Những góc nhìn Văn hoá

ESTERHÁZY PÉTER

Một trong những tác giả hiện đại nổi tiếng nhất trong văn học Hungary. Nhiều người coi ông là thủ lĩnh của “thế hệ giữa” (ra đời trong thập niên giữa chiến tranh và cách mạng) hay thậm chí là nhà văn nhà thơ Hungary xuất sắc nhất hiện đang sống. Mặc dù các tác phẩm của ông, nhất là những cuốn trước khi ông được thừa nhận như một nghệ sĩ lớn, luôn gây ra tranh cãi, nhưng không nghi ngờ gì nữa ông là người gần như một mình làm thay đổi dòng chính văn xuôi Hungary qua việc du nhập và sử dụng thành thạo tất cả các loại kỹ thuật hậu hiện đại.

Nền tảng

Cái tên Esterházy có mặt trong tất cả các cuốn Từ điển bách khoa lớn trên thế giới. Vào đầu thế kỷ XVII dòng họ này đã trở thành một trong những gia tộc hàng đầu trong giới quý tộc của đế quốc Áo-Hung. Từ đấy họ đóng một vai trò lớn dù không phải bao giờ cũng thuận lợi trong hầu hết các sự kiện chính của lịch sử Trung Âu. Dòng họ này đã sản sinh ra nhiều thống sứ, bộ trưởng, thủ tướng cũng như nhiều kẻ cầm đầu nổi loạn và các vị tư lệnh. Ông nội của Esterházy Péter, bá tước Esterházy Móric, là Thủ tướng một thời gian ngắn năm 1917 và ông còn vài lần khác làm Thủ tướng. Năm 1944 ông cùng thống sứ Horthy dự định ký một hòa ước cho đất nước trước sự xâm lược của Đức nhưng bất thành.

Con trai của Esterházy Móric và là bố của nhà văn, Esterházy Mátyás, cũng là một bá tước thế tập, vì vậy vào những năm năm mươi, dù nói thông thạo mấy thứ tiếng và có học vấn cao ông vẫn bị những người cộng sản coi là “phần tử lạc loài” nguy hiểm. Ít lâu sau khi cưới Mányoky Lili (1948) và sinh con trai đầu là Péter, năm 1951 ông phải đưa cả gia đình trẻ “chuyển chỗ” đến một làng quê nhỏ và phải ra đồng làm lụng. Chứng kiến cảnh bố mẹ chịu đựng thử thách nhưng vẫn kiên trì các giá trị nhân văn đạo đức như lòng danh dự, tình đoàn kết và sự tư do tư tưởng, hẳn đã để lại dấu ấn sâu đậm trong sự phát triển tinh thần của cậu bé về sau này.

Nhờ những thay đổi chính trị sau cuộc cách mạng 1956, cái gia đình ngày một thêm đông người này được phép trở về Budapest. Mặc dù danh tiếng của một gia đình cựu quý tộc không làm cho cuộc sống của họ được dễ dàng hơn vào thập niên sáu mươi, nhưng ít ra giờ đây họ đã có thể sống cuộc sống của một gia đình bình thường. Tốt nghiệp tiểu học năm 1964, Esterházy Péter vào trường trung học Piarista, một trong rất ít trường trung học hồi ấy do giáo hội quản lý. Trường này luôn thoát được ảnh hưởng cộng sản nên đã (và vẫn) là một trong những trường tốt nhất cả nước. Suốt những năm tuổi trẻ, ngoài việc đọc sách ra, thú tiêu khiển chính của ông là chơi bóng đá. Ngay khi đã thành nhà văn nổi tiếng, ông vẫn thường xuyên chơi bóng ở câu lạc bộ địa phương, và những sắc thái của môn thể thao này hiện rõ trong những tác phẩm hồi đầu của ông. Một trong ba người em của ông, Esterházy Márton, là cầu thủ xuất sắc của giải hạng nhất.

Năm 1969 Esterházy Péter vào học khoa Toán, Đại học Eötvös Loránd (Budapest). Nhà toán viết văn không phải là không có trong văn học Hungary. Một thành viên quan trọng của thế hệ già và là một thần tượng chính của Esterházy, Ottlik Géza, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Iskola a határon (Trường học nơi biên giới), cũng là một nhà toán học. Sau khi tốt nghiệp năm 1974, Esterházy về làm tư vấn hệ thống hóa tại Bộ Kim khí. Công việc này hầu như không để lại dấu ấn gì trong nghề nghiệp của ông, ngoài việc nó cung cấp một số mẫu người và chủ đề cho nghề văn sau này. Ông bỏ việc năm 1978 và từ đó làm nghề viết văn tự do.

Ông cưới Reén Gitta năm 1973. Họ có bốn con, hai gái hai trai: Dorá (1975), Marcell (1977), Zsófi (1982) và Miklós (1987). Mặc dù Esterházy có nhiều chủ đề khác, nhưng chúng ta có thể nói rằng gia đình là đề tài quan trọng nhất và là nguồn cảm hứng chính của ông. Bố mẹ, anh em, vợ con luôn hiện diện trong các tác phẩm của ông, hầu hết là bằng tên riêng thật của họ. Tuy nhiên nhân vật quan trọng nhất thường vẫn là chính Esterházy.

Khởi đầu

Truyện ngắn đầu tay của ông xuất hiện năm 1974 và hai năm sau ông xuất bản cuốn sách đầu tiên Fancsikó és Pinta (Fancsikó và Pinta). Đây không phải là tiểu thuyết mà là một chuỗi truyện ngắn móc xích với nhau. Hai cái tên ở nhan đề là tên của hai nhân vật do một cậu bé nghĩ ra, tác giả đóng vai cậu bé. Chúng thể hiện hai mặt của tính cách cậu, thương xót và mỉa mai, và chúng đồng hành cùng cậu trong thế giới nhỏ cậu sống và bình luận về những quan sát của cậu. Những quan sát tinh tế, chính xác và đôi khi cay độc đó chủ yếu là về bố mẹ cậu. Esterházy không đóng vai hồn nhiên con trẻ; cuốn sách đầy tính trữ tình nhưng không hề ngọt ngào. Cậu bé và hai người bạn đồng hành có một trí tuệ người lớn (thực tế, đó là tâm trí tác giả) nhưng chúng không bị định kiến và không bị những rào cản đạo đức như thói lễ phép, nhún nhường. Điều này làm cho các quan sát đó hết sức rõ ràng và chân thực.

Cuốn sách thứ hai của ông, Pápai vizeken ne kalózkodji (Đừng làm hải tặc trên vùng biển giáo hoàng, 1977) lại càng giống một tập truyện ngắn thông thường. Nó chia thành ba phần. Phần một, Chuyện gẫu theo giọng hầu bàn, theo cách viết của cuốn trước: người tự sự không phải là hầu bàn thực mà là tâm trí tác giả cải trang. Cái thế giới thu hẹp của tiệm ăn trở thành cả một vũ trụ có triết học riêng của nó. Những truyện trong phần hai, Văn bản nghịch ngợm, lại không theo cách này. Các truyện đó, giống như các truyện khác, gần hơn với James Joyce. Chẳng hạn, khi Esterházy trình bày ba biến thể của cùng một tư tưởng, một câu truyện bình thường về sự phản bội vợ chồng, thì đầu óc ta không chỉ nhớ đến truyện của Molly Bloom, mà cả người viết ra nó, một người rất quan tâm đến viết thế nào hơn viết cái gì. Phần cuối của cuốn sách, Truyện một gián điệp, là một tiểu thuyết ngắn. Nhân vật chính là một mật thám, có thể đoán chừng là ở Trung Âu, nhưng Esterházy không chú ý (hay ít nhất không phải ngay tức khắc) đến các hậu quả chính trị hay đạo đức của vị thế này. Anh cố viết về nó như đó là một cách sống bình thường, chấp nhận được, có cơ sở triết lý riêng và sự mỉa mai của cách ứng xử này phơi bày những mâu thuẫn và tình trạng bất khả của cái thế giới đáng ngờ đó. Ở đây Esterházy tiếp tục những truyền thống tốt đẹp nhất của văn chương phi lý Trung Âu, nhất là của Mrozek và Örkény.

Hai cuốn sách đầu của Esterházy không gây nhiều dư luận. Chỉ có một vài nhà phê bình nhận ra được là có một cái gì mới mẻ đang xảy ra, có một cách viết mới đang đến, có một phương pháp mới đang xuất hiện trong sự tự ý thức về mình, về các hoàn cảnh ngôn ngữ và truyền thống văn học mà nó thích ứng. Sự tự quy chiếu, các kỹ thuật ám gợi, những câu “tạt ngang” siêu ngôn ngữ, đó là một cái gì rất khó chấp nhận, hay thậm chí là nhận ra, đối với các nhà phê bình chỉ biết đến hệ giá trị của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX. Cần có một cái lớn hơn để khuấy động được mặt nước, và cuốn sách tiếp theo của Esterházy là đủ lớn như vậy.

Termelési-regény (Tiểu thuyết sản xuất, 1979) hoàn toàn đặc biệt, ngay cả nhìn từ bên ngoài. Đó là một cuốn sách dày gần 500 trang, bìa đỏ tươi và có một cái tên rất “sốc”. “Tiểu thuyết sản xuất” là một thể loại văn học đã tuyệt chủng. Đầu những năm năm mươi (thế kỷ XX), thời kỳ đen tối nhất của chủ nghĩa Stalin, các tiểu thuyết và vở kịch sản xuất ra đời để cung cấp món giải trí cao cấp cho giai cấp vô sản, bên cạnh việc giáo dục tư tưởng cho họ. Nó cũng góp phần nâng cao nhiệt tình lao động của họ, thúc đẩy họ làm việc, sản xuất nhiều hơn nữa, ca ngợi chủ nghĩa cộng sản, hệ thống xô viết, Đảng và các lãnh tụ đảng. Vào cuối những năm 70, một cái tên sách như thế nghe rõ là mỉa mai, nhưng đồng thời sự mỉa mai đó có thể vẫn gây nên những tranh cãi chính trị. Và sự mỉa mai ở đây càng mạnh hơn vì quả thực cuốn sách là một tiểu thuyết sản xuất, dù là theo một kiểu rất khác thường.

Cuốn sách chia làm hai phần. Phần một chiếm khoảng một phần tư dung lượng là “chính văn” tiểu thuyết, phần hai nhiều hơn là những ghi chú cho “chính văn”. Không có gì để nói nhiều về nội dung cuốn tiểu thuyết. Chuyện diễn ra ở một Viện nghiên cứu tại Hungary vào những năm bảy mươi: chẳng khó khăn gì để thấy nó có liên quan đến công việc của nhà văn sau khi tốt nghiệp đại học ra. Có các viện trưởng, các thư ký, các cán bộ đảng, có bạn hữu và kẻ thù, có hội họp và tranh cãi, có thắng và thua. Vậy nên bản thân câu chuyện thì không hấp dẫn gì lắm, nhưng cái cách thể hiện nó thì đầy mỉa mai, giễu cợt. Thí dụ, một cuộc họp sản xuất được mô tả như một chiến trường ác liệt thời trung cổ, với núi xương sông máu. Một chỗ khác có vài nhân vật xuất hiện nhưng qua mấy trang sau thì mới hay đó không phải là người mà là chuột đồng. Có một chương là bản báo cáo của Nghị viện Hungary sau bước ngoặt thế kỷ (thời của nhà tiểu thuyết nổi tiếng Mikszáth Kálmán mà Esterházy đã có cuộc nói chuyện tưởng tượng dài ở phần ghi chú) và trong ghi chép của nghị viện có bài diễn văn của Rákosi, lãnh tụ đảng cộng sản Hungary thời những năm bốn mươi và năm mươi. Có cả một tài liệu rất khác thường về chế độ kiểm duyệt (hay tự kiểm duyệt) thời những năm bảy mươi: hễ chỗ nào nhắc đến tên Lenin là bị thay bằng tên Burluel. Hễ chúng ta đọc thấy nói rằng trong phòng Viện trưởng có bức tranh đạo diễn phim Tây Ban Nha trên tường thì chắc chắn đấy là nói về những sự cấm đoán xuất bản sách thời ấy.

Phần hai chiếm nhiều trang hơn của cuốn sách là những ghi chép của Johann Peter Eckermann (tức E. Péter), thư ký riêng và là bạn đồng hành trò chuyện của Goethe, người đã ghi chép tất cả những lời nói, việc làm quan trọng và không quan trọng của bậc thầy có tuổi. Bậc thầy ở đây được gọi là Esterházy Péter một cách không hề khiêm tốn chế nhạo. Như vậy E. Péter dùng nhiều đoạn trích của bậc thầy để viết ra các câu chuyện về ông, những câu chuyện đó xét về hình thức là những bình luận về một số câu chữ của cuốn tiểu thuyết, nhưng thực tế chúng làm thành một cuốn tiểu thuyết riêng biệt. Phần lớn trong đó là nói về đội bóng đá mà đội trưởng là chính bậc thầy (Esterházy). Ở đây, cũng giống như ở Viện nghiên cứu, quan hệ con người cũng rất phức tạp, có đủ cả ganh tị, phản bội, tha thứ. Chúng ta cũng có thể thấy bậc thầy trong cuộc sống gia đình: vợ ông , không có gì ngạc nhiên, tên là Gitta, và cô con gái nhỏ của ông là Dóra. Thậm chí còn hơn thế nữa, chúng ta có thể bắt gặp bậc thầy đang viết cuốn sách mà ta đang cầm trên tay. “Cuốn tiểu thuyết như nó tự viết ra” - Peter E. dẫn lại lời của bậc thầy trong cuốn tiểu thuyết riêng của ông. Chúng ta có thể tìm thấy bản sao của những phác thảo và biểu đồ cho các chương, thậm chí ta còn có thể thấy bậc thầy đọc các bản in thử của văn bản ta đang đọc. Như vậy đây là tiểu thuyết sản xuất của chính Tiểu Thuyết Sản Xuất. Hệ thống tự phản sinh động này còn được khơi sâu thêm bởi thực tế là chúng ta phải đọc hai phần song song nhau, khi những đoạn tham khảo ghi chú buộc ta phải quay tới quay lui. Nhưng ngay điều đó cũng được phản ảnh vào chính cuốn sách: sự chú ý của độc giả buộc phải cần tới hai cái đánh dấu trang.

Cuốn sách này, mà bây giờ được nhất trí coi là một kiệt tác về phong cách và cấu trúc, khi đó đã gây dư luận trái ngược nhau. Một số nhà phê bình ca ngợi việc xuất bản nó là một sự kiện cột mốc, mở đầu một thời đại mới của văn xuôi Hungary (mà đúng là vậy), số khác thì lên án nó, coi nó là cái chết kết liễu văn học. Tuy nhiên, cuốn sách này đã làm ông nổi tiếng và từ đó Esterházy Péter được xem như một nhà văn lớn. Ngay cả những người kết án cuốn sách cũng phải thừa nhận tài năng phong cách tuyệt vời của tác giả và trông chờ bước đi tiếp theo của ông.

“Nhập môn”

Với cuốn sách tiếp theo, Esterházy bắt đầu một dự án mới, rộng lớn. Fũggõ (Gián tiếp, 1981) có thêm phụ đề: Bevezetés a szépirodalomba (Nhập môn văn chương) và đã quảng cáo cho bạn đọc biết đây là cuốn đầu của một xêri sách. Và trong sáu năm, những cuốn sách mới lần lượt ra đời của xêri “Nhập môn” đã là món hàng mới được trông chờ nhất tại các hội chợ sách mùa xuân, mặc dù chẳng ai biết đích xác “Nhập môn” là thế nào. Dẫu vậy, tất cả các cuốn sách đều cùng một cỡ, cùng một bìa trắng và cùng một kiểu chữ - y như một xêri sách bình thường. Sau Tiểu thuyết sản xuất mang lại cho ông sự thừa nhận của giới phê bình, với dự án mới này ông giành được thành công trong công chúng.

Cuốn sách đầu, Fũggõ, là cả một tiểu thuyết gói trong một câu. Nhân vật chính là những thiếu niên đang cố chuyển mối quan hệ vị thành niên của chúng thành tình yêu và tình bạn người lớn. Nhân vật chính tên là K., như nhân vật trong tiểu thuyết của Franz Kafka, nhưng K. này có lẽ là hiện thân cho Kosztolányi, nhà thơ và nhà tiểu thuyết nổi tiếng, và là một trong những nhà phong cách học tinh tế nhất của tiếng Hungary. Cuốn tiểu thuyết cũng là một sự lắp ghép rất khéo léo nhiều đoạn trích dẫn mà đa phần là của Kosztolányi. (Tên sách cũng có thể có nghĩa là “dựa vào”; có lẽ là sự dựa vào truyền thống văn xuôi). Thời gian dịch chuyển qua lại giữa những năm sáu mươi (thế hệ Beat), thời hiện tại của tác phẩm và bước ngoặt thế kỷ (thời niên thiếu của Kosztolányi). Những sự dịch chuyển này rất ngoạn mục: thí dụ, một nụ cười có thể kéo dài vài trang và ôm chứa cả một câu chuyện từ một thời khác, sau đó lại quay về dòng chính. Nhưng đó chỉ là một thí dụ, cái câu kỳ vĩ này còn đầy những thủ thuật và kỹ xảo; có lẽ đây là cuốn tiểu thuyết tinh xảo nhất của Esterházy.

Cuốn thứ hai, Ki szavatol a lady biztonságáért (Ai bảo đảm an ninh cho quý bà?, 1982) gồm hai tiểu thuyết. Thứ nhất là Bông cúc, một câu truyện ngắn và có phần thô bạo về quan hệ con người trong một quán bar rẻ tiền vào một đêm lộn xộn, và thứ hai là Ágnes, một “chuyện tình” phức tạp và trí tuệ hơn nhiều. Hai tiểu thuyết nối với nhau theo nhiều cách, các tình huống, quan hệ và nhân vật của bản này hiện lại trong bản kia. Nhân vật chính trong Ágnes không có tên, dù ở một đoạn có người gọi anh ta là Péter. Anh ta yêu Ágnes khi nhìn thấy ảnh cô, nhưng thế gian này còn quá ít chuyện lãng mạn. Sau cùng, giới trí thức cho thấy là nó cũng thô bạo không kém loại người xuất hiện trong Bông cúc. Linh hồn thuần khiết duy nhất là cô bé Jutka mà thân phận của nó được thể hiện qua thứ ngôn ngữ ngô nghê, lạc lõng nó nói - một sự thực nghiệm phong cách sẽ trở lại đầy đủ ở cuốn sách sau.

Nếu Fũggõ là câu dài nhất trong văn học Hungary thì cuốn tiếp theo Fuharosok (Những người chuyên chở, 1983) chắc là cuốn tiểu thuyết ngắn nhất. Nó in chữ to, lề hẹp, giấy dày để thành ra một cuốn sách trông được, nhưng in kiểu chữ thường thì nó chỉ vỏn vẹn mười hai trang. Tuy nhiên, đó là cả một tiểu thuyết. Thời gian và địa điểm câu chuyện không được chỉ ra nhưng việc người tự sự và nhân vật, một thiếu nữ, sống mấy mẹ con với nhau không có đàn ông cho thấy đây là hoàn cảnh chiến tranh. Chúng ta không biết Những người chuyên chở là ai (tên sách trong tiếng Hungary còn bí ẩn hơn nữa), nhưng chắc chắn chúng là tên đàn ông khỏe mạnh và tàn bạo. Chúng đến và lấy đi mọi thứ có thể lấy được từ những phụ nữ yếu đuối, không có ai che chở (kể cả hãm hiếp cô gái nhân vật chính có tên là Dóra). Chúng bỏ đi và mấy mẹ con mừng là còn sống. Một số nhà phê bình coi cuốn tiểu thuyết này là thành công lớn nhất của cả bộ “Nhập môn”.

Năm 1984 Esterházy công bố một bản Bông cúc mới dưới dạng nhạc kịch opera. Do không phải người làm thơ nên ông lấy hầu hết nhạc điệu của người khác, chủ yếu là từ Kosztolányi và các bài dân ca những năm bảy mươi. Nhưng tiếp tục thực sự của “Nhập môn” trong năm này là cuốn sách nhan đề Kis magyar pornográfia (Khiêu dâm nhỏ Hungary). Nó trở thành cuốn sách phổ biến nhất của ông, dù nó chứa khiêu dâm ít hơn là thoạt tưởng. Cuốn sách gồm bốn phần. Phần một bắt chước tiểu thuyết khiêu dâm loại nhẹ: mấy phụ nữ kể cho “nhà văn” nghe chuyện của họ, tất cả họ đều khác nhau về hoàn cảnh xã hội và cách nói năng. Phần hai là những chuyện tiếu lâm từ thời kỳ đen tối Stalin những năm năm mươi. Có chuyện là thực, có chuyện là bịa, nhưng chúng đều rất tiêu biểu. Vào năm cuốn sách ra đời, cách xử lý chủ đề theo lối mỉa mai giễu cợt như vậy là rất đáng kinh ngạc: đó là bước đi đầu tiên phá bỏ các điều cấm kị của quá khứ vừa qua. Phần ba lại là một thực nghiệm choáng váng nữa: một văn bản dài không có gì ngoài những câu hỏi. Các câu hỏi đó có thể làm thành một câu truyện, nhưng cũng có thể vẽ nên tâm trạng của nước Hungary cuối thời cộng sản. Phần bốn lại là một sưu tập gồm những câu châm ngôn, những đoạn văn ngắn, những mẩu chuyện đời thường. Ngoài các giá trị khác, năm 1984 cuốn sách này được coi là bước đi quan trọng tiến tới sự tự do ngôn luận.

Cuốn sách nhỏ bìa trắng cuối cùng của xêri “Nhập môn” khác với các cuốn trước về nhiều mặt. A szív segédigéi (Các động từ trợ giúp của trái tim) xuất bản năm 1985. Không có thực nghiệm phong cách trong tiểu thuyết này, không có các nhân vật hư cấu, cũng chẳng có những khác thường ngôn ngữ. Đấy chỉ là câu chuyện xác thực và cảm động đầy tính “hiện thực chủ nghĩa” về căn bệnh trầm trọng và cái chết của người mẹ tác giả kèm với một thế giới mơ mộng phụ nữ như một bài tập liệu pháp. Cuốn sách cấu trúc theo từng trang: mỗi trang có kẻ một dòng đen (như cáo phó), đầu trang là một đoạn văn xuôi, cuối trang là một đoạn ghi chú hay một đoạn trích. Một số ghi chú là về quá trình viết văn, về sự vật lộn với chủ đề, những ngầm ý đạo đức của văn học viết về cái sống, và trong trường hợp này là về cái chết. Cuốn sách này, có lẽ nhờ tính phổ quát của chủ đề và cách viết truyền thống, nên đã thành cuốn sách phổ biến nhất của Esterházy ở ngoài Hungary: nó đã được dịch ra hơn mười thứ tiếng.

Năm 1986 là lúc “Nhập môn” lộ diện. Đó là một cuốn sách to bìa trắng gồm Gián tiếp, Bông cúc (hai bản), Agnes, Những người chuyên chở, Khiêu dâm nhỏ Hungary, Các động từ trợ giúp của trái tim, và thêm nữa. Về thể loại, Esterházy gọi nó đơn giản là “sách”. Nó gồm toàn bộ xêri và cũng là cuốn cuối cùng trong đó: nó giữ nguyên nhan đề và phụ đề. Nó bắt đầu với một văn bản mới duy nhất có tên A próza iszkolása (Đọc lướt văn xuôi) gồm nhiều đoạn trích và tham chiếu với các văn bản khác. Nó bắt chúng ta chú ý đến cái mới lớn nhất của cuốn sách: các văn bản trước đây được đặt vào một văn cảnh chung. Chúng ta có thể thấy tất cả những sự lặp lại và thay đổi của các motiv, nhân vật, hoàn cảnh, câu truyện. Cũng có những ghi chú và minh họa bên lề, hầu hết các nguồn trích dẫn trong Fũggõ đều được đưa lại đây. Cuối sách là bản kê các tác giả được trích dẫn chiếm mấy trang in dày đặc.

Đọc lướt văn xuôi, và cả cuốn sách, bắt đầu với một ngày tháng có ý nghĩa tượng trưng sẽ được lặp lại mấy lần: 16 tháng 6. Đây phần nào gợi nhắc đến tác phẩm Ulyss của James Joyce vì đó là ngày tháng sinh của nhân vật Bloomsday. Nhưng nó cũng có ý nghĩa trong lịch sử Hungary: ngày 16/6/1958 là ngày hành hình Nagy Imre, Thủ tướng Hungary thời cách mạng 1956, ngày đó vẫn là một điều cấm kị chính trị vào thời điểm cuốn sách ra đời. Ngày tháng đó cũng còn mang ý nghĩa gia đình: đó là ngày họ “dọn nhà lại” năm 1951. Đây là một thí dụ tiêu biểu về mấy lớp nghĩa hiện diện trong văn xuối Esterházy.

Giữa các tiểu thuyết có những đoạn văn ngắn nối kết, những minh họa và đủ các thực nghiệm kinh ngạc, tung tẩy. Đây là mấy thí dụ: có một kịch bản phim Idö van (Có Thời Gian) về sau được viết lại và được đạo diễn Gothár Péter dựng thành phim đạt thành công lớn; có cả một trang các câu ngắn bày đặt ngổn ngang; có tranh vẽ (do nhà minh họa xuất sắc Ferenc Banga vẽ); có một truyện ngắn của Kosztolányi dịch ngược lại từ bản tiếng Đức của Esterházy, và có bản sao một công trình duy nhất của ông: để tỏ lòng tôn kính, ông đã chép tay cuốn tiểu thuyết Iskolaa határon của Ottlik Géza lên một tờ giấy, như vậy mấy “tầng” viết đã đưa lại một mô hình đẹp đẽ, khó hiểu.

Ở đầu và ở cuối có một cặp ngoặc đơn hướng ra ngoài; đặt toàn bộ thế giới bên ngoài cuốn sách vào trong ngoặc đơn. Dù đây không phải là một tiểu thuyết đồ sộ, cuốn sách đã tạo ra một thế giới riêng trong 720 trang giấy khổ rộng. Nó không phải là loại sách có thể đọc từ đầu đến cuối; đúng hơn thì nó giống một phong cảnh mà thỉnh thoảng bạn có thể dạo chơi thích thú. Độc giả có thể dùng nó như một cuốn sổ tay đặc biệt có chứa tất cả những tư liệu bổ ích về một lĩnh vực nào đấy, trong trường hợp này là văn chương.

Sau khi nhận được mấy giải thưởng (giải Aszú 1982; giải Fũst Milán 1983; giải Déry 1984), năm 1986 Esterházy được nhận hai giải thưởng quan trọng: giải Józef Attila và giải Orley. Vị trí của ông trên văn đàn Hungary bây giờ đã được thừa nhận rõ ràng và một số tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng nước ngoài. Việc xuất bản Nhập môn văn chương đánh dấu sự kết thúc một giai đoạn nghề văn của ông. Và người ta lại chờ đợi bước đi tiếp của ông.

Thời kỳ thứ ba

Năm 1987 có mấy tác phẩm rất khác lạ xuất hiện trên tạp chí văn học Élet és Irodalom của một nữ văn sĩ chưa ai biết có tên là Lili Csokonai. (Cái tên nghe đã quen thuộc: Csokonai Vitéz Mihály là một nhà thơ xuất sắc cuối thế kỷ XIX, ông gọi cô gái mà ông yêu một cách tuyệt vọng là Lila hay Lili). Một câu truyện hiện đại được thành hình kể về một phụ nữ 22 tuổi, sớm mất cha mẹ, bị lăng nhục đủ đường, chịu nhiều đau khổ, và sau một tai nạn do người tình là một người đàn ông đã có vợ gây ra, cô thành tàn tật và bắt đầu viết truyện đời mình. Truyện kể chi tiết, mang tính tư liệu như kiểu phi hư cấu nhưng lại được viết bằng thứ ngôn ngữ mô phỏng thế kỷ XVII-XVIII. (Sự mô phỏng thấy rất rõ: 300 năm trước chưa có từ ngữ mô tả tai nạn giao thông, v.v...). Sau đó những truyện này được in thành sách nhan đề Tizenhét hattyúk (Mười bảy con thiên nga) và chỉ rất ít người mới biết được Lili Csokonai, “tài năng mới” này là ai. Hóa ra nữ văn sĩ đó là bút danh và nhân dạng văn chương của Esterházy, người lại tiếp tục bộc lộ tài năng xuất chúng của mình.

Thêm ba năm nữa Esterházy mới xuất bản cuốn tiểu thuyết tiếp theo, nhưng trong ba năm đó đã xảy ra nhiều biến động trong nghề văn của ông cũng như trong lịch sử Hungary. Năm 1988 ông xuất bản cuốn sách phi hư cấu đầu tiên, A kitõmõtt hattyú (Con thiên nga nhồi). Phần lớn bài viết tập hợp trong đó có thể gọi là “tiểu luận” (essay), dù từ này không nói được hết sự đa dạng về hình thức và chủ đề của cuốn sách. Có những bài tôn kính các bậc thầy (nhất là Ottlik và Kosztolányi), có bản phụ lục cho chương châm ngôn trong Khiêu dâm nhỏ Hungary, có bài bàn kỹ việc chuẩn bị và tiếp nhận Mười bảy con thiên nga, có những bài về văn học nghệ thuật và cả về bóng đá. Cũng trong năm 1988 cuốn sách đầu tiên về ông được xuất bản. Cuốn Diptichon do nhà phê bình hàng đầu Balassa Péter chủ biên tập hợp các bài nghiên cứu về hai tác phẩm văn xuôi quan trọng nhất cuối những năm tám mươi của văn học Hungary là Nhập môn văn chương của Esterházy và Sách của ký ức của Nádas Péter.

Vào cuối năm đó Esterházy xuất hiện như một nhà chính luận. Quá trình thay đổi hệ thống chính trị bắt đầu diễn ra và một vài tờ báo thoát khỏi ảnh hưởng của nhà nước hay đảng cộng sản đã ra đời. Esterházy với tư cách một trí thức độc lập và mang sẵn truyền thống gia đình quan tâm đến vận mệnh đất nước đã tham gia viết cho một tờ trong số đó, tờ Hitel, trong hai năm kế tiếp. Ông giữ mục Az elefántcsonttoronyból (Từ tháp ngà) và những bài viết trong mục này đã tạo nên một biên niên sử xuất sắc của những thay đổi chính trị năm 1989 và cuộc bầu cử tự do đầu tiên năm 1990. Trong khi đó Hitel chuyển hướng sang chính trị hữu khuynh và khi nó đăng một bài viết có nội dung bài Do Thái, Esterházy lập tức rời bỏ tờ báo ngay. Ông luôn luôn giữ một khoảng cách với những thái độ cực đoan chính trị. Khi một tác giả nổi tiếng toàn quốc kêu gọi các nhà văn “nghĩ về nhân dân và dân tộc” thì Esterházy đáp lại rằng ông suy nghĩ về ???

Trong khi đó, năm 1989 ông công bố một cuốn sách thể nghiệm cùng với thợ sắp chữ và nhà nhiếp ảnh Balázs Czeizel. Thể loại cuốn sách khó xác định: nó là một tiểu luận hoặc là một câu truyện khó hiểu làm bằng những bức tranh tìm thấy từ những năm năm mươi xen một số lời chú thích. Nó bắt đầu từ cuối và có những lời chỉ dẫn lật giở lại một số trang, tóm lại, nó bẻ gãy cách đọc tuyến tính. Cuốn tiểu thuyết tiếp theo, Hrabal kõnyve (Sách của Hrabal) xuất bản năm 1990. Nhà văn Czech Bohumil Hrabal với những tiểu thuyết nổi tiếng toàn thế giới như Khúc tùy hứng ủ bia, Những chuyến tàu bị giám sát nghiêm ngặt luôn là tác giả yêu thích của Esterházy. Ông thậm chí còn đến thăm bậc thầy già lão ở Praha trước khi công bố cuốn tiểu thuyết này để tỏ lòng tôn kính. Theo vai nữ mà Esterházy đã thực hiện trong Các động từ trợ giúp trái timMười một con thiên nga, ở đây người tự sự và nhân vật chính là Anna, vợ của nhà văn đang viết cuốn sách về Hrabal. (Không có gì ngạc nhiên là một nhà phê bình đã gọi cuốn tiểu thuyết là “Sách của Gitta”). Chị chờ đợi đứa con và Chúa, một nhân vật khác, phái xuống hai thiên sứ để phòng ngừa sự sẩy thai. Anna viết thư cho Hrabal và đem lòng yêu ông, trong khi Chúa muốn học kèn saxophone và mời Charlie Parker làm thầy dạy. Mặc dù cốt truyện có ý mỉa mai hay thậm chí báng bổ, nhưng đây là cuốn sách lãng mạn nhất của tác giả. Cậu bé Miklós đã ra đời, nhưng Chúa không thể thổi được kèn saxophone vì ông ta không phụ thuộc vào thời gian, ông ta không bị cái chết đe dọa. Tác phẩm này đã được chuyển thể thành phim mang tên “Phim của Anna”.

Năm 1991 Esterházy gom các bài viết trong mục “Từ tháp ngà” in thành sách. Ông cũng xuất bản một tập mới gồm các bài viết lẻ nhan đề A halacska csodálatos élete (Cuộc đời kỳ diệu của con cá nhỏ), đây là sự tiếp nối tập Con thiên nga bị nhồi. Các thể loại chính ở đây là fơi-ơ-tông (feuilleton), phiếm luận; những chủ đề được đề cập là chính trị, ngôn ngữ, Đông Âu, phim ảnh, bóng đá, v.v... Nội dung cuốn sách khác với “Tháp ngà” hay tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết của năm này, Hahn-Hahn grófnõ pillantása (Cái liếc mắt của bà công tước Hahn-Hahn) lại là một cái mới cả về chủ đề và hình thức. Cuốn sách có phụ đề là “Xuôi dòng Đanuýp” và thực sự là một tiểu thuyết du ký. Nhân vật của nó là con sông Đanuýp. Bà công tước trong tên sách không phải là một nhân vật mà là một biểu trưng lấy từ thơ Heine và đã được nói đến trong Tiểu thuyết sản xuất. “Tất cả các nhà văn nữ đều nhìn đàn ông bằng một mắt, còn mắt kia nhìn vào trang giấy, trừ nữ công tước Hahn-Hahn chỉ có một mắt”. Người lữ hành trong sách diễn giải lại ẩn dụ cổ xưa về hành trình. Esterházy kết hợp ký sự hành trình của bản thân vào thời hiện tại của tác phẩm; một cuốn tiểu thuyết du ký tưởng tượng trong thời trẻ của ông với người chú kì dị; và những bức điện tín từ một hành trình tượng trưng của một người lữ hành chuyên nghiệp (hay “được thuê riêng”), người giao tiếp với ông chủ vô danh của mình (người đi thuê). Lịch sử các thành phố và quốc gia quanh vùng sông Đanuýp được đưa vào sách cũng như suy nghĩ của tác giả về những thay đổi chính trị hiện thời. Là cuốn khác thường nhất trong các tiểu thuyết của Esterházy, cuốn sách này có một bản thư mục và bản chỉ dẫn tên riêng.

Năm 1992 chỉ có một cuốn mới xuất hiện với cái tên Esterházy ngoài bìa: đó là cuốn Esterházy-kalauz (Hướng dẫn đọc Esterházy) của Marianne D. Birnbaum. Đây là cuộc phỏng vấn kèm những đoạn trích tác phẩm. Năm 1993 ông công bố ba cuốn sách hợp tác với các nghệ sĩ khác. Egy nõ (Một phụ nữ) làm cùng với Ferenc Banga, người minh họa hai cuốn sách đầu của ông. Về mặt kỹ thuật thì đó không phải là sách mà là một hộp cuốn, nơi văn bản chỉ là một yếu tố cho sự thực nghiệm xếp chữ của họa sĩ. A vajszínũ árnyalat (Cái bóng màu) làm với nhà nhiếp ảnh báo chí Szebeni András. Cuốn này chủ yếu là một album ảnh về năm năm gần đây của Hungary. Các bức ảnh báo chí xen kẽ với các chân dung nghệ sĩ và các bối cảnh phòng chụp; Esterházy viết chú thích và thuyết minh. Cuốn sách là một biên niên sử rõ nét về những thời khắc bi thương và nực cười của những thay đổi chính trị và mấy năm đầu dân chủ. Cuốn thứ ba không có đầu đề; nó gồm một truyện ngắn của Kertész Imre và một truyện khác của Esterházy. Kertész kể lại một vụ rắc rối với nhân viên hải quan. Esterházy cũng viết một chuyện tương tự, khi ông nhớ lại câu truyện của Kertész và lấy nó làm mô hình cho những quan sát riêng của mình. Cả hai truyện đều nói về nỗi sợ hãi và ngượng ngập có ở mỗi người khi phải đối diện với quyền lực. Cuốn sách cũng là một thí dụ sinh động về liên văn bản.

Năm 1994 ông xuất bản cuốn sách phi hư cấu mới Egy kékharisnya följegyzéseiból (Ghi chép của chiếc bít tất xanh). Tập sách gồm các thể loại khác nhau như phỏng vấn, kịch truyền thanh, chú giải và ghi chép, nhưng phần quan trọng nhất vẫn là báo chuyên mục. Ghi chép của chiếc bít tất xanh là tên của loạt bài đăng trên tờ tạp chí Élet és irodalom, và ông cũng đã đọc chúng trong chương trình phát thanh hàng tuần. Từ năm 1990 trở đi, vào thời của chính phủ tuyển cử tự do đầu tiên, các đảng phái chính trị đã đấu tranh quyết liệt với nhau giành quyền kiểm soát các phương tiện thông tin đại chúng. Esterházy đã nhiều lần lên tiếng bình luận về diễn biến tình hình vừa qua. Nhân danh lương tri và dân chủ, ông vạch trần và chế nhạo những âm mưu bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận. Đôi khi ông chỉ đưa ra những sự kiện trần trụi như những bức thư đe dọa mà các bạn ông nhận được, hay những bài báo phản dân chủ trên các tạp chí nhỏ theo cánh hữu. Ông lưu chúng lại như bằng chứng của sự ngu ngốc. Ông trở thành người của công chúng.

Năm 1994 ông cũng xuất bản vở kịch đầu tiên ba hồi Búcsúszimfónia (Bản giao hưởng giã biệt). Tên vở kịch lấy theo tên bản nhạc của Haydn, nhạc sĩ cung đình của hoàng tử Esterházy. Vở kịch được viết để tham dự cuộc thi kịch của Nhà hát Vig (Budapest) và nó được công diễn tại đó vào mùa xuân 1996. Các nhân vật chính là một ông bố 70 tuổi, bốn người con làm thành một đội hợp xướng, người con dâu, và một người điên. Có nhiều điều gợi nhớ đến bố ông (kể cả bốn đứa con). Vở kịch là một cuộc mừng sinh nhật dưới hình thức đối thoại, trong đó bốn người con ôn lại tất cả các sự kiện quan trọng trong cuộc đời bố mình. Không chỉ hành động mà kịch nghệ cũng đầy sự ám gợi. Các sự kiện được kể ra không hề mang tính anh hùng, chỉ y như lịch sử Hungary mấy thập niên qua.

Năm 1995 Esterházy công bố một bản mới của tác phẩm Phụ nữ (không có hình vẽ). Nó gồm các đoạn văn xuôi ngắn đôi khi triết lý nhưng chủ yếu là có tính sắc dục (erotic) viết về phụ nữ, tình yêu và hận thù. Tất cả các đoạn đều bắt đầu bằng câu: “Có một phụ nữ”. Năm 1996 là một tập phi hư cấu mới Egy kék haris (gần như “Bít tất xanh”), rõ ràng đây là sự tiếp nối cuốn Ghi chép của chiếc bít tất xanh. Cũng năm này xuất hiện bản dịch sách ông đầu tiên. Tên gốc sách tiếng Đức là Esterházy, nhưng nhân vật không phải là nhà văn của chúng ta, mà là chú thỏ Easter, hay theo tiếng Đức là Oster Hase. Esterházy lấy tên họ gia đình mình ra chơi chữ, biến đổi câu truyện theo các cách có thể, chơi chữ cả tên họ của các tác giả gốc. Đây lại là một tác phẩm liên văn bản, hay là “hậu-hiện đại”, theo cách ít nghiêm túc hơn nhưng lại vui nhộn hơn.

Trong thập niên qua, Esterházy đã có thêm những sự thừa nhận. Giải Vilencia (1988), Giải Krúdy Gyula (1990), Giải Soros Oeuvre (1992), Giải Premio Opera di Poesiea (1993), Giải Báo chí tự do (1994), Huân chương văn học nghệ thuật (1994), Giải Quỹ Soros (1995) và Giải Quỹ nghệ thuật Hungary (1995), đó là kể những giải thưởng danh giá mà ông đã được nhận. Năm 1996 ông được trao huân chương hạng cao nhất dành cho những nghệ sĩ đang sống, Giải Kossuth và Giải Szép Erno. Trong năm 1994 ông được bầu vào Viện Hàn lâm Széchenyi. Hai chuyên luận về ông đã ra đời, một của Wermitzer Julia (1994) bàn về phương pháp ám dụ của ông, một của Kulcsár Szabó Ernö (1996) chủ yếu nói về sự tiếp nhận ông và vị trí của ông trong lịch sử văn học Hungary. Nhà xuất bản Magveto đang bắt đầu xuất bản tác phẩm của ông gồm năm tập. Gần đây ông đã có buổi đọc những tác phẩm mới nhất của mình trước công chúng trên nền nhạc của nghệ sĩ saxophon nổi tiếng Dés László.

Viễn cảnh

Trong mấy năm qua một số nhà phê bình cho rằng tài năng của Esterházy đã sút giảm hoặc cạn kiệt. Thực tế là năm năm gần đây Esterházy không cho ra đời một cuốn tiểu thuyết mới nào hay một tác phẩm văn học quan trọng nào, và thậm chí ba cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông so với các cuốn trước cũng thua kém về mặt nghệ thuật tiểu thuyết. Quả thực khó khăn khi phải làm một nhà cổ điển sống, nhất là với người đạt tới danh hiệu đó trước tuổi bốn mươi. Sau khi nghiền ngẫm và cố gắng khai thác hết mọi khả năng của việc viết văn, về nhiều mặt là giống với James Joyce khi viết Ulyss, Esterházy đã công bố kết quả của mình và như vậy ông đã đổi mới văn xuôi Hungary. (Một đặc điểm khác mang tính chất Joyce là khai thác tối đa chất liệu tự truyện). Trong khoảng thời gian này những sự thay đổi chính trị đã đưa lại cho ông những chủ đề mới và bắt ông sử dụng những thủ pháp mới. Khi viết biên niên sự kiện ông đã cố gắng thay đổi chiều hướng của các sự kiện đó và chắc chắn ông đã thay đổi cách viết báo ở Hungary. Khi thời hùng hồn dường như đã qua, chúng ta lại có thể chờ đợi những thành tựu văn học. Sau Nhập môn văn chương độc giả có lý do để chờ đợi chính ngay văn chương.

Năm 2000 Esterházy đã hoàn thành một tác phẩm mới quan trọng, có lẽ là quan trọng nhất kể từ hồi xuất bản cuốn Nhập môn văn chương. Với hơn 700 trang, cuốn sách mới Harmonia Coelestis (tiếng Latin nghĩa là “Hòa điệu vũ trụ”) lấy tên theo một bản nhạc baroque của một ông tổ nổi tiếng dòng họ Esterházy và nó cũng có vẻ giống như một bản nhạc phức điệu gồm nhiều phần. Cuốn sách chia thành hai nửa riêng biệt. Nửa đầu, Những câu đánh số lấy từ cuộc đời của dòng họ Esterházy gồm 371 đoạn có kích cỡ và thể loại khác nhau. Chúng không tạo thành một câu truyện liên tục, tuyến tính, dù nhiều đoạn được kết nối liên văn bản bằng các trang mạng. Nhân vật của tất cả các đoạn này là một người được gọi là “cha tôi”. Đôi khi đó có thể là cha thật của tác giả, nhưng các người cha đó chủ yếu là những người cha lùi sâu vào thời gian, xa xăm trong lịch sử. Vì quá khứ của triều đại Esterházy bám sâu trong lịch sử Hungary bốn, năm thế kỷ qua, nên cuốn sách cũng là một bản tổng kết những thời kỳ xáo trộn của đất nước, từ cái nhìn “bên trong” về giới quý tộc đôi khi nhũng loạn và mưu mô, đôi khi dũng cảm và thậm chí anh hùng. Có rất nhiều những sự đứt đoạn thời gian (và cùng với chúng là sự “đứt đoạn nhân vật”) cho thấy phẩm chất phi tuyến tính của ký ức lịch sử. Ở một chỗ chúng ta đọc thấy sự mô tả rất kỹ cuộc khám phá kho báu của bá tước Esterházy. Nhưng giữa các đồ trang sức tinh xảo, các tấm thảm quý và nhiều đồ vật giá trị khác, chúng ta thấy có những thứ như chiếc cặp dính mỡ, chiếc đồng hồ đeo tay rẻ tiền hay chiếc kính râm là những đồ vặt cá nhân của bố đẻ tác giả vào thập niên sáu mươi hay bảy mươi. Thủ pháp chồng xếp cảm động này không có nghĩa là tác giả hoài niệm về lối sống quý tộc của tổ tiên mình. Điều ông quan tâm ở đây là những hệ quả đạo đức từ sự suy tàn hết sức đột ngột của một giai cấp xã hội. Nhưng đó chỉ là một trong mấy chủ đề của tác phẩm. Các nhân vật “cha tôi: không chỉ có quý tộc: hầu như người đàn ông nào cũng là “cha tôi”, kể cả một người mù vô gia cư và hai tên cướp có vũ khí (như “hai người cha của tôi”).

Nếu phần đầu là sự phân giải của nhân vật “cha tôi” hay là của khái niệm cố định về căn cước nhân vật, thì phần hai Tự thú của dòng họ Esterházy (chú ý!) lại dựng lên người cha “thực”. Phần này là một câu chuyện kể liền mạch theo kiểu truyền thống, không có những mưu mẹo phong cách, những ám dụ khéo léo hay những thủ pháp hình thức mang tính tiền phong chủ nghĩa. Mỗi chương trong chín chương tổ chức theo trình tự tuyến tính, giới thiệu một giai đoạn trong cuộc sống của dòng họ Esterházy. Nó bắt đầu lúc bố ông ra đời và kết thúc ở tuổi niên thiếu của ông. Như vậy, khoảng thời gian bao gồm bốn thập niên đầy biến cố của Lịch sử Hungary, từ cuộc cách mạng cộng sản ngắn ngủi năm 1919 đến cuộc nổi dậy năm 1956. Nhưng tâm điểm là ở cuộc sống bên trong của dòng họ, ở sự tham gia hoạt động xã hội của hai thế hệ nhà Esterházy, khi họ cố duy trì những giá trị đạo đức của mình giữa một xã hội thù nghịch. Ông dẫn ra những đoạn dài trong nhật ký của ông mình, và thậm chí người kể chuyện được gọi là Péter, vì vậy độc giả dễ nghĩ là họ đang đọc một cuốn hồi ký thực, một bản ghi chép mang tính tư liệu, hầu như là phi hư cấu, về những chuyện xảy ra trong thực tế. Esterházy không ngăn cản cách đọc này: mặc dù có một ghi chú trước văn bản nói rõ tính hư cấu của các nhân vật và sự kiện, nhưng ghi chú đó nằm trong câu trích. Nỗ lực làm lạ hóa của Esterházy được thực hiện rất khéo léo, tinh tế. Chẳng hạn, ở một chỗ chúng ta thấy Kun Béla, nhà lãnh đạo cộng sản, sau thất bại của cách mạng 1919, đã bay khỏi Budapest trên một chiếc máy bay nhỏ, vô tình để rơi xuống đất vài thứ đồ trang sức ăn cắp mà ông ta mang theo mình. Chi tiết đó không chỉ là hư cấu, mà còn là sự hư cấu của một người có tên là Kosztolányi Dezsö. Cảnh đó không phải lấy từ hiện thực, mà từ văn học. Esterházy thuyết phục chúng ta về tính hư cấu của tất cả những điều nhớ lại, của bản thân lịch sử. Bản chất, ý nghĩa, nguyên nhân luôn luôn là do cá nhân đang nhìn đưa ra. Sau yếu tố giải cấu trúc, tiên phong chủ nghĩa của nửa đầu sách, nửa sau đem lại sự phân giải mang tính hậu hiện đại về những khái niệm sự thật lịch sử và hiện thực1

 NGÂN XUYÊN dịch từ tiếng Anh

     (Tài liệu do Viện Văn học Hungary cung cấp)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513623

Hôm nay

296

Hôm qua

2313

Tuần này

21560

Tháng này

220496

Tháng qua

121356

Tất cả

114513623