Những góc nhìn Văn hoá

Căn bịnh mãn tính của âm nhạc truyền thống Việt Nam

Trong bàn tròn âm nhạc của Giai điệu xanh, em Hữu Trịnh đã lên tiếng "báo động", Giáo sư Ca Lê Thuần đã hưởng ứng và nêu lên sự kiện kinh tế thị trường, làm "nẩy nở chủ nghĩa thực dụng", nhiều nơi đã coi "nghệ thuật là một phương tiện kinh doanh", và đã đưa ra những đề nghị rất xác thực, hợp thời, hữu hiệu như "giáo dục thẩm mỹ, nghệ thuật", "tạo môi trường âm nhạc lành mạnh", "soạn lại chương trình giảng dạy âm nhạc", "đào tạo đội ngũ kế thừa", xem lại "chế độ, chánh sách ưu đãi học sinh học nhạc dận tộc, và nghệ nhân đang gìn giữ vốn âm nhạc dân tộc".

Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan đã ưu tư vì "những em học nhạc dân tộc ra trường không thể sống bằng nghề", đôi khi mệt mỏi vì tổ chức những buổi biểu diễn là muốn xây những chiếc "cầu nối để dẫn công chúng đến với âm nhạc dân tộc", hao công tốn của mà vẫn phải "tự lực cánh sinh", chưa có ai tiếp tay trong công việc đó. Còn nhiều ý kiến rất hay của những bạn khác, kể ra không xiết.

Để góp ý với các bạn, tôi xin đưa ra vài nhận xét về những nguyên nhân nào đã tạo ra một tình trạng đáng buồn của âm nhạc dân tộc trong xã hội Việt Nam ngày nay, và nếu biết rõ được con vi trùng hay siêu vì trùng nào gây ra căn bịnh, hoặc vì đâu âm dương trong cơ thể ta mất quân bình, thì chúng ta sẽ tìm những phương thuốc để trị bịnh đó.

Có lẽ, như các bạn vừa thấy, tôi vì "méo mó nghề nghiệp", vừa là nhà dân tộc âm nhạc học mà có lúc học Y tại Hà nội, nên thấy tình trạng khó khăn của âm nhạc dân tộc như một "căn bịnh". Bản chất của truyền thống âm nhạc Việt Nam rất vững chắc, sinh lực truyền thống rất dồi dào. Giá trị nghệ thuật rất cao. Tại sao lại bị chìm vào quên lãng? Như người đang khoẻ mạnh, bỗng kiệt sức, thì chỉ vì lâm bịnh.

Chẩn mạch xong, tôi thấy rất nhiều nguyên nhân, lịch sử, chánh trị, tâm lý, kinh tế, xã hội, từ rất lâu, đã làm cho dân tộc ta, nhứt là giới thanh niên lần lần đi xa âm nhạc dân tộc.

Nguyên nhân từ hơn một thế kỷ.

Trong lịch sử, từ hơn một trăm năm, nước Việt Nam mất chủ quyền. Chánh sách thuộc địa, tuy không cấm đoán chúng ta học tập hay biểu diễn âm nhạc dân tộc, nhưng người thống trị thường phổ biến và đề cao văn hoá của họ, và tất nhiên đẩy lùi văn hoá người bị trị vào trong bóng tối.

Tình trạng dân bị trị dẫn đến tâm trạng tự ti: thấy người thống trị có lực lượng quân sự hùng hậu, nếp sống vật chất cao với nhiều tiện nghi, bị choá mắt vì cái hào nhoáng bên ngoài, nhạc cụ lộng lẫy, dàn nhạc đông đảo, người dân Việt sanh ra tự ti, thấy cái gì mình cũng thua kém, thì văn hoá mình cũng không bằng văn hoá người thống trị. Thấy cây đàn piano bóng bẩy, cả mấy chục dây, nhìn lại cây đàn bầu, thùng tre thùng gỗ trông nó nghèo nàn làm sao, và nó lại nằm trong tay những người ăn mày, mà quên đi cái giá trị của nó trong chỗ chỉ một dây mà tạo ra bao nhiêu âm thanh, có âm vực trên ba quãng tám, phối hợp hai nguyên tắc vật lý là tạo bồi âm bằng cách khảy dây đàn đúng chỗ nút giao động, rồi thay đổi độ căng của sợi dây để làm cho bồi âm có độ cao thấp khác nhau, không thấy rằng "một dây nũng nịu đủ lời, nửa bầu chứa cả một trời âm thanh" (Thơ của Văn Tiến Lê). Chỉ thấy hình dáng thô sơ mà quên rằng trong sự cấu tạo nhạc khí, cha ông chúng ta đã dùng "một dây căng giữa đất trời, cần nghiêng nghiêng tựa dáng người vươn lên" (Thơ Nguyễn Hải Phương), có cả thiên, địa, nhân trong vóc dáng, mà "tiếng ngân, ngân tận cõi nào, dư âm rơi ngẩn ngơ vào tim ai" (Thơ Nguyễn Hải Phương ). Đi học đàn cò, thì xấu hổ, dấu kín cây đàn cò trong bị. Đi học đàn violon, thì hảnh diện xách cây đàn trong hộp gỗ cho mọi người thấy. Lòng tự ti đó dẫn tới chỗ nhiều người nghĩ rằng: "đàn dân tộc là lạc hậu, đàn Tây là tiến bộ" !! Đi đến chỗ bỏ đàn Việt, học đàn Tây.

Rồi những nguyên nhân kinh tế lại càng làm cho thanh niên xa lần âm nhạc truyền thống. Trong những buổi hoà nhạc, trên các Đài phát thanh, sau nầy trên Đài truyền hình, trong các hãng làm dĩa hát, tiền thù lao cho nhạc công truyền thống thua xa tiền thù lao của những nhạc công đàn Tây và từ năm sáu chục năm nay, thua cả diễn viên tân nhạc. Bỏ công luyện tập đàn dân tộc để không sống được với nghề nghiệp của mình. Cùng một thời gian luyện tập, đi vào nhạc mới, nhạc Tây sẽ làm ra tiền nhiều hơn. Tính thực dụng đã làm cho thanh niên quay lưng với âm nhạc truyền thống.

Tiếp theo là nạn chiến tranh. Trong hơn 30 năm, nước Việt bị chìm trong khói lửa. Nông dân cấy lúa ban đêm, im lặng không hò không lý. Đối ca nam nữ, hát đúm, hát ghẹo, hát xoan, hát quan họ cũng im hơi vắng tiếng vì ngày đêm bom đạn có thể rơi trên đầu mình bất cứ lúc nào. Tất cả năng lực trong nước đều tập trung để chống ngoại xâm, phục vụ kháng chiến. Văn nghệ dân tộc vì thế không được phát triển.

Nếp sống trong xã hội thay đổi.

Đàn bà không phải như ngày xưa chỉ là nội trợ, mà đi làm việc bên ngoài. Con ít bú sữa mẹ, và tiếng hát ru cũng đã tắt trên môi của bà, mẹ, chị, để nhường chỗ cho những chương trình của Đài phát thanh giới thiệu những ca sĩ tân nhạc, hay nhạc kích động của nuớc ngoài. Đứa trẻ đã mất đi bài giáo dục âm nhạc đầu tiên của mẹ gieo vào tiềm thức em.

Trẻ em không còn hát những bài đồng dao mà hát những bài do người lớn đặt ra cho em.

Thanh niên thiếu nữ gặp nhau, không còn thích đối đáp bằng những câu ca tình tứ, những bài hát huê tình, mà thích ôm nhau và khiêu vũ theo những điệu tango, boléro.

Tiến bộ kỹ thuật có giúp con người đỡ tay, và nâng cao mức sản xuất, nhưng cũng làm mất đi vài vài điệu dân ca. Trong đồng ruộng không còn những giàn hò, hò cái hò con, cất lên những câu kể câu xô. Đã có đài phát thanh cho nghe những bài hát tân nhạc rồi ! Không còn những tiếng chày tiếng cối nhịp theo những câu hò giã gạo hay xay lúa, vì đã có những nhà máy thay người, chỉ cần đổ lúa đầu nầy, hốt gạo đầu kia.  

Trên sông nước không còn những tiếng cất lên trong đêm vắng gọi "bớ chiếc thuyền loan khoan khoan gác mái. Tôi có một đôi lời phải trái phân nhau". Vì bao nhiêu đò máy đã thay thế chiếc đò chèo. Tiếng máy xìn xịt đã thay tiếng Hò khoan vang trên mặt nước.

Các rạp hát thưa lần và tụ điểm mọc lên như nấm.

Trên các đài phát thanh hay truyền hình, vắng tiếng đờn ca dân tộc tân nhạc và "nhạc ngoại" chiếm những giờ có thể đông người nghe.

Lại có bao nhiêu bộ môn bị hiểu lầm, đôi khi chịu hàm oan mang tiếng xấu. Những đào nương, gốc nông dân, chịu khó luyện tập để hát được tròn vành rõ chữ, vững tay phách, lại phải có tánh hạnh tốt mới được tuyển đi hát thờ hay hát cửa đình. Người đào nương đến khi mang tiếng « cô đầu » bị liệt vào "phường bán phấn buôn hương", vì ít ai biết cô đầu hát và cô đầu rượu là hai hạng người khác nhau rất xa. Cô đầu rượu nhờ tài nghệ của cô đầu hát dẫn khách vào nhà để cô đầu rượu rót chén rượu nồng mời "quan viên" uống cho say, rồi rỉ tai bày chuyện gió trăng. Nhưng nghệ thuật ca trù vì vậy mà bị coi thường và chìm lần vào sự lãng quên.

Chầu Văn bị xem là mê tín, nên có lúc bị bài trừ chớ không phải là một sinh hoạt văn hoá toàn diện, có hát có đàn, có trang phục, có múa.

Những nguyên nhân tôi nêu ra cho chúng ta thấy vì đâu âm nhạc truyền thống mất lần sinh lực, nên trước sự tấn công của các luồng văn hoá ngoại bang, đã bị đẩy lần vào trong bóng tối. Đa số thanh niên chạy theo cái hào nhoáng bên ngoài vì không hiểu cái chân giá trị đặc thù mà kín đáo của nghệ thuật dân tộc.

Ngày qua tháng lại, căn bịnh không ai trị đã thành mãn tính.

Nay muốn lành bịnh phải trị căn chớ không thể trị chứng.

Từ trong gia đình ra tới xã hội, từ dân chúng đến nhà cầm quyền, mỗi người đều phải có ý thức nhúng tay vào việc trị bịnh. Nếu bắt đầu từ ngay bây giờ, có lẽ phải đợi 5, 10 năm hoạ may mới có kết quả. Nếu không, việc phải tới sẽ tới. Âm nhạc truyền thống sẽ hoi hóp, tàn lụn rồi đến khi sức tàn lực tận sẽ trút hơi thở cuối cùng. Đó là cái nhìn khách quan. Nhưng tôi bổn tánh lạc quan và rất tin tưởng vào ý chí quật khởi của dân tộc Việt Nam, nên tôi nghĩ rằng âm nhạc truyền thống, dầu lâm cơn bạo bịnh, cũng sẽ tìm lại được sức hồi sinh.

Muốn sớm đem lại nguồn sinh lực cho nguời bịnh, tôi đề nghị những phương thuốc sau đây:

1.            Làm sống lại tiếng Hát ru để cho trẻ sơ sanh có được bài giáo dục âm nhạc đầu tiên trong cuộc đời. Nếu mẹ phải đi làm việc bên ngoài hay phải gởi con vào nhà trẻ, thì đến giờ các em ngủ, để cho các em nghe qua máy phóng thanh, tiếng hát ru ghi vào dĩa hát hay băng từ.

2.            Đem âm nhạc truyền thống vào học đường là một phuơng thuốc hữu hiệu và cần thiết nhứt. Dạy con dạy thuở còn thơ. Trong các lớp mẫu giáo hay các trường tiểu học, trung học nên có chương trình dạy Giáo dục âm nhạc trong đó âm nhạc truyền thống dân tộc là nòng cốt.

3.            Các em nhỏ nên hát những bài đồng dao hay những bài hát sáng tác theo loại đồng dao, như những bài "Ông Nỉnh Ông Ninh", "Có con dế mèn" của Lê Thương, phù hợp với tâm lý các em hơn những bài do người lớn sáng tác theo phong cách phương Tây.

4.            Khuyến khích người nông dân hò, lý trong lúc làm việc. Có thể tổ chức những giàn hò trong mỗi vạn cấy gồm đôi ba cặp hò đối đáp. Những người hò hay, thì hò nhiều, làm việc ít, mà tiền công được trả đủ có khi còn được thưởng. Như cô bảy Phùng Há thuở lên 7, 8 tuổi đi làm thuê trong lò gạch. Nhờ có giọng ca hay, ai nấy đều đồng ý để cho cô ca, khỏi làm gạch, mỗi người cho một ít gạch, thành ra cô bé có giọng oanh vàng hôm nào cũng có nhiều viên gạch, mà khỏi phải lao công. Người làm nhờ nghe ca ; thích thú, năng suất cao, chủ lò gạch rất thích.

5.            Khuyến khích những sinh hoạt đối ca nam nữ, những buổi hoà đàn dân tộc bằng cách mở những cuộc thi có cho giải thưởng cho những người đàn hay hát giỏi. Tổ chức những buổi giao lưu giữa những đội hát, nhóm đàn.

6.            Các Đài phát thanh và Truyền hình nên có những buổi giới thiệu, có chuyên gia giải thích, những bộ môn âm nhạc, trong truyền thống dân gian hay bác học vào những giờ có nhiều người nghe hay xem, bày những trò chơi đố giải, có liên quan đến âm nhạc dân tộc. Đài nên mời những nghệ sĩ có tên tuổi đến dự những buổi liên hoan trên Đài về Hát ru, Hò, Lý, Đối ca Nam Nữ. Những nguời nghiệp dư được huy chương vàng, bạc hay đồng trong các liên hoan tại các huyện các tỉnh, được mời lên Đài biểu diễn, coi đó như là một phần thưởng mà các bạn không chuyên nghiệp rất thích.

7.            Báo chí nên có những trang đặc biệt về âm nhạc dân tộc.

8.            Những nhà xuất bản sách báo nên phát hành những bưu ảnh có hình nhạc khí được thông dụng do các nhạc sĩ trẻ biểu diễn, những sách tập vẽ hay tô màu hình nhạc khí truyền thống, những sách góp lại những truyền thuyết liên quan đến âm nhạc.

9.            Những nhà xuất bản đĩa hát nên cho ra những dĩa hát giới thiệu nhạc khí, nhạc phẩm dân tộc, do những nghệ sĩ trẻ biểu diễn, có lời giới thiệu của những giáo sư có tên tuổi do những kịch sĩ, ca sĩ được quần chúng hâm mộ đọc lên, từng ấy « siêu sao »  sẽ thu hút nhiều người mua dĩa.

Rất cần có nhiều người do hiếu kỳ, đi tới âm nhạc truyền thống để tìm hiểu. Có hiểu mới thương, có thương mới thích, mới sẵn sàng để thì giờ học hỏi, luyện tập, biểu diễn, thưởng thức, rồi đi tới bảo tồn, phổ biến, phát huy âm nhạc dân tộc.

Trong xã hội hiện nay, muốn huy động tư nhân hay hiệp hội, cơ quan nhà nước hay thương hội tư, kêu gọi sự tài trợ của các "mạnh thường quân" hay các doanh nhân, chỉ có chánh quyền mới có thể phát động phong trào mạnh mẽ.

Hiện nay chánh quyền đã có vạch ra đường lối văn nghệ rất đúng, nhưng các cơ quan thi hành đường lối chưa được đúng. Thí dụ khẩu hiệu "Dân tộc, Khoa học, Đại chúng" rất hay. Tính dân tộc là ưu tiên, là trên hết. Nhưng dân tộc là gì? Mỗi người hiểu một cách. Không ít người cho rằng cây đàn piano nếu được nhiều người ưa thích, học hỏi và biểu diễn nó sẽ thành cây đàn dân tộc. Nói trọng dân tộc, kêu gọi dân chúng Về nguồn, nhưng ta vẫn còn thấy cảnh dàn dựng một Giao hưởng khúc sáng tác theo phong cách Âu Tây, được tài trợ cả vài trăm triệu đồng. Tổ chức một liên hoan về đờn tranh có nhiều nước châu Á tham dự Nhựt bổn, Đại Hàn, Singapore, v.v… chỉ nhận được tài trợ không đến ba chục triệu đồng.

Trong tư nhân cũng vậy có nhan sắc, mặc áo dài đẹp nhứt được thưởng 15 triệu đồng. Có năng khiếu âm nhạc, dày công học tập năm nầy tháng nọ, phải thi qua ba bốn đợt, được huy chương vàng và số tiền 10 triệu. Nói chi đến đá bóng. Đưa một trái banh vào lưới được thưởng ba chục triệu đồng như chơi, nhấn một chữ đàn gân guốc làm não ruột người nghe, chỉ đuợc tiếng xuýt xa, hay một tràng pháo tay…rồi thôi ! Người nghệ sĩ đã làm rung động lòng thính giả lại lủi thủi ra về sống cuộc đời hẩm hiu !

Tính thực dụng lại được đưa ra để giải thích những việc đó. Thì ra âm nhạc đã không còn là một nghệ thuật mà chúng ta phụng sự và đã biến thành một món hàng chúng ta bán !!!

10.          Chánh quyền có thể giúp rất nhiều trong việc giữ gìn và chấn hưng âm nhạc dân tộc. Những điều cấp bách cần phải làm Giáo Sư Ca Lê Thuần đã nói rất rõ ràng, đầy đủ và chí lý. Tôi chỉ lập lại ba việc:

         i)        Đem âm nhạc vào học đường và nhứt là ở cấp mẫu giáo và tiểu học.

           ii)   Cải tổ chương trình dạy nhạc trong cấp Trung học và

                  nhứt là trong các NhạcViện.

     iii) Có chánh sách ưu đãi những nghệ nhân suốt đời tận tụy với âm nhạc truyền thống và với sinh viên học nhạc dân tộc.

Trong quần chúng còn nhiều nhận định về âm nhạc truyền thống cần nên xét lại:

1. Có lắm người cho rằng âm nhạc truyền thống "lạc hậu". Tôi chi xin hỏi lại các vị ấy có biết chi về âm nhạc truyền thống mà dám cho rằng nó lạc hậu.

 Các vị có biết tiếng vê, tiếng vẩy, tiếng lia của đàn đáy khác tiếng phi, tiếng chầy của đàn tỳ bà ra sao không?

Các vị có biết rằng cách nhấn đàn tranh chúng ta phong phú hơn cách nhấn của đàn Zheng Trung quốc, vì chúng ta có nhấn nửa bực, một bực, một bực rưỡi, có nhấn rung, nhấn mổ, nhấn nhảy, nhấn vuốt?

Các vị có biết cách gõ phách trong truyền thống ca trù độc đáo có một không hai trên thế giới? Thường thì khi gõ nhịp hay đánh trống thì dùng hai dùi giống nhau, không có nơi nào dùng hai dùi một thân tròn một chẻ làm hai để cho có một tiếng nặng một tiếng nhẹ, một tiếng trong một tiếng đục, một tiếng cao một tiếng thấp một tiếng Dương một tiếng Âm. Khi đánh thì âm dương trộn nhau, hai tiếng, phách cái, phách con, chen nhau làm cho nhịp đều được bao trùm trong những tiếng phụ, phách không hiện rõ mà biến thành "lẫn phách" có phân nhịp mà như không có nhịp, thật mà như hư, có mà như không, hiện mà như ẩn?

 Các vị có biết hát Nam trong hát tuồng, hát bội, có luyến và láy? Luyến là gì mà láy là gì? Tại sao lại phải khi dùng láy lệ, lúc dùng láy rút, láy nhún, láy đấp bờ, láy âm, láy dương?

Bao nhiêu cái tế nhị trong thanh nhạc, trong khí nhạc, các vị có biết rõ không mà dám cho rằng âm nhạc truyền thống là lạc hậu?

2. Nhiều người cho rằng âm nhạc truyền thống rất "lề mề", không theo kịp nhịp sống của thời đại. Trong xã hội công nghiệp, nhịp sống rất mau mà nhạc cổ truyền quá chậm. Tại sao nhịp âm nhạc lại phải mau theo nhịp của xã hội công nghiệp? Âm nhạc là nghệ thuật, công nghiệp là kỹ thuật, tiết tấu của hai bên không liên quan gì với nhau cả. Nhịp của nghệ thuật là nhịp của trái tim. Trái tim của chúng ta không thể đập theo nhịp điệu cuồng loạn. Nếu trái tim phải đập theo nhịp của kỹ thuật, chắc ta phải vào bịnh viện. Ở những nước kỹ thuật tiên tiến bên Âu Mỹ, nhịp sống mau hơn nhịp sống ở nước ta nhiều. Thanh niên các nước Âu Mỹ đang quay về nhạc châu Á để tìm chút yên tĩnh, hầu chống lại nếp sống quay cuồng, lôi cuốn con người vào guồng máy của nó.

3. Có người lại nói rằng nhạc truyền thống của ta phải theo đà tiến hoá, phải thế nầy thế nọ. Các bạn quên rằng âm nhạc truyền thống đang lâm vào cảnh nguy kịch, như căn nhà đang cháy hay bị lũ cuốn lôi. Phải chữa cháy trước đã rồi mới nghĩ phải trồng hoa ngoài sân, phải treo tranh trên tường, phải đặt điều hoà không khí. Âm nhạc truyền thống đang lâm cơn bịnh mãn tính trầm kha. Phải chữa cho bịnh lành rồi mới nghĩ uống thuốc bổ cho khoẻ người, tập thể dục cho nở nang bắp thịt. Âm nhạc truyền thống không phải bất di bất dịch. Nhưng trước khi định cho nó phải tiến bộ như thế nào, nên cứu cho nó sống trước đã.

Theo tôi vừa trình bày phía trên, muốn trị bịnh cho âm nhạc truyền thống, phải có chánh quyền nhúng tay vào. Nhưng chỉ có chánh quyền thì không đủ. Tất cả chúng ta, mỗi người trong phạm vi hoạt động của mình, phải ý thức đến việc mất còn của âm nhạc truyền thống và tùy theo khả năng của mình góp phần vào việc điều trị căn bịnh mãn tính, thì họa chăng trong mươi năm hai mươi năm nữa chân trời âm nhạc truyền thống mới có thể tỏ rạng hơn ngày nay.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513620

Hôm nay

293

Hôm qua

2313

Tuần này

21557

Tháng này

220493

Tháng qua

121356

Tất cả

114513620