Người xứ Nghệ

Thủ lĩnh Vừ Chông Pao - Ký ức mãi còn xanh

Thị trấn Mường Xén sáng sớm, cái nắng nóng đã hiện hữu, xua đi không khí giá lạnh về đêm. Con đường dẫn vào bản Sơn Hà, Tà Cạ chỉ cách thị trấn chừng hai cây số men theo núi, đất đá, bụi bay mù. Vượt qua suối, con đường mối lúc cao hơn, ghập ghềnh những đoạn dốc. Thi thoảng từng tốp bà con dân bản gùi hàng xuống thị trấn bán, quần áo sặc sỡ. “Già Pao đó”, cán bộ phòng văn hoá chỉ cho tôi. Già đang lúi húi bên những cây tre. Tiếng va chạm tạo nên những âm thanh nghe quen thuộc. Nhà già hôm nay khá vắng vẻ, tốp thợ đang xây cho già cái bể nước và công trình phụ. Chỉ về phía đó già vui vẻ bảo tôi: “Của Chủ tịch Trầm cho ta đấy”. Cất các dụng cụ đang làm dở, quần áo chỉnh tề, già tiếp chuyện tôi.

Hai lần găp Bác Hồ và bài học đại đoàn kết.

Vừ Chông Pao còn gọi là Vừ Lầu Pó, sinh ngày 1/9/1930, tại bản Mường Ải, Tà Cạ, Tương Dương, nơi người Mông cư trú là các xã giáp biên giới Việt Lào, vùng “phên dậu” của Tổ Quốc quanh năm hạt gạo hạt bắp không đủ để nuôi sống con người. 15 tuổi, Pao đã bộc lộ tố chất của một “thủ lĩnh” nơi đại ngàn. Thực dân pháp cùng bọn thổ phỉ đánh mạnh ở vùng biên giới Kỳ Sơn. Các bản Mường ải, Huồi Xá, Híp Ngôn bị chúng cướp bóc, giết người. Bà con phải di tán khắp nơi. Cái bụng luôn nghĩ cho bà con, Pao cùng 2 người bạn đứng ra thành lập đội du kích do Pao làm đội trưởng, Vừ Giống Chư đôi phó và Lầu Lìa Tu du kích viên. Vũ khí ban đầu là súng kíp tự tạo, thuốc súng tự sáng chế, đứng lên cùng với bà con bảo vệ bản làng.

Già nhớ lại: Năm 1950 từ giữ chức trưởng công an xã Na Ngoi, rồi đến uỷ viên BCH huyện Tương Dương đặc trách tại kỳ Sơn. Ngày 2-9-1954, già vinh dự thay mặt đồng bào các dân tộc thiểu số huyện nhà ra Hà Nội đón Bác Hồ về thủ đô. Nhắc đến Bác Hồ, ký ức vẫn còn gợi nhớ trong tâm trí già. Được gặp Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói chuyện suốt 2 tiếng. Cái bụng không nhớ hết, không hiểu hết. Chỉ in sâu một lời duy nhất: Muốn thắng giặc, 54 dân tộc anh em phải đoàn kết. Như một bó đũa từng chiếc một thì nhỏ, nhưng kết lại thành một bó to, sẽ tạo thành một sức mạnh khổng lồ. Cái lý đó đối với người Mông ta thật đơn giản và dễ hiểu. Cái dạ cũng sáng ra.

 Năm 1960, Kỳ Sơn tách huyện, cái khó khăn gian khổ của huyện non trẻ không kể hết. Bọn phỉ lại một lần nữa được đế quốc Mỹ đàng sau hỗ trợ đánh vào biên giới. Tướng phỉ Vàng Pao dụ dỗ, mua chuộc bà con. Nhiều bản gần như toàn bộ theo phỉ. Năm 1962, Gìa Xia Súa ở bản Phà Bốn xưng Châu Phà (xưng Vua) tại  Tham Hang, Mường Lống lôi kéo dân bản chống phá chính quyền. Dân bản tin, cán bộ xã cũng tin và tôn Xia Súa là thánh sống. Lúc đó, với cương vị là chủ tịch MTTQ huyện Kỳ Sơn, già nhớ lại:  năm 1963 được Bộ chính trị mời ra Hà Nội dự lễ kỷ niệm quốc khánh, già được gặp Bác Hồ và Tổng bí thư Lê Duẩn tại phủ Chủ tịch.  Có những buổi gặp gỡ đã in sâu trong cuộc đời mỗi con người, làm thay đổi vận mệnh của lịch sử, với già cũng vậy. Khi các đại biểu đã ồn định Bác Hồ hỏi đồng chí Lê Duẩn. “Anh Ba! Kỳ Sơn ở Nghệ An có việc gì mới?”. Đồng chí Lê Duẩn trả lời: “Dạ thưa Bác, kỳ Sơn có Châu Phà nổi loạn”. Bác hỏi tiếp, “thế các chú định làm như thế nào”? Không khí im lặng kéo dài, Già đứng dậy mạnh dạn báo cáo với Bác: “Thưa Bác! loạn Châu Phà, Kỳ Sơn, người Mông mắc mưu địch đi nhiều nhất, Khơ mú đi một số, người Thái và người Kinh không đi. Chúng tôi càng giáo dục thì đi càng nhiều, cầm súng bắn bộ đội, bắn bà con dân bản đổ máu. Theo ý dân bắt được thì xử chết…”.Già đã bộc bạch hết với Bác. Nhưng Bác Hồ đã xua tay: không được các chú ơi! “Theo Bác, phải xác định kẻ thù chính của ta là ai? Bạn của ta là ai? Kẻ thù chính của ta là đế quốc, muốn dùng chính sách chia rẽ, gây mất đoàn kết, dùng dân ta để đánh lại ta. Còn tất cả các dân tộc trong nước là bạn của nhau. Do đó, là cán bộ phải giáo dục cho dân hiểu rõ âm mưu của địch,  không nên đẩy bạn ta trở thành địch. Nếu các chú làm như vậy, đánh địch suốt đời không hết. Nên kêu gọi những người lầm đường lạc lối trở về, cảm hoá giáo dục họ trở thành người tốt, ai mang súng trở về sẽ được hưởng chính sách khoan hồng” . Lời dạy sâu sắc của Bác như thấm vào máu thịt, chảy vào trong huyết quản, soi sáng đường đi, tiếp thêm sức mạnh cho già và các đồng chí những lúc khó khăn nhất.

Cái bụng đã hiểu lời dạy của Bác, ngay khi về đến kỳ Sơn, già đã tổ chức một cuộc họp tại Xúc Nhị suốt 3 ngày. Già truyền đạt lại lời của Bác Hồ đến các già làng trưởng bản, cán bộ địa phương. Già phân công cán bộ đến tận các bản làng gặp mặt các già làng trưởng bản, vận động bà con các dân tộc đoàn kết, tập trung vào những gia đình có người theo phỉ. Một trong những đối tượng có ảnh hưởng lớn trong dân bản đứng ra lôi kéo nhiều người đi theo phỉ là Lỳ Vả Chinh, thuyết phục được Chinh, nhiều người sẽ quay về cùng. Vợ Chinh là Y Lầu, hội trưởng Hội Phụ nữ Mường Lống nghe lời già, nhiều lần vào rừng gặp chồng khuyên nhủ. Chỉ mấy ngày sau, Lỳ Vả Chinh trở về nhà sau nhiều ngày chui lủi trong rừng. Sau Vả Chinh lần lượt đội quân 58 người được Châu Phà trang bị vũ khí cũng trở về với dân bản. Phong trào vào rừng gọi người thân trở về lan truyền rộng qua các bản,  những người theo phỉ đã lần lượt trở về làm ăn lương thiện. Đoàn kết chính là sức mạnh lòng dân, là chân lý vững chắc, già đã biết phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước của đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn tạo thành sức mạnh rộng lớn, làm tan rã tổ chức Châu Phà. Năm 1969, già được bầu làm Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, đại biểu quốc hội khoá VIII. Cứ như thế trong thời gian 20 năm giữ cương vị CT huyện Kỳ Sơn, mảnh đất “xung yếu”, “then khoá”, chưa một ngày bình yên. Bọn tàn quân phỉ bí mật liên hệ tập hợp lại thường xuyên hoạt đông, quấy phá dân bản.  Lần thứ nhất: năm 1970, già đã tổ chức phối hợp bộ đội biên phòng bắt gọn 13 tên phỉ trong vụ biệt kích tại Na Ngoi. Lần thứ 2 tướng phỉ Vàng Pao lại cho quân nhảy dù vào để chống phá cách mạng cũng bị bắt sống 21 tên. Từ đó cái tên Vừ Chông Pao, thủ lĩnh diệt phỉ đã lan truyền trong dân bản, tạo nỗi khiếp sợ cho bọn phỉ. Để kịp thời ngăn chặn phỉ quấy nhiễu, công tác dân vận hết sức quan trọng, già đã đích thân xuống từng bản vận động bà con. Nhờ được giác ngộ, nhiều bà con đã kịp thời báo cho bộ đội biên phòng bắt sồng và kịp thời ngăn chặn nhiều toán  phỉ và kêu gọi nhiều người Mông theo phỉ quay trở về.

Tổng bí thư tặng… xe con

Tháng 4 năm 2004, già viết thư gửi Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Bức thư có đoạn: “Trước đây làm đại biểu Quốc hội, ra Hà Nội họp là được gặp anh. Hơn 10 năm nay chưa có dịp. Tôi chỉ được nhìn thấy anh qua ti vi thôi…”. Già kể nhận được thư, anh Mạnh trả lời ngay, anh nói “Xin mời đồng chí ra chơi”. Cuộc gặp gỡ này Tổng Bí thư đã dành 2 tiếng đồng hồ để tiếp già, ân cần hỏi thăm sức khoẻ, gia đình, và cuộc sống của bà con dân bản. Già đã không dấu diếm những khó khăn của huyện nhà. Tổng bí thư khuyên: “Tuy đồng chí đã có tuổi nhưng còn sức thì gắng làm việc giúp địa phương”. Biết già mỗi lần về xuôi đi họp, phải ngồi xe khách chen chúc, mết lắm, huyện nhà còn nghèo, con em Kỳ Sơn tái nghiện cũng nhiều, Tổng bí thư hứa tặng cho cái xe. Mấy tháng sau già nhận được một chiếc xe từ dự án xoá bỏ cây thuốc phiện. Nhưng già nhường lại cho UBMTTQ huyện để cơ quan có xe đi phục vụ công tác, khi cần già lại nhờ lái xe chở đi. Nay đã 80 tuổi nhưng với niềm tin yêu của bà con dân bản, của Đảng, lòng nhiệt tình và sự cảm thông trước khó khăn của huyện nhà, già không cho phép mình được nghỉ ngơi. Già lại tiếp tục được bầu vào chức Phó chủ tịch không chuyên trách UBMTTQ tỉnh đặc trách tại kỳ Sơn. Tháng 3 vừa qua, có dịp trở lại Hà Nội, một lần nữa già vinh dự được gặp và nói chuyện thân tình với Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tại nhà riêng. Vinh dự hơn Tổng bí thư tháo chiếc đồng hồ từ tay mình trao tặng già. Món quà tuy nhỏ nhưng với già quí lắm, lúc nào già cũng giữ bên mình. Gần 70 năm cống hiến, giờ đây, khi tuổi đã cao, đi lại khó khăn, già đã chọn cho mình một ngôi nhà gỗ nhỏ để nghi ngơi và làm việc, hàng ngày cần mẫn chăm sóc mảnh vườn và đàn gia súc của mình.

Dẫn tôi ra vườn đi dưới dàn gấc xanh tốt, trĩu quả, già bảo: “năm nay bệnh vàng lụi xoắn lá nên già và dân bản không có một hạt thóc nào, may được mùa gấc, bản ta có thêm thu nhập”. Trưa đầy nắng, chia tay, già lại thay bộ quần áo tiếp khách ra vườn. Bóng già đổ một vùng rộng lớn. Cuộc chiến biên giới với phỉ đã tạm lắng, già lại  trở về với muôn nẻo cuộc sống đời thường, cùng với bà con tham gia xoá bỏ cây thuốc phiện và ma tuý. Có thể những đứa trẻ đang chơi bên bể nước, mai này lớn lên bên ngôi nhà gỗ nhỏ của già, chúng không biết, chưa từng biết già là ai? không biết vị thủ lĩnh ấy đã có một thời đầy những chiến công. Những chiến công góp phần làm nên tên tuổi, làm nên lịch sử của một huyện sắp tròn 50 tuổi.Với già hôm nay, tất cả đã lùi vào quá khứ, nhưng ký ức mãi mãi còn xanh.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434965

Hôm nay

2236

Hôm qua

2349

Tuần này

21615

Tháng này

212013

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434965