Những góc nhìn Văn hoá

Vai trò của trí thức - quan điểm từ châu Âu

Lịch sử văn hóa văn minh châu Âu là lịch sử của những dòng chảy tư tưởng mà các chủ thể đã tạo ra các dòng chảy đó chính là những người có thể được gọi theo nhiều cách theo nghề nghiệp của họ- nhà khoa học, triết gia, nghệ sĩ, giáo viên, nhà báo v.v...và chung nhất với tên gọi còn nhiều tranh cãi „trí thức” (intellectual). Một vài nét sơ lược về những đóng góp, vai trò và sứ mệnh của họ đối với xã hội châu Âu nói chung và văn hóa tư tưởng châu Âu nói riêng sẽ được thảo luận dưới đây.

1. Vai trò tiên phong của các nhà khoa học, nhà tư tưởng và nhà văn hoá trong cải tạo xã hội

Ngày nay Corpecnic được tôn sùng như một trong những nhà khoa học tiên phong, người đặt mốc khởi đầu cho thời kỳ Phục Hưng ở châu Âu, chấm dứt sự áp đặt của nhà thờ làm xơ cứng khoa học và văn hoá suốt bao thế kỷ, làm tiền đề cho cuộc cách mạng khoa học lần thứ nhất ở châu Âu vào thế kỷ 16. Thuyết Nhật tâm (mặt trời làm trung tâm) của ông giờ đây là kiến thức sơ đẳng trong nhà trường nhưng vào cuối thời Trung Cổ lại là một phát kiến mang tính cách mạng, lật đổ những giáo điều Nhà thờ Thiên Chúa giáo tồn tại hơn 10 thế kỷ. Bất chấp sự đe doạ, thậm chí án tử hình từ phía Nhà thờ, Corpecnic đã dũng cảm bảo vệ quan điểm của mình, bảo vệ chân lý khoa học.

Cuộc cách mạng khoa học với những phát kiến của Galileo về vũ trụ, của Newton về quy luật của tự nhiên, khiến con người khao khát chế ngự được thiên nhiên vốn đầy bí ẩn trước đó. Đồng thời, các nhà khoa học đòi hỏi khoa học phải phục vụ đời sống, phục vụ xã hội và coi con người là động lực để phát triển khoa học. Ba nhà khoa học nổi bật cuối thời Phục Hưng, đồng thời là những nhà cải cách đã tìm kiếm con đường đưa khoa học phục vụ các chương trình xã hội. Họ chính là những người đặt nền móng tư tưởng cho phong trào Khai sáng sau đó. Đó là Giordano Bruno (1548-1600), Francis Bacon (1561-1626) và Rene Descartes (1596-1650). Những nhà khoa học này đặt khởi đầu cho một xã hội châu Âu thế tục, thu hẹp ảnh hưởng của nhà thờ, hướng tới những giá trị nhân văn đích thực. Bacon cho rằng khoa học phải mang tính mở, tự do, mọi ý tưởng phải đến được với công chúng. Khoa học phải phục vụ những mục tiêu vì con người: cải thiện điều kiện vật chất, cải thiện thương mại và công nghiệp, đề ra những phương pháp tiên tiến cho sản xuất của cải vật chất phục vụ xã hội. Ngoài ra, con người có thể dùng khoa học để chế ngự thiên nhiên.

Đến thời Khai sáng, các nhà khoa học, tư tưởng đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng nên một xã hội văn minh, đồng thời là một xã hội vì con người. Chính họ là những người xây dựng hình mẫu cho xã hội công dân thay thế cho xã hội phong kiến quân chủ trước đó. Locke, Montesquieu, Russeau đã xây dựng học thuyết về chính trị và quản lý nhà nước, chủ trương mô hình nhà nước dân chủ với sự tham gia tối đa của công dân vào các quyết định chung. Khẳng định tự do của cá nhân, các nhà Khai sáng hiểu rằng không dễ dàng giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân tự do và xã hội kỷ cương có trật tự. Trong vấn đề này, Kant đã đề xuất một cách tiếp cận mang tính tiên nghiệm cho rằng có một xã hội với sự hài hoà tuyệt đối giữa con người tự do và nhà nước pháp luật, tuy nhiên không ai biết được khi nào sự hoàn hảo đó sẽ đến. Do đó, tất cả mọi người đều phải nỗ lực không mệt mỏi để đạt đựơc điều đó và yếu tố để có thể đạt được chính là Thiện chí, là khát vọng hoàn thiện của con người. Như vậy, cá nhân được trao toàn quyền trong việc lựa chọn cách thức và con đường để vươn lên. Một trong những đóng góp quan trọng của Phong trào Khai sáng là tư tưởng Khoan dung (chủ yếu xuất phát từ Khai sáng Pháp), hình thành quan điểm chấp nhận và không can thiệp sự khác biệt trong lối sống, phong tục tập quán, tư tưởng, một yếu tố văn hoá ngày càng được khẳng định ở châu Âu.

Phong trào Khai sáng đã tạo ra một châu Âu trưởng thành và phát triển trong thế kỷ 19. Tuy nhiên, cũng chính trong sự phồn thịnh của chủ nghĩa Tư bản, các nhà tư tưởng, văn hoá đã cảm nhận thấy những mầm mống nguy hiểm và sự đe doạ của nó đối với xã hội. Các Mác, xuất phát từ chủ nghĩa lãng mạn Đức đã nghiên cứu để nhận thấy sự thối nát của xã hội Tư bản, đồng thời phát hiện ra nguyên nhân thịnh vượng của chủ nghĩa Tư bản là dựa trên bóc lột sức lao động công nhân, từ đó đề ra cuộc cách mạng bảo vệ cho giai cấp lao động. Những nghiên cứu và công bố của Mac đã ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội châu Âu, nâng cao vai trò và bảo vệ quyền lợi của giai cấp lao động, đồng thời buộc giới chủ tư bản phải thay đổi thái độ và chính sách đối với người lao động. Đây cũng chính là tiền đề cho những thay đổi chính sách xã hội tầm vĩ mô của các quốc gia châu Âu.

Cuối thế kỷ 19, khi chủ nghĩa Tư bản biến thái thành chủ nghĩa đế quốc hiếu chiến, châu Âu bành trướng thế lực ra khắp thế giới, cũng là lúc các nhà tư tưởng châu Âu cảm nhận được nguy cơ suy thoái của văn hoá châu Âu, khi mà những giá trị truyền thống về đề cao giá trị con người bị xâm phạm nghiêm trọng. Đồng thời họ là những người đầu tiên lên tiếng cảnh báo cho xã hội châu Âu về những nguy cơ ấy. Durkheim đã phát hiện ra sự mâu thuẫn của một xã hội hiện đại khi vật chất dồi dào, đời sống được cải thiện thì các mối liên kết xã hội lại trở nên lỏng lẻo, thậm chí bị triệt tiêu, đẩy con người vào trạng thái cô đơn, lạc lõng, thất vọng và chán nản.

Xã hội càng phát triển, những biểu hiện của nó càng trở nên phức tạp. Để có thể hiểu được bản chất của xã hội cũng như của con người là những cá thể tạo nên xã hội đó, các nhà tư tưởng, các nhà văn, các nhà khoa học và xã hội học đã tiếp cận, nghiên cứu, phân tích dựa trên nhiều phương pháp. Chủ nghĩa duy lý của thời Khai sáng không làm thoả mãn những người theo chủ nghĩa lãng mạn đầu thế kỷ 19. Không theo kịp với đà phát triển của xã hội, chủ nghĩa lãng mạn đề cao trực giác và cảm giác lại nhường chỗ cho chủ nghĩa hiện thực giữa thế kỷ 19. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa phi lý với Nietzsche, Dostoevsky, Freud đã đi đến những kết luận thú vị về bản chất con người, từ đó đưa ra những giải thích về hành vi và những xung đột giữa con người với xã hội văn minh.

Khủng hoảng của văn minh châu Âu trong nửa đầu thế kỷ 20 dường như đã được dự báo trước bởi các nhà văn hoá. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các nước Tây Âu đã liên kết lại trong Liên minh châu Âu và mơ đến một ‘ngôi nhà chung châu Âu’, trong đó các nhà tư tưởng của châu Âu đã sớm nhận thấy văn hoá ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một diện mạo riêng cho ngôi nhà đó, gắn kết các thành viên chung sống dưới một mái nhà. Một trong những gương mặt tiêu biểu của trí thức châu Âu thời kỳ này là Pierre Bourdieu, người kế tục truyền thống của các thế hệ trí thức Pháp từ Voltaire tới Foucault. Vào khoảng giữa những năm 1990, Bourdieu đã xuống đường biểu tình bảo vệ quyền lợi cho  công nhân thất nghiệp và lên án học thuyết kinh tế tự do mới ngày càng đào sâu hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, giữa quốc gia phát triển và quốc gia chậm phát triển. Bourdieu đã rời bỏ các thư viện, giảng đường, viện nghiên cứu để xuống đường, từ một nhà nghiên cứu xã hội học (được đánh giá là nhà xã hội học hàng đầu tại Pháp) thành một nhà hoạt động xã hội tích cực. Niilo Kauppi viết ‘Lý thuyết cần có nền tảng luân lý để biến thành thực tiễn, khoa học cần cơ sở đạo đức để nắm quyền lực’[1], khi đánh giá cao giá trị con người Đạo đức, bên cạnh con người Khoa học của Bourdieu, người luôn đứng về phía quần chúng để bảo vệ cho lợi ích của họ. Ở Pháp và châu Âu, hình ảnh của ông được ví với ‘người trí thức anh hùng của nước Pháp, một điển hình của trường phái Lãng mạn một mình chống lại những thiên kiến tập thể, người dũng cảm nói lên sự việc như nó đang xảy ra trên thực tế’[2].

 

2. Trí thức Anh, Pháp- sự khác biệt

Nếu trí thức Nga, Đức, Pháp luôn tự nhận về mình những trách nhiệm cao cả đối với xã hội, quyền lực của họ được đánh giá tương ứng, trong nhiều trường hợp, ngang với quyền lực chính trị, thì ở Anh, „trí thức không mấy được để ý đến”[3], bất chấp những tên tuổi như Isaac Newton, John Locke, Adam Smith, Jeremy Bentham, William Wordsworth, Charles Dickens, Charles Darwin... Thậm chí ở Anh „không ai muốn được gọi là trí thức, vì họ hoàn toàn không có chút quyền lực và ảnh hưởng nào”[4]. Thái độ của người Anh đối với khái niệm „trí thức” không hề giống với những gì mà ngừơi Pháp tôn trọng „ ở hầu hết các nước nói tiếng Anh, tên gọi ‘trí thức’ không hàm ý khen ngợi, ngược lại nó có nghĩa dè bỉu hoặc bị lạm dụng”[5], bởi vì, người Anh được giáo dục rằng „tính cách quan trọng hơn trí tuệ”. Trên thực tế, trong khi trí thức Pháp và Nga luôn cảm thấy trách nhiệm xã hội nặng nề của mình thì trí thức Anh, với bản tính „phớt Ang-lê”, „không bao giờ thích được ưu tiên và trao quyền lực”. Đối với người Anh, nước Pháp tiêu biểu cho „chủ nghĩa thế giới, nhân tạo, lệ thuộc vào mốt, khôn khéo và láu cá”[6]. Trong khi người Anh tự cho mình là thẳng thắn, tự nhiên, „mang chất đàn ông”, chất phác, nghiêm túc. Trí thức Anh tìm cách lánh xa các hiện tượng bề nổi, các danh hiệu, tước phong và định hướng tới „thực tại, kinh nghiệm”. Cũng chính vì thế mà trí thức Anh bị chỉ trích là „đại diện cho tầng lớp trung lưu „Philistanh”- những người ham làm hơn là ham nghĩ ngợi, những nhà đạo đức mà thiếu „sự ngọt ngào và ánh sáng tư tưởng”, đặc điểm khiến cho trí thức Anh khác với trí thức Pháp và Đức vốn là những người khởi xướng ra chủ nghĩa lãng mạn.

Tuy nhiên, nếu như trí thức Anh không hướng tới quyền lực thì giới quyền lực và tinh hoa của Anh lại có xuất thân từ các gia đình có truyền thống học thức lâu đời, nhiều trong số họ là các nhà chuyên môn, các chuyên gia đỉnh cao. Họ tạo nên một giới „quý tộc có học thức”, liên kết với nhau bởi các mối quan hệ gia tộc và hôn nhân như Macaulays, Trevelyans, Wedgwoods, Darwins, Stephens, Stracheys..Vào thế kỷ 18, 19, và những thập kỷ đầu thế kỷ 20, tầng lớp quý tộc này được đào tạo ở những trường học nổi tiếng, có bề dày thành tích hàn lâm. Họ đổ nhiều tiền của đầu tư cho nhà trường, phát triển các kho sách, thư viện, và tới lượt con cái họ được thừa hưởng những di sản học thức được vun đắp qua nhiều thế hệ.

Vậy thì ở nước Anh, khái niệm „trí thức” (intellectual trong tiếng Anh,  intellectuele trong tiếng Pháp) mang hàm ý gì? Trước hết, người Anh dùng khái niệm „intellectual” để nói về văn hóa của họ, một nền văn hóa được đúc kết từ trí tuệ của con người. Sau sự kiện Dreyfus ở Pháp[7], nước Anh mới tập trung vào „intellectual” như là một giai tầng đặc biệt và vấn đề trách nhiệm của họ đối với xã hội. Trước thế kỷ 19, khái niệm „intellectual” hoặc „intelligentsia” không được sử dụng để chỉ một „giai tầng”. Những người làm việc trí óc được mô tả qua các từ „clerisy” (trí thức), „man of letter”, „literary men” (kẻ sĩ), hoặc „cultivators of science” (người vun trồng khoa học). Sau những năm 1870, 1880 mới dùng các từ „intellectual”, „intellectual life” (trí thức, đời sống trí thức)[8], trong đó „đời sống trí thức” bao gồm thơ ca, nghệ thuật, triết học, và tôn giáo. Đến cuối thời Vitoria (cuối thế kỷ 19), „đời sống tri thức” bao hàm hoạt động trong các trường đại học. „Trường đại học là một tổ chức của đời sống trí thức của đất nước; đó là nơi học tập, nơi nuôi dưỡng khát vọng khoa học, là viện hàn lâm, là tổ ấm của học thức, là nơi trú ẩn của kẻ sĩ và những kẻ thích trầm tư”[9]. Năm 1910, Từ điển bách khoa Encyclopaedia Britannica định nghĩa „trí thức” là „người làm việc với lý thuyết và nguyên tắc hơn là với thực hành, lý thuyết của họ thường liên quan đến những vấn đề trừu tượng: họ xa rời thế giới, và họ chủ yếu thuộc giới dạy học và văn hóa, những người ít chú ý đến những thú vui tầm thường”[10]. Hayek phân biệt năm ý nghĩa khác nhau của khái niệm „trí thức”. Ý nghĩa thứ nhất như đã nói đến ở trên, trí thức là „học giả”. Ý nghĩa thứ hai, „trí thức” được dùng như tính từ có nghĩa là „trí tuệ”: trí thức là người có trí tuệ, thường có nghĩa bổ sung là người có học thức cao, phân biệt với những ngừơi làm việc tay chân. Ý nghĩa thứ ba, trí thức là người có tư duy độc lập và có đầu óc phê phán. Họ phải luôn nuôi dưỡng trong mình thái độ khách quan, đứng ngòai chính trị. Ý nghĩa này được khởi xướng bởi triết gia và nhà văn Pháp Julien Benda, người chống lại những thiên kiến chính trị, chủng tộc và dân tộc của các trí thức cánh tả. Ý nghĩa thứ tư: trí thức là người thực hiện các chức năng xã hội hoặc vì xã hội. Xung quanh vấn đề này có nhiều bàn cãi, chẳng hạn chức năng này bao gồm những nhiệm vụ cụ thể nào hoặc cần phải thực hiện ở mức độ nào. Nhìn chung, đối với trí thức Anh thì chức năng này được hiểu là những định hướng văn hóa cho xã hội, trong khi đối với trí thức Pháp và Nga thì trí thức phải tiên phong trong các phong trào cách mạng và xả thân cùng những biến động xã hội. Ý nghĩa thứ năm, người trí thức, ngòai chức năng định hướng văn hóa còn có vai trò định hướng chính trị và xã hội- điều mà các trí thức Nga và Pháp coi là trách nhiệm hàng đầu. Họ phải có vai trò can thiệp vào đời sống chính trị và có tiếng nói đối với nhà cầm quyền dựa trên quan điểm khoa học.

 

3. Trí thức Đông Âu

Năm 1986, khi bức tường Berlin còn chưa sụp đổ, sau khi Đại hội 27 ĐCS Liên Xô tuyên bố về Perestroika và Glasnost, Vaclav Havel viết ‘Người trí thức phải thường xuyên can thiệp, tận mắt chứng kiến nỗi khổ của nhân dân, đồng cảm với nỗi khổ ấy và nổi dậy chống lại những áp bức vô hình hay hữu hình, là những người luôn đặt mối nghi ngờ đối với hệ thống, với quyền lực và những bùa chú, xuyên tạc mà những quyền lực đó đặt ra’[11]. Có thể thấy,  trách nhiệm ‘dám nói lên sự thật’, tự nhận là ‘người nô bộc khiêm tốn và dũng cảm của sự thật’[12] đã được nhiều trí thức Đông Âu đảm nhiệm. Đông Âu, cũng như Nga, có một đội ngũ trí thức được hình thành như một giai tầng trong xã hội -„inteligentsia”, đội ngũ được xây dựng sau chiến tranh Thế giới thứ hai, gồm nhiều trí thức tiến bộ tập hợp như một lực lượng chống Phát xít.

Giới trí thức đóng một vai trò quan trọng trong các quốc gia XHCN, như hai trí thức mac xit người Hungary, George Konrad và Ivan Szelenyi nhận định[13]. Theo hai học giả này, quyền phân phối thặng dư trong xã hội tư bản thuộc về chủ tư bản, còn trong xã hội XHCN, do không có tư bản, quyền này thuộc về giới cầm quyền- trí thức. „ Ngay khi thị trường được thay thế bằng kế hoạch hóa, những người nắm tri thức sẽ lên nắm quyền, thay cho những người sở hữu tư bản”. Quá trình phân phối sản phẩm „duy ý chí” được hình thành, thay cho việc phân phối sản phẩm dựa vào thị trường. Ngòai ra Konrad và Szelenyi còn nhận định rằng trong xã hội XHCN vai trò của giới trí thức sẽ được coi trọng hơn trong xã hội TBCN, bởi vì giới trí thức ở các nước XHCN, khi bị đẩy ra ngòai rìa, sẽ có xu hướng cầm đầu phong trào „nổi loạn” chống lại quyền lực chính trị. Do đó,  bộ máy cần o bế họ để phục vụ các mục tiêu chính trị, cũng như dùng họ để nuôi dưỡng lý luận và tuyên truyền. So với giai cấp công nhân thì trí thức có vẻ được ưu đãi hơn rất nhiều. Họ kiếm được „căn hộ” dễ dàng hơn, có nhiều thời giờ rảnh rỗi, nhiều cơ hội giải trí hơn, tạo nhiều mối quan hệ và gây được nhiều ảnh hưởng hơn, cũng như được giới lãnh đạo „dè chừng”, „vị nể” hơn[14]. Tuy nhiên nếu đi chệch hướng thì họ có thể phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc.

Một trong những đóng góp quan trọng của trí thức Đông Âu là nỗ lực hình thành nên „xã hội dân sự” ở những nước này. Ngay trong thời kỳ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Liên Xô, ở các nước Đông Âu Ba Lan, Tiệp Khắc và Hungary, dưới lớp vỏ ngoài của xã hội tập trung bao cấp đã có những mầm mống của xã hội dân sự với “những giai tầng đa dạng, những nền văn hóa, truyền thống lịch sử, các thiết chế chính trị-kinh tế khác biệt”[15]. Cho đến thập niên đầu của thế kỷ XX khu vực này vẫn chịu ảnh hưởng của các đế chế xung quanh: Nga ở phía Đông, Thổ ở phía Tây và Áo ở phía Nam. Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ I kết thúc, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary và Nam Tư mới giành lại độc lập. Như một phản xạ nhằm đối phó lại với phạm vi ảnh hưởng của những đế chế nói trên, những quốc gia-dân tộc này tìm mọi cách để duy trì và lưu giữ những nét đặc sắc văn hóa xã hội riêng của mình, trong đó các trí thức đóng một vai trò to lớn.

Một trong những phong trào nổi bật trong sự hình thành các nhóm, các tổ chức mang tính quần chúng, góp phần xây dựng xã hội dân sự ở Đông Âu là các hoạt động bảo vệ môi trường. Quá trình công nghiệp hóa ở nhiều nước Đông Âu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, trong khi chính quyền đã không đưa ra những giải pháp kịp thời cho vấn đề ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm, các nhóm trí thức đã sớm nhận thức được hiểm họa tàn phá môi trường và tác động tiêu cực của nó tới dân sinh. Tuyên ngôn đầu tiên của hội những người bảo vệ môi trường được đưa ra ở Ba Lan, khi Câu lạc bộ sinh thái Ba Lan được thành lập ở Cracow vào tháng 9 năm 1980. Nhiều nhà khoa học môi trường đã tập trung ở đây để khai mạc cho Câu lạc bộ này bằng một bức thu ngỏ gửi lên chính phủ yêu cầu có những điều luật nghiêm khắc hơn nữa nhằm bảo vệ môi trường sống. Nhiều hội thảo đã được tổ chức, nhiều kết luận về tình trạng ô nhiễm cũng như tác hại đối với sức khỏe người lao động, các khuyến nghị tới chính phủ đã được đệ trình. Sau sự kiện Chernobyl ở Ukraina, nhóm vì Hòa bình và Tự do đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối việc bưng bít thông tin về vụ nổ, khoảng 2000 người đã tham gia tuần hành ở Cracow. Tại Bialystok, khu vực gần Chernobyl, khoảng 3000 người đã ký lời kêu gọi ngừng xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Ba Lan có tên là Zarnowiec. Phối hợp với các nhà khoa học và nhà báo, tổ chức này đã gây sức ép buộc chính quyền đóng cửa nhà máy thép Siechnice gần Wroslaw do làm ô nhiễm nguồn nước trong khu vực. Chính quyền khu vực này cam kết sẽ chấm dứt hoạt động của nhà máy trước năm 1992. Ngoài ra, danh sách 500 nhà máy cũng được liệt kê vì đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Kể từ năm 1978, phong trào Hiến chương 77 ở Tiệp Khắc đã coi môi trường là một trong những vấn đề quan trọng trong chương trình hành động. Tháng 7 năm 1983 nhóm giám sát nhân quyền đã soạn thảo một văn bản chi tiết cảnh báo chính quyền về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở miền bắc Bohemia. Tháng 2 năm 1984, Hiến chương 77 đã phát hiện và in lại một báo cáo mật của chính phủ do Viện Hàn lâm Tiệp Khắc soạn thảo năm 1983 về vấn đề môi trường, trong đó thông báo tình trạng môi trường đang bên bờ thảm họa và những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng đối với dân chúng. Báo cáo nêu rõ, kể từ năm 1960, số người bị mất khả năng lao động tăng 50% do các lý do về sức khỏe. Ở các khu công nghiệp, tỉ lệ người người mắc bệnh phổi, tử vongở trẻ em tăng mạnh. Tương tự, cây cối và động vật cũng bị ảnh hưởng do mưa axit, ô nhiễm nguồn nước và không khí cũng như sử dụng hóa chất tràn lan trong nông nghiệp. Năm 1986, Hiến chương 77 đã ra văn bản trình lên Quốc hội phàn nàn việc chính phủ Tiệp Khắc chậm trễ phản ứng với khủng hoảng Chernobyl, trong đó đề nghị phải ngay lập tức đưa đầy đủ thông tin về mức tăng phóng xạ ở Tiệp Khắc và ý kiến của chuyên gia về các biện pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe con người. Năm 1987, tổ chức này ra hai văn bản về tình trạng môi trường ở Tiệp Khắc, trong đó đề nghị vấn đề môi trường phải được đưa ra bàn luận rộng rãi trong công chúng. Các văn bản này được gửi tới nhiều cơ quan của chính phủ, đòi hỏi các nhà máy xí nghiệp dùng than có hàm lượng thấp phải lắp đặt các máy lọc không khí, sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng và cảnh báo nguy cơ cao đối với các nhà máy hạt nhân.. Tuy nhiên những yêu cầu này đều không được giải đáp.

Ở Hungary, phong trào bảo vệ môi trường cũng được dấy lên bởi các tổ chức phi chính phủ. Nhóm Danube Circle (do nhà báo và nhà sinh vật học Janos Vargha thành lập năm 1984) kết hợp với Hiến chương 77 thành lập ra một Dự án liên kết Tiệp-Hung về những nguy hiểm đối với môi trường do đập thủy điện Gabciko-Nagymaros đang xây dựng có thể gây ra. Dự án này tiến hành nghiên cứu và soạn thảo các văn bản đệ trình lên chính phủ hai nước về những nguy cơ hủy diệt môi trường của khu vực sông Đa nuyp. Cũng chính nhóm Danube Circle đã gửi một bức thư lên Quốc hội và Hội đồng Bộ trưởng Hungary về những tác hại của ô nhiễm môi trường và kêu gọi nhận thức đúng đắn về vấn đề này với chữ ký của khoảng 5000 người trong đó có 50 đại diện hoạt động trong lĩnh vực khoa học và văn hóa. Nhóm Danube Circle tuyên bố không liên quan đến các phong trào chống đối hay vì các mục tiêu chính trị mà chỉ là một tổ chức quan tâm đến các vấn đề sinh thái môi trường. Tuy nhiên chính quyền không công nhận nhóm này là một tổ chức chính thức và đã bác bỏ đề nghị của họ. Vào năm 1985, nhóm này mới được phục hồi trở lại sau khi họ được nhận giải thưởng “Sinh kế đúng đắn” với số tiền 95.000 đola, và được nêu tên tại lễ trao giải tại Nghị viện Thụy Điển. Hai năm sau họ mới được chính phủ Hungary đồng ý cho nhận giải bằng tiền Hungary với lý do không được nhận giải bằng ngoại tệ. Nhóm này đã dùng số tiền thành lập ra Quỹ Danube với cam kết “hỗ trợ cho các cá nhân và phong trào tư nhân có các hoạt động gìn giữ môi trường và thiên nhiên có liên quan đến vùng sông Đanuyp”. Nhiều dự án đã được đệ trình để xin Quỹ hỗ trợ. Nhóm Danube Circle còn huy động nhân dân yêu cầu chính phủ thay đổi chính sách. Cuộc trưng cầu ý kiến về đập thủy lợi đã thu được 2655 chữ ký nhưng không thu được đánh giá tích cực từ phía chính quyền (dẫn theo Janusz Bugajski và Maxine Pollack, 1989:214)[16]. Tháng 4 năm 1986, 30 trí thức Hungary đã gửi in một quảng cáo trên một trang của tờ báo ở Viên, thủ đô nước Áo, có tên là Die Presse, với ý định kích động dân chúng Áo phản đối việc xây đập trên dòng Đanuyp trên đất Hung, do phần lớn tín dụng để xây đập là từ Viên và 70% gói thầu xây dựng đập sẽ trao cho các hãng của Áo. Quảng cáo tuyên bố “Một xã hội dân chủ- và chúng tôi tin xã hội Áo là như vậy- không cho phép nó khai thác sự thiếu dân chủ ở một nước khác vì những lợi ích vật chất của nó”. Một số các nhà môi trường và chính trị gia của Áo đã tỏ thái độ thông cảm . Tháng 7 năm 1986 19 thành viên của Danube Circle đã gửi đơn thỉnh cầu lên Nghị viện Viên, thúc dục họ xem xét lại lần cuối hiệp định Áo-Hung về việc xây đập. Ngoài Danube Circle ở Hungary còn một số nhóm các nhà môi trường khác, trong đó thành công hơn cả phải kể đến nhóm “Blues” (Nhóm Xanh, chỉ màu xanh của nước biển và làm nhắc lại các nhóm Xanh vì môi trường của Tây Âu). Thành lập năm 1985, nhóm Xanh trẻ hơn và hăng hái hơn nhóm Danube Circle. Họ tham gia vào các phong trào giáo dục công cộng, chủ yếu với các tuyên truyền bảo vệ sông Đa nuyp. Mặc dù họ không ra ấn phẩm thường kỳ nhưng lại sử dụng các tờ rơi để đến với dân chúng. Tháng 9 anưm 1985, họ lần đầu tiên phân phát 10 ngàn tờ rơi trên khắp Hungary để phản đối việc xây đập thủy điện Gabciko-Nagymaros. Ngoài ra nhóm này cũng gửi thư lên Quốc hội và các nhà trí thức trong khu vực sông Đa nuyp, trong đó trình bày những nguy hại của đập đối với môi trường. Trong một bài phỏng vấn với tạp chí samizdat, các thành viên của nhóm Xanh đã tuyên bố các mục tiêu của mình “trên thực tế là vượt quá định hướng bảo vệ môi trường, và mong muốn khuyến khích tư duy độc lập trong mọi lĩnh vực đời sống và chủ trương tự quản hơn nữa trong cách mọi người sống và làm việc. Chúng tôi muốn mọi người kết hợp lại và chấm dứt sự phân chia trong xã hội” (dẫn theo Janusz Bugajski và Maxine Pollack, 1989:215)[17]. Tháng 3 năm 1988 đại diện của 13 nhóm môi trường độc lập đã nhóm họp ở Budapest, thành lập ra một ủy ban phối hợp chung gọi là Mạng lưới thông in của các nhóm bảo vệ môi trường và có một tờ tạp chí riêng là Tuleles (Sống sót) ra hai tháng một số. Trong số các đại diện của Mạng lưới này có nhóm Danube Circle, nhóm Quỹ Danube, nhóm Câu lạc bộ sinh thái của trường Đại học Eotvos Lorand nhóm Kal Basin Friendsship Circle, nhóm liên minh Petofi và nhóm hòa bình 4-6-0 . Những nhóm này có quan hệ với một số tổ chức chính thức như KISZ (Đoàn Thanh niên) và Bộ Môi trường.

Nhìn lại lịch sử tư tưởng châu Âu, chúng ta thấy thái độ và quan điểm đối với trí thức khác nhau ở từng khu vực và từng giai đoạn phát triển. Dù cho thuật ngữ “intellectual” mới được sử dụng rộng rãi vào cuối thế kỷ 19, chúng ta hiểu rằng, trí thức, dưới những hình ảnh khác nhau của các triết gia, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ…đã xây dựng nên một châu Âu vô cùng đa dạng và giàu bản sắc, họ là những thành tố quan trọng trong việc định hướng tư tưởng, dẫn dắt dư luận, diện mạo văn hóa của xã hội châu Âu.

 

 


[1] Kauppi Niilo. The Sociologist as Moraliste: Pierre Bourdieu’s Practice of Theory and the French Intellectual Tradition/ SubStance, Vol 29. No 3, Issue 93: Special Issue: Pierre Bourdieu (2000), tr. 7-21, Pubished: University of Wiscosin Press.

[2] Kauppi Niilo, sđd, tr. 15

[3]

[4] Thomas William Hayek. Myths and Meanings of Intellectuals in Twentieth-Century British National Identity. The Journal of British Studies. Vol 37, No 2 (tháng 4/1998), tr. 195

[5] Dẫn theo Hayek. Sđd, tr. 195

[6] Hayek, sđd, tr. 196

[7] Sự kiện Dreyfus (Dreyfus affair)- diễn ra vào những năm 1890 tại Paris. Năm 1894, sĩ quan Dreyfus (gốc Do Thái) bị buộc tội lộ bí mật quân sự cho sứ quán Đức tại Paris và bị kết án chung thân dù tòa không có chứng cớ. Hai năm sau, người ta đã tìm ra chứng cớ minh oan cho Dreyfus, tuy nhiên quân đội Pháp đã cố tình bưng bít và tìm cách tiếp tục kết tội Dreyfus. Vụ án Dreyfus đã chia rẽ dư luận Pháp ra làm hai phe, một phe ủng hộ Dreyfus, trong đó có bức thư của Emile Zola (1898) gửi Tổng thống Pháp tố cáo sự bất công của phiên tòa xử Dreyfus , phe kia tiếp tục luận tội Dreyfus, trong đó chủ yếu gồm những ngừoi theo chủ nghĩa bài Do Thái. Sự kiện Dreyfus đã khiến giới trí thức Pháp nhận thấy rằng, trong nhiều trường hợp, họ phải đứng về một phía nào đó để bảo vệ cho lẽ phải.

[8] Hayek, sđd, tr. 203

[9] Mark Pattison. “A Chapter of University History”, Macmillan’s Magazine (8/1875), tr.308.

 

[10] Encyclopaedia Britannica, tái bản lần thứ 11 (New York, 1910), mục “Intellect”

[11] Vaclav Havel (1991). Disturbing the Peace: A Conversation with Karel Hvizdala. New York: Vintage Books, 1991, p. 167, dẫn theo Jerome Karabel “Towards a Theory of Intellectuals and Politics”/ Theory and Society Vol.25, No2 (April 1996), tr. 205

[12] Về sự ra đời của “trí thức hiện đại”, đặc biệt trong Cách mạng Pháp (với vai trò nổi trội của Zola) xem Lewis A. Coser “Men of Ideas A Sociologist’s Views (New York: The Free Pres, 1970), 215-255, Christophe Charle trong “ Naissance des “intellectuels”, 1880-1890 (Paris: Editions de Minuit, 1990). Xem thêm về những tranh cãi xung quanh đóng góp của trí thức, xem Julien Benda “The Treason of the Intellectuals (New York: W.W Norton and Company, 1969); George Orwell “Writers and Leviathan”, George B de Huszar, (cb) “The Intellectuals: A Controversial Poitrait (Glencoe, The Free Pres, 1960); Leszek Kolakowsk “Marxism and Beyond: On Historical Undestanding and Individual Responsibility” (London: Paladin, 1971), “Intellectuals against Intellect” Daedalus (Winter 1972); Alan Montefiore “The Political Responsibility of Intellectuals” trong Ian Maclean, Alan Montefiore và Peter Winch (cb) “The Political Responsibility of Intellectuals (New York: Cambridge University Press, 1990)

[13] George Kondrad và Ivan Szelenyi. The Intellectuals on the Road to Class Power: A Sociological Study of the Role of the Intelligentsia in Socialism. New York: Harcourt Brace Jovanovich, 1979. Dẫn theo Ivan Kuvaic. Intellectuals and Power Structure/ State, Culture and Society. Vol.1, No 2 (Winter, 1985), tr. 154

[14] Ivan Kuvaic. Sđd, tr. 157

[15] Sokolowski, S.Wojciech (2001). Civil Society and Professions in Eastern Europe- Social Changes and Organizational Innovation in Poland. N.Y.: Springer, tr.1

[16] Bugajski Janusz và Pollack Maxine (1989). East European Fault Lines. Dissent, Opposition, and Social Activism. Boulder, San Fransisco, London: Westview Press, tr.

[17] Sđd

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513620

Hôm nay

293

Hôm qua

2313

Tuần này

21557

Tháng này

220493

Tháng qua

121356

Tất cả

114513620