Những góc nhìn Văn hoá

Đôi điều cảm nhận về Mộng Hồ gia tập

Mộng Hồ” là biệt hiệu của Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm, sinh năm 1864, đỗ Thám hoa năm 1892, mất năm 1906. “Gia tập” trong văn cảnh này có nghĩa là biên tập gia phả.

Bài Tựa của Mông Hồ gia tập do chính Thám Hàm viết cho biết cụ Phạm Vũ Phác, đỗ Hương cống ngay khoa thi Hương đầu tiên của triều Nguyễn năm 1807, làm quan đến chức Tế tửu (như Giám đốc) Quốc tử giám, từng có biên soạn phả của dòng họ Phạm - Vũ, nhưng chưa hoàn thành. Vũ Phạm Hàm, theo lời cụ viết, “... đã tìm kiếm di cảo, khảo cứu thế hệ, lập thành phả đồ, bổ túc mà viết nên phả”. Cuối lời Tựa ghi niên đại viết là: tháng Tư, mùa Hè năm Mậu Tý. Trong cuộc đời 42 tuổi thọ của cụ Thám hoa chỉ có 01 năm Mậu Tý là 1888. Vậy là Vũ Phạm Hàm biên soạn quyển phả này khi mới có 24 tuổi! Thông thường làm phả là công việc của các bậc trưởng lão.

Bản gốc của Mộng Hồ gia tập, thủ bút của Tam nguyên Thám hoa, rất tiếc đã mất tiêu trong Cải cách ruộng đất, khi toàn bộ thư viện quý giá của gia đình Thám Hàm bị đội CCRĐ đem trưng bày ở chợ Đôn Thư để lên án địa chủ phong kiến. Bản chúng tôi xử lý là bản sao, do người con trai thứ hai của cụ Thám hoa là ông Vũ Phạm Thảng làm năm 1930 cho trường Viến Đông bác cổ. Khi Ban Văn - Sử - Địa được thành lập, trực thuộc Trung ương Đảng, thì các tài liệu liên quan đã chuyển giao về Thư viện của Ban, do đó trên trang thứ nhất của của Mộng Hồ gia tập đóng con dấu hình chữ nhật “Đảng Lao động Việt Nam – Ban nghiên cứu Văn - Sử - Địa – Thư viện”, hiện thời lưu trữ ở Viện Sử học.
 
Ở ngay cột chữ đầu tiên của bài Tựa, vị Thám hoa họ khẳng định cụ là hậu duệ của dòng họ Phạm - Vũ làng Đôn Thư: “Đôn Thư Phạm - Vũ thị phổ đồ”. Cuối bài Tựa lại ghi rõ: “Cháu đời thứ chín Hàm cúi lạy viết” – tức xác nhận mình nguồn gốc họ Phạm. Về ông nội Vũ Đăng Dương, Thám hoa họ Vũ cũng ghi rõ ràng: “Ông họ Phạm - Vũ, tên húy là Cát, về sau khi đi thi viên Thủ bạ viết họ là Vũ, húy Đăng Dương”. Chúng tôi không ngẫu nhiên nhấn mạnh điều này. Vấn đề là ở chỗ một số người họ Vũ mong muốn quy tất tật danh nhân mang họ Vũ xưa nay ở Việt Nam về một Thủy tổ Vũ Hồn, viên An Nam Kinh lược sứ (841 – 843) triều Đường, người từ Trung Hoa[1],nên đã hồn nhiên viết trên một [2]. Thực ra, theo bản “Họ Phạm - Vũ Đôn Thư –Biểu đồ 64 phân chi hiện hữu” do cháu đời thứ 12 Phạm Vũ Úy lập, thì - Phạm chỉ là một “biệt chi trong dòng họ Phạm - Vũ Đôn Thư”, mới hình thành được hơn 100 năm nay, từ khi cụ Hàm đỗ Thám hoa, tức từ năm1906, cũng như trong dòng họ này còn các biệt chi - Phạm và Trần - Phạm.
Về cội nguồn của dòng họ Phạm mình, Thám hoa Vũ Phạm Hàm, với thái độ nghiêm cẩn của các nhà Nho xưa khi làm phả, đã viết trong bài Lệ ngôn (thể lệ viết phả): “Tổ tiên dòng họ ta không biết từ đâu tới, cũng có lời truyền rằng từ Thanh Hóa ra, nay với [họ Phạm] Tế Tiêu[3]Đông Ngạc[4]lại cũng nhận là cùng họ, nhưng không có bằng cứ để khảo nghiệm cho nên không dám lấy làm đích thực” (chúng tôi nhấn, - VTK). Họ Phạm làng Đông Ngạc, nay thuộc huyện Từ Liêm, là một danh gia vọng tộc với 11 tiến sĩ, nhưng đến đời cụ Thám Hàm mới chỉ có “lời truyền”, mà lời truyền thì, theo cụ, “không dám lấy làm đích thực” để móc nối phả, e mang tiếng thấy sang bắt quàng làm họ. Riêng đối với làng Phương Trung cùng tổng, đời cụ Thám chứng kiến vẫn qua lại trong những dịp giỗ chạp, nên cụ khẳng định “đích xác là một chi phái gần”, “thực quả là những người trong một dòng họ[5],nhưng vì chưa tìm được phả, chỉ có những lời lược ghi theo lời truyền lại, nên cụ vẫn không ghi vào “Phổ đồ” do cụ lập cho dòng họ Phạm - Vũ Đôn Thư. Quả là một thái độ trung thực và cẩn trọng của Nho gia trong việc viết gia sử, đáng nêu gương cho những người cầm bút viết phả ngày nay! Ngót một thế kỷ sau, các hậu duệ của Thám hoa Vũ Phạm Hàm đã tìm được căn cứ để chắp nối phả với họ “Phạm Tam chi” làng Phương Trung, chép phả đồ dòng họ Phạm này ngược lên được 5 đời nữa trước vị Khởi tổ ở Đôn Thư, cộng với 9 đời trong “Phổ đồ” của cụ Thám là 14 đời, lại chép nối được 6 đời nữa đến tận ngày nay, tổng cộng là 20 đời, khoảng năm trăm năm (theo Phạm Vũ úy).,
 
Lý do xuất hiện chữ “Vũ”, tạo thành các họ kép “Phạm - Vũ” và “Vũ - Phạm”, Mộng Hồ gia tập cũng giải thích rõ ràng. Về Khởi tổ của dòng họ mình, Thám hoa Vũ Phạm Hàm viết: “Cụ Trực Hiền[6] họ Phạm” Đến đời thứ hai, con của cụ Phạm Trực Hiền là Phúc Trạch, được Triêu Ba hầu Vũ Khang Chính (cũng gọi là Cương Chính) nhận làm con nuôi, “bèn đổi sang họ Vũ, dọn đến ở xã nhà, đời sau noi theo đấy mà lấy Vũ làm họ, kèm thêm chữ Phạm”. Như vậy đời thứ hai là Vũ Phạm Phúc Trạch. Thám Hàm viết tiếp: “Cụ Triêu Ba hầu sinh con trai, đặt tên là Trực Tâm, bị chết sớm, nên lại nhận con trai của Phúc Trạch là Phúc Quý làm con nuôi”. Vậy là đời thứ ba là Vũ Phạm Phúc Quý. Và lý do đổi sang họ Vũ, lấy Phạm làm đệm (để khỏi quên cội nguồn!), đều là vì trả ơn nuôi dạy, chứ hoàn toàn không có quan hệ huyết thống, dù là về đằng mẹ như trong một số trường hợp khác. Từ đời thứ 4 trở xuống đến đời thứ 6 không thấy cụ Thám ghi họ gì trước tên húy các vị tiên tổ, đến đời thứ 7 là đời ông nội mình mới thấy Vũ Phạm Hàm ghi rõ: “họ Phạm - Vũ, tên húy là Cát”. Tuy nhiên vị tiên tổ ở đời thứ 6 mà Thám Hàm chỉ ghi: “Dư, tên cũ là Sùng, đỗ Hương cống khoa Đinh Mão [1807]” thì sách Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục ghi rõ ràng: “Phạm Đình Dư, người xã Đôn Thư huyện Thanh Oai”. Cùng đỗ khoa thi này còn có người cháu họ của ông Dư, cụ Thám cũng chỉ ghi: “Quyền, còn có tên là Phác, đỗ Hương cống khoa Đinh Mão [1807], làm quan đến chức Tế tửu Quốc tử giám” thì sách trên đây ghi danh tính đầy đủ là Phạm Vũ  Phác. Tuy khoa thi Hương năm 1813, do đầu đời Gia Long, sau cuộc nội chiến kéo dài hai chục năm với Tây Sơn, việc kiểm soát hộ tịch chưa chặt chẽ, em ruột cụ Phạm Đình Dư, lại lấy họ đi thi, đỗ Hương cống, danh tính ghi trong sách của Cao Xuân Dục là Đình Bách, nhưng trong “Biểu đồ 64 phân chi” vẫn chép cụ và các hậu duệ của cụ với họ Phạm - . Vậy là sau 4 đời mang họ - Phạm để trả ơn dưỡng dục, dòng họ này ở Đôn Thư đã lấy lại họ gốc của Khởi tổ Trực Hiền là Phạm, có chi đã thêm chữ đệm Vũ, thành họ kép Phạm - Vũ Đôn Thư, như Thám Hàm ghi ở cột đầu tiên trang thứ nhất của Mộng Hồ gia tập

Vậy tại sao chàng Nho sĩ Hàm đi thi lại ghi họ - Phạm? Đó là vì theo thể lệ thi cử xưa phải khai danh tính đến ông tam đại. Ông nội của Nho sĩ Hàm, như cụ Thám viết, khi đi thi Thủ bạ ghi danh tính là Đăng Dương, đã đỗ Hương cống nên cái tên với họ ấy đã ghi vào bảng Đăng khoa lục, rồi lại vào sổ Quan trường trải nhiều chức vụ đến Tri phủ, việc quản lý hộ tịch từ đời Minh Mạng về sau rất chặt chẽ, không thể tùy tiện đổi lại, nên cháu nội là Vũ Đăng Ngạn đi thi có thể đổi tên là Hàm, nhưng cái họ thì không được phép đổi, chỉ có thể lấy Phạm làm chữ đệm. Thế là cái họ kép Vũ - Phạm trong dòng họ Phạm làng Đôn Thư xuất hiện lần nữa ở đời thứ 9, và vì người mang họ ấy đã cao khoa hiển hoạn, nên từ đấy, 1906, hình thành một biệt chi “Vũ trong Phạm”, tính đến nay là 103 năm, còn nếu tính từ năm 1821 khi cụ Phạm Vũ Cát đi thi “Thủ bạ ghi” là Vũ Đăng Dương thì đã được 188 năm.
 
Cấu trúc thành phần của Mộng Hồ gia tập, ông Phạm Vũ Úy đã trình bày rõ trong Lời giới thiệu. Tôi xin nói về phương pháp viết phả của Thám hoa Vũ Phạm Hàm.
Tôi hoàn toàn đồng ý nhận xét tổng quát của PGS Chương Thâu mà ông Úy đã nhắc đến trong Lời giới thiệu: “Xét về phương diện gia phả học thì phương thức trình bày của sách Mộng Hồ gia tập này khá là tiến bộ thời bấy giờ”. Điều này thấy rất rõ qua bản lược đồ gia phả (“Phổ đồ”). Bản “Phổ đồ” của Vũ Phạm Hàm cho phép người đọc xác định nhanh chóng và chính xác quan hệ hàng nganghàng dọc trong gia tộc Phạm - Vũ. Chính vì vậy chúng tôi thấy cần thiết giữ nguyên bản “Phổ đồ” của cụ Thám bằng cách điền vào đó phiên âm Hán - Việt sau đó mới chuyển dịch sang một văn bản riêng bằng tiếng Việt, với một hệ thống mã bằng con số La - mã và La - tinh khá phức tạp, tuy cũng chính xác nhưng thua xa “Phổ đồ” của Nho gia Hàm về mức độ làm sáng tỏ quan hệ hàng nganghàng dọc. Nhìn vào “Phổ đồ” ấy, đọc theo hàng ngang từ phải sang trái, chúng ta có thể xác định được ngay các vị tiên tổ bằng vai nhau và thứ tự của họ trong gia tộc (ai trưởng, ai thứ, ai út); đọc theo hàng dọc, ta thấy ngay ai là con, cháu, chút, chít của ai. Đối việc viết phả, lập lược đồ gia hệ rất quan trọng cho sự miêu tả chính xác chi phái trong nội tộc, thế thứ và danh xưng của từng vị tiên tổ. Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy rằng tuy cha không đỗ đạt gì, nhưng chàng Nho sinh Hàm vẫn được thừa hưởng một truyền thống thi thư, khoa bảng nhiều đời trong gia tộc, dẫu chưa có người đỗ đại khoa, nhưng không thiếu Hương cống, Cử nhân, Tú tài, mà xưa kia “đè” 4 – 5 nghìn người trong một trường thi Hương khó không kém so với chuyện vượt lên trên chỉ vài ba trăm người trong kỳ thi Hội. Dựa vào “Phổ đồ” của cụ Thám Hàm, với trợ giúp của các sách tra cứu, chúng ta cũng dễ dàng tính ra, chẳng hạn, niên đại tương đối (+ 10) của từng thế hệ và dựa vào đó xác định niên đại tuyệt đối của một số vị tiên tổ cùng những sự kiện đề cập trong cổ phả - điều rất quan trọng đối việc khai thác một cách không lầm lẫn các thông tin từ những bản phả cổ
Việc không xác định được niên đại tương đối từng đời do không có phả đồ (hoặc người đọc không tự tái lập được phả đồ đó) có thể dẫn đến những nhầm lẫn rất phi lí về thế hệ và niên đại của sự việc như kiểu một số vị đời nay biên tập phả họ Vũ làng Mộ Trạch cho một vị tiên tổ trong họ mình nếu tính theo niên đại tương đối chỉ mới khoảng 3 tuổi là cùng, mà đã có con trai làm tướng tham gia năm 1460 vào vụ chém đầu bọn phản nghịch Phạm Đồn, Phạm Ban để phò tá Lê Thánh Tông lấy lại ngôi báu[8],hoặc như một vị tiến sĩ sử học nọ cho người sinh ra năm 1763 lại biên soạn quyển phả vào năm 1664, tức hàng trăm năm trước![9]
Chúng tôi nghĩ rằng phải chăng do có tiếp cận “Tân thư” nên Thám Hoa Vũ Phạm Hàm mới lập được một “Phổ đồ” tân tiến, với trục ngang và trục dọc chuẩn xác như vậy.
 
Phần phả ký trong không ít quyển gia phả, tộc phả ngày nay thường dông dài, ỷ cớ “tôn vinh” và mượn tiếng “lời truyền” cóp nhặt đủ thứ chuyện, sự thực ít mà bịa đặt nhiều. Về mặt này Mộng Hồ gia tập cũng là một biệt lệ. Trong Lệ ngôn, Thám hoa Vũ Phạm Hàm chỉ rõ: “Phàm các vị có đỗ đạt, sự trạng rõ ràng có thể thấy được, xin kính cẩn trích lục ở sau, còn như đã khuất xa, không được nghe truyền lại, thì nói chung đều lược bớt”. Chi tiết nhất trong Mộng Hồ gia tập, chiếm 25 / 58 trang, là “Tiên tổ hành trạng” viết về ông nội và “Tiên mẫu truyện” kể về bà mẹ đẻ. Về cha đẻ lúc ấy, 1888, khi chấp bút Mông Hồ gia tập còn tại thế, nên Vũ Phạm Hàm không viết gì, theo đúng truyền thống viết phả xưa là chỉ viết về những vị đã khuất thuộc đời trên mình.
Bài ký về bà mẹ đẻ là câu chuyện cảm động về bà Nguyễn Thị Lượng con nhà gia giáo – thân phụ bà cũng đỗ đạt, làm quan – đã xuất giá là hiến dâng cả đời cho chồng con, tần tảo bện nón rơm đem bán các phiên chợ Đôn Thư, một mình chèo chống, gánh vác toàn bộ giang sơn nhà chồng chẳng mấy dư dật để lang quân chuyên tâm dùi mài kinh sử. Hết nuôi chồng lại đến nuôi con ăn học, trước “khuyến khích” chồng “đi du học” (tức tìm đến thầy giỏi nơi xa nhà mà học), thì sau lại động viên con đừng nản chí trước thất bại đầu tiên: “ ta từng thấy nhiều vị tuổi cao còn bị hỏng thi, huống hồ con còn ít tuổi (năm đó Nho sinh Hàm mới 12 tuổi đã bắt đầu đi thi Hương!)”, và dẫu thương nhớ con trai còn nhỏ, vẫn cương quyết gạt thương nhớ sang bên (nguyên văn: “không dành chỗ cho thương nhớ”), không cho nấn ná lâu ở nhà mỗi kỳ về nghỉ tết nhất. Suốt đời Thám Hàm sẽ ân hận là đã để mẹ thốt lên những lời: “Ta mộng thấy có vị Thần ban cho một thứ quả quý rất đẹp sắp chín mà không chín được, không rõ sao lại như vậy, hẳn là ta không kịp thấy con thành đạt”. Vất vả lao lực và lo toan, bà mất năm mới có 46 tuổi, 2 năm trước khi con trai đoạt khoa danh Giải nguyên đầu tiên, đỗ đầu ở cả hai trường Hà Nội và Nam Định thi chung ở Thanh Hóa năm 1884.
Trong bài ký “Tiên tổ hành trạng” Thám hoa Vũ Phạm Hàm chẳng những ghi lại quá trình học hành, thi cử và làm quan của ông nội Vũ Đăng Dương mà ở mức độ nhất định còn tái hiện được “ảnh hưởng”, tức hình ảnh và âm hưởng của một Nho sĩ có khí phách. Khi còn dùi mài kinh sử thì thông minh nhưng phóng khoáng, đọc sách chỉ lướt mắt lược lấy ý, làm văn cũng không khổ tâm khổ tứ, vậy mà vẫn thi đỗ. Khi ra làm quan thì tỏ ra văn võ song toàn, cương trực và dũng cảm. Vốn mưu lược, lại cường tráng ,“bụng lớn như cái nia..., tóc dài đến gối, tay chân nhanh nhẹn, con ngươi to đen tuyền, khi ngủ thở ù ù như sấm động”, Tri huyện Đăng Dương dám một mình một côn xông vào giữa đám cướp hàng trăm tên, và chỉ với hơn chục lính lệ đã bắt chúng phải quỳ gối chịu trói. Nhưng khí phách của nhà Nho thanh liêm, uy vũ bất năng khuất này, bộc lộ đầy đủ nhất trong vụ Tri phủ Vũ Đăng Dương vạch mặt quan tham cấp trên là Hộ đốc (tức Phó tổng đốc) Ninh - Thái Phạm Thế Trung ăn chặn thóc gạo triều đình xuất kho lương cứu trợ cho dân đói. Đoạn văn này trong Mộng Hồ gia tập có lẽ là một trong những thiên phóng sự đầu tiên chống tham nhũng trong giới quan chức cao cấp, cũng là trận địa để ngòi bút của Tam nguyên Thám hoa tung hoành. Mượn lời thầy học là Phó bảng Phạm Hy Lượng, tác giả lột tả thực chất của cuộc đấu tranh chống tham nhũng là sự đối đầu một mất một còn giữa cá nhân trung trinh với cả một thế lực hắc ám: “Người ta thì thiên hạ ngửa trông miệng đón ý, cúi nhìn chân tránh đường, lại luôn luôn sẵn sàng vào hùa với nhau. Thế mà dám chọc giận mũi dùi đã chĩa ra, đối đầu với thế lực riêng đen tối! Quê ta quả là có một vĩ nhân như vậy đó!” Tấm gương khí phách của Tri phủ Vũ Đăng Dương hiển hiện sáng chói trong hành động đứng giữa tỉnh đường trực diện (tuy không chỉ tên) vạch trần sự ăn bẩn của quan tham họ Phạm trước văn võ bá quan: “Quan ăn nhiều là quan ô trọc – lời dân gian thô thiển nhưng thiết tha, chân thành về ý tứ. Bọn ta đều được nhận chức tước của triều đình, phải ngẫm nghĩ về câu ấy. Phàm những đồ ô uế, lũ chó lợn mới ăn. Người làm quan, thân đã vận gấm vóc, miệng nếm cao lương mĩ vị, mà sao mắt còn để vào những chỗ ô uế vậy?” Và ông chỉ rõ thế nào là “ăn bẩn: “Ăn cái không đáng ăn, rồi biến cong thành thẳng, thẳng thành cong, đúng thành sai, sai thành đúng, bóc lột đến tận xương máu kẻ khốn cùng để bỏ vào miệng vào bụng mình, sinh đủ ngón độc ác, cốt nuôi béo lũ thê thiếp. Những kẻ như vậy, sống lòng không trong sạch, không bằng loài chó lợn, nên dẫu thân xác không bẩn như chó lợn, thì vẫn không tránh được cái tiếng nhơ nhuốc”. Thiết nghĩ, những lời đanh thép ấy của của ông cháu Thám Hàm chống tham những vẫn còn nóng hổi hôm nay!
Gây áp lực không xong, cầu cạnh làm thân chẳng được, Hộ đốc Phạm Thế Trung mật thảo đơn từ, tận dụng “thế lực riêng đen tối”, lén lút gửi vào cơ quan Liêm phóng trong triều để vu cáo Tri phủ Vũ Đăng Dương.. Đến khi ông có Chỉ dụ gọi về Kinh kiểm tra thì hắn lại trì hoãn việc làm giấy tờ và giở giọng mật ngọt khuyên ông về quê dưỡng sức đã, đợi ra Giêng hãy lai Kinh, cốt lừa ông vào tội chậm trễ. Cây ngay không sợ chết đứng, Vũ Đăng Dương kiên quyết không giấy tờ cũng vào Kinh đối diện với các cơ quan khảo hạch của Bộ Hình và Nội các. Chân lý cuối cùng được làm sáng tỏ, Phạm Thế Trung bị cách chức, Tri phủ Dương được minh oan cho về quê chờ hậu bổ. Tuy nhiên, có lẽ hơn một năm hao tổn tâm trí và sức lực đã khiến vị quan vốn cường tráng, nổi tiếng thanh liêm và thân dân, đã qua đời ngay mấy tháng sau khi về đến quê nhà, hưởng dương 59 tuổi.
 
Mộng Hồ gia tập dẫu chỉ còn lại bản sao năm 1930, nhưng cả về nội dung, phương pháp biên soạn, tư cách của tác giả và văn phong, vẫn là một di sản quý hiếm trong kho tàng gia phả Việt Nam bị tàn phá quá tang thương ở thế kỷ đầy biến thiên vừa qua[10].
 
      Hà thành, tháng cuối Thu Kỷ Sửu 2009
Hậu học, Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi cẩn bút


[1] Căn cứ phát hiện khảo cổ học chúng tôi đã chứng minh điều này không phù hợp sự thực lịch sử. Xin tham khảo: Vũ Thế Khôi: Vũ Hồn có phải là người họ Vũ đầu tiên ở Việt Nam? – Tạp chí khoa học - Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, T. XX, số 01, 2004, tr. 30 - 35; cũng có thể tìm xem trên mạng Google, từ khóa Vũ Thế Khôi.
[2] Bản tin Khuyến học – Khuyến tài. – Hội đồng dòng họ Vũ (Võ) Việt Nam, quý II – 2008, tr. 45.
[3] Tế Tiêu – một xã trong tổng Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức lân cận, thuộc tỉnh Hà Đông cũ.
[4] Đông Ngạc – một xã ở phủ Hoài Đức, cũng thuộc tỉnh Hà Đông cũ.
[5] Cùng giỗ Tổ, cùng thăm viếng một ngôi mộ Thủy tổ theo truyền thống thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam là căn cứ đủ để đồng nhất “họ”, nhưng chưa đủ để xác định “hàng”, tức chi phái, thế thứ, và chắp nối phả. Xin tham khảo: Vũ Thế Khôi: Về bộ tộc phả họVũ Mộ Trạch - Đôi điều bàn lại với ông Alain Fiorucci. – Tạp chí Xưa & Nay, số 135, tháng 3 – 2003, tr. 18 – 20.
[6] Xin lưu ý rằng tất cả các tên kiểu: Trực Hiền, Phúc Trạch, Phúc Quý, Khang Chính, Cương Chính (dành cho các cụ ông) v.v… và Từ Nhân, Từ Ý, Diệu Thanh, Diệu Nhàn v.v… (dành cho các cụ bà) thường gặp ở các vị tiên tổ xa đời trong các quyển phả cổ chỉ là các tự hiệu, hoàn toàn không phải là căn cứ đủ để đồng nhất họ hàng.
[7] Về xác định niên đại tương đối và tuyệt đối trong phả cổ xin tham khảo: Vũ Thế Khôi: Khai thác thông tin từ một quyển phả cổ. – Tham luận khoa học đọc tại Hội thảo - Giao lưu “Gia phả Việt Nam, từ truyền thống đến hiện đại”, Bảo tàng Dân tộc học, Hà Nội ngày 12 – 13 / 05 / 2001, in trong sách: Vũ Tông Phan với văn hóa Thăng Long - Hà Nội. – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội 2001, tr. 310 - 318. 
[8] a/ Mộ Trạch, làng tiến sĩ. Vũ Huy Phú sưu tầm và biên soạn, Tăng Bá Hoành hiệu đính. – Bảo tàng Hải Dương, 1997; b/ Dòng họ Vũ (Võ) ở Việt Nam Xưa và Nay. Vũ Đình Đức chủ biên. – NXB Thanh niên, 2002.
[9] Vũ Duy Mền: Tấm bia ký lăng mộ ở Đa Căng, xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. – Thông tin dòng họ Vũ (Võ) Việt Nam, số Xuân Kỷ Sửu, 6 + 7 / 2009, tr. 20 - 23.
[10] Mộng Hồ gia tập được người con trai thứ của Vũ Phạm Hàm chép nối hơn hai chục năm sau, sau khi cụ Thám Hàm mất năm 1906, bằng bài “Tiên khảo sự thật ký”, cung cập nhiều thông tin chi tiết về cụ Tam nguyên Thám hoa, tuy nhiên cả về nội dung lẫn văn phong không thuộc trước tác của Tam nguyên Thám hoa, nên xin dành lại bàn vào dịp khác. - VTK

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513387

Hôm nay

2173

Hôm qua

2315

Tuần này

21324

Tháng này

220260

Tháng qua

121356

Tất cả

114513387