Những góc nhìn Văn hoá

Bản lĩnh dân tộc qua các tác phẩm “ Nam Quốc Sơn Hà” và “Phạt Tống Lộ Bố Văn” của Lý Thường Kiệt


Lý Thường Kiệt người làng An Xá, huyện Quảng Đức, thuộc thành Thăng Long[1], sinh năm 1019, mất năm 1105, tên thật là Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt. Sau vì có công lao lớn, được vua nhà Lý phong quốc tính, nên gọi là Lý Thường Kiệt.

Lý Thường Kiệt có tài thao lược, am hiểu văn chương, năm 23 tuổi được giữ chức Hoàng môn chi hậu, sau trải nhiều chức vị, lập nhiều công trạng trong bình Nam dẹp Bắc, nên được phong tới Thái uý. Ông làm quan dưới ba triều vua: Lý Thái Tông (1000 - 1059), Lý Thánh Tông (1023 - 1072) và Lý Nhân Tông (1066 - 1128). Ông có công rất lớn trong việc phá Tống, bình Chiêm, điều hành đất nước, phát triển kinh tế, văn hoá. Lúc sống, ông được Lý Thái Tông ban hiệu Thiên tử nghĩa đệ (em nuôi của vua). Sau khi mất, ông được truy phong Kiểm hiệu Thái uý Bình chương quân quốc trọng sự, tước Việt Quốc công và được lập đền thờ ở nhiều nơi.
Lý Thường Kiệt là một trong những nhân vật lịch sử đặc sắc nhất của thời Lý. Ông là hiện thân của tinh thần và bản lĩnh dân tộc, là một trong những đại biểu ưu tú của nền văn hoá Thăng Long thế kỷ XI. Nói tới Lý Thường Kiệt, trước hết là nói tới một nhà quân sự tài ba  trong  thời Lý cũng như trong lịch sử dân tộc. Hình ảnh của ông luôn hiện lên trong tư thế của một vị võ tướng kiêu hùng và mưu lược, với thanh gươm và yên ngựa, tung hoành nơi chiến địa, suốt từ Bắc chí Nam, nhằm giữ yên bờ cõi nước nhà. Võ công của ông vang dội. Ông đến đâu cũng để lại những chiến thắng tưng bừng: năm 1075, tiến quân vào đất Tống, tiêu diệt hàng vạn tên địch, san phẳng thành trì các châu Khâm, Liêm, Ung; năm 1076, chặn giặc trên sông Như Nguyệt, diệt hàng nghìn tên địch, làm tiêu tan mộng xâm lăng của kẻ thù phương Bắc; khi làm tướng, ông thân cầm quân dẹp tan các cuộc chống đối triều đình của các tù trưởng địa phương, các thủ lĩnh quân sự; và ngay cả khi đã hơn 80 tuổi, vẫn thống lĩnh quân đội, lập công vang dội trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành... Ông đúng là vị tướng “cầm quân là thắng giặc”[2], một vị tướng bách chiến, bách thắng hiếm có trong lịch sử. Nói tới Lý Thường Kiệt còn là nói tới một nhà chính trị kiệt xuất. “Sau khi đánh lui quân Tống, thanh thế Lý Thường Kiệt lại càng lừng lẫy. Vua mới 12 tuổi, quyền vẫn ở trong tay tể tướng. Thường Kiệt đã lo khôi phục lại những đất đã mất và đòi lại những châu động bị sáp nhập vào Tống trước khi có đại chiến tranh. Đối với trong nước, ông cũng lo tu bổ đê điều, đường xá, đình chùa hư hỏng vì chiến tranh. Ông sửa đổi việc hành chính, tuyển thêm nhân viên giúp việc các công sở...”[3]. Như vậy là có một thời kỳ sau chiến tranh, khoảng sáu năm, Lý Thường Kiệt giữ chức Tể tướng trong triều. Trong thời gian đó, ông đã góp phần quan trọng trong việc củng cố chính trị, xếp đặt kỷ cương, rường mối cho quốc gia. Ông xây dựng những cơ sở quan trọng cho một thể chế phong kiến chính quy, từ phát triển kinh tế xã hội, đến việc học, việc thi, tuyển chọn nhân tài, quan lại... của triều đình.  Ông nổi tiếng là một người nghiêm cần, tận tụy hết mình vì triều đình, vì dân chúng: “Tiết tháo được thể nghiệm nên dân quy phụ, vậy mà luôn dè dặt như đi trên băng mỏng; chăm lo đầy đủ khiến mình trong sạch, nhưng vẫn băn khoăn như cưỡi ngựa nắm dây cương sờn”[4].
Thực ra không phải sau khi thắng giặc Tống, Lý Thường Kiệt mới được giữ chức Tể tướng, mà từ khi Lý Nhân Tông lên ngôi (1072), ông đã chủ động khước từ chức vụ này và mời Lý Đạo Thành từ Thanh Hoá ra đảm nhận, còn mình thân làm tướng cầm quân đi đánh giặc. Cách xử lý ấy chỉ có thể có được ở một bản lĩnh chính trị có tầm chiến lược lớn, biết tin mình và tin người, cố kết thu phục nhân tài phụng sự một triều đình còn có nhiều sóng gió.  Năm 1082, Lý Thường Kiệt thôi chức Tể tướng và được cử đi trị nhậm đất Thanh Hoá. Tại mảnh đất địa phương này, tầm vóc nhà chính trị thiên tài vẫn hiện sáng rực rỡ. Điều này còn được ghi lại trong sử sách. Năm 1101 ông về kinh và trở lại chức vụ cũ. Những năm cuối đời của nhà chính trị lỗi lạc được sử sách ghi lại, tuy sơ sài, nhưng ta vẫn có thể thấy được vai trò rất lớn của nhà chính trị Lý Thường Kiệt đối với đất nước. Theo những ghi chép của chính sử, đó là những năm tháng thiên hạ thanh bình, lòng người hớn hở, cấy trồng được mùa và trời luôn hiện những điềm tốt, điềm lành. Có thể nói lời nhận xét trong bài Văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn đã ghi lại một cách súc tích toàn bộ cuộc đời và phương châm hành động của nhân vật chính trị này: “Thái uý trong thì sáng suốt khoan hoà, ngoài thì nhân từ giản dị. Những việc đổi dời phong tục, nào có quản công. Làm việc thì siêng năng, sai bảo dân thì ôn hậu, cho nên dân được nhờ vậy. Khoan hoà giúp đỡ quần chúng, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng. Dùng oai vũ để trừ bọn gian ác, đem minh chính để giải quyết ngục tụng, làm nên hình ngục không quá lạm. Thái uý biết dân lấy no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để lỡ thời vụ. Tài giỏi mà không khoe khoang, nuôi đến cả người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ đó mà an thân. Phép tắc như vậy có thể gọi là cái gốc trị nước, cái thuật yêu dân, sự  tốt đẹp đều ở đấy cả”. Đúng là, “bậc hiền tể trị nước, mở rộng công đức của mình”[5].
Lý Thường Kiệt được đánh giá là một nhà ngoại giao hết sức tài giỏi và khôn khéo. Tuy không một lần đi sứ, không một lần đàm phán với nước ngoài, nhưng phẩm chất ngoại giao vẫn thể hiện hết sức rõ rệt qua đường lối quân sự và những võ công của ông, qua vai trò của một nhà “biện sĩ” trong chiến đấu, qua tư tưởng chính trị và việc thực hành các chính sách nhằm giữ gìn độc lập dân tộc cùng sự hoà hiếu với lân bang[6]. Nhận xét về điều này, tác giả Văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn viết: “Thái uý lấy tư cách biện sĩ mà phân tích cho giặc, không vất vả mà bọn đầu sỏ rã rời nhụt chí”. Người biện sĩ, thuyết khách mà tác giả văn bia nói tới, chính là Lý Thường Kiệt. Vì vậy, chúng ta chẳng những tiếp xúc với một nhà chính trị, một nhà quân sự, mà còn tiếp xúc với một nhà ngoại giao.Vừa đánh vừa đàm, vừa cương vừa nhu,vừa lên án, phê phán, lại vừa xoa dịu, an ủi đối phương. Vì thế, ông còn là nhân vật chính của “lịch sử ngoại giao triều Lý”. Toàn bộ sự nghiệp “phá Tống bình Chiêm” cũng như kiến thiết vương triều của Lý Thường Kiệt nằm trong bối cảnh chung của lịch sử ngoại giao thời ấy. Lý Thường Kiệt, vì vậy, không xuất hiện như một nhà ngoại giao, nhưng lại luôn nằm trong sự soi sáng đa chiều của cục diện và không khí chính trị, quân sự, ngoại giao của thời đại. Chúng như những mặt tác động tương hỗ, nâng đỡ cho nhau để cùng đạt tới thắng lợi chung là bảo vệ độc lập dân tộc và củng cố quốc gia. Mỗi bước phát triển của cuộc đấu tranh quân sự, của đường lối chính trị đều không tách rời từng bước cuộc đấu tranh ngoại giao. Và ngược lại, cuộc đấu tranh ngoại giao đó có thể “cương nhu, thông biến” được là nhờ dựa trên cơ sở của cục diện chính trị, quân sự, dưới sự lãnh đạo của thiên tài Lý Thường Kiệt.
 Hơn nữa, ông còn là một nhân cách văn hoá mang tầm thời đại. Văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn viết: “Ông tuy thân vương cõi tục mà lòng đã quy y”. Ông là người:  “Lại sùng thượng tôn giáo, vun trồng phúc đức”[7]. Bởi vì giáo lý nhà Phật trở thành một nhu cầu tinh thần có tính tất yếu của toàn dân tộc, thì việc nhập vào dòng ý thức thời đại ấy một cách tự giác đã làm nên nhân cách văn hoá của Lý Thường Kiệt, với bản sắc riêng có tính lịch sử. Dân tộc tiếp nhận Lý Thường Kiệt như một nhà chính trị thiên tài, một anh hùng quân sự, dân tộc còn tiếp nhận Lý Thường Kiệt là nhà văn hoá lớn của mình. Sự nghiệp và cuộc đời Lý Thường Kiệt không tách rời khỏi sự phát triển của văn hoá, tư tưởng thời đại. Vai trò chấn hưng Phật giáo ở Lý Thường Kiệt là rất lớn. Đương thời có khá nhiều văn bia trong các trung tâm Phật giáo ghi khắc công đức của ông. Đó là Văn bia chùa Hương Nghiêm, Văn bia chùa Báo Ân núi An Hoạch, Văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn... Điều đó chứng tỏ quan hệ giữa Lý Thường Kiệt và đạo Phật, hay giữa giới tăng lữ với ông là rất chặt chẽ và hoàn toàn hoà hợp. “Thân tuy vướng tục, lòng đã quy y”. Công đức lớn lao của ông được nhà chùa khẳng định. Sự nghiệp của ông được nhà chùa ghi nhận: “Mở mang giáo hoá, khơi thông mọi tập tục khác lạ, răn điều ác, chỉ điều thiện, khác nào trận mưa rào thấm nhuần cây cỏ, không ai không hớn hở vui tươi”. Sâu sắc hơn, nhà chùa còn ghi lại được vài ánh hồi quang nhỏ trong thế giới tâm linh của ông, cái “tâm” của ông khi đứng trước Phật đài: “Thái uý bồi hồi dạo bước, trên ngắm dưới trông. Thế là vì tấm lòng ưa thích sự  vui vẻ, thương xót quần sinh mà ý nghĩ kinh doanh trỗi dậy”[8]. Sự “khế hợp” đó đâu phải là tình cờ, ngẫu nhiên, mà là sự thể hiện của một nhân cách lớn, một bản lĩnh văn hoá lớn của Lý Thường Kiệt. Không chỉ ở việc phát triển tôn giáo, gắn bó Đạo với Đời, mà bằng tất cả con người mình, sự nghiệp mình, ông góp phần xây dựng văn hoá nước nhà. Trên cương vị một nhà lãnh đạo quốc gia, ông đã góp phần tạo dựng nền văn hoá đó. Công sức của ông in đậm trên nhiều sự kiện văn hoá rực rỡ của thời đại: Phát triển Phật giáo, xây dựng chùa tháp, mở khoa thi Tam trường, chọn nhân tài cho đất nước, tu tạo Văn Miếu, xây dựng nền giáo dục quốc gia...
Nhưng nhân cách văn hoá, bản lĩnh dân tộc, tinh thần ái quốc của Lý Thường Kiệt được thể hiện rõ nhất trong cuộc đối đầu với quân xâm lược phương Bắc nhằm giữ vững chủ quyền quốc gia. Đó cũng chính là bản lĩnh và tinh thần của cả dân tộc Việt Nam trước nạn ngoại xâm, được thể hiện xuất sắc trong hai tác phẩm Nam quốc sơn hà và Phạt Tống lộ bố văn.

TỪ “NAM QUỐC SƠN HÀ”...
Nói tới Lý Thường Kiệt, người ta thường nhắc tới tác phẩm Nam quốc sơn hà. Bài thơ này vốn không có tên gọi, sau này người ta lấy 4 chữ của câu thơ đầu đặt tên, dần thành quen. Bài thơ đã từng gắn bó chặt chẽ với tên tuổi của người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt từ nhiều năm nay. Bài thơ cũng được đưa vào giảng dạy trong nhà trường từ rất sớm, cho nên, đến nay, hầu như không ai không biết đến nó, nếu đã từng ngồi trên ghế nhà trường. Thậm chí, nó thường được xem như là tác phẩm mở đầu của văn học viết của dân tộc, và là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Việt Nam ở mọi thời đại. Tác phẩm này được xem như là một trong những biểu tượng đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước, của tinh thần Việt Nam. Nó thường xuất hiện ở những vị trí trang trọng nhất trong các bộ thông sử hiện đại, trong các bộ lịch sử văn học, các giáo trình đại học, các sách giáo khoa phổ thông...
Tuy nhiên, khi truy tìm nguồn gốc tác phẩm, nhiều nhà nghiên cứu đã xác định Lý Thường Kiệt không phải là tác giả duy nhất của bài thơ Nam quốc sơn hà. Tác phẩm này được ghi chép từ rất sớm trong một số thư tịch cổ của Việt Nam như  Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Đại Việt sử ký toàn thư, Hoàng Việt thi tuyển, Trương tôn thần sự tích, Thiên Nam vân lục liệt truyện... và có nhiều dị bản khác nhau, nhưng văn bản được sử dụng khá thống nhất từ trước đến nay là văn bản được chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư. Về sự kiện này, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Bính thìn, năm thứ 5 (1076)... nhà Tống sai Tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm Chiêu Thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân 9 tướng hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp sang lấn nước ta. Vua sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh. Đến sông Như Nguyệt, đánh tan địch. Quân Tống bị chết hơn 1000 người. Quách Quỳ lui quân, lại lấy châu Quảng Nguyên của ta. Tục truyền rằng Thường Kiệt đắp luỹ làm rào ở dọc sông để cố giữ. Một đêm các quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân có tiếng ngâm to rằng:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
(Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Cõi bờ ngăn cách tự sách trời.
Cớ chi quân giặc sang xâm lấn?
Thất bại bay xem, sẽ đến nơi.)
Rồi sau quả nhiên thế.”[9]
Tác phẩm được các nhà biên chép cổ xem như lời thần nhân, và cho rằng đã từng xuất hiện trong những cuộc kháng chiến chống xâm lược phương Bắc, như trong cuộc chiến đấu chống quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938, trong cuộc chiến đấu chống quân Tống trên sông Bạch Đằng năm 981 của Lê Đại Hành, và cuối cùng là trong cuộc chiến đấu chống quân Tống trên sông Như Nguyệt năm 1076 của Lý Thường Kiệt, vì thế có nhiều “dị bản” khác nhau[10].
Đến đầu thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu lịch sử và văn học sử Việt Nam do nhầm lẫn nên đã cho rằng bài thơ này là sáng tác của riêng Lý Thường Kiệt, bởi trước đó, chưa thấy có tài liệu nào xác định đây là tác phẩm của Lý Thường Kiệt. Trần Trọng Kim Trong cuốn Việt Nam sử lược biên soạn năm 1919 và xuất bản lần đầu năm 1921 có lẽ là người đầu tiên chép bài thơ này gắn với tên tuổi Lý Thường Kiệt, nhưng cũng chỉ đồ đoán rằng “Lý Thường Kiệt... bèn đặt ra một câu chuyện nói rằng có thần cho bốn câu thơ” [11]. Tiến thêm một bước, Dương Quảng Hàm có thể là người đầu tiên khẳng định Lý Thường Kiệt là tác giả của bài thơ này. Trong cuốn sách giáo khoa Việt Nam văn học sử yếu của chương trình giáo dục trung học, Nha Học chính Đông Pháp xuất bản tại Hà Nội năm 1943, ông viết: “Lý Thường Kiệt là một bậc danh tướng triều Lý đã có công đánh quân nhà Tống (1075-1078), khi chống nhau với quân địch, có làm một bài thơ để khuyến khích tướng sĩ...”[12]. Cuốn sách này cũng trích nguyên văn bài thơ để làm tài liệu học tập cho học sinh. Kể từ đó, dường như nhất loạt những người viết về Lý Thường Kiệt đều theo ý kiến của Dương Quảng Hàm, xem Lý Thường Kiệt là tác giả đích thực của bài “thơ Thần” này, và là một trong những nhà thơ lớn nhất của Việt Nam thời trung đại, chủ yếu bởi ông là tác giả duy nhất của bài thơ này. Cũng từ đó, “hầu hết những bộ sách lớn về lịch sử, lịch sử văn học, hợp tuyển thơ văn, tổng tập văn học... đều mặc nhận bài thơ là của Lý Thường Kiệt”[13]. Thậm chí, nó còn được xác định là tác phẩm mở đầu của văn học dân tộc, có vị trí cực kỳ quan trong trong lịch sử văn học, mà bất kỳ ai đã từng ngồi trên ghế nhà trường đều thuộc, đều nhớ, đều thừa nhận như một sáng tạo kiệt xuất của Lý Thường Kiệt. Tác phẩm này đã được các nhà nghiên cứu dày công tìm hiểu, phân tích trên rất nhiều bình diện khác nhau.
Việc tìm hiểu những giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm này, một bài thơ chính luận được sáng tác vào loại sớm nhất của Việt Nam, mà lại là một tác phẩm kiệt xuất thể hiện sâu sắc và hùng hồn lòng yêu nước, ý chí độc lập dân tộc, tinh thần đấu tranh bất khuất trước giặc ngoại xâm phương Bắc, là điều không cần bàn cãi. Nhưng việc xác định tác giả cũng như thời điểm ra đời của bài thơ nổi tiếng này vẫn chưa có căn cứ xác thực. Vì thế, dường như “không một nhà sử học nào có thể chứng minh được rằng bài thơ Nam quốc sơn hà Nam đế cư là của Lý Thường Kiệt”[14], và có ý kiến cho rằng nên xem đây là một tác phẩm chưa có tên tác giả, thậm chí có người gọi là tác phẩm khuyết danh. Học giả Hoàng Xuân Hãn có nghi ngờ việc cho rằng Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ này. Ông viết: “Theo Trần Trọng Kim nhận rằng thơ là của Lý Thường Kiệt. Nhưng nói chắc là Thường Kiệt làm được thơ thì không có gì làm bằng cứ”[15]. Sau này, Bùi Văn Nguyên phân tích các cứ liệu và đoán định rằng: “Như vậy tác giả bài thơ “thần” này là khuyết danh”[16]. Bùi Duy Tân tiếp tục hướng này và chủ trương rằng “bài thơ này nên để khuyết danh tác giả”[17]...
Bài thơ Nam quốc sơn hà nổi tiếng từng gắn liền với hình ảnh người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, đã từng như một trong những biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu  nước, như một sức mạnh tinh thần, đã từng ngấm vào máu thịt của hàng triệu người Việt Nam trong nhiều năm qua, nhất là trong nhưng năm tháng vô cùng cam go của cuộc chiến tranh vệ quốc chống giặc phương Bắc, tưởng không dễ gì có thể phai nhoà trong một sớm một chiều.
Theo chúng tôi, có thể Lý Thường Kiệt không phải là tác giả đầu tiên và duy nhất của bài thơ này, nhưng xét về nhiều mặt, bài thơ vẫn gắn bó chặt chẽ với thời Lý và với nhân vật lịch sử Lý Thường Kiệt, vẫn có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp cho chúng ta nhận thức tư tưởng và con người Lý Thường Kiệt. Bởi lẽ, tác phẩm đã xuất hiện đúng trong thời điểm lịch sử quan trọng của cuộc chiến đấu chống xâm lược Tống do Lý Thường Kiệt lãnh đạo, và chí ít thì “Lý Thường Kiệt là người sử dụng  bài thơ vốn đã lưu truyền từ lâu”[18] này làm vũ khí trong cuộc chiến đấu sinh tử đó. Nó đã được ghi vào chính sử, và được lưu truyền rất rộng rãi trong đời sống tinh thần con người gần nghìn năm nay. Nếu như Lý Thường Kiệt là người đã lựa chọn và sử dụng tác phẩm này thì, theo truyền thống sử dụng văn liệu có sẵn, ông có lẽ cũng ít nhiều sửa chữa, tái tạo nó cho phù hợp với thực tiễn, để làm tuyên ngôn cho mình trong cuộc chiến đấu đó. Chứng cớ là bản ông sử dụng có nhiều điểm không giống với các “dị bản” khác. Vì thế, tác phẩm cũng có thể cho chúng ta thấy được tư tưởng, tinh thần của ông, cũng như cho chúng ta thấy được vai trò của bài thơ trong đời sống tinh thần con người lúc đó, tác dụng của nó trong việc kêu gọi, động viên chiến đấu của người Việt Nam thời kỳ này. Cho đến nay, Lý Thường Kiệt vẫn là người đầu tiên và duy nhất có “liên quan” đến tác phẩm này, là người đầu tiên và duy nhất cho đến nay được xem là “tác giả” của tác phẩm này.
Bài thơ làm theo thể Đường luật. Hình thức của nó không có gì thật đặc biệt. Nhưng có mấy điểm đáng lưu ý ở chỗ nó là một bài thơ chính luận thuộc loại sớm nhất trong văn học Việt Nam. Tuy không xác định được chính xác tác giả đầu tiên của nó, nhưng nó không phải là tác phẩm văn học dân gian, mà đích thực là tác phẩm văn học viết. Về nội dung tư tưởng, có nhiều người xác định đây là một “bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc” và tác phẩm mang giá trị của một bản “tuyên ngôn độc lập”[19]. Nhận định này có điểm đúng ở chỗ, đây là văn bản đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền cương giới lãnh thổ Đại Việt. Để khẳng định điều này, tác giả của nó đã trình bày vấn đề phù hợp với nhận thức đương thời về tính tất yếu của chủ quyền quốc gia dựa trên hai yếu tố, thứ nhất, chủ nhân sở hữu nước Nam là vua nước Nam, thứ hai, việc sở hữu đó được minh định một cách thần bí bằng “sách trời”, bằng “thiên mệnh” như một “tất yếu”:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
(Sông núi nước Nam do vua nước Nam làm chủ
Điều này đã ghi rành rành tại sách Trời)
Có người cho rằng tác giả bài thơ đã lấy những “tiêu chí” có tính phổ quát và không thể đảo ngược trong tư tưởng về chủ quyền quốc gia của chính người Trung Quốc làm căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam, trước quân dân nước Việt và quân tướng ngoại xâm Trung Quốc. Đây là điều hợp lý.
Nhưng nếu xét nội dung tư tưởng trong sự tương hợp với chức năng thể loại của tác phẩm, chúng tôi thấy rằng bài thơ Nam quốc sơn hà là một bài văn hịch với đúng nghĩa của nó. Bùi Văn Nguyên có lẽ là người đầu tiên chú ý đến yếu tố “hịch” của bài thơ này khi ông đưa ra nhận xét về tính song trùng giữa lời “tuyên ngôn đọc lập” với “lời hịch kêu gọi chiến đấu”. Ông viết: “Bài thơ “thần”... vừa có tính chất một bài hịch đánh giặc ngoại xâm, vừa có tính chất một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc”[20]. Chúng ta biết rằng Nam quốc sơn hà ra đời trong hoàn cảnh cuộc chiến đấu đang diễn ra vô cùng gay go, ác liệt giữa quân dân nhà Lý dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt với quân Tống xâm lược trên phòng tuyến sông Như Nguyệt vào năm 1076. Ta đang bị quân Tống tấn công rất dữ dội. Thế trận rơi vào tình trạng rất nao núng. Vận nước đang ngàn cân treo sợi tóc. Chỉ cần vượt qua sông, quân Tống sẽ tràn vào Thăng Long, và đất nước sẽ lâm nguy. Theo huyền sử, trong cảnh nước sôi lửa bỏng đó, bỗng một đêm quân sĩ nghe ở đền thờ thần Trượng Hống, Trương Hát bên sông có tiếng ngâm vang bài thơ này. Bài thơ có một sức mạnh thần kỳ, làm quân Tống run sợ đến “vỡ mật”, làm quân dân nhà Lý tăng thêm chí khí chiến đấu. Sau đó Lý Thường Kiệt cho quân  phản công, giành thắng lợi. Và vì thế bài thơ được gọi là bài “thơ Thần”.
Căn cứ vào hoàn cảnh ra đời và nội dung của bài thơ, có thể xác định Nam quốc sơn hà là một bài hịch thơ.  Bài thơ được ra đời trong một cuộc chiến tranh ác liệt chống lại quân xâm lược nhà Tống đang giày xéo đất nước ta mà việc giành lấy độc lập vẫn còn đang là mục tiêu phía trước. Đất nước chưa độc lập thì việc xác định bài thơ là “lời tuyên ngôn độc lập” có lẽ không hợp bằng việc xác định nó là một “lời  hịch kêu gọi chiến đấu”. Các sử liệu như Đại Việt sử lý, Việt sử thông giám cương mục, Tống sử, An Nam chí lược... và nhiều biên khảo văn sử sau này... đều khá thống nhất  khi đề cập tới những căn cứ lịch sử để xác định yếu tố “hịch” của bài thơ. Đó là thực trạng cuộc chiến khốc liệt trên phòng tuyến Như Nguyệt. Tác giả Đại Việt sử ký viết: “Tục truyền rằng Thường Kiệt đắp luỹ làm rào ở dọc sông để cố giữ. Một đêm các quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân có tiếng ngâm to rằng... Rồi sau quả nhiên thế”[21]. Trần Trọng Kim viết: “Lúc bấy giờ quân nhà Tống đánh hăng lắm, Lý Thường Kiệt hết sức chống giữ...”[22]. Dương Quảng Hàm viết: “Khi chống nhau với quân địch, [Lý Thường Kiệt] có làm một bài thơ để khuyến khích tướng sĩ...”[23]. Đinh Gia Khánh viết: “Quân dân ta dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt đã chặn đánh chúng từ biên giới, và sau cùng, đã lập phòng tuyến chống giữ ở sông Như Nguyệt, tức sông Cầu. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra ác liệt...”[24]. Lê Trí Viễn viết: “Bài thơ đã khích lệ tinh thần quân sĩ đánh tan quân Tống, buộc chúng phải rút chạy nhục nhã...”[25]. Bùi Văn Nguyên viết: “Bài thơ thần đền Trương Hống, Trương Hát vùng Như Nguyệt vang lên trong không trung như một lời hịch hào hùng, thúc giục quân ta quyết chiến quyết thắng”[26]...
Nói đây là một bài hịch thơ vì bài thơ dù có “tuyên ngôn” về chủ quyền, nhưng nên hiểu đó là theo truyền thống của văn hịch, trước hết phải tuyên bố tính chính nghĩa của quân ta, tính phi nghĩa của quân địch, sau đó phải chỉ rõ sự tất thắng của quân ta, đồng thời vạch rõ sự tất bại của quân địch. Nó nêu rõ “danh nghĩa” chiến đấu bảo vệ chủ quyền của vua nước Nam trên đất nước Nam đã được “ghi tại sách trời” của quân dân nhà Lý, nó “kể tội quân địch” xâm lược, nó “thuật rõ sự tốt lành, quang minh của bên ta, kể rõ sự hà lạm, ác ngược của địch”, “nêu lên cái khí số đã tận của kẻ địch”, nói như Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long, phàm đại để là hịch, không ai không làm như vậy. Vì thế nên:
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
(Cớ sao bọn giặc kia dám đến xâm phạm
Chúng bay tất sẽ chuốc lấy bại vong)
Rõ ràng, nó đã “chỉ rõ thiên thời, thấu rõ nhân sự”... Cho nên, nó làm “táng đởm kinh hồn bọn gian cừu, làm vững lòng kẻ tín thần”. Đây đúng là việc “lấy văn từ mà tuyên cáo, lấy vũ sư mà đồng nhung”[27], làm cho quân Tống run sợ, làm cho quân dân nhà Lý tăng thêm ý chí chiến đấu. Nam quốc sơn hà là “văn hay” giúp cho “võ lược” của Lý Thường Kiệt thành công trong cuộc chiến đấu này.
Nam quốc sơn hà là bài hịch thơ đầu tiên trong văn học Việt Nam thời trung đại. Nó là tác phẩm mở đầu của loại hịch thơ vốn khá phổ biến trong văn học Việt Nam các giai đoàn sau này, nhất là trong thời kỳ chống xâm lược Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đây là dấu hiệu mở rộng hình thức văn hịch của thời Lý, song vẫn nằm trong quy luật tiếp thu, lựa chọn hình thức thơ ca Trung Quốc; chỉ có điều hình thức thơ ca này được chuyển giao sang một nhiệm vụ cấp bách và thiết thực lúc bấy giờ, do yêu cầu của lịch sử - đó là nhiệm vụ của một bài hịch. Hay nói cách khác, trong hoàn cảnh cụ thể lúc đó, Lý Thường Kiệt đã chọn một lời hịch, lời kêu gọi động viên chiến đấu với một hình thức phù hợp và có tác dụng cao nhất - hình thức của một bài thơ tuyệt cú. Và quan trọng hơn, tác phẩm này đã thể hiện xuất sắc tinh thần, khí phách và bản lĩnh của quân dân nhà Lý trong cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lược.

... ĐẾN “PHẠT TỐNG LỘ BỐ VĂN”
Lý Thường Kiệt có thể không phải là tác giả duy nhất của bài hịch thơ Nam quốc sơn hà, nhưng tên tuổi của ông vẫn sẽ tiếp tục gắn liền với tác phẩm này là có nguyên nhân của nó. Nhưng Lý Thường Kiệt là tác giả đích thực của nhiều tác phẩm văn hịch, văn lộ bố, một thể văn mang tính chiến đấu cao rất phổ biến trong thời kỳ này. Lý Thường Kiệt là một nhà quân sự tài ba, lại là người am tường văn học, ông có thế mạnh ở thể văn hịch. Điều này cũng giúp cho việc lý giải bản chất tác phẩm Nam quốc sơn hà là tác phẩm hịch văn khi ông lựa chọn và sử dụng nó như một vũ khí trong cuộc chiến đấu chống xâm lược phương Bắc.
Lộ bố là một tên gọi khác của văn hịch, một loại hình văn học quan trọng trong thời trung đại của Trung Quốc, được tiếp thu rất sớm vào Việt Nam. Nó là loại văn học quan phương, văn học chức năng, thường do các vua chúa hay tướng lĩnh quân đội làm ra nhằm kêu gọi, động viên quân sĩ chiến đấu, nên nó chỉ ra đời trong những cuộc chiến tranh và phục vụ trực tiếp các cuộc chiến tranh. Văn lộ bố, hay văn hịch bao giờ cũng nhằm đạt tới hai mục đích chính, thứ nhất là động viên, cổ vũ, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân ta; thứ hai, là làm nhụt ý chí, tinh thần chiến đấu của quân địch. Vì thế,  nội dung của văn lộ bố, hay văn hịch, thường là, một mặt đề cao tính chính nghĩa, tính tất thắng, và thể hiện sức mạnh cùng quyết tâm chiến đấu của quân ta, mặt khác, vạch rõ sự phi nghĩa, thế tất bại của kẻ địch. Vì vậy, lời lẽ của văn lộ bố, văn hịch thường rất mạnh mẽ, quả quyết, dứt khoát. Thể tài phổ biến của văn lộ bố thường là văn xuôi, nhất là biền văn, thỉnh thoảng cũng có dùng vận văn và tản văn.
Theo tài liệu hiện còn thì Lý Thường Kiệt là người viết hịch, viết văn lộ bố đầu tiên của Việt Nam. Điều nay làm cho vai trò của Lý Thường Kiệt trở nên rất quan trọng trong lịch sử văn học. Trong hơn hai thế kỷ tồn tại, nhà Lý đã phải đương đầu với khá nhiều cuộc chiến tranh, cả chiến tranh chống xâm lược, cũng như chiến tranh chống cát cứ phân liệt. Có thể nói, đây là thời kỳ nóng bỏng của cuộc chiến đấu chống thù trong, giặc ngoài. Triều đình vừa phải lo chống đỡ lại những âm mưu xâm lược, thôn tính của nhà Tống ở phía Bắc, vừa phải lo giữ gìn bờ cõi phía Nam tiếp giáp với Chiêm Thành, và bên trong là đối phó và trấn áp các  cuộc nổi dậy chống đối của các thủ lĩnh quân sự hay các tù trưởng địa phương đòi cát cứ[28]... Lý Thường Kiệt vốn là một võ tướng có tài thao lược, lại giỏi thơ văn. Trong những lần cầm quân ra trận, ông thường ban bố những bài hịch kêu gọi chiến đấu. Ông là một trong những người đầu tiên biết dùng văn chương làm vũ khí chiến đấu, để hỗ trợ cho võ công.
Nhìn chung, những bài văn lộ bố của Lý Thường Kiệt thường rất ngắn gọn, lời lẽ giản dị, nội dung đề cập đến những vấn đề cụ thể của cuộc chiến đấu. Chúng chỉ rõ nguyên nhân, lý do của cuộc chinh phạt, vạch rõ sự phi nghĩa, trái đạo và tất bại của kẻ thù, nêu cao sự chính nghĩa, lòng nhân ái, quyết tâm chiến đấu và chiến  thắng của quân nhà Lý. Việc tìm hiểu nội dung tư tưởng của những bài văn lộ bố này phụ thuộc rất nhiều vào việc xác định thời điểm ra đời của chúng, điều mà cho đến nay vẫn còn chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm đúng mức. Đến nay chúng ta chưa sưu tầm được đầy đủ các bài hịch văn lộ bố của ông làm trong các cuộc “Nam chinh Bắc chiến” oanh liệt, hay trong các cuộc chiến chống lại các lực lượng chống đối trong nước, mà chỉ biết rằng, như các tác giả biên soạn Thơ văn Lý - Trần nhận xét,  ông “có làm một số bài lộ bố văn gửi cho nhân dân các vùng châu Ung, châu Khâm, châu Liêm, nhưng chỉ mới tìm thấy bài này (Phạt Tống lộ bố văn) ... Các bài khác chỉ thấy trích từng câu trong các sách sử đời Tống hoặc các sách An Nam chí lược, An Nam chí...”[29].
Qua dấu vết còn lại của một số bài hịch văn lộ bố đánh Tống, có thể thấy rằng, Lý Thương Kiệt là một trong những nhà quân sự đầu tiên đã sử dụng thành công kế sách “mưu phạt tâm công”. Một số tài liệu cho rằng trong thời Lý chỉ có duy nhất một lần Lý Thường Kiệt cất quân đánh Tống năm 1075, trước khi nhà Tống xâm lược nước ta năm 1076[30]. Nhưng một số tài liệu khác cho thấy, Lý Thường Kiệt đã nhiều lần cất quân đánh vào đất Tống[31]. Điều này có thể hợp lý vì theo nội dung những bài lộ bố văn của ông để lại thì quả có việc Lý Thường Kiệt đã nhiều lần cất quân đánh sang đất Tống:
- Thứ nhất, Lý Thường Kiệt nhiều lần dẫn quân đánh sang Trung Quốc để bắt những kẻ phản loạn chống lại triều đình quy thuận nhà Tống, như ý tứ trong một đoạn văn lộ bố còn sót lại:  “Những kẻ phản loạn bản bộ chạy vào Trung Quốc, được quan lại Trung Quốc che giấu. Chúng ta đã báo cho quan ở Quế châu biết, nhưng không được trả lời. Lại sai sứ đi đường bể để báo cho quan ở Quảng Châu, cũng không được trả lời. Vì thế quân của chúng ta đi bắt những kẻ phản bạn ấy”[32]. Điều này phù hợp với thực tế lịch sử từ những năm 50 đến 70 của thế kỷ XI. Vì thời kỳ này, tình hình biên giới phía Bắc hết sức phức tạp. Quan quân địa phương giáp với nước ta của nhà Tống nhiều lần sang xâm lấn và cướp bóc dọc biên thuỳ. Một số tù trưởng địa phương có khi xưng hùng xưng bá, ly khai triều đình, xưng vương lập nước, thậm chí còn cắt đất nộp cho nhà Tống. “Các tù trưởng cai quản đất đai các châu quận miền biên giới này mỗi khi có xích mích với triều đình nhà Lý, hoặc bị các thủ lĩnh vùng Lưỡng Quảng (Trung Quốc) xúi dục, thường theo hàng Tống và nộp  luôn cho Tống phần đất dưới quyền trông coi của mình. Động Vật Dương là đất Nùng Trí Hội đem nộp Tống vào năm 1064... Động Vật Ác là đất Nùng Tông Đán đem nộp Tống năm 1057... Lý Thường Kiệt bèn sai châu mục châu Thượng Nguyên là Dương Thọ Văn đem quân đánh...”[33]. Rất có thể trong những lần cất quân đánh sang đất Tống nhằm dẹp tan những âm mưu xâm lấn hay ly khai này, Lý Thường Kiệt đã viết những bài lộ bố văn để kêu gọi chiến đấu. Và trên cơ sở thực tiễn này, nhà Lý cũng đã thực hành một chính sách khá độc đáo, là gả công chúa cho các tù trưởng địa phương để dễ bề thu phục họ.
- Thứ hai, năm 1075, Lý Thường Kiệt đã đem quân đánh vào đất Tống khi biết nhà Tống có ý định xâm lược nước ta. Trong lần này, có thể Lý Thường Kiệt đã viết không phải một mà là hai bài lộ bố văn. Bài thứ nhất (chỉ còn lại một vài câu) kêu gọi quân ta chiến đấu, nên có câu: “Quan ở Quế châu điểm duyệt dân đinh các khe động, nói rằng muốn đánh nước ta”[34]...    Bài thứ hai (bài văn còn lại ngày nay) là để “gửi cho nhân dân Trung Quốc”, nên có nội dung:     “Trời sinh ra dân chúng, vua hiền ắt hoà mục. Đạo làm chủ dân, cốt ở nuôi dân. Nay nghe vua Tống ngu hèn, chẳng tuân theo khuôn phép thánh nhân, lại tin kế tham tà của Vương An Thạch, bày những phép “thanh miêu”, “trợ dịch”, khiến trăm họ mệt nhọc, lầm than, mà riêng thoả cái mưu nuôi minh béo mập. Bởi tính mệnh muôn dân đèu phú bẩm tự trời, thế mà bỗng sa vào cảnh éo le độc hại. Lượng kẻ ở trên cố nhiên phải xót. Những việc ở trước, thôi nói làm gì. Nay bản chức vâng mệnh quốc vương thẳng đường tiến quân lên bắc, muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, chỉ có ý phân biệt quốc thổ, không phân biệt chúng dân. Phải quét sạch nhơ bẩn hôi tanh để đến thuở ca ngày Nghiêu, hưởng tháng Thuấn thăng bình. Ta nay ra quân cốt để cứu vớt muôn dân khỏi nơi chìm đắm. Hịch văn truyền tới để mọi người cùng nghe. Ai nấy hãy tự đắn do, chớ có mang lòng sợ hãi”[35].
Đại Việt sử ký toàn thư viết về việc này như sau: Tháng 11 năm Ất Mão (1075), “Vương An Thạch nhà Tống cầm quyền, dâng lời nói với vua Tống rằng nước ta bị Chiêm Thành đánh phá, quân sót lại không đầy vạn rưởi, có thể dùng kế đánh lấy được. Vua Tống sai Thẩm Khởi và Lâm Di làm Tri Quế châu, ngầm lấy binh người man động, đóng thuyền bè, tập thuỷ trận, cấm các châu quận không được mua bán với nước ta. Vua biết tin, sai Thường Kiệt và Tôn Đản đem hơn 10 vạn binh đi đánh, đường thuỷ đường bộ đều tiến. Thường Kiệt đánh lấy các châu Khâm, Liêm, Đản vây châu Ung... Tri Ung châu là Tô Giam cố giữ không hàng, quân ta đánh đến hơn 40 ngày, chồng bao đất trèo lên thành. Thành bị hạ. Giam cho gia thuộc 36 người chết trước, chôn xác vào hố, xong rồi tự đốt chết. Người trong thành cảm ân nghĩa của Giam, không một người nào chịu hàng, hơn 5 vạn 8 nghìn người bị giết hết, cộng với số người bị giết ở các châu Khâm, Liêm có đến hơn 10 vạn người”[36].
Bài văn lộ bố đã nêu cao tư tưởng nhân nghĩa để làm cơ sở cho cuộc chiến đấu. Lời văn kết tội vua tôi nhà Tống đã làm trái đạo trời, khiến nhân dân Trung Quốc phải lầm than điêu đứng, vừa để nêu cao chính nghĩa của quân ta, động viên, cổ vũ quân sĩ hết lòng chiến đấu, tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân Trung Quốc ở những nơi Lý Thường Kiệt hành quân qua, lại vừa làm tiêu tan tinh thần chiến đấu của quân địch. Vì thế, bài lộ bố đã có những đóng góp quan trong vào những chiến thắng quân sự của ông trong cuộc chiến đấu này. Bài lộ bố vừa thể hiện rõ tư tưởng kiên quyết bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Lý Thường Kiệt, vừa nêu cao tư tưởng nhân nghĩa ngay cả đối với dân Tống khi ông tuyên bố rằng, cuộc chiến đấu của ông là nhằm chống lại triều đình nhà Tống chứ không phải nhằm và dân Tống và nhằm chiếm giữ đất đai nhà Tống. Mục đích của nó là để cứu vớt nhân dân khỏi cảnh điêu linh, để nhân dân được hưởng thái bình, no ấm. Giữ vững chủ quyền lãnh thổ là mục đích chiến đấu, nhưng bảo vệ quyền lợi của nhân dân, bất kể đó là dân Việt hay dân Tống, khỏi đau khổ, là một tư tưởng nhân nghĩa hết sức cao đẹp của Lý Thường Kiệt. Tư tưởng nhân nghĩa đó vượt khỏi phạm vi dân tộc. Dù có thể đây chỉ là một “cái cớ” để ông cất quân chiến đấu, nhưng ít nhiều, nó thể hiện được quan điểm “thân dân” và chiến thuật “tâm công” của ông.
Thắng lợi của Lý Thường Kiệt trong cuộc chiến chống lại quân Tống trên đất Trung Hoa năm 1075 không chỉ là một chiến thắng về quân sự, mà còn là một thắng lợi về chính trị, về ngoại giao. Đó còn là kết quả của cuộc đụng độ giữa hai lực lượng xâm lược và chống xâm lược, được thể hiện ra cụ thể ở hai nhân vật lỗi lạc của hai nước là Vương An Thạch (Tống) và Lý Thường Kiệt (Lý), trên một tầm cao rộng hơn là cục diện chính trị lúc bấy giờ. Cuộc đụng độ giữa nhà “cải cách” chính trị Vương An Thạch với chủ trương “thanh miêu trợ dịch”[37] trong đối nội, và tiến hành chiến tranh xâm lược trong đối ngoại, nhằm cứu vãn nhà nước phong kiến Trung Hoa đang suy thoái, và nhà quân sự, chính trị, ngoại giao tài giỏi Lý Thường Kiệt của một triều đình mới trưởng thành. Nghệ thuật quân sự thường đề cao vai trò của yếu tố “thời thế”, “địa linh”, “nhân kiệt”. Lý Thường Kiệt rất chú trọng tới “lòng người”, không chỉ đánh bằng “vũ”, mà còn đánh bằng “văn”. Không chỉ có “binh nhẫn ký tiếp”, mà có cả “mưu phạt nhi tâm công”, một tư tưởng quân sự được kế thừa và phát huy mãi về sau.
 Có thể nói, ở các tác phẩm lộ bố này, bản lĩnh và tinh thần chiến đấu của tác giả đã đồng nhất với bản lĩnh và tinh thần của cả dân tộc. Chúng ta có thể thấy ý thức và tinh thần dân tộc ấy được thể hiện sáng rõ nhất trong những cuộc đối đầu với giặc ngoại xâm phương Bắc. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Lý Thường Kiệt đã  lên tiếng phán xét và lên án cả triều đình nhà Tống, từ vua chúa tới tể tướng và các quan lại địa phương của nhà Tống.  Những bài lộ bố đã góp phần quan trọng trực tiếp làm tan rã hàng ngũ kẻ thù, khích lệ, cổ vũ quân dân ta, tạo điều kiện cho cuộc chiến đấu thắng lợi.
Cuộc chiến đấu chống lại âm mưu xâm lược của nhà Tống hoàn toàn không phải là đột xuất, mà thường xuyên. Nhưng việc chủ động tấn công đánh phá hậu phương địch, làm tiêu hao sinh lực và nhụt chí xâm lược của đối phương, thì chỉ có thể có được với bản lĩnh và tầm chiến lược Lý Thường Kiệt. Đó là tinh thần chủ động tiến công, chứ không phải là bị động phòng thủ của ông: “Bỗng chốc quân biên giới nhà Tống nhòm ngó nước ta. Thái uý nắm sẵn mưu chước của triều đình, thống lĩnh quân sĩ, diệt ba châu, bốn trại dễ dàng như bẻ cành gỗ mục”[38].
Văn lộ bố của Lý Thường Kiệt không phản ánh được hết không khí của các cuộc chiến đấu này. Nó chỉ là chi tiết trong những sự kiện lớn. Nhưng lại là những chi tiết vô cùng quan trọng góp phần làm nên thắng lợi của những cuộc chiến đấu đó. Nó là đòn giáng vào tinh thần quân địch, phân hoá hàng ngũ địch, làm tan rã tinh thần của chúng, làm tăng sức mạnh của ta, là một kiểu “mưu phạt nhi tâm công”. Thế cho nên “bày trận đường đường, kéo cờ chính chính, mười vạn quân thẳng sâu vào đất khách, phá quân ba châu như chẻ trúc, lúc tới còn không ai dám đuổi, dụng binh như thế, chẳng phải nước ta chưa từng có bao giờ?”[39]
Lý Thường Kiệt là người được giao trọng trách trong giải quyết nhiều cuộc xung đột biên giới cả ở phía Bắc cũng như ở phía Nam. Việc Lý Thường Kiệt giữ yên bờ cõi phía Nam, nhiều lần đưa quân tiến vào đất Tống, đánh tan giặc ngoại xâm phương Bắc trên đất Việt,  khiến cho giặc Tống khiếp sợ, không phải chỉ là bởi thế lực của nhà Lý lớn mạnh, không phải chỉ là bởi sự suy yếu của nhà Tống trước những thất bại trong đối nội, trước sự chống đối của các lực lượng trong nước, mà quan trọng nhất chính là bởi ông có tinh thần, khí phách và bản lĩnh của một người dám đánh và dám thắng kẻ thù dù lớn mạnh gấp trăm lần mình, đáng là tấm gương sáng cho con dân nước Việt muôn đời noi theo.
Sự nghiệp văn học không tách rời những võ công của Lý Thường Kiệt. Những tác phẩm văn học của ông ra đời trong chiến đấu và phục vụ trực tiếp các cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập cho dân tộc. Đó là sự mở đầu của kiểu “lưỡng sinh” giá trị trong lịch sử được biểu tượng bằng hình ảnh người “anh hùng - thi nhân”, người “chiến sĩ - thi sĩ”.  Tiếc rằng, đến nay chúng ta chưa tìm lại được bài hịch lộ bố nào của ông làm trong các cuộc “Nam chinh”, hay trong các cuộc chiến đấu chống lại các lực lượng chống đối trong nước. Nhưng qua những bài hịch văn lộ bố đánh Tống trong các cuộc “Bắc chiến”, có thể thấy rằng, ông là một trong những nhà quân sự tài giỏi, biết sử dụng kế sách “mưu phạt tâm công” hiệu quả đầu tiên của Việt Nam. Đúng như nhận xét của tác giả Văn bia chùa Linh Xưng núi Ngưỡng Sơn: “Nay có Lý công ... cầm quân là thắng giặc”[40]. Tuy ít ỏi, nhưng những tác phẩm ấy phần nào giúp chúng ta thấy được con người, nhân cách và tâm hồn của Lý Thường Kiệt. Đó là con người luôn đặt lợi ích của nhân dân, của dân tộc lên trên hết. Viết hịch để đánh giặc, nhưng mục đích là thiết lập nền hoà bình, là xây dựng đất nước, chăm lo cho nhân dân.
 Văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn đã đánh giá một cách súc tích toàn bộ cuộc đời của ông: “Thái uý trong thì sáng suốt khoan hoà, ngoài thì nhân từ giản dị. Những việc đổi dời phong tục, nào có quản công. Làm việc thì siêng năng, sai bảo dân thì ôn hậu, cho nên dân được nhờ vậy. Khoan hoà giúp đỡ quần chúng, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng. Dùng oai vũ để trừ bọn gian ác, đem minh chính để giải quyết ngục tụng, làm nên hình ngục không quá lạm. Thái uý biết dân lấy no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để lỡ thời vụ. Tài giỏi mà không khoe khoang, nuôi đến cả người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ đó mà an thân. Phép tắc như vậy có thể gọi là cái gốc trị nước, cái thuật yêu dân, sự  tốt đẹp đều ở đấy cả”.
    Lý Thường Kiệt là một nhà quân sự tài giỏi của thời Lý. Cố nhiên, với những tác phẩm của mình, ông còn là một nhà văn lớn của thời đại ấy. Nhưng với ông, văn học chính là cuộc sống, văn học của ông làm thay đổi cuộc sống. Ông là tác giả của những áng văn đánh giặc tiêu biểu không chỉ trong thời Lý, mà trong cả lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tư tưởng nghệ thuật căn bản trong các tác phẩm của ông chính là thể hiện xuất sắc tinh thần, khí phách và bản lĩnh của dân tộc Việt trước các thế lực ngoại xâm phương Bắc./.

 
Chú thích:
[1] Theo sử sách chép, Thái úy Lý Thường Kiệt (1019-1105) người phường Thái Hòa, huyện Thọ Xương, Thăng Long. Nhưng theo bài “chung văn” chuông chùa Bắc Biên mới phát hiện và sách Tây hồ chí thì ông người làng An Xá, huyện Quảng Đức, phía nam hồ Tây trong thành Thăng Long, còn Thái Hoà là nơi ông cư ngụ sau khi đã làm quan trong triều. Ông tự tĩnh thân [self-castrated to become enuch or spado] để vào cấm đình, phục vụ suốt 3 triều vua Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông [tương đương các triều Triệu Húc (Tống Thần Tông, 1068-1085), dùng Vương An Thạch làm Tể tướng từ năm 1069, Triệu Hú (Tống Triết Tông, 1086-1100, Cao Thái hoàng Thái hậu thống trị), Triệu Cật (Tống Huy Tông, 1101-1125)]. Trước theo hầu Thái Tông. Thánh Tông cho ông làm thanh tra vùng Thanh-Nghệ. 1069, ông theo vua đánh Chiêm Thành, giữ chức tiên phong, bắt được Chế Củ. Dưới triều Nhân Tông, ông chỉ huy quân đội nhà Lý lập võ công oanh liệt trong chống Tống xâm lược. Sau được phong Phụ quốc Thái úy, Khai quốc công, rồi Thái úy... (ÐVSKTB, 1997:254). Tháng 6 Ất Dậu [13/7-11/8/1105] Lý Thường Kiệt mất, được tặng phong Kiểm hiệu Thái úy Bình chương quân quốc trọng sự Việt quốc công. Em là Lý Thường Hiến được phong tước hầu. (CM 4:5; (Hà Nội: 1998), I:367) (ÐVSK Tục biên, Bản kỷ, Kỷ nhà Lý, III:244-245; CM 4:5; (Hà Nội: 1998), I:367; ÐVSKTB, 1997:253-54)
[2] Văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn, bản dịch. In trong Thơ văn Lý - Trần, tập I. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 364.
[3] Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao triều Lý. Tập I, NXB Sông Nhị, H. 1949; Tập II, NXB Sông Nhị, H. 1950.
[4] Chu Văn Thường: Bài ký bia chùa Báo Ân núi An Hoạch, Thơ văn Lý - Trần, T. I, Sđd, tr. 307
[5] Văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn, Thơ văn Lý - Trần, T. I, Sđd, tr. 364.
[6] Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao triều Lý. Sđd.
[7] Văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn. Sđd, tr. 364.
[8] Văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn. Sđd, tr. 364.
[9] Về thời điểm diễn ra cuộc xâm lược của nhà Tống đối với Đại Việt vẫn còn những tồn nghi. Hiện có 3 thời điểm được ghi chép khác nhau: (1) Theo Đại Việt sử ký: Tháng 3 Bính Thìn [6/4-5/5/1076]: Tống mang quân đánh Ðại Việt. Cầm đầu là Quách Quì và Triệu Khế [Tiết?] làm phó. Chiêm Thành và Chân Lạp phụ giúp. (ÐVSK, BKTT, III, 1967, I:238); (2) Theo sử khác: Tháng 11 Bính Thìn [29/11-28/12/1076], quân Tống phối hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp đánh Ðại Việt; (3) Theo Tống sử, An Nam chí lược và Cương mục: Tháng 12 Bính Thìn. “Tháng 12 Bính Thìn [29/12/1076-26/1/1077] Quân nhà Tống sang xâm lược” (Cương mục 3:38; Hà Nội: 1998), I:353-54). An Nam chí lược cũng trích đăng “Chiếu dụ Giao Chỉ” của Trịnh Húc [Thần Tông, 1068-1085], vào tháng Chạp năm Hy Ninh thứ 8 [tức tháng 12 Bính Thìn]. Vì vậy, cuộc chiến này xảy ra vào tháng 12 năm Bính Thìn chứ không phải tháng 3 năm Bính Thìn như Đại Việt sử ký chép nhầm.
[10] Bản “Nam quốc sơn hà” sử dụng thống nhất trong các sách vở hiện nay là lấy từ  Đại Việt sử ký toàn thư (T. I, NXB Khoa học xã hội, H. 1972, tr. 238). Các bản khác có đôi chỗ dị biệt, như  bản Việt điện u linh chép:
Nam bắc phong cương các biệt cư
Tinh phân Chẩn Dực tại thiên thư
Kình thôn lang phệ chân vô yếm
Hội kiến trần thanh tảo thái hư
Bản Lĩnh Nam chích quái chép:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
Như kim bắc lỗ lai xâm phạm
Hội kiến hải trần tận tảo trừ
Bản Việt sử diễn âm chép:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm
Hội kiến phong trần tận khử trừ...
[11] Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược xuất bản năm 1921, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh tái bản, 2005, tr. 99. Bài trích của sách này lấy theo bản ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư. Việc bài thơ được “đọc” hay “ngâm” trên chiến tuyến sông Như Nguyệt cũng chỉ là một “giai thoại” ít nhiều có tính “hoang đường”, vì văn bản bài thơ bằng chữ Hán được đọc lên, kẻ sĩ đôi bên, những người không biết âm Hán - Việt thường không thể hiểu được.
[12] Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu. Nha Học chính Đông Pháp XB, H. 1943, NXB Hội Nhà văn tái bản, H. 2002, tr. 219, 220. Bài thơ được trích dẫn cũng là bản ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư. Theo chúng tôi, có thể tin rằng Dương Quảng Hàm là người đầu tiên nhầm lẫn khi cho rằng Lý Thường Kiệt là người “làm ra bài thơ này”.
[13] Bùi Duy Tân. Khảo và luận một số tác gia, tác phẩm văn học trung đại Việt Nam. T. I, NXB Giáo dục, H. 1999, tr. 21.
[14] Hà Văn Tấn: Lịch sử, sự thật và sử học. Báo Tổ quốc, số 401, tháng 1-1988
[15] Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt. Lịch sử ngoại giao triều Lý. Sđd, tr. 303.
[16] Bùi Văn Nguyên: Nam quốc sơn hà. Sách Giảng văn, tập I, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H. 1982, tr. 198
[17] Bùi Duy Tân. Khảo và luận một số tác gia, tác phẩm văn học trung đại Việt Nam. T. I, Sđd, H. 1999, tr. 22.
[18] Bùi Duy Tân: Khảo và luận một số tác gia, tác phẩm văn học trung đại Việt Nam. T. I, Sđd, H. 1999, tr. 22.
[19] Xem các sách Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam: Lịch sử Việt Nam T. I. Nxb Khoa học xã hội, 1971, Viện Văn học: Văn học Việt Nam trên những chặng đường chống phong kiến Trung Quốc xâm lược. Nxb Khoa học xã hội, H. 1981.
[20] Bùi Văn Nguyên: Nam quốc sơn hà. Sách Giảng văn, tập I, Sđd, tr. 198.
[21] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, Sđd, tr. 238.
[22] Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, Sđd, tr. 99.
[23] Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu. Sđd, tr. 219.
[24] Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương: Văn học Việt Nam từ thế kye X đến nửa đầu thế kỷ XVIII,  tập I, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H. 1978, tr. 108.
[25] Lê Trí Viễn: Những bài giảng văn ở đại học. Nxb Giáo dục, H. 1982, tr. 28.
[26] Bùi Văn Nguyên: Nam quốc sơn hà. Sách Giảng văn, tập I, Sđd, tr. 199.
[27] Lưu Hiệp: Văn tâm điêu long. Phan Ngọc phiên dịch và chú giải. Bản đánh máy. Tư liệu Viện Văn học.
[28] Theo các tài liệu lịch sử, thời Lý là thời kỳ khó khăn, vất vả nhất trong việc chống lại các vụ nỏi dậy cát cứ, phân liệt của các thủ lĩnh quân sự và các tù trưởng địa phương. Nếu dưới triều nhà Ngô (939-967) và nhà Đinh (968-980) có 14 vụ, dưới triều Tiền Lê (981-1009) có 8 vụ, dưới triều Trần (1225-1400) có 2 vụ, thì dưới triều Lý (1009-1225) có tới 28 vụ nổi dậy chống đối triều đình. (Theo Nguyễn Danh Phiệt. Sự nghiệp thống nhất đất nước thời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần với kỷ nguyên Đại Viêt. In trong Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý Trần, NXB KHXH, H. 1981, tr. 413).
[29] Viện Văn học: Thơ văn Lý Trần. T. I, Sđd, tr. 320.
[30] Các nhà chú giải sách Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, Sđd, chú: “Cương mục, q. 3, theo sách Cương mục tục biên của Trung Quốc chép việc “Giao chỉ đại cử nhập khấu” vào tháng 11 năm Ất mão và việc “hãm Ung châu” vào tháng giêng năm Bính thìn để chép việc này vào tháng 11 năm Thái ninh thứ 4 (1075) như thế đúng hơn” (ý nói Lý Thường Kiệt chỉ có một lần đánh vào đất Tống) (tr. 343);  Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, Nxb Khoa học xã hội, H. 1983 (Bản khắc in năm Chính hoà thứ 18, 1697), chú: “Như Toàn thư ghi đây thì quân nhà Lý trước sau hai lần sang đánh châu Khâm, châu Liêm (lần trước vào năm Ất mão, 1075, và lần này vào tháng 3 năm Đinh tỵ, 1077). Cương mục theo các tài liệu của Trung Quốc như Cương mục tục biên, Giao chỉ di biên đã sửa lại, ..., trước sau chỉ một lần chứ không phải hai lần tách biệt, như Toàn thư đã chép lầm” (tr. 293);  Thơ văn Lý - Trần, T. I, Sđd, chú: “Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì vào tháng Giêng năm 1077, Lý Thường Kiệt lại đem quân sang đánh hai châu Khâm và Liêm một lần nữa, và những bài hịch trên là viết vào dịp này. Thực ra, chưa có chứng cớ gì về trận đánh thứ hai. Có lẽ Đại Việt sử ký toàn thư nhầm...” (tr. 320). Theo sử quan Nguyễn, không có việc Lý Thường Kiệt qua đánh Tống vào tháng 3 năm Ðinh Tị [1077]. (CM, III:37; 1998, I:351-52]...
[31] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, NXB Khoa học xã hội, H. 1972, chính văn: Tháng 3 năm 1077: “Lại đem đại binh sang đánh hai châu Khâm, Liêm nước Tống, nói phao  lên rằng nhà Tống thi hành phép “thanh miêu” tàn hại nhân dân Trung Quốc, cho nên đem quân sang hỏi tội để cứu giúp nhau”. (tr. 239); Lê Tắc: An Nam chí lược. NXB Thuận Hoá (tái bản), 2002, chính văn: “Trong thời Tống Thần Tông (1068-1085), Vương An Thạch làm Tể tướng, muốn lập công tại biên thuỳ, nên dùng Thẩm Khởi làm chức Trí Quế châu, cố ý đánh lấy đất An Nam, rồi kiểm điểm, tụ tập những quân man mọi của các khe động, lại cấm Giao Chỉ thông thương với châu huyện, vì vậy Giao Chỉ tức giận, hai chuyến lập mưu vào quấy rối Trung Quốc.” (tr. 120). Tham khảo: “La vérité sur les relations sino-vietnmiennes” – “La Chine et le Monde” (“Sự thật về quan hệ Trung Hoa-Việt Nam” trong “Trung Hoa và Thế Giới”, Beijing: Beijing Information, 1982, tr. 105 [102-141]): Trong vòng 246 năm, từ năm 995 đời Taizong tới 1241 đời Lizong, Việt Nam đã tấn công Trung Hoa tới 10 lần.
[32] Viện Văn học: Thơ văn Lý Trần, T. I, Sđd, tr. 320.
[33] Viện Văn học: Thơ văn Lý Trần, T. I, Sđd, tr. 437.
[34] Viện Văn học: Thơ văn Lý Trần, T. I, Sđd, tr. 320.
[35] Viện Văn học: Thơ văn Lý Trần, T. I, Sđd, tr. 320.
[36] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, Sđd, tr. 237.
[37] Thanh miêu trợ dịch: Hai biện pháp  mà Vương An Thạch dùng trong chính sách kinh tế, nhằm giải quyết sự khó khăn về tài chính. Thanh miêu: người dân vay tiền khi lúa non và trả lãi; trợ dịch:người dân nộp tiền thay việc đi phu dịch.
[38] Văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn. In trong Thơ văn Lý - Trần, tập I. Sđd, tr. 361.
[39] Ngô Thì Sĩ. Việt sử tiêu án.. Nxb Thanh niên (Tái bản), H. 2001.
[40] Văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn, In trong Thơ văn Lý - Trần, tập I, Sđd,  tr. 364.
Nguồn: hopluu.net
 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513622

Hôm nay

295

Hôm qua

2313

Tuần này

21559

Tháng này

220495

Tháng qua

121356

Tất cả

114513622