôm nay

2182

Hôm qua

2315

Tuần này

21333

Tháng này

220269

Tháng qua

121356

Tất cả

114513396