Những góc nhìn Văn hoá

Chiếc lư đồng mắt cua(*)

Trên mâm rượu tối ấy ở nhà ông bà Thông Phu, khói mỡ món ăn nóng đượm mùi lạnh của chia ly. Trên đống than hồng trong chiếc lư lấy ở bàn đèn chủ nhân ra, tôi rắc vào những vụn trầm Quảng Nam bốc trộm ở bàn thờ gia tiên lúc tạt về qua nhà khi ban nãy ở chợ rẽ về thăm lại vợ con. Cố làm ra bộ vui mà thỉnh thoảng Tâm vẫn thốt ra câu thơ ngâm với một giọng sầu nhớ mênh mông. Hai củ thủy tiên mua chịu, củ đơn đã mãn khai như muốn rầu cành úa lá và khóm kép hàm tiếu thì như càng muốn giấu kỹ trong cành hoa khép những giọt nước rầu rĩ tuôn.

Rượu nửa chừng, cao hứng, tự ý Tâm đem phách đã cất kỹ trong hòm da ra gõ. Trước ngày lên đường, Tâm đã định nghỉ hát. Nhưng lúc này Tâm ngà ngà rượu, tỏ ý say thêm đối với nghiệp, khổ phách gõ xinh hơn mọi lần, tiếng phách ròn vui như tiếng chim buổi sớm mai trong bụi cây. Trái với tiếng phách vui, giọng hát Tâm đượm mùi sầu xứ, mỗi hơi chuyển từ làn này sang làn khác là một giọng cảm động đầy tha hương thương nhớ. Và "chẳng biệt ly ai dễ biết chữ tình", phút này ngồi bên cạnh Tâm, tôi ngắm hai vợ chồng ông Thông Phu nhường nhau từng miếng gắp, tôi ngắm tôi, tôi ngắm Tâm, những thành kiến cũ của tôi trong tình trường đổ nhào hết. Cái đường giới hạn ngăn chia thế nào là một cái tình đối với con gái nhà lành và thế nào là một cái tình đối với con hát, sự phân biệt nhẹ nặng ấy đến lúc này nhòe lẫn hết. Tâm nhìn thẳng vào cái cây khói mọc từ lòng lư trầm lên cao độ một thước ta rồi mới kết xoắn lại như tán cây bàng, như một vòm cây nhãn bằng khói, Tâm nhìn làn khói mà hát, mắt long lanh, tiếng hát có tinh thần và nhiều chữ mở, nhiều hơi mớm rất thần tình. Giọng hát đẹp này vẳng lên vào một trường hợp cảm động lúc năm đã hồ tàn hình như đủ gột hết khỏi người Tâm tất cả nhưng bẩn thỉu trát vào kể từ lúc dấn thân vào nghề. Một giọng hát hay và run run nay là một bài kệ ngâm lên để rửa hết tội lỗi trong đời Tâm. Từ khi đi lại với Tâm, chưa bao giờ tôi cảm thấy tôi có thể lấy tình nhân đạo ra mà đãi ngang hàng đến bực ấy. Trước kia tuy có gần gụi, chia sẻ khoái cảm, nhưng vẫn có sự rẻ rúng ở trong. Tôi vẫn cho nàng là người của một thứ tổ chức luân lý khác hẳn. Trước cái thuần túy của đàn hát, nàng và tôi đang cùng nói chung một thứ tiếng của tâm hồn.
Đêm gần về sáng, Tâm đuổi tôi về cái nhà của tôi, nhất định không cho tôi đưa ra ga. Nàng dúi vào tay tôi một mẩu giấy:
- Em có làm được một bài thơ bốn câu. Gửi lại tặng tất cả quan viên tỉnh Thanh, thay một lời từ biệt. Em đi rồi hãy xem. Cả bác Thông và anh có muốn chữa thì chữa.
Nàng đi rồi, tôi đọc thơ. Thơ rằng:
Lộc Thánh cho ăn độ thế thôi
Phách xênh chị lại tếch xa chơi
Châu Thang của hiếm người càng hiếm
Chị đỉnh chung chi với lũ Hời.
Tâm lại dám xưng là chị! Và lại dám gọi những người ở đây là người Hời! Láo đến thế thì thôi.
Trước giờ giao thừa bước sang Tết năm ấy, tôi mò lên thăm ông Thông Phu, đưa ông xem bài thơ. Ông cười ngặt nghẹo, kêu Tâm là một "con bé quái quỷ, thế nào lũ Hời ở đây cũng có đứa đòi đánh".
Ông luận về Tâm:
- Con bé nó ở gần tụi mình, thành ra nhiễm phải cái khẩu khiếu khinh bạc. Tính nó lại vốn du côn sẵn. Mình vô tình lúc luận bàn thế sự với nhau, không ngờ lại cùng trau dồi cho nó cái sự khinh đời ngạo của. Anh e đời Tâm rồi không được trọn vẹn đâu chú ạ. Và cả bọn mình rồi cũng đến vậy. (...)
*
Cái hôm ông Thông Phu gọi cho tôi chiếc lư đồng mắt cua, tôi gợi đến cái lịch sử bí mật của nó mà hồi lành lặn còn nói được, có lần ông đã đả động đến: "à, để bao giờ tôi kể cho chú nghe câu chuyện chiếc lư đồng này thì hẳn chú phải thích lắm. Y như chuyện Gương vỡ lại lành trong tích cũ ấy". Bao giờ đây? Lúc chia tay ông cho tôi chiếc lư, lấy đầu lấy mắt ra hiệu, cái mồm co mím lại, tôi gợi đến cái câu ông nói ngày trước về chiếc lư ly kỳ, bỗng mắt ông Thông Phu sáng quắc lên để rồi lại tối đục lại ngay, bao nhiêu tấm tức lại hiện hết cả lên trong mắt. Tội nhất là ông vẫn hướng về phía chiếc lư mà bậm bẹ với vợ, tưởng như vợ có thể hiểu hết những ý nghĩ của mình ra hiệu cho nhau.
Tôi còn nhớ một lần, vì một lẽ bắt buộc tôi phải "đi" ảnh chung với một cô Tuyết hay cô Mai gì đó. Trốn mãi không được, lần ấy, trong tấm ảnh, tôi đã đứng, đã phải cười cho tươi ảnh theo một cái ý của "nàng" ngồi một chiếc ghế bành, tay cầm một cành huê giấy. Tôi đã lộn trở lại hiệu ảnh một mình, cho riêng tiền người thợ ảnh để lúc in xong nửa tá ảnh, họ đừng cho ngâm giấy ảnh vào chậu thuốc mạ giữ cho nước ảnh đừng bay. Không có nước mạ, những chiếc ảnh in lấy xong về, mỗi lần giở ra xem, gặp ánh sáng, lại tối dần xuống một ít. Rồi có một hôm, ảnh đen kịt lại không còn hình bóng một ai trong ấy nữa. "Nàng" vốn lại hay tin dị đoan, cho như thế là một điềm gở, đâm ra lo ngại. Tôi chỉ chờ có thế. Và cũng làm ra bộ mê tín, tôi đã bảo "nàng" rằng ảnh bay màu, còn độc hơn là gương vỡ mà nó đã điềm ra như vậy thì sao mà "chúng ta không sớm liệu mà buông nhau ra... mà thù nhau đi". Chúng tôi bằng lòng đoạn tuyệt lẫn nhau. Đêm cuối cùng đó, mời tôi đến nhà hát, nàng cho dọn một bữa rượu rất sang, nói trước là của mình dọn riêng để đãi bạn tình chứ không cho tôi được tính đến chuyện trả tiền như những kỳ hát trước. Ngồi uống rượu nhìn nhau, thấy nàng thành thực cảm động về sự chia rời, tôi cũng phải giả vờ bùi ngùi. Tất cả bấy nhiêu trò quỷ thuật tốn hơi sức thời giờ, chỉ vì cái lẽ rất giản dị là tôi không muốn lưu một cái ảnh của tôi trong một cái tủ chè nhà hát bên cạnh một cái vỏ chai sâm banh ngậm một đóa phù dung bằng giấy bóng đỏ. Bao nhiêu bạn tôi đã bị bày như thế ở giữa nhà hát rồi.
Tôi đã hèn nhát đến nỗi không có can đảm nhận một câu hỏi thăm của đào nương, một buổi sớm chủ nhật, trước cửa Gô-đa, vào một cái giờ mà phố Tràng Tiền ngựa xe như nước, áo quần như nêm, mỗi con người lượn qua đây là có cái bề ngoài của một trang giai nhân tài tử. Bắt gặp tôi là người quen cũ, nàng đã mừng rỡ vô cùng chạy lại chào và bắt đầu hàn huyên. Tôi đã có một bộ mặt lạnh như mặt người Ăng-lê, tỏ vẻ ngạc nhiên để cho nàng hiểu là nàng đã nhìn nhầm. Nàng luống cuống, mặt đỏ lên, xin lỗi rồi lủi mất vào đám đông. Rồi tôi lại còn kéo dài cái ý ác ấy vào luôn cái hiệu kia để xem nàng đang đánh ngã một chai nước hoa vỡ tung tóe trên mặt tủ hàng. Tôi đã có được bấy nhiêu tàn nhẫn chỉ vì nàng là một người cô đào xấu. Người đã xồ xề mà lại cứ thích mặc quần áo tân thời, cổ bánh bao bánh bẻ, định làm một người nộm quảng cáo một cách rất có hại cho một kiểu áo mới chăng? Định giật những bác họa sĩ phó may chăng? Một thời, gần nàng trong nhà hát, tôi vẫn nhận nàng là tốt nết rất quý tôi thương tôi, nhưng ở một nơi công chúng này, nàng đừng nên ra mặt quen tôi thì phải hơn. Cái đẹp lúc này còn cần quý hơn mọi cái nết làm người kia.
Tôi đã phụ đến cả cái chí tình của một người chủ nhà hát một tỉnh vùng xuôi. ấy là một đào nương đứng tuổi quý tôi như vàng, nâng niu tôi như ngọc, giữ tôi ăn ở với nhà hát cứ hàng tháng mà tiền nong thì không cần nghĩ đến. Nàng gọi tôi là ông, tôi gọi nàng là bà. Các con em thì gọi là cậu mợ. Nàng đã đưa tôi về quê chơi. Cũng nhà ngói, cây mít, ao trước vườn sau, có trâu có bò, có em giai làm lý trưởng. Nàng đã nhắc tôi nhớ đến những ngày giỗ bố giỗ mẹ nàng, và lắm lúc đã tính đến những chuyện về lâu về dài. Vậy mà một hôm tôi đã bỏ đi thẳng, đành từ chối cái tình già ấy, vì một buổi ngồi giữa nhà hát cho nàng đi chợ cân ngô cân gạo, tôi soi mặt vào gương tự nhiên thấy đôi lông mày mình cứ trắng dần mãi ra. Thế này thì ra tôi sắp làm chùm nhà hát đây à? Các con em đã nhất loạt gọi tôi là bác rồi.
Nửa tháng sau, tôi nhận được một lá thư của người cô đào già mở đầu như thế này:
"Tỉnh nhà Nam ngày...
" Kính gởi ông Cầm Quạt Tàu tay trái..."
Lẽ tất nhiên, trong lá thư, bà ta sỉ vả tôi hết điều.
Lại còn cho là xứng đáng, tôi đã cất kỹ bức thư tình đặc biệt đó và bất giác nhớ lại mấy câu thơ độc vận ngộ nghĩnh của một ông bạn đọc cho nghe với một giọng khôi hài.
"Mình có thương tôi phải lấy tôi.
"Lấy tôi mình phải kiếm nuôi tôi,
"Trăm năm tôi có điều chi nữa.
"Sênh phách mình khua để cùng tôi"
Nghĩ đến chuyện "Cái bà Hà Nam" tôi đã thoát được khỏi kia mà lắm lúc tôi cứ giật mình đánh thót. Nếu độ ấy, tôi cứ lần lữa mãi, sớm trưa ôm ấp một cái tình già, bà ta đẻ cho một mụn con thì rồi sẽ không gỡ được nữa, và có nhẽ đến phải lấy thân mà trả nợ đời cho ai, chẳng khác chi cái cảnh huống anh Bảo, một người bạn tội nghiệp của tôi.
Anh Bảo là một người viết văn, làm báo, tính tình phóng khoáng, bề ngoài cứng lạnh, nhưng gần anh lâu, mới biết anh là một người trong loài tình. Anh có quen một cô đào hát có danh phận. Cái cô Hường ấy có tài sắc, thực đã xứng đáng là người tình nhân của Bảo. Cứ đi sớm về trưa với tình mãi, một ngày nọ Bảo đã chính thức nhận Hường làm vợ lẽ. Thế rồi người vợ ấy mắc chứng lao, không thuốc thầy nào chữa được. Một ông lang ngoại khoa đã bày cho Bảo lấy máu dê sống mà chữa cho tình. Bảo đã mua đem xuống Chùa Mới một con dê, chọc cuống họng dê, cắm một cái ống cao su vào đấy. Một người giữ con dê dẫy chết, kêu be be, máu cổ chảy ra lênh láng dưới chân giường người ốm nằm cứ như dán xuống mặt chiếu hôi hám. Bảo thì nâng Hường nghển dậy, mồm ngậm một đầu ống cao su đã cắm sẵn vào cái lỗ thủng nơi yết hầu dê đỏ loang Hường mút máu dê ừng ực. Con vật bị xót quằn quại cuộc truyền huyết lâu độ 10 phút và những ngày sau, bệnh người vợ lẽ vẫn cứ một ngày nặng thêm. Cái điều đáng buồn nhất cho anh Bảo là nhà Hường vốn có lực, tuy lâu nay không dọn nhà hát, nhưng ăn tiêu thuốc thang trong nhà Hường vẫn sẵn tiền, Bảo không phải đưa đồng nào. Giá phải đứng vào cái địa vị lo chạy cân thuốc cho nàng, thì chưa chắc Bảo đã đầy đủ được cho hết bổn phận; nhưng tôi tưởng dẫu sao, như thế cũng vẫn còn thú hơn là người ta không cậy đến mình lo chạy một tý tiền gì. Thành ra mỗi ngày Bảo xuống. Chùa Mới, chỉ là một việc trình diện xuống và ngượng với tình. Hỏi thăm xong một câu, Bảo lại ra cái màn nhà ngoài nằm, để sáng ngày mai lại đi tàu điện lên phố để chạy tiền xe và lo riêng việc nhà bên kia cầu Bồ Đề là nơi vợ cả đóng. Trông thấy anh Bảo cứ tíu tít lên vì chuyện vợ lẽ vợ cả, bây giờ không viết lách gì nữa, tôi càng thêm nghĩ. Một cái ngòi bút trước kia dùng để chiến đấu, để chứng tỏ một điều gì, để khóc thương một cái gì ở cuộc đời này, cái ngòi bút ấy bấy giờ han dỉ rồi và nếu có dịp được cắm vào họng bình mực thì anh Bảo chỉ có viết thư tình, viết văn tự và biên bông mua chịu thực phẩm. Mấy cuốn sách tôi đưa cho anh đọc, không rõ anh có mở đến trang sách không; nhưng lúc anh đưa trả lại thì giữa những trang sách, thỉnh thoảng lại có vài sợi tóc đàn bà dính vào và bìa thì vết trôn đít bát in những vòng hoen ố. Ngửi, thấy có mùi thuốc bắc. Tôi biết Bảo, không thể gọi là sơ giao được nhưng chưa bao giờ tôi tìm đến nhà anh. Một lần xuống Chùa Mới, qua nhà Hường, mấy ông bạn cùng đi chơi bèn rủ tôi vào thăm Bảo.
Đã hơi khuya. Trong nhà, một ngọn đèn hoa kỳ. Có bạn đến, Bảo vội bật đèn điện. Bao nhiêu cái mệt mỏi của gian phòng có người ốm nằm trong kia đều hiện lên dưới cái ánh sáng bóng đèn điện mười nến vàng cành cạch. Một cái ván ngựa đầy bụi không có chiếu phủ. Đây là cái giường mỗi ngày Bảo vẫn ngủ để cạnh người ốm. Chiếc đồng hồ trên vách, quả lắc vẫn chạy tích tắc, nhưng tôi có cái cảm giác kinh hãi rằng thời gian ở đây đã bị bó cứng chắc lại. Chúng tôi nhắp một chén trà tàu không có hương vị gì, hơi lấy làm lạ, vì xưa nay Bảo là người sành và khó tính về việc uống trà.
Có người hàng xóm vào gọi ông cụ đẻ ra Hường đi đàn. Ông cụ tìm cây đàn đáy dựng sau một lá màn vải sô một cái bàn thờ ma mới. Mẹ Hường vừa chết, chưa tới kỳ giỗ đầu. Bảo xưa nay vốn chải chuốt trong phục sức, lúc này mặc chiếc sơ mi dét xanh kẻ ô vuông tay hở khẳng khiu. Quả là dáng điệu một anh kép nghiện một gánh tuồng cải lương rạp ngoại ô. Tôi thấy cả cái nhục luỵ và tồi tàn của một kiếp sống. Rồi tôi mới nhận ra Bảo là một người có can đảm. Một buổi tình cờ đặt chân vào nhà, vợ hai anh, tôi đã hiểu Bảo hơn là một khoảng bảy tám năm vẫn gặp anh để bàn luận về văn thơ cùng nghệ thuật. Ra về, tôi nghĩ bụng rằng nếu sau này, đến cái lúc ngòi bút ngứa ngáy của tôi có xui tôi viết một cuốn tình sử Việt Nam, thì tôi phải mượn câu chuyện tâm sự của Bảo và Hường dựng làm một thiên mở đầu.
Người vợ bé của Bảo đã chết vì bệnh lao. Bảo đã nhờ một anh bạn thân đảm bảo cho mình đi thuê chịu một cỗ xe đòn đám ma hạng nhất, bánh cao su, bốn ngựa. Từ xa trở về kinh thành gặp Bảo, tôi thấy anh tóp đi nhiều. Tôi đã không chia buồn cùng anh và còn thành thực mừng cho anh nữa. Anh không tỏ vẻ giận. Hai đứa tôi bèn uống rượu, nhắc đến một vài tên người bạn quen trong cái đám tình chủng.
Cái tết một năm vừa rồi, một suýt nữa thì tôi lại
bỏ nhà.
Buổi sớm ba mươi ấy, tôi đã nhận phần giữ nhà cho ông bạn, để cho ông được yên trí mà về quê lễ nhà thờ tổ và được hầu gần dưới gối cụ cố bà trong mấy ngày Nguyên Đán. Ông bạn đã dặn đầy tớ mọi việc phải làm trong lúc đi vắng. Không tin ở cái ý định của tôi, ông hỏi gặng lại:
- Nếu anh không ở Hà Nội, phải về Thanh ăn Tết thì từ giờ đến trưa, anh phải cho tôi biết để tôi tìm ngay ông bạn khác canh nhà dùm cho vậy. Từ ngày tôi góa vợ, giang hồ nó quen nết đi rồi. Nhưng anh thì còn chị ấy, các cháu và các cụ, phải về chứ. Tôi mấy năm cũng không về quê, tuy từ đây về nhà chỉ có không đầy ba chục cây số. Năm nay, cố tôi nhắn người làng ra bảo thế nào cũng phải về. Giờ tôi đi Phòng. Tôi sẽ lại có mặt ở đây để sớm mai về quê sớm mừng tuổi mẹ tôi. Thế anh nhất định như thế nào?
- Không, tôi không muốn về nhà.
Ông bạn ra ga. Tôi tu hết nửa chai rượu, ngủ ngay. Rồi có người lay tôi dậy. Mở mắt ra, thì giờ đã về chiều, tai đã nghe thấy tiếng pháo vài nhà cúng sớm thỉnh ông bà ông vải về. Ngần - một cô đào Khâm Thiên tôi quen hồi gần đây - chỉ hai cái bồ con nàng đặt giữa nhà.
- Em về quê đây anh ạ. Lên chào anh. Và nếu anh sẵn tiền, em lấy một ít mang về quê tiêu thêm. Chuyến đầu tháng này, bốc mả cho thầy em, tiêu nhiều quá. Giờ về, lại đến lượt lo việc phó lý cho chú tư nó, cũng lại mất năm bảy chục khao là ít. à, anh chưa xem ảnh đứa con của em đấy nhỉ.
Ngần ngồi tỉ tê kể nỗi gia sự, bên cạnh có một cái liễn da lươn đựng trầu không cây vỏ.
- Biết các anh hay ăn trầu, em mua lên biếu cả liễn này. Cả dao bài và ống vôi nữa. Để em têm sẵn cho độ trăm miếng, tết có khách khứa khỏi chạy đi mua lẻ. Mà ai đã dọn hàng nước ngay trong mấy hôm tết!
Tôi đứng dậy, lục đôi bồ của Ngần. Pháo. Rượu mùi. Hoa giấy trang kim cắm bàn thờ. Một gói cà cuống đồ. Pháo hoa cải cho trẻ con chơi. Giầy, dép, guốc, lê táo. Và cảm động nhất là ba bộ đài gỗ đựng chén rượu, sơn son, có nắp cùng với một cái bài vị cạnh thếp vàng. Chưa bao giờ, tôi lại tưởng tượng được cái lòng một người cô đào sống cuộc đời giang hồ trôi rạt vô thường mà lại có thể chu đáo đối với gia đình, thiết tha với thân quyến, với một cái Tết ở quê hương nặng đến bực ấy. Mình vẫn tự xưng là một người của xã hội lương thiện, là một đứa con trưởng có một gia đình ngăn nắp mà sao đối với nhà, với thân quyến, mình lại hững hờ đến nỗi cố tình không trở về, trong mấy ngày vui này. Thế này thì ra tôi hỏng quá rồi, và cái chữ hiếu trào phúng thay! - Lại tìm được thấy ở cái đám son phấn lầu hồng. Tôi bèn đổi ý kiến. Sớm mùng một Tết, tôi ra tàu về nhà, sau một đêm giao thừa uống rượu say với ông bạn và đi xe giờ cho hết đêm ở ngoài phố, xem thiên hạ đón cái xuân sang. Vào cuối giờ giao thừa, Xuân năm mới đã đến với tôi giữa phố Hàng Bông Niệm bằng hai cô con gái nhà lành đi hái lộc về, tóc thề rủ xuống lưng áo màu hoa đào. Lòng tôi vui nhẹ tin rằng cái năm mới lẽ lành lắm, với cái triệu hai chị em xinh tươi hồn nhiên lương thiện vừa gặp kia. Ngồi trên con tàu về nhà, tôi nghĩ mà lại cảm ơn thầm đôi cái bồ của Ngần đựng đồ sắm Tết. Không có Ngần với hai cái bồ ấy thì cái Tết này, tôi lại vắng nhà nữa, để cho bao nhiêu người nhà tủi phiền một cách vô ích.
Tháng giêng ăn Tết ở nhà, tháng hai tôi trở ra Hà Nội với cái ý định là phải lập lại cuộc đời. Làm lại mãi. Lập nữa, và thề không bước chân vào nhà hát nào nữa.
Nhưng một buổi sớm mùa xuân, vừa bắt nghe một hồi còi mười giờ ở quãng Ngã Tư Sở xong, thì từ cửa một nhà hát mở, người réo to đến tên tôi.
- Hãy dừng lại. Vào đây có người hỏi cái này đã.
Tôi lại bước vào cái nhà hát xộc xệch ấy. Kìa, Nhẫn, một cái tình cũ, diện sắc vẫn không khác gì mười năm xưa, hồi nàng còn hát ở xóm Cửa Hậu, Thanh Hóa. Trông mặt nhau cả cười, nàng hỏi tôi có còn ở Thanh nữa không.
- Thế Nhẫn bây giờ ở Hà Nội à? Từ bao giờ?
- Bây giờ không là Nhẫn nữa. Là Xuyến kia. ở Hà Nội đã ba năm nay, sau mấy năm nay, sau mấy năm ở Hải Phòng. Cái hồi em bỏ Thanh Hóa lánh về Phủ Nghĩa, anh về tìm, em có biết. Giá được gặp anh cái hồi lùi về nhà quê đó, thì em cũng chả đến nỗi phải lần mò ra Phòng - cái nơi đồng chua nước mặn ấy mà làm gì.
Gặp lại Nhẫn - à Xuyến - cái cảm tưởng đầu tiên của tôi là sự ái ngại. Khốn nạn, bao nhiêu năm trời đi danh khôn danh khéo, bán cười cho thiên hạ mãi, để bây giờ vẫn là cô đào, và lại là một cô đào ở Ngã Tư Sở. Tất cả những phong vị tỉnh Thanh bỗng sống lại trong đời tôi. Tiếng kèn lính khố xanh tập thổi trên mặt thành Thanh Hóa. Tiếng xe cút kít những kỳ phiên chợ, và hình ảnh một vài người bạn chết. Tôi nhớ lại cái hồi đi từ Thanh ra Nam, rồi lại đi tầu thủy từ Nam về Phủ Nghĩa tìm Xuyến nà không gặp, tôi đã bâng khuâng đau khổ như thế nào.
Chốc lại gặp cố nhân, tôi lại đành phụ nhời ước tự tôi hẹn với tôi lúc đầu năm là lập lại cuộc đời mình. Và lấy cớ là phải trung thành với những kỷ niệm cũ, dăm bảy ngày tôi lại xuống nhà Xuyến một lần, rủ cả em bạn xuống, kể những đoạn tình xưa cho họ nghe, rồi ăn cơm uống rượu, để tàn cuộc rượu thì mình lại càng chán mình hơn những năm cũ. Những lúc vui đùa, các bạn tôi đều gọi Xuyến là "cô Phủ Nghĩa". Mấy người bạn thân hay nhập vào những cuộc vui ấy của tôi, mỗi lần thấy vắng bên mâm cơm của anh em ở nhà, nhắc đến tôi, lại bảo nhau: 
- Thằng cha ấy, hôm nay có lẽ lại đi ăn giỗ dưới Phủ Nghĩa.
Mùa xuân cái năm đã thề không đi hát mà lại cứ xuống nhà hát như thường ấy đã hết, để một đêm bắt đầu sang hè, tôi lại ngồi cạnh Xuyến ốm nặng. Nhà nhiều muỗi. Xuyến bảo tôi vào trong màn. Nằm cạnh Xuyến ốm, đầu giường và quanh giường là bát thuốc chai thuốc và quần áo bẩn vừa thay ra, tất cả một thời kỳ làm bạn với ông Thông Phu - cái người tặng tôi một chiếc lư đồng cổ - và trông nom ông ốm ngày xưa ở Thanh Hóa lại vụt hiện về trong đầu tôi.
Tôi đã ngồi nhổm dậy, nhìn Xuyến vừa uống xong chén thuốc bắc, chợp mắt ngủ. Bó gối dưới chân giường, tôi lặng ngắm những cấn thuốc bắc đọng nơi đáy bát đàn. Trên nắp một cái hòm da đen là vật tùy thân không rời Xuyến một bước, một chai nước chanh mở sẵn nút và một quả cam Sìu Châu chưa bổ, lần vỏ tươi có ánh đèn con soi vào. Người Xuyến bé mỏng hẳn đi, dán sát xuống chiếu. Nhìn Xuyến thở rất khó khăn, không rõ vì liên tưởng gì mà tôi đã nghĩ đến cái việc anh Bảo thuê chịu xe tang đưa chôn người vợ bé ở Chùa Mới ngày nọ.
Gần sáng, lúc thắt lại cà vạt ra về, tôi đập khẽ Xuyến dậy:
- Xuyến là người bên lương hay bên giáo.
 
(Theo bản in của Nxb. Văn học - Hội nghiên cứu giảng dạy văn học Tp. Hồ Chí Minh, 1989)
 
Nguồn: Ca trù nhìn từ nhiều phía, Nguyễn Đức Mậu tuyển chọn, giới thiệu, Nxb Văn hóa Thông tin, H. 2003
    


(*) Trích.
(**) Nguyễn Tuân (1910 - 1987), quê Hà Nội, tác giả Chùa đàn, Chiếc lư đồng mắt cua, Vang bóng một thời...

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513433

Hôm nay

2219

Hôm qua

2315

Tuần này

21370

Tháng này

220306

Tháng qua

121356

Tất cả

114513433