Những góc nhìn Văn hoá
Giải mã truyện Tây du (kỳ 2)
Đường Tăng vẫn còn đang thỉnh kinh, dù đã thỉnh kinh xong rồi từ vạn cổ. Vậy cuộc thỉnh kinh đi về phương trời nào viễn xứ? Nên ta thử hỏi lớn tiếng rằng Đường Tăng! Anh là ai? Cũng là ta hỏi chính ta đó thôi. Mỗi người trong chúng ta đều là Đường Tăng. Mỗi thời đại của quá khứ, hiện tại và vị lai đều có Đường Tăng, đều vẫn đã, đang, và sẽ còn tiếp tục thỉnh kinh. Đọc Tây Du nhưng chẳng phải đọc Tây Du, mà là đọc lại chính ta đó.
Đường Tăng! Anh Là Ai?
Năm mà một
Tây Du Ký là câu chuyện trường thiên về hành trình qua phương Tây thỉnh kinh của năm thầy trò: Tam Tạng, TềThiên, Bát Giới, Sa Tăng, và con ngựa trắng.
Thông thường, người ta sơ ý, chỉ kể có bốn, quên đi con ngựa, nguyên là con rồng ngọc (ngọc long), thái tử thứ ba, con của Tây Hải Long Vương Ngao Nhuận. Quên kể đến ngựa rồng, phải chăng vì vai trò đỡ chân cho Đường Tăng của Ngọc Long Tam Thái Tử hình như có vẻ lu mờ? Hay quên kể, vì không thấy ở Tây Du Ký tản mác ẩn ngữ nơi này, rải rác ẩn dụ nơi kia, mà ngòi bút của Ngô Thừa Ân đã ung dung viết như giỡn chơi, như bông đùa, mà ý hàm tàng thì rất thực. Và nên hiểu chỗ thực trong cái hư của Tây Du Ký, nét nghiêm trang trong vẻ bỡn cợt của Ngô Thừa Ân như thế nào?
Tây Du Ký là truyện xuất thế gian, do đó không có dấu ấn của Nho Giáo, vì Nho Giáo về cơ bản là đạo nhập thế, thuộc phạm vi hình nhi hạ học mà ngày nay Cao Đài gọi là ngoại giáo công truyền.([1])
Đọc Tây Du mà bảo Ngô Thừa Ân có cái gọi là tư tưởng chống Trời, chống thiên tử, tức là đã quên đi ngay từ ban đầu câu chuyện xuất gia, thỉnh kinh vốn đã hàm ngụ ý ngoại thế gian pháp.([2])
Tây Du nào có chống ai đâu, vì Tây Du là câu chuyện ngụ ngôn, đem chuyện thỉnh kinh để diễn bày tư tưởng thiền học giải thoát trong đạo Lão, đạo Phật, thuộc phạm vi hình nhi thượng học mà ngày nay Cao Đài gọi là nội giáo tâm truyền.([3])
Muốn đọc Tây Du, hiểu Ngô Thừa Ân, cần thiết biết đọc giữa hai hàng chữ, nắm lấy bốn chữ ý tại ngôn ngoại.([4])
Như chép ở kinh Viên Giác, Phật bảo lấy ngón tay chỉ trăng, nếu đã thấy mặt trăng thì có thể biết rằng phương tiện để chỉ trăng rốt cuộc chẳng phải là mặt trăng. Trang Tử khuyên: “Có nơm vì cá, đặng cá hãy quên nơm. Có bẫy vì thỏ, đặng thỏ hãy quên bẫy. Có lời vì ý, đặng ý hãy quên lời.”
Thế thì, vượt lên trên mọi hư cấu văn chương của Tây Du Ký với tài hý lộng chữ nghĩa của Ngô Thừa Ân, cuộc thỉnh kinh của Đường Tăng thực chất là chi? Đường Tăng là ai đó? Nước Thiên Trúc với chùa Lôi Âm ở đâu?
Sẽ là sửng sốt nếu nói rằng Đường Tăng vẫn còn đang thỉnh kinh dù đã thỉnh kinh xong rồi từ vạn cổ. Tề Thiên đã hàng phục xong thiên ma vạn quỷ, đã cởi được kim cô niệt đầu, đã được Phật Tổ tán thán là Đấu Chiến Thắng Phật ở giữa bửu điện trang nghiêm của chùa Lôi Âm, nhưng Tề Thiên vẫn còn đang và vẫn sẽ còn tiếp tục vất vả đánh nhau với yêu tinh ma quái. Mãi mãi cuộc chiến đấu vẫn chưa xong. Tề Thiên nào đã thành Phật? Tề Thiên nào chưa thành Phật? Yêu ma nào đã quy hàng? Yêu ma nào còn chưa ngừng dấy động phong ba? Nước Thiên Trúc với chùa Lôi Âm không ở về phương Tây, và cũng không phải là một địa danh trên bản đồ kim cổ. Vậy, cuộc thỉnh kinh đi về phương trời nào viễn xứ?
Nên ta thử hỏi lớn tiếng rằng: Đường Tăng! Anh là ai? Câu hỏi ấy phải chăng xấc xược? Sao lại dám xưng hô với Đường Tăng là... Anh? Ta cứ hỏi nữa: Đường Tăng! Anh là ai?
Cũng là ta hỏi chính ta đó thôi. Mỗi một người trong chúng ta đều là Đường Tăng. Mỗi thời đại của quá khứ, hiện tại và vị lai đều có Đường Tăng, đều vẫn đã, đang và sẽ còn tiếp tục thỉnh kinh. Cuộc thỉnh kinh chính là hành trình đầy trắc trở của mỗi người trong chúng ta truy tầm chân lý, tìm cái mà Lão Tử gượng cho là Đạo, gọi tên là Xích tử chi tâm, Phật mệnh danh là Bổn lai diện mục,([5]) và Cao Đài ngày nay bảo là Nhân bản hay Thượng Đế tính,([6]vốn dĩ đã sẵn tàng ẩn trong mỗi con người.)
Đi về đâu để có được chân lý đó? Thiên Trúc ư? Hà xứ tại? Thưa rằng nước Thiên Trúc ấy nào có đâu xa và con đường thỉnh kinh cũng chẳng phải là hành trình từ phương Đông qua phương Tây diệu vợi. Vương Dương Minh bảo: Vũ trụ là tâm ta, tâm ta là vũ trụ.([7]) Ngô Thừa Ân ám chỉ: Thiên Trúc là thân ta, thân ta là Thiên Trúc. Kinh báu chùa Lôi Âm là hình ảnh tượng trưng cho chân lý, nó nằm trong tự thân nội thể con người. Cuộc thỉnh kinh vì vậy là con đường quy hướng về nội tâm của mỗi người, là hành trình phản tỉnh nội cầu, quay lại nhìn vào chính nội thân của mình, tìm thấy trong chính ta cái chân lý: Người là một thiêng liêng tại thế, cùng với Trời đồng thể linh quang.([8])
Do đó phải nói rằng bộ phim Tây Du Ký hai mươi lăm tập của nữ đạo diễn Trung Quốc Dương Khiết đã rất tài tình khi nhạc mở đầu cho phim là bài hát Con đường nào ta đi... Con đường thỉnh kinh là đường trở về nội tâm. Trên con đường cô đơn đó, ta là Đường Tăng, và ta cũng là Tề Thiên, Sa Tăng, Bát Giới, long mã. Như vậy cuộc thỉnh kinh phải bắt buộc đủ bộ năm thầy trò. Thiếu một là không được! Nhưng năm mà một: là một con người với năm phương diện.
Long mã
Con ngựa mà vua Đường cấp cho Đường Tăng bắt buộc phải chết đi, để đem thay bằng ngựa thần, ngựa rồng. Ngựa là xác thân. Ngựa thần là xác thân cương kiện. Một tinh thần minh mẫn trong một xác thân tráng kiện. Con người đi tìm chân lý, tìm Đạo, cần có xác thân vững vàng, khỏe mạnh. Không có ngựa tốt thì Đường Tăng không tới được Lôi Âm. Người mà thể xác bịnh hoạn, tinh thần ươn hèn thì làm sao có thể quyết tâm chiến đấu để đạt tới chân lý, đạt Đạo?
Sa Tăng
Sa Tăng là tánh cần cù, nhẫn nại. Ngô Thừa Ân bắt Sa Tăng phải nhọc nhằn gánh hành lý là lẽ ấy. Tề Thiên mấy bận giận thầy, mấy phen đào nhiệm, từng quay về Thủy Liêm động quê xưa; Bát Giới nào có thua, đã trăm lần ngàn lượt cứ lẻo nhẻo đòi chia của, rồi mạnh ai đường nấy, chàng về cố thổ lấy vợ cho xong. Chỉ riêng có Sa Tăng suốt cuộc hành trình thiên ma bách chiết, vào yêu ra quỷ, một lòng một dạ quảy hành trang tiến tới. Không một lời thối lui. Không một lòng biến đổi. Sa Tăng là hình ảnh của tinh tấn, trì thủ, tâm bất thối chuyển. Dù khó khăn đến đâu, đã quyết rồi, thì cứ đi tới. Khí giới của Sa Tăng vì thế là bảo trượng có đầu dẹp và bén nhọn, để mà dễ dàng găm chặt vào, ghim chặt vào. Chí đã định rồi thì không biến đổi, lòng đã quyết rồi thì chẳng chuyển lay. Pháp danh của Sa Tăng vì thế là Ngộ Tịnh 悟 静 , tịnh để mà khắc chế cái động, cái chưa thanh tịnh; tịnh để mà kham nhẫn, chịu đựng.
Bát Giới
Bát Giới là tánh tham. Tham ăn, tham ngủ, tham của, tham sắc và tham nịnh nọt cho được lợi về mình. Khí giới của họ Trư vì thế phải bắt buộc là đinh ba, là cào cỏ, để mà vơ vào cho nhiều, cho vừa lòng tham dục. Bát Giới là sự tập hợp những bản năng rất vật dục và tầm thường nơi con người. Có lẽ vì thế mà pháp danh của chàng là Ngộ Năng 悟 能 .
Tề Thiên
Tề Thiên là trí, lý trí. Bộ phim Tây Du của nữ đạo diễn Trung Quốc Dương Khiết cho thấy đạo diễn dường như đã hiểu được vai trò quan trọng của Tề Thiên. Lý trí phải dẫn dắt, phải soi đường cho hành động. Thế nên, trong phim, luôn luôn vai Tề Thiên đều đi trước, để dẫn đầu mấy thầy trò.
Lý trí ưa nổi loạn, ngang tàng phách lối, chẳng chịu thua kém nhường nhịn ai. Cho nên Tề Thiên coi mình to ngang với Trời (Tề Thiên 齊 天: Ngang bằng Trời), và muốn lên trời xuống biển, quậy phá đều làm được tất, không chút đắn đo, chẳng hề ngần ngại. Đối với Trời vẫn tự xưng “Lão Tôn” là tánh kiêu căng. Trước mặt Ngọc Hoàng vẫn nghinh ngang, đứng xổng lưng không chịu quỳ, ăn nói lôi thôi bất kể tôn ti trật tự, đó là tượng trưng cho đầu óc duy lý của những người muốn phủ nhận Thượng Đế.
Lý trí ưa phân biện, cho nên Tề Thiên mới có con mắt lửa tròng vàng, nhìn một cái là thấy rõ bản chất và hiện tượng, biết ngay ai đúng là căn Tiên cốt Phật, ai đậy che dáng quỷ hình ma. Lý trí cũng thích đả phá, ưa đả kích, cho nên khí giới của Tề Thiên phải là thiết bổng (gậy sắt), để mà đập phá. Pháp danh của Tề Thiên vì thế là Ngộ Không 悟 空 , không (sunyata) để mà siêu vượt lên mọi đối đãi của thế giới sắc tướng và thế giới phi sắc tướng.
Lý trí, tư tưởng đã suy xét, đã vận động thì ôi thôi, thiên biến vạn hóa. Cho nên thiết bổng của Tề Thiên khi nặng thì nặng vô cùng, mà lúc nhẹ thì nhẹ hơn mảy lông, muốn to nhỏ ngắn dài tùy ý, nhét gọn lỗ tai cũng xong, thế nào cũng được. Đó cũng là tư duy, ngôn ngữ, lý lẽ của con người. Hay cũng nó. Dở cũng nó. Bóp méo, vo tròn đều được cả. Đó vốn là nghề của chàng.
Lý trí vì những thuộc tính như thế nên cần thiết phải được uốn nắn luôn luôn cho hợp với kỷ cương, khuôn phép. Tề Thiên bởi vậy mà phải đội kim cô. Tuy nhiên, khi về tới chùa Lôi Âm, thành Phật rồi, không cần cởi, vòng kim cô tự lúc nào đã biến mất. Cái trí con người khi đã thuần dưỡng thì không cần kỷ luật nó vẫn vận động đúng. Giống như trẻ con mới đi học, tập viết phải có giấy kẻ hàng đôi, đến chừng lớn lên viết giỏi rồi, giấy chẳng vạch hàng kẻ ô vẫn dễ dàng viết ngay ngắn.
Cái trí của con người còn có một đặc điểm là xẹt rất lẹ, phóng rất nhanh, cực nhanh. Ngồi ở Sài Gòn mà có thể lan man nghĩ ngợi tới tận đâu đâu, như chu du năm châu dạo cùng bốn biển; chuyện mấy chục năm quá khứ, chớp mắt một cái là cả cuốn phim dĩ vãng trường thiên vùn vụt hiện về. Diễn tả ý này, truyện Tây Du bảo Tề Thiên có được phép cân đẩu vân, “mỗi cân đẩu vân đi được mười vạn tám nghìn dặm”.([9]) Con số 108.000 dặm ngoài ý nghĩa tượng số học ([10]) còn nhằm ám chỉ tốc độ khủng khiếp của tư tưởng con người.
Tề Thiên còn tượng trưng cho cái ý phàm. Đặc điểm của nó là gì? Đức Cao Đài Thượng Đế dạy: “Ý lại tư tưởng việc vất vơ quấy quá. Mà nhứt là ý, là mối hại cho con người. Nó tư tưởng sự này sang sự nọ, chuyện ấy hết đến chuyện kia. Nó xẹt vô nhảy ra lẹ làng không chi ngăn đón nó đặng, nên mới cho nó là đứa trộm tài nghệ, xách món này, lấy vật nọ mà trước mắt muôn người có ai thấy.” ([11])
Lấy thí dụ dễ hiểu, có kẻ gặp phụ nữ xinh đẹp, liền nảy lòng ham muốn, ngầm đem bụng quyến luyến. Đó là đã lén sinh ý “ăn trộm” chút ái tình rồi. Hiểu như thế sẽ lãnh hội vì sao trong Tây Du Ký Tề Thiên là tay tổ ăn trộm, nhiều lần trổ tài đạo tặc chiếm bửu bối của cõi trời, cõi người, và cõi quỷ. Chẳng hạn, mới vào Hồi thứ Năm Tề Thiên đã mau lẹ ăn trộm sạch đào tiên chín trong vườn Tây Vương Mẫu, chôm chỉa luôn năm bầu kim đơn của Thái Thượng Lão Quân ở cung Đâu Suất, và bốn hũ quỳnh tương trong cung Diêu Trì. Hồi thứ Hai Mươi Bốn, chính miệng Tề Thiên cũng tự khoe với Thổ Địa thành tích ăn trộm ấy.
Đường Tăng
Đường Tăng là con người có lòng từ bi, nhân hậu, bao dung, có quyết tâm tu hành vượt qua muôn vàn cám dỗ. Truyện Tây Du chưa lột được cái đấu tranh ghê gớm của Đường Tăng ở Tây Lương nữ quốc và khi chàng rơi vào tay yêu nữ động Tỳ Bà,([12]) thì bộ phim Tây Du của Trung Quốc đã dàn dựng rất đạt những thử thách này. Đường Tăng trong hai đoạn phim ấy hoàn toàn là một con người bằng xương bằng thịt, có giới hạn mà bản thân Đường Tăng không thể vượt qua, nếu không được Tề Thiên giải cứu kịp thời.
Đường Tăng còn có tánh phàm, u mê, nhu nhược, ba phải. Đọc truyện hay xem phim Tây Du ai cũng dễ thấy ghét chàng. Một trăm lần Tề Thiên cản: Yêu ma đấy, thầy chớ có cứu. Và đủ một trăm lần Đường Tăng cãi lời, cứ cứu, để rồi mắc nạn vương tai. Đó là nhận giặc làm con vì sự nhận thức của cảm tính không biết nghe theo tiếng gọi sáng suốt của lý trí.
Đường Tăng cứ lặp đi lặp lại những sai lầm của mình, và không có sai lầm nào giống sai lầm nào. Con người cũng thế, cứ đi từ sai lầm này đến sai lầm khác mà thôi, nếu không nghe theo lý trí, lương tâm mà chỉ biết chìu theo vọng tâm, tình cảm nhất thời.
Trong các đệ tử, Đường Tăng thường cưng ai nhứt? Chàng vốn tỏ ra cưng Bát Giới hơn cả. Bát Giới tượng trưng cho các bản năng dục vọng tiềm tàng trong tâm mỗi người; vậy, phải chăng chính ta, ta vốn vẫn thường có xu hướng nhắm mắt đưa chân, phớt lờ cái lẽ đúng mà nuông chìu theo thói hư tật xấu của mình?
Trong Tây Du, luôn luôn xảy ra những mâu thuẫn có khi gay gắt giữa Tề Thiên và Đường Tăng, khiến cho thầy trò phải mấy phen chia lìa, thậm chí ngay khi Tề Thiên mới bái Đường Tăng làm sư phụ xong mà đã vội giận dữ bỏ đi.([13]) Đó cũng là cách biểu tượng hóa những đối nghịch giữa lý trí với tình cảm, cảm tính.
Cà sa và tích trượng
Đường Tăng rõ ra là lương tri, nhưng tiếng nói của lương tri nhiều khi quá yếu mềm trước những sức mạnh đối kháng. Ngoài cái lý trí (là Tề Thiên) chống đỡ, bảo vệ, Đường Tăng còn cần phải được trang bị thêm hai phương tiện hữu hiệu để hộ thân, tự vệ. Đó là cà sa và tích trượng.
Cà sa là áo giáp chở che, tích trượng để thêm sức cho đôi chân vững vàng trụ lập. Cà sa và tích trượng ấy chính là đạo đức chân chánh của con người. Có đạo đức, con người đủ khả năng tự phòng thủ, tự bảo vệ mình khỏi sa chân vào tội lỗi lạc lầm, tránh xa được sự trừng phạt của ngục hình đày đọa. Cho nên, khi Phật Tổ Như Lai sai A Nan và Ca Diếp mang áo cà sa gấm và tích trượng chín vòng trao cho Quan Âm Bồ Tát, đã dặn dò rằng: “Tấm áo cà sa và cây gậy này đưa cho người lấy kinh dùng. Nếu người ấy (...) mặc tấm áo cà sa của ta, thì thoát khỏi luân hồi; cầm gậy tích trượng của ta thì không bị hãm hại.” ([14]) Và khi ở kinh thành Trường An, giải thích chỗ quý báu của cà sa, Quan Âm Bồ Tát cũng bảo: “Mặc tấm áo cà sa của ta thì không bị đắm chìm, không sa địa ngục, không gặp tai ương ác độc, không bị hoạn nạn sói lang.” ([15])
Trong bộ phim Tây Du hai mươi lăm tập của Trung Quốc, nữ đạo diễn Dương Khiết có lẽ đã hiểu tường tận ý nghĩa cà sa là áo giáp đạo đức hộ thân, cho nên rất tài tình khi dàn dựng cảnh yêu nữ động Tỳ Bà quyến rũ Đường Tăng sa vào sắc dục. Lúc ấy Đường Tăng như trong cơn mộng du, lảo đảo bước gần tới vòng tay yêu nữ đón mời, và mảnh cà sa đỏ rực bỗng nhẹ tênh, vuột bay khỏi thân Đường Tăng. Còn tấm áo, Đường Tăng còn an ổn; áo vuột rơi rồi, tội lỗi mở cửa chực chờ. Đạo đức mất đi, cái xấu chen vào.
Ngày nay, Đức Cao Đài Thượng Đế gọi đạo đức là bộ thiết giáp ([16]) của người tu: “Thầy nói trước cho các con biết mà giữ mình. Chung quanh các con, dầu xa dầu gần, Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lộn với các con. Thầy hằng xúi chúng nó thừa dịp mà cắn xé các con. Song, trước Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp, chúng nó chẳng hề thấy đặng là đạo đức của các con. Vậy ráng gìn giữ bộ thiết giáp ấy hoài cho tới ngày các con hội hiệp cùng Thầy.” ([17])
tin tức liên quan
Videos
Đền Hồng Sơn
Chuyển đổi số và liên thông Thư viện - xu hướng phát triển tất yếu
Một nước Nhật quá xa xôi!
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Lenk
Thống kê truy cập
114513512
2298
2315
21449
220385
121356
114513512